Tôi đến Bắc Kinh lần đầu vào tháng Tư 1996, bảy năm sau sự biến Thiên An Môn. Vào tiết lập xuân những cành đào khoe sắc trong nắng gió rất ư nghệ thuật vị nghệ thuật!, Quá muộn để đóng vai chứng nhân mà làm thi sĩ thì khôi hài lạc lõng… tôi lang thang khắp cố đô giữa biển người du khách rồi đi ra ngoại ô ngồi uống rượu với đám dân công rách rưới dưới bầu trời đỏ quạch trùm phủ thủ đô vì gió bụi sa mạc - đỏ quạch như tâm sự của riêng mình…
Những vệt máu khô đã mất dấu, mớ thây người cũng rã mục từ lâu. Nơi quảng trường của tội ác tôi chợt thấm thía câu nói của Adorno: Sau Auschwitz làm sao có thể tiếp tục viết những bài thơ! Và nỗi bi phẫn câm nín một lần nữa lại theo tôi trở lên thang máy bay với niềm ám ảnh khôn nguôi … Từ bấy đến giờ đã 24 năm, tập đoàn Bắc Kinh không bị lịch sử chôn vùi mà ngược lại. Chế độ toàn trị ở Trung Quốc đã bôi xóa thành công ký ức tập thể của thế hệ hậu Thiên An Môn; đúng như lời dự đoán của nhà tranh đấu dân chủ Phương Lệ Chi từ 1989, cũng như đảng Cộng Sản TQ đã xóa sạch ký ức về phong trào Trăm Hoa 1956 và phong trào dân chủ 1979 trước đó.
Kèm theo hai bài Vẫy bút giữa Thinh Không và Vân Cẩu Bi Ca tôi đã phổ biến trên mạng là một chùm thơ tiêu biểu của thế hệ các thi sĩ từng có mặt ở Thiên An Môn vào mùa xuân thắm máu năm xưa. Những dòng chữ này là nén hương thắp cùng với các trí thức sinh viên gốc Hoa đang tưởng niệm tại nhiều các đại học Mỹ đêm nay các liệt sĩ Thiên An Môn.
CHÂN PHƯƠNG
VẪY BÚT GIỮA THINH KHÔNG
Này cành đào Bắc Kinh
còn nhớ mùa xuân máu?
Trời xanh không nước mắt
Gái đẹp cười vô tình
Lăng mộ nằm tịch mịch
Thiên Đàn đứng nín thinh
Mấy nghìn năm hận sử
chồng chất xác dân lành
Bạo chúa nối bạo chúa
Bao giờ mới văn minh?
BÀI THƠ BỎ DỞ
GIANG HÀ
Tôi đã chết.
Những viên đạn bỏ lại thi hài tôi lỗ chỗ tựa các tròng mắt rỗng.
Tôi đã chết
chẳng để tạo nên dàn đồng ca rên khóc, một cảnh quan náo nhiệt xúc động,
khiến đóa hoa đơn lẻ sẽ nở trên nấm mộ mình ---
thiên hạ vốn có thừa cảm tính.
Mỗi ngày sương móc làm tươi mát thảo nguyên
và sông ngòi tuôn ra đại dương
như mớ xúc động ướt át cũ càng.
Tâm tình thiên hạ chưa phấn khích đủ hay sao?
Tôi bị đóng đinh đến chết trên vách ngục thất;
quần áo của tôi nổi trôi chậm chạp như lá cờ được kéo lên.
TIẾNG CHUÔNG
ĐA ĐA
Chẳng có tiếng chuông nào đánh thức ký ức
nhưng hôm nay tôi nghe
chuông vang lên chín tiếng
khiến tôi thắc mắc không biết nó còn ngân thêm bao lần.
Tôi nghe chuông vang từ mấy chuồng ngựa.
Đi được một dặm
tôi lại nghe:
“Trong cuộc tranh đấu để cải thiện hoàn cảnh
đến khi nào mi sẽ gia tăng mỹ mãn chất nô bộc trong mi?”
Đúng lúc ấy, tôi bắt đầu ghen với con ngựa được ở lại chuồng.
Đúng lúc ấy, kẻ cưỡi lưng tôi tống vào mặt tôi quả đấm.
DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT
THƯ ĐÌNH
Hết đêm này qua đêm khác,
dây chuyền thời gian sản xuất.
Khi tan tầm rời dây chuyền sản xuất nhà máy
chúng tôi nhập hàng nối nhau về nhà
tựa các vì sao trên cao tụ lại trôi ngang nền trời.
Đằng kia
hàng cây mới trồng đứng bơ vơ.
Chắc tinh tú đã đuối sức
sau nhiều thiên niên kỷ
không thay đổi lữ trình
và dáng đầy đặn, màu sắc
của lũ cây non thiếu máu
tái nhợt trong khói than nhà máy.
Tôi biết điều này
vì chúng tôi chia chung một tập quán.
Lạ thật
tôi không cảm thấy mình hiện hữu.
Do khổ cực hoặc thói quen tôi hóa thành
hàng cây đang trổ nhánh, các tập hợp sao trời,
số phận đã an bày này
tôi chẳng còn hơi sức đâu mà cật vấn.
MỘT NGÀY
BẮC ĐẢO
Khoá các bí mật của mi vào ngăn kéo
để lại những ghi chú bên lề cuốn sách mi ưa thích
bỏ phong thư vào thùng thư rồi đứng lặng hồi lâu
nhìn ngang nhìn dọc đám bộ hành bước trong gió,
quan sát vô tư các cửa kính tiệm với ánh nê ông chớp nhoáng
nhét đồng cắc vào buồng máy điện thoại
hít trộm khói thuốc của tay câu cá dưới cầu
trong lúc chiếc tàu hơi nước hụ vang một hồi còi
mi tự giương mắt ngắm qua mấy cụm mây khói thuốc
trong tấm gương to mờ mờ nơi lối vào nhà hát
và khi tấm màn sân khấu đã bịt tắt tiếng ồn của biển tinh tú
hãy lật dưới ánh đèn đường mấy phong thư cũ với mớ ảnh nhòa phai.
ĐỪNG CHẤT VẤN MẶT TRỜI
CỐ THÀNH
Đừng tra hỏi mặt trời.
Hôm qua chẳng phải lỗi nó;
hôm qua là một vì sao khác
đã cháy tan
trong ngọn lửa hy vọng đáng gờm.
Trên hương án của hôm nay
phô bày niềm im lặng hoàn hảo
cùng những chậu kiểng được chọn kỹ càng,
niềm im lặng
của tảng băng thạch
lênh đênh trên luồng nước ấm.
Khi nào thì tiệm tạp hóa to tiếng khản giọng
Và guồng quay ngựa gỗ ghép vá
sẽ sống lại, bắt đầu chuyển động lại
chở theo đám vũ công hoặc bọn thiếu niên câm lặng
bầy nhi đồng răng chưa mọc
và các cụ lão không còn răng.
Có lẽ bao giờ cũng có dăm mạng người
chịu số phận bị thế gian loại bỏ,
mấy chiếc lông bạch hạc
nhặt được mỗi ngày nơi trại lao công.
Màu đỏ quất với sắc lục nhạt,
vừa đắng vừa ngọt
các ngọn đèn bật sáng.
Giữa hoàng hôn sương khói
thời gian chữa lành thương tích và ta sống tiếp.
Thôi ta về nhà
quay lại với đời sống.
Tôi chưa quên đâu;
Tôi sẽ thận trọng dò bước qua mồ mả.
Cái vỏ trứng rỗng của vầng trăng trên kia
sẽ đợi đàn chim trở lại sau những chuyến đi.
VÂN CẨU BI CA
tưởng niệm Cố Thành*
xuôi bờ Hoàng Hà
ngược dòng Dương Tử
bay ngang Trường Thành
chạm đỉnh Thái Sơn
những vệt xám dài hằn trên nương ruộng
những lằn đen in dấu khắp thôn hương
từ Ân Thương qua Tần Hán
từ Khổng miếu đến Mao lăng
rơi xuống
thành máu dân đen
rơi xuống
thành lệ oan hồn
những áng mây trôi chậm
những áng mây buồn
những áng mây cắm ba nén hương
*Cố Thành, con thi sĩ Cố Công, là một trong những nhà thơ tài hoa của Mông Lung Phái. Sau sự biến Thiên An Môn ông trốn ra nước ngoài rồi sống lưu vong với vợ ở Tân Tây Lan. Ít năm sau nhà thơ-đạo sĩ này lâm vào khủng hoảng; ông giết vợ với một lưỡi rìu rồi tự sát.
***
Nguồn của những bài thơ tuyển dịch trên đây là tuyển tập thơ TQ, OUT OF THE HOWLING STORM do Tony Barnstone biên tập, Wesleyan U.P.,1993.
Để tìm hiểu thêm về nhà vật lý học Phương Lệ Chi và các ý kiến của ông về chế độ Bắc Kinh, có thể đọc bản dịch bài viết của Perry Link do Hoàng Hưng phổ biến trên mạng Bauxite VN:
Boston, ngày 4 tháng 6 năm 2013