Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.143.900
 
Dị dạng sự tích Hòn Bà ?
Phan Chính

 

 

      Thắng tích Hòn Bà vừa được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây là một hòn đảo nhỏ cách bờ biển phường Bình Tân, thị xã La Gi khoảng 2 cây số, diện tích trên 2 ha, cảnh quan thơ mộng. Trên đảo có đền thờ Pô Inư Nưgar, còn gọi là Thiên Y Ana (Thiên/ Yan Pô là thần Trời, Y Ana từ âm  Inư Nưgar, nghĩa là mẹ xứ sở) được coi là xuất xứ từ truyền thuyết tín ngưỡng của người Chăm, là người tạo lập nước Chiêm Thành.

 

       Hành trình của nữ thần chủ của các ngôi đền trên các tỉnh Miền Trung như Hòn Chén (Huế), Dinh Bà (Lý Sơn), Quảng Nam, Tháp bà Pô Nagar (Khánh Hòa), Hữu Đức (Phan Rang), Phan Rí Thành, Phú Hài, Phú Quý, Hòn Bà (Bình Thuận)…và về sau biến thành tâm thức tín ngưỡng hình tượng Bà mẹ xứ sở của người Việt và sùng bái với tên gọi Thiên Y Ana. Tại Bình Thuận có 5 di tích thờ nữ thần Thiên Y Ana. Đến nay khu đền thờ nữ thần Pô Inư Nưgar duy nhất của vương quốc cổ Chămpa là ngôi đền Pô Nagar Tháp Bà Nha Trang với giá trị hiếm hoi từ tư liệu bài minh văn của Indravarman IV (1265 -1285) khắc trên cột đá trong sân tháp và các bia ký khác có thần Mẹ nguyên thủy của cư dân bản địa Ấn Độ được phát triển lên khái niệm triết học và tôn giáo về Shakti và Devi, biểu lộ rõ nét nhất ở khu đền Pô Nagar Nha Trang. Qua đó cho thấy quá trình hình thành từ nguyên mẫu Nữ thần Mẹ Bhagavati Ấn Độ dần dần biến đổi qua Yan Pu Nagara là nữ thần chính của người Chăm nhưng do cách viết hoặc là Nagar hay Nưgar...  Đến năm 1856, Thượng thư Phan Thanh Giản cho khắc bia ghi lại huyền thoại Thánh mẫu Thiên Y Ana, tất nhiên phải dựa vào cái nền của thần thoại Inưvưga đã lưu truyền và tư liệu bia ký của người Chăm. Có khác chăng là ở một số tình tiết nhỏ nhưng vẫn nêu bật được sự hiển linh, nhơn tâm cứu nhân độ thế của Bà. Linh vật thờ ở một số đền, thờ Bà Thiên Y A na là chính, còn có nơi thờ thái tử Bắc Hải, ông bà Tiều (cha mẹ nuôi) và hai người con trai. Có tư liệu nói là một trai một gái hoặc có nơi thờ 3 người con gái được Bà truyền quyền phép.    

      

          Liên hệ với  đền thờ Thiên Y Ana Hòn Bà- La Gi, có điểm chung với ngày vía Bà ở Nha Trang là ngày 23 tháng Ba âm lịch hàng năm. Từ một tảng đá thiên nhiên có hình dáng một nữ thần, được chạm trổ, tôn tạo thành hình tượng Bà Chúa Ngọc Thiên Y Ana. Sau này phát sinh một miếu nhỏ thờ Chúa Chàng Râu và dưới chân đảo có am thờ Ông Cai. Nhưng có điều khác biệt, huyền thoại Hòn Bà qua bao đời và lưu truyền đến người dân địa phương ngày nay vẫn là một câu chuyện tình trắc trở, phân ly và nhân vật Bà là hiện thân của thần linh, che chỡ ngư dân lúc gặp nạn… Đặc điểm Hòn Bà có một huyền thoại rất riêng dù tâm điểm thờ cúng là ngôi đền có tượng Bà Thiên Y Ana, không có gì liên quan đến truyền thuyết của Pô Inư Nưgar/ Thiên Y Ana. Xuyên suốt sự tích được truyền tụng, có đôi vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc trên vùng đất La Gi còn hoang dã, chỉ có rừng biển và muông thú. Nhưng rồi xảy ra bi kịch, làm chia cách nhau. Kịch tính ở chỗ là trong cơn giận dỗi do hờn ghen người chồng phụ bạc, Bà dậm chân ba dậm ở Động Bà Sang (Tân Long), đất liền bỗng tách ra thành hòn đảo nhỏ Hòn Bà. Còn người chồng khi ăn năn thì đã quá muộn nên lầm lũi đi ẩn dật ở một ngọn núi cao, sau đó gọi là Núi Ông (Tánh Linh). Còn nồi nước sôi do bà đun lên, chờ chồng mang thú rừng săn được đem về, bị bà đạp đổ nay là Suối Nước Nóng Bình Châu.

 

          Trong khi đó, “hồ sơ khoa học Thắng tích Hòn Bà” được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt (QĐ số 2153/QĐ-UBND ngày 30/10/2012) để làm cơ sở ban hành quyết định công nhận di tích, cũng như tập “Tư liệu thuyết minh các di tích lịch sử văn hóa ở Bình Thuận” (do Sở VHTT-DL Bình Thuận- 2010) có một phần nội dung về truyền thuyết Thiên Y Ana vẫn dựa vào tư liệu sự tích Pô Nagar Tháp Bà Nha Trang nhưng lại biến hóa: “Thiên Y Ana là người Chăm, xuất thân tại Khánh Hòa, Bà hóa thân vào khúc gỗ trầm hương trôi theo biển đến đảo Phú Quý sinh sống một thời gian. Sau đó, Bà tiếp tục hóa thân vào khúc gỗ trầm hương trôi theo sóng biển đến đảo Hòn Bà; tại đây, Bà sống với một vị vua Chăm có tên là Chúa Chàng Râu….” Nói về am thờ ở chân đảo (am Ông Cai), theo truyền thuyết thì đây là một phú thương, cặp thuyền tránh bão, thấy Bà sống một mình lại có nhan sắc nên có hành động bỡn cợt, xúc phạm. Bà trừng phạt răn đe, sau đó gã phú thương này hối lỗi và xin nguyện làm người giữ đảo trung thành. Nhưng trong “Hồ sơ khoa học Thắng tích Hòn Bà” lại làm mới tình tiết này“…am thờ Trịnh Hoài Vũ, theo truyền thuyết tại địa phương thì ông là người giúp bà Thiên Y Ana trông coi đảo”. Nếu thờ Chúa Chàng Râu là biểu tượng của một người trong vương tộc Chăm được giao quyền cai quản một vùng đất còn có thể chấp nhận được, coi như vị thành hoàng. Nhưng cho là chồng của Thánh mẫu Thiên Y Ana thì không có cơ sở tư liệu nào chính xác. Có nhà nghiên cứu văn hóa Chăm khi được hỏi thì họ không khẳng định nhưng cho đó là điều cần thận trọng vì liên quan đến vấn đề tín ngưỡng tâm linh bởi chưa thấy ở tư liệu nào, cũng chưa hề có trong truyền thuyết cho rằng Chúa Chàng Râu là chồng của Thiên Y Ana như ở thắng tích Hòn Bà (La Gi). Theo Wikipedia, Bà Thiên Y Ana có 97 chồng, chỉ có Pô Yan Amo là có uy quyền nhất nhưng không có nơi này xây tượng thờ cùng Bà, chẳng lẽ đó Chúa Chàng Râu? Lại càng khó tin, từ trước thế kỷ X xa lắc mà còn xác minh được đầy đủ họ tên là Trịnh Hoài Vũ cho là cận vệ của Bà, tức sống cùng thời xa xưa với Bà! Vì theo tư liệu trên cho là đền thờ Thiên Y Ana (Hòn Bà) do người Chăm tạo dựng vào khoảng thế kỷ XV- XVI, nhưng lịch sử xây dựng đền tháp thờ phụng Pô Inư Nưgar ít nhất cũng vào khoảng trước thế kỷ X. Nếu dựa theo huyền thoại của đền Pô Nagar Khánh Hòa thì chỉ có địa danh núi Đại An coi là nơi phát tích. Nhưng sao lại có chuyện Bà hóa thân vào thân gỗ trầm hương trôi ra đảo Phú Quý (Bình Thuận) rồi sau đó tắp vô đảo Hòn Bà (!).Thật lạ lùng khi đây là một hồ sơ khoa học! Trong bài hát dâng lễ mời nữ thần Thiên Y Ana có đoạn:”…Thần sinh ra từ mây và bọt biển/ Thần có 97 vị chồng, nổi tiếng là Pô Amư (Thần Cha)/ Thần sinh ra 38 cô con gái/ Thần sinh ra lúa gạo…” Để thấy rằng, với tín ngưỡng thờ phụng của người Chăm thì nữ thần Pô Inư Nưgar là người mẹ vĩ đại duy nhất sản sinh ra vạn vật trên vũ trụ và trong lễ thức của ngư dân vùng biển La Gi cũng có thêm niềm tin đó là vị thần linh, luôn cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn trước phong ba bão tố. Khi đất Kauthara của người Chăm thuộc về người Việt thì huyền thoại Pô Inư  Nưgar/ Thiên Y Ana được Việt hóa đôi chỗ để nói lên tính linh ứng, giá trị nhân văn phù hợp với hoàn cảnh xã hội bấy giờ. Tuy nhiên sự tích Hòn Bà ở La Gi lại là một câu chuyện có tính sử thi hoàn toàn mang đậm bản sắc Việt. Không thể vì một lý do nào đó nhằm tạo sức thuyết phục cao, lại biến hóa những phần cơ bản hoặc căn cứ hiện vật thờ cúng để suy diễn không phù hợp đối với một huyền thoại đã lưu truyền trở thành tín ngưỡng dân gian lâu đời.

 

 

 

 

Phan Chính
Số lần đọc: 3134
Ngày đăng: 15.06.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
50 năm ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 11.6.1063 – 11.6.2013 - Vũ Ngọc Anh
Những loại đàn tì bà - Vương Trung Hiếu
Xã Hội Dân Sự : Đó chính là Sự Hy sinh Dũng cảm - Đoàn Thanh Liêm
Phải chăng chu thần Cao Bá Quát là Cha đẻ của phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải!? - Thái Doãn Hiểu
Dịch phẩm cho Lễ Phục Sinh - Nguyễn Hồng Nhung
Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? - Nguyễn Cung Thông
Du xuân Tà Cú - Phan Chính
HỎA LINH, SỰ THẬT VÀ THẦN THÁNH - Nguyễn Hồng Nhung
BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH - Nguyễn Hồng Nhung
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 4. hết - Nguyễn Văn Thành
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)