Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
950
123.136.990
 
Cảnh Cửu và sự cô đơn đến tận cùng
Nguyễn Lệ Uyên

 

 

“Tôi yêu anh yêu biết nhường nào

như quê hương yêu anh yêu mê mệt

mà anh dửng dưng, nguội lạnh.

Tôi buồn như những đám dương vùng Đại Lãnh.

Tôi khóc như mưa chiều về với núi Vọng Phu”.

 

 

 

Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng, Cảnh Cửu chỉ có một truyện ngắn duy nhất là Thư từ Tuy Hòa, đăng trên tạp chí Văn số 45 chủ đề Françoise Sagan ra ngày 1.11.1965. Nhưng thật ra không phải vậy. Hơn một năm sau, truyện ngắn thứ hai Vòng đai học vấn (1) xuất hiện trên Văn số 72, ngày 1.11.1966; rồi 5 tháng sau là truyện Khởi hành vào mùa xuân tương lai (1) Văn số 79, ngày 1.4.1967; đây cũng chính là truyện cuối cùng ký tên Cảnh Cửu.

 

Như vậy, trước sau Cảnh Cửu có 3 truyện đều được đăng tải từ tạp chí Văn, một tạp chí văn chương nổi tiếng của miền Nam. Đây có thể coi là một trong số những truyện ngắn độc đáo trong dòng văn học nghệ thuật VNCH.

Chỉ riêng việc Cảnh Cửu đến với văn chương không ồn ào, rồi lặng lẽ rút lui (không viết thêm một truyện nào khác trên bất kỳ tạp chí văn chương nào khác) đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi tại sao, và Cảnh Cửu là ai?

 

Cảnh Cửu là ai? Không hề có một thông tin nhỏ nào. Ngay cả khi còn là thư ký tòa soạn Văn, chính ông Trần Phong Giao, lúc cho đăng truyện Thư Từ Tuy Hoà mà “không cần qua Ban tuyển đọc tác phẩm, chỉ vì truyện khá hay, lại là truyện ngắn đầu tay” – lời TPG. Ông viết thư khuyến khích Cảnh Cửu, gửi nhuận bút cho tác giả với hy vọng của một người luôn nặng lòng với văn chương, luôn để mắt khám phá những cây bút trẻ tài năng, sẽ có thêm một Cảnh Cửu chói sáng như một số nhà văn trẻ trước đó. Nhưng rồi hy vọng  đã không thành và những gì ông nói về Cảnh Cửu trong những buổi “trà dư tửu hậu” chỉ là những từ “hình như” nối liền nhau: Lúc truyện ngắn đầu tiên được chọn đăng, hình như Cảnh Cửu đang theo học ngành Nông Lâm Súc tại Sài Gòn. Trước đó, hình như Cảnh Cửu theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, nơi đến đầu tiên là Tuy Hòa, vùng đất nghèo nàn, khô cháy ở duyên hải miền Trung. Hình như Cảnh Cửu cũng học bậc trung học ở đấy (trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa – dẫn của người viết).

 

Mà đúng vậy. Ngoại trừ truyện Vòng đai học vấn, còn hai truyện kia, Cảnh Cửu đều lấy bối cảnh là Tuy Hòa – Nha Trang – Qui Nhơn, thông qua những lần lui tới trên những chuyến tàu lửa “hậm hực phun những tàn lửa và thét inh ỏi, vang động núi rừng”. Điều này chứng tỏ rằng, Cảnh Cửu đã từng sống, từng qua lại ba thành phố này nhiều lần và hiểu biết khá cặn kẽ miền đất ca dao duyên hải nam Trung bộ “anh về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hoà thăm em” hay “Bình Định tốt nhà, Phú Yên tốt lúa, Khánh Hòa tốt trâu”!

 

Với sự hiểu biết về nơi tạm cư như một khám phá mới mẻ cá nhân, ngay ở cửa ngõ ra vào Tuy Hòa, Cảnh Cửu giới thiệu: “Con sông Đà Rằng chảy qua cây cầu một ngàn hai mươi thước đó làm anh mê à. Mùa mưa nước lênh láng bao la thật. Cũng mùa mưa nước đổ dầm dề gió bấc cắt da chỉ còn con sông Đà và chỏm núi Nhạn là tương phùng như trong chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Cá ở ngoài biển dám chèo vào với bánh tráng trong thành phố đó…” (TTTH). Còn Nha Trang thì: “Con đường Gia-Long với hai hàng me thẳng tắp trước cổng nhà thờ. Tôi không thể nói gì nhắn gì. Hàng me thì những lá nhỏ. Nhà thờ thì tháp chuông cao” (KHVMXTL) và: “Hương khói mùa xuân còn nghi ngút ở Tháp Bà. Tôi đứng trên những bậc cấp nhìn xuống Cầu Xóm Bóng cong cong, nước dưới cầu lặng lờ” (KHVMXTL). Với Qui Nhơn: “Tàu chạy ngày càng sâu trên đất Bình Định. Tôi chỉ cho anh vài tên vùng đi qua: Vân Canh nhiều thượng. Diêu Trì ngã ba. Cầu Đôi nước đứng. Tháp Chàm gạch đỏ và núi Qui Nhơn lở lói. Nhưng chắc anh không thấy gì… Thành phố những miền này như thế cả. Nó chắp nối, vay mượn không ra cái thể thống gì. Chiến tranh giày vò, dẫm đạp nó quá nhiều làm sao nó giữ được một truyền thống.Nhưng Qui Nhơn còn hơn Tuy Hoà tôi nhiều (TTTH).

 

Cái cách Cảnh Cửu miêu tả, nhận xét những cảnh vật, con người mà mình từng có dịp tận mắt nhìn thấy và từng sống với trong khoảng thời gian ít ỏi, tuy không óng ả, trau chuốt, đôi lúc có vẻ mộc mạc, thô kệch đến trần trụi… nhưng lại làm cho đoạn văn bỗng trở nên sáng đẹp và lộng lẫy như chút ráng chiều hửng lên những quầng sáng sặc sỡ phía đằng tây: “Anh có thấy Tuy Hòa là bãi cát mênh mông những gai lưỡi long và cỏ may lẫn lộn. Nắng nóng làm cát bỏng dưới chân. Gió nam quét mạnh làm bụi cát bay tứ tung. Những con đường phố, những đầu tàu, những mái nhà, những phu xe, những con người nghèo khó áo đen nón lá và cát bụi vò trộn quay cuồng thảm hại. Hãy tưởng tượng đến một thôn làng: Nhìn ngoài có vẻ phong phú dừa xanh lúa tốt. Nhưng bên trong, mùa gió cát bay như mây… Những đồi cao ngất lần lần tràn xuống xóm làng làm sự sống nhỏ nhoi vô nghĩa. Mà thật vậy sỏi cát đã chiếm hết những thỏi đất màu mỡ, cây cao lên không nổi, lá mỗi ngày một lụn tàn. Sự nghèo khó đến gõ cửa thường xuyên, cơm thì gạo ít mà ngô khoai nhiều. Đậu mè, đậu phụng trộn với muối rang là món ăn đắt giá. Chắc khi đọc thư này anh có ăn cục cơm và miếng thịt gà tôi gửi theo thì dù cho cơm đã thiu thiu, thịt gà đã dai nhách cắn không bể nhưng chắc cũng đỡ hơn cái sống ở đây nhiều. Nó là cái tinh hoa của xứ sở tôi đãi du khách đấy” (TTTH). Đúng là, có sống ở Tuy Hòa lâu ngày, trong thập niên 50, 60 mới có thể nhìn thấu suốt cảnh sắc ở đây để miêu tả một cách chính xác đến như vậy. (Và hẳn nhiên, những con người từng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ba, ở độ tuổi trên dưới 70, khi đọc những dòng miêu tả trên kia, tôi chắc họ sẽ rất đỗi tự hào với chút ngậm ngùi khi hoài nhớ về xứ sở họ, với cả tấm lòng gửi đến nhà văn, vì chí ít, những đoạn miêu tả đó sẽ như tấm ảnh cũ nát để ta tưởng vọng về chốn xưa!).

 

Điều đáng lưu ý: truyện Thư từ Tuy Hòa được Văn ghi bên dưới là đoản tác của Cảnh Cửu đăng ngay trong số đặc biệt Françoise Sagan, một nhà văn nữ  của Pháp (thuộc lớp nhà văn hiện sinh nổi tiếng được độc giả miền Nam ưa chuộng, bên cạnh A. Camus, J.P. Sartre… trong thập niên 60).

 

Thư từ Tuy Hòa là một truyện ngắn độc đáo, bởi kết cấu của loại truyện không phải truyện; nội dung chỉ dồn về một phía nhân vật, như một truyện kể mà lại không phải lời kể lể; như một xâu chuỗi độc thoại rối nùi giữa quá khứ và hiện tại, giữa sau và trước, để phơi bày nội tâm của một cô gái đang hoang mang trong mớ tình cảm lùng nhùng, bởi đối tượng cô nhắm tới luôn ở trạng thái tĩnh, luôn cách xa lạnh lùng, dửng dưng đến nỗi ngay cả lúc yêu đương sôi nổi, cái sự lạnh lùng dửng dưng kia vẫn cứ sừng sững đeo bám bên người (!), khiến cho  những cảm xúc, đôi khi như chen giữa hai nhân vật đối mặt nhau để thầm thì nhỏ to, rồi lại ẩn náu nơi góc khuất nào đó có vẻ hững hờ chừng mực, nồng nàn chừng mực, như một lời than trách. Tất cả được nguỵ trang dưới một bức thư.

 

Nhân vật “anh” luôn vắng mặt, nhưng cũng luôn hiện hữu trong tâm cảm cô gái là một “anh” nào đó, một đại từ danh xưng ngôi thứ hai. Nhân vật này được Cảnh Cửu tạo ra như cái vẫy cánh của con chim hải âu ngoài khơi. Nó thật gần trong tầm tay nhưng không thể nắm bắt được trong tay, rồi lại chấp chới đâu đó tít đường chân trời mà cũng thật gần trong từng cử chỉ, hơi thở lúc cô hồi tưởng, nhớ nhung... Đó là Hắn (tên gọi từ sự sắp đặt của tác giả). Nhưng hắn đã chết trước khi cầm trong tay nỗi khao khát, thương nhớ! “Hắn chết được vài ba hôm thì có một bức thư gửi cho hắn… mãi hăm mốt ngày sau mới được xé ra”. Và, cuối truyện: “Lá thư sau đó được đem đốt thành tro, những cánh tro mỏng manh men theo gió bay đi dọc con đường ngắn, không có gì nguy hiểm cả”. Lối viết theo cách mở và đóng này, trong thập niên 60 kể như là một lối hành văn mới lạ so với dòng văn chương lãng mạn của những năm 30 còn sót lại, đã gợi sự tò mò, đã lôi cuốn và không kém hấp dẫn đối với người đọc.

 

Nhưng cốt lõi vẫn là nội dung lá thư kia, trong đó ta được biết cô gái là một cô giáo quê ở Tuy Hòa, và “anh” gốc Qui Nhơn đã rời quê khá lâu, biết về nơi chôn nhau cắt rún khá lờ mờ, hời hợt.

 

Kết cấu của truyện là những hình ảnh, những lần gặp gỡ “lấn cấn”, những tình cảm dậy lên giữa quá khứ và hiện tại trộn lẫn với nhau, nhằm giãi bày tâm trạng, tình cảm của cô gái, khi thì hưng phấn nồng cháy, lúc chìm vào vùng xơ xác bất toàn. Những chuyến tàu xuôi ngược đưa hai người gần nhau trong giây lát rồi lại tách đôi giống như “hai khoảng đường ray tránh nhau rung lên hối hấp” (HTVMXTL). Cũng có thể ví “anh” là con chim thiên di quên lối về, đã biệt xứ; con chim đến rồi đi rất đỗi bất ngờ, trong khi cô gái thì như một con chim cắt đơn độc luôn dõi theo săn lùng, với tham vọng muốn mở banh lồng ngực của “anh” bằng bất cứ giá nào để coi trái tim “anh” đập theo nhịp ngân rung của bao nhiêu trường canh, bao nhiêu đoạn khúc của nhịp sênh phách? Đấy là khoảnh khắc hai người gặp nhau trên chuyến tàu lửa và tình cảm của cô gái vụt trỗi dậy một cách ồn ào (chỉ có một mình cô ta cảm nhận được): “Tôi biết anh cũng muốn vào nhưng muộn rồi. Tôi đứng chận đây. Đầu đằng kia là cuối con tàu. Anh chạy đằng trời nào. Tôi khoanh tay ra sau tì lưng vào thành tàu ưỡn người. Ngực tôi lồ lộ. Gió tung vạt áo trước tôi đi xa thấy rõ hàng nút xẻ dọc trên quần. Gió càng mạnh làm vải ở hai bên đùi tôi mỏng thêm và chiếc xì-líp dày cộm kinh khủng. Tôi biết nhưng cũng chẳng buồn sửa lại” (TTTH).

Đây là dấu hiệu khởi đầu cho sự khiêu khích thị dục. Sự khiêu khích đối phương trổi dậy từ bản năng gốc của cô gái, bởi từ những cảm xúc có thật, đã nảy sinh một thứ tình yêu chưa được xác định mức độ, rồi chuyển sang ước muốn đụng chạm lững lờ bên ngoài da thịt mang ít nhiều nhục cảm, không tiến xa hơn, nhưng vẫn để ngỏ: “Tôi biết nhưng cũng chẳng buồn sửa lại”. Những ham muốn luôn bị ức chế, dồn nén bởi ý thức không rõ ràng giữa một giống cái và một cô giáo buộc phải đạo mạo, đôi lúc chuyển thành liều lĩnh đến cẩu thả trong nhân cách? May mà nó chỉ tồn tại trong ý nghĩ, không được thể hiện bằng những hành động chính xác “đè bẹpngạt thở chết…”. Tất cả những hình ảnh được ghi lại chỉ có chi tiết “Tôi khoanh tay ra sau tì lưng vào thành tàu ưỡn người” là động tác có thật. Còn lại, tất cả những gì hiển lộ trên thân thể cô gái như “ngực tôi lồ lộ, vải ở hai bên đùi tôi mỏng thêm và chiếc xì-líp dày cộm kinh khủng…” chỉ là những cái cảm thấy từ một phía; chắc chi “anh” thấy ngực lồ lộ, vải mỏng trên đùi và chiếc xì-líp dày cộm như cô vừa cảm, đã thấy? 

 

Đây cũng chỉ là dạng rung động dục tính, là sự rung động cô đơn từ một thân xác có sự kiểm soát chặt chẽ của lý trí, giống như một đốm sáng chợt lóe trong đêm và thong thả tắt, như một đe dọa ngọt ngào: “Tôi đâm ra chưng hửng khi đứng trước căn nhà ấy. Phải chi một căn nhà nào khác khó kiếm tôi sẽ chui anh vào một phòng ngủ nào đó đè bẹp anh ngạt thở chết cho rồi.” (TTTH)

Trong khi đó, nhân vật “anh” của Cảnh Cửu thì có vẻ như mang dáng dấp của một kẻ mộng du, luôn lầm lẫn về những sự vật đang tồn tại trước mắt anh ta. Đó là lúc tàu vào Qui Nhơn, là lúc hai người bước ra khỏi sân ga nhưng “anh” không có một chủ đích nào, thậm chí không có một khái niệm rõ ràng về không gian: “Tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói vào ga chứ đi đâu nữa. Vào ga sao lại đi tuốt đằng này. Anh chỉ cái nhà cao có đèn nê-ông xanh đỏ: Không phải ga đó sao. Tôi rụng rời: Rạp xi-nê KK. Anh không thấy chữ đó sao. Anh nói tưởng đó là chữ quảng cáo li nhi quá. Tôi lại buồn nhà ga thì thấp hơn con tàu, tối om làm anh không biết đâu mà đến. Còn rạp xi-nê thì diêm dúa màu mè, cái điểm chính không hiện rõ làm người ta phải lầm tưởng” (TTTH). “Anh” lầm lũi bước đi để tự lẫn lộn, ngay cả không hề để ý đến cô gái đi bên cạnh. Và điều này khiến cô gái càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ, mủi lòng hơn bao giờ: “Tối đó đáng lẽ tôi thây kệ anh, mình về nhà tắm rửa, ngủ một giấc cho khỏe. Nhưng thấy anh lầm lũi tôi thương quá”.

 

Tiếp theo: “Anh đi bên tôi như một tín đồ ngoan đạo. Thành phố Qui Nhơn không có gì làm anh kinh ngạc. Tôi ức nghẹn cổ. Chốc lát con phố Gia Long đã cụt. Những phố khác không đèn. Biết đi đâu bây giờ. Tôi thương tiếc tôi. Tôi thương tiếc cái thành phố này. Chỉ còn cách dẫn anh xuống bến tàu trấn nước cho ngộp thở bõ ghét chứ đi đâu nữa.” (TTTH).

 

Có lẽ đây là đoạn văn cao trào nhất trong truyện khi cái nín lặng, lầm lũi của “anh” trở thành bức tường rêu ám lạnh lẽo ngăn cách tình cảm bắt đầu dậy men, ồn ào trong lòng cô gái. Cô lại thấy mình hoàn toàn cô độc đến nỗi muốn dẫn anh xuống bến tàu trấn nước cho ngộp thở bõ ghét chứ đi đâu nữa? Phải chăng đây là nỗi cô đơn song trùng trong buổi chiều trên tàu cô nhìn thấy: “Đám người đó khiêng một thây người trên cái võng máu me loang lổ trên áo trên mặt trên thân hình. Ruột thì lòng thòng thật dị hợm”?

 

Tàu lật ở Phan Thiết, một thây người máu me, ruột lòng thòng ở vùng Ninh Hòa - Vạn Giã, bị mắc lừa ở nhà ga Qui Nhơn và bóng người đi bên cạnh lầm lũi… hình như đã khơi gợi trong lòng cô sự xót xa mất mát, mất mát bên ngoài và mất mát cả trong tâm hồn cô? Những với chụp của cô luôn bị hẫng hụt đã trở thành nỗi khao khát mãnh liệt, lẻ loi tận cùng, khiến cô phải kêu lên: “Tôi ước ao có anh đến để anh hôn tôi dưới bóng cây này hay mình vào xi-nê hôn nhau trong bóng tối. Tôi thích như vậy… Sân ga vắng tanh. Đèn phố có chỗ không. Tôi cô đơn quá. Tôi khóc một mình. Và: “Tôi yêu anh yêu biết nhường nào như quê hương yêu anh yêu mê mệt mà anh dửng dưng, nguội lạnh. Tôi buồn như những đám dương vùng Đại Lãnh. Tôi khóc như mưa chiều về với núi Vọng Phu.

 

Liệu rằng những lời kêu than nức nở kia có cứu vãn những giây phút ngọt ngào khi “anh” bất ngờ lao tới, bất ngờ lôi cô ra khỏi nhà trong buổi sáng sớm. Hai người đưa nhau ra Ghềnh Ráng. Chỉ có hai người trong nắng sớm và biển xanh ngắt sâu thẳm dưới chân núi? Với một khoảng không gian bao la như vậy, đã khiến cô phải thú nhận: “Ý thức tôi mơ hồ về thời gian không gian”. Và cô gái phải cảm ơn về sự mơ hồ ấy từ ý thức bắt đầu lao ra khỏi thế giới đang mất dần trọng lực: “Và anh giằng hôn tôi dưới nắng chói chang. Tôi kinh ngạc. Tôi đâu dễ dàng để anh hành động như vậy. Tôi xô đẩy anh và bỏ chạy”. Cuộc dạo chơi tình cảm đẩy lên thành cuộc đuổi bắt tình cảm, để cuối cùng cô trở thành những cuộn mây “đâm vào núi cao như con chim mù đâm vào ghềnh đá”. Đây cũng chính là sự chống chế cố hữu của tất cả mọi giống cái. “Tôi biết kêu ai” hóa thành sự thắng thế luôn âm ỉ nỗi khát khao đến khờ dại trước kia và ngay cả lúc này, trong người cô? Và hệ quả của mối tương tác kia là: “Tôi bủn rủn chân tay. Tôi sụm xuống sụm xuống cho đến khi mềm nhũn trong tay anh. Anh đã hôn tôi không sót một khoảng thịt da. Buổi sớm tôi còn mặc thêm một áo lót mà sao cái hôn anh vẫn thấu suốt. Chiều hôm qua tôi trông gió nâng vạt áo thật xa, thật cao và vải quần được ép thật sát vào da. Lằn chiếc xì-líp nổi kinh khủng mà tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Sao bây giờ những thứ nghi trang của tôi tan biến đi đâu mất”.

 

Lá khi rụng thì rơi xuống mặt đất. Nước luôn tích tụ ở vùng trũng và chảy xuôi ra biển, không bao giờ trở ngược lên núi cao. Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều bị lực hút của trái đất. Chúng rơi xuống và rơi theo chiều thẳng đứng. Cái định luật này cũng đã và đang xảy ra với hai người, “anh” và cô gái, trong trạng thái hưng phấn của hai mảnh ghép để cô kịp nhận thấy những thứ nghi trang đã biến mất là thuận chiều: “Anh đam mê buổi sáng. Tôi đam mê buổi chiều. Mỗi người đam mê ở một lúc khác nhau, phải chi nó trùng lại một thì đỡ khổ biết mấy”.

Giống cái luôn biết cách phòng thủ, và cô cũng đã mang ra niềm đam mê, hoan lạc để phòng thủ cho chút hạnh phúc như con chim mù đâm vào ghềnh đá. Cô, lúc này chính là những cuộn mây và con chim mù đó: “Tôi thấy ấm êm lạ thường. Anh siết chặt tôi đến nghẹt thở muốn gãy xương. Anh ôm giữ tôi chờ mặt trời lặn. Nhưng rồi mặt trời đã lặn và anh cũng không được gì. Tôi biết, tôi hiểu và tôi thương anh. Nhưng tôi cũng thương tôi chớ. Đó là cái quyền có ở mỗi con người”.

 

Với cô, niềm hạnh phúc êm ái luôn đến sát gần trong trạng thái gãy vụn, tan nát. Nó bất ngờ lao tới ôm siết cô và bất ngờ rời xa khiến cô càng lúc càng trở thành con chim nhỏ ướt mưa, run rẩy đến tội nghiệp. Cô luôn là kẻ đi chụp bắt cái bóng nhỏ ngọt ngào thật mong manh. Nhưng cuối cùng, nó chỉ là cái bóng của chính cô rớt xuống nền đất lạnh. Cô luôn bị đặt trong trạng thái đơn độc: “Tôi ước ao có anh đến để anh hôn tôi dưới bóng cây này hay mình vào xi-nê hôn nhau trong bóng tối. Tôi thích như vậy. Những chiếc phi cơ lên xuống ở phi trường đèn đỏ chớp chớp nhoè nhoè như những con bướm lửa. Bầu trời mênh mông và một màu đen khảm kín. Sân ga vắng tanh. Đèn phố có chỗ không. Tôi cô đơn quá. Tôi khóc một mình”.

 

Cuối cùng, cô gái vẫn rơi vào tình thế bị động, là kẻ không thể “tham dự vào một phần đời của anh” là một sự thất-bại-tình-cảm dẫn đến tình thế gần như tuyệt vọng và càng cô đơn hơn bao giờ, khác với buổi ban đầu, hai người, hoặc cách nhau một lối đi, hoặc xa trong tầm mắt đợi chờ, trông ngóng. Cô lại bắt đầu quay lại với khoảng trống mênh mông: “Tôi thì yêu anh mà sao không được dự vào một phần đời sống anh. Tại sao chúng ta bị đưa đẩy vào những nghịch lý như vậy để rồi đơn độc trong những cuộc hành trình không mấy chi đẹp đẽ: Quê hương đang đi dần vào cái đói khổ, điêu tàn. Tôi đang đi dần vào cái già nua, nhục nhã. Còn anh, anh đang đi dần vào cái gì? Tôi nghĩ là anh đang đến thăm tôi”.

 

Truyện ngắn thứ hai: Vòng đai học vấn không có gì đặc biệt. Đó là nỗi thất vọng, sự mất phương hướng của tuổi trẻ miền Nam trong bối cảnh chiến tranh bắt đầu nhìn thấy rõ ràng ngay trong thành phố được xem là bình yên nhất: “Bạt thức dậy khi chiếc máy bay phản lực đang rồ máy trên nóc nhà”. Sự học gần như bắt đầu lâm vào ngõ cụt: “Con đường đại học còn hun hút. Tôi chưa thay đổi xê dịch gì”. Những thông tin xấu về thời cuộc là nỗi ám ảnh đối với bọn họ. Những buổi hội thảo của sinh viên như phương cách mở ra những hướng đi mới cho tuổi trẻ, nhưng hóa ra là nó đi ngược lại, như buổi sáng đó có buổi hội thảo bên trường Dược. Không nghe thấy buổi hội thảo này đang đề cập, thảo luận những vấn đề gì, mà chỉ có hậu quả: “Đám đông ùa chạy dạt ra sân trường. Hai đám đuổi đánh nhau thì rõ rệt nhất. Đám chạy trước vượt qua trường được thì chạy biến. Đám kia đuổi theo rồi cũng mất. Còn lại mấy người bị thương được bao quanh săn sóc…”. Bạt loanh quanh trong thành phố rồi bỏ ra Vũng Tàu với những người bạn làm việc ở tòa hành chính để chứng kiến những chiếc xe Jeep lùn, một anh lính Mỹ chở một cô gái chạy vụt đi… Truyện được viết với tâm trạng rã rời, mệt mỏi. Các nhân vật và khung cảnh xuất hiện lộn xộn, rối rắm mà không nói lên được điều gì mới mẻ, chí ít là thái độ, sự lựa chọn của những người trẻ tuổi như Bạt, đang ở vào thời kỳ khốc liệt của chiến tranh Nam-Bắc như nhiều nhà văn trẻ cùng thời đã biểu tỏ? Tôi nghĩ, truyện này của Cảnh Cửu đã bộc lộ những lúng túng của tác giả trước ngòi bút khi đặt ra vấn đề không lấy gì làm to tát, nhưng không thể giải quyết được vấn đề ấy. Đây cũng chính là bi kịch cho không ít nhà văn có nhiều tham vọng!

 

 

Văn số 79 ngày 1.4.1967

 

 

Truyện sau cùng trên Văn, Khởi hành vào mùa xuân tương lai, cũng chỉ có nhân vật chính là cô gái đang lâm vào ngõ cụt của cuộc tình-yêu-kiếm-tìm, tiếp tục giãi bày những hy vọng và thất vọng, thắp lên ngọn đèn “leo lét” giữa hạnh phúc và đau khổ. Truyện này là sự lặp lại nội dung của Thư từ Tuy Hòa, ở đó Cảnh Cửu lại viết tiếp những hy vọng, thất vọng, đợi chờ, nắm chụp và mất đi và cô đơn mà Thư từ Tuy Hòa đã nói hết, viết hết? Khởi hành vào mùa xuân tương lai chỉ là cái bóng, là đứa em sinh đôi với Thư từ Tuy Hòa!

 

Ở hai truyện này, có nhiều đoạn, nhiều suy nghĩ, cảnh sắc được mô tả gần giống như nhau: “Tôi buồn như những đám dương vùng Đại Lãnh. Tôi khóc như mưa chiều về với núi Vọng Phu” (TTTH). Và: Anh hãy cúi nhìn lại tôi đi – mướt xanh như những đám dương vùng Đại Lãnh… Tôi phát khóc như mưa chiều về với núi Vọng Phu” (KHVMXTL) cùng nhiều đoạn rải rác nữa trong hai truyện vừa dẫn.

 

Nhân vật chính cũng diễn lại một thứ tình cảm nảy lên từ một phía từ những chuyến tàu, một chuyến đi và sự gặp gỡ không hẹn trước. Độc giả chỉ được Cảnh Cửu cho phép được nhìn từ một chiều về những suy nghĩ, tình cảm của cô gái như một con ốc tự thu mình vào chiếc vỏ dày. Cô khao khát rồi tự ngăn chặn chính mình, tự làm khổ chính mình. Đôi khi nhẩm đọc, ta có cảm tưởng như cô là nhân vật nữ trong dòng văn chương Tự Lực văn đoàn còn sót lại trong thập niên 60?: “Nhưng tôi thật ngạc nhiên thấy anh cũng xuống Nha-Trang. Suýt nữa tôi buông tay đánh rơi chiếc giỏ của chị. Nỗi hốt hoảng nào đã làm mình khốn đốn. Anh xuống đây hay anh đi đâu đó chỉ là phần việc của anh. Mỗi người khỏa mình trong một cử động. Cử động của anh khác cử động của tôi nào có liên hệ gì. Tôi cố trấn tĩnh đừng cho tình cảm thành hời hợt. Nhưng thật chưa lúc nào tôi lúng túng bằng: anh đã áp tới nhét vào tay tôi mảnh giấy con. May là chị tôi không để ý. Còn muốn nói gì nữa. Như thế tôi đã quá nhọc nhằn anh chưa hả sao. Anh còn có ý viết giấy đưa tận tay tôi giằng giật nữa cho hả. Tôi không muốn phải chịu đựng thêm một cái gì. Hai mươi mấy tuổi – hai mươi mấy năm – bây giờ tôi không muốn chịu thêm một cái gì nữa cả”.

Một cách khác, thì cô thật giống với hình ảnh con kiến bò quanh miệng chén với hai chiếc râu nhỏ bé luôn hướng về phía con mồi, trong khi những chiếc chân thì luôn hành động điều ngược lại, để cuối cùng phải tự dằn vặt, đau khổ, than oán: “Nhưng hai con mắt chỉ dõi trong và khô cứng như đôi mắt đã hóa đá như người mẹ bồng con đứng choi loi giữa Vũng, năm tháng nhìn ra biển khơi chờ đợi mỏi mòn mà không biết thời gian đi nhanh trên vai trên tóc… Sao anh không đọc hết niềm yêu thương trong ánh mắt tôi. Tôi yêu anh yêu biết nhường nào như quê hương yêu mê mệt mà anh lừng khừng ngớ ngẩn. Nơi ruộng lúa bao la miền Nam nào đó đã làm anh quên đi đập đồng khô cằn ở đây chăng”.

 

Cô giáo trong Thư từ Tuy Hòa và cô gái trong Khởi hành vào mùa xuân tương lai chung quy cũng chỉ là biểu tượng của sự thất bại ê chề trong thứ tình yêu bất hợp và bất toại. Ba thành phố liền kề nhau Nha Trang – Tuy Hoà – Qui Nhơn và những chuyến tàu lửa đeo mang một chuyện tình không lối ra. Những địa danh Cầu Đá, Hòn Chồng, Cầu Đà Rằng, Ghềnh Ráng, Tháp Bà… có mặt trong truyện như là những nhân chứng cho sự dãy dụa tình cảm của cô gái không hơn kém. Nếu dùng từ ngữ theo giáo sư Nguyễn Văn Trung thì cũng có thể coi sự dãy dụa tình cảm này như một bằng chứng vong thân khốc liệt nhất trong đời thiếu nữ 21 tuổi khi gặp “anh” luôn mải mê “trên bước đường phiêu bạt” , còn “em” thì “man dã trong tuổi đời ngơ ngác”.

 

Kết cục, dẫu cho cuộc tình phút chốc kia có được ghi lại, rồi có đốt thành tro hay kêu lên “nhục nhã” từ trong ý nghĩ, thì nó (cuộc tình) vẫn  luôn sưng tấy lên mặc cảm phạm tội của người thua cuộc, tự nhận đang chìm trong “tuyệt vọng”. Con tàu, một phương tiện dịch chuyển nhưng lúc thì mang đến những háo hức đắm đuối trong ánh mắt, khi thì hất tung cô gái ra khỏi miền đam mê. Xem ra, con tàu cũng tích cực dự phần vào ngõ ngách tình cảm được mất của cô.

 

Về tình yêu, về nỗi cô đơn, giận hờn… luôn được các nhà văn xây dựng với những cách nhìn, thể hiện khác nhau: Nàng Janine (2) của A. Camus chỉ ý thức được mình cô đơn khi  lặng lẽ rời khỏi giường Marcel, chồng nàng, và bỏ ra ngoài phòng khách sạn ở một thị trấn nhỏ trong sa mạc, bước qua những bậc cầu thang hẹp tối om trước khi đứng trên sân thượng, nhìn bầu trời đầy sao trong đêm tối sa mạc mênh mông! Còn người nữ của Cảnh Cửu thì luôn miệng kêu lên ầm ĩ: “Tôi cô đơn quá” trong sự chuyển động ầm ầm của những hồi còi thét dài, bánh sắt nghiến trên đường ray: “Con tàu cứ miệt mài mang tôi xa nữa. Từng bước rung rinh hì hục mang sự ngồi im của tôi bay vào sự tuyệt vọng… Tôi gục mặt để khỏi thấy ga Tuy-Hòa như một điều nhục nhã không thể tránh”.

 

Một dấu hỏi khác cũng được đặt ra: Cảnh Cửu là nhà văn nam hay nữ? Chẳng ai hay biết! Nhưng dẫu cho là gì đi nữa, thì những hiểu biết khá tường tận về tâm sinh lý người phụ nữ đã là sự thành công, khi Cảnh Cửu để cho các nhân vật nhập vai ở truyện đầu và truyện cuối, phải thừa nhận là rất hoàn hảo. Có lẽ, khi viết, Cảnh Cửu đã thả hết hồn mình vào tính cách, tâm lý nhân vật giống cái chính xác đến từng li mét. Ngay cả sự ham muốn tính dục và sự kềm nén thì cũng chỉ có một số ít nhà văn nữ, như Nguyễn Thị Thụy Vũ hay Trần Thị NgH. mới đạt được sự tinh tế trong ngôn ngữ miêu tả ở những thời khắc tế nhị nhất và cũng “trân tráo” nhất.

 

Cho tới lúc này, các tác giả nghiên cứu văn học miền Nam, các độc giả yêu mến hai truyện ngắn trên chưa một ai biết rõ về Cảnh Cửu. Còn hay mất? Đang ở đâu? Làm gì? Chỉ hy vọng những dòng chữ này đến được tay Cảnh Cửu hay người thân của Cảnh Cửu, để có thể giúp làm sáng tỏ những tồn nghi mà tác giả đã để lại trong một quãng lặng khá dài trong dòng văn học miền Nam.

Mong lắm thay.

 

                 (khởi đầu mùa gió Nam non 5/2013)

              Nguyễn Lệ Uyên

________________________________________

(1) Hai truyện ngắn này do Trần Hoài Thư sao lục ở thư viện Hoa Kỳ, chụp ảnh, đánh máy gửi về.

(2) Nhân vật trong truyện La femme adutère trong tập l’Exil et le Royome của A. Camus.

 

THAM KHẢO:

Hai truyện ngắn tiêu biểu của Cảnh Cửu trích từ tạp chí VĂN

 

THƯ TỪ TUY HOÀ

Cảnh Cửu

Hắn chết được vài ba hôm thì có một bức thư gửi cho hắn. Thật là một sự muộn màng đáng tiếc. Phải chi sớm hơn chừng ba hôm thì hắn có thể đọc vào giờ hấp hối. Thật ra sự đọc trong cái khoảng giao thời sống chết đó không giúp hắn hiểu gì. Nhưng dù sao cũng có hắn đọc. Thế còn đỡ hơn. Đằng này thư không ghi địa chỉ người gửi, chỉ đóng dấu Tuy Hòa nên cũng không biết ai mà gửi trả lại. Bức thư thành ra cứ bỏ nằm đó mãi hăm mốt ngày sau mới được xé ra.

“Tuy Hoà ngày tháng. Anh. Nhận được thư anh hơn một tháng rồi nhưng vì đau không trả lời anh được. Hôm đau tôi tưởng chết rồi chứ, đau một tuần bớt rồi tôi đi dạy và đau lại nặng quá. Tôi định viết thư cho anh hay. Anh hay thì anh có khóc giùm cho tôi không. Chắc không vì anh bận đi chơi chứ thì giờ đâu mà nghĩ đến tôi.
Anh ạ. Tuy Hoà bữa nay gió nhiều, tiếc rằng không có anh ở đây để thưởng thức làn gió anh ưa thích. Tháng bảy gió nam gió nồm quay rần rật. Ra khỏi nhà là tóc rối tung thành ra lúc nào trên tay cũng sẵn một cái lược. Thật là phiền phức. Nỗi bực dọc nữa là cát bụi bay mù mịt. Tôi phải đi mua một cái kiếng và một cái dù xếp. Tôi cẩn thận lựa chọn làn gió mà đi thế mà vẫn bực.

 

Anh có nói mùa xuân tàu chạy trên cầu cao, gió dũi dũi trên mặt sông mát lịm. Những con cá non tơ óng ả bơi trong dòng nước trong veo bình thản. Những con cá lúi đó kho măn mẳn với hành trên bếp mới nhắc xuống hơi nóng còn nghi ngút ngon lắm, nhứt là ăn với khoai lang mới nấu. Thiệt là kỳ cục. Anh đã ăn lần nào chưa mà mô tả tài vậy. Ở đây tôi mượn những lời đó mà giảng cho tụi học trò. Chúng cười ngặt nghẽo. Chúng hỏi: Bữa nào cô đãi tụi em đi. Tôi lúng túng quá.


Con sông Đà Rằng chảy qua cây cầu một ngàn hai mươi thước đó làm anh mê à. Mùa mưa nước lênh láng bao la thật. Cũng mùa mưa nước đổ dầm dề gió bấc cắt da chỉ còn con sông Đà và chỏm núi Nhạn là tương phùng như trong chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Cá ở ngoài biển dám chèo vào với bánh tráng trong thành phố đó anh ạ. Con tôm hùm to kinh khủng. Những con cua biển luộc đỏ au, gạch vàng choái, thịt ngọt lắm. Anh biết không: Nội một cái kẹp di động trên cái càng to đó cũng đủ mê rồi. Nó cong và nhọn như cái sừng trâu, trên đó có những răng cũng nhọn không kém. Gần trong góc nổi lên một cái u no tròn hấp dẫn như con bò mộng đậy u hùng hổ vậy. Tụi trẻ con ở đây lấy những cái sừng ấy để đấu xảo với nhau và nhiều khi khích nhau bắn lộn đến chảy máu tay – Anh có thích trò chơi ấy không.

Anh có nói hồi đi ngang đó thấy người ta bán cục cơm vắt và cái đùi gà to tướng mười đồng. Sự thật cũng có như vậy anh à. Nếu anh muốn tôi ra ga mua gửi cho anh. Cục cơm đó không biết có ích dụng chi cho anh không, chứ ít ra nó cũng tố giác với anh vài điều về quê hương tôi.
Con sông Đà Rằng uốn khúc tự Cao nguyên xa. Nó mang về đây ruộng lúa đập Đồng Cam sau khi đã bỏ đất đen miền nhiệt đới Cheo Reo. Ruộng lúa có xanh tươi thật, bông trái có trĩu cành thật. Nhưng đó chẳng qua là một cái gì nhỏ bé của xứ Phú Yên này. Cũng như những lặt vặt tôi vừa kể trên chỉ là để khôi hài.


Xe ra, sau khi đổ dốc đèo Cả thì bắt gặp ngay Hảo Sơn, đất bị úng phèn. Mùa hè khô cáu, đất lại chát cỏ cây không mọc nổi. Nhà ga, đồn canh cũng phải bỏ đi. Tuy An những hòn núi trọc rơi vãi bê bối khắp vùng. Nước cuốn đi chỉ còn sót lại những sỏi đá và gai găng. Nông dân đã hì hục nhặt những hòn đá đắp lại tam cấp để gieo những hạt bắp xấu đau, vàng như nghệ. Nếu anh muốn học “culture en terrasse” thì cứ ra đây. Nhưng chớ đừng ước có đất như vậy mà đem áp dụng kiến thức của mình, tội nghiệp lắm.


Con sông Đà Rằng cũng đem đến nhiều xói lở ngập lụt thảm thương. Hồi hoà bình mới tái lập, cầu chưa có xe cộ bị bao nhiêu con phà ngăn trở. Nước đi rồi những màu mỡ mùa màng cũng bị kéo ra đại dương. Nhưng chán nhứt là phải chịu đựng cái mùa đông. Mưa gió vùi dập tàn bạo làm tôi rầu thúi ruột. Đi tới đâu cũng ướt nhem nhép; ướt mê mết. Chiếc áo mưa nào cũng vô dụng. Nước thấm ngày này qua ngày nọ làm nó nặng lên và mặc vào thì âm ỉ khó chịu. Thành ra nếu không đi dạy thì trít ở nhà không đi đâu được. Mà nằm nhà nghe mưa gió gào thét bên ngoài, nghe lạnh chạy dài từ dưới chân lên đến cổ. Cô đơn lắm tôi không chịu được. Buổi tối tôi không dám tắt đèn. Tôi sợ bóng tối, sợ những ám ảnh ma quái dị kỳ. Những con bọ rầy, những con phù du bu quanh bóng đèn làm tôi thèm sự liều lĩnh của chúng quá. Biết là xem vào đó sẽ chết. Nhưng thà chết như vậy còn yên ổn ấm cúng mãn nguyện hơn là chết dần trong cái lạnh lẽo cô đơn trùng điệp này.


Đằng nào cũng chết, mùa đông không chết mùa hè cũng chết. Anh có thấy Tuy Hoà là bãi cát mênh mông những gai lưỡi long và cỏ may lẫn lộn. Nắng nóng làm cát bỏng dưới chân. Gió nam quét mạnh làm bụi cát bay tứ tung. Những con đường phố, những đầu tàu, những mái nhà, những phu xe, những con người nghèo khó áo đen nón lá và cát bụi vò trộn quay cuồng thảm hại. Hãy tưởng tượng đến một thôn làng: Nhìn ngoài có vẻ phong phú dừa xanh lúa tốt. Nhưng bên trong, mùa gió cát bay như mây… Những đồi cao ngất lần lần tràn xuống xóm làng làm sự sống nhỏ nhoi vô nghĩa.


Mà thật vậy sỏi cát đã chiếm hết những thỏi đất màu mỡ, cây cao lên không nổi, lá mỗi ngày một lụn tàn. Sự nghèo khó đến gõ cửa thường xuyên, cơm thì gạo ít mà ngô khoai nhiều. Đậu mè, đậu phụng trộn với muối ran là món ăn đắt giá. Chắc khi đọc thư này anh có ăn cục cơm và miếng thịt gà tôi gửi theo thì dù cho cơm đã thiu thiu, thịt gà đã dai nhách cắn không bể nhưng chắc cũng đỡ hơn cái sống ở đây nhiều. Nó là cái tinh hoa của xứ sở tôi đãi du khách đấy.

Buổi học chiều như thế là đã tan. Tụi học trò ra về gần hết. Mấy đứa nhỏ nhứt la cà với mấy hòn bi chai cũng xách cặp vẹo người, lai rai trên con đường nhỏ đầy cát dẫn vào xóm nhà nghèo khó. Cát bụi chốc chốc lại làm chúng lảo đảo. Tôi chống tay ra khỏi bàn thẫn thờ, không biết đi đâu. Bây giờ về nhà còn sớm quá. Tôi sợ phải đối đầu với căn nhà trống trải lạnh lùng đó.
Chiếc cổng trường dần dần cao vút qua khỏi đầu. Tôi sực nhớ cái cổng ra ga và tôi đi đến đó để mua cục cơm và miếng đùi gà gửi cùng cái thư này cho anh.
Sân ga thực ra là cái thềm ga cũ bị phá hoại hồi kháng chiến bây giờ chưa tái tạo nổi loang lổ tồi tàn. Con tàu mới chạy khỏi. Một làn khói đen bị gió thổi lên cao. Mấy người bán hàng rong uể oải ngồi bên thúng đồ. Có người soát lại những món hàng của mình rồi như nghĩ ngợi. Họ vui mừng với những con tàu đến để rồi buồn rầu với những con tàu đi. Lòng họ trống không, mắt mờ như hồn tôi mờ theo con tàu hăm tám tết năm nay.
Buổi trưa tôi lên ở ga này thấy anh đang gặm bắp đó. Hồi còi run rẩy lìa ga xép. Con tàu thì chạy anh thì nhai dễ thương chi lạ. Tôi đâm ra yêu cái thân xác run run của con tàu, tiếng động rêm rêm trên đường sắt và người đồng hành biết thưởng thức hương vị quê hương mình – biết đâu đó cũng là sự chung tình khả ái!


Con tàu xa dần xa dần phố nhỏ và đi vào những vùng quê nghèo khó. Cái hãnh diện của tôi cũng theo vòng quay của bánh xe. Những ngọn đồi hiện ra trong tầm mắt làm tôi thấy buồn. Chúng trơ trọi, khô cằn, héo úa trong tâm hồn tôi bấy lâu. Tôi sinh ra trên đó đương nhiên phải thừa hưởng. Tuổi hoa bướm của tôi đã đi xa rồi và còn đi xa nữa như con tàu đang chạy.


Ánh nắng buổi chiều vào toa tàu oi bức quá. Con tàu uể oải dừng lại ở một trảng rừng thô để nhường cho một đám người đi qua. Sự dừng lại đó thật bất đắc dĩ – tàu hoả có dừng như vậy đâu. Nó hậm hực phun những tàn lửa và thét inh ỏi, vang động núi rừng. Đám người đó khiêng một thây người trên cái võng máu me loang lổ trên áo trên mặt trên thân hình. Ruột thì lòng thòng thật dị hợm. Người ta ngơ ngác hỏi tại sao. Ai mà biết được. Hắn là một tên giặc, một tiều phu hay một người thường nào đó đi lại trong vùng núi kém an ninh, những người có phận sự kêu, hơi gió làm hắn không nghe (đó ích lợi của làn gió anh ưa thích đó) hay cố ý không nghe nên bị bắn. Tông tích hắn ra sao ai mà biết được. Vài người mủi lòng khóc xụt xịt. Thật là một sự thương tiếc chưa xếp loại. Nhưng dù sao đó cũng là một phần thương yêu của những con người trên cùng một quê hương. Tôi cố giấu những cảm xúc vì quen thấy rồi. Tôi chỉ ghi nhận rằng những người ở đây hiền lành chất phác lắm. Sự nghèo khó trên gương mặt họ cũng phản ảnh đời sống cui cút chịu đựng ít tham vọng của họ một phần nào.
Con tàu vẫn lầm lũi. Cái thân hình be bét máu cũng lùi xa. Núi rừng trùng điệp. Mặt trời chiếu ngang thân một ngọn đồi phía đông. Dưới chân nó một làng nhỏ nằm kề. Người ta tưởng có một sự yên vui giữa chốn thâm sơn cùng cốc này. Nhưng không. Những tiếng nổ loạn xạ phía trên sườn đồi phía trong ấp, vài viên đạn lạc bay vèo vèo. Con tàu phì phì khói chạy nhanh như sợ mình sẽ bị vạ. Người ta xôn xao sợ hãi. Vài người thành thạo nói: Có chúng xuất hiện, hai bên choảng nhau đứng trên tàu thấy vậy chứ còn còn xa không phải phục kích tàu đâu.
Và tàu đi trong lòng rừng núi. Ngột ngạt. Người ta ra hành lang nhìn cây lá. Tôi đứng cách anh bằng một ông cụ. Ông cụ bàn chuyện chiến tranh còn anh thì anh kể vụ tàu lật sáng qua ở Mương Mán. Đầu con tàu dí bẹp vào một ụ đá cao, hai hàng bánh xe phơi lên như những chân một con rít. Máu còn đọng vũng trên sàn xe. Có một cái mũ cối nát bẹp. Mấy đoạn đường rầy xe lửa cong queo và con đường hủng một lỗ to. Tôi nghĩ chắc anh nghe ai kể chứ thật như vậy sao anh ra được đây. Chắc là anh không biết gì về những vụ đó. Nhìn mặt mày anh người ta chỉ biết độ-nhảy-twist thôi. Ông cụ cũng không biết gì. Chiến tranh mà ông bàn đó nó khác bây giờ.


Con tàu ngược gió. Ông cụ đã vào trong. Tôi biết anh cũng muốn vào nhưng muộn rồi. Tôi đứng chận đây. Đầu đằng kia là cuối con tàu. Anh chạy đằng trời nào. Tôi khoanh tay ra sau tì lưng vào thành tàu ưỡn người. Ngực tôi lồ lộ. Gió tung vạt áo trước tôi đi xa thấy rõ hàng nút xẻ dọc trên quần. Gió càng mạnh làm vải ở hai bên đùi tôi mỏng thêm và chiếc xì-líp dày cộm kinh khủng. Tôi biết nhưng cũng chẳng buồn sửa lại. Cuộc chiến tranh nào bi đát bằng cuộc chiến tranh này.


Con tàu chui qua dãy Cù Mông. Hầm tối đen. Hơi lạnh làm tôi rợn người. Tôi muốn ôm chặt lấy anh cho ấm chút đỉnh. Tàu ra khỏi hầm. Khói tàu làm anh cay mắt. Anh lấy tay dụi dụi. Tôi đưa chiếc khăn tay cho anh.


Hoàng hôn đổ xuống núi rừng. Tàu chạy ngày càng sâu trên đất Bình Định. Tôi chỉ cho anh vài tên vùng đi qua: Vân Canh nhiều thượng. Diêu Trì ngã ba. Cầu Đôi nước đứng. Tháp Chàm gạch đỏ và núi Qui Nhơn lở lói. Nhưng chắc anh không thấy gì.

 

Cục cơm và miếng đùi gà nặng trong tay tôi. Sân ga vắng tanh. Một con chó đứng giữa đường rầy ngửi ngửi vào những thanh sắt rồi hỉnh mũi ngó mong, buồn rầu. Trời chạng vạng tối. Tôi quay mặt trở về thành phố. Mắt tôi nhòa đi vì nước mắt hay vì gió hoét cát bụi tung mù mịt. Có lẽ đủ thứ và cả những lũng tối đen phủ lên những mái nhà trước mặt. Tôi cố tìm một ánh đèn thật sáng để tin rằng đây là thành phố Tuy Hoà – ít ra nó cũng như Qui Nhơn chứ.


Tối đó đáng lẽ tôi thây kệ anh, mình về nhà tắm rửa, ngủ một giấc cho khoẻ. Nhưng thấy anh lầm lũi tôi thương quá. Tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói vào ga chứ đi đâu nữa. Vào ga sao lại đi tuốt đằng này. Anh chỉ cái nhà cao có đèn nê-ông xanh đỏ: Không phải ga đó sao. Tôi rụng rời: Rạp xi-nê KK. Anh không thấy chữ đó sao. Anh nói tưởng đó là chữ quảng cáo li nhi quá. Tôi lại buồn nhà ga thì thấp hơn con tàu, tối om làm anh không biết đâu mà đến. Còn rạp xi-nê thì diêm dúa màu mè, cái điểm chính không hiện rõ làm người ta phải lầm tưởng. Thành phố những miền này như thế cả. Nó chắp nối, vay mượn không ra cái thể thống gì. Chiến tranh dày vò, dẫm đạp nó quá nhiều làm sao nó giữ được một truyền thống. Nhưng Qui Nhơn còn hơn Tuy Hoà tôi nhiều.


Tôi hỏi anh về đâu. Anh nói về nhà một thằng bạn đường Võ Tánh. Tôi hỏi anh đã đến lần nào chưa. Chưa. Tôi sợ anh lại một lần nữa lầm lạc nên tôi đã đưa anh đi tìm. Té ra nhà bạn anh ở sát nách đường Gia Long, con phố chính của Qui Nhơn. Tôi đâm ra chưng hửng khi đứng trước căn nhà ấy. Phải chi một căn nhà nào khác khó kiếm tôi sẽ chui anh vào một phòng ngủ nào đó đè bẹp anh ngạt thở chết cho rồi. Nhưng thôi được. Nghe người nhà của bạn anh nói: “Nó vừa ra mua báo đấy, cậu đưa tôi cất đồ cho, vào sa-lông nghỉ đi”. Tôi nảy ra ý định dẫn anh đi phố và tôi thực hiện liền. Anh bằng lòng. Tôi mừng ngoan đấy. Hay là anh sợ cô đơn trong căn nhà xa lạ, bộ sa-lông xa lạ. Nhưng tôi cũng xa lạ sao anh chịu đi. Ý nghĩ đó làm tôi mừng rơn.


Anh đi bên tôi như một tín đồ ngoan đạo. Thành phố Qui Nhơn không có gì làm anh kinh ngạc. Tôi ức nghẹn cổ. Chốc lát con phố Gia Long đã cụt. Những phố khác không đèn. Biết đi đâu bây giờ. Tôi thương tiếc tôi. Tôi thương tiếc cái thành phố này. Chỉ còn cách dẫn anh xuống bến tàu trấn nước cho ngộp thở bỏ ghét chứ đi đâu nữa. Không hiểu sao tôi lại đưa anh vào một hiệu kem đường Phan Bội Châu, khúc gần Võ Tánh. Có lẽ vì đã gần nhà bạn anh rồi, kéo dài ít phút cũng chả sao. Tôi kêu một ly nước trái cây còn anh thì nằng nằng uống chai nước ngọt. Anh lơ đãng nhìn một cặp đang ngồi góc phía trong. Tôi trả tiền. Anh đòi về. Tôi biết anh khó chịu khi ngồi với tôi. Anh thích đi phố với những đứa học trò của tôi hơn là tôi. Anh lại nằng nặc đòi người chủ quán lấy thêm một lần tiền nữa. Thật anh không chìu tôi một tí nào.
Tôi đưa anh về. Anh nói giã từ mai đi Đà Nẵng. Tôi đề nghị anh ghé lại tôi chơi một tí. Về nhà tôi thuyết phục anh đình lại chuyến đi một ngày để thăm Qui Nhơn cho biết. Tôi vui mừng một lần nữa và đêm về khó ngủ như con học trò tuổi mười lăm.


Không biết đêm nay tôi về có ngủ được không. Chắc là gió sẽ đập mạnh vào cửa. Và buổi sáng dậy không còn là buổi sáng Qui Nhơn. Tôi chưa kịp chải tóc anh đã ập vào nhà lôi tôi đi. Tôi chỉ kịp nói với với người chị: Em ra phố chút xíu. Tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói đi đâu cũng được. Tôi nhớ đêm qua mình đề nghị. Tôi do dự một lát, đi đâu bây giờ… Thành phố này chỉ có một cảnh được: Gành Ráng. Tôi đành đưa anh tới đó. Cũng là một dịp cho anh biết đất nước quê hương. Tuổi anh cần phải học, học thật nhiều đủ thứ – tôi nghĩ như vậy. Lâu đời mới có một chuyến xe ra Trung hi hữu. Anh chỉ mới biết xe lửa lật ở Phan Thiết, chết chóc ở Phú Yên và thành phố tối tăm này. Anh phải học vài điều nữa. Chừng ấy thả anh đi chưa muộn.

 

Gió buổi sớm lành lạnh. Biển xanh dưới sâu. Trên gành cây lá còn nắng sương mai. Tôi thấy run ở hai hàm răng mình. Rồi nắng lên óng ánh. Anh đọc vài câu thơ tôi nhớ đăng trong mấy tờ báo trẻ. Anh nói chuyện trời mây non nước. Ý thức tôi mơ hồ về thời gian không gian. Và anh dằng hôn tôi dưới nắng chói chang. Tôi kinh ngạc. Tôi đâu dễ dàng để anh hành động như vậy. Tôi xô đẩy anh và bỏ chạy. Anh đuổi trong đám rừng cây. Cuối cùng tôi nghẽn lối, chênh vênh trên một chỏm đá cao. Dưới kia là hố biển sâu. Tôi đòi nhảy xuống đó. Anh khổ đau quì dưới chân tôi. Anh nói gì nói gì. Gió biển thổi vào lồng lộng. Những cuộn mây đâm vào núi cao như con chim mù đâm vào ghềnh đá. Thành phố Qui Nhơn xa lắc và thấp bẹp. Tôi biết kêu ai. Tại sao tôi dẫn xác đến đây và giờ gào kêu cái gì. Tôi bủn rủn chân tay. Tôi sụm xuống sụm xuống cho đến khi mềm nhũn trong tay anh. Anh đã hôn tôi không sót một khoảng thịt da. Buổi sớm tôi còn mặc thêm một áo lót mà sao cái hôn anh vẫn thấu suốt. Chiều hôm qua tôi trông gió nâng vạt áo thật xa, thật cao và vải quần được ép thật sát vào da. Lằn chiếc xì-líp nổi kinh khủng mà tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Sao bây giờ những thứ nghi trang của tôi tan biến đi đâu mất.


Khi buổi chiều tôi lớn cao già dặn còn anh thì ngu ngơ mười chín tuổi. Buổi sáng anh vụt cao lên đè bẹp tôi. Anh ăn gian với cái tuổi hăm ba ấy. Những cử chỉ anh vùng thoát tự đam mê sâu thẳm. Anh đam mê buổi sáng. Tôi đam mê buổi chiều: Mỗi người đam mê ở một lúc khác nhau, phải chi nó trùng lại một thì đỡ khổ biết mấy. Nhưng dù sao anh cũng đã lấy hai cái tuổi đó để đóng khung cái tuổi hăm mốt của tôi. Tôi thấy ấm êm lạ thường. Anh siết chặt tôi đến nghẹt thở muốn gãy xương. Anh ôm giữ tôi chờ mặt trời lặn. Nhưng rồi mặt trời đã lặn và anh cũng không được gì. Tôi biết, tôi hiểu và tôi thương anh. Nhưng tôi cũng thương tôi chớ. Đó là cái quyền có ở mỗi con người.
Anh đưa tôi về. Gió thổi mát. Trời hoàng hôn đẹp chi lạ. Tôi bằng lòng tôi. Tôi vịn vào anh mà đi những bước đi nhỏ. Anh hỏi xin tôi cái hình để mai đi. Tôi hẹn anh tối đó. Buổi tối tôi chờ anh. Những giờ khắc qua đi qua đi trên cái đồng hồ nhỏ xíu nơi tay. Tôi không thấy anh đâu cả. Tôi thương cái đồng hồ và cườm tay tròn nhỏ của tôi. Tôi ước ao có anh đến để anh hôn tôi dưới bóng cây này hay mình vào xi-nê hôn nhau trong bóng tối. Tôi thích như vậy. Những chiếc phi cơ lên xuống ở phi trường đền đỏ chớp chớp nhoè nhoè như những con bướm lửa. Bầu trời mênh mông và một màu đen khảm kín. Sân ga vắng tanh. Đèn phố có chỗ không. Tôi cô đơn quá. Tôi khóc một mình.
Tôi nhớ sáng anh đi Đà Nẵng. Tôi ra ga chờ đón. Nhưng cũng chẳng thấy anh đâu. Tôi buồn tủi trở về và tôi đã xách đồ ra ga về Tuy Hoà chuyến xe mười giờ. Chị tôi hỏi: Sao em nói ra ăn tết với chị bây giờ lại về. Tôi không biết trả lời sao. Bây giờ là hăm chín tết. Chiều nay họ trước ông bà. Tôi vẫn đi.

 

Những ngày tết đã qua nhanh. Tựu trường đã hai, ba bữa gì rồi. Tôi giảng bài, những khuôn mặt quê mùa ngờ nghệch. Người tùy phái gõ cửa nói có thư cô. Tôi đón nhận cảm ơn nhiều. Tôi đọc qua tên tôi và không thấy tên ai gửi. Những con dấu Sài Gòn làm tôi biết thư anh. Tôi ép nó vào giữa hai trang sách. Tôi hồi hộp quá chừng không biết anh nói những gì. Lời giảng tôi cố hiền lành dịu ngọt mà những cặp mắt chúng ngơ ngác như lạc trong bãi sương mù, tôi không biết mình ngu hay chúng dốt. Tôi mong cho hết giờ.


Anh hờn trách tôi, tôi hiểu. Lẽ ra anh không nên hờn trách tôi mới phải. Anh có nói ngày vô. Tôi tính giờ khắc con tàu đến và lấy vé Tuy Hoà – Nha Trang cùng với người chị. Anh nhận ra tôi trên tàu. Tôi ra dấu anh dừng lại. Chị tôi biết rồi. Anh cũng đừng oán trách chị. Chị không muốn tôi trở về như hôm ở Qui Nhơn vậy. Chị có quyền thương em gái chị cũng như anh có quyền thương thân xác anh. Suốt mấy trăm cây số con mắt tôi không nói được gì. Con tàu chạy qua Vũng Rô. Biển dưới sâu xanh biếc phẳng lặng như bản thuỷ tinh, phản chiếu ánh mặt trời. Nó yên lặng quá, đắm đuối quá. Nhưng mắt tôi có phản chiếu được gì như nó chăng. Tôi thấy hoàn toàn lẻ loi đơn độc như hòn đá Mẹ-­bồng-con chói lọi giữa vũng để năm tháng đi nhanh trên vai tóc khác nào lôi nhanh vào những ký ức nhớ thương.
Sao anh không xa hơn một tầm tay mà tôi không bắt được. Sao anh không đọc hết niềm yêu thương trong ánh mắt tôi. Tôi yêu anh yêu biết nhường nào như quê hương yêu anh yêu mê mệt mà anh dửng dưng, nguội lạnh. Tôi buồn như những đám dương vùng Đại Lãnh. Tôi khóc như mưa chiều về với núi Vọng Phu.


Anh thấy tôi xuống ga Nha Trang, anh vội vàng xuống xin trưởng ga nghỉ vài giờ. Tôi nhận được lời hò hẹn của anh nhân khi chị tôi không để ý. Tôi ra xe không kịp cho anh biết. Tôi khó lòng mà đi với anh đêm nay. Sao anh hờ hững rồi lại đam mê. Tôi thì bị đóng khung chịu tháng ngày đốt cháy. Chắc anh giận vì hôm đó không gặp anh. Tôi cũng không biết sao cả.


Buổi sáng ở Nha Trang tôi đi dạo ở Cầu Đá, bên kia núi cao chót vót làm biển bên này sâu thăm thẳm. Tôi đứng trên những hòn đá con con, nước lắp lém bao quanh, rong rêu mọc dưới đó. Những con cá bé tí ti xanh đỏ bơi qua bơi lại trong khe. Mặt nước biếng nhác. Biển mở rộng ra đại dương. Cầu tàu từ đất liền trườn dài chúi mũi xuống nước sâu. Trên trời những cụm mây trắng lang thang. Tất cả đều không nghĩ đến tôi. Tôi cô đơn như biển sâu, như núi cao, như mây trời trắng bệch. Có anh ở đây không. Anh ở đâu bây giờ?


Buổi chiều tôi ra bãi bể. Gió làm lá khô lăn lăn. Những đợt sóng ra vào liếm ướt viền cát, xoá đi công trình của những con dã tràng hay dấu chân hai người mới in song song. Vài con còng xanh đỏ như những nhân vật tuồng tàu xiêm y rực rỡ, rụt rè ở cửa hang. Người ta nhởn nhơ nhiều quá làm chúng hoảng sợ hay người ta tươi trẻ quá làm chúng thấy già nua ngượng nghịu. Tôi ngồi thu hình với con cháu bé đầu óc rỗng không. Ý thức gần như loãng theo sóng nước ra khơi. Có tiếng hát từ một cái bar: Who’s sorry now, who’s sorry now. Tôi nghĩ: Where are you? All alone, I’m sorry.


Rồi một ngày qua một ngày lại. Hương khói mùa xuân còn nghi ngút ở Tháp Bà. Tôi đứng trên những tam cấp nhìn xuống cầu Xóm Bóng cong cong. Nước dưới cầu lặng lờ. Chị rủ tôi sang Hòn Chồng. Tự dưng tôi thấy rùng mình: Cũng như cầu Đá là nhiều. Tôi mỏi mệt quá chừng. Tôi muốn xuống an nghỉ nơi chiếc cầu và nước sông kia.
Mùa xuân đã đưa đẩy tôi vào bóng tối.


Tôi bỏ thành phố chết đó sau hai ngày. Tôi lại chui vào mái trường chật hẹp, nhỏ nhoi và bị đóng khung trong đó như thành phố Tuy Hoà nhốt trong tỉnh Phú Yên và tỉnh Phú Yên nhốt giữa đèo Cả và đèo Cù Mông. Bên này là đại dương, bên kia là Trường Sơn tù túng. Tôi tiếc đã xum xoe chạy ra phía bắc, chạy vào Nha Trang phía nam để cuối cùng cũng hoàn lại đây.


Ngày tháng đem lại cho tôi những mơ hồ: Quê hương hiền lành chất phác mà sao mãi chém giết hận thù. Anh là người Qui Nhơn mà sao không biết một tí gì về thành phố đó. Tôi thì yêu anh mà sao không được dự vào một phần đời sống anh. Tại sao chúng ta bị đưa đẩy vào những nghịch lý như vậy để rồi đơn độc trong những cuộc hành trình không mấy chi đẹp đẽ: Quê hương đang đi dần vào cái đói khổ, điêu tàn. Tôi đang đi dần vào cái già nua, nhục nhã. Còn anh, anh đang đi dần vào cái gì? Tôi nghĩ là anh đang đến thăm tôi. Con đường từ trong đó ra đây chắc không gì nguy hiểm?”

Lá thư sau đó được đem đốt thành tro, những cánh tro mỏng manh ném theo gió bay đi dọc con đường ngắn, không có gì nguy hiểm cả.

 

 

(Văn số 45, 1.11.1965)

 

 

 

 

KHỞI HÀNH VÀO MÙA XUÂN TƯƠNG LAI

Cảnh Cửu

 

 

 

 

Buổi sáng tôi ra ga một mình, chị tôi nói để đưa tôi ra ga nhưng tôi không muốn. Tôi sợ chị lại lẽo đẽo: Em về sớm làm gì, dạy cũng mồng chín mồng mười, nán lại chơi vài ngày chị sẽ về cùng thể. Đây là thành phố của chị. Chị đã lớn lên và yêu anh Gi bên những khung cảnh ấy. Nó trở thành đậm đà trong ký ức của chị. Nhưng những năm lấy chồng theo anh Gi ra Qui-Nhơn chị quên lửng. Có em – em là em gái anh Gi – trong một dịp xuân về không thể giúp chị được gì ư. Thật tôi muốn nghẹn. Tôi mà đi giúp chị Gi. Chị Gi với tuổi thơ đầy ắp đáng nhớ. Còn tôi, tôi chỉ là những ngọn đồi khổ đau, những con đường đầy bụi (như anh đã biết). Chính anh Gi cũng không chịu được. Anh Gi đã xin đổi đi. Qui-Nhơn một miền đất lạ hợp với sự dựng xây mới. Anh Gi chưa bao giờ nghĩ lui về sinh quán. Tôi – em gái anh Gi – có nghĩa gì mà gần anh Gi được vậy mà chị Gi lại nghĩ đến tôi. Chị Gi nghĩ đến tôi trên thành phố của chị (là thành phố chết đối với tôi). Tôi thật tủi hổ vô cùng. Tôi đã khóc vùi khi rời ga Nha Trang. Nhiều người nhìn tôi kinh ngạc: bỗng dưng ôm mặt khóc một mình. Có người với tính điềm đạm đảo mắt tìm một sự liên hệ của cuộc chia ly. Nhưng tịnh không một ai: không một đôi mắt nhìn theo. Không một chiếc tay đưa lên vẫy. Cũng không cả một lời thì thầm. Chỉ mốc meo trên tiền diện nhà ga. Những người có phận sự sửa soạn cho tàu chạy thì lảng vào công việc. Họ như cố cho xong để còn về tìm lại dư vị ngày Tết ở gia đình. Và rồi tiếng tàu thở hắt. Người xếp lất phất tấm cờ hiệu đỏ chúi thấp. Tàu ra đi. Sự dọ hỏi không thành hình. Chút băn khoăn như lớp sóng nhỏ trên đại dương sâu. Những tiếng rung chỉ thoảng trên đường sỏi. Những người kia vẫn đứng xa ngỡ ngàng ái ngại. Họ xa lạ như những giọt nước mắt của tôi xa lạ với cuộc đời. Tôi không thể nào gần lại với chị Gi. Tôi có đứng lại bên Cầu Xóm Bóng, tôi cố gắng đến Hòn Chồng rồi tôi cũng không làm gì được. Tôi chỉ khơi lại sự tủi thân của tôi. Thôi thà bỏ đi cho sớm. Đi thế nào cũng được. Đi để rứt bỏ. Đi để thấy mình di động. Đừng tiễn đưa làm chi. Tiễn đưa thêm bận bịu. “Em sợ không giữ được nước mắt. Em không muốn rời Nha-Trang mà lại khóc. Em muốn lên tàu cười chào hẹn tái ngộ thành phố đẹp của chị - đẹp như tuổi thơ của chị đó chị Gi”. Tôi đã nói với chị tôi những lời đó. Tôi phải nói thật thành khẩn. Chị Gi cười nửa miệng buông lỏng tay tôi. Tôi thoát ra khỏi cổng nhẹ người. Tôi như vừa xuất hết mớ mồ hôi nặng (hay ít ra cũng đổi một vùng khí áp). Ngọn gió đầu năm ào tới làm tôi lảo đảo. Tôi rùng mình trong làn da xanh xao. Nhưng như thế tôi đã thoát nợ.

 

Chiếc xích lô băng qua con đường đầy lá me. Gió sớm ào táp tới mặt. Sự lạnh luồn vào tóc và xoáy cuộn ở phía ót. Tôi nhăn nhúm đùn vào nếp áo. Trời tháng giêng hay là trời mùa đông. Tôi cũng không cần biết nữa. Có vui chi mà mình phải định mùa. Tôi chỉ biết mình bềnh bồng trong một trạng thái tê điếng. Tôi không nhận biết mình đau ở đâu.

 

Nhà ga buổi sớm còn ẩm ướt. Những chuyến tàu đầu năm ra miền ngoài thưa khách. Cái miền nghèo khó đó làm gì nuôi được đám người mỗi ngày một đông. Họ phải lần tìm sự sống trong miền Nam – nơi mà tôi nghe ruộng lúa phì nhiêu và thành thị nối tiếp. Chỉ những dịp Tết họ tìm về nơi sinh trưởng: tảo lại ngôi mộ xưa (mà cỏ gừng cỏ tranh đã lấp kín) hay thắp một nén hương một ngọn đèn dầu vàng lụn rầu rĩ trầm ngâm. Rồi khoảng thời gian phút chốc lại trôi đi. Họ hối hả rời ngọn đồi trọc cánh đồng khô mà chen lấn trên con tàu vô để mong tìm lại cái sống. Chả mấy ai nghĩ đến những chuyến tàu ra. Chỉ những người mắc kẹt như tôi - những người quanh năm suốt tháng không biết hy vọng gì đành ôm khổ đau như một số mệnh.

 

Con tàu số mệnh đã khởi hành. Như thế ước muốn rời Nha-Trang càng sớm càng hay đã đạt được. Sao tôi lại phải khóc. Lúc này chắc tôi không khóc vì mình không có chỗ đứng bên anh chị Gi. Vì dù sao Tuy-Hòa vẫn là phần đất cả anh chị Gi đều bỏ lại. Tôi sẽ là người thừa hưởng. Nỗi mừng vui thừa tự và ước muốn trở về đáng lẽ là niềm vui tung vỡ trong tôi. Sao tôi lại phải khóc. Chắc những người đứng kia nghĩ là tôi đang lưu luyến thành phố mà mình phải ra đi. Không, Nha-Trang vẫn là thành phố chết.

 

Buổi chiều đó mặt trời đã sụp hẳn bên kia dãy Trường-Sơn. Bên này – vùng thung lũng phía Đông – cũng chìm trong thứ ánh sáng quờ quạng. Chuyến xe đường trường mệt mỏi chui qua khoảng hầm dưới chân Đèo Rù-Rì. Hai trăm hai mươi cây số đã qua. Nha-Trang sắp đến. Tôi vùng dậy trong một trạng thái tỉnh táo: Tôi phải đón Nha-Trang với bất kể giá nào. Tôi đã háo hức nhận lời chị tôi khi chị ngoài Qui-Nhơn vào – thăm thoáng qua Tuy-Hòa một buổi – rồi đề nghị em nên đi Nha-Trang chơi. Nha-Trang: Còn gì tốt đẹp cho bằng – nhất là lúc này. Nha-Trang trở thành nỗi rung động phát khởi từ cơ thể mình. Tôi hồi hộp theo từng bước đi theo từng quyết định trong công việc nhỏ vô nghĩa hằng ngày. Tôi đã bước tới bước lui xiêu vẹo trong gian phòng. Tôi cố giấu để không nói cho chị Gi hay nỗi mừng vui của tôi. Chi Gi – chị rủ em đi Nha-Trang chuyến này rất hợp lúc. Chị có phải là người đào mạch khơi nguồn cho người khác không. Nguồn vui của tôi đang chảy đang phụt tràn dưới một tốc lực mãnh liệt. Tôi cố dùng hữu thức để giới hạn bớt. Nhưng bất trị. Nó ào ào tự chảy tuôn tràn từ nơi sâu kín nào trong người tôi. Tôi không ý thức được. Tôi không dò hỏi được. Những hành động tôi chỉ còn là phản xạ. Từ lờ mờ tìm một sự liên kết. Nhưng chung quy vẫn là chuyến đi Nha-Trang – nó trùng vào ngày anh vô Sài-Gòn.

 

(Tôi đã nhận ra anh trên tàu. Anh cũng ngạc nhiên khi trông thấy tôi. Chắc anh không ngờ tôi có thể đi được vào một miền trong. Anh hấp tấp sắp sửa chạy lại. Nhưng tôi ra dấu cho anh dừng kịp. Đừng đừng. Như thế chị sẽ biết. Sẽ rầy la. Sẽ rắc rối. Anh cũng đừng oán trách chị vì chị có quyền thương em gái chị cũng như anh trong đời sống thường thương lấy thân xác anh. Bất kể một phiêu lưu mới nào cũng làm e dè lo ngại. Tôi chỉ tiếc là từ đó nỗi cách ngăn được gây nên. Tôi thấy hoàn toàn lẻ loi đơn độc.

 

Con tàu chạy qua Vũng Rô. Biển dưới màu xanh biếc phẳng lặng như bản thủy tinh chỉ phản chiếu ánh mặt trời. Nó yên quá đắm đuối quá. Nhưng mắt tôi không phản chiếu được gì. Tôi chỉ thấy khoảng cách giữa anh và tôi càng ngày càng lớn. Tôi cố dùng hai con mắt nói lên chút yêu thương. Nhưng hai con mắt chỉ dõi trông và khô cứng như đôi mắt đã hóa đá như người mẹ bồng con đứng choi loi giữa Vũng, năm tháng nhìn ra biển khơi chờ đợi mỏi mòn mà không biết thời gian đi nhanh trên vai trên tóc. Tôi cũng ngồi đây mặc cho con tàu lôi tôi vào muôn vàn nhớ thương. Sao anh không xa hơn một tầm tay mà tôi bắt được. Sao anh không đọc hết niềm yêu thương trong ánh mắt tôi. Tôi yêu anh yêu biết nhường nào như quê hương yêu mê mệt mà anh lừng khừng ngớ ngẩn. Nơi ruộng lúa bao la miền Nam nào đó đã làm anh quên đi đập đồng khô cằn ở đây chăng. Hay nỗi cách ngăn này đã làm anh phân vân thắc mắc biết đâu là thật đâu là hư. Thời đại chúng ta chỉ có nỗi khốn cùng. Thù hằn nhỏ mọn đã được khơi lên thành quốc sách chủ nghĩa. Trong phút giây này anh không còn lại tình thương? Anh hãy cúi nhìn lại tôi đi - mướt xanh như những đám dương vùng Đại-Lãnh. Quê hương có chút duyên dáng chỉ trong những ngày tàn tạ: phải rồi đó là sự nhầm lẫn của tôi. Tôi phát khóc như mưa chiều về với núi Vọng phu).

           

            Bây giờ thì hai trăm hai mươi cây số đã vượt qua. Càng cùng chung tôi lại thấy càng đơn độc. Không có cách gì mình gần gụi được. Càng cố gắng trí óc tôi càng nhụt bại. Và sự mủi lòng từ đó ập xuống cơn mưa chiều. Những giọt nước càng dài trong bầu trời vàng hoe phủ lên những tảng đá đầy rêu và đập trên lưng tàu. Tôi mù mịt không biết cơn mưa đổ bao lâu. Con tàu đã lầm lũi chạy trốn như thế nào mà đã vượt được. Thời gian và không gian mường tượng ở sau lưng tôi không cần biết nữa. Tôi chỉ biết trước mặt tôi là Nha-Trang. Ít ra thì mút chót tôi đến đó.

 

Tôi theo chị chen lấn trong đám đông người. Tôi an tâm khỏa lấp như những con dã tràng bị chộ dưới lớp sóng biển. Không được gần gụi thôi ước muốn làm gì. Ước muốn chi cho uổng công. Những giọt nước mắt đó tôi cho là hời hợt. Nó có chảy ra hay không chảy cũng không ăn nhậu gì. Số mệnh đã như thế. Tôi thấy mình đã dại. Bây giờ là lúc tôi phải thương lấy mình. Tự thương là một bí mật mới khám phá cho mình được khỏa lấp. Nhưng tôi thật ngạc nhiên thấy anh cũng xuống Nha-Trang. Suýt nữa tôi buông tay đánh rơi chiếc giỏ của chị. Nỗi hốt hoảng nào đã làm mình khốn đốn. Anh xuống đây hay anh đi đâu đó chỉ là phần việc của anh. Mỗi người khỏa mình trong một cử động. Cử động của anh khác cử động của tôi nào có liên hệ gì. Tôi cố trấn tĩnh đừng cho tình cảm thành hời hợt. Nhưng thật chưa lúc nào tôi lúng túng bằng: anh đã áp tới nhét vào tay tôi mảnh giấy con. May là chị tôi không để ý. Còn muốn nói gì nữa. Như thế tôi đã quá nhọc nhằn anh chưa hả sao. Anh còn có ý viết giấy đưa tận tay tôi giằng giật nữa cho hả. Tôi không muốn phải chịu đựng thêm một cái gì. Hai mươi mấy tuổi – hai mươi mấy năm – bây giờ tôi không muốn chịu thêm một cái gì nữa cả.

 

Tôi ra xe. Con đường Gia-Long với hai hàng me thẳng tắp trước cổng nhà thờ. Tôi không thể nói gì nhắn gì. Hàng me thì những lá nhỏ. Nhà thờ thì tháp chuông cao. Con đường này thì sẽ dẫn đến đâu. Tôi chưa gặp chưa biết. Tôi chưa thể quyết định gì. Đừng bắt tôi phải phập phồng. Chị tôi sẽ giận.

 

Quả thật lúc đó tôi muốn được yên ổn. Vì tôi tưởng rồi anh sẽ xa. Con tàu ngon trớn kéo anh vào miền nào mà tôi không hề tưởng biết tới. Suốt đời tôi sẽ không biết tới. Anh dừng lại tới đấy trên cái thành phố đầy lá me – đây chỉ là đùa cợt? Có lẽ một phút bốc đồng mà nên chuyện. Tôi không thể làm thêm một chuyến phiêu lưu. Tôi đành thu mình để mong được yên ổn. Mong sao sống trong cái nhỏ nhoi mình có thể có. Nhưng anh đã đợi chờ. (Sương khuya đã thấm ướt áo. Gió đầu năm còn mang giá rét của mùa đông. Và biển thì vẫn rào rào đổ vào lòng những âm thanh muốn khóc). Tôi hiểu cuộc đợi chờ nào cũng đem đến nhiều bứt rứt. Cuộc đợi chờ này cuối cùng anh không bắt gặp được tôi. Anh bỏ ra đi chắc là với giận hờn. Chắc là lòng nhiều ấm ức. Nhưng biết sao.

 

Tôi cũng chả hơn gì anh. Về đến nhà chị mệt mỏi rã rời. Gió bụi đường trường còn ngầy ngật suốt cả đêm. Trong gian nhà mới lời chị như những tiếng mõ khua vọng gác. Những lá dương thì thào phía ngoài như lời anh còn nhắc, nhưng khung trời đêm cản lối cách chia rồi. Tôi trăn qua trở lại nghe nỗi buồn phát mệt.

 

Sáng ra tôi mới biết anh đã đi rồi. Nghĩ lại mấy giờ chả có ích chi. Tôi bần thần bắt đầu cuộc đi dạo. (Cầu Đá bên kia núi cao chót vót làm biển bên này sâu thăm thẳm. Hai sự cách biệt khá xa như tôi và anh đấy. Tôi đứng bên những hòn đá cồn con có nước lấp lém bao quanh và nhìn những cọng rêu những con cá bé li ti xanh đỏ bơi qua bơi lại trong khe. Mặt nước của vịnh biếng nhác để biển mở rộng ra đại dương. Cầu tàu thì trườn dài từ đất liền chúi mũi xuống nước sâu. Trên trời những cụm mây trắng trôi lang bạt. Tất cả đều không nghĩ đến tôi. Tôi thấy cô đơn giữa biển sâu núi cao và mây trời cách biệt. Lúc này anh cũng đang đi đó phải không. Anh đã thật sự cách biệt rồi.

 

Tôi trở về lòng không muốn không ham như hồi ở Tuy-Hòa. Tôi cố ngủ để bù đêm qua đã thức. Nhưng mới ba giờ con bé đã dậy đòi đi dạo. Tôi ra bãi biển gần. Gió buổi chiều làm lá khô cuốn lăn. Những đợt sóng ra vào liếm ướt viền cát xóa đi công trình của những con dã tràng. Những bước chân người in lên cát. Vài con còng xanh đỏ như những nhân vật tuồng Tàu xiêm y rực rỡ rụt rè ở cửa hang. Người ta nhởn nhơ nhiều quá làm chúng sợ hay người ta tươi trẻ quá làm chúng thấy già nua ngượng nghịu. Tôi chỉ ngồi thu mình với con cháu bé đầu óc rỗng không. Ý thức gần loãng theo sóng nước ra khơi. Tôi bây giờ như căn nhà trống không còn tích tụ được ý nghĩ nào.

 

Rồi ngày đó qua một ngày khác lại trở lại. Hương khói mùa xuân còn nghi ngút ở Tháp Bà. Tôi đứng trên những bậc cấp nhìn xuống Cầu Xóm Bóng cong cong, nước dưới cầu lặng lờ. Bao nhiêu thời gian đã trôi chảy tôi không hề biết. Thấy tôi đứng lặng chị tôi rủ sang Hòn Chồng. Tự dưng tôi thấy rùng mình. Tôi mỏi mệt quá chừng. Tôi không muốn đi thêm tới đâu nữa cả. Tôi muốn xuống an nghỉ nơi chiếc cầu và nước sông kia; mặc cho mùa xuân đưa đẩy mình lùi vào bóng tối.

 

Tôi đã bỏ thành phố chết đó sau hai ngày. Biết bao nhiêu buồn thương ấm ức chất chứa. Nhưng tôi chả dám nói gì (nói với ai).  Tôi thu lại trong đời sống chật hẹp vô nghĩa đợi tháng ngày phủi đi. Tôi chắc cái gì cũng sẽ qua. Sự buồn phiền chỉ làm tê điếng một lúc rồi thôi. Như hai làn sóng cùng tần số va chạm nhau gây nên sự lặng. Sau đó mỗi cái tự do chuyển mình. Rồi sẽ quên hết. Nhất là anh: Trời Sài-gòn có thứ khí hậu khác. Sống trong môi trường đó chắc anh cũng dễ vơi đi nhiều. Tôi ngoài này cũng ráng quên đi cái biến động chót đó ở Nha-Trang. Tôi không muốn nhớ hai ngày lưu lại. Tôi đã cố xóa ký ức. Tôi bấy giờ chắc đã xa. Con tàu đã mang tôi ra miền ngoài. Làng dừa chi chít ở Ngọc-Hội. Những ngọn đồi La-san ở phía Bắc thành phố thật khuất khi con tàu đã chui qua Đèo Rù-Rì. Một thứ khí hậu khác đã hiện ra. Tôi nhìn ngắm qua con mắt như một nỗi ngặt nghèo mình phải gặp. Anh có thấy bao giờ những cành khô trong mùa xuân. Những nhánh gòn xương xẩu mang vài quả lơ thơ đứng trơ trọi giữa đồng như những cánh tay đưa ngang như muốn bắt nắm một cái gì. Tôi không nghĩ là chúng đang nuôi ảo vọng. Nhưng đó là sự hiện hữu của Ninh-Hòa - một miền khô hạn quanh năm. Những đá hoa cương lâu đời thái hòa thành thứ đất xám chỉ giàu có cát. Biển thì thầm thật xa. Phần lục địa này thường xuyên mang sắc thái một sa mạc. Cỏ ít mọc. Những con trâu lòi xương đứng cứ nghinh mỏ lên trời nhìn sự già nua tới cho rục ngã. Gió giữa buổi táp vào mặt nóng bỏng chiếc khăn tay trở thành quá nhỏ không che lấp hết một khoảng má. Tôi ngoi ngóp trong cái ngầy ngật của con tàu qua đường trường và gió nắng. Tiếng tàu thở từ đầu máy. Hơi nước bốc nóng ở nồi súp-de. Những bánh sắt lăn trên đường rầy khô khan mệt mỏi chẳng khác gì rừng cây khô mùa xuân đã bay mất chỉ còn lại cành khẳng khiu đất trơ trụi.

 

Con tàu dừng lại ở Vạn-Giã lấy nước và nhường lối cho chuyến tàu vô. Hai khoảng đường rầy tránh nhau rung lên hối hấp. Nơi chiếc tàu kia những thân người chất đầy các gon và bu đặc ở các hành lang, chỗ lên xuống như những con ong ruồi bu quanh ổ. Khác hẳn với chuyến tàu của tôi chỉ lơ thơ những người buổi trưa đã lẩn khuất nằm bẹp trên những chiếc băng gỗ mãi phía trong. Tôi một mình ngồi nhìn qua cửa sổ. Nắng vẫn chói hắt trên con đường sắt chạy ngút ngàn diêm rỉ. Vùng không khí xa trên các gò trọc rung động lao xao như ngọn lửa đang thiêu đốt bay tới lòa hai con mắt. Trên sân ga những người bán hàng rong cũng đang lảo đảo: Tiếng rao hàng mời gọi năn nỉ rè bể vào ánh nắng. Những cánh tay khô nâng cao mớ đồ để thấy tả tơi thân thể trong lớp áo quần rách bẩn. Những khúc bánh mì ly nước é bánh in bột gạo trở nên đã thèm với cơn đói của khách dù lên cao. Những người trên tàu chong nhìn bần thần hay hốt hoảng: xứ sở mình đang hiện hữu hay huyền thoại nào ở xa mang đến đây một nỗi khốn cùng đang bêu rếu. Con tàu vô sợ hãi thét còi vội bỏ đi. Còn lại con tàu của tôi. Không thể nằm mãi với cái nhức mắt của buổi trưa nó lấy tàn sức chồm lên tiếp tục hành trình ra miền nghèo khó. Tôi ngồi im ôm chiếc xách nhỏ trong lòng. Trí óc hụp xuống một sự nặng nhọc vô cùng. Chị Gi hay anh bây giờ ở thật xa. Con tàu cứ miệt mài mang tôi xa nữa. Từng bước rung rinh hì hục mang sự ngồi im của tôi bay vào sự tuyệt vọng. Dù tôi không muốn – lúc này có la hét cũng vô ích - sự nặng đã đến trên quê hương và đời sống bé nhỏ của tôi.

 

Lúc con tàu đi ngang Vũng Rô thì tôi hoảng hốt. Như thế Tuy-Hòa sẽ sắp đến (tôi giẫm lên lằn mức khổ đau). Như thế Nha-Trang đã tuyệt xa. Nha-Trang lúc này không còn là thành phố chết nữa mà là sự hẹn hò gấp gáp sự níu kéo tôi đã bỏ quên. Trong bao nhiêu năm dịp ấy mới có một lần mà đã trật nhịp. Tôi trở nên chưng hửng vô duyên lạ kỳ. Sao tôi không ở nán lại đợi chờ. Hồi đó sao tôi không bạo dạn bỏ đi với anh. Đêm hôm về gõ cửa căn nhà lạ mới thú. Chị tôi sẽ rầy la. Nhưng chả sao. Việc gì đến thì nó đến cấm làm sao được. Việc gì lại dại dột nằm nghe tiếng mõ đều đều của chị tôi vang vọng ở tháp gác một đồn lính Bảo-an mà tiếc nhớ những lá dương reo ngoài trời.

 

“Da thịt em nóng bỏng một đêm đậm hơi sương và mùi lá nõn. Đêm bốc cao bức xạ mặt trời của ngày còn lại. Giá lạnh của lớp khí trời mất nhiệt và hơi thở của rừng cây mới lớn. Em man dã trong tuổi đời ngơ ngác. Gặp anh trên bước đường phiêu bạt tuổi trẻ xối xả lăn tròn. Liều cho nhau những đam mê lớn nhất. Rồi đêm tàn ngày tới. Mặt trời réo cao sự nhục nhã của loạn luân. Lúc đó anh hãy xấu hổ bỏ đi. Còn em ngu dại đứng lại chờ; mặc cho thời gian đẩy mình vào quá vãng”. Tôi ngâm nga muốn đọc cho cổ khỏi đắng cho tiếc nhớ khỏi trở về cho Nha-Trang khỏi cách biệt như hòn đá mẹ bồng con đã cách biệt hẳn với sự sống. Tôi bây giờ với niềm ăn năn. Nỗi tiếc nhớ không thành hình cách ngăn không có mà như thiệt. Tâm can tôi mỗi lúc một khô hẳn. Tôi gục mặt để khỏi thấy ga Tuy-Hòa như một điều nhục nhã không thể tránh.

 

 

 (Văn số 79, ngày 1.4.1967)

 

 

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 2548
Ngày đăng: 20.06.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoài vọng và ngu ngơ trong tác phẩm của Franz Kafka* - Võ Công Liêm
Di dân và địa lý đô thị hiện đại - Đinh Lê Na
Nhận thức về tâm linh của cá nhân mình . - Nguyễn Hồng Nhung
Đại thừa / MAHÀYÀNA / Greater Vehicle Lòng thương xót và Siêu hình học - Võ Công Liêm
Lý thuyết tiếp nhận: không chỉ là vấn đề học thuật - Phạm Quang Trung
Các bậc thang phép thuật - Nguyễn Hồng Nhung
Có thì có tự mảy may,không thì cả thế gian này cũng không - Nguyễn Cẩm Xuyên
Những “hạt mầm” đã vươn lên! - Đỗ Hồng Ngọc
Karl Jaspers Niềm Tin và Sự Khai Ngộ - Võ Công Liêm
“Phản Tiếp Nhận” Như là sản phẩm của thời hiện đại - Phạm Quang Trung
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)