“Chẳng bao giờ em hiểu hết anh đâu
Sâu dưới đáy hàng trăm hòn ngọc lạ
Bạc trắng sóng một thuyền tình nghiêng ngã
Chẳng bao giờ em hiểu hết anh đâu”
H.T.T.
Biển ban mai lặng như hơi thở. Bình minh mỏng tang, lụa là tới cầm lòng không đậu. Bến Đầm ơi! Đầm đẫm trái tình đến thế này ư? 97 hải lý vụt qua như cơn mơ trước hình hài người đẹp. Đẹp như tiên biển khỏa thân cũng không hơn được! Đảo cong dáng núi, sóng sánh vươn mình, tung hết sức thanh xuân mà kéo biển xanh lên trời xanh đang vào thì ưng ửng. Ưng ửng của bình minh biển đảo. Của sắc màu trên lụa. Lụa là tới ngất ngây muốn khóc. Khóc vì sắc màu của trời của biển, kết thành vịnh biển đẹp tới nao lòng. Đó là vịnh biển Tây Nam.Vịnh biển Tây Nam thắt lại tới chạnh lòng ngay từ ánh nhìn đầu tiên chạm vào đỉnh cao Thánh Giá.
Hòn Bà gần như chạm được vào tay. Mà sao Hòn Bà lại trẻ trung làm vậy? Nắng ngần lên từng vạt, nhẹ như son phấn. Bạch Hầu, Hắc Hổ có còn đâu! Huơng rừng dịu như nụ cười bao dung của bà hoàng Phi Yến. Mấy trăm năm rồi mà Hòn Bà vẫn trẻ, vẫn chạnh lòng câu ca, ru huyền thoại trôi về làng An Hải.
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Ai mà tin được, người đẹp nghiêng trời nghiêng nước của trấn Vĩnh Thanh gầm ba trăm năm văn hiến Long Hồ Dinh, lại là người nữ tù đầu tiên ở quần đảo thần tiên, diễm ái, tú lệ này! Phải chăng nỗi đau nhân thế thăng trầm dâu bể đã dồn đá lại từng từng lớp lớp, buộc núi phải dang tay làm thánh giá nguyện cầu? Tất cả là huyền thoại. Huyền thoại bồng bềnh mây trời sóng nước, dệt thêu thêm một ngày sẽ rất đầy huyền thoại - huyền thoại mà rồi đây người ta sẽ nhớ, sẽ quên, , sẽ không ai dám chắc: cái gì là của hôm qua, hôm nay, và của ngày mai đang đến.
Vĩnh viễn và vĩnh viễn. Tự muôn đời tới muôn đời. Muôn muôn đời vẫn là tình yêu quần đảo ngọc kết chuổi cườm trên biển.
TỪ BẤT NGỜ TỚI KHÔNG NGỜ – ƠI CÔN SƠN
Trước tấm bản đồ ánh lên sắc tím của biển xanh, quần đảo Côn Sơn chiu chít nở bung ra nhiều hòn đảo nhỏ từ đảo mẹ Côn Lôn. Đảo mẹ chồm lên như con gấu biển, ưỡn ngực về phía đại dương, gồng lưng che chắn cho đất liền hàng trùng trùng cơn phong ba bão tố. Sức phi thường của gấu mẹ vĩ đại, là sức dẫn dắt cả đàn con thẳng ra khơi xa mở đất. Tại sao lại gọi đảo lớn Côn Lôn là trâu biển được nhỉ? Hình tượng gấu mẹ vĩ đại đẹp hơn nhiều, xứng đáng hơn nhiều với cả quần đảo rất giàu sinh thái biển, sinh thái rừng, rất giàu chí lớn giữa cồn cồn mưa giông, giữa bùng bùng nắng lửa.
Thật bất ngờ tới không ngờ, ơi quần đảo khỏe căng sức gấu giữa biển trời mênh mông tổ quốc.
Đường từ Bến Đầm uốn theo dáng núi, lượn qua đèo qua dốc, tựa vào thế núi, nương theo sóng biển, cao dần lên tới Mũi Cá Mập, bất ngờ dằn một đường cua dứt khoát, buông mình trôi tuột xuống đồng bằng của đảo mẹ.
Lại một bất ngờ tới không ngờ. Những cánh cò la đà chớp trắng trên màu xanh của lúa. Những con sáo đen mộng mơ như thi sĩ, đứng ngẩn ngơ ngắm chín tầng trời trên lưng con trâu già đang cúi dầu nhẩn nhơ gặm cỏ. Thảng thốt một đồng bông súng, gợi nhớ dáng ruộng đồng Nam Bộ, tròn những vòng bông súng, em gái quê nêm tình đời chua ngọt nồi canh, thơm lừng hương rau ngổ. Bổi hổi một đầm sen bông xòe bông búp, thắp trăm ngàn đốm lửa trên nền xanh muôn tròn lá phơi đầy nắng sớm. Xõa tóc những vạt dừa. Vun vút những hàng cau. Rồi hương chanh, hương bưởi. Nam Bộ tới nao lòng giữa trùng khơi của biển Đông tổ quốc. Lại còn cây thị thảo thơm bàn tay cô Tấm nơi đất Bắc xa kia. Lại còn những bụi mây xui chạnh lòng dải đất miền Trung dài dằng dặc.
Lạ thật đấy! Không ngờ thật đấy! Có ở nơi nào cả một huyện rộng tới 76,71km2, với 16 hòn đảo xum xuê mà lại chỉ có làng, không có xã. Và có ở nơi nào, cả huyện chưa tới 3000 dân mà lại tập hợp được cư dân cả một nước, làm thành “cộng đồng liên hợp tỉnh”, ấm áp tình bầu bí chung giàn, lá lành đùm lá rách. Giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam, hòa thành giọng chung Côn Đảo; hợp thành bản giao hưởng thanh âm ba miền, đậm đạp sắc màu riêng của cả một vùng biển trời bao la tổ quốc. Và có ở nơi nào ông bí thư huyện, ông chủ tịch huyện, anh cán bộ phòng, chị nhân viên bưu điện… lại thuộc lòng tên họ, tuổi tác, tính tình của từng người trong huyện. Cán bộ hiểu dân tới chân tơ kẻ tóc, dân cũng rành cán bộ tới từng lóng tay. Có việc lớn, việc nhỏ, cứ ới nhau một tiếng như ới người trong nhà. Vậy là đủ cả, xong xuôi cả.Vậy mà vẫn phải có công an, tòa án, viện kiểm sát… Có là cái lẽ phải có của một đơn vị hành chánh quốc gia, chứ hàng ngày dân Côn Đảo sống hành tâm với nhau là chính. Xưa cụ Nguyễn Du nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dân Côn Đảo gần như là dân anh tài, anh thư, anh thục của cả nước hợp về, nhưng khi đã hợp thành cộng đồng trên quần đảo, thì cái tài nhanh chóng bị cái tâm che khuất. Tài cao như đỉnh Thánh Giá, nhưng tâm rộng mênh mông như biển cả. Người Côn Đảo trọng chữ hành tâm trong ứng xử, trong công việc, như qúy trọng con ngươi của mắt mình, hệ sinh thái biển, sinh thái rừng của mình.
Một chiều cuối tháng 5 đầu thế kỷ, loa phát thanh truyền tin khẩn, có người cần tiếp máu O để phẫu thuật. Chớp con mắt đã hàng chục người có mặt. Chẳng ai cần biết lý do. Cứu người như cứu lửa. Lý do để làm gì khi mạng sống con người đang bị đe dọa.
Anh Nguyễn Văn Tư, trưởng phòng VHTT huyện, nói với tôi :
- Ngân hàng máu của Côn Đảo dự trữ sẵn trong cán bộ, nhân dân và bộ đội của huyện. Máu người ta chảy thì ruột mình cũng mềm. Dân Côn Đảo qúy mạng sống của từng người như qúy quần đảo của mình. Cái chung và cái riêng dường như đã hòa làm một ở nơi xa xôi đầu sóng ngọn gió này.
- Tôi đi dọc theo đường kè biển Tôn Đức Thắng. Lá bàng hòa sắc xanh, sắc vàng, sắc nâu đỏ. Gốc bàng sần sụi, đầy hốc ổ, đầy đường rãnh vặn xoắn. Cành bàng gân guốc, hướng cả về phía trùng khơi. Thương tới nao lòng câu thơ của ai đó:
Em về lượm lá bàng rơi
Đếm mùa kỷ niệm một thời trẻ trung
Câu thơ thắp lửa bập bùng
Trên từng chiếc lá một vùng thời gian.
Vùng thời gian của ai đó trên quần đảo Côn Sơn hùng vĩ, cũng như vùng thời gian của tôi, của chúng ta mà thôi. Vùng sáng của tuổi thơ, vùng tím của tuổi mơ tuổi mộng… Các vùng thời gian của đời người chuyển màu như chuyển màu của biển. Đứng trên cầu tàu 914 nhìn vào, mắt tôi chạm vào một kiểu kiến trúc Tây phương xưa cũ, lọt dưới tán bàng đại thụ. Đó là ngôi nhà công quán được xây dựng từ năm 1895. Những ngôi nhà hơn trăm tuổi ở đất liền không ít. Nhưng điều bất ngờ tới không ngờ đối với tôi , là tại nơi đây, nhạc sĩ kì tài của nước Pháp vào cuối thế kỷ 19, ông Charles CamilleSaitsaens , đã từng có những đêm thức trắng ở đây, để hoàn tất vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehida. Viên toàn quyền Đông Dương thời đó là Rousseau, đã may mắn có được cái nhìn tinh tường về vẻ đẹp kỳ vĩ của nơi này, nên đã mời người bạn nhạc sĩ của mình tới đây để nghĩ ngơi và sáng tác. Nhưng với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, SaintSaens đã nhìn thấu được một sự thật đang bị che dấu khuất tất ở phía sau những bức tường đá im lìm như mơ ngủ giữa nắng hè và mưa giông miền nhiệt đới. Trước khi rời quần đảo ngọc, ông đã gởi lại cho Chúa ngục Jacquet một lá thư đầy trăn trở.”Tiếc rằngtôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa, nền âm nhạc xứ này. Nhưng những gì tôi cảm nhận được ở đây, đã làm phong phú cảm xúc âm nhạc của tôi, đã khiến tôi tin rằng, nền âm nhạc ấy đã phản chiếu cái đẹp, cái nhân hậu, cái phong phú trong tâm hồn người xứ này. Họ đang đau khổ biết chừng nào!.. Là người làm nghệ thuật, tôi tin chắc rằng: ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến pháp luật”. SaintSaens đã nói rất đúng. Cái đẹp của tình người ở Côn Sơn không thiếu, nhưng nó đang bị vùi dập bởi xích xiềng và đòn roi ở phía sau những bức tường đá kiên cố tới lạnh lùng. Và sự thật, từ tháng 3 năm 1862, khi đô đốc Bonard cho tàu Echo chở 50 phạm nhân đầu tiên ra Côn Đảo, “nước mẹ đại Pháp” đã cho phép Côn Sơn tự do hành xử đối với mạng sống con người mà không cần tới pháp luật. Suốt 113 năm, luật pháp ở Côn Sơn là gông cùm, xiềng xích, là chuồng bò, chuồng cọp, là tra tấn đọa đày khốc liệt những người dân yêu nước, vô tội, tới tàn phế, tới chết. Lời trần tình đầy trăn trở ưu tư của SaintSaens nhanh chóng bị người ta lãng quên. Bởi vì ngự trị suốt 113 năm ở nơi này là những con ác qủy đội lốt người. Để tăng tính tàn khốc của bạo lực, hòng trấn áp cả thể xác lẫn tinh thần của những người cộng sản, từ năm 1955, Ngụy quyền Sài Gòn đã nâng cấp Côn Đảo thành tỉnh tù Côn Sơn. Đường đường là một tỉnh mà chỉ có nhà tù và nhà tù, không hề có một cơ sở kinh tế và văn hóa xã hội gọi là. Ai có thể cân đong đo đếm được máu và nước mắt suốt 113 năm của dân ta thấm xuống đảo này?
Cùng với nắng sớm tháng 5 rực rỡ, chúng tôi theo cô Thanh Hương đến nghĩa trang Hàng Dương lịch sử. Bất ngờ hoa phượng đỏ tới say mê, rạo rực. “Tháng 5 rợp trời hoa phượngđỏ”. Phượng Côn Đảo không nhiều như ở thành phố biển Hải Phòng, nhưng với một hòn đảo 51,52 km2, thì bấy nhiêu đó cũng đã là nhiều lắm. Hoa phượng cháy lên niềm khát vọng vươn tới tương lai, dường như để thắp lửa trong tim người, giúp con người vơi bớt một phần nỗi đau thuơng của qúa khứ bi hùng. Nhưng nắng sớm trên rừng dương, gió biển xạc xào trên rừng dương, vẫn lay thức trái tim ta về 20.000 nấm mộ có tên và không có tên ở nơi này. Bước trên những phiến đá lát đường, tim tôi cứ rung lên, cứ nấc lên một câu thơ đầy ám ảnh của Thanh Vân: “mỗi bước chân đi ngỡ xương người níu lại”. Xương thịt của cha ông ta từng bị kẻ thù vùi dưới cát. Cát nóng như nung. Mưa rừng tuôn như xối. Bao nhiêu năm rồi?.. Bao nhiêu năm rồi?.. Làm sao mà nguôi được! Nhưng xin đừng ai nói thêm một lần nữa: “màu hoa phượng hôm nay là màu của máu”. Xin hãy nói về hoa phượng của mùa hè, của tin yêu và hy vọng. Thanh Hương từ phố biển Hải Phòng, đến với Côn Đảo bằng sự trẻ trung của một thì thiếu nữ. Em cũng là một cánh phượng, thắp rực lên một ngọn lửa đất liền trên quê hương Côn Đảo đầy nắng và gió.
Ơi Côn Sơn! Mỗi bước đi ta thêm gặp mỗi bất ngờ tới không ngờ trên quần đảo ngọc!
CHUỔI CƯỜM NGỌC ÓNG LINH HỒN TỔ QUỐC
Con tàu gỗ 60 mã lực của Vườn quốc gia Côn Đảo chứa đầy nước ngọt. Cùng đi trên tàu với chúng tôi có một chàng trai Pháp, một đoàn cán bộ nghiên cứu, bảo vệ sao la của Nghệ An, Hà Tỉnh.
Biển động. Sóng dồn lớp lớp như hàng trăm triệu con chiến mã tung bờm trắng xóa. Có một cặp tình nhân trẻ tới sững sờ cùng ra biển. Nhà thơ Song Hảo mơ màng đếm từng con sóng. Sóng nhảy nhót bước chân nai. Sóng dồn dập nước đại đoàn chiến mã. Sóng ngời lên chao đảo trong mắt biếc cô gái xứ sông Bùng. Sóng cuồn cuộn mê đắm trong ánh nhìn của chàng trai miền Hồng Lĩnh. Sóng đằm trong tâm hồn tôi khúc hát: “Nhổ neo ra khơi. Đêm nay khi trăng mọc, tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi”…
Tàu chúng tôi khởi chuyến thăm Hòn Bảy Cạnh vào 9 giờ sáng.
Điểm hẹn đầu tiên là hang yến sào trên vách đá dựng của đảo lớn, xế Mũi Chim Chim không rõ xa bao nhiêu đường núi chập chùng. Thảo Đan nhảy tưng tưng, khua cả hai tay lên bầu trời lộng gió, reo lên niềm hạnh phúc trước hàng ngàn hàng ngàn cánh yến sào chao lượn. Tàu lắc lư theo nhịp pasodope. Thúy Vân lặng người theo điệu slow. Cúc Anh vịn lan can tàu, nhoài người về gộp đá. Quốc Nguyên gắn tê lê, điệu đời trong từng cú bấm máy ngã nghiêng trên lượn sóng. Thành Khởi giương ống nhòm, cố chỉnh tiêu cự để nhìn cho thật rõ một chàng trai trần trùng trục đang hối hả bám từng gộp đá để leo ra mép sóng. Chiếc mủng bằng tre được thả xuống biển cùng với thuốc lá và qùa của anh Lê Minh Chương gởi tặng trạm canh hang yến. Thấy rõ chàng trai gởi vào đảo mẹ một phong thư. Lệ ưá ra từ đôi mắt nhà thơ Song Hảo. “Cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau”. Ở đây làm gì có lứa đôi để trao nhau nụ hôn bên cửa sổ. Ở đây chỉ có vách đá dựng, chỉ có nắng và gió, và bốn mùa đàn ông thèm nghe một tiếng cười con gái. Phương Ánh lặng người, nghèn nghẹn trước cảnh chia tay ầm ào sóng vỗ. Không chảy nước mắt mà Ánh đang khóc thật đấy!
Tàu chém sóng lao ra Hòn Trứng. Hòn đảo độc thân, trắng xóa giữa biển trời như đỉnh cao Phú Sĩ. Không phải là tuyết xứ Anh Đào. Hòn Trứng toàn đá dựng, sừng sững sinh tồn từ hàng triệu năm nay với trăm ngàn con chim nhàn cánh trắng và đại bàng núi biển. Màu trắng diệu kỳ của đảo nhỏ là phân chim tích tụ theo thời gian. Đó là dấu ấn của sự sống mãnh liệt và bất diệt giữa trùng khơi triệu triệu năm suy tư và tồn tại. Có hai người leo núi hốt trứng bị phạt nặng theo luật của kiểm lâm. Đành phải vậy thôi! Đây là vùng biển thuộc khu vực quản lý, bảo tồn sinh thái biển.
Tàu neo sát vách đá Hòn trứng. Sóng đòng đưa lắc võng. Người thủy thủ buông câu, giật lên một con cá bống tượng đỏ rực rỡ từ rừng san hô. Con cá sống ngầm dưới nước bị kéo lên đột ngột, vỡ bong bóng, chết ngay tức khắc. Văn Bo thả mấy chục thước cước vào lòng nước. Mắt căng nỗi háo hức đợi chờ.
Tàu lượn một đường cong nghệ sĩ đầy toán học, cưỡi trên lớp lớp sóng bạc đầu, trực chỉ Hòn Bảy Cạnh lướt tới. Thả neo cách vịnh san hô gần trăm mét, chúng tôi đổ bộ vào trạm kiểm lâm bằng ghe đánh cá. Ghe cá buông neo cách bờ cát chưa tới 10 m. Nhà văn Ngô Khắc Tài đứng ở đuôi tàu với hai cặp giò dài như sào nạng, háo hức nhảy ùm xuống biển. Nước ngập qua lỗ rún. Ngửa mặt cười với núi, Khắc Tài lội đùng đùng, hăm hở còn hơn trai tơ nhào tới điểm hẹn của mối tình đầu bốc lửa. Song Hảo ở mũi tàu cũng nhảy ùm xuống nước . Không có nhà văn Anh Động nhanh tay chụp kịp, chắc Song Hảo cũng ướt đẫm tình yêu của biển. Anh Lương Văn Tài từ trên trạm nhào xuống. Chắc nịch và săn giòn mùi biển mặn. Bàn tay nhà thơ rung lên trong bàn tay vạm vỡ của người canh rừng canh đảo. “Mai xa rừng anh có nhớ gì không?”. Chưa đâu? Đây chỉ mới là giây phút đầu tiên của trùng phùng tao ngộ.
Bếp lửa bùng lên ngọn lửa rừng. Anh Kiên xắn tay áo trổ tài vua bếp. Cái dáng đô lực sĩ, lầm lì như con gấu của anh, tưởng chậm chạp, ai dè đụng việc gì cũng lẹ làng, thoăn thoắt như con sóc đen trên đảo. Cúc Anh, Thúy Vân nhào xuống làm trợ thủ.. Lửa nổi phừng phừng trong gió lộng. Không giỏi che chắn cả bốn bề thì cơm sống cơm khê là cái chắc.
Chàng trai Pháp đeo kiếng lặn, vận quần xà lỏn, cao lều nghều như Đông Ky Sốt, căm cắm bước trên triền cát, một mình mò tới doi đá gộp lô nhô, hụp hửi bơi lặn cả tiếng đồng hồ. Tôi với Trương Hoàng Minh vòng qua trạm kiểm lâm, băng qua đồi cát đầy dứa dại, trượt xuống rừng ngập mặn ken dày mắm, đước và sú rễ lồi. Vụng nước nhỏ dưới chân đồi chìm trong màu xanh cây lá, lạo xạo những hòn đá trứng, văn vắt trong, hiện rõ từng bầy cá nhỏ óng ánh sắc màu bơi lội. Bất chợt hiện ra bãi đá gộp trải dài ngút ngát. Rừng đước giăng giăng vụng biển. Chùm chùm rễ đước trồi lên trên đá, xoắn xuýt, chen chúc đan ken vào nhau, tạo thành xứ sở của cua, của ốc. Từ vịnh biển phía Tây của Hòn Bảy Cạnh, hướng về vịnh Đông Bắc, vịnh Đầm Tre, tựa như dõi nhìn vào con mắt mở to của gấu mẹ Côn Lôn mà hỏi: sẽ chồm lên theo hướng nào đây? Phía trước là Thái Bình Dương, là trùng trùng tài nguyên vô cùng vô tận. Sau lưng là tổ quốc, là muôn thương ngàn nhớ. Sẽ tiến lên theo hướng nào đây?
Qúa trưa, giông nổi cuồn cuộn. Rồi sầm sập mưa giăng mịt mùng, tối trời, tối biển. Sóc nhỏ Thảo Đan và Phương Ánh đội mưa đi lượm ốc. Ốc Bảy Cạnh muôn màu muôn vẻ. Ốc nhỏ lăn tăn như đầu ngón tay, đẹp óng ả màu ngọc lạ. Ốc lớn sần sùi và tua tủa gai góc bể khơi. Ốc tù và dẫu chết vẫn còn âm vang hồn biển u u mời gọi ra khơi. Ốc vú nàng càng lớn càng óng ánh sắc xà cừ, mời mọc tới lịm mòn con mắt. Ốc tai tượng nặng hàng mấy ký mấy ký, nổi gờ sóng dọc dọc, hàng hàng, lớp lớp, như khẳng định tuổi tác với thời gian. Rồi lại còn ốc đụn cát, ốc xoắn vách, trai ngọc, trai ngọc nữ… Cơ man nào là ốc giã từ biển thẳm tụ về đây.
Quốc Nguyên và tôi lội trên rạn san hô đã bị cơn bão số 5 tàn phá, lần theo cánh đồng rong tảo đầy cua xanh, tôm tít và hải sâm. Cua xanh chạy thoăn thoắt dưới nước, nhanh còn hơn sóc đen, sóc bụng đỏ trên rừng núi Chúa. Tôm tít búng mình lao vọt vọt, thoắt hiện thoắt ẩn trong rong tảo, trong hang hốc của rạn san hô. Hải sâm đen kịn, to như cổ tay người lớn, ườn xác nằm, lười biếng còn hơn cả con cù lần trên núi. Cái giống hải sâm thiệt ngộ. Hễ đụng vào là phồng lên, cương cứng, xịt ra thứ nước trắng đục. Có con cụt ngun ngủn. Có con dài thòn. Các bác người Hoa giàu có, muốn phỡn với đời, đã chấm hải sâm, tôn hải sâm thành món ẩm thực hàng đầu, cùng với bào ngư, cá ngựa, yến sào, nhung hươu, tay gấu… Thức bồi bổ sinh khí lực, thức tráng dương bổ thận, Bảy Cạnh có ê hề.
Nguyễn Văn Tư và Văn Bo xách chỉa , xách giỏ đi bắt cua. Chớp con mắt đã no đầy con mắt. Cua đảo nhiều vô kể. Nhưng coi chừng xơi nhằm cua lông thì hết số. Cua gì mà độc hơn thuốc độc tới ghê hồn. Mới vừa đây, gia đình bà Nô để con bất cẩn trong nấu nướng, lọt mâm cơm có một hai con, mà cả nhà lao đao nhém chết. Cũng may cua lông là thứ cua có lông, chỉ thấy một hai lần đã có thể dễ dàng nhận ra nó; hơn nữa, cua lông chạy rất nhanh, bắt nó không đơn giản chút nào. Bà con với cua lông là cua chua, giống cua chua lè lè, chỉ cần nhấm một cái ngoe của nó, chua miệng cả tuần không thứ nào tẩy nổi.
Men theo bãi cát lớn, bãi cát nhỏ, sẽ tới ngọn hải đăng trên Hòn Bảy Cạnh- ngọn đèn biển có mặt từ buổi đầu, khi trung úy Lespès chỉ huy chiến hạm Norgazaray, đánh chiếm Côn Đảo vào ngày 28 tháng 11 năm 1861. Từ đây dễ dàng nhìn thấy Hòn Cau ở chếch về phía Đông Bắc. Đập vào mắt nhìn là bãi cát lớn Hòn Cau, nơi Hội mùa sinh nở đông đúc nhất của hai loài rùa biển nổi tiếng của cả nước: vích và đồi mồi. Rùa biển Côn Sơn có những con nặng tới 150 kg, bơi dưới biển lù lù như một cỗ tàu ngầm mi ni săn cá. Tuổi thọ của rùa biển lên tới hai, ba trăm năm. Từ lúc ra đời tới khi trưởng thành, bước vào thời kỳ sinh đẻ, rùa biển cũng phải mất thời gian 30 năm có lẻ. Anh Lê Hữu Hòa nói với tôi: “Rùa cặp đôi với nhau vô địch trong các loài. Dê núi cũng không nhằm nhò gì so với nó. Bảy ngày bảy đêm ái ân mùi mẩn. Xong cuộc hoan ca là chia tay biền biệt, chẳng con nào hành khổ con nào về cuộc gió trăng trên biển.
Người ta đi biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
Câu ca dao ấy có lẽ phải dành riêng cho loài rùa biển. Rùa biển bắt đầu đẻ trứng vào tháng 5. Nhưng rộ nhất là vào mùa mưa rộ: tháng 6, tháng 7, tháng 8. Lựa những đêm tối trời, rùa cái từ lòng biển ngoi lên, tìm tới những bãi cát đủ độ dày, dùng sức mạnh của bốn chi như mái chèo, nặng nhọc lết tấm thân nặng từ 60 kg trở lên, bò cắt ngang bãi cát tới nơi cao nhất. Tôi đã may mắn thấy tận mắt một con vích nặng gần cả tạ, bò lên bãi cát lớn Hòn Bảy Cạnh đào ổ đẻ. Dễ biết lắm. Cứ đi dọc theo bãi cát, thấy chỗ nào có hai lằn cát bị xới tung lên như hai rãnh cày, chắc chắn ở đó có rùa lên đẻ. Cô nàng vích sắp qua cơn vượt cạn, lên tới nơi cao nhất của bãi cát thì dừng lại, quậy cát tùm lum, rồi xoay ngang bò thêm cả chục thước, rồi mới dùng hai chi sau xủi cát thành ổ. Xong xuôi, cô nàng ngóc đầu quan sát một hồi, lại xoay ngang bò tiếp cả chục thước nữa. Rồi lại đào. Lại bỏ. Lại bò ngang qua nơi khác. Tới lần thứ ba cô nàng mới chịu đẻ. Đẻ xong, cô nàng dùng bốn chi nâng bổng người lên, nện thình thịch tấm thân khổng lồ xuống ổ trứng. Trứng rùa biển tròn tròn, cỡ qủa bóng bàn, vỏ không cứng mà rất dai, rất dẻo. Mỗi con rùa biển đẻ từ 70 đến 120 trứng. Khi đẻ chúng thường đào vài ba ổ để nghi trang, để đánh lừa các loài kỳ đà, heo mọi, từ trên rừng kéo xuống lùng sục kiếm ăn. Khổ nhất là những nàng vích vụng về, đẻ trứng nơi đất thấp, dễ bị thủy triều úng ngập, làm cho trứng bị xác, không nở thành con. Với những ổ trứng này, các trạm bảo vệ tài nguyên biển thường phải moi lên, di dời về ổ nhân tạo để bảo vệ trứng, bảo vệ rùa con.
Trứng rùa sau 55 ngày đêm vùi dưới cát, dưới nắng mới nở thành con. Rùa con nhỏ như đầu ngón chân cái, moi đất bò lên, lắng nghe tiếng sóng để định hướng, rồi quáng quàng bò lổm ngổm xuống nước. Chúng bò rất nhanh để tránh các loài thú ăn thịt trên bờ. Nhưng dưới mặt biển đầy sóng kia, cái chết khủng khiếp vẫn rình rập. Đáng sợ nhất là cá nhám và cá nhái – hai kẻ hung thần sát thủ tham lam của biển .
Buổi chiều trên Hòn Bảy Cạnh, anh Bảy Tô Long Anh cùng với anh Sáu Tự (Ở Viện Hải dương học Hải Phòng), tháp tùng ghe đánh cá, đội giông gió ra tới nơi. Anh Bảy xách một tay con vịt, một tay con cá gì lạ hoắc, mỏm nhọn hoắt, nặng chừng hai, ba ký. Buổi cơm chiều có thêm món độc chiêu là sò tai tượng, ốc tù và. Sò tai tượng Côn Đảo, nhiều con to như chậu thau, thường gắn mình vào mỏm đá, đợi khi triều xuống thì há mồm ra chờ mồi; thịt ngon nhất là thịt gần bản lề, không kém gì thịt ốc bào ngư.
Nhớ hôm nào ở bãi Đầm Trầu, chúng tôi mua được của anh chàng thợ lặn săn biển , con cá đuối cóc nặng hơn 30 kg. Con cá toàn thịt là thịt; thịt nấu chín nở bông ra trắng ngần, buồng gan tươm mỡ, béo tới không tưởng được. Bạn văn Trần thôi của tôi lực lưỡng là vậy, cũng phải trần lưng cả hơn tiếng đồng hồ mới lột xong bộ da nhám xạm, dày cui và lổm nhổm gai góc của con cá.
Biển Đông của chúng ta rộng tới 4 triệu 800 km vuông, riêng Vườn Quốc gia Côn Đảo đã quản lý nghiêm ngặt tới 9.000 ha diện tích mặt biển, và có trách nhiệm với 20.500 ha vùng đệm trên biển. Biển Côn Đảo rất giàu tiềm năng sinh thái biển. Riêng rong biển đã có 84 loài, trong đó có 7 loài mới ghi nhận ở Việt Nam và 3 loài mới ghi nhận ở thế giới. Thảm cỏ xanh dưới đáy biển thuộc vịnh Đông Nam, và một số khu vực phụ cận, là một giống cỏ qúy, hình dáng từa tựa như cây địa lan. Nó là nguồn thực phẩm chính của loài thú Dugong Dugong, tiếng địa phương gọi là con Cúi, con Bò Biển. Dugong còn được gọi là nàng tiên cá, bởi nó có hình thể đẹp, và nuôi con bằng đôi vú mọng sữa. Trước đây, dân Côn Đảo thỉnh thoảng vẫn kéo lưới dính một vài con Dugong còn nhỏ, đem về xẻ thịt, ăn thấy ngon và béo như thịt heo. Từ khi biết Dugong là thú qúy, đã được liệt vào sách đỏ của thế giới, dân địa phương mới bật ngửa, tiếc hùi hụi vì đã có một thời phung phí nguồn gen qúy hiếm, chỉ có trên vùng biển của mình. Ngoài nàng tiên cá Dugong, quần đảo Côn Sơn còn có cá voi, cá heo và cá nược, là những loài động vật có vú sống dưới biển. Nói về cá, Côn Đảo có tới 160 loài, trong đó có 25 loài mới ghi nhận được ở Việt Nam.
Côn Sơn là quần thể có 16 hòn đảo. Đảo lớn nhầt là Côn Đảo, chiếm 2/3 diện tích quần đảo. Tất cả được mọc lên trên nền nham thạch vững chắc. Núi chiếm 88,4% diện tích. Rừng mọc ngút ngàn. Rừng sác và rừng hậu sác. Rừng khô hạn mọc trên cát và rừng mưa nhiệt đới. Theo tài liệu nghiên cứu ghi nhận, rừng Côn Đảo có 650 loài thực vật bậc cao, trong đó có 81 loài cây gỗ lớn, 194 loài cây gỗ nhỏ và vừa, 165 loài cây thuốc. Anh Lê Minh Chuơng nói với tôi: “Côn Đảo có rất nhiều loài cây thuốc rắn. Nhiều tới mức, các loài rắn độc trên đảo đều bị giải hóa hết nọc, chưa từng thấy cắn chết ai bao giờ”.
Không biết hư thực ra sao. Ngay trên vòm duối xanh um, nơi hàng chiều, hàng đêm, tôi vẫn thường đòng đưa trên võng, tôi thấy ràng ràng một cặp rắn tờ tợ như hổ ngựa, có màu xanh đọt chuối, hơi ngã sắc vàng, cuộn lấy nhau thành nùi, nằm im không đụng cựa. Hình như chúng chờ màn đêm sụp xuống để rình bắt chim rừng về ngủ. Quanh cái chòi thơ của anh Chương là giàn cây thuốc rắn, gần với họ xương rồng, ngoằn ngoèo những khúc dây dài cỡ gang tay, đan vào nhau như đan lưới trang trí. Tôi nghe lời nhà văn Anh Động, ăn thử một lá cây thuốc rắn ấy, thấy có vị nhân nhẩn chát và hơi chua, hơi ngứa.
Rừng Côn Đảo có gỗ cẩm thị, gỗ quăng, gỗ găng néo, gỗ lát hoa… và, có tới 11 loài thực vật được lấy tên Côn Sơn để đặt tên. Đó là: Bụi Côn Sơn, Gội Côn Sơn, Thạch Trang Côn Sơn, Xà Căn Côn Sơn, Đọt Dành Côn Sơn, Lấu Côn Sơn, Xú hương Côn Sơn, Thiệt Thủ Côn Sơn, Kháo Côn Sơn, Dầu Côn Sơn, Đậu Khấu Côn Sơn. Dưới những tán rừng rậm rạp, Côn Đảo có tới 144 loài động vật. Trong đó có 28 loài thú, 69 loài chim, 39 loài bò sát, 8 loài lưỡng thê.
Trong đoàn, Thảo Đan, Phương Ánh và song Hảo là ba người may mắn nhất, hạnh phúc nhất, đã leo lên tới nóc nhà của Côn Đảo; nghĩa là đã lên tới đỉnh cao núi Thánh Giá , cách mặt biển 577 m. Lên tới đó, sẽ gặp được loài chim chúa tể của đỉnh cao, là chim cắc ca, rồi tới chim đại bàng. Thấp hơn thì có chim gầm ghì trắng. Ra đảo nhỏ ngoài khơi xa, còn có chim điên mặt xanh, cũng là giống chim lạ. Chim thú qúy hiếm thì có sóc đen, sóc dạ đỏ, sóc mun Côn Đảo, sóc bay bé, yến sào, yến hồng trắng, yến cầm trắng, chim bồ câu nhiệt đới, bồ câu nicoba… và, không biết bao nhiêu là trăn gấm. Nghe nói, ở Hòn Bà hay Hòn gì đó, người ta đang nuôi thử nghiệm giống khỉ mặt đỏ. Lại nghe anh Trần Công Bình nói, vườn quốc gia Côn Đảo mới bị sổng một con nai từ đất liền đem ra. Anh bạn Hồng Sơn của tôi tính tình ruột ngựa, nói huỵch tẹc: “Vậy thả nốt con còn lại vô rừng để chúng sống có đôi, biết đâu nay mai Côn Đảo có nai đàn”.
Nai đàn thì chưa biết ra sao, chứ dê đàn Côn Đảo thì vô phương đếm. Không phải là dê núi, mà là đích thị dê nhà nuôi thả đàng hoàng. Từ Mũi Lò Vôi đi sân bay Cỏ Ống, từng đàn dê đông tới chóng mặt, uà cả ra lòng đường để ngắm mặt mũi người đồng bằng châu thổ sông Mê Công . Gần kế Mũi Chim Chim, nơi có mỏ đá graphit, một con chim biển quắp con cá to như cổ tay người lớn, cứ lượn vòng khoe khoang tài năng săn cá một cách hợm mình.
Tới bãi đần trầu, bất ngờ lộ ra một đồi vông cổ thụ xanh mướt mát. Khắc Tài bỏ đoàn leo lên đồi vông lục kiếm phong lan. Trời ạ, ai lại sục kiếm phong lan trên đồi vông bao giờ! Côn Đảo có tới 80 loài cây cảnh, riêng phong lan đã chiếm tới 30 loài. Rồi lại còn cau kiểng vàng, cau chuột nghịch, thiên tuế, thiết mộc lan. Văn Bo, Quốc Thanh, Trần Thôi, vớ được một cây thiết mộc lan bị xe ủi húc đổ trên con đường đèo mở lối qua Đất Thắm, mừng húm, chia nhau cắt trừng khúc để đem hương núi biển về đất liền .
Trèo lên gộp đá cao nằm nhoài mình ra biển, nhìn về hướng Tây , sẽ thấy Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn. Hai hòn đảo cỡ tầm tầm ấy, xanh rười rượi màu tre xanh xứ sở. Người tù xưa thường vượt ngục tới Hòn Tre kết bè, lợi dụng gió Đông Nam, tìm về miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Có khi bị gió đẩy tuốt luốt, mất biệt trên vùng biển Tây Nam cũng không chừng. Ra Hòn Tre Lớn sẽ thấy rất rõ đường lượn cong cong duyên dáng của bãi Ông Đụng, thấy phơ phơ Hòn Trọc, thấy xanh ngắt Hòn Bà. Từ Hòn Bà, dùng mủng bơi chưa mỏi tay đã tới nghĩa trang Hàng Keo. Những cây keo giờ đây không còn nữa, nhưng dấu tích cuộc bạo động khởi nghĩa của gần 250 tù chính trị thì vẫn còn. Thay cho keo là rừng dương đang rì rầm kể lại chuyện xưa tích cũ. Đứng trên cao nhìn xuống, Hòn Bà sừng sững, uy nghiêm vạch một đường xiên , sát vào lưng núi Thánh Giá, hình thành vịnh Tây Nam, tạo thế lặng sóng, che chắn tuyệt vời cho cảng nước sâu Bến Đầm. Đầu mũi Hòn Bà là Hòn Vung. Hòn Vung nhỏ nhoi, nhưng đẹp như con tàu kéo, dường như đang rướn mình mở hết tốc lực, kéo Hòn Bà ra khơi tìm hạnh phúc.
Dừng chân trên Mũi Cá Mập lộng nắng và lộng gió, nghe dào dạt dưới chân mình một vùng biển thẳm xanh ngăn ngắt, quê hương của loài cá mập từng đe dọa mạng sống của biết bao nhiêu người tù chính trị. Để giảm bớt nỗi hoang vắng của biển thẳm, Côn Sơn nở bung tại đây bốn hòn đảo sóng đôi mang tên người: Hòn Tài Lớn, Hòn Tài nhỏ – Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ. Cùng với Hòn Bảy Cạnh , Hòn Bông Lan, bốn hòn đảo này kết thành vành đai đảo, vừa khép lại, vừa mở ra cho đảo mẹ con đường tiến về Đông Nam, hội nhập với các nước thuộc khối Asean.
Huyện Côn Đảo hôm nay vẫn thiên nhiên tới sững sờ du khách. Từ máy bay nhìn xuống, quần đảo xanh tươi và sáng đẹp như chuổi cườm ngọc, óng lên dưới nắng trời linh hồn của tổ quốc.
BẢN TÌNH CA XANH CÔN ĐẢO
“Côn Đảo xanh, Côn Đảo rất xanh
Xanh biển, xanh rừng, xanh trời, xanh đảo
Xanh cả tóc em buông lơi trên vai áo
Xanh lịm ánh nhìn em trao cho anh”
H.T.T.
Hơn nửa đêm, tôi với Khắc Tài, Thành Khởi, vẫn ngồi trong chòi thơ, nghe anh Lê Minh Chương kể chuyện về huyền thoại linh thiêng của Bà Phi Yến. Hình như hồn bà thứ phi từ AN SƠN TỰ theo gió tìm về, quẩn quanh đâu đó. Thơm qúa mùi trái thị dân dã. Nồng ấm qúa vị rượu thuốc dân gian. Tâm tưởng tôi càng lúc càng lắng vào bốn chương trình xanh của huyện đảo: rừng xanh, biển xanh, trời xanh, xã hội xanh. Côn Đảo hôm nay là quần đảo thanh bình, xanh sạch, ấm áp tình người, tình biển.Dù anh là ai, đi tới đâu cũng bắt gặp những nụ cười, những ánh mắt nhìn thân thiện. Tôi nhớ hôm đầu tiên ra đảo, Văn Quốc Thanh dừng lại thay pin cho máy chụp hình, bà chủ tiệm nghe giọng nói, lập tức nhận đồng hương Quảng Ngãi với nhau, hẹn hò mời tới nhà dùng cơm kể chuyện. Quốc Thanh không có thời gian dùng cơm với người đồng hương mới gặp. Nhưng anh không thể từ chối lời mời dùng cơm với vợ chồng Phương Đông – Người mà 6 năm trước đó đã hướng dẫn đoàn chúng tôi đi thăm trại Phú Hải, Phú Cường, thăm chuồng bò, chuồng cọp… Cùng đi với Quốc Thanh còn có Hồng Sơn. Hồng Sơn trở về cứ tấm tắc khen mãi mối tình như tiểu thuyết của hai vợ chồng trên đảo.
Tình yêu Côn Đảo. Những mối tình Côn Đảo. Tôi nhớ hôm rời đất liền, ngồi trên mui tàu Côn Đảo 5 với anh Minh. Minh là lính hải quân đang nghỉ phép ra đảo hưởng tuần trăng mật. Vợ anh là chị Hảo, công tác ở Tòa án huyện. Họ không còn trẻ, nhưng cũng chưa tới tuổi xồn xồn. Họ là cặp uyên ương đã đủ sức băng mình qua trùng dương tìm hạnh phúc. Tôi nhớ chuyến tàu đặc biệt của Vườn Quốc gia Côn Đảo, vượt qua giông gió áp thấp nhiệt đới, chở duy nhất một người khách từ đất liền mới ra, đến Hòn Cau thăm chồng. Con tàu lầm trong giông gió. Gương mặt người đàn bà rạng ngời hạnh phúc. Tôi nhớ đêm giao lưu Thơ – Nhạc dưới chân núi Chúa, anh Ca ở đồn biên phòng 540, đọc vội mấy bài thơ, uống vội vài ly rượu với bạn bè, rồi bắt tay từng người tạm biệt, để còn kịp về với vợ. Té ra, nội trong đêm nay, chị Ca sẽ đập bầu sanh nhi tử. Rồi vợ chồng Thanh Vân. Thanh Vân là cán bộ khu bảo tồn di tích lịch sử Cách mạng của đảo. Chồng chị tên Đông, chủ một doanh nghiệp cơ khí ngoài thị trấn . Hai vợ chồng nghệ sĩ cùng mình, vui vẻ tiếp rượu bạn bè tới tận tình tận nghĩa. Anh ca rồi chị ca, anh hát rồi chị hát. Hai vợ chồng xôm xả như diễn viên, diễn hết mình, hết ý. Nhưng Thanh Vân còn làm thơ. Lượm từng chiếc lá bàng để tìm ý làm thơ. Ngắm nghía hàng giờ từng bụi cây lùm cỏ để tìm ý làm thơ. Thơ có máu đỏ màu cờ, có loảng xoảng xiềng gông, có quặn đau da thịt dưới đòn roi tra tấn…. Có cả trời xanh, biển biếc, có cả dập dìu cánh chim tìm bạn, có cả thổn thức tấc lòng ưu tư về cuộc sống…
Một trưa vàng tôi với Thành Khởi lang thang trên Cầu Tàu 914, đi tìm kiếm dấu tích người xưa in trên đá núi xây kè, lại gặp anh cán bộ cấp nước cùng với người em trai đi giăng lưới. Họ giăng hai tay lưới trước bến Cầu Tàu. Mỗi tay lưới dài chừng trăm mét. Mỗi lần kéo lên được một vài ký cá. Anh nói: “Thứ bảy, chủ nhật ở không, đi kiếm cá tiếp vợ con, phòng mùa giông bão. Vừa được bà xã chấm điểm, vừa được vui vẻ với bạn bè trên bến”. Trên bến còn mấy người cán bộ ngồi thả câu câu mực. Họ cũng như anh, giúp vợ cải thiện bữa ăn hàngngày. Kinh tế Côn Đảo là kinh tế tự cung tự cấp. Đến như cây trái trong vườn, người ta cũng chia nhau ăn, chứ ít khi đem bán. Cây trái bày bán ngoài chợ, chủ yếu là từ đất liền đem ra. Cái gì từ đất liền đem ra cũng đắt thêm khoản phí vận chuyển, bảo quản. Biển bao bọc bốn bề mà cá lại mắc. Dễ hiểu thôi. Côn Đảo là ngư trường lớn nhất nước, nhưng tôm cá đánh được thì lại chở hết vào đất liền. Giá như có cập vào một tàu cá, bói đâu ra cho đủ người tiêu thụ hết 100 tấn hải sản. Đội tàu đánh cá của Côn Đảo có 20 tàu, cá đầy khoang cũng phải chở về đất liền tiêu thụ. Ở đảo, quan điểm tự túc vẫn cứ là nếp sống chính của mọi người. Ngay như cán bộ nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo, lương tháng bình quân triệu đồng, cũng tự cải hoạt bằng giăng câu, đặt lưới, trồng trọt trong vườn trong rẫy.
Tôi với Trương Hoàng Minh tình cờ gặp một cô gái trẻ măng đi chế đất bằng rựa. Té ra cô gái là dân Hà Nội gốc, không biết dùng phảng, dùng cù nèo. Cha cô trước là giám thị Côn Đảo, bị bệnh gan mất năm 1969. Anh trai cô leo cây té chết năm 12 tuổi. Cô tên Hồng, làm thư ký Vườn Quốc gia Côn Đảo. Em gái kế đang học đại học ở Sài Gòn. Em trai vừa thi tốt nghiệp xong lớp 12. Hồng nói với chúng tôi: “Mẹ con em ráng làm thiệt tốt 3 mẫu vừa ruộng vừa rẫy, đặng có tiền nuôi các em ăn học tới nơi tới chốn”. Tôi biết chuyện học hành ở Côn Đảo rất được bà con coi làm trọng. Trường lớp khang trang, thầy cô có trách nhiệm, lãnh đạo quan tâm hết mực. Năm học 1999-2000, tỷ lệ học sinh tiểu học đậu Tốt nghiệp chỉ đạt 91% so với 95% năm 1998-1999, đủ làm cả huyện buồn ra mặt. Tôi mời anh Chương ly rượu, anh nói: “Mới dự Lễ Tổng kết Tốt nghiệp tiểu học xong, tỷ lệ thấp hơn năm ngoái, rượu uống đắng chát ông à!”. Cả huyện đảo, ai cũng chăm lo cho việc học hành của con cháu. Chỉ cần một trò vắng mặt, cả trường đã xôn xao thăm hỏi. Vắng học ngoài hai ngày, thế nào cũng có thầy cô lặn lội đi thăm. Dân Côn Đảo tiếng là nghèo, cũng nghèo thể vậy thôi, chưa thấy ai bị đói, bị ăn cơm muối cục. Tới đâu cũng thấy cần ăng ten ti vi chỉa lên trời tua tủa. Tới đâu cũng nghe tiếng xe máy nổ giòn giã. Tiệm quán ở thị trấn xập xình âm nhạc, lấp lánh đèn màu. Không hề thấy bóng dáng kẻ ăn mày, người bán vé số dạo. Nghèo ở Côn Đảo là nghèo thanh , nghèo sạch, nghèo có mặc có ăn , có học có hành, chớ không phải ngèo te tua, thiếu trước hụt sau như ta tưởng.
Côn Đảo không có ai thật giàu như ở đất liền. Nhưng Côn Đảo cũng không có ai qúa nghèo như ở đất liền. Hệ thống đường nhựa Côn Đảo chỉ mấy chục cây số, mà xe đò, xe du lịch, xe honda cũng chạy vù vù. Lại cả tháp ăng Ten Đài truyền hình, cảbưu điện nối mạng với cả nước, cả thế giới. Trường Trung học của Côn Đảo to và đẹp tới tự hào. Hệ thống mẫu giáo được quan tâm đến nơi đến chốn. Ngày 1 tháng 6 , tất cả các cháu đều có qùa của huyện ủy, ủy ban. Cháu nào ở xa, không về thị trấn họp mặt được, ủy ban chăm sóc bảo vệ trẻ em cử người đem qùa tới tận nơi- kể cả các cháu ở các hòn xa đảo lớn. Côn Đảo là xứ sở của tình người. Nhưng Côn Đảo không vì tình người mà bỏ mặc đời sống xã hội, để cho ai mặc sức muốn làm gì thì làm. Anh Nguyễn Văn Tư, trưởng phòng VHTT huyện, sau khi đi đón đoàn thanh niên du khảo về nguồn, mới từ thành phố Hồ Chí Minh ra đảo, lúc trở về, buồn bã nói với tôi: “Có một tay theo tàu Cần Thơ, vác cái xe đạp bán rao thuốc chuột ra đây, vặn nhạc rao bán um sùm trên các đường phố, ngó nhức con mắt, chịu hổng xiết. Tôi nói anh ta đến ban quản lý chợ đăng ký điểm bán, vậy mà anh ta còn cự cải, thanh minh thanh nga tùm lum tà la. Dễ với anh ta, nay mai trong đất noi theo, kéo rốc ra, nào bán vé số, nào đánh giày, đánh bàu cua cá cọp, nào Sơn Đông mãi võ, nào thầy cúng, thầy lang, thầy bói… Côn Đảo hóa chợ trời, còn gì là xứ du lịch xanh sạch đang được cả nước quan tâm”.
Côn Đảo qủa là xanh sạch tới mức lý tưởng. Bãi tắm biển đẹp vào loại không nhất thì cũng nhì trong cả nước. Môi trường sống không hề bị nhiễm khí công nghiệp độc hại. Đường phố sạch đẹp, thoáng đạt và phủ đầy cây xanh. Phố xá xây cất ngăn nắp, có quy hoạch. ( Nói nhỏ nhé… tới cái nhà vệ sinh công cộng cũng sạch và đẹp. Tường gạch quét vôi không dính, láng mịn. Cửa kiếng màu sáng óng nắng trời. Nền gạch men, mái ngói. Nếu bạn ngửi thấy mùi, thì… đó là mùi dầu thơm khử uế ).
Tuy nhiên, Côn Đảo cũng còn rất nhiều nỗi lo cần giải quyết. Thứ nhất là sự cách trở với Vũng Tàu 97 hải lý (180 km). Muốn kinh tế phát triển, phải rút ngắn khoảng cách ấy về thời gian. Côn Đảo cách Cần Thơ 43,5 hải lý, nhưng khởi đi từ thành phố Cần Thơ thì rất mất thời gian ngồi tàu trên sông. Vũng Tàu – Côn Đảo vẫn là con đường biển chiến lược. Tuyến đường biển này, hiện có ba con tàu qua lại, là: Côn Đảo 04, Côn Đảo 05, Côn Đảo 09. Các tàu Côn Đảo 04, Côn Đảo 05, mỗi tàu có khoảng 100 giường nằm, phòng lạnh, nhưng hiện đều trong tình trạng xuống cấp, tốc độ chạy tàu rất chậm. Côn Đảo 09 là tàu tốt nhất, có 250 giường nệm, phòng lạnh, và 50 ghế ngồi, tốc độ chạy tàu nhanh hơn , nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt các nhu cầu đi lại trên biển của hành khách. Ủy ban nhân dân huyện, dự tính sẽ cho đấu thầu, khai thác kinh doanh có chỉ đạo hai tàu CĐ04, CĐ05; đồng thời dự kiến mua thêm một tàu khách hiện đại (hoặc đóng mới), hơn hẳn tàu 09. Về vận tải biển, Côn Đảo hiện có 3 tàu hàng, sức chở từ 50 đến 250 tấn. Đây chính là một khâu yếu, khâu hạn chế, khiến giá thành hàng hóa tại Côn Đảo bị đội giá qúa cao so với đất liền – nhất là giá thành vật tư xây dựng. Về đường không, thung lủng Cỏ Ống hiện nay đã được quy hoạch và bước đầu xây dựng thành sân bay Cỏ Ống. Tuy vậy, các chuyến bay vẫn còn rất thưa, rất thiếu hấp dẫn về mặt giá cả. Và, vẫn còn hạn chế ở trực thăng vận tải hạng nhẹ. Về giao thông, rõ ràng đất liền và Côn Đảo vẫn còn một khoảng cách rất lớn, đến nay vẫn chưa vượt qua được. Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Minh Chương nói: “Côn Đảo đang tìm cách thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước đến với quần đảo, nếu không giải quyết tốt vấn đề giao thông, thì sẽ không thể nào giải quyết tốt hơn những vấn đề còn lại của tham quan, du lịch truyền thống lịch sử, du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển. Khách ra thăm đảo hiện nay, chủ yếu là các cựu tù chính trị, các cơ quan đoàn thể, khách du lịch tự do còn rất ít. Không hẳn đã là vì vé tàu đắt ( Tàu 04, tàu 05 mỗi lần đi 155.000đ00, máy bay 500.000đ00 – Dân địa phương được bao cấp, giá vé mỗi chuyến chỉ 55.000đ00), mà là vì thời gian chịu đựng sóng gió trên biển kéo dài, phương tiện phục vụ còn hạn chế. Hơn nữa, do đường không còn kém phát triển, nên khách chỉ ra đảo vào mùa khô. Mùa mưa các dịch vụ trên đảo hầu như đều bị đóng cửa. Nếu quy hoạch dân cư trên đảo vài năm tới đây lên tới một vạn dân, vấn đề nhức nhối nhất vẫn là vấn đề giao thông. Khâu đầu và khâu cuối, khâu nóng, vẫn là giao thông.
Qủa thật, vấn đề giao thông, nối đất liền với Côn Đảo vẫn còn rất hạn chế. Vấn đề nối đảo lớn với các đảo nhỏ lại càng yếu hơn. Anh Lương Văn Tài ra Côn Đảo công tác đã 6 năm, liên tục nằm chốt tại trạm kiểm lâm bãi cát lớn Bảy cạnh đã 3 năm, phương tiện đi lại trên biển là cái mủng tre, chỉ cho phép quanh quẩn trong vịnh để kiếm ăn. Lỡ có đau ốm thì phải điện về đảo lớn xin tàu ra đón. Chính vì điều này, Côn Đảo đã tập trung nâng cấp bệnh viện duy nhất của đảo lên 50 giường bệnh. Bác sĩ , y sĩ và điều dưỡng viên , ai cũng phải tự học hỏi, tự rèn luyện để nâng cao tay nghề toàn diện . Bởi vì, nếu gặp ca bệnh hiểm nghèo vào lúc trời giông bão, thì ngay cả máy bay cũng không thể nào ra tới đảo được.
Tôi nghe anh Bảy Tô Long Anh nói về trường hợp anh Cường mà nao nao trong dạ. Hơn 40 tuổi chưa vợ, vậy mà chỉ nhăm nhăm đăng ký ở canh trạm, ra vào đụng lộp cộp toàn đực rựa với nhau. Cấp trên có cho về đảo lớn rửa con mắt,cũng may ra mỗi năm mới chịu đi một lần – một lần cũng chỉ ở qua một đêm để mua sắm đồ đạc lặt vặt, rồi hối hả về ngay với trạm. Cơ quan bố trí cho về đất liền nghỉ phép năm, thì về hôm trước, hai ba hôm sau đã quay ra với đảo. Làm như anh sống đơn độc, gắn bó với thiên nhiên kỳ vỹ quen rồi, không thể xa nó được, không thể thích hợp được với lối sống ồn ào, chen chúc nơi phố thị. Với anh, huyện đảo là quê hương, trạm canh sinh thái là người tình thủy chung, không thể nào cách xa nhau được. Mà cũng thật oái oăm, cả vùng quần đảo, tỉ lệ nữ trên nam chỉ có 1/3; đã vậy lại còn lực lượng biên phòng, phòng không không quân, pháo binh… toàn là trai tơ đang thời sung sức, thời sẵn sàng yêu bốc lửa, với tất cả sức giông bão của tuổi thanh xuân. Thêm nữa, Ban quan lý dự án quy hoạch xây dựng đảo, cũng điều ra quần đảo chủ yếu là sức trẻ hừng hực của con trai. Vậy thì trên đảo sẽ còn bao nhiêu người như anh Cường nữa nhỉ?
Anh Lê Trung Hiệp vốn là người đa tình trong thơ, thường ký tên trong tác phẩm là Nguyễn Bạch Dương, cười mà nói với tôi: “Muốn làm thơ tình có lửa, cứ phải mò ra đảo mà sống. Quy luật của thơ tình là, cái gì càng thiếu càng qúy, cái gì càng bị dồn nén càng bùng nổ. Sóng dậy từ lòng biển thẳm là sóng thần. Gió hình thành từ trung tâm áp thấp là gió xoáy. Thơ bật ra từ trái tim bỏng cháy yêu đương là thơ tình chánh hiệu”.
Tôi nhớ anh Mỹ, quản lý biệt thự trên đồi cây duối, cặp theo đường ven núi. Anh ra đảo đã bao năm rồi, thui thủi một thân một mình khi vắng khách. Biết xẻ chia bầu tâm sự cùng ai? Nâng chén tiêu tao, chỉ mình với mình, với những đêm vầng trăng mồ côi, với những ngày vầng mặt trời mồ côi.. Nếu chén rượu cũng không có… thì núi để làm gì? Biển để làm gì? Những tháng mùa mưa tới đây, biển động dài dài, đất liền càng trở nên xa thăm thẳm. Chén rượu biết có giúp vơi được tình đời? Tôi nhớ chị Thúy, chị Liễu, hàng ngày chăm lo miếng ăn miếng uống cho chúng tôi. Nhóm lửa lên để hồng hào gương mặt. Nhóm lửa lên để chín tới tận cùng cảm xúc dẻo thơm của hạt gạo. Cái tình lặn trong đôi bàn tay cời than cho lửa đỏ. Cái duyên ngời trong ánh mắt lung liêng lúng liếng; buông thả những chuổi cười hồn hậu trên từng cọng tóc; óng ả những ngày hè xanh Côn Đảo. Tôi nhớ bé Giang suốt ngày quấn quýt với các cô các chú trong đoàn; gặp ai cũng sà vào chuyện trò, hỏi thăm đủ thứ trên đời. Tôi nhớ hôm tiễn đưa, bao nhiêu người dân của đảo đã ra tận bến tàu. Có người đi tiễn người nhà. Có người đi tiễn bạn bè. Có người đi tiễn chỉ là để đi tiễn, để giàu thêm một lời hẹn gặp. Tất cả những bàn tay trên đảo đều vẫy xốn xang lới giã biệt. Tiếng gọi tên nhau. Tiếng gọi lòng thổn thức. Giữa trăm ngàn âm thanh đang ngân rung của đảo, tôi nhận ra bé Giang nhỏ nhoi như cái nấm rừng. Bé nắm tay cô Thúy, quay mặt vào vách núi. Bé không dám chứng kiến giây phút tàu nhổ neo. Vậy nhưng trái tim non nớt đầy nhân tính của bé đang rung lên trong lồng ngực. Một mầm non của đảo. Một con người rất người của đảo. Chúng tôi đến rồi đi. Còn bé Giang thì trụ lại. Như một cành san hô đỏ của biển. Như một cây lát hoa của rừng. Như một nốt nhạc hình thành giai điệu Côn Sơn. Như một tương lai hồn hậu lớn từng ngày trên đảo.
Tàu thổi súp lê một, súp lê hai. Con tàu nghiêng hết về bên thương bên nhớ.
Bên thương xin chia xẻ với 500 con tàu bị cơn bão số 5 quăng quật, đập phá tới tan tành trên kè biển dọc theo đường Tôn Đức Thắng. Bên thương xin gởi lại những rạn san hô bị cơn bão số 5 tàn phá tới kinh hồn… Và… bên thương xin bày tỏ với những mái nhà, bếp cơm chiều thiếu vắng bóng đàn ông đang canh rừng canh biển, đang ngược xuôi trên những con tàu. Bên nhớ đong đầy trong ánh mắt, trong trái tim. Chưa xa mà đã nhớ. Sóc nhỏ Thảo Đan vốn hồn nhiên là vậy, cũng thốt trầm tư, ươn ướt đôi khóe mắt. “Cháu chỉ muốn khóc oà lên cho đỡ nhớ”. Thương nhớ Côn Sơn. Thương nhớ những cánh đồng kẻ ô như bàn cờ làng An Hải. Thương nhớ những đàn dê chạy băng qua lộ trên đường đi Cỏ Ống. Thương nhớ con đường vắt qua Ma Thiên Lãnh, mở lối về phía Tây, còn dở dang màu đất đỏ – đỏ như màu mắt người thương đưa tiễn người thương. Thốt nhiên tôi nhớ mình thất hứa với anh Trần Công Bình, chưa kịp theo anh đi thăm rừng phòng hộ thú rừng. Các anh đã vất vả trồng biết bao nhiêu ha chuối. Các anh đã vất vả xuống biết bao nhiêu ngàn hột mít. Mít vừa nẩy mầm, heo rừng đã tràn xuống ăn. Chuối chưa kịp bén rễ, heo rừng đã đua nhau đánh chén. Còn phải gian nan lắm! Gian nan như làm ra hột lúa, củ khoai trên đảo. Gian nan như thời cha ông chúng ta dùng thuyền nhẹ vượt trùng khơi ra tới đây mở đất, để bây giờ chúng ta có di chỉ Hòn Cau, minh chứng sự có mặt của tổ tiên tại Côn Sơn từ 3000 năm, 4000 ngàn năm về trước.
Ngưới còn lại cuối cùng trên cảng Bến Đầm là anh Lê Minh Chương. Đằng sau dáng dấp thư thả, điềm tỉnh ấy, đằng sau nụ cười nhiều hơn lời nói ấy, tôi hiểu được nỗi lo thắc thỏm của anh trước những cú điện thoại giật thột lúc nửa đêm, khi mẹ anh còn sống, khi tình hình Biển Đông còn trong điểm nóng. Từng có một chiếc tàu Trung Quốc, kéo theo một xà lan chở đầy đá xanh, neo đậu ở Bến Đầm mà không thông báo cho hải quan của huyện. Từng có nhiều nỗi lo thật sự đã cồn lên trong Huyện ủy, Ủy ban nhân dân.( Bấy giờ cảng Bến Đầm chưa đăng ký vào hệ thống cảng vụ hàng hải, Vũng Tàu lựng bựng sao đó, lại quên thông báo cho huyện biết về việc chiếc tàu có kéo xà lan xin qúa cảng. ). Bàn tay người cựu tù Côn Đảo, bàn tay của người cựu cán bộ thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh vẫy mãi, vẫy mãi trong nắng sớm. Một vùng biển đảo ngời óng lên, đẹp như tranh lụa.
Song Hảo nói với tôi:
- 97 hải lý đâu có xa! Vẫn còn tình yêu, vẫn còn những lần hẹn ra Côn Đảo!
Một đàn hải âu xập xòa bay cuộn vào nhau như đám mây trắng sà thấp trên mặt biển. Từng cánh, từng cánh chim ngời sáng nắng trời, thanh nhẹ như nhũng trang giấy. Ai? Ai sẽ viết lên những cánh chim trời, chim biển, những bài thơ gởi đảo?
Ơi bản tình ca xanh! Xanh hò hẹn muôn đời!