Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.141.738
 
Nhân Có Tập Văn Đưa Triết Học Vào Sáng Tác, Nhớ Lại Đặc Điểm Một Thời Kỳ (Bài viết khi đọc cuốn cảo-bút của Trần Nhựt Tân, sáng tác năm 1973, xb. Năm 1996)
Trần Văn Nam

 

 

Triết lý tàng ẩn trongvăn thơ, đây không phải là một điều hiếm hoi, mà thường có trong các sáng tác lưu danh bất hủ từ hàng trăm năm trước, hoặc có thể xa hơn từ hàng ngàn năm trước trong Thơ Đường của Trung Quốc. Nhưng triết học, nói rõ hơn, những thuật-ngữ chuyên về môn triết họcđược đưa vào sáng tác, đó là điều hơi lạ mà cũng đã lànguồn cảm hứng cho đôi nhà văn nhà thơ. Đọc đến, ta nhớ lại có một thời triết học như luồng gió mới thổi vào từ thập niên 1960 đến gần giữa thập niên 1970.Ta thử nêu ra đặc điểm của thời kỳ này để thử giải thích tại sao có những hứng thú trong sáng tác như vậy. Ta nhớ bối cảnh lịch sử Miền Nam từ khi hiệp định Genève 1954, kế tiếp theo có những luồng tư tưởng đổ vào đây.Có thể nói thời ấy là thời của bốn nguồn tư tưởng lớn.Thứ nhất,Triết học Karl Marx, phát huy do chính thể Miền Bắc, nhưng chính quyền Miền Nam đối lập nên đã là nguồn bàn luận lai vãng gây lưu ý cho giới sáng tác. Thứ hai, Triết lý Thần Học Thiên Chúa Giáo, phát huy dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm thành Chủ Nghĩa Nhân Vị. Thứ ba, Triết Học Phật giáo, phát huy sau năm 1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, đem đến luồng cảm hứng sáng tác đồng điệu với những diệu vợi của Thiền Tông trong Văn chương Nhật Bản; và huyền ảo từ kinh sách Ấn Độ và Tây Tạng.Thứ tư, Triết học Hiện sinh, luồng tư tưởng được đề cập đến nhiều trong giới văn nghệ với hai ngành Hiện Sinh Hữu Thần của các triết gia Gabriel Marcel, Karl Jasprers; và Hiện Sinh Vô Thần với Sartre, Heidegger (có thể thêm: nguồn sâu thẳm do từ những cuốn sách phân tích tinh vi kỳ diệu Hiện Tượng Luận của Husserl và Merleau Ponty; và nguồn tìm thấy lại những tương đồng đã viễn kiến từ lâu của Nietzche).

 

Văn học Miền Nam trước 1975 đã có lắm bài bàn luận triết lý và văn thơ chứa đựng triết lý, lưu lại trong dồi dào sách báo, của các tác giảđược khởi sắc do ít nhiều chịu ảnh hưởng từ bốn luồng tư tưởng kể trên, như Nhất Hạnh,Tuệ Sỹ, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Quách Thoại, Hoài Khanh; nhóm “Tinh Việt Văn Đoàn”,Tạp chí Trình Bầy,Tạp chí Đối Diện; và những tác giả tiểu thuyết tạm gọi là Hiện Sinh Đời Sống nhưng có thể không do từ Hiện sinh Tư tưởng như Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trần Thị NgH.Có những bài bàn luận triết học gây cảm hứng sáng tác cho giới văn thơ, như bài “Người Sống Ở Đời Như Thi Sĩ” của Giáo sư Nguyễn Văn Trung mà từ đây giới sáng tác có được những thuật ngữ triết học nhưng đậm chất thi ca như “ngôn từ là nhà ở của hữu thể” hoặc “thi sĩ là kẻ chăn cừu hữu thể” (hữu thể hoặc bản thể trong môn Siêu Hình Học, ta nên nắm bắt như “ẩn-thể của sự vật” cho bớt tính trừu tượng của thuật ngữ).Nhờ bài nêu trên, người viết bài này đã tìm thấy tờ Tạp chí Pháp “Cahier Du Sud” số 344 ấn hành năm 1958 trong Thư Viện riêng của Đại học Văn Khoa Sài Gòn (nhớ khoảng năm 1963 hoặc 1964). Đại Học Văn Khoalúc ấy còn tọa lạc tại đường Nguyễn Trung Trực Sài Gòn.Trong số Tạp chí ấy có bài “L’homme habite en poète” qua bản Pháp ngữ của André Préau chuyển ngữ từ tiếng Đức của Heidegger.Và bản Pháp ngữ ấy có một câu làm sáng rõ tính kỳ diệu “ở bên kia lời” trong thơ, khớp với phát lộ của Heidegger “ngôn từ của thi sĩ ẩn dấu chân lý” (chân lý đó là Thực tại hay Hữu-thể,tức là ẩn-thể mà triết lý Heidegger miệt mài truy tầm).Miệt mài tìm cho ra vì theo Heidegger thì Hữu-thể đã bị sự-vật-hóa từ lâu trong lịch sử triết học Tây phương. Câu Pháp ngữ ấy như sau: “Plus l’oeuvre d’un poète est poétique et plus son dire est libre: plus ouvert à l’imprévu, plus prêt à l’accepter”.Hoặc như bài “Thiên Nhiên Trong Thi Ca Holderlin” của Giáo Sư Lê Tôn Nghiêm mà từ đây giới sáng tác như cũng theo đà bàn luận mà thấy có những huyền diệu từ lời thơ tưởng như chỉ tả về thiên nhiên và sinh hoạt, chẳng hạn những thân nho uốn mình vươn lên cao sau cơn mưa tưới mát, nước sông trong bờ cõi của mình, hoặc dòng người đi lễ một sáng chủ nhật hay bác nông phu đi thăm một cánh đồng. Trở về quê hương trong thơ Holderlin là trở về để thấy ẩn thể huyền diệu của cảnh vật bình thường chung quanh ta: “Thiên nhiên và cảnh vật chung quanh ta vẫn là những gì như rất quen thuộc với ta mà vẫn như phải tìm kiếm luôn mãi. Tất nhiên vì trong Thiên nhiên, cảnh vật vẫn còn xa lạ như giấu kín cái gì bí ẩn… Ý tưởng đó của Heidegger được gặp lại trong “Bài ca Hồi hương” của Holderlin... Holderlin hình dung người  thi sĩ như một nhà nông sau trận bão không bị lụt hay bị đe dọa, trái lại cánh đồng lại hiện ra mới mẻ với một bộ mặt hoan hỉ làm vui sướng tâm hồn... Thiên nhiên già hơn mọi thời gian nên Thiên nhiên mới không già hơn thời gian… Vì thiên nhiên chính là thời gian… Thiên nhiên là khởi thủy nên bắt đầu lại mãi… Thiên nhiên không phải một đối tượng tri thức khách quan..Chỉ vì ta muốn có một tri thức về Thiên nhiên mà Thiên nhiên lẫn tránh ta.Nhưng bên ngoài mọi định nghĩa ta còn gặp được bằng nhiều lối khác.Thi sĩ chính là người hướng dẫn ta trở về phía đó”.Hoặc như bài“Heidegger và Bản Chất Thi Ca” của Giáo sư Trần Thái Đỉnh mà từ đây giới sáng tác rất ái mộ những từ ngữ “Hữu-Tại-Thế” chuyển ngữ từ “Être-Au-Monde” của Heidegger, hoặc làm sáng rõ từ ngữ “Sáng Tác” đồng nghĩa với “Thi Ca” trong ngôn ngữ xưa của Hy Lạp (mà sáng tác là đưa cái gì từ Hư Vô ra ánh sáng, nghĩa là đưa ẩn thể (tức hữu thể) phải xuất đầu lộ diện trong lời thơ đầy trực giác của thi sĩ. Hoặc như bài “Một Lối Tìm Về Triết Lý Cuộc Đời Trong Ca Dao Việt Nam” của Giáo sư Lê Tuyên, ông nhìn lại ca dao dồi dào tính thiên nhiên đồng quê trong viễn tượng “phân tâm học vật chất” của triết gia Gaston Bachelard.Triết gia này viết hai cuốn sách triết học chứa đựng chất thơ rất độc đáo, tìm hiểu sâu xa sự mơ màng và tìm hiểu những tiếp xúc từ ấu thơ về không gian gần gũi của con người: cuốn “La poétique de la rêverie” và  cuốn “La poétique de l ‘espace”. Giáo sư Lê Tuyên trong bài trên, viết như sau: “Như Gaston Bachelard đã quan niệm: La conscience d’émerveillement devant ce monde créé par le poète s’ouvre en toute naiveté… ý thức bừng chói trước cuộc đời là một ý thức mộc mạc, vì ước vọng không vượt qua được, chưa vượt qua được những hiện tượng đời…vì thế vũ trụ dự ước của con người cũng chỉ là những cảnh đời thực, và hình ảnh phóng kết vào Thúng Xôi Vò, Con lợn Béo,Vò Rượu Tăm, Đôi Chiếu, Đôi Chăn, Đôi Tằm, là đã phóng kết trên hiện tượng của cuộc sống… Nhưng với cái bé bỏng của mình, với hiện tượng bé bỏng mà mình đang tự ví, bản thể con người đã phóng ra để bắt gặp mênh mông, để thể hiện nên lời ca điệu hát, và tất cả lời ca điệu hát đó sẽ được bát ngát mênh mông như vũ trụ đang dàn trải trước mắt con người hiện tượng, vì nói như Gaston Bachelard: … et cette oeuvre serait grandiose puisque le monde rêvéest automatiquement grandiose“. Hoặc như cuốn sách “Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng” của nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, có chủ đích chính trị đề cao giai cấp trí thức tiểu tư sản đối chọi với đề cao giai cấp vô sản (có bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Trung phê bình, cho rằng tỷ lệ thành phần giai cấp tiểu tư sản không quá cao trong xã hội Việt Nam như nêu ra trong sách này). Riêng ta tìm thấy trong cuốn sách ấy những kiến thức mới về Triết Lý Tồn Tại (tức Triết Lý Hiện Sinh) qua chuyển ngữ từ Pháp văn những trích đoạn đặc sắc trong tác phẩm “L’être et le Néant”của Jean Paul Sartre, mà vào năm 1957 (năm xuất bản cuốn sách trên của tác giả Nghiêm Xuân Hồng) thì những kiến thức này thật mới mẻ, trước thật lâu so với các phổ biến lớn rộng về Triết Học Hiện Sinh chỉ đến từ đầu thập niên 1960 tại Miền Nam Việt Nam.

 

Trong khi đó có đôi người vẫn miệt mài với sáng tác dưới ảnh hưởng triết học, nhưng không được nổi tiếng như các tác giả sáng tác văn thơ khác (đã kể trên). Sáng tác ở đây không phải chứa đựng sâu xa tàngẩn triết lý; mà là sáng tác văn thơ áp dụng lộ liễu những thuật ngữ triết học. Một người trong số hiếm hoi đó là tác giả Trần Nhựt Tân.Điều này không khỏi gây dị ứng, bị phê phán “làm dáng triết học”. Nếu xét  cuốn sách tác giả Trần Nhựt Tân đã xuất bản, dầy gần 300 trang, cuốn “Dư Vang Nghệ Thuật”(xuất bản năm 1971) và tập cảo-bút “Ngủ Trong Thành Sầu”(xuất bản năm 1996, sách dầy 74 trang), ta thấy lòng đam mê triết học và văn chương của tác giả thật bền bĩ, và tác giả đã phát biểu lòng đam mê ấy như sau: “…bài văn chương nào cũng thấp thoáng bóng các em bay bay và nhớ. Triết học là vợ, văn chương là tình”. Tác giả công khai nói về kiến thức triết học trong sáng tác, đưa thuật ngữ chuyên môn vào văn sáng tác. Nếu nói tác giả “làm dáng” thì thật không thích đáng, vì làm dáng kiến thức thì được điều gì thêm khi ôngđã có Cao Học Triết Tây phương trước năm 1975.Đó chỉ là do lòng đam mê triết học và văn chương. Thử đọc một đoạn trong cảo-bút đã kể trên, sẽ thấy rõ những giao thoa do đam mê cả hai lãnh vực này của tác giả Trần Nhựt Tân: “… nghe Sartre bảo khi nhìn đôi mắt ai thì điều ta thấy không phải là đôi mắt ấy mà chính là bản ngã thầm kín của họ (trang 12)… Nhớ là chạy trốn hiện tại, để giáp mặt với một quá khứ, với một hiện sinh tình yêu đã thăng hoa thành hữu-thể-thời-gian (trang 48)… chợt biết rằng ta đã quá duy-lý thì một nửa đời người đã đánh mất tự bao giờ… Trong khi tâm tình ta chỉ muốn phóng vọt vào quỹ-đạo của mời gọi lẳng lơ trên từng sóng lá và đài hoa của một thời thẩm mĩ Kierkegaard để sống lại với màu xanh, cùng những nếp huy hoàng của tuổi dại đa tình, thì ý thức tung mạnh những cánh tay vạm vỡ để ghì chặt hết mọi khả tính hiện sinh mơ màng (trang 54)”…Khuôn mặt em. Người con gái mùa thu tóc ngắn. Mái tóc của Jean Seberg, của Dominique trong Un CertainSourire, A Certain Smile. Chỉ là một thoáng nắng trên môi cười. Un Certain Sourire (trạng7). Những trích đoạn trên có lẽ làm cho độc giả thấy khó hiểu, họ đâu có thời giờ quy chiếu với những kiến thức như “duy lý” hoặc “thẩm mỹ Kierrkegarrd” hoặc “khả tính hiện sinh” hoặccuốn tiểu thuyết “Un Certain Sourire” của Francoise Sagan.Trách sao tránh khỏi sự thờ ơ khi độc giả chạm trán với những thuật ngữ triết học, kiến thức văn-học, kiến thức mỹ-học, kiến thức Tâm Lý Học.

 

Cả những người chuyên về Triết học cũng không ưa lối đan chen triết học và sáng tác văn thơ. Khác với độc giả ưa tính thuần ngôn ngữ văn chương đã phê phán loại văn chương này làm dáng triết học; những nhà chuyên môn triết học lại chê trách kiểu văn chương đan xen ấy có thể làm mất tính chính xác kiến thức triết học, sáng tác có thể tùy tiện trình bày kiến thức mà lại có thể bào chửa là do cảm hứng văn chương không cần chính xác. Chẳng hạn như phán xét những sáng tác theo hướng triết học của Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, như sau đây của Giáo sư Trần Văn Đoàn trong phần chú thích từ bài viết “Hiện Tượng Học Tại Việt Nam” (bản dịch từ Anh ngữ trình bày tại Oxford Anh Quốc, dịp Hội Nghị Quốc Tế Về hiện Tượng Học, tháng 7 năm 2004); như Chú thích số 57: “Trừ những học gia trên (Trần Thái Đỉnh, Lê tôn Nghiêm), còn khá nhiều “trí thức” tự xưng (hay tự tôn) mình là những triết gia thông hiểu hiện tượng học. Tôi còn nhớ một vị trẻ tuổi (nhưng tài cóp nhặt rất cao)…  Ông này không những chỉ bị ảnh hưởng, mà có thể nói, bị ám ảnh bởi Heidegger và Nietzche trong những tác phẩm với đầu đề rất kêu, với những thuật ngữ tự nó đã rất tối tăm như “Hố Thẳm…”; “Im Lặng...”.Chú thích số 58:Những tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Trung (như Nhận Định, CaTụngThân Xác, vân vân) là một thí dụ điển hình của lối “vẽ vời hiện tượng theo Jean Paul Sartre. Trong một số bài viết khác của các tác giả như thi sĩ Bùi Giáng… ta thấy “hiện tượng học” thì ít, nhưng “vẽ hươu vẽ vượn”, “tán rộng ra” thì nhiều”.Riêng về tác giả Phạm Công Thiện bị nhận xét như kể trên, chắc ở phần văn, còn ở phầnthơ thì từ ngữ Phạm Công Thiện rất đạt chất thơ; chất thơ như được lấy từ sâu thẳm hay từ một tầng cao xa cách cõi đời nhưng chưa quá cao như ở cõi Thiên Đường, chẳng hạn “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất… Tôi đứng trên đồi mây trổ bông… Trên tất cả đỉnh cao là lặng im…”. Hoặc những câu có vẻ bình thường nhưng lại mang tính huyền diệu của tạo vật xoay vần trong lẽ tuần hoàn sinh sinh diệt diệt: “Buổi chều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế trên đồi trổ hết bông”… Trong chiều hướng đi tìm nhưng câu văn thơ thóat ra ngoài hấp dẫn lực của kiến thức văn học và kiến thức triết học, ta cũng thấy hiện hữu những câu đặc sắc, chỉ thuần túy văn chương, nghĩa là không pha trộn thuật ngữ triết học, trong cuốn “Ngủ Trong Thành Sầu” của Trần Nhựt Tân: “… gọi ta lên miền nắng ấm phía bên kia thế giới của mây (trong lời tựa)… Anh nhớ hồi nhỏ rất thích nhìn con tàu sắt chạy qua cầu sắt kêu rầm rầm rồi bỏ lại sau lưng nó những vắng lặng hoang vu (trang 16)… Đường chân trời mỏng hơn chợt về nằm dài trên mi mắt em (trang 23)… đường chân trời buồn bã đuổi giấc ngủ trăng sao ra khỏi bầu trời (trang 32)… Hình như em mới thức giấc theo lệnh mặt trời (trang 40)… mái tóc em là một khu vườn trinh nguyên làm lạc bước gã thợ săn già, một mê lộ đưa thi sĩ vào tận xứ sở của yếu đuối (trang 47)… chiều nay ta vội vã chạy đuổi bắt thời gian giữa lòng thành phố, vội vã níu bóng tối và cuộc đời (trang 56).

 

Trong bài kể trên của Giáo sư Trần Văn Đoàn, ông nói về sự “vẽ hươu vẽ vượn, tán rộng ra” của các tác giả viết về triết học, nhưng có lẽ ông chưa đề cập đến điều “làm lệch hướng” qua các bài bàn luận triết lý. Làm lệch hướng ở đây không có ý đồ xấu mà chỉ vì cảm bài văn theo hướng thích thú của mình. Không phải tán rộng ra cho nhiều chi tiết hơn hay mở rộng kiến thức hơn, mà chính vì nương theo sở thích sẵn có của mình. Tác giả Trần Nhựt Tân chỉ mê văn chương, mê triết học, sẵn có sở học được đào tạo từ hàn lâm trường ốc, nên đôi lúc ông cảm nội dung bài văn theo ý hướng sở thích của mình. Lời bàn của ông song hành, nghĩa là không cùng một hướng, tuy nhiên chấp nhận đường ai nấy đi không cần phải nhập vào độc đạo. Ví như trên bình nguyên hướng về duyên hải, ta có thể chọn đi ghe đò trên sông hay chọn đi xe ngựa trên đất liền, trong thời kỳ phương tiện xe ô-tô chưa có. Ví dụ rõ hơn, có liên hệ đến các bài viết trong hai cuốn sách kể trên của Trần Nhựt Tân, đó là về nội dung từ ngữ “viễn mơ” mà tác giả Trần Nhựt Tân nhiều lần viết đến, trong năm 1971 với cuốn sách tiểu luận “Dư Vang Nghệ Thuật”, và năm 2004 với tập cảo bút “Ngủ Trong Thành Sầu”.Tác giả Trần Nhựt Tân có lẽ thích hiểu nội dung từ ngữ “viễn mơ” theo hướng về Thiên Thai như trong âm nhạc của Văn Cao hay trong thơ của Tản Đà. Ông cũng có bàn nhiều về quan niệm “thời gian chủ-quan-tính” trong triết học Hiện Tượng Luận của Husserl hoặc “thời gian dự phóng” trong triết học Heidegger. Nhưng cảm nhận từ ngữ “viễn mơ” cao vời như trên, nên có lẽ ông thích từ ngữ “bến trần gian” hơn “bến thời gian” (bến thời gian trong diễn tả “dòng thời gian từ quá khứ sang hiện tại về tương lai nhưnướcsông hôm qua đi từ nguồn hôm nay qua chỗ tôi ở và ngày mai ra biển”, vậy “bến thời gian” là bến hiện tại có người đang đứng ngóng trông, chỉ có vẻ đẹp cụ thể ở một bến sông trên Trái Đất, chưa đến mức độ lung linh của “bến trần gian” đợi hoàng hạc đưa về bồng lai tiên cảnh (Điều này thấy ở trang 272 và 273 trong cuốn “Dư Vang Nghệ Thuật”.Hoặc có thể vì nhà in lúc ấy xếp chữ sai lầm “bến nước thời gian” thành “bếnnước trần gian”?).Ở chỗ khác, trong cuốn cảo-bút “Ngủ Trong thành Sầu”, tác giả Trần Nhựt Tân bàn theo hướng triết lý của Albert Camus nói về nỗi bi-đát và phi lý của đời ngườicứ lặp đi lặplại những công việc ràng buộc trong thân phận đang tồn tại. Triết lý của Albert Camus là tạo ra lẽ sống ở đời trong Cõi Phi Lý Hiện Hữu.Tác giả Trần Nhựt Tân gợi thêm ý kiến :“Huyền thoại con dã tràng xe cát biển đông”lặp đi lặp lại một công việc còn đáng buồn rầu hơn “Huyền thoại Sisyphe”lặp tới lặp lui công việc đưa tảng đá lên tới đỉnh đồi rồi tảng đá lại rơi xuống(trang 68 trong cuốn “Ngủ Trong Thành Sầu”). Đó là do tác giả Trần Nhựt Tân liên tưởng đến bài thơ văn xuôi lấy sự tích con dã tràng xe cát biển đông để tìm viên ngọc quý nó đánh rớt chìm vào đại dương (*)màTác giả Trần Nhựt Tân có trích dẫn một câutrong cuốn “Dư Vang Nghệ thuật” (trang 282).Thực sự là dã tràng lặp đi lặp lại một bản năng từ muôn kiếp;hoặc con ve sầu vốn là con nhộng ở dưới đất tới 17 năm mới trồi lên một lần để ca hát và truyền giống vỏn vẹn trong một tháng hè rồi chết; các thế hệ sau cứ xoay vần 17 năm như vậy. Bài thơ văn xuôi đó là một văn-ảnh diễn tả theo ý tưởng khác, nghĩa là không phải theo hướng “Huyền Thoại Sisyphe” mà theo hướng của thuyết “Sự Tái Hồi Vĩnh Viễn” (Le Retour Éternel – The doctrine of Eternel Recurrence ) trong triết học của Nietszche triển khai từ thuyết “thời gian thì vô tận mà tạo vật thì hữu hạn, cho nên mọi sự đều phải tái diễn, hồi phục lại chất liệu”, trùng trùng là những chu kỳ vũ trụ (The evolutionary process into cosmic cycles: The theory is based upon the assumption that time is of infinite duration, but that the possible combinations and arrangements of matter are limited in time – William S. Sahakian- Giáo sư Đại học - Tiến sĩ Triết học tại Đai học Boston Hoa Kỳ, năm 1951).

 

Bài viết này không cốt đánh giá những thơ văn thích đưa thuật ngữ triết học vào sáng tác, mà cốt yếu tìm lại bối cảnh tạo nên xu hướng này ở đôi người. Đây hẳn không phải “sự làm dáng trí thức” đối với trường hợp Trần Nhựt Tân, mà có thể khẳng định do lòng đam mê văn chương đồng thời đam mê triết học của ông. Mà lòng đam mê ấy phải chăng do nằm lọt vào thời kỳ (ông sinh vào năm 1938)có bốn luồng tư tưởng lớnmặc dù có thể xung khắc nhưng “được liên-hệ bàn tới hoài” trong đời sống ở Miền Nam Việt Nam: Triết học Karl Marx; Triết lý Thần học Thiên Chúa giáo; Triết học Phật giáo, Triết học Hiện sinh. Không phải ai cũng dính líu vào vòng xoáy tư tưởng, mà thực ra đa số lo về thực tế đời sống nhiều hơn; hoặc có sáng tác nghệ thuật thì còn có những nguồn gây hứng cảm khác. Sự thật có lắmngười dùít quan tâm về tư tưởng mà còn nghe tới hoài những bình luận về chủ nghĩa hay triết lý, huống chi tác giả Trần Nhựt Tân từ khi vào Đại Học đã chọn học chuyên ngành Triết học Tây phương và đi dạy cũng chuyên về môn triết học trước 1975. Có người chọn giải pháp: những ý tưởng với thuật ngữ triết học nên tách riêng ra một bên, văn thơ diễn tả thiên về hình ảnh mang tính nghệ thuật thì phảiđứng qua một bên khác. Và có người chủ trương văn chương dĩ nhiên phải là văn chương trước đã, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy cần thiết đưa vàonhững thuật ngữđẫm chất siêu hình của triết học.

 

TRẦN VĂN NAM(City of Walnut, California, tháng 5 năm 2013) -Trích Tạp chí “Thư Quán Bản Thảo”, số 56, tháng 6 năm 2013 - Bản gủi từ tác giả

 

(*)Bài thơ văn xuôi trong “Tập Thơ Độc Nhất” của Trần Văn Nam, xb. 1963 tại Sài Gòn, đăng lại trong Tạp chí “Thời Tập” số 3 năm 1990, Westminster, California, nhan đề:  Nhền Nhện Và Dã Tràng

 

Một đêm đen như mực bầu trời không trăng sao, nhền nhện từ trong một góc rừng chập choạng trên con đường gió thổi, lần mò xuống bãi biển thì thầm với dã tràng như sau đây: Nó kể chuyện một đêm mon men đến gần nhà tiên tri Zarathoustra đang giảng dạy cho bọn đệ tử ngồi chung quanh một chiếc cột trụ có ghi hàng chữ “Khoảnh Khắc”đánh dấu phía sau là con đường dĩ vãng mất hút vào Vĩnh Cửu và phía trước là con đường tương lai mù mịt kéo dài đến Vô Biên.

 

Nhà tiên tri cho biết mọi vật khi đã đi đến đây kể cả ngài và con nhện đang chậm chạp bò dưới ánh trăng trên sườn đồi đều phải trải qua từ con đường quá khứ rồi sẽ trở về từ con đường tương lai phía trước để sống lại cuộc đời tiền kiếp nơi Cột Trụ Khoảnh Khắc này.

 

Dã tràng nghe kể như vậy gật gù công nhận mình cũng đã tái-hồi vĩnh-viễn sống lại cuộc đời cũ cách đây hàng triệu năm lịch sử để hoài công lặp đi lặp lại công việc xe cát tìm tòinơi biển Đông bởi vì ngày xưa nó lỡ làm rơi một viên ngọc quý xuống đáy trùng dương vô tận.

 

Dã tràng cho rằng bao nhiêu loài côn trùng khác từ con muỗi đi tìm ba giọt máu đến con ve ve sống âm thầm trong lòng đất hơn mười bảy năm trời, tất cả đều đã trở về vĩnh viễn sống lại cuộc đời tiền kiếp ở nơi đây nên mãi mãi còn rỉ rả dọc theo bờ biển dài suốt một đêm không trăng sao. 

 

(Trần Văn Nam – Thơ Và Triết học/ Văn ảnh)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2914
Ngày đăng: 21.06.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảnh Cửu và sự cô đơn đến tận cùng - Nguyễn Lệ Uyên
Hoài vọng và ngu ngơ trong tác phẩm của Franz Kafka* - Võ Công Liêm
Di dân và địa lý đô thị hiện đại - Đinh Lê Na
Nhận thức về tâm linh của cá nhân mình . - Nguyễn Hồng Nhung
Đại thừa / MAHÀYÀNA / Greater Vehicle Lòng thương xót và Siêu hình học - Võ Công Liêm
Lý thuyết tiếp nhận: không chỉ là vấn đề học thuật - Phạm Quang Trung
Các bậc thang phép thuật - Nguyễn Hồng Nhung
Có thì có tự mảy may,không thì cả thế gian này cũng không - Nguyễn Cẩm Xuyên
Những “hạt mầm” đã vươn lên! - Đỗ Hồng Ngọc
Karl Jaspers Niềm Tin và Sự Khai Ngộ - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)