John Simkin
Trong cương lĩnh hành động 25 điểm của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (NSDAP) xuất bản năm 1920 đã nói rõ rằng cương lĩnh này không ủng hộ việc phụ nữ tham gia lao động. Adolf Hitler cho rằng sự giải phóng phụ nữ là một khẩu hiệu được tạo ra bởi những trí thức Do Thái. Ông ta lý luận rằng đối với một phụ nữ Đức thì “ thế giới của cô ta là đức lang quân, gia đình cô ta, lũ con và tổ ấm của cô ta.”
Ý kiến cho rằng phụ nữ cần tiếp tục ở nhà được củng cố khi 1/3 các công nhân nam mất việc và thành ra thất nghiệp suốt cuộc suy thoái những năm 30. Những người phát xít cho rằng đàn ông đang được thay thế bởi công nhân nữ những người, bình quân, chỉ nhận 66% số lương của đàn ông.
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 1932, Adolf Hitler hứa hẹn rằng nếu ông ta giành được quyền lực ông ta sẽ tước đi việc làm của 800.000 phụ nữ trong vòng 4 năm. Vào tháng 8 năm 1933 một đạo luật được ban bố khuyến khích những cặp đã kết hôn nhận vốn vay để làm nhà và bắt đầu cuộc sống gia đình. Để chi trả cho điều này những người độc thân và những cặp vô sinh bị đánh thuế nặng hơn.
Sự sụt giảm tình trạng thất nghiệp sau khi những người phát xít nắm quyền muốn nói lên rằng không nhất thiết phải bắt phụ nữ rời khỏi những công việc thủ công. Tuy vậy, đạo luật này được thi hành nhằm giảm thiểu số lượng phụ nữ làm việc trong những nghề chuyên môn. Những bác sỹ nữ và viên chức nhà nước đã kết hôn bị sa thải vào năm 1934 và từ tháng 6 năm 1936 phụ nữ không thể hành nghề thẩm phán hoặc ủy viên công tố công được nữa. Sự thù nghịch của Hitler đối với phụ nữ được phô bày bằng quyết định của ông ta khiến phụ nữ không đủ tiêu chuẩn vào hội thẩm đoàn bởi vì ông ta tin là họ không thể “ suy nghĩ một cách lo-gic hoặc khách quan vì họ bị chi phối chỉ bởi cảm xúc”.
Khi Adolf Hitler lên nắm quyền năm 1933 ông ta bổ nhiệm Gertrud Scholtz-Klink làm Lãnh đạo phụ nữ Đế chế và chủ tịch Liên đoàn phụ nữ Quốc xã. Là một diễn giả xuất sắc, nhiệm vụ chính của Scholtz-Klink là thúc đẩy tính ưu việt của nam giới và tầm quan trọng của việc sinh nở. Trong một bài nói chuyện bà ta chỉ ra rằng “sứ mệnh của phụ nữ là làm trợ thủ trong gia đình và trong công việc đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống từ đầu cho đến những thời khắc cuối cùng của sự tồn tại của đàn ông”.
Vào tháng 7 năm 1934, Scholtz-Klink được bổ nhiệm làm chủ tịch Hiệp hội phụ nữ trong Mặt trận lao động Đức. Bà ta lúc đó chịu trách nhiệm thuyết phục phụ nữ làm việc cho lợi ích của chính quyền phát xít. Năm 1938, bà ta lý luận rằng “phụ nữ Đức phải làm việc và làm việc, cô ta phải từ bỏ đời sống xa xỉ và những lạc thú về mặt thể xác và tinh thần.”
Khi những cô gái được 10 tuổi họ có thể tham gia Jungmädel, một trong những bộ phận của tổ chức Thanh niên Hitler. Lúc 14 tuổi họ gia nhập Bund Deutscher Mädel ( Liên đoàn thiếu nữ Đức). Thời kỳ này bao gồm một năm trong nông trại hoặc làm việc nội trợ. Họ được huấn luyện bởi những người giám hộ nữ và lãnh đạo toàn thể của họ là Gertrud Scholtz-Klink.
Trong năm trước khi phát xít lên nắm quyền có 18,315 sinh viên nữ trong các trường đại học Đức. Vào năm 1939, con số này giảm xuống còn 5,447. Tuy nhiên, suốt Thế chiến II, xu hướng bị đảo ngược khi đàn ông bị gọi tham gia các lực lượng quân đội Đức và vào năm 1944, có 28,378 sinh viên nữ.
Chủ nghĩa phản-nữ quyền thẳng thừng của Hitler khiến cho số lượng lớn phụ nữ gia nhập vào những nhóm chính trị cánh tả,Trong tháng 10 năm 1933 chính quyền phát xít mở trại tập trung đầu tiên dành cho nữ tại Moringen. Vào năm 1938 trại này không thể kham nổi số lượng gia tăng của tù nhân nữ và trại thứ hai được xây dựng tại Lichtenburg ở Saxony. Năm sau một trại nữa được mở ở Ravensbruck.
Trịnh Ngọc Thìn dịch
Bình Phước 23/6/2013
Dịch từ bản tiếng Anh trên
trang http://www.spartacus.schoolnet.co.uk