Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận năm 23 tuổi
Nguyễn Đăng Luận Sinh ngày 29 tháng 5 năm 1945 tại làng Triệu Xuyên xã Long Xuyên huyện Phúc Thọ Hà Nội. Năm 1958 là học sinh duy nhất của xã Long Xuyên thi đỗ vào trường Phùng Hưng – trường PTTH quốc lập đầu tiên của tỉnh Sơn Tây. Kĩ sư Đường Sắt. Đã xuất bản 5 tập thơ: NGÀY KHÔNG EM, BUỔI BAN ĐẦU , EM, THƠ NGUYỄN ĐĂNG LUẬN VÀ LỜI BÌNH, THƠ TÌNH NGUYỄN ĐĂNG LUẬN. Nguyễn Đăng Luận là lớp trưởng lớp viết văn khóa I Hà Nội. Sáng lập và làm chủ nhiệm CLB văn học Bông Hồng Vàng Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (Tổ chức bản thảo và tài trợ xuất bản 5 tác phẩm của CLB: TRÁI TIM ĐỂ NGỎ, BÔNG HỒNG VÀNG, DÒNG SÔNG CHÁY, NĂM NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ BỐN NGƯỜI ĐÀN ÔNG, CẦU VỒNG ĐEN VÀ NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY – bìa các tác phẩm này đều in logo CLB Bông Hồng Vàng và dòng chữ: “Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận giữ bản quyền”. Nguyễn Đăng Luận sáng lập và là nhà tài trợ duy nhất giải thưởng Văn Học Bông Hồng Vàng – chế tác bằng vàng 9999 lần trao giải đầu tiên công bố trên báo Tuổi Trẻ số 35 ra ngày 28 tháng 3 năm 1995). Nguyễn Đăng Luận là Hội viên Hội nhà văn Hà Nội từ năm 1992 Hiện là Chủ biên và tài trợ xuất bản Tân Văn – Chuyên đề sáng tác phê bình giới thiệu văn học – NXB Hội nhà văn
LỜI THỀ LÁ SEN
Thơ Nguyễn Đăng Luận
(Lời bình của nhà thơ Nguyễn Khôi)
Ảnh minh họa - Internet
Tháng 7, Thi nhân về quê, tới Ao Sen đầu làng... vừa mùa Sen nở lục biếc chen hồng, lòng bật lên một "Ý Xưa" (cổ ý):
Sen lá như dù biếc
Sen hoa tựa má đào
Nhớ ai chưa gặp mặt
Thơ thẩn mãi bên ao.
-Phù Thúc Hoành
"Ý Xưa" là lối thơ tả tình theo tứ thơ cổ, nên thường gọi "cổ ý". Gặp cảnh sinh tình nảy ra ý thơ... với cái thói đa tình của Thi nhân xưa nay đều thế. Ở Phù Thúc Hoành (Đại Việt-đời Lê) thấy Sen trên ao mà người thì chưa thấy vẫn đẻ ra một tứ thơ lạ "nhớ ai chưa gặp mặt" rất phi lý nhưng lại thật là thơ để Thi sĩ có cái cớ "thơ thẩn mãi bên ao"...
Còn xưa hơn nữa, ở Bạch Cư Dị (702-846) đời Đường bên Trung Hoa, thì với "Trên ao" (Trì thượng):
Cô em bơi chiếc thuyền con
Bẻ hoa Sen trắng lon xon trốn về
Ngây thơ chẳng biết giấu che
Mặt bèo còn rẽ lối đi rành rành...
Cái "Ý" (cái cớ, cái "cửa mở" vào thơ ) ở đây là "thâu thái bạch liên hồi"(câu 2) là Ý mới tạo ra Tứ lạ "bất giải tàng tung tích "(câu 3)...
Và hôm nay, với Nguyễn Đăng Luận về quê Sơn Tây, đến đầu làng gặp Ao Sen... thì cả một trời thơ hoài niệm- "Ý cũ" (hồi tưởng lại cả cái duyên xưa cũ càng), rồi bật lên một "khúc Kinh thi xứ Đoài - tân biên" đọc lên rõ sướng:
LỜI THỀ LÁ SEN
Lá Sen chưa kịp đi tu
Mà hoa Cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa
Không ngờ, anh thật không ngờ
Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?
Đúng, với giọng điệu ngôn từ của "Lời thề lá Sen" thật như là một khúc “Kinh thi Việt” thuần túy, chất liệu thơ là Ca dao lục bát thuần Việt.
Bài thơ có đủ "Tình - Cảnh - Sự": Tình chan chứa, cảnh nhà quê rất thơ khi "hoa Cúc nhuộm thu óng vàng"; "Sự" ở đây là có sự cố, (có vấn đề) để gây vết thương lòng...
"Lá Sen đi tu" là sáng tạo độc đáo của Thi sĩ, đã nhân cách hóa cái Lá Sen (ám chỉ cái Cô Nàng) ẩn dụ như “Lá Diêu Bông" của Thi sĩ Hoàng Cầm...Cái bi kịch là "chớm xuân mà đã thu rồi"- Lời thề của Nàng "thơm" như gió nội hương đồng nên nó bay đi (lời thề gió bay) để Chàng thật không ngờ...?
Ở trên là "Lá Sen... đi tu" (mở), kết là "Lá Sen rách" - trên "tu"/ dưới "rách" đối chọi nhau, coi như 2 "chữ mắt" (nhãn tự) được Nhà thơ đặt ở vị trí (đầu/ cuối) rất đắc địa làm tỏa sáng cả câu thơ, gây âm vang trong lòng người đọc...
Câu 5+6 tạo ra một tứ thơ khá đắt - mà tứ thơ là cái ĐẸP toát ra từ chữ nghĩa, ý tưởng và nhạc điệu - Nó hàm ẩn đủ tư tưởng (sợi chỉ đỏ), ngôn ngữ cùng "thi trung hữu nhạc".
Nó là hình tượng thơ diễn đạt được một ý trọn vẹn. Ý đẻ ra Tứ... Đây chính là đặc sản của tâm hồn Thi nhân với một "Thi cách" riêng là thế. Nó là rường cột kết cấu nên bài thơ, làm nổi bật chủ đề của bài thơ (chứa đựng triết lý sâu sắc, nội dung có tầm bao quát lớn), cốt lõi (thành tựu) của bài thơ chốt ở 2 câu:
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa
đã tạo ra một Tứ thơ ĐẸP để đi đến cái "kết" hẫng hụt... “bây giờ thơm đâu” ? Đau/ mất mát, nhưng không bi lụy- tâm hồn vẫn trong sáng thanh thỏa như hồn chàng Thi sĩ chốn chân quê, kiểu "hôm qua em đi tỉnh về..."
KẾT: bài thơ Hay thật, nhưng chưa toàn bích! phải chăng do Nhà thơ quen làm theo lối tự do, không câu nệ niêm luật nên chưa chú ý về phép luyện chữ, ghép vần của thơ lục bát truyền thống do đó việc chọn "từ" (chữ) chưa thật vần, còn lặp từ như vàng/ vòng, câu 4 đã "Sen" xuống câu 6 lại "Sen"...?
Tuy vậy, điều nổi bật là bài thơ này có "Thi cách Nhà quê" (đạt); "Ý" tuy không mới nhưng lại tạo được Tứ lạ... đó là bữa tiệc tâm hồn của riêng Nguyễn Đăng Luận. Cái làm nên bài thơ HAY ở đây là khởi từ một ý thơ sâu sắc (dù là Cổ Ý) nhưng với tâm hồn thơ sung mãn, đang độ chín, Nguyễn Đăng Luận gặp cảnh (cũ) sinh tình (nhớ Nàng xưa) đã bật ra một Tứ thơ để bạn bè nhớ mãi khó quên.
Góc Thành Nam - Hà Nội, 10-10-2011
|