Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
Bồ-Đề-Đạt-Ma (…-528)
Thiền theo ngữ thuật Trung Hoa diễn tả là một cái gì ”tròn và lăn, trơn và trượt” một cái gì không nắm bắt được, không mô tả được, một cái gì bất-khả-tư-nghị; phong cách của thiền là một ngôn ngữ bí truyền, một thái độ kỳ quặc với những phương pháp tu luyện lạ lùng được các vị thiền sư áp dụng trong các giáo lý cũng như cách tu tập. Mục đích và cứu cánh của thiền dù ở dưới bất cứ tông phái nào vẫn duy trì được bản tâm, bản tính của mình qua vô luận cách thức hành trì để xóa bỏ mọi vọng niệm, hiển lộ được lẽ ” đạo” để giải thoát mọi đau khổ cũng như vòng sinh tử. Ngoài việc tu tập, luyện tâm não; thiền dần dần trở thành nghệ thuật tu học, một thứ nghệ thuật độc nhất để truyền chân lý Bát Nhã như tất cả các nghệ thuật vĩ đại khác, từ chối mọi chức năng, từ chối mọi hình thức giáo điều, khuôn mẫu hay hệ thống cố hữu của Phật giáo cũ…thiền ở đây chính là biểu tượng rộng rãi, vi diệu, đại đồng và vô hạn; hàm chứa tất cả và bao trùm tất cả.
Đó là thể tính của thiền. Vậy thiền là gì? Thiền xuất phát từ chỗ phát âm chữ Trung Hoa ”Ch’an” là chữ viết tắt của nguyên chữ ”Cha’na” Nhật ngữ gọi là Zenna hay còn gọi là Thiền-Na rút ra từ Phạn ngữ Sanskrit Dhyana.Thiền là lối phát âm sai của một lối phát âm sai khác! Từ chữ Thiện ra Thiền.
Cốt tủy của thiền là phô diễn cái tột đỉnh tư tưởng Phật giáo, một giáo lý trực chỉ, sâu xa và thực tiển có thể đưa ta đến con đường giác ngộ viên mãn. Cho nên thể tính của thiền là nói lên chữ Tâm mà tâm trọn vẹn chính là tâm Phật vì Phật là Đạo, đạo ấy là Thiền. ”This nature is the mind and the mind is the Buddha and the Buddha is the Way and the Way is the Zen” (D.T.Suzuki)
Ở Trung Hoa thiền còn được gọi là Tâm Tông tức là Tâm giáo vì những gì thiền rao giảng chính là con đường đưa tới giác ngộ của tâm.
Ngộ chỉ là tên gọi khác của sự khai mở viên mãn của tâm nội tại; ngộ chỉ là bước khởi đầu chứ không phải là kết cuộc để đạt tới thiền. Ngoài cõi sâu thẳm và mênh mông của tâm thì chả có gì để ngộ cả. Bởi ngộ là trái tim của thiền là thực nghiệm để nhìn thấy được sự khai mở hay thực hiện được tâm linh một cách viên mãn tuyệt đối. Sự viên mãn ở đây là một thể tính vi diệu và trống không của ngộ. Tĩnh mà động, siêu việt mà nội tại tất cả ý tưởng trên mang lại cho thiền nhân một tâm như tự do, thoát tục, đạt tới nhân tâm, bản thể của ngộ là một bản thể trong suốt của tâm ngộ để trở thành đa thù bởi vì đa thù của ngộ là dị biệt một cách thâm hậu sâu sắc để đi tới phát-tĩnh-thực-tại mà trong truyền thống thiền được coi như một kinh nghiệm nội tại của sự phát triển chân lý Bát Nhã, một chân lý đã giác ngộ được nhờ trí tuệ siêu việt cho nên giác ngộ là tối hậu viên mãn của Thiền Phật giáo (Zen Buddhist).
Giáo lý hay học thuyết (tenet) của thiền được chia ra hai nhóm rõ rệt, một gọi là Tông, một gọi là Giáo. Tông và Giáo hợp lại gọi là Thiền giáo. Nhưng tất cả những đẳng cấp, giáo phái đều tập trung trong Tâm (Utta) Ý (Mana) và Thức (Vijnàna). Chính ba dòng tư tưởng của thiền được xoáy quanh trong một giáo điều gọi là sắc giới hay gọi là ba giới (tam giới) nghĩa là có ba loại chúng sinh trong vũ trụ quan của Phật giáo. Cõi cao đẳng cấp gọi là “vô-sắc-giới”, chúng sinh ở cõi nầy không còn sắc thân mà chỉ còn là hiện hữu thời gian ”being time”. Cõi thứ hai gọi là “sắc-giới” ở cõi nầy chúng sinh có sắc thân và không có sắc dục. Cõi thứ ba gọi là “dục-giới” đây là cõi mà chúng sinh có nhiều loại tham dục và sợ hãi khác nhau , chính cõi nầy được gọi là cõi ta-bà-thế-giới đầy rẫy lòng tham dục. Cho nên tu thiền cốt diệt tham-sân-si-phiền-não để đi tới cõi tịnh và bước vào cõi thường hằng của Niết Bàn; mà muốn đến con đường đó, thiền coi giải thoát là một hệ tính quan trọng, từ bỏ mọi tham dục để đi qua ngưỡng cửa của “tịch” tức tĩnh để diệt được dục không còn dính líu đến phiền não của cuộc đời. Do đó mục đích duy nhất của thiền là khiến ta đủ khả năng để hiểu và thực hiện tâm toàn thiện của mình. Vì tâm là chủ thể then chốt để nghiên cứu và đạt tới đạo thiền.
Thiền định bao trùm một triết lý nhân tâm trong một vũ trụ siêu việt để đạt tới chân như của thiền cho nên trong việc tu tập thiền đạo đòi hỏi cái nhu cầu cần thiết cho việc thiền-định. Bao gồm: Sơ Thiền là bước đầu nhập thiền, trút bỏ mọi vọng niệm đam mê, tẩy trừ mọi tư tưởng xấu xa, nghi hoặc thế nhưng tâm vẫn còn vướng mắc vào cõi đời vì thế mà chưa dứt với hành động nhập thiền. Nhị Thiền là tâm qui tụ, tập trung nhưng ít nhiều còn hoài vọng. Tam Thiền là giai đoạn mất dần bản thể để đưa đến một tâm thức xuất thần (exatique) cho nên vẫn còn cảm thấy hạnh phúc. Tứ Thiền là giai đọa cuối cùng, tất cả mọi cảm giác biến mất nghĩa là dục-tự-tại không còn nữa mà chỉ còn lại một trạng thái thuần sáng, tịch tịnh (equanimité) để đạt đến chân như của thiền . Đó là con đường giải thoát (enlightenment) để nhập vào hữu thể (etre) để trở thành hiện thể (comme existent) của thời hiện hữu (being time) Sự sinh tồn ấy chính là hiện hữu với thời gian. Beingtime; mean that time is being every existent thing is time. (The Three Pillars Of Zen / Ba Trụ Thiền của Philip Kapleau).
Do đó tâm là chủ đề của người tu thiền và cũng là then chốt cho việc nghiêng cứu thiền. Thiền chính là sự giải phóng toàn diện tâm tư con người thoát ra khỏi mọi ràng buộc, mọi giây trói, mọi sự bất động. Vậy thiền muốn nói gì? - là sống như Như Lai và trầm mình trong dòng nước của Như Lai để thanh tẩy vẩn đục cả xác lẫn hồn . Đó là tấm lòng nhân hậu, vị tha là tâm-đại-bi của Bát-Nhã-Ba-La-Mật, đó là phép nhu hòa của nhà Phật là pháp-tính-không ( sùnyatà). Cái đòi hỏi của thiền là tâm phải an tĩnh, phải chính niệm thì tâm thân (body mind) mới có nơi an trú; cho nên tĩnh lặng của thiền không phải là yếu tố làm cho tâm ta bất động mà nó giúp cho ta trầm lắng và hòa hợp giữa cái hoạt động tích cực ấy. Zen meditation does not aim at making the mind inactive but at quiting and unifying it in the midst of activity. (Thiền sư Yasuyami) Vì thế Ngộ và Hành là một phương pháp huấn luyện tâm thân trở nên độc đáo của lối tu thiền và nhờ đó mới nhận ra được tự tánh. Bởi thiền không ngoài mục đích tham thiền, tọa thiền, chiêm nghiệm thiền để đạt nhân tâm. Thiền yêu cầu hành, hành trong mọi sinh hoạt ngoại giới cũng như nội giới để đưa tới giải thoát và vượt thoát ra khỏi những ràng buộc, bức tức nhờ đó mà đưa tới ngộ. Vì vậy giữa ngộ và hành đều xuất phát tự tâm, thiền tâm là bản thể tuyệt đối và khi nhận ra được bản thể bất biến đó thì người ta gọi là Pháp thân (Dharmakaya).
Cho nên đạt đến chân tâm của thiền cần phải có Định và Niệm. Trong kinh Tứ Thập Nhị Cương có dùng danh từ Thiền Định (Trú đại thiền định,hàng chư ma đạo) Hình thức thiền định nầy còn được gọi là Vô-thường-quán. Còn nói về Niệm; theo Huệ Năng phải đạt tới chỗ Vô-Niệm, vô niệm ở đây không phải là tuyệt các ý niệm mà chỉ giữ một Niệm không phải là niệm riêng mà một thứ niệm không chấp trượt, không vọng tưởng, không chấp ngã, không chấp pháp, không chấp cảnh tức là niệm về tự tánh về chân như. Bởi vì chính niệm là vô niệm. Quán được vô niệm thì mới gọi là tri kiến của Phật.Vì vậy thiền định theo Huệ Năng là tâm chẳng khởi vọng gọi là “ngồi”. Trông thấy tánh mình chẳng động gọi là “thiền”, như vậy ngoài thiền trong định ấy là Thiền Định. Thiền định (Samàdhi) Phạn ngữ cho đó là “suy tư” ”trù liệu” hoặc “suy xét thấu đáo”. Trung Hoa tom góm lại hai chữ “tĩnh lự” có nghĩa là chiêm nghiệm trong tĩnh lặng; cho nên thiền định là trạng thái của một tiến trình trọn vẹn giữa Sinh, Trụ và Diệt để đưa tâm thức vào trạng thái vô niệm để trở thành ý thức nghỉ ngơi. Samàdhi và Sanskrit là một, là tâm tĩnh lặng, là trạng thái tập trung tinh thần hoàn toàn trong suốt. Đó là trạng thái an lạc, sáng tỏ và vô niệm của Samàdhi; đặc tính khác nữa của tĩnh lặng là vận dụng được nhịp thở, khí, tất cả những tính thể trên được coi là cốt tủy của Samàdhi. Bởi thiền định cần phải giữ vai trò luyện thở là một lối nhập định hay nhất. Do đó giai đoạn tham thiền với ngụ ý tu thiền thì người ta phải cố thâm nhập, lãnh hội vào tận các cõi miên thâm của tâm mình. Thiền nhằm đi thẳng vào lòng người (trực chỉ nhân tâm) chứ không cần phải giải thích vòng vo hay lý giải điều này sự nọ mà chao đảo đến tâm thần .Vì vậy đến với thiền với một tâm hồn không câu nệ, không trói buộc trong lề thói, khuôn phép có sẳn mà đi tới bằng con đường đốn ngộ đó là con đường phá chấp mọi diễn biến và trực nhận; đó là yêu cầu và đòi hỏi của thiền để có một nhãn quang mới mẻ hơn, ấy là ngộ hay còn gọi là giác ngộ để kiến tánh. Ngộ là một tri giác (intuition) phóng thẳng vào bản thể của vạn vật bằng chính sự sống, khác với sự hiểu biết qua sự phân tích lý luận. Cái nhìn mới này; điều cần phải biết về lẽ sống (Sunyata) hoặc vô ngã. Biết được lẽ “Không” này phải nhờ vào trực giác để thấy rằng ”sắc tức thị không” tức là tất cả những gì thuộc về thế giới hình tướng đều rỗng không (hollow empty).
Ở trong thiền chẳng có gì nên mà cũng chẳng có gì không nên. Vì thế; ngủ uẩn đều trống không, còn tứ đại là giả hợp. Mọi sự trên đời đều vô thường. Ngay cả việc đối đáp trong thiền qua những công án; đó là thuật ngữ được dùng từ thời Vãn Đường rút ra từ câu ”công phủ chi án độc” đó là công văn để trên án thư và rồi thâu tóm lại bằng hai chữ công-án (koan), lối đối đáp kỳ quặc, một ngôn ngữ khó hiểu mang nặng tính chất ẩn dụ hoặc giả thiết…đôi khi không dùng văn tự mà xử dụng hành động đánh đá hoặc chưởi mắng, lối tu tập của thiền đi từ đốn ngộ đến ngộ, đó là tư cách hành xử của những người tu thiền.Vậy thế nào là ngộ trong công án? Thiền cho những lúc như thế là kiến tánh, thấy được thực tướng của vũ trụ; nhưng ngộ chỉ là mới bắt đầu, cần phải tu tập cho tới khi toàn giác.
Có một thiền ngữ như sau: ”Lý khả đốn ngộ, sự yên tiệm tu” cho nên ngôn ngữ của thiền rất cô đọng và tiềm ẩn để đạt tới nhân tâm, một tâm bình thường chính là vô tâm, tâm bình thường không liên quan gì đến sinh hoạt ý thức, sự thuần phác đó chính là trọng tâm của thiền.Thiền định chính là định tâm; đó là tâm bình thường, tiếp thu tinh hoa bất động nằm giữa thế tục. Nói tóm lại trong cõi tịnh ấy đã đưa cái tâm vào cuộc sống, chứa đựng thiền tính của thụ hưởng như ngắm hoa, tiả cành, uống trà, ngâm thơ kể cả bút pháp và họa; đó là tọa định tư duy trong sáng tạo của thiền một cách lạc quan tích cực với sự sống của chính mình. Phương pháp dùng thiền giới để giải thoát sự kinh hoàng, nỗi sợ hãi trong cuộc sống thường ngày. Cái thế giới hiện sinh của thiền bao gồm qúa khứ, hiện tại và vị lai mà thời gian đối với thiền là vô định, để biến cái thời gian đó trở thành một cái tâm không dao động tức con đường đi tới khai ngộ. Sự sinh tồn ấy chính là hiện hữu với thời gian (every existent thing is time).
Nhưng ở thiền ta cần phải đặt trọng tâm vào bản ngã, tức cái ta với hiện hữu. Vậy thì bản ngã là hữu thể và vô ngã là không hữu thể. Thiền Phật giáo qủa quyết rằng: ”Chỉ có khổ hiện hữu nhưng không có người chịu khổ, chỉ có hành vi, nhưng không có tác nhân” Linh mục Trần Thái Đỉnh cho rằng: ”Vạn vật vô ngã có nghĩa là trong vạn vật không có sự vật nào là ngã hết, nhưng có ngã mới đi tìm như vậy. Tìm trong vạn vật không thấy thì ý thức sẽ tìm thấy; trong ý thức tức là nơi chính tự nó”. Chính ý thức là ngã, nhưng ý thức đây không phải là ý thức thực nghiệm (conscience empinique) ý thức là ngã, ý thức tự qui, ý thức siêu nghiệm (conscience trascondentale) (Trong Tc Đại Học #15 1960).
Cái ngã đó tức là cái tôi (self) chỉ là mớ tri giác khác biệt, cái này theo cái kia với một tiến trình siêu tốc, bất-khả-tư-nghị đó là điều luôn luôn trôi chảy và chuyển vần. Trong Pháp Cú kinh (Dharma sũtra): ”Tất cả mọi hành đều vô thường, tất cả mọi hành đều là khổ.Vạn pháp vô ngã”. Cho nên cái TA tức là cái NGÃ của con người là nhân duyên phát sinh ra phiền não, nhưng phải nhớ cho rằng phiền não là chông gai.
Để đi tới chân như đó người tu thiền chỉ còn lại một mục đích duy nhất là Giác- Ngộ, Giải-Thoát để đạt đến Tính-Không của thiền nhờ vào việc tu tập, sống, giới hạnh chính trong những hoàn cảnh đó họ tìm thấy được cốt tủy của thiền. Sự thật của thiền là đi từ chỗ bất tịnh để trở thành thanh tịnh, từ khổ đau đến an lạc đó là đạo giải thoát. Điều rất dể hiểu; thiền là một tôn giáo thực tiển với một phương thức độc đáo của thân tâm mà tất cả cứu cánh của thiền là Thức Tĩnh để đi tới sự nhận thức của chính mình. ”Briefly stated; Zen is a religious practice with a unique method of body-mind, training whose aim is awakening; that is, self-realization”(The Three Pillars of Zen. by Philip Kapleau).
Thiền là thực chứng, là phá chấp, là kẻ đứng ngoài mọi giáo điều, mọi hệ thống tín điều; thiền đương đầu với mọi tình huống của nội tại, gạt bỏ toàn diện, giải thoát tâm linh để đi tới ngộ đó là hành động của thức tỉnh là mối tương duyên của thiền giả; ngược lại thiền dấn thân, dấn thân ở đây là sự mở mắt để xua đuổi vọng niệm, để đạt đến như nhiên của thiền. Giờ đây thiền không còn là giáo phái Bắc tông, Nam tông, Đại thừa, Tiểu thừa. ”Zen” Thiền đã đi vào với nhân loại vào với các tôn giáo khác (Zen Christian) tất cả đi vào một niệm là TÂM là Thánh Tâm (Saint Coeur).
Đó là thể tính thiền; thiền là thực chứng là sống động để đạt tới nhân tâm, vượt thoát ra khỏi mọi ràng buộc, giây trói, một cuộc cách mạng giữa Phật giáo mới và Phật giáo cũ. Vì rằng; thiền là mạch lộ chính, là đạo (way) dẫn đường vào cuộc sống, một cuộc sống thanh cao diệu vợi, quên mình để hòa nhập. Thiền chấp nhận mọi tương sinh nhưng từ bỏ mọi tương tranh. Đó là phá chấp, diệt ngã để kiến tánh thành Phật giữa hư hóa và hữu hóa đó là sinh phong của thiền, không tranh chấp mà phá chấp đó là tự-tại-vô-ngại để nâng cuộc sống được viên mãn; cho nên phương tiện thiện xảo của thiền là giải thoát cái u minh nội tại để vào vũ trụ siêu nhiên của tâm như, của niết bàn tại thế. Thể tính thiền là thế đó! Thực chứng của thiền là thuyết bất nhị để tìm đến tuệ giác và đại bi. Vì thế thiền là bản chất không phải là hình thái và chính nơi đây đã cho ta thấy những bờ cõi của thiền, bờ cõi trong sáng, linh động và huyền bí mà vạn vật chúng sinh đã đắm mình trong cái Có và Không, hữu thể và vô thể, hữu hình và vô hình, vô hình mà lại hữu hình, sắc-sắc-không-không.Thiền là tinh thể trung hòa của mọi chuyển hoá.
Trong thiền còn chứa ba điều: Chánh, Niệm và Định.
- Chánh-tinh-tấn (Sammà vâyàma) có nghĩa là chế ngự không cho nội tâm bị vẩn đục bởi những hành động uế tạp hay bởi tư tưởng xấu xa.
- Niệm (Sammà sati) có nghĩa là tu luyện tâm thần (culture mental) bằng những phương pháp tập trung thở và điều hòa khí bằng phương pháp du-già (yoga) nhờ phương pháp đó ta kiểm soát và ý thức mọi hành vi của cơ thể, mọi cảm giác đưa tới dục tính (sexuallity) để tránh đụng chạm tới hành vi của tâm và thân.
- Định (Sammà samâdhi) đây là phép tu luyện có tính cách vật lý trị liệu (psy-therapy) là phép tu được đức Phật và hàng đệ tử áp dụng để đạt tới chánh huệ.
Tất cả mọi thực hành trên đều có mục đích khử trừ, tận diệt mọi dục vọng đam mê để đạt tới trạng thái thuần tịnh, ngoài ra giúp cho các thiền sư có đực một tri thức phi thường. Nhưng chính cái Huệ hay Bát Nhã đạt được nhờ thiền định; bởi vì nó là một nhận thức trực tiếp chân lý không qua một suy luận nào hay nhờ vào một mặc khải hay giáo huấn nào khác mà đó là chân tâm vô lượng, vô ngã, vô thường của vạn vật nghĩa là trực diện với chân không tức tính không của nhà Phật để đi tới bất-bản-thể toàn diện (insubstantialisme total).
Tóm lại; thể tính thiền là nói lên những yếu tính về phép tu tập của thiền, giải thoát mọi tình huống xẩy ra giữa nội tại và ngoại quan với tất cả mọi hành xử trong đời sống để đạt mục đích tối thượng của kiến tánh và giải thoát mọi duyên nghiệp để đi tới một tâm thân toàn mãn. Bởi triết lý của Phật là một triết lý sống động, một chân lý đưa lại sự giải thoát trọn vẹn mà chỉ có ai thực hiện được nó mới đạt được nó và hiểu được nó. Trái lại những lý luận khác hoàn toàn có tính cách tri thức chỉ đưa lại chấp mê mà thôi.
Trưởng thành trong thiền là giải thoát tâm ra khỏi kiến thức, để đạt được kiến tánh, giải thoát và giác ngộ đó là cốt tủy của thiền phái. Tâm đối với thiền là cái bất-khả-tư-nghị luôn luôn coi tâm là ánh sáng. Thiền là thế giới của kiến thức rồi thoát ra khỏi thế giới ấy để vào cái bất-khả-tri. Tu thiền là mục đích giải thoát và tìm đến giác ngộ toàn thiện, toàn mỹ chứ không còn một đòi hỏi nào khác hơn. Chính những lúc như thế là vượt ra khỏi cõi ta-bà-thế-tục. Vì vậy pháp môn tu thiền không còn là giáo phái ngày nay mà nó trở nên một nghệ thuật nhìn vào thể tính hiện sinh để kiến tánh thành Phật trong muôn ngàn vạn kiếp, hằng hà sa số lượng kiếp chúng sinh./.
(rằm thánggiêng. canhdần. 2010)
SÁCH ĐỌC:
- The Three Pillars Of Zen.by Roshi Philip Kapleau.Anchor Books USA 1989
- Thiền Đạo Tu Tập. Chung Trùng Cơ. NXB Kinh Thi.Sàigòn 1974
- Zen Buddhism and Psychoanalysis.by: D.T.Suzuki,Erich Fromm,Richard de Martino.
(George Allen&Unwin USA 1970)
- Quan Niệm Giải Thoát Trong Phật Giáo Cũ.Linh Mục Thiện Cẩm.NXB Đại Nam Sàigòn 1970
- Thiền Học Việt Nam.Gs Nguyễn Đăng Thục.NXB Thuận Hóa.Huế 1997.
ĐỌC THÊM:
- Thiền Thơ Trong Thi Ca của võcôngliêm (Văn Chương Việt. Org)
TRANH VẼ:‘ Ông B./ Mr. B.’ Khổ: 12’X16’ Trên giấy cứng. Acrylics+Mixed Media.VCL2013.