Lữ Quỳnh là một tên tuổi đã có mặt trên văn đàn từ trước năm 1975. Ông cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Mai, Phổ Thông, Ý Thức, Thời Nay, Thời Tập… và sau này, từ năm 2001 ở hải ngoại, ông có bài đi trên Văn Học, Khởi Hành… Cát Vàng - tập truyện đầu tay của ông – do nhà xuất bản Ý Thức phát hành năm 1971 (Văn Mới, California tái bản 2006) và Những Giấc Mơ Tôi là tập thơ mới nhất do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành năm 2013.
Ông đã thành công trong cả hai địa hạt Văn và Thơ như nhà thơ Du Tử Lê đã nhận xét:
“Trong ghi nhận của tôi về 20 năm văn học miền Nam, có nhà văn Lữ Quỳnh.
Nhưng, cũng trong ghi nhận của tôi, Lữ Quỳnh còn là một thi sĩ.
Ông không chỉ là thi sĩ qua những hình ảnh trong văn xuôi. Ông không chỉ là thi sĩ qua những so sánh, liên tưởng, nhân cách hóa trong khá nhiều truyện ngắn của ông. (Mà,) với tôi, ông còn là thi sĩ chan hòa tính nhân bản, trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa trên lộ trình sống / chết miền Nam điêu linh, 20 năm.” [2]
Tôi đã bị rơi vào một không gian thật trầm buồn của “Những Giấc Mơ Tôi”. Tác giả đã trải qua một thời kỳ bị bệnh nặng lắm, có thể nói đã đi đến lằn ranh của sự sống chết, để có thể có được những giấc mơ như thế này:
thường có những giấc mơ
gặp gỡ bạn bè
những người bạn ra đi đã nhiều năm
nay kéo về
nói cười ấm áp
(giấc mơ – trg 9)
Thi sĩ Phùng Quán đã viết: Có những lúc ngã lòng / Tôi vịn câu thơ đứng dậy. Với Lữ Quỳnh thì ông đã “vịn” vào bạn bè. Bạn bè đã gắn dính vào cuộc đời của ông và trong tập thơ tôi đã thấy ông nhắc đến các bạn một cách trân trọng, bằng một tình cảm quý mến: Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường… Tình bạn của ông đẹp lắm và chắc chắn ông đã có những kỷ niệm và những ngày vui khó phai bên bạn bè để ông có thể viết rằng:
tình bạn êm đềm như viên thuốc ngủ
vỗ về tôi trong đêm dài
(giấc mơ – trg 10)
Trong giấc mơ ông có bóng dáng của:
…thần chết
đang lảng vảng quanh đây
(bài của người bệnh tâm thần – trg 13)
tạo nên một vùng tối đen, một vùng buồn thảm:
ngồi giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ
đèn tím đèn vàng đèn trắng đèn đen
ta không biết đèn nào cho đi đèn nào đứng lại
bỗng bật khóc
ở ngã tư giờ chỉ có một màu đèn
màu xám than cô độc
(bài của người bệnh tâm thần – trg 14)
Ông đã đi những chuyến tàu về miền ký ức qua những ga thời tuổi nhỏ:
tàu qua hoài chẳng tới
mỗi lúc càng xa
những ga xép chiều mưa quê nhà
tiếng còi tàu ảm đạm
Lăng Cô - Thừa Lư - Huế
(chiều cuối năm đi nhầm tàu ở San Jose – trg 17, 18)
Rồi vào Sài-gòn cùng bạn bè và đường Duy Tân thơ mộng với những câu thơ rất đẹp:
nhớ những ngày bạn bè còn rất trẻ
con đường Duy Tân rợp bóng hàng sấu già
những chiếc lá chao nghiêng quay vòng theo gió
những cánh tình non
đẹp như mây ngày tháng hạ
(Michiko, Fukushima – trg 23)
Giấc mơ đã đưa ông đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn thân ông rất quý:
chiếc piano treo ngược trước khán phòng
hoàng tử bé một mình trên sân khấu
hát trường ca dã tràng
(giấc mơ – trg 12)
Cũng như đưa ông trở lại ngày của 30 năm trước, có họa sĩ Đinh Cường đến thăm:
cũng tay xách nải chuối anh đến thăm tôi
nhưng không đi vào nhà được
vì con nước ròng tràn bờ ngập hết đường sá
anh đứng nhìn nước bên cạnh con trai mười tuổi
rồi lẩn thẩn quay về
(đọc bài thơ xách nải chuối đi bộ về nhà của Đinh Cường – trg 39)
Cách dùng chữ thật là tuyệt vời. Lẩn thẩn mà không là lững thững. Lững thững chỉ nói đến những bước chân thong thả, chậm chạp; nhưng lẩn thẩn vì còn bần thần thương bạn, đường vào nhà ngập ngụa nước. Tình bạn đẹp quá. Có phải thế không?
thoắt một cái đã ba mươi năm qua
bây giờ ngồi nhớ lại
cái thời nghèo khó mà ấm áp nghĩa tình
còn quá trẻ để không hề nghĩ đến chia tay
(đọc bài thơ xách nải chuối đi bộ về nhà của Đinh Cường – trg 41)
Giấc mơ của ông còn có cả một thiếu nữ lớn tuổi hơn mà ông gọi bằng chị. Ông đã thầm yêu trộm nhớ, một mối tình đơn phương. Người thiếu nữ không hề hay biết nên đã hờ hững ép thơ ông tặng vào trang sách và nàng đi lấy chồng. Bây giờ cả hai đều đã qua thời thanh xuân, vắng bặt tin nhau nhưng lòng ông vẫn thương nhớ. Ông làm thơ nhờ mây mượn gió gởi người xưa. Tôi xin trích nguyên bài:
nhớ ngày rất trẻ tôi yêu chị
chép Xuân Tha Hương cả chục lần
tết này chưa chắc em về được
em gửi về đây một tấm lòng (*)
tặng chị kèm theo tình mới lớn
từng đêm dõi bóng ngoài sân trăng
đem thơ chị ép vào trang sách
chị nhốt tình tôi thật lạnh lùng
từ đó xuân qua rồi xuân tới
chị giã từ tôi đi lấy chồng
tôi đem thơ dại phơi ngày tháng
thương chị từ nay phải bế bồng
rồi tháng ngày qua theo cánh gió
giang hồ em chị tóc pha sương
lòng xưa giậu đổ bờ hiu quạnh
biền biệt tin nhau… nhạn cuối trời
gửi chị bài thơ đang viết dở
nhờ mây mượn gió cuốn thơ đi…
(*) Nguyễn Bính (1918-1966)
(ngày nào mượn thơ Nguyễn Bính để tỏ tình chị - trg 72)
Giấc mơ cũng đưa ông về với ngày tháng tù đầy ở Cồn Tiên sau ngày “vận nước nổi trôi”. Ông đã cùng với bạn bè phải đi vào cái gọi là “trại cải tạo” - thực chất đây là một hình thức đầy đọa, hạ thấp nhân phẩm người lính VNCH, trái ngược với quy luật tù binh chiến tranh của thế giới:
bỗng một ngày ta không còn là ta
tương lai như con diều đứt dây chúi đầu xuống vực
sáng vào rừng rút mây đẵn gỗ
chiều về nặng trĩu vai
vác cây đời thánh giá
(tiếng chim lạ ở trại tù Cồn Tiên – trang 60)
Cực nhọc như vậy nhưng thi sĩ vẫn giữ tiết tháo của người lính VNCH, vẫn mong muốn những điều thật sự tốt đẹp ngay cả trong những giấc mơ. Dù ban ngày có bị bọn cai tù tàn nhẫn vùi dập nhấn xuống tận dưới đáy bùn lầy, nhưng ban đêm, tâm hồn ông vẫn như một đóa sen thơm tho trong sạch:
đêm nằm canh giấc mơ
sợ những điều giả trá
chập chờn bóng quỷ ma
…
tiếng chim đói sao cất lời bi thiết
cơm còn cho cục
cơm còn xin cục
…
ta mất ngủ hằng đêm
chờ tiếng chim não nuột
cơm không có ăn
lấy gì cho cục
đời tù buồn
chim cũng quá buồn sao
(tiếng chim lạ ở trại tù Cồn Tiên – trang 60, 61, 62)
Đây là một bài thơ rất hay nói lên được tiết tháo của người lính VNCH cũng như cho thấy tình cảnh của mọi người, mọi vật lúc đó: người trong lao tù và cả những sinh vật ở bên ngoài cũng cùng chung một số phận quá buồn và không đủ ăn!
Giấc mơ của ông còn có hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa mà bọn giặc Tàu Ô đang chiếm đóng:
tôi xin lỗi
rất đau lòng nhưng phải nói ra
ngày mất Hoàng Sa
chỉ nửa nước đau thương căm hờn lũ giặc
chỉ nửa nước sục sôi niềm đau mất đất
tôi xin lỗi
quả còn quá nhiều điều
nhưng chưa thể nói ra!
(Hoàng Sa, nỗi nhớ - trang 33)
Hãy nghe ông ví thật tài tình nỗi đau ở Fukushima và Trường Sa:
sóng thần động đất
quỷ dữ thiên tai làm sao tránh được
dân Nhật kiên cường vượt nỗi đau
bọn giặc giết ngư dân
cướp tàu thuyền lộng hành giữa biển
dân Việt âm thầm chịu nỗi đau
(Trường Sa, Fukushima! – trg 28)
Theo nhà thơ, người Nhật đã vượt được nỗi đau vì họ có “tinh thần võ sĩ đạo”. Nhưng sao dân Việt mình lại mãi chịu đựng nỗi đau mà không vượt được nỗi đau, dù mình cũng có:
… Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước Nam
còn hơn làm vương đất Bắc
câu nói làm run tay lũ giặc
(Trường Sa, Fukushima! – trg 29)
Tôi không giải thích được và đành khóc theo ông:
mưa vẫn rơi vẫn rơi trên sông Potomac
vẫn rơi vẫn rơi trên mặt hồ Tidal Basin
vẫn rơi vẫn rơi lên tượng đài Thomas Jefferson
mưa vẫn rơi và nước mắt vẫn rơi
Fukushima! Trường Sa ơi!
(Trường Sa, Fukushima! – trg 29)
Đây là những điều tôi đã tìm thấy trong “Những Giấc Mơ Tôi” của Lữ Quỳnh. Xin mời bạn tìm đọc tập thơ này của ông để có thể tìm thêm những hình ảnh thú vị khác của chính bạn, của bạn bè cùng những kỷ niệm thuở thanh xuân. Để cùng ngậm ngùi với tác giả:
trong giấc mơ mùa đông quê nhà
em có thấy khuôn mặt nào lênh đênh
trên xa lộ xứ người
đang nhạt nhòa nước…?
(tháng chạp màu xám chì – trg 67)
Trần Thị Nguyệt Mai
11-7-2013
[1] Lữ Quỳnh: Những Giấc Mơ Tôi - tập thơ - nhà xuất bản Văn Mới ấn hành năm 2013. Bìa và phụ bản tranh: Đinh Cường. Trình bày: Phạm Cao Hoàng.
Giá : 15 mỹ kim (bao gồm cước phí).
Liên lạc NXB : P.O.BOX 287 - Gardena, CA 90248
Tel : (310) 366- 6867
Email tác giả : songsuongmu@yahoo.com
Lữ Quỳnh tên thật Phan Ngô.
Sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế
Sách đã xuất bản:
Cát Vàng (Tập truyện), Sông Sương Mù (Tập truyện), Những Cơn Mưa Mùa Đông (Truyện vừa), Vườn Trái Đắng (Truyện dài), Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ (Tập thơ),
Thành Phố Mùa Đông (Nhạc phổ thơ).
Hiện định cư cùng gia đình tại San Jose - California
[2] Du Tử Lê: Những con chữ hân hoan, búng mình trên mặt sông chữ, nghĩa Lữ Quỳnh.