Bạn thân mến!
Hôm nay tôi „chat” với mấy người bạn, muốn hiểu thêm một chút cái tình trạng: tại sao ở Việt Nam người ta hay chạy từ ông thày này sang ông thày kia, từ trường phái tâm linh này sang trường phái tâm linh kia...
ở Việt Nam liệu có tôn giáo không?
người Việt Nam có theo tôn giáo không?
Bạn thân mến!
Người Việt Nam có tôn giáo hay không, theo tôi là có, nhưng tôn giáo theo nghĩa bạn hiểu chắc là không. Tôn giáo thực sự bao giờ cũng là "một hình thức tu luyện", ở Việt Nam không có truyền thống tu luyện này, nếu có, thì rất lẻ tẻ, không tạo nên cộng đồng tu luyện, càng không tạo nên truyền thống tu luyện. Như ý tôi hiểu, trong bản sắc của văn hóa Việt Nam, đã không đặt ra cũng không hậu thuẫn cho việc tu luyện của bất cứ tiểu cộng đồng hay cá nhân nào. Nghĩa là, trừ phi việc tu luyện được tổ chức và diễn ra lẻ tẻ, nằm ngoài biên của các chu trình xã hội, nếu không, xu hướng của xã hội là đào thải nó.
Bạn thân mến!
Mừng bạn khỏi ốm, còn tôi thiếu "đối thoại" với bạn, chắc cũng "bệnh" luôn…,hihihi…Vì đối thoại giữa chúng ta chính là nội dung sống hàng ngày, là một thứ tư duy bằng tiếng Việt tươi mát hồn nhiên nhưng đầy tri thức tâm linh
Ít nhất: chúng ta đang đi theo hướng vuông góc với chiều lịch sử của đời sống (như Hamvas Béla nói), và đây là điều đang thiếu trong các nội dung thông tin. Có thể đối với tôi, bạn là một mảng tâm linh của bản thân, mà mình còn không biết nó phong phú đến đâu? (hihihih…)
Qua những năm dài chiến tranh người Việt nam chúng ta quen chỉ "nhớ lại", khơi đào quá khứ, vì đấy chính là những uẩn ức, cùng khao khát và mơ ước của bao nhiêu thế hệ chưa bao giờ được sống bình thường. Nhưng cũng vì thế, quanh quẩn mãi hóa đường mòn, cả tư duy lẫn cảm xúc, lúc nào cũng bị ký ức đè nặng và khóa trái.
Ta đối thoại, không chỉ vì tách ra, không đi theo con đường mòn ấy nữa, mà vì muốn những điều cao hơn, sâu hơn phải thâm nhập vào chính tư duy hàng ngày của mình, để biến đổi thành một đời sống Việt phải khác đi. Đúng không bạn?
Theo tôi:
vấn đề tôn giáo ở Việt Nam ở lòng tín ngưỡng. Tín ngưỡng trong lòng người VN hiện tại (ít nhất ở dân miền bắc) rất mơ hồ, gần như không có. Thay vào đó là sự mê tín- một biểu hiện của mê muội -chiếm lĩnh toàn bộ (cái gọi là) đời sống tôn giáo, cộng với một thể chế quy độc quyền hết thảy, công khai hóa toàn bộ các biểu hiện mê muội này.
Như thế nào là lòng tín ngưỡng ư?
Bạn là một người có tín ngưỡng. Ví dụ thế. Tôi (ngày càng) có tín ngưỡng hơn thì phải? hoặc lòng tín ngưỡng trong tôi ngày càng được đánh thức.
Anh B. chẳng hạn là một người không có tín ngưỡng. Với học thức, anh ấy tin rằng anh ấy (đang) có tín ngưỡng mà thôi. Giới trẻ ở VN nhiều người như thế, vẫn đang mơ hồ với tính tín ngưỡng trong lòng họ, vì phần lớn họ đến với nó từ tri thức. Nhiều người đầy ắp những kiến thức về sự mê tín thì đúng hơn là tâm linh, nhưng khi có một nội dung "thần học" cụ thể để theo thì lại phân vân, nghi ngờ, không theo được.
Nhiều bạn trẻ đi theo các trường phái „tu tập” một cái gì đó, nhưng bỏ dần sau một thời gian vì không theo được kỷ luật và các điều kiện của phương pháp đó, họ thấy sống như cũ thoải mái hơn. Hoặc họ cảm thấy có những bất đồng cá nhân với nhóm.
Câu hỏi ở đây là: có phải cái ngã cá nhân to đùng, to hơn tất cả chiếm lĩnh không? hay chỉ vì một cộng đồng chưa hề có tín ngưỡng-tôn giáo như một thói quen thực hành tâm linh, lại sống trong một nền giáo dục"đánh đồng, chia đều", luôn luôn làm các cá nhân phản ứng, gặp cái gì cũng trước tiên phản kháng lại cái đã.
Có lần ở Hà nội tôi bảo một bạn trẻ rằng: ở bạn thiếu một lòng sùng kính, còn gọi là sự sùng bái, hoặc sự khiêm nhường với tất cả, để có thể"tôn trọng tất cả và từ bỏ tất cả"- đây mới là đức tin cần thiết để "tu tập" hoặc thực hành bất cứ cái gì về tâm linh.
Hồi đó tôi nghĩ điều này gắn liền với tuổi trẻ chăng? nhưng thực ra gắn liền với lòng tự ái thì đúng hơn. Ở những người „không tin tôn giáo” lòng tự ái cao hơn bao giờ hết, vì họ bao giờ cũng cho là tự nắm trong tay"vận mệnh" của mình, tự điều khiển được cuộc đời. Một đời sống bị khép kín khiến con người tự tôn sùng mình lên quá mức, kể cả trong thời đại internet, khi không gian kích thích tư duy được mở rộng- cũng thế thôi- vì thiếu hẳn lòng tín ngưỡng.
Lòng tín ngưỡng còn là: sự hiểu biết chân thực về thế giới âm, sự hiểu biết của những kẻ nhập định, những kẻ muốn tìm hiểu những điều bí ẩn của đời sống người. Tri thức về văn học giả tưởng, về thần bí, về các vấn đề khoa học vũ trụ, bị nhầm lẫn là tri thức về thế giới âm, một nhầm lẫn cơ bản. Đấy mới chỉ là thu thập thông tin về những cảm nhận mơ hồ của con người về cái vô hình. Chưa đủ.
Và nếu không có tri thức tiếp cận đến một cái ngưỡng quan trọng nhất: cái Chết, không bao giờ trở thành kẻ nhập định, kẻ có tín ngưỡng, có tôn giáo cả. Theo nghĩa này, trở thành kẻ hiểu biết về tri thức siêu hình. „Cái chết” cũng cần hiểu theo nghĩa siêu hình, là một khả năng"nhậy cảm đặc biệt" giúp con người nhận thức về chính mình ngay khi đang sống.
Bạn thân mến, mỗi người thực hành đời sống của mình một cách khác nhau, bạn đang hiến toàn bộ ngày sống của bạn cho đức tin của bạn, đôi khi hạ mình xuống thấp hơn cả mức của mình để cùng những người khác, bạn sẽ thành công. Nhưng nhớ rằng: đừng làm hộ ai bất kỳ điều gì nhé, hãy để họ tự CHẾT đi và HỒI SINH.
Có phải con người phải"bầy đàn", phải sống cùng nhau, phải gắn với nhau, để: biết đâu cùng nhau tu tập, thoát được kiếp người? Nhưng rồi tôi cũng hiểu ra: điều này không tưởng. Con người chỉ"dàn hàng ngang" đi với nhau được thôi. Phải biết thoát ra khỏi cõi người mới hết khổ đau của mọi ràng buộc. Lòng tự ái rất cao giữ người ta ở lại cõi người. Thế thôi.
Bạn thân mến!
Nếu bạn tinh ý, những từ bạn dùng đều mang nội hàm khác với người Việt hiểu. Chẳng hạn, tín ngưỡng, ở Việt Nam, là mức thấp hơn tôn giáo, vì nó chỉ là niềm tin phi lý trí. Nên tôi thường dùng một từ khác, mang tính thực hành hơn, tu luyện, chân tu, để phân biệt. Còn tín ngưỡng, như ở bạn, rất gần với Đạo Tâm, Phật tính, Đức tin...
Bạn nói đúng lắm. Tôi vẫn bảo, trí huệ có ba tính xấu: phán xét, can thiệp và nổi loạn. Người thiên về Trí thực ra mang sẵn trong mình ba chủng tâm thái ấy. Người nào đặt trí huệ lên trước đức tin, người đó sẽ có ngày lạm dụng Pháp lý và tri thức để chống lại những cội nguồn tinh thần của mình. Dĩ nhiên tôi không kể cuộc chống đối đó là đúng hay sai, gần đức tin đến đâu.
Nhiều bạn trẻ mắc phải điều ấy, trí huệ của họ, đúng hơn, nên nói, tri thức của họ, đánh lừa họ và dẫn lối họ vào sự phán xét, can thiệp và nổi loạn. Ba điều này đều bất Thiện, bất Tĩnh, khó „tu luyện”. Vì thế tuổi trẻ của họ là sự truy tìm tri thức, tự mãn trên nó, và say mê những cuộc lật đổ. Cách mạng cũng nông nổi như họ vậy.
Bạn thân mến!
Tôi muốn bạn đọc kỹ bản dịch: Những bậc thang phép thuật (Scientia sacra) tôi vừa dịch xong.
http://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/CacBacThangPhepThuat-HBela-NHN.htm
Đây là một bài hết sức hay và tổng hợp, đầy đủ. Thậm chí mỗi một ý nhỏ trong bài ấy đều có thể liên hệ và giải thích bằng rất nhiều kiến thức tâm linh khác. Tôi đã đọc đi đọc lại bài này nhiều lần.
Bạn thân mến!
Đọc bài viết mới của tôi nhé:
YÊU CÔNG
(http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=Qv5aSQ-Qg7M)
„Hãy nhìn họ, Âm thanh của dục vọng, chán nản, chìm đắm. Nhìn kĩ hơn, em sẽ thấy những thân thể quăng quật, thừa thãi, không biết cách kiểm soát. Nếu em tinh ý, họ, như con người, không còn làm chủ thân thể mình theo đúng nghĩa. Nhưng Lời đã che đi sự khiếm khuyết đó, họ cử động theo âm thanh, theo hình thể của nhạc, như một điệu múa, và bất ngờ em thấy họ hợp lý. Em nghĩ thế phải không? Con người đã phối hợp tâm tưởng và hành động bằng Lời, bằng hình dạng của lời nữa, họ luôn nhảy múa trong vũ điệu thân thể của mình, luôn phô diễn sự đánh lừa sâu thẳm trong họ: họ tưởng họ nắm bắt được đời sống của họ, thực ra không phải, họ chưa bao giờ.
Em hãy chú ý nhìn, vì nếu không em sẽ lãng phí đôi mắt. Con người trong một đoạn ngắn là một chuỗi tâm tưởng, ở không gian khác quả thực nó kéo dài ra thành âm thanh,- nếu em để ý, hình dạng của âm thanh rất đặc biệt. Con người trong âm thanh được nhét vào một cái hộp, kích cỡ đúng bằng màn hình em đang xem đây, có thể to hơn, nhưng không có gì thay đổi. Em biết rằng họ diễn, đồng nhất mình với vai diễn, dĩ nhiên bằng bản thân họ.
Từ thời cổ, con người đã biết rằng họ có thể diễn, và trong khi diễn họ không là mình, bằng cách sử dụng bản thân mình. Họ trút những cảm giác và kí ức thần thánh vào đủ thứ, âm thanh, vai diễn, điệu múa, văn bản, luật cấm, định kiến. Dần dần họ quên mất Thần, họ chỉ còn biết những gì họ có: ánh mắt, đôi tay, bàn chân, thân thể, tâm tưởng. Lâu ngày, và cùng với cuộc chinh phạt con người của bến mê, mọi thứ họ cố xa rời ký ức Thần Thánh, họ sáng tạo lại bản thân mình bằng dục vọng, bằng sự khiêu khích, bằng cái ác, bằng sự tuyệt vọng - dù muốn hay không, ngay cả điều tích cực nhất cũng phải cân nhắc đến cái ác và lòng ích kỉ, mà con người coi đó là sự hợp lý tương đối với đời sống.
Trong những điệu múa và lời hát, dần dần họ tổ chức sự truyền giảng. Giờ đây bên cạnh sự tôn thờ xuất hiện thêm sự khôn ngoan, bên cạnh trí huệ xuất hiện sự thông minh, bên cạnh đức tin là sự dối trá và nghi ngại. Thân thể con người, bằng cách đó, bắt đầu cuộc phản bội với tâm tưởng, mà nó sẽ còn cách mạng tâm tưởng nó. Nhưng thân thể không vui vẻ, nó cũng đau đớn, sự đau đớn này gọi là "khổ", vì thế người ta căn bản là "khổ thân". Vì thế, em biết phải không, nhìn vào cách con người đi từ nơi này đến nơi nọ, lăn lộn, cầm nắm, cười đùa... em có thể hiểu được nỗi khổ của họ: nỗi khổ này đi từ tâm tính ra thân thể. Và tất cả đều là sự đau đớn, đều là tội lỗi, đều "khổ": vì con người, lâu rồi, đã đánh mất chân tính của mình. Trẻ con học cách nói dối từ bé cho nỗi sợ, sự thật thà dễ phát triển thành chứng tâm thần vì trừng phạt, con người bị ghẻ lạnh trong tâm giới của chính mình.
Đây là một bi kịch. Em hãy nhìn kĩ vào, nhân gian chỉ là một đoạn phim. Chúng ta đã đóng khung trong đó. Cười đùa. Vật lộn. Yêu đương. Đau khổ. Lãng quên. Sống. Chết. Mọi thứ sẽ chấm dứt vào giây cuối của đoạn phim, âm thanh chấm dứt, mọi buồn vui tan đi. Nhưng sự đau khổ không chấm dứt, nó sẽ vọng vào tai em, và nó sẽ đi theo kẻ đã mang giữ nó, cho đến khi họ biết cách từ bỏ khổ đau, nên gọi đúng tên hơn, từ bỏ mê muội. Em thấy chưa, vô minh là đau khổ, nó là một, không cái nào là cội nguồn của cái nào. Em có hiểu không?
Nên con người phải tu luyện. Họ phải chỉnh sửa thân thể, đương nhiên rồi. Tâm tưởng, dù rất mệt mỏi. Tính cách, dù quá khó khăn.
Em hãy yêu thân thể mình khi luyện công, vì cách bàn tay cử động và thân thể chuyển mình đang trở lại với ký ức thần thánh của nó - thực ra, em biết mà, Thần thánh đang quay trở lại trong em, em có hiểu không, hãy yêu mến đời „tu luyện”, không có tình cảm đó, không biết yêu thương sự Thần Thánh nơi mình đúng cách, em sẽ tự tua lại đoạn đời mình vào phút cuối. Bản nhạc sẽ bắt đầu. Với khổ đau và dục vọng, với lạc lõng và tan biến.
Hãy biết yêu thương điều em đang có, điều thật sự thuộc về em, bằng cách đồng hóa với nó. Em biết, phải không?”
Bạn thân mến!
Hôm qua tôi đọc một (trong những) bài viết cuối đời của Hamvas Béla: tốc độ và biên độ tri thức tâm linh khủng khiếp. Cái gì tạo nên sự khác biệt đến thế về"tầng" nhận thức của các cá nhân? Thử tìm cách trả lời câu hỏi này người ta dễ dàng rơi vào sự tưởng tượng an ủi: chắc tác giả được các bậc...gì đấy phù trợ giúp đỡ. Có thể lắm!
Có những câu tuyệt vời:
"Gúenon chỉ nói: có một bản thảo đáng tin cậy của sự sống. Nietzsche và Kierkegaard chỉ nói: cần phải sống một đời sống trong sạch. Tôi đã thử kết nối hai điều này: trên cơ sở một văn bản đáng tin cậy của sự sống, tôi thực thi sự trong sạch cội nguồn trong chính bản thân mình. Đây là sự lắp ráp toàn vẹn giữa thời cổ và thời hiện tại. Người nào hôm nay muốn trở thành hiện tại, người đó cần quay trở lại cội rễ ít nhất cả chục ngàn năm." (Hamvas Béla: Đối thoại)
Bạn thấy không, việc đầu tiên mà con người thời đại hôm nay cần làm: thanh tẩy chính bản thân mình, nghĩa là hãy tỉnh lại và nhận ra những „chất độc” đã làm hại mình quá lâu rồi, nhất là trong những mối quan hệ người với nhau. Đụng độ với con người là thứ việc tôi chán nhất, ghét nhất, dù là giao tiếp, giúp hay phù trợ, bởi tính hay thay đổi của họ. Tính hay thay đổi nhưng con người ngày hôm nay lại bảo thủ nhất, mê muội nhất.
Tôi đang ngạc nhiên nhận ra trong mấy ngày hôm nay: mình mất hết sự mơ mộng xưa kia lúc nào cũng đầy ăm ắp, nhất là lúc một mình. Giờ đây nó biến đi đâu hết rồi? Nó là cái gì vậy? Tôi nghĩ: phải dịch thơ thôi- thơ là thứ thầm kín nhất, sâu thẳm nhất của con người, chui vào đấy sẽ biết ngay mình đang ở trạng thái như thế nào...
Bèn đọc Pilinszky János, vồ ngay được mảng thơ: Thánh đường- trong đó có những bài...sững sờ!
Đúng là: hãy đừng trở nên quá tỉnh như đời thường trần trụi, hãy trở về với không gian tôn giáo, vô hình...Nếu không sẽ như một kẻ đã chết! NHN chỉ sống nếu VÔ HÌNH. Tôi đang loay hoay với một bài (tưởng) rất đơn giản mà chưa thể dịch thoát, y hệt như đang ở trong không khí trang nghiêm thiêng liêng của nhà thờ, chỉ ...chết lịm đi mà không hiểu tại sao...
Đấy, bạn ơi, ý nghĩa sống của những kẻ chỉ mơ ước hiểu được cả thế giới vô hình là như thế đó.
Bạn thân mến!
Mang lấy nhân thể, có nhân tâm, nhân tính, sống trong nhân giới, để con người thật sự vượt lên đời sống, để sống đời của Thần, mà không bị rơi vào ảo tưởng hoảng loạn và sự lấp liếm tâm thần là rất khó. Giữa những biên giới mong manh, cần một nghị lực phi thường và một lý trí tỉnh táo. Ở bạn có. May, hoặc không may, bạn còn có một trái tim, trái tim quá dễ rung động. Nó rất từ bi. Nhưng vì thế, nó dễ thành đường đi về nhân gian trong những giờ phút đột nhiên....
Cuộc sống chỉ trở nên ko còn thuần khiết khi người ta chấp nhận nó tạp loạn. Bằng đủ mọi nghĩa, đủ mọi cách. Sự mặc cả là dấu hiệu của nhân gian. Bạn hiểu mà. Bạn ơi, sự tỉnh táo, sự tỉnh táo, sự tỉnh táo.
Hãy nhớ: tâm thanh tỉnh. Thanh là sáng, sạch. Tỉnh là lý trí rõ ràng. Tâm Thanh Tỉnh, ấy là tâm của người „ tu luyện”, luôn minh bạch rõ ràng, luôn sáng suốt lý trí. Là Tâm, cũng là Trí. Vì đó là Trí Huệ, là sự thấu suốt của Thần, không đơn giản là của con người ở nhân gian, vốn luôn lẫn lộn và bối rối. Nhưng ai còn ở nhân gian này hẳn đều sẽ mang theo sự lẫn lộn đó. Nhưng quan trọng là Ngộ, là nỗ lực thay đổi nó, vì thế, từ bỏ nó, xả bỏ nó, bài trừ nó. Để làm thế, cần một tâm ý tu luyện chân chính, quyết liệt.
Vì bạn ơi, nếu đời sống này không tận hiến cho luyện thân, luyện tinh thần liệu sẽ còn ý nghĩa nào khả dĩ?
Bạn thân mến!
Tôi muốn trả lời mấy câu hỏi của bạn liên quan đến bản dịch „Thiên nhiên và thế giới bên kia” - Hamvas Béla:
1/ Cuốn Scientia Sacra Hamvas Béla viết khoảng năm 1943-1945, sau cuốn Câu chuyện vô hình, lúc đó những thực hành của chủ nghĩa cộng sản ở Hung chưa "kinh nghiệm" lên ông, nên Hamvas Béla chưa viết những bài rất gay gắt như sau này, mà chủ yếu mạch nghĩ của ông vẫn là những cuốn sách cổ được trình bày với cấu kết liên tục.
2/ Trong bài „Thiên nhiên và Thế giới bên kia” Hamvas Béla muốn nói đến những vấn đề sau:
a/ sự sống chỉ được gọi là mở nếu có sự nối liền giữa 2 thế gian âm và dương, người sống và người chết.
b/ Chỉ những kẻ nhập định mới đủ "chức năng" về mọi mặt để liên hệ với thế giới người chết như một kẻ đang sống.
c/ Chỉ pradzsapati mới đủ"chức năng" này, vậy pradzsapati là ai? Là mức độ cao trong các mức độ nhập định, nghĩa là chỉ nhập định thôi chưa đủ, mà còn phải đạt đến mức độ cao. Cao như thế nào? chương tiếp theo sẽ nói rõ hơn, khoảng ít nhất là mức độ thứ ba trong bốn mức độ nhập định.
d/ H. Béla chuyển sang phân tích sự tỉnh táo âm tính và dương tính. Để làm gì? Để nhấn mạnh những điều sau: thế gian, đời trần thế (của con người) mang tính chất của người đàn bà, tính chất của vật chất, tính chất âm tính. Sự tỉnh táo âm tính (mặt trăng) giống như sự rò rẫm của người mù khi nhận thức, trái ngược với sự tính táo dương tính (mặt trời) là trực tiếp, đâm thẳng. Nhiệm vụ của pradzsapati là đồng nhất hai tính chất này khi giữ mối quan hệ của người sống với thế giới bên kia, thế giới người chết, nơi các vị tiền bối-CHA- các sức mạnh -các quyền lực -phò trợ cho thế gian con người.
e/ Hamvas Béla phân tích rất rõ các bậc tiền bối là ai? Thế giới bên kia có những gì?
f/ Hamvas Béla đặc biệt nhấn mạnh đến sự khác nhau của các đạo sĩ và phù thủy với pradzsapati trong việc liên hệ với thế giới bên kia. Đạo sĩ và phù thủy dừng lại ở tính táo âm tính (mê tín) và sử dụng nội dung của thế giới bên kia cho mục đích cá nhân của con người. Nghĩa là họ không đạt đến mức độ Thần để với đến tính chất thần của các vị tiền bối, mà chỉ đủ khả năng sử dụng ma quỷ, các loại hồn trong thế giới bên kia, vì hành động của họ mang tính chất ma thuật. Còn pradzsapati -mức độ cao của nhập định, mang tính chất phép thuật thần diệu (theurgical) khi sử dụng các sức mạnh siêu nhiên.
Và điều rất quan trọng nữa: pradzsapati làm cân bằng tính chất của thức tỉnh âm tính và dương tính.
Bạn thân mến!
Tôi đọc lại những bài của Hamvas Béla bạn đã dịch. Tuyệt. Tôi đã học được từ nó và vẫn học được từ nó. Một tinh thần tuyệt diệu. Đây không chỉ là sự phù hợp, Hamvas Béla có một mức độ thấu ngộ và trí huệ rộng lớn hơn hẳn. Tinh thần của ông cổ vũ mọi sự đi lên về tâm thức. Thật kì lạ, đọc Hamvas Béla và đọc cái văn bản tâm linh bạn vừa gửi, tôi nhận ra điều này rõ hơn, và tôi nhận ra cũng rõ như ghi chú của bạn khi bạn dịch Hamvas Béla.
Nói một cách so sánh, Hamvas Béla gần với Phật gia, còn văn bản tâm linh bạn vừa gửi gần với Đạo gia. Dù tôi cũng có thể khẳng định, đọc Hamvas Béla cần nhiều trí huệ hơn, và không hề dễ đọc chút nào cho những người mới cầm lên. Nhưng Hamvas Béla có gì đó thanh thoát hơn hẳn, ngay cả khi lời ông siêu hình và đòi hỏi sự dấn thân hơn.
Bạn thân mến!
Đời thường- Thân xác (dấu yêu ơi!-hahahaha) ta vẫn không bao giờ quên mi, vì dấu dưới vẻ trần trụi, lạc lõng của mi vẫn là nhịp đập của con tim thổn thức đêm ngày vì những niềm vui-nỗi buồn sống…
Dù:
Xác thân và tinh thần phải hòa trộn vào nhau làm một, phải nâng lẫn nhau lên mức tinh sạch, thanh khiết nhất, đúng không?
TUỔI THU
(http://www.youtube.com/watch?v=K_Z7wkP2-aU)
Xuân vừa hết, hè bắt đầu sang, vậy mà ta viết về tuổi Thu- khi lá bắt đầu ươm vàng, xoay tròn cuống, ngả theo gió tan tác muốn bay đi…
Muốn tặng một người bạn yêu dấu tuổi Thu, đang cùng đi trên một con đường không thấy tận cùng, không đoạn bắt đầu, luôn luôn đời như thể chỉ bắt đầu từ đoạn giữa, giữa con đường, giữa ngổn ngang bất an những âu lo hàng ngày trần thế, giữa ngụp lặn nổi chìm mọi âm thanh nức nở hoặc nỉ non sao thoát những nỗi đau đời người!
Từng ngày sống hiện tại của bạn chỉ còn lại là những ký ức nhân gian ngày mỗi xa vời, xa lắc. Lạ thế! những ký ức còn đọng nguyên cảm xúc nhưng hết rồi sức sống động lay chuyển cả tâm hồn rực lửa khi nao. Chỉ còn lại như âm hưởng đọng vu vơ từ tưởng tượng giấc mơ, và hình hài của nó như những cánh hoa ép trong cuốn sổ đã đen vàng mỏng dính.
Tuổi Thu muốn đưa bạn đi, đến những miền dày hơn, thẳm hơn, không khép lại như trang sách đã đọc xong, mà mở ra như bầu trời hút sâu chào đón. Té ra bạn của tôi bằng lòng đến sát giới hạn của những niềm vui ngập nắng , chỉ để mong được lẳng lặng chìm xuống biển câm của ẩn náu chẳng bến bờ.
Trong một ngày tuổi Thu xuất hiện, mọi con sông, mọi cây cầu, mọi góc phố, mọi thủ đô, mọi quốc gia đều giống hệt nhau, mọi xúc cảm tưởng chỉ ngập tràn trong những tương tư khắc khoải xa cách, nhớ mong, hy vọng thầm kín hay bày tỏ nổ tung… bỗng giống hệt nhau, chẳng ở kia, chẳng ở đây…bởi cùng lúc chúng hiện nguyên hình chỉ là cảm giác, về những giới hạn mình đều đã đi qua.
Và kìa, còn hãi kinh hơn nữa, không phải cảm giác của chúng mình đâu, chỉ là muôn vàn mùi vị đã nếm trải của những kẻ đã đi trước chúng ta lâu lắm rồi, mới hôm qua, hay triệu triệu năm về trước…
Lẳng lặng nhận ra mọi điều, khi tuổi Thu cập bến, lúc mọi thân yêu bấu víu đột nhiên chỉ còn mong manh hơi nước, nhạt nhòa vương víu, như sương chiều lan tỏa, hay nhập nhoạng đêm về…
Không buồn chút nào, bạn nhỉ? Khói thuốc mơ hồ tỏa ra từ điếu thuốc sắp tàn chỉ để giữ nụ cười cuối cùng bạn muốn giữ trên môi. Bởi vì mình đã đi hết con đường đâu, con đường vô tận?
Xác thân này hôm nay chỉ là tấm áo manh quần giữ hơi ấm chốc lát, phút giây bạn tạm dừng chân trên con đường hành hương hun hút quay trở về nhà.
Giữa con đường, dù mình tình cờ gặp nhau, mắt cùng lạc vào những bến bờ Xuân về hoa nở, Hạ dâng trái đời ngọt lịm, dù quên cất bước, chân vẫn phải đặt tới bến Thu để nhận ra cuộc hành trình còn dài lắm, hay mới chỉ bắt đầu, bạn hỡi, đến những tầng trùng điệp xa xôi, giữa Sự Sống mênh mang vĩnh hằng này?”
Bạn thân mến!
Bạn vẫn luôn dịu dàng nhỉ? và trong lòng vẫn có gì tha thiết vô cùng. Dù, đã có gì rất thanh thản và mỉm cười trong từng lời. Nhưng vẫn rất đăm đắm. Đẹp lắm bạn. Một điều gì trong lành và thuần khiết hơn đang chảy trong bạn. Thậm chí bạn bắt đầu đứng bên cạnh những cảm xúc của mình, vừa nhẹ nhàng vừa nghiêng mình nghe ngóng. Nhưng không bao giờ còn là mê mệt theo những cảm giác nữa… Bạn đang tái sinh?
Nhưng cảm xúc dễ nuốt người ta lắm đấy nhé.
Hehehehehe…
Bạn thân mến!
Tình trong cõi trần chỉ làm con người đau bởi các giới hạn, nhưng vượt cao hơn cõi trần rồi, cũng chẳng có lý do gì phải trở thành trần trụi, khô cứng, thẳng đơ. Vỏ cây dù sần sùi dữ tợn đến mấy, hãy bóc ra mà xem, thân cây ứa nhựa như nước mắt ứa (ai biết nước mắt buồn hay vui?).
Ngay từ bé, tôi đã thích đi bóc vỏ cây xà cừ dọc những con phố, để nước mắt cây đóng cứng thành nhựa, long lanh đọng giữa lòng bàn tay...
Thêm điều này nữa: tôi là một đứa con gái Hà nội. Chất Hà nội sâu thẳm là sự dịu dàng (như giọng nói ấy). Vì cớ gì chúng ta phải đổi thay?
Nhớ: con người khi đã vượt lên khỏi giới hạn của ĐAU trần gian, không thể quay về rơi xuống lần nữa, chất dịu dàng này dành cho NHAU, chỉ là thoảng bao bọc ấm áp muốn xẻ chia của giải thoát, con người ơi...
Vì cớ gì ta phải...vứt bỏ đi, sự dịu dàng của đời sống?
Bạn thân mến!
Nhân gian-nhân gian-nhân gian…
KHÔNG BIẾT NỮA
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=bbBw9UzrYOU
Buổi sáng thức dậy, anh phát hiện ra một vài ngọn núi đã biến mất trong sương mù, có gì lặng lẽ rất đau buồn ở lại. Anh nhớ những bước chân hằn lên núi tuyết, chỉ đọng lại khổ đau và nước mắt. Con người phải quay trở xuống núi bằng chính bước chân của mình, những bước chân lạnh buốt trong hình hài băng tuyết, nhiều chỗ đã phai mờ. Những kẻ đến và đi không chỉ lãng quên mình, mà con lãng quên những bước chân.
Thực ra anh biết rõ thời khắc có gì đó tan biến trong không gian này, có điều anh, vẫn như thường lệ, phải cố gắng bất ngờ vào buổi sáng, khi đâu đó những ảo cảnh tan biến đi, nhường chỗ cho vắng lặng. Ban đầu anh hay thở dài, cười cợt. Sau đó anh không biết làm gì khác, có khi bối rối. Rồi anh quen, và anh thờ ơ với cả điều anh biết nghĩ.
Có thể ngày kia, anh sẽ thấy rằng cả anh cũng chỉ là một tàn sương còn u uất, nhưng có gì thay đổi đâu em. Nếu những ngọn núi và bầu trời này đều hóa thành tan biến, và đều tan biến để trở thành điều gì khác, thì anh sẽ nên nghĩ nhớ gì?
Nhưng anh hứa với em, khi nào mặt trời tắt lịm, anh sẽ đi tìm con đường từng có dấu chân cay nghiệt, vội vã đi tìm một nhân gian, vô tình rơi xuống nơi nào đó dưới kia, cuối cùng chỉ còn là một giấc mơ đâu đó. Đừng vội vàng gì nhé. Đừng vội vàng.
Biết đâu anh cũng đang tan biến đi…
Bạn thân mến!
Dậy sớm vào lúc 4h sáng, bước ra ban công, ngắm những cây dẻ dại cao sừng sững lá xum xuê, bầu trời màu ghi tư lự, tất cả đang rất yên tĩnh, gần như phẳng lặng, như một tờ giấy trải, bỗng một âm thanh rì rào đâu đó nổi lên... lắng nghe và phát hiện ra gió, gió dồn rặng thông phía xa xa bắt đầu lắc lư, hình như gió về để đuổi mây bay đi, muốn lộ ra một khoảng trời trong trẻo hơn, đầm ấm hơn với hồng hào tia nắng nhú...
Đẹp vô cùng. Có thể sánh với một nỗi lòng êm ả đã thức tỉnh và duy trì sự tỉnh táo. Đừng nghĩ rằng hệ quả của việc thức tỉnh là vứt bỏ, từ bỏ. Từ bỏ cái gì chứ?
Xác thân không là vật chất ư? Ta là linh hồn- nhưng gắn bó với xác thân- và các sự vật, sự việc cũng không rời ta nửa bước.
Tôi hiểu sự"vứt bỏ" trong nghĩa thức tỉnh như sau: nâng toàn bộ sự hiện hữu này lên một tầng cao hơn nhận thức ta đã từng có về nó, nghĩa là trong khi nhận ra nó (vật chất) không chi phối ta đến mức tuyệt đối nữa, thì đồng thời nhận ra toàn bộ mối liên quan của ta với nó từ trước tới nay. Một cách hết sức dản dị, tất nhiên, thậm chí nhẹ nhõm nữa.
Ví dụ nhé: tại sao đến tận ngày hôm nay mình vẫn mê rock, metal? vì nghe nó trong trẻo quá, dồn dập và ấm áp như nhịp tim lúc say mê làm một việc gì đấy hết lòng. Trong sự"rối loạn hỗn độn" của âm thanh rock là cả một bề dày của trí tưởng tượng, sự mơ màng, tình yêu với hết thảy cái gì đẹp đẽ, giống như nụ cười rạng rỡ của con người bừng sáng trên khuôn mặt lúc đến với những hạnh phúc trần gian. Hạnh phúc trần gian- cái gì vậy? sự sáng tạo theo trí tưởng tượng của con người về những gì họ mong ước.
Ngày hôm nay, trí tuệ đưa mình đi trên con đường thức tỉnh, mình sẽ càng biết thưởng thức hơn sự sáng tạo này, theo nghĩa luôn luôn biết nâng bản thân mình lên cao hơn sự ràng buộc, đấy chính là sự từ bỏ rồi.
Giờ đây "tốc độ" chóng mặt của âm thanh rock không đưa mình đến đam mê điên loạn mà làm cho mình nhận ra, mình ưa thích tốc độ này, chỉ tốc độ này đáp ứng khát vọng "bay lên" cũng như "chùng xuống" mãnh liệt của mình. Không chỉ khát vọng đâu, tôi và bạn đang sống đúng như thế: hiện thực hóa cái tư tưởng mình đang theo, một đời sống trong sạch nhất.
Bạn hãy nghe bản rock tuyệt vời này của một tác giả trẻ Hungary (lưu vong) nhé, hình như chỉ trong thời đại” vong thân” này con người mới có một bề dày tâm hồn đến thế…
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=UvGRXRW7OtA
Bạn thân mến!
Có lẽ thời-không của môi trường của bạn duy trì một sự thanh sạch tương đương từ hơi thở đến ánh mắt. Ở đây tôi ngày ngày đi lại trên những con đường bắt đầu toàn mùi xe rác, mùi người, khói, bụi. Ngay cả khi tôi vô cảm với những thứ ấy thì thân thể tôi vẫn cứ phải đối mặt với nó. Không phải nó làm tôi mất đi sự thanh thản, mà nó làm tôi phải đặt thân-tâm-trí của mình trong những tiến trình chuyển hóa cho cả mình lẫn người khác thường trực. Không có sự ngơi nghỉ cả trong mơ. Nhưng chưa bao giờ ám ảnh. Hahahaha…
Cuộc sống phải tinh tấn, mạnh mẽ, lý trí, thấm sâu Pháp lý, cố gắng nhận ra mình từ những điều vi quan nhất đến lớn lao nhất là cuộc sống đáng sống nhất của tôi, bạn biết mà. Những việc khác vẫn có tác động đến tôi, đôi khi vẫn làm tôi vui buồn giận ghét... nhưng không phải ý nghĩa chân chính của tôi. Phân biệt cảm nhận và hạnh phúc với nhân gian trong tôi vẫn đầy rẫy, nhưng tôi đang vắt cho mình trong sạch từng ngày. Và còn phải làm thế đến khi tắt thở bạn ơi.
Tôi không yêu cũng không ghét cuộc sống này, đôi lúc tôi ghê tởm nó, đôi lúc mỉm cười với nó. Tôi không vì nó mà mệt mỏi hay thoải mái, vì tôi biết chắc chắn từ trong tôi mọi sự chuyển hóa đều cần vô can với nó.
Tôi cũng mê nhạc Metal suốt một thời. Giờ nghe lại vẫn chấn động. Nó dữ dội quá làm nhịp tim người ta bị biến động theo. Clip bạn gửi tuyệt, dù lâu rồi tôi đã cố gắng ước chế thói quen nghe nhạc rock. Thật là một”sức mạnh ma quỷ”…Hahahahaha…
Bạn hãy đọc bài viết này của tôi:
KHÔNG GIAN SỐNG CỦA THẦN (Phần I.)
1. Bản chất của nhà ở là sự mở rộng thế giới của con người, đúng hơn, mở rộng con người, một thứ kết giới tạm thời được vật chất hóa hoặc, là vật liệu được nhân-hóa. Ngay cả hang động của người tiền sử cũng ở trong trường nghĩa này: nơi-ở, nghĩa là nơi con người lựa chọn đặt định sự sống của mình. Việc xây dựng bằng sức-người những công trình cư ngụ đã loan báo một thông điệp mới cho nhân loại: con người, bằng công sức và tâm ý, có thể tạo lập được được một không gian mang cá tính. Nhà ở ban đầu, dù dưới hình thức nào, trực tiếp là một nhân-thể được vật chất hóa: nó không có tự tính riêng, ít nhất, không có mưu đồ mang lấy một mục đích độc lập cho sự tồn tại của mình. Nó được nhân lực tạo ra, do đó, phục vụ nhân thể, nghĩa là nó tương tác với nhân thể một cách tự-nhiên. Con người thời cổ hẳn phải thấy căn nhà thuộc về họ, truyền thống này được lưu giữ ở mọi nơi, khi con người tìm cách vạch lên không gian tồn tại những dấu hiệu riêng, bằng tranh vẽ, sự trang trí, bằng những nghi lễ đời sống diễn ra quanh không gian sống của nó.
Nhưng sự lưu truyền này không nguyên vẹn, vì con người hiện đại biết rõ rằng nhà ở thuộc về họ với tư cách một tài sản, hơn là thân thể của họ. Vì thế con người hiện đại định giá tài sản này, xây dựng nó bằng những tiêu chuẩn và đặt định nội tạng của căn nhà bằng những thứ đảm bảo cho sự tồn tại của mình với tư cách một thành viên xã hội. Cũng vì thế, con người hiện đại chịu đựng những không gian, đến nỗi nó phải tìm cách thay đổi những không gian này, ngày này qua ngày khác, và nó thấy rằng việc đi ra khỏi những không gian tồn tại cá nhân đem lại sự sống hơn là trở về đó. Hiện thực ấy đánh dấu một chứng tâm thần thường trực. Benjamin gọi tên những kẻ mang bệnh này là "lãng khách, những kẻ lang thang". Nên gọi thế này: những kẻ bị nguyền rủa.
2. Con người thời cổ còn giữ được một xác tín này: nó cảm giác được cuộc sống Thần Thánh còn lảng vảng đâu đó trong tâm trí, bởi vậy nó xây dựng và kiến tạo mọi mặt của đời sống, cả nhà ở và dụng cụ, như một cách hiện thực hóa nỗi ám ảnh tổ tông - chí ít, nó tìm thấy trong sự tạo lập đó một dấu ấn của Thượng Đế. Mọi sự tạo-lập của Thượng Đế là không thể trao đổi, đúng hơn, không thể định giá. Nhưng nỗi ám ảnh được hiện thực hóa mang tính cách của ngộ nhận, đây là bi kịch của con người, vì thế không thể là sự tìm lại cội nguồn, mà buộc phải tha hóa đi, trở thành tư hữu, cũng vì thế, trở thành tranh đoạt. Con người đối diện với của cải thế gian, từng bước, bắt đầu như đối diện với một sự thể bên ngoài mình, trong khi vẫn từ chính mình. Sự chia tách giữa đời sống của Thần và đời sống phàm tục đó, thông qua trung gian của sự ngộ nhận và ám ảnh, hoặc sự mê muội, không đếm xỉa đến triết lý và văn hóa.
Thời hiện đại đã bắt đầu từ xa xưa với sự chuẩn hóa, sự đồng bộ, những khuôn mẫu, khởi nguồn từ định kiến, từ dư luận, thậm chí, cũng có nghĩa từ văn hóa. Con người lần lượt trải qua những quá trình đồng bộ hóa, chuẩn hóa này: công cụ lao động, hay nhân thể được vật hóa; lời hay ngôn ngữ cộng đồng; Đạo đức thế gian hay thiết chế gia đình, nhà nước và tôn giáo; và cuối cùng, khoa học, hay đời sống được sản xuất hàng loạt. Không thể có nhà nước toàn trị nếu không có khoa học, theo ý nghĩa này: khoa học chuẩn hóa toàn bộ lý trí của con người, nó đo đếm và phân loại con người, nó định hướng con người - nói chung, đặt định mọi giới hạn của đời sống. Con người hiện đại bối rối trước điều này, nó đi tìm sự tự do ở khắp nơi: tự do trong lao động hay sự rong chơi hoặc sự lười biếng; tự do trong đạo đức nhân gian bằng nghệ thuật, dân chủ hóa và cá nhân hóa; tự do trong khoa học hay quyền phát ngôn và đối thoại. Trong thời hiện đại, những điều này trộn lẫn với nhau: tự do, cá nhân, dân chủ, nghệ thuật, bao hàm trong đó cả những mầm mống bất thiện của xã hội hiện đại. Tất cả là một phản ứng mơ hồ: cái trói buộc con người không phải là từng hạng mục ở nhân gian, mà là toàn bộ nhân gian, kể cả những ước mơ tự do thuần khiết nhất. Vì tất cả đều sẵn là những nguyên liệu của bến mê, tất cả là những lời hứa hão của hiện thực, được ủng hộ bằng mọi công cụ của đời sống hiện đại - nó cho người ta mơ ước và sự dấn thân vào việc thực thi những đạo lý cả tốt và xấu của nhân gian - một dạng tồn tại khác của nhân gian hay pháp lý nhân gian.
3. Con người nhân gian, vì thế, sống trong một lý trí dối lừa to lớn: nó không thể hiểu nổi tại sao lý trí của nó chỉ là sự phân mảnh của một lý trí lớn hơn bao trùm và điều động nó. Con người nhân gian chỉ có thể suy nghĩ trong một lý trí toàn thể tự vận động như Bohm đã thấy. Đây cũng là bí mật của thời hiện đại: không phải một mảnh đời sống cá nhân thuộc về cá nhân, tất cả đều là trạng thái của cái toàn thể được diễn hóa ở các bộ phận. Nhà ở và những công trình cư ngụ cũng vậy, thực chất, từ lâu, nhà ở của con người đã biến mất: toàn bộ không gian đô thị là nhà ở mới của con người đô thị. Đó là lý do con người hiện đại lang thang, vì nó khủng hoảng trong một không của riêng nó, đây không phải là sự khủng hoảng của tâm trạng xã hội: vì con người tìm ra xã hội để hòa nhập, để lấp đầy cái nội tại đang tranh đoạt nhau sự sống giữa phần Thần và cái phàm tục - thực chất, con người đang đi ra những mạch máu của xã hội, những dòng chảy của bến mê, để tiếp thêm sinh lực cho cái phàm tục. Vì thế, trong thời hiện đại, không những bệnh tâm thần được tạo ra cho con người nghiễm nhiên hành xử, mà những hình thức thỏa mãn bệnh tâm thần cũng được cung cấp ở mọi mức độ. Dù chống lại hay tuân theo thì con người nhân gian vẫn đi lại trong căn nhà khổng lồ của mình, giờ đã trở nên không thể nắm bắt và vượt xa nhân thể của mình.
Chính vì thế, nguyên tắc của kiến trúc hiện đại là: nắm bắt con người, khiến con người ngấu nghiến những hình ảnh về kiến trúc, bị hình ảnh thông qua mắt thu hút và ấn định. Nói rõ hơn, kiến trúc hiện đại, cũng như đô thị hiện đại, lấy con người làm nhiên liệu cho sự vận hành của nó. Sự chuẩn hóa không gian tồn tại đã tiến thêm một bước tiến hóa như thế: nó tỏ ra tự do, nó mang lấy những hình thức của nghệ thuật, nó đạt đến những ngưỡng phi thường của sự phá-cách. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, theo quy chuẩn hay theo sự nổi loạn, thì không gian cần con người lưu động trong nó - có nghĩa là, không gian hiện đại và kiến trúc hiện đại bắt đầu mang lấy một mục đích tự thân - mục đích này bắt nguồn từ sự phàm tục được tách rời khỏi con người, từ nỗi ám ảnh Thượng Đế bị tha hóa, từ bến mê đang bành trướng trên mọi phương diện, từ sự bất thiện đã tách rời hoàn toàn khỏi cái thiện để thực sự trở thành cái đối lập và loại trừ cái Thiện. Không gian hiện đại, vì thế, không phải là nhân thể, không bắt nguồn từ nhân thể, không thuộc về con người, mà thuộc về cái chống lại con người. Đúng thế, và vì thế, con người hiện đại khi chấp nhận không gian này, hay thực tại này, nó chấp nhận chống lại giống loài và bản thân mình. Nó chấp nhận cái Ác và chấp nhận sự thủ tiêu tinh thần chân chính của mình. Đây là cội nguồn của chứng tự kỷ, trầm cảm, suy cảm, của sự cô đơn và lạc lõng dưới mọi hình thức.
4. Trong các không gian cổ, sự phục sinh tinh thần cổ và tái tạo đời sống của Thần được tôn trọng. Mọi chi tiết của không gian đều chú ý đến cách thức mà con người lưu chuyển trong đó, ánh mắt, lời nói, âm thanh, không khí, độ ẩm... Phương thức định dạng cho một không gian được lưu lại trong những tri thức thần học đứt rời được phương Đông gọi dưới tên Phong Thủy. Phong Thủy, do đó, hiểu theo nghĩa đúng nhất của nó, là sự điều chỉnh không gian vì nhân thể, và bản chất là vì sự sống con người, đúng hơn nữa, là vì tinh thần con người. Các không gian cổ gắn liền với nghi lễ cổ, nó không đặt ra sự tiện dụng hoặc những hình thái nghệ thuật, nó chỉ đặt ra sự mô phỏng lại đời sống của Thần và tinh thần cộng đồng. Ngay cả khi sự mô phỏng này là sự thoái hóa của Thần bằng hiểu biết của con người, đây là bi kịch sẵn có của tôn giáo, thì nó cũng cho phép con người nhân gian hiểu được rằng bản chất của không gian tồn tại là đặc tính của con người, là vì sự nâng cao những phẩm chất tinh thần của con người mà được tạo dựng nên. Đây là ý nghĩa nguyên thủy của tu-viện: nơi phục hồi đời sống của Thần.
Con người hoang dã biết rằng không gian sống của nó thuộc về nó, sự hiểu biết này không thoái hóa thành lời, nó tập trung nhau lại trong những không gian cộng đồng và lưu truyền tinh thần của Thần mà nó biết. Vì tinh thần này tràn khắp nơi, nó không cần diễn đạt thành lời, nó hành xử như Thần: nhảy múa, hòa nhập, tạo lập. Con người thời cổ biết rằng đời sống thực sự không nằm ở đây, nó lưu truyền những không gian sống tách rời khỏi nhân gian. Sự lưu truyền này khi thoái hóa đã để lại những hình ảnh lệch lạc bằng tôn giáo, nhưng ý nghĩa và tinh thần của nó đã không bao giờ mất đi.
Ý nghĩa duy nhất đúng của không gian sống, của kiến trúc và nhà ở, ý nghĩa đích thực và thẳm sâu nhất còn lại từ truyền thống cổ là: con người cần sống để phục hồi phẩm chất của Thần, do đó trước hết nó cần một không gian để cải tạo tinh thần của mình, không gian này không chỉ là chỗ trú ngụ, mà là nơi diễn ra sự sống của Thần, là kết giới của tinh thần đang được nâng lên khỏi đời sống. Bởi vậy, một kiến trúc sư phải phục hồi trước tiên là tư cách Thần Thánh của kẻ tạo lập nên những không gian, kẻ tạo lập nên những khoảng tồn tại của tinh thần Thần Thánh, nó phải ý thức được điều này. Sau đó, sứ mệnh của nó là: tái tạo không gian của Thần.
Hay, tái tạo đời sống của Thần bằng không gian.
Bạn thân mến!
Một bài viết tuyệt vời! tôi mong chóng được đọc phần II. tiếp theo của nó.
Con người giờ đây không có nhiệm vụ nào khác ngoài: tìm lại bản chất Thần của chính mình, đã bị lu mờ, bị đánh mất quá lâu rồi, đúng không bạn hỡi?
Nguyễn Hồng Nhung
( Budapest. 2013. június 13.)