Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.139.896
 
Báo Việt thời nối mạng toàn cầu
Lê Hải*

 

 

Chừng một chục năm trước thế giới từng ồn ào cảnh báo rằng báo giấy sẽ diệt vong vì báo mạng bành trướng. Đến London hôm nay du khách sẽ gặp trên phương tiện công cộng hầu như ai cũng có iPad hoặc tablet hoặc smartphone để truy cập vào mạng đọc báo bất cứ lúc nào. Thế nhưng hai tờ báo giấy Metro vào buổi sáng và Evening Standard vào buổi chiều mới là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu cho cư dân thành phố này - một trong số những trung tâm của thế giới. Metro tiếp tục tăng bản và lan tỏa dọc theo đường xe lửa đến các thành phố lớn ở khắp nước Anh, là tấm gương thành công của một tờ báo non trẻ nhưng biết nắm bắt cơ hội để tự khẳng định và phát triển. Evening Standard là tờ báo lâu đời ở thủ đô, thì thể hiện bài học kinh nghiêm trong việc biết chuyển đổi từ báo bán sang báo miễn phí để cùng tồn tại và sau đó hạ gục đối thủ là một tờ tin chiều miễn phí. Thành công của hai tờ báo này song hành cùng thiệt hại của nhiều tờ báo khác, và cũng có những tờ báo như The Sun nhờ tìm được phân khúc thị trường riêng mà không bị ảnh hưởng gì mấy. Nhìn lại ta thấy khi radio và truyền hình ra đời cũng đã từng có những lời cảnh báo rằng sẽ không còn ai đọc tin tức trên báo nữa, nhưng cuối cùng lại có rất nhiều tờ báo bán được bộn tiền nhờ chỉ cần in lịch phát các chương trình TV và giới thiệu tóm tắt các phim sắp chiếu.

 

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của báo chí, ta thấy chữ Press trong tiếng Anh khởi đầu là nhà in, tức là nơi các chú “nhật trình” sáng sáng vào tòa đại hình nghe chuyện rồi chiều về sửa soạn sắp chữ để chập tối in bản tin cho ngày hôm sau. Ngày xưa tất cả các tòa soạn báo của London tập trung hết vào con đường Fleet Street, nơi có một dãy xưởng in nằm ngay cạnh tòa án hoàng gia. Thế hệ nhà báo đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Nguyễn Văn Vĩnh cũng bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu tư nhập máy in về Hà Nội. Nhà văn Kim Dung nổi tiếng với các bộ truyện kiếm hiệp làm say mê bao thế hệ người Việt khởi đầu là nhà báo tường thuật chuyện tòa án cho trang nhất, bình luận thời sự cho trang trong, và viết truyện chương hồi lấp chỗ trống bên cạnh quảng cáo cho trang cuối. Nhà văn Tô Hoài thời làm báo Cứu Quốc để lại tác phẩm kinh điển Vợ chồng A Phủ. Nước Anh có nhân vật nổi tiếng trong ngành truyền thông nước Anh là Greg Dyke - từng làm tổng giám đốc đài BBC, hiệu trưởng đại học York, và trước đó là một loạt các đài truyền hình tư nhân như Chanel 5 và nhất là LWT (London Weekend Television) và TV-am. Với ông, nguyên tắc thành công cho một cơ quan truyền thông là nội dung cần đạt được tỷ lệ vàng cho bộ ba: thông tin (information), giải trí (entertainment), và giáo dục (education).

 

Nhìn rộng ra ta sẽ thấy chữ truyền thông dịch từ tiếng Anh là Media, có gốc tiếng Latin là số nhiều của medium, tức là kênh dẫn, có thể là giữa người với người, hay giữa người với thế giới của các linh hồn, hay là hệ thống cấp thoát nước cho một tòa nhà như trong tiếng Ba Lan, hoặc là phương tiện giao thông công cộng như trong tiếng Anh, trước khi bị hiểu một cách phổ biến như là hệ thống báo chí truyền thanh truyền hình và báo mạng như hiện nay. Thực ra ở trường đại học người ta sử dụng một khái niệm chính xác hơn để mô tả ngành này là “thông tin đại chúng” (mass communication), tức là phương tiện để chuyển thông tin đến nhiều người cùng lúc. Tùy thuộc theo mỗi hệ thống chính trị và văn hóa ở mỗi quốc gia, cũng như tiêu chí hoạt động của mỗi tờ báo (nói chung cho báo hình – TV, báo nói – radio, và báo mạng – online, bên cạnh báo in – press) mà tòa soạn – ban biên tập được tổ chức đặc thù để phục vụ mục tiêu chuyển tải riêng. Nguyên bộ trưởng truyền thông Ba Lan là GS Tomasz Goban-Klas từng hệ thống hóa tất cả các mô hình hoạt động kiểu như vậy, từ thời người ta dùng trống tam-tam để truyền tin (kiểu như trống canh hay ngựa trạm ở Việt Nam) cho đến thời báo mạng. Theo mô hình cổ điển, tin tức được truyền từ người phát tin đến người nhận tin, và mỗi tờ báo đại diện cho tiếng nói của một nhóm người, phát biểu đến đại chúng còn lại trong xã hội. Nền báo chí cách mạng của Việt Nam được hình thành và phát triển theo mô hình này, với tiếng nói ban đầu đại diện cho các đảng viên cộng sản như tờ Tiền Phong của GS Trần Văn Giàu, hay nay có tờ Nhân Dân là tiếng nói của TW Đảng cùng các tờ báo của đảng bộ địa phương, bên cạnh tiếng nói của các hội nhà văn, hội thanh niên, mặt trận tổ quốc v.v. và đoàn TNCS như trường hợp báo Tuổi Trẻ.

 

Trong thế giới đa cực, khi mâu thuẫn không còn là đối kháng phải triệt tiêu lẫn nhau thì tờ báo phải gánh thêm trách nhiệm làm người hòa giải giữa các nhóm lợi ích, trở thành không gian xây dựng mối đồng thuận cho xã hội. Cố GS Rogers Silverstone từ Học viện kinh tế chính trị London (LSE) đã phát triển tư tưởng Mác để chỉ ra thêm một qui luật cho sự thành công của một tờ báo, là phải biết giữ khoảng cách đạo đức (moral distance) phù hợp đối với từng nhóm người trong xã hội. Đây chính là khả năng biết xác định vị trí truyền thông (media) và hoàn thành vai trò làm của người đưa tin, không bị nhầm lẫn giữa quyền lực thứ tư mà mình đang có với ba quyền lực truyền thống đã hình thành từ trước trong xã hội. Hệ tư tưởng Mác-xít hiện chiếm vai trò chủ đạo trong các ngành học về truyền thông (media studies) ở Anh, nhờ công lao xây dựng của GS Stuart Hall. Nhìn báo chí và cả nghệ thuật như là môi trường biện chứng cho xã hội, các học trò của ông tập trung nhìn vào các tranh luận (discourse) trên không gian công (public space) này để tìm ra điểm cân bằng của xã hội, và theo dõi quĩ đạo di chuyển của các luồng tư tưởng đại diện. Cho nên, ta thấy trong làng báo thường có mục điểm báo để giúp độc giả biết được mặt bằng quan điểm ở một nước như thế nào thông qua các bài xã luận thể hiện quan điểm chính thống hoặc áp đảo trên các tờ báo lớn ở quốc gia đó. Và đây chính là thêm một chức năng của báo chí trong thời công nghiệp hóa. GS Benedict Anderson từng trình bày trong quyển sách nay đã trở thành kinh điển về một cộng đồng dân tộc do các thành viên “tưởng tượng” ra (imagined community). Khi số lượng người trong nhóm vượt quá khả năng gặp mặt hàng ngày như một quần thể làng xã thì tờ báo giữ vai trò của một “mõ làng”, giúp mọi người cùng biết chuyện gì đang xảy ra, đều đặn hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng như các ấn bản của báo và tạp chí, hay hàng giờ, hàng phút như truyền hình và đài phát thanh, mà qua đó mường tượng ra một cộng đồng dân tộc cùng sử dụng một ngôn ngữ chung mà mình là thành viên. Tờ báo khi đó phản ảnh hoạt động của cộng đồng này giống như hệ thần kinh báo về tình trạng của chân tay không chỉ cho não mà cả cho các bộ phận khác như tim và gan biết, để giúp phối hợp xây dựng một cơ thể khỏe mạnh. Báo giấy với định kỳ xuất bản đều đặn chính là người giữ nhịp và ghi lại lịch sử giúp hình thành nên bản sắc của một cộng đồng và dân tộc.

 

Trong thời đại của phim bộ Hàn Quốc luôn có diễn viên chính dẫn dắt câu chuyện, bản sắc của mỗi tờ báo cũng phụ thuộc vào việc lựa chọn các nhân vật nổi tiếng (celebrity) để tường thuật. Thời của tôi là câu chuyện vượt khó để vào đại học của Bùi Hoàng Minh, là bước đầu vào Sài Gòn lập nghiệp của Hồng Nhung, là hình ảnh nhạt nhòa kéo vali trên bờ ruộng của Thùy Trang trong Mưa Bụi - những chuyện mà thế hệ trẻ ngày nay có lẽ phải vào thư viện tìm lại các số báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật hồi đầu thập niên 1990 mới hiểu được. Ngay cả Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm và thậm chí Hồ Ngọc Hà và Cường Đô-la nay cũng chỉ là những tên tuổi của quá khứ với lớp độc giả mới, lớn lên cùng bé Xuân Mai – mà giờ cũng đã có chồng. Tuổi trẻ hôm nay được lựa chọn thần tượng bên ngoài biên giới Việt Nam, đón ca sĩ Hàn Quốc hay cầu thủ Anh Quốc sang biểu diễn, mời người anh hùng không tay chân từ Úc hay cựu lãnh đạo thế giới từ Mỹ sang nói chuyện. Độc giả của báo Tuổi Trẻ cũng không còn giới hạn ở Việt Nam mà vẫn có người mua báo đều đặn ở chợ Đồng Xuân bên Berlin thủ đô nước Đức, hay ở nhiều nơi khác có sạp báo cho người Việt ở châu Âu, Úc và Mỹ. Tờ báo trở thành cầu nối thông tin cho người nói tiếng Việt trên khắp mọi miền đất nước và từ khắp mọi nẻo đường trên thế giới, là không gian công xóa nhòa mọi khoảng cách, là dòng chảy biện chứng tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng cho xã hội, và là môi trường nuôi dưỡng và phát triển bản sắc dân tộc. Trong thời đại bùng nổ của báo chí công dân, khi mỗi người đều có điện thoại chụp ảnh và phương tiện nối mạng, thì độc giả cũng chính là tác giả, có thể tham gia từ đóng góp ý kiến trên diễn đàn cho đến viết bài tường thuật và bình luận khi có mặt ở ngay điểm nóng sự kiện. Đó chính là quĩ đạo thành công cho truyền thông đương đại, khi tòa soạn báo sẽ bớt phóng viên và tập trung vào xây dựng bộ máy biên tập viên giỏi, song song đào tạo nhiều cộng tác viên có tay nghề cao. Điều này sẽ khiến nhân viên các tòa báo lớn lo ngại vì cắt giảm nhân sự nhưng các chủ bút báo nhỏ lại khấp khởi hi vọng, vì sẽ có thêm nhiều nguồn tài nguyên mới để phát triển báo mình. Rất nhiều tờ báo trong cộng đồng người Việt ở Úc, Mỹ và châu Âu hoạt động với duy nhất một người vừa là tổng biên tập vừa là nhân viên, cho nên đây sẽ là con đường để phát triển mạng lưới truyền thông tiếng Việt trên thế giới. Đó sẽ là thời đại của bản sắc liên quốc gia – transnational identity, bước tiếp theo của làn sóng toàn cầu hóa.

 

Mà để làm được điều đó thì trước hết bản thân báo chí tiếng Việt phải tạo dựng được bản sắc riêng cho mình. Mỗi tờ báo phải có tiếng nói riêng, là kênh chuyển tải thông tin độc lập đúng như chức năng vốn có. Vai trò cách mạng trong xã hội của báo chí dễ bị hiểu sai thành nhiệm vụ phải dẫn dắt dư luận, trong khi đúng ra là khả năng biết tạo chương trình nghị sự để dư luận bàn tán (set agenda). Quyền lực thứ tư của báo chí không nên hiểu nhầm thành quyền lực chính trị lãnh đạo xã hội, hay quyền lợi phán xét phân định xã hội, mà chỉ là quyền năng khuyến khích mâu thuẫn không đối kháng tự do phát triển trong mối quan hệ biện chứng, làm động lực cho xã hội bước về phía trước. Đây chính là thách thức mới cho không chỉ báo chí Việt Nam trong thời buổi dao động cực đại toàn cầu của cơn sóng hiện đại - như cách mô tả của giáo sư mà cũng là nam tước và nguyên hiệu trưởng Học viện kinh tế chính trị London (LSE) Anthony Giddens, nhà lý luận Mác-xít hàng đầu ở Anh hiện nay.

Lê Hải*
Số lần đọc: 2018
Ngày đăng: 24.07.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vô ngôn sư - Vũ Ngọc Anh
Quan niệm của nhóm Dạ Đài và cách tân bước đầu của thơ Trần Dần - Chế Diễm Trâm
Thể tính thiền - Võ Công Liêm
Phong vị và phương ngữ miền Nam trong “Giỡn bóng chiêm bao” của Trần Phù Thế - Lâm Hảo Dũng
Phụ nữ dưới chế độ Đức Quốc Xã - Trịnh Ngọc Thìn
Tĩnh-vật/ Still-life - Nguyễn Quỳnh USA
Nhân Có Tập Văn Đưa Triết Học Vào Sáng Tác, Nhớ Lại Đặc Điểm Một Thời Kỳ (Bài viết khi đọc cuốn cảo-bút của Trần Nhựt Tân, sáng tác năm 1973, xb. Năm 1996) - Trần Văn Nam
Cảnh Cửu và sự cô đơn đến tận cùng - Nguyễn Lệ Uyên
Hoài vọng và ngu ngơ trong tác phẩm của Franz Kafka* - Võ Công Liêm
Di dân và địa lý đô thị hiện đại - Đinh Lê Na
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)