Việt Nam từ trước đến giờ luôn tự hào là một đất nước yêu thơ, đến nổi: “người người in thơ nhà nhà in thơ”, ra ngỏ gặp “nhà thơ”, đọc thơ trên bàn nhậu phải trả tiền bia...là sự thật trong giới văn nghệ sĩ giang hồ Sài Gòn. Nhưng để hiểu một bài thơ như thế nào là hay? lại không hề là chuyện đơn giản. Nhà phê bình Hoài Thanh trong quyển Thi nhân Việt Nam tự nhận không dám bình thơ Hàn Mạc Tử vì không thể hiểu được thế giới lạnh lẽo, u tối và cô độc của thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền là một trong những nhà thơ khai mạch nguồn thơ tự do thế nhưng luôn bị hiểu lầm, và không được tưởng thưởng xứng đáng với tiếng tăm mà một nhà thơ lớn đáng lẽ phải thế…
DẪN VÀO THẾ GIỚI THƠ là tác phẩm dịch-nghiên cứu của dịch giả Khổng Đức, có tham vọng giúp người đọc khám phá phần nào cái tuyệt diệu, đẹp đẽ u sầu, sâu kín của thơ và thế giới. Quyển sách là những mẫu đối thoại, những tiểu luận về thơ hết sức trí tuệ, sắc sảo của Cao Hành Kiện, J.M.Maulpoix, Edgar Morin, Vương Đức Phong… như: Ngôn ngữ của thơ, Tìm thơ ở đâu, Nơi cư trú của thơ, Sự xung động trong sáng tác, Vấn đề linh cảm hay cảm hứng trong sáng tác, Thần tứ, Cội nguồn của thi ca, Vấn đề của minh trí, Phê bình nghệ thuật…
Kính mời anh (chị) đến tham dự ra mắt sách “Dẫn vào thế giới thơ” sẽ được giới thiệu tại quán cà phê Luynh Bacardi vào lúc 9h sáng, chủ nhật ngày 04/08/2013 tại số 63B Trần Quốc Thảo (góc ngã tư Điện Biên Phủ- Trần Quốc Thảo). Giá sách: 100.000 ngàn đồng.
Một số trích dẫn trong “Dẫn vào thế giới thơ”
Làm thơ hay sống với thơ là sự kiện đốt cháy ngọn lửa nội tâm (đốt cháy ở đây là tiêu xài phung phí một phần của sự điên cuồng trong đời, nhưng có thể đó là sự minh trí (sagesse); và minh trí đúng nghĩa là có pha lẫn điên cuồng – G.Bataille
Trong tất cả hoạt động của con người, làm thơ là chân thật nhất; vì vậy con người có một thứ của cải nguy hiểm nhất là ngôn ngữ, nhưng chính điều đó lại chứng thực sự tồn tại của nó (Holderlin)
Cái làm cho nghệ thuật tồn tại là máu và nước mắt (J-P.Sartre)
Sự điên khùng của con người bắt nguồn từ sự căm ghét, hung dữ, man rợ, đui mù. Nhưng không có tình cảm hỗn độn, sự tưởng tượng vượt mức, không có sự điên khùng, thì cũng có thể không có đà xung động, sự sáng tạo, sáng kiến, tình yêu và thi ca (Edgar Morin)