Bùi Suối Hoa và Đinh Ý Nhi, hai nữ họa sĩ ở Việt Nam hiện nay mà tôi rất thích. “Nghệ thuật là một cái gì thuần khiết và mãnh liệt, bình dị và chân thật… và tôi yêu những hình thức nghệ thuật thô mộc. Nó đẹp kinh khủng.” Như Ý Nhi phát biểu. Còn Suối Hoa thì “Tôi may mắn được cha mẹ cho đi học vẽ từ nhỏ và cầm bút vẽ tôi đã yêu vẽ. Trong cuộc sống thực tế, có nhiều điều tôi không có, không đạt được. Trong tranh tôi có được nhiều hơn, vẽ là cuộc sống của tôi, là người bạn đời tuyệt diệu nhất của tôi…Tôi muốn tranh của tôi là ngọn lửa nhỏ chất chứa bao khát khao sự sống…”
Tháng Hai năm ngoái Bùi Suối Hoa qua bầy tranh tại Paris và năm nay tại Mỹ. Chị đã bầy tranh tại Alliance Française, New York, tại Dallas, Texas và tại McLean, Virginia, tháng 8, 1997.
Suối Hoa sinh năm 1957 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội 1985. Năm 1991, tranh chị được chọn in trong tuyển tập tranh đương đại Việt Nam đầu tiên do Plum Blossoms, một Gallery tại Hồng Kông, có trước Gallery Lã Vọng, nơi sau này chuyên giới thiệu tranh của các họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, và làm giá tranh của các họa sĩ lên cao. Tranh chị còn được Christie’s, nơi chuyên bán đấu giá tranh vừa bán đấu giá trong năm nay tại Singapore cùng với tranh của Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…
Tranh Suối Hoa có những mảng màu bạo, chồng chất lên nhau, xô đẩy nhau trong một đắm say sáng tạo. Không quằn quại như Soutine mà gần với Vlaminck. Quê hương miền Bắc, nơi chị sống suốt đời thơ ấu, vẫn là dấu ấn in đậm vào tâm hồn chị. Cũng có thể là cái không gian thơ mộng mà thân phụ chị đã để lại cho: Suối Hoa (là con gái út của nhà thơ Huyền Kiêu, nổi tiếng với những bài thơ như “Tương biệt dạ”, “Bốn mùa”… đã đăng trên tạp chí Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn, những năm 1940…).
Virginia, nơi vẫn có những họa sĩ ghé qua rồi đi… Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Suối Hoa là một họa sĩ chân thật. Chị đã để lại một ngọn lửa nhỏ đủ ấm cho bạn bè, cho nghệ thuật.
ĐINH CƯỜNG
_____________________
(*) Suối Hoa, triển lãm tranh sơn dầu mới vẽ tại Virginia mang chủ đề “Khoảnh khắc trong thiên nhiên,” tháng 8, 1997.
*
- Suối Hoa. Một chút về “thân thế sự nghiệp” chăng?
- Tôi tốt nghiệp ĐHMTVN 1985. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn, là họa sĩ tự do.
- Do đâu chị đến Paris năm ngoái, và năm nay ở Mỹ. Chị có thể nói qua về hai chuyến đi và nhận xét qua về hai nơi mà chị đã đến, đã sinh hoạt.
- Năm ngoái tôi đến Paris triển lãm tranh theo lời mời của Trung Tâm Văn Hóa Pháp – Việt tháng 2, 1996.
Và năm nay tôi đến Mỹ triển lãm theo lời mời của French Institute Alliance Française tại New York vào tháng 3, 1997.
Lần đầu tiên đến Paris, tôi đã thực sự xúc động. Được đứng trong dòng người xếp hàng vào bảo tàng Louvre, được tận mắt nhìn thấy những bức tranh của các danh họa bậc thầy thế giới, với tôi đó là một hạnh phúc lớn lao.
Đến New York, choáng ngợp trong những ngôi nhà cao tầng, và trong dòng người qua lại tấp nập, một sức sống thật mãnh liệt, trẻ trung, thu hút… Cuộc sống nơi đây quá khác biệt mảnh đất nơi tôi đang sống.
- Ở Việt Nam, tôi chú ý đến Đinh Ý Nhi, nữ họa sĩ, còn trẻ, tranh Đinh ý Nhi đã chọn cái hình thức “mãnh liệt, bình dị và chân thật”, tôi rất thích người họa sĩ này. Chị có nhận xét gì, và có quen biết Đinh Ý Nhi không? Chị nói qua cho biết thêm về những nữ họa sĩ ở Việt Nam hiện nay.
- Cũng như anh, tôi rất thích tranh Ý Nhi. Tôi thích sự sống động, cái hồn người trong tranh của chị.
Tôi nghĩ, người nghệ sĩ có thể vẽ bất cứ cái gì, bất cứ bút pháp nào. Nhưng bạn chỉ thực sự thành công khi tìm ra cái riêng của mình.
- Chị thường nói “Vẽ là sự sống của tôi, và giờ đây như một nông dân tôi có thể nói rằng : Khi anh gieo cái gì, anh sẽ gặt đúng cái ấy.”
Chị đã gieo và gặt đúng cái mình hài lòng chưa?
- Cái tôi quan tâm nhất trong sự nghiệp của tôi, trong những bức tranh của tôi là phần linh hồn, phần người trong mỗi bức tranh. Trong tranh phải có sự sống, phải có tình người, phải có nhân bản, tôi sợ sự lạnh lẽo, vô hồn, vô cảm.
Nghệ thuật thức tỉnh con người, đem đến cho con người tình yêu cuộc sống.
Có lẽ, tôi đã có được phần nào, những gì tôi muốn.
- Chị kể qua về nhà thơ Huyền Kiêu, thân phụ của chị, mà tôi tin rằng cái tên Suối Hoa do ông cụ đặt, có một định mệnh: Chị vẽ như Suối Hoa…
- Hội họa là niềm say mê lớn của bố tôi khi ông còn trẻ, do thời cuộc loạn ly, ông không thực hiện được giấc mơ của mình, tôi là đứa con tinh thần của ông. Ông đã dành cho tôi tất cả.
Đi học vẽ từ năm 11 tuổi, cầm bút vẽ, tôi đã yêu và vẽ ngay, và cây cọ đã không bao giờ rời tôi nữa. Vẽ là sự sống là niềm đam mê lớn nhất trong tôi. Cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
- Chị có thích họa sĩ nào và chị có ảnh hưởng ai? Bùi Xuân Phái vẽ chèo, chị cũng vẽ chèo, chị có thực sự sống với quan họ, với chèo không?
- Tôi thích Bùi Xuân Phái, Nguyễn sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, tôi được sống với không khí chèo, nghệ thuật chèo từ nhỏ. Đó là một nghệ thuật cổ truyền mà tôi yêu thích.
Tôi mong có được một nghệ thuật của riêng tôi và có dấu ấn của dân tộc tôi trong nghệ thuật thế giới bao la.
- Chị thích vẽ người thật, đời sống thật. Chị nghĩ gì về Chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật?
- Hiện thực bao giờ cũng phong phú và sâu sắc, tôi muốn qua cái hiện thực, biểu hiện cái tâm, cái khát vọng sống của con người… Nhiều khi rất nhỏ nhoi, bình dị nhưng thực là lớn lao.
Con người trong cuộc sống đời thường, và con người trong thế giới rộng lớn, mênh mông. Đó là điều tôi quan tâm.
- Nghê thuật, văn chương là trừu tượng rồi, nói về hội họa trừu tượng e thừa, nhưng chị cũng kể qua kinh nghiệm về trừu tượng của chị, tôi rất thích tranh vẽ khổ nhỏ trừu tượng của chị.
- Trừu tượng chính là thế giới rộng lớn mênh mông mà người nghệ sĩ đắm mình trong đó, mặc sức tưởng tượng, mặc sức phá phách, tha hồ sáng tạo như người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, mỗi người tìm ra một sự thăng bằng riêng. Nghệ thuật riêng, con đường riêng.
- Chị làm việc như thế nào?
Thấy chị say sưa sáng tác, tranh nhiều, bán nhiều, theo chị là thành công?
- Tôi dành cho công việc, tất cả khoảng thời gian mà tôi có thể.
Trong cùng một không gian, thời gian, mỗi người nghệ sĩ nhìn thấy, cảm nhận một cuộc sống khác nhau.
Điều mà tôi quan tâm nhất : sống chân thật và hãy là chính mình.
- Chị diễn tả không gian như thế nào?
- Nhiều khi chỉ là vô thức… Hội họa dẫn dắt ta đi, họa khác với văn thơ không nói bằng ngôn ngữ mà nói bằng màu sắc, hình thể.
Qua hình, màu người họa sĩ nói cái mà người ta chỉ cảm thấy.
Không gian của tôi là sự sống động, là linh hồn người, thông qua một vật cụ thể trừu tượng.
- Chất liệu sơn?
Hình như chị thường dùng màu nguyên chất.
Chị có thích trường phái dã thú (Fauvisure).
- Tôi yêu tranh Van Gogh, Chagall, Henri Rousseau … Tôi yêu sự riêng biệt của mỗi họa sĩ, họ đã cho tôi thấy một thế giới thực khác lạ, thực hấp dẫn…
Cuộc sống muôn hình, muôn vẻ, được đắm chìm trong đó vui chơi và đau khổ, đó là ý nghĩa cuộc sống.
- Chị tốt nghiệp ĐHMT Hà Nội. Chị có thích nền hội họa Nga. Đặc biệt như họa sĩ trẻ Nga sau thời Cộng sản sụp đổ?
- Hội họa Nga đã từng có những tên tuổi rất lớn. tôi đặc biệt yêu văn học Nga, những tên tuổi như L. Tolstoy, Dostoevsky, Pautopski, Pushkin … đã gắn liền với tuổi thơ đầy đam mê của tôi.
Về họa sĩ trẻ Nga, chúng tôi được biết rất ít tư liệu.
- Chị có lưu tâm về chính trị, âm nhạc, văn chương? Có đọc Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài? Thích nhạc ai? Ca sĩ nào?
- Chính trị, âm nhạc, văn chương tác động rất lớn đến cuộc đời nghệ sĩ. Thăng trầm là lẽ thường của cuộc đời.
Tôi thích văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…
Con người chỉ sống có một lần, và mỗi người có một cách lựa chọn, sử dụng thời gian của mình sao cho có ý nghĩa nhất. Tôi chọn hội họa và sống với nó.
- Qua Mỹ, có dịp đọc một số sách, báo, chị có nhận xét gì thoáng qua không?
- Tôi mong ước một cuộc sống tự do dân chủ thực sự, trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.
Chỉ có trong tự do con người mới có thể phát triển hết khả năng tiềm tàng của mình, khả năng vô cùng vô tận…
Nước Mỹ cho tôi thấy một năng lực lớn lao, phi thường, con người đã làm việc hết mình và hưởng thụ cũng vậy. Họ thực vĩ đại trong thế kỷ này.
- Ở Pháp và ở Mỹ chị được tiếp đón như thế nào? Chị có thể kể qua mỗi lần bày tranh tại Pháp, tại Mỹ…
- Hai cuộc triển lãm tại Pháp và Mỹ của tôi, đã có rất đông bạn bè Việt, Pháp, Mỹ tới dự. Có thể nói Hội họa VN còn quá mới mẻ đối với họ. Họ đã thực sự ngạc nhiên, thích thú…
Tôi mong có nhiều hơn nữa những cuộc bày tranh như vậy, để cuộc sống và con người Việt Nam được mở mang, được phát triển theo kịp thế giới đại đồng. Dù muộn màng, ít ỏi vẫn hơn là không.
- Chị từ Hà Nội vào ở hẳn Sài Gòn từ năm 1988, chị có nhận xét gì về các họa sĩ trong Nam?
- Trong quan niệm của tôi, vấn đề địa lý không mấy quan trọng. Cái quan trọng là con người cụ thể nào, nhân cách sống nào để mình quan tâm và quý trọng.
Giới hạn trong một miền, một vùng hay một đất nước là thiển cận, tự trói buộc mình, tự làm nghèo đi thế giới tinh thần của mình.
Mảnh đất miền Nam, nơi tôi đang sống với cái khoáng đạt, nồng nhiệt của mình, đã cho tôi rất nhiều trong cuộc sống.
- Hình như chị còn trẻ, chị nói gì thêm…
- Tháng 11, 1997, sẽ có một cuộc triển lãm Hội họa của các họa sĩ tại Việt Nam tại bảo tàng Meridian, Washington DC, trong ba tháng và tại một số bảo tàng khác khắp nước Mỹ trong suốt hai năm, tôi được mời tham gia ba bức. Đó sẽ là một sự kiện lớn, sự mở mang lớn cho nền hội họa Việt Nam đi vào thế giới.
Ngoài ra vào tháng 6, 1998 tôi cùng hai người bạn được mời làm việc ở Trung tâm Sáng tác Quốc tế Griffis Art Center trong 6 tháng tại Connecticut.
Tôi mong muốn một ngày nào đó không xa, con người VN, đất nước VN được hòa đồng với thế giới bên ngoài, thế giới văn minh không còn quá nhiều sự cách biệt như hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Hợp Lưu số 38
(Chân thành cám ơn Đèn Biển đã giúp đánh máy)