(Dịch giả Phạm Đình Nhân là Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu LS&VHVN, hiện ở 110 Ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Năm nay bác đã trên 80 tuổi, thuộc vào lớp người "xưa nay hiếm". Hiếm vì là nhà thơ cao tuổi đã đành, nhưng hiếm nhất chính là vi bác thông hiểu Hán tự. Lớp người như bác đúng là càng ngày càng ít đi đối với đất nước chúng ta hiện nay. Vậy nên khi nhận được tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" của bác gửi tặng tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải giới thiệu càng rộng rãi càng tốt tới mọi người yêu thơ - nhất là với những người yêu thích thơ luật Đường (TLĐ), hiện đang sinh hoạt ở rất nhiều Câu lạc bộ TLĐ trên toàn quốc. Cũng là góp phần nhỏ vào việc lưu giữ cho thế hệ sau một tài liệu tham khảo cho kho tàng thơ Đường thu thập được từ trước đến nay.
Tập thơ gồm 108 bài thơ chọn dịch, chia làm hai phần.
Phần thứ nhất gồm 50 bài thơ Đường của 30 nhà thơ Trung quốc xếp theo vần A-B-C, phần thứ hai gồm 58 bài thơ chữ Hán của 36 nhà thơ Việt Nam xếp theo thời gian.
Tuy Ngọc Châu có được học 6 năm Trung văn ở trường phổ thông nhưng từ ngày ấy đến nay ít dùng, tri thức về Hán học rất hạn chế nên chỉ mong muốn được giới thiệu tới nhiều độc giả mà không dám luận bình gì về các bản dịch. Phần này xin giành cho người đọc có những phẩm bình sau khi đọc tác phẩm thơ của dịch giả Phạm Đình Nhân (mail của bác Nhân: (phdinhnhan@gmail.com ), điện thoai: 04.37221708 – 0987552467
Do dung lượng tập thơ khá dài nên mỗi lần chỉ giới thiệu từ 1 đến 2 tác giả, Ngọc Châu cũng mạn phép làm theo người xưa là góp thêm một số bản dịch của mình chỉ để cho sự cảm nhận bài thơ nguyên tác được phong phú hơn mà thôi.)
(Tiếp phần 3)
6. ĐỚI THÚC LUÂN
(732 – 789)
Đới Thúc Luân hiệu là Âu Công, quê Kim Đàn, Nhuận Châu, tỉnh Giang Tô. Làm Chủ vận tại Hồ nam, Tiết độ sứ ở Kiếm Nam, Giang Tây. Sau được phong tước Tiều Huyện nam, cử làm Thứ sử Phủ Châu, rồi được thăng làm Dong quản Tiết độ sứ, nổi tiếng về việc phủ dụ dân Mường, Mán. Về sau ông từ quan về làm đạo sĩ.
15. PHÙNG NHẬP KINH SỨ
Nguyên tác : 逢 入 京 使
故 園 東 望 路 谩 谩
雙 袖 龍 鍾 淚 不 乾
馬 上 相 逢 無 紙 筆
憑 君 傳 語 報 平 安
Phiên âm : Phùng nhập kinh sứ
Cố viên đông vọng lộ man man,
Song tụ long chung lệ bất can.
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
Bằng quân truyền ngữ báo bình an.
Dịch thơ :
Gặp sứ giả vào kinh
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Cố hương đường xá quá gian nan,
Áo ướt lệ rơi chẳng thể khoan.
Lưng ngựa gặp nhau không giấy bút,
Nhắn rằng tôi vẫn được bình an.
Thượng kinh sứ giả gặp người
Ngọc Châu
Dịch 2013
Cố hương đường xá gian nan
Lệ rơi áo ướt dám màng nghỉ ngơi
Không giấy bút lúc gặp người
Nhắn mồm, tôi vẫn ơn trời bình an
7. ĐƯỜNG MINH HOÀNG
(685 – 761)
Đường Minh Hoàng tức vua Đường Huyền Tông đời nhà Đường, tên thật là Lý Long Cơ, con thứ ba vua Đường Duệ Tông, cháu của Võ Tắc Thiên. Làm vua từ năm 713 đến năm 756 qua hai niên hiệu Khai Nguyên và Thiên Bảo. Do tin dùng Lý Lâm Phủ và sủng ái Dương Quý Phi nên đưa đến loạn An Lộc Sơn, phải dời sang đất Thục, truyền ngôi cho thái tử lên là Đường Túc Tông. Về cuối đời Minh Hoàng sống rất cô đơn vì bị cách ly với những người thân cận. Bài thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị được lưu truyền lâu dài đã nói lên cuộc tình diễm lệ của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi.
16. KINH LỖ TẾ KHỔNG TỬ NHI
THÁN CHI
Nguyên tác :魯祭孔子而歎之
夫 子 何 為 者
栖 栖 一 代 中
地 猶 鄹 氏 邑
宅 卽 鲁 王 宮
歎 鳳 嗟 身 否
傷 麟 怨 道 窮
今 看 兩 楹 奠
當 與 夢 時 同
Phiên âm :Kinh Lỗ tế Khổng tử nhi thán chi
Phu tử hà vi giả,
Thê thê nhất đại trung.
Địa do Châu thị ấp[1],
Trạch tức Lỗ Vương cung[2] .
Thán phụng[3] ta thân bĩ ,
Thương lân[4] oán đạo cùng.
Kim khan lưỡng doanh điện,
Đương dữ mộng thời đồng.
Dịch thơ :
Cảm than khi qua nước Lỗ
tế Khổng tử
Phạm Đình Nhân
Dịch 2008
Khổng tử đã làm gì,
Cả đời đi cùng khắp
Quê hương Châu thị ấp[5],
Nhà định xây Lỗ cung[6].
Phượng than[7] thân khôn cùng
Lân đau[8] đạo mất thôi.
Nay xem hai miếu điện,
Thật như chiêm bao rồi.
Ngọc Châu
Dịch 2013
Khổng Tử xưa làm những gì
Cả đời bôn trải tỉnh quê trăm miền
Quê hương Châu thị ấp quen
Lỗ cung xưa định xây trên đất nhà
Phượng thở than chẳng an hòa
Lân đau oán việc đạo ra đứng đường
Nay xem hai miếu tỏ tường
Thật mà cứ tưởng mình đương ngủ vùi.
8. GIẢ CHÍ
(718-772)
Tên tự Ấu Lâm , người Lạc Dương.
17. XUÂN TỨ
Nguyên tác : 春 思
草 色 清 清 柳 色 黄
桃 花 歷 亂 李 花 香
東 風 不 為 吹 愁 去
春 日 偏 能 惹 恨 長
Phiên âm : Xuân tứ
Thảo sắc thanh thanh liễu sắc hoàng,
Đào hoa lịch loạn, lý hoa hương,
Đông phong bất vị xuy sầu khứ,
Xuân nhật thiên năng nhạ hận trường.
Dịch thơ :
Ý xuân
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Cây cỏ xanh tươi, liễu sắc vàng
Đào hoa tơi tả, mận đưa hương.
Gió đông không thổi sầu đi khỏi,
Xuân đến càng thêm nỗi hận trường.
Ý xuân
Ngọc Châu
Dịch 2013
Liễu vàng, cây cỏ xanh xanh
Hoa đào tan tác mận dành chút hương
Gió chưa tiễn sầu lên đường
Xuân về khiến nỗi hận trường thêm sâu.
9. GIẢ ĐẢO
(793 – 865)
Giả Đảo tên chữ là Lăng Tiên, hiệu là Kiệt Thạch sơn nhân, quê ở Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc. Ông đi thi nhiều lần không đỗ. Xuất gia đi tu tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau một thời gian tu tại chùa Thanh Long ở Trường An, Giả Đảo nghe lời khuyên của Hàn Dũ, ông phá giới, mặc áo nho sinh. Ông hay làm thơ ta thán và bài bác. Vì làm thơ chỉ trích Tể tướng (năm 821, đời Đường Mục tông), nên bị giáng chức.
18. ĐỘ TANG CÀN
Nguyên tác : 渡 桑 乾
客 舍 并 州 已 十 霜
歸 心 日 夜 億 咸 陽
無 端 更 渡 桑 乾 水
卻 望 并 州 是 故 鄉
Phiên âm : Độ Tang Càn
Khách xá Tinh Châu[9] dĩ thập sương,
Qui tâm nhất dạ ức Hàm Dương[10].
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
Dịch thơ :
Qua sông Tang Càn
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006
Ở trọ Tinh Châu đã chục sương,
Hàm Dương ngày nhớ lại đêm thương.
Bỗng nhiên qua lại Tang Càn nhỉ,
Mong ước Tinh Châu là cố hương.
Tình cờ vượt sông Tang Càn
Ngọc Châu
Dịch 2013
Tinh Châu ở trọ chục năm
Hàm Dương ngày nhớ đêm nằm lại mong
Qua Tang Càn chẳng đợi trông
Tinh Châu giờ ước trong lòng cố hương
10. HÀN DŨ
(768-824)
Hàn Dũ có tên tự là Thoái Chi, sinh quán ở Nam Dương nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tổ phụ là người huyện Xương Lê, nên ông thường tự xưng là Hàn Xương Lê. Ông được xếp vào những tác gia của Trung Ðường. Mồ côi cha mẹ từ năm ba tuổi, rất thông minh, hai mươi bốn tuổi đỗ tiến sĩ. Bắt đầu bằng chức Thôi quan cho các Tiết độ sứ, rồi được thăng lên Ngự sử, rồi giữ chức Quốc tử giám Bác sĩ.
Hàn Dũ viết bài Gián nghênh Phật cốt biểu (còn gọi là Luận Phật cốt biểu) dâng lên can gián Hiến Tông, lời lẽ rất đanh thép, cứng rắn, làm cho Hiến Tông vô cùng thịnh nộ, đã định đem ông ra chém. May nhờ có nhiều người can gián ông mới thoát chết, chỉ bị đày đến Triều Châu, thuộc Quảng Tây ngày nay. Ðây cũng chính là nơi ông để lại bài Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương và bài Tế ngạc ngư văn nổi tiếng. Bài Tế ngạc ngư văn đã khiến ông được Hiến Tông phục chức cho trở lại kinh đô giữ chức Quốc tử giám Tế tửu, sau đó được thăng chức Binh bộ Thị lang.
19. TẢ THIÊN CHÍ LAM QUAN,
THỊ ĐIỆT TÔN TƯƠNG
Nguyên tác : 左 遷 至 藍 關
示 姪 蓀 孫 湘
一 封 朝 奏 九 重 天
夕 貶 潮 州 路 八 千
本 為 聖 朝 除 弊 事
感 將 衰 朽 惜 残 殘
雲 橫 秦 嶺 家 何 在
雪 擁 藍 關 馬 不 前
知 汝 遠 來 應 有 意
好 收 吾 骨 瘴 江 邊
Phiên âm : Tả thiên chí Lam Quan,
thị điệt tôn Tương
Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên,
Tịch hiếm Trào châu lộ bát thiên.
Bản vị thánh triều trừ tệ sự.
Cảm tương suy hủ tích tàn niên?
Vân hoành Tân lĩnh, gia hà tại.
Tuyết ủng Lam Quan, mã bất tiền!
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên.
Dịch thơ :
Bị đi đầy dến ải Lam Quan, nhắn gửi cháu Tương
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Sớm còn khuyên giúp vua hiền,
Chiều đầy xa xứ tới miền Triều Châu.
Vì vua ngăn nạn mọt sâu,
Thương thay thân đã mái đầu hoa râm.
Nhà đâu dưới áng mây Tần ?
Lam Quan tuyết lạnh, bước chân ngựa chùn
Từ xa, cháu nhớ cho tường,
Ven sông cố nhặt nắm xương ta về.
Đầy ải Lam Quan, nhắn cháu Tương
Ngọc Châu
Dịch 2013
Buổi sớm còn khuyên giúp chúa hiền
Triều Châu đầy ải tối qua miền
Những mong ngôi báu không sâu mọt
Cảm thán thân tàn đã lão niên
Tân Lĩnh mây chiều nhà nóc khuất
Lam Quan tuyết lạnh ngựa chân mềm
Xa xôi điệt nữ ơi, mong cháu
Lượm nắm xương tàn cõi viễn biên
[1] Châu thị ấp : quê Khổng tử nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.
[2] Xưa vua Lỗ định cho phá nhà cũ của Khồng tử để làm cung điện, nhưng khi đến nhà nghe thấy có tiếng vàng đá, tơ trúc, bèn thôi không phá nữa.
[3] Thán phụng : Con phượng than. Khổng tử có câu : “Đường Ngu chi thế hề, kim phi kỳ thời hề, lai hà cầu” (Thời Đường Ngu, lân phượng ra chơi, nay không phải thời thì đến làm chi) ngụ ý than thân lỡ vận.
[4] Thương lân : Con lân đau. Tương truyền khi Khổng tử sinh, có con lân xuất hiện. Khi đang soạn sách Xuân Thu nghe tin có người bắt được con lân què Ngài than rằng “Đạo ta cùng rồi” liền ngừng việc biên soạn sách.
[9] Tinh Châu : thành phố Thái Nguyên của Trung Quốc hiện nay.
[10] Hàm Dương : chỉ Trường An