Nhị khúc Sài Gòn
lúc nào mà Sài Gòn chả vậy
hương phố
hương người
dìu dịu thơ!
lâu lắm không về nghe động đậy
chút hương xưa...
ngày ấy dại khờ...
Bình minh em nên Sài Gòn thơm ngát
cà phê góc phố hẹn hò nhau
lá cổ thu nghiêng
chao nắng nhạt
ta nghiêng hồn chờ lụa áo
xôn xao
VŨ MIÊN THẢO
29-6-2013
(DATDUNG.com)
1.
C hỉ mới đọc qua thôi, bổng dưng tràn dậy trong tôi một nỗi mênh mang đầy âm vang. Sài Gòn…Sài Gòn. Mùi hương. Góc phố, con đường. Lá đổ…Ơi Sài Sòn. Nhưng nhan đề có chất “võ thuật” nghe khó chịu làm sao. Ngẫm lại cũng rất Sài Gòn. “Nhị Khúc Sài Gòn”…Những năm 70, tên tuổi của thần tượng Lý Tiểu Long chiếm lĩnh màn ảnh Sài Gòn với những thế võ Triệt quyền đạo hoa mắt người xem khi múa côn nhị khúc đánh kẻ mạnh, kẻ ác bảo vệ người cô thế. Đường Sơn đại huynh, Tinh Võ Môn, Mãnh Long quá giang… Mỗi lần Lý ra chiêu theo luôn kèm giọng hú hét lạ tai… Chỉ ở Tân Định – Sài Gòn (nay là TP.HCM), hai rạp cinéma Tân Định, Văn Hoa đông nghịt người mua vé, tôi và các bạn cũng chen vai vào xem. Một thời Sài Gòn xa lắc lơ, bồi hồi nhớ.
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay…
Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi
Đi lên, đi xuống đã đời du côn…(Bùi Giáng)
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…(Nguyên Sa)
Nhưng là thơ đấy. Thơ của Vũ Miên Thảo. Thực ra tôi đọc thơ của anh trên các văn đàn mạng không nhiều kể cả ở DATDUNG.com nơi anh là thành viên Ban quản trị. Mà cần chi nhiều. Giọng điệu, tứ thơ, niềm say thi ca của người thơ qua một bài, một đoạn đôi lúc một câu thơ, một hình ảnh thơ ngân lên sợi dây tình cảm ở người thưởng thức đã là thành công.
Với bài “Nhị khúc Sài Gòn”, hương Sài Gòn dậy lên từ dòng thơ đầu của khúc Một:
lúc nào Sài Gòn mà chả vậy
hương phố
hương người
dìu dịu thơ!
Vũ Miên Thảo đã chọn “một yếu tính” của Sài Gòn trãi cảm xúc cảm như đang trò chuyện, thủ thỉ tâm tình, lúc nào Sài Gòn mà chả vậy. Một thuở mà muôn thuở. Những đường phố. Lối đi. Nẻo về của Sài Gòn vẫn rợp cây xanh, bóng mát. Những Tự Do, Cường Để, Nguyễn Du, Bến Thành., Phú Nhuận, Tân Bình…Những Ngã Tư. Ngã Bảy. Ngã Năm…Phố. Người . Đẫm hương…thơ. Hôm nay Sài Gòn cao. Sài Gòn bay. Hiện đại, hoành tráng ngất ngất tầng. Vẫn còn lại nhiều, nhiều lắm những nẻo Sài Gòn mộng, Sài Gòn thơ bao lấy anh và cuốn lấy cả tôi. Ơi Sài Gòn… Một câu mà nói được nhiều đấy chứ, hương phố / hương người / dìu dịu thơ!
Chỉ một lần (nhiều lần ?) về cũng không cần rõ. Về với Sài Gòn là về với bây giờ mà nhớ xưa xa. Bất chợt lại diễm thành. Lâu lắm không về nghe động đậy / chút hương xưa…/ ngày ấy dại khờ… Thơ và tình quá đỗi.
Tôi lại lan man. Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư (Huy Cận). Ngọt ngào. Mê đắm của chút hương xưa…ngày ấy dại khờ…Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ Là hết thôi rồi chuyện trước sau…(Quang Dũng). Thưa em từ buổi xa nào/ Nhìn nhau mộng đã bước vào trong mơ...(Bùi Giáng). Làm sao mà tìm lại ngày ấy dại khờ ? Luật bất khả của thời gian thiên thu ngự trị. Buổi đầu khờ dại, đuối tình, theo tình, đắm tình… tươi roi rói làm nên chất thơ lan sang người đọc nỗi hoài mộng xa xôi. Cái ngày ấy dại khờ miên miên trường thọ. Có hủy, có đốt cháy bằng hiện thực đời nào đi nữa cũng chẳng tan. Nhà thơ Cao Xuân Sơn ở Đồng Nai đã từng làm phép thử trong bài thơ “Điên”, Ngồi buồn đốt một chồng thư/ Cái thời ngây dại tương tư hảo huyền/ Lửa tàn sực tỉnh cơn điên/ Chồng thư đốt hết còn nguyên nỗi buồn. Đốt phải cháy, cháy trụi nữa kìa, nhưng tro bụi vàng” thời ngây dại, ngày ấy vẹn nguyên” mãi mãi ngời lánh trong tâm hồn. Còn Vũ Miên Thảo ở Tây Ninh, rất lâu và bất chợt về lại Sài Gòn thì hương xưa “động đậy” ngát hương.
Động đậy, lại thêm một lần khó chịu. Thô hay là thơ ? Thử làm phép thay/ thế nào là thức dậy/ thơm dậy/ …Chịu. Đọc lần nữa, lần nữa lại thấy hợp và hay bởi sự nâng đỡ hài hòa của chút hương xưa…ngày ấy dại khờ…”động đậy” cho điệu tình bay lên. Bởi với anh, điệu say, điệu đắm, chọn và tạo từ mới cho thi ca đã là niềm mê không dứt . Ta có thể gặp:
… câu hò vắng bạn
vô thinh
dùm thương con sóng bạc tình
đẩy đưa
tìm đâu ngày ấy…
người xưa ?? (Bến muộn chiều)
… lỏng tay ôm
cuộc tình xa
mím môi luyến nhớ vỡ òa nụ hôn… (Không đề)
Những từ quen gặp vô thinh, sóng bạc tình, đẩy đưa, lỏng, vỡ òa…như giờ động đậy đã thành thơ hơn trong chuỗi xúc cảm thi sĩ, gởi gắm những tâm tình, hoài tưởng vào sản phẩm thơ của anh.
2.
Ngẫu nhiên. Tôi nghĩ là như vậy lần về lại Sài Gòn của Vũ Miên Thảo. Thời khắc nào Sài Gòn cũng đẹp, cũng xanh tươi dù chiều, cuối chiều, đêm, giữa khuya, mờ sáng. Hòn ngọc Viễn Đông mà. Ngẫu nhiên lại nồng ấm ở khúc thơ Hai.
Bình minh em nên Sài Gòn thơm ngát
Cà phê góc phố hẹn hò nhau
Khắc thời rạng hồng của buổi mai. Phố. Hàng cây. Người với ánh cười. Khuôn mặt. Tà áo. Giọt đắng café. Món ăn. Trang báo…Tươi mơ. Ngon mộng. Bởi buổi đầu ngày của Sài Gòn không khởi dậy từ bình minh thường nhật mà từ Bình minh em. Tiếng hồn thi sĩ cất lên bằng một từ em ghép vào. Và một Sài Gòn ban mai tỏa, bay lưng lơ Sài Gòn thơm ngát dẫu nơi ngồi là vĩa hè, góc phố. Gặp lại em của ngày ấy dại khờ chăng? Mơ giữa ban ngày! Gặp lại bạn hiền. Có thể. Nhưng chắc trăm phần, Vũ Miên Thảo gặp lại Sài Gòn – em…Như lão sư huynh Bùi Giáng đã từng thảng thốt:
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh
Mông lung, mơ màng quá. Nhưng đó chính là nguồn cội làm nên quyền năng vạn tuyệt của Thi Ca như cố Thi Sĩ Xuân Diệu đã từng tuyên ngôn Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…
lá cổ thu nghiêng
chao nắng nhạt
ta nghiêng hồn chờ lụa áo
xôn xao
Ta lại gặp điệu say, điệu đắm, điệu tình nhưng không chỉ riêng ở Vũ MiênThảo mà cả những ai “tự nguyện sống chết” với Nàng Thơ đều cùng điệu với “ông hoàng thơ tình” ru gió, vơ vẩn mây. Ở một góc hè phố ồn ả, náo động từng giờ, lắng mình đón đợi, chờ mong. Kỉ niệm xanh lánh rêu. Cuộc tình hoài vọng như chiếc lá cổ thu nghiêng / chao nắng nhạt . Một nỗi chờ rất thơ, rất diễm tình. Và cũng rất diễm phúc , nghiêng hồn chờ, Thật thích thú, từ lặp mà đáng giá, nghiêng. Những dòng thơ làm nổi tâm thế thi sĩ phong ba lãng tử, nghiêng hồn chờ trong một sớm tinh khôi cứ như gặp lại mình
...Sài Gòn thơ. Sài gòn tôi
Tri âm mê đắm ta ngồi bên nhau (Nguyễn Nguyên Phượng)
Những tri âm đã tùng hít thở bầu khí quyển Sài Gòn quyến rũ.
Phố thênh thang. Tàn me xanh mượt nối hàng . Nắng dịu. Gió lay phay… Một vạt tóc nào xa (Đỗ Trung Quân), một tà áo lụa Hà Đông (Nguyên Sa). Ta nghiêng hồn chờ lụa áo/ xôn xao. Ngôn ngữ thơ nào của riêng ai nhưng hồn thơ, tính mới của ngôn từ ắt phải là của riêng mình. Áo lụa Hà Đông/ lụa áo xôn xao. Chịu ảnh hưởng và dùng lại cụm từ Áo lụa (Hà Đông) của Nguyên Sa là quá rõ nhưng vẫn có nét mới ở Vũ Miên Thảo. Anh đảo từ, lụa áo xôn xao nên xúc cảm không dừng ở địa chỉ xuất xứ cụ thể của sản vật nức tiếng xứ Bắc mà nghiêng hồn trôi chìm tâm tư vào chút hương xưa…ngày ấy dại khờ…Sài Gòn hiện lên lung linh thơ và mộng.
3.
Sản phẩm thơ hoàn thành, người sáng tạo tung thả cánh chim thi ca của minh bay lượn trên thi đàn. Cánh chim ấy đậu rồi lại thoáng bay đi/ trú ngụ tạm thời/ bền chặt với thời gian trong hồn bạn đọc hay không tùy thuộc hoàn toàn vào độ cao, sâu tài và tình, bản lĩnh sáng tạo mới của người viết.
Với “Nhị Khúc Sài Gòn” của Vũ Miên Thảo, hai khổ thơ gọn đẹp một tâm tình thơ nồng điệu tình, điệu say một Sài Gòn Thơ. Sài Gòn Mộng xa vời mà thật gần gũi. Cánh chim thơ Vũ Miên Thảo sẽ có chỗ “cư trú” dài hạn trong lòng người yêu thơ. Tôi tin là như vậy. Và bổng chợt nhớ câu thơ của Vũ Hữu Định khi viết về em má đỏ môi hồng phố núi Pleiku, May mà có em đời còn dễ thương…Cuộc đời này “dễ thương” đáng yêu, Sài Gòn đáng đắm say hơn nữa khi có Sài Gòn – Bùi Giáng, Áo lụa Hà Đông – Nguyên Sa…, giờ có thêm Nhị khúc Sài Gòn – Vũ Miên Thảo được chăng?
Sài Gòn mưa, tháng 7/ 2013