- Gởi bạn học ở xóm Mả Đỏ - Phú Nhuận những năm 67- 69
- Tặng các con Đan Phượng, Anh Vũ
1.
Dòng chữ in đậm ở trang báo (Tuổi Trẻ 9/8/2013) mở đầu cho loạt bài “Lọt sàn, xuống …nghề” quả là ấn tượng. “ Ngày 8/8, Bộ GD- ĐT công bố điểm sàn kỳ thi ĐH, CĐ. Như mọi năm, sau kỳ thi tuyển sinh sẽ có khoảng ½ trong số trên dưới 1 triệu thí sinh, dừng cuộc đua vào ĐH, CĐ chính quy. Nhưng đó không phải là “cuối đường hầm”…Cuối đường hầm, nghe sao mà rợn ngợp. Không bàn về cách dùng từ của người viết ở đây, nhưng viễn cảnh tăm tối, nghẽn tắc tương lai thì hiện rõ. Điểm chuẩn (tăng từ 1-5) của nhiều trường ĐH đã chặn lối vào giảng đường ĐH, niềm ước mơ, khát khao của gần ½ triệu các chàng trai, cô gái, của ông bà, bố mẹ của bao gia đình. Thế hệ trẻ 9x hôm nay chỉ ở việc học - việc làm sao lắm gian nan…Và khiến tôi (và lớp già 4x, 5x cùng thời của thế kỷ 20) không khỏi bồi hồi nhớ những kỳ thi đã từng trãi, vượt qua.
Những kỳ thi…Vâng, những kỳ thi cuộc đời. Học hết bậc Tiểu học ở xã Phú Nhuận (Tân Bình – Gia Định), tôi thi vào lớp đệ thất (lớp Sáu bây giờ) trường công lập Võ Trường Toản. Trường dành cho học sinh nam (nữ thi và theo học trường Trưng Vương). Ở Sài Gòn lúc đó, nam nữ học riêng. Những ngôi trường công đều chia biệt như vậy. Như trường nam Chu Văn An, Trung học Pétrus Ký, trường nữ Áo tím Gia Long ( nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong , THPT Nguyễn Thị Minh Khai)… Có điều, tôi rớt oạch. Đau, buồn khỏi phải nói. Bởi năm đó, 1962, 11 tuổi tôi đã nếm hương vị cay nồng thi hỏng của nhà thơ sông Vị - Tú Xương Thi không ăn ớt thế mà cay!
Ngôi trường trung học tôi thi vào mang tên Võ Trường Toản - một nhà nhà nho, nhà giáo giàu đức độ, tài ba lỗi lạc ở miền Nam thế kỷ 18. Trường đối diện với Sở thú – Thảo Cầm Viên ngày nay. Trời mờ mờ sáng, ba đãi tôi bữa ăn sáng ở quán đầu đường do người Hoa làm chủ, món bánh mì – xíu mại. Quán nhìn ra đại lộ Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng – Q.Phú Nhuận), mở cửa rất sớm đón khách. Công viên chức cũng có nhưng đa phần là những bác, chú chạy xích lô, ba gác chở hàng bông, trái cây cho chợ Phú Nhuận, chợ Lò Đúc…Chủ tiệm pha chế “cà phê vợt” rót vào ly tỏa khói , muốn thưởng thức phải đổ ra dĩa cho nguội dần. Nhịp sống ngày mới đã khởi đầu từ ánh lửa bập bùng nơi bếp quán, trong tiếng phổ ki (phục vụ quán) ngân nga. Hai dầu chá quảy, bánh mì xíu mại lơ…Tẩy xu (tính tiền) lơ…Rồi chiếc xe Gobel già nua máy nổ lạch bạch của ba chở tôi chạy vòng vèo qua ngôi trường tuổi thơ, qua Cầu Kiệu, Tân Định để đến điểm thi. Buổi thi cuối, làm bài không đạt. Ta buồn ta đi lang thang. Chẳng hiểu có phải do vô tình nhẩm miệng câu hát này lúc ra khỏi trường thi, tôi vào Sở thú lang thang quên mất ba tôi đang chờ đón suốt buổi trưa ấy…
Giờ nhớ lại vẫn trách mình sao vô tâm đến thế. Thi đậu vào lớp đệ thất một trường công lập là mang về niềm vui, vinh dự cho bản thân, gia đình. Bố mẹ đỡ gánh lo toan về học phí suốt bảy năm học. Người anh hai sinh năm một với tôi đã vượt qua và vào học ngôi trường ấy một cách dễ dàng, còn tôi thì trợt vỏ chuối! Sau tôi còn hai em nhỏ, ba là lính thợ giải ngũ vì lí do sức khỏe. Má tôi là cô giáo Tiểu học, đồng lương ít ỏi vẫn cho tôi theo học trường tư. Muốn vào đời, phải gắng học nghe con!. Ba tôi chỉ nói nhẹ, gọn như thế khi tôi tiếp tục bước đi trên chặng đường mới.
2.
…Đến những năm 68, 69 mới là thời điểm thực sự tôi phải vượt qua kỳ thi cuộc đời của đời mình. Bởi khi đó chiến tranh đã lên tới đỉnh của sự khốc liiệt. Thanh niên miền Nam đủ 18 tuổi bị bắt đi quân dịch. Muốn không mặc áo lính, cầm súng ra chiến trường chỉ có con đường học. Học sống, học chết để đậu cho được Tú Tài mới có cơ may đặt chân vào giảng đường Đại Học. Còn đi học là còn được hoãn dịch. Đó là cách trốn lính hợp pháp và chẳng tốn đồng xu teng nào.
Xóm Mả Đỏ ( trong xóm có mấy ngôi mộ lớn xây bằng đá ong) là nơi trú ngụ của gia đình tôi, đường Nguyễn Huỳnh Đức – Phú Nhuận có khá đông bạn cùng trang lứa 17, 18 tuổi. Có người là bà con, cậu Thắng, Dì Hạnh, có bạn học cùng trường, anh Bá Dương, anh Há, anh Đạt…Ai cũng hừng hực quyết tâm trở thành cậu Tú, cô Tú! Gian trước nhà, má tôi mở thêm điểm dạy cho các em nhỏ trong vùng. Buổi tối chúng tôi học nhóm vì ghế bàn, bảng đen có sẵn. Những kiến thức, các loại bài tập bộ môn mang ra truy thuộc cho đến không sót chữ nào. Những cách giải bài của các thầy khác nhau (do chúng tôi học nhiều trường) đem ra so sánh để chọn cách tối ưu. Người xưa “dùi mài kinh sử” để không ngủ gật dùng dây treo búi tóc lên cao, còn bọn sĩ tử chúng tôi mệt mõi cứ leo lên bàn ngả lưng mường tượng nội dung bài học, bài giải cho đến khi không còn nhớ dược. Một thầy dạy môn Tâm lý đã truyền kinh nghiệm như thế. Trong sự học tưởng chừng như quên nhưng thực ra tri thức đã được khắc sâu, in lâu vào bộ nhớ ở não. Khi cần nhớ cứ nhắm mắt định thần, “kho lưu trữ” sẽ tự động mở cửa tuôn dòng chữ nghĩa. Cơn buồn ngủ dần ập đến Nhưng nào có êm giấc đâu. Chiếc áo lính quân dịch và đích đến mảnh bằng Tú Tài cứ chờn vờn khi vừa thiếp đi…Độ nghiêng của bàn học (mặt bàn có độ dốc đặt vở ghi chép, phía trên lõm tròn để lọ mực) làm lăn té khiến chúng tỉnh thức ngay và lao vào học tiếp.
Học cũng có lúc thư giản chứ! Quán café của cô bạn học cao cò, lanh miệng, khá xinh ở đầu chợ Lò Đúc là nơi tụ nhóm. Dẫu có café , trà lá rồi cũng ôn luyện một nội dung bài học nào đó. Muốn tìm nhau, đầu buổi hay về sáng cứ đến quán Hoa, tên cô bạn học. Chuyện thế sự, mộng tưởng thơ văn cũng được luận bàn ngâm ngợi nơi quán này. Nhất là những chiều mưa. Mưa ào ạt trắng trời. Tin tức chiến sự phát ra từ chiếc radio trên nóc kệ đầy nhức nhối. Nối tiếp là nhiều ca khúc về áo lính, chiến trường ru êm, tán dương phổ biến thời ấy. Nổi lên là những bài hát phổ thơ của Vũ Anh Khanh, Kiên Giang Hà Huy Hà:
Đây suối rừng xanh/ đồn quanh/ Đầy mây trắng/ nghìn hoa với cây lành... Đất Việt giặc tràn lan/ Biết Tha La hận căm…Từng đoàn trai ra đi/ đã thề chẳng trở về (Tha La xóm đạo)
Hoa trắng/ thôi cài trên áo tím/ Từ ngày/ binh lửa cháy quê hương…Núi xanh/sông biếc còn rơi lệ/ Hoa trắng/ nay thành hoa cố nhân (Hoa trắng thôi cài trên áo tím)
Mưa vẫn bay đầy trời trong ánh chiều chớp gầm thời tao loạn…Những chàng trai, cô gái chúng tôi trong khung cảnh ấy, mỗi người mỗi suy tư, mỗi niềm cảm khái. Nhóm bạn tôi sau kỳ thi ấy, có người thi đậu thong dong bước vào giảng đường ĐH, vun đắp tiếp ước mơ thành đạt…và để tiếp tục trốn quân dịch. Có bạn gỉã từ áo trắng thư sinh để khoác lên người áo lính nhớp nham, rằn ri dù chẳng hề muốn bao giờ. Còn tôi trong chặng đường “sinh tử” đó đã gắng hết mình vượt qua.
3.
Học tư thi phận. Giờ nhớ lại tôi vẫn lấy làm thú vị câu trêu đùa của nhóm bạn. Mà đúng vậy, hai năm cuối bậc trung học tôi học ở trường Tư thục Huỳnh Thị Ngà - Tân Định, Sài Gòn và nhiều buổi tầm sư học đạo nhiều trường tư thục khác như Văn Lang, Thượng Hiền…Cứ nghe danh dạy lạ, hay của các giáo sư Toán, Lý, Triết, Văn… là nhóm chúng đổ đường, tìm đủ cách để vào lớp nghe giảng cho bằng được. Các thầy tự soạn tài liệu giảng dạy theo chương trình khung của Bộ Giáo Dục MN, hoặc chọn trong các bộ sách giáo khoa đã được cấp phép lưu hành có giá trị. Mỗi chương bài từng thầy truyền giảng đều có cách riêng, chiêu riêng. Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome/ La Mã, nhưng đâu là con đường ưu thế nhất! Đó là cách dạy mở luôn khuyến khích người học tìm con đường khác đến chân lí cho phép chất vấn, tranh luận bằng ý tưởng sáng tạo, độc đáo dù có thể sai, cả ngớ ngẩn nữa!
Nhờ vậy tôi có những giờ học khó quên (theo bạn học chui, học ké ) với thầy Cù An Hưng ở trường Đạt Đức. Dáng vừa tầm gầy nhom, tóc bồng nghệ sĩ. Trước bao cặp mắt say mê, ngưỡng mộ thầy lấy từ túi áo bộ đề Bac – Tú Tài (Baccalauréat ) bằng tiếng Pháp khổ nhỏ đọc sang tiếng Việt rành rọt cho lớp học giải bài. Cả lớp im phắc, háo hức tìm lời đáp. Rồi những giờ học Triết. Môn học khó nhai nhưng lấp lánh trí tuệ của thầy Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa). Thầy tốt nghiệp cử nhân Triết học trường Đại học Sorbonne – Pháp về mở trường Văn Học (Ngã Bảy – Sài Gòn). Áo bỏ ngoài, người phốp pháp thường đội mũ lớn vành, rọc báo bằng bàn tay to bè chẳng thơ chút nào. Nhưng khi những câu tuyệt vời ngân lên ở thầy - người thơ Nguyên Sa, Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…Paris có gì lạ không em?/ Mai anh về giữa bến sông Seine…Là áo sương mù hay áo em?...làm mê mẩn chúng tôi ngay. Đến tận giờ tôi vẫn hàm ơn những người thầy ngoài phong thái đỉnh đạc, kiến thức uyên sâu còn pha trộn chất nghệ sĩ khi truyền dạy gợi mở những chân trời khác hơn là chốt chặn đường bay, đóng mình trong Khung cửa hẹp (André Gide). (Năm 95 và cả mấy năm gần đây tôi vẫn bắt gặp những đoạn bình thơ, những bài thơ của Thầy dạy Toán Cù An Hưng năm xưa trên chuyên san Thơ Gieo &Mở do Triệu Từ Truyền chủ biên, trên Văn Tuyển - Nguyễn Liên Châu đảm trách…)
Xét đến cùng, trường tư hay công lập nào có hề chi. Quan trọng là nền kiến thức, căn cơ của học vấn. Mười một môn học, đã học đều thi tất kể cả môn Thể Dục – năm 1972 mới bỏ thi môn này. (không như chương trình hiện giờ học mười bốn môn nhưng chỉ thi sáu môn kèm theo điểm ưu tiên, khuyến khích vùng sâu, xa, nghề…). Học để thành nhân và thành đạt. Trước một kỳ thi, đã là “vận động viên”/ thí sinh đều bình đẳng. Sự trui rèn vượt nghịch cảnh trong những giờ Quốc Văn đặt đá nền cho khát vọng, thôi thúc chúng tôi. Vì không chỉ được nghe vẳng vọng dòng Hoàng Hà hoành tráng từ trời cao tuôn xuống, Quân bất kiến/ Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi…(Tương tiến tửu – Lý Bạch)… mà còn lắng ngẫm những câu thơ hào sảng, Ví phỏng đường đời bằng phảng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai …( Phan Bội Châu ), Đi không há lẽ lại về không?/ Cái nợ cầm thư quyết trả xong…/ Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông…(Nguyễn Công Trứ ). Luận tài năng ai tính chỗ xuất thân thì việc gì tìm hiểu anh/chị học trường công hay tư?
…Năm 1969, tôi ghi danh theo học Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Nhiều bạn khác vào học Khoa học, Luật mà không phải thi đầu vào để đạt điểm chuẩn điểm sàn như hiện nay. Còn bạn nào tự đánh giá đủ thực lực đã có các trường danh tiếng Miền Nam cửa toang mở đón vào thử sức, đo tài xem có phải gạo trên sàng không. Như trường Y, trường Dược, Kỹ sư Phú Thọ, Sư Phạm, Quốc gia Hành chánh (nay là ĐH Bách Khoa, ĐH Sư Phạm, Học viện Hành chính Quốc gia)…Nếu cá vượt vũ môn thì công danh, tài lộc, vị trí xã hội cao vời chờ sẵn. Nếu rớt thì về lại những con đường tình ta đi ngập tràn cây dài, bóng mát (Phạm Duy) ghi danh học Văn Khoa, Luật…Có bằng Tú Tài (II) trở thành Sinh Viên thật đàng hoàng chứ không phải mộng mơ. Học cũng rất thoải mái. Không cần đến giảng đường, mua mượn cours bài giảng các thầy, tự nghiên cứu học tập ở sở làm, ở nhà; ngồi quán vỉa hè, góc phố Sài Gòn hoặc ở tỉnh, vùng xa lắc lơ nào cũng mặc. Tuổi cũng không giới hạn, miễn là thi phải đạt chuẩn hết sức nghiêm ngặt đề ra. Không có việc hạ chuẩn, tiêu cực chạy điểm, nhờ vả… Kết quả xếp hạng hẳn hòi với bốn mức: Thứ, Bình Thứ, Bình, Ưu (Tối Ưu) trên các chứng chỉ. Ngoài chứng chỉ đại cương bắt buộc, SV đủ bốn chứng chỉ chuyên ngành được cấp bằng Cử nhân giáo khoa. Bốn chứng chỉ thuộc nhiều ngành học khác nhau, cấp bằng Cử nhân tự do. Có bạn chỉ ba năm đã thành ông Cử nhân, thậm chí cử nhân kép (hai bằng). Nhưng có bạn mười mấy năm theo đòi Tú Xương hoặc ít, cũng năm năm tình lận đận (Nguyễn Tất Nhiên) cũng chỉ cầm được trong tay vài chứng chỉ. Về già, tóc bạc điểm sương mang ra vui khoe với cháu, ông/bà cũng một thời là Sinh (Viên) nhưng chưa thành Cử (nhân) … do học tài thi phận mà!
Ngẫm thế mà hay. Cửa vào Đại học rộng mở, thênh thang có đúng bằng qua bậc Trung học là trở thành Sinh Viên. Nhưng lối ra bó hẹp theo hình chóp, người học phải thực sự say mê vùi đầu nghiên cứu kĩ, sâu kiến thức chương trình đào tạo yêu cầu. Ngoài sách in, cours bài giảng của thầy trên giảng đường, SV (Văn Khoa) buộc phải tìm kiếm, học hỏi những luồng tư tưởng học thuật Đông, Tây, kim cổ có liên quan, hổ trợ thậm chí trái chiều đã dược dịch thuật công bố. Có khi nhờ vào vốn ngoại ngữ Hán tự, Anh/ Pháp ngữ được trang bị ở bậc trung học hoặc tự học để đọc trực tiếp văn bản chính mới nhất. Từ đó dồn hết trí lực, sức lực đam mê trau dồi thấu đáo tận cùng kỳ lí. Cái tâm, tài và cả tầm của một nhân cách người học được đắp nền vững chãi để vào Đời, tận hiến cho Đời ngay ngắn, liêm minh là vậy.
4.
Ở cái thời tao loạn mà tôi và nhiều bạn học trãi qua, điểm lại gia cảnh đều cùng một chữ to tướng: chữ khổ. Bố mẹ không là viên chức ăn lương nhà cầm quyền cũng là thầy Đông y bốc thuốc chữa bệnh cho người thì bậc sinh thành cũng gánh gồng hôm sớm tảo tần. Chiếc áo lính quân dịch nhớp nháp đáng ghét kia luôn không thôi ám ảnh, nhưng chúng tôi không hề thấy cuối đường hầm…Một nước Việt hôm nay đang chuyển động không ngừng tiến vượt về phía trời quang mây tạnh hòa nhập với nhiều chân trời hội nhập. Nửa triệu người trẻ của thế hệ 9x còn bao la cơ hội học tập, rèn luyện lại được những thiết bị đa dụng, đa năng hiện đại hổ trợ cho việc học. Vì vậy, hãy trụ vững trên đôi chân nghị lực để vào đời. Cảnh có nghịch, mới mời gọi đương đầu. Hãy đón lấy nghịch cảnh như một báu vật được truyền trao. Nhà viết kịch thiên tài của nước Anh, Shakespeare đã từng thổ lộ : “Ngọt ngào thay khi tận dụng nghịch cảnh. Nghịch cảnh như con cóc xấu xí và chứa nọc độc. Nhưng lại đeo viên ngọc quý trên đầu” ( Vở kịch Xin tùy ý thích/ As you like it). Hay như một danh ngôn Tây Tạng, “Bi kịch nên được sử dụng như một nguồn sức mạnh”.
Muốn vào đời, phải gắng học nghe con! Ba mẹ tôi giờ là những áng mây trắng an nhiên bay trôi ở cõi miên viễn nghìn trùng. Nhưng lời căn dặn đó không là khói sương. Hàng triệu ông bố, bà mẹ hôm nay hẳn chắc dặn dò lớp trẻ tựa như lời ba tôi. Nhưng cẩn trọng hơn, hãy trao cho lớp trẻ viên ngọc quý của con cóc xấu xí nghịch cảnh làm hành trang ý chí dấn bước vào đời. Ánh sáng của nguồn thị lực nơi mỗi người quý giá xiết bao, vậy mà khi một người mù hỏi, “Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?”, thánh Anthony đã trả lời: “Có, lúc ngươi mất định hướng”. Một lời đáp nở hoa chân lý cùng với viên ngọc quý kia phát sáng mãnh liệt xua đi, đánh tan những tối tăm giăng bủa cuối đường hầm…Những, nhiều kỳ thi cuộc đời đang hân hoan chờ đón mỗi người trẻ và cả mỗi chúng ta - lớp già còn đang ấp ủ, trĩu lòng đắm say thực hiện những dự án không chương cuối (?) đời mình trong cõi người mang mang, trong dòng thời gian vô thường đang hối hả cuộn xiết, chảy trôi…
Cuối Hạ, tháng 8/2013