Sự tàn khốc, trần trụi của cuộc chiến
và nỗi đau Tổ quốc mình
Như bao nhiêu người trẻ sinh ra sau ngày giải phóng, tôi đón xem bộ phim tài liệu “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” (chiếu trên VTV1, 22h ngày 10 -3 -2005), với tất cả nỗi háo hức lẫn tò mò. Cuộc chiến tranh khốc liệt nhất thế kỷ 20 đã đi qua 30 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đọng lại, nhất việc thẩm phán Weinstein bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, gây nên làn sóng căm phẫn trên thế giới.
Kinh khủng, thật sự kinh khủng với những quầng lửa màu da cam phủ trùm lên làng mạc, cây cối, sông ngòi, kênh rạch và cả những con người bé nhỏ của làng quê Việt Nam. Thế hệ chúng tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình thống nhất, chỉ biết đến chiến tranh qua hồi ức, sách vở… của thế hệ những người đi trước, làm sao chứng kiến được tận mắt những hình ảnh kinh khủng và đau lòng kia? Tháng 3- 2004, “Việt Nam” của đạo diễn người Nga Roman Karmen khi lần đầu tiên được trình chiếu, đã làm hàng triệu trái tim thổn thức, và giờ đây, một sự thật nữa đang được phơi bày. Bộ phim, bao gồm 3 tập, mỗi tập dài 52 phút, được đạo diễn phim tài liệu hàng đầu người Pháp Daniel Costelle dựng lại trên 2.000 cuộn phim bí mật được quân đội Mỹ cất giữ từ sau khi rút quân khỏi chiến trường Việt Nam. Phim chỉ được phát sóng một lần duy nhất trên VTV1 (Tập 1: Bí mật cuộc chiến (22h ngày 10/03/2005); Tập 2: Bí mật vũ khí; (22h ngày 17/03/2005); Tập 3: Bí mật con người (22h ngày 24/03/2005). Đúng như lời giới thiệu của BTV Quang Minh- người đi Pháp để mua bản quyền phát sóng bộ phim này, phim là những hình ảnh chưa biết đến về chiến tranh ở Việt Nam, dưới góc máy của quân đội Mỹ. Chấp nhận mạo hiểm và sống như một người lính, những người quay phim đã có được những hình ảnh có một không hai, những thước phim thuộc về bí mật mà chỉ quân đội Mỹ mới có, chỉ quân đội Mỹ mới có thể tiếp cận. Tuy chỉ mới được xem tập 1 và giới thiệu của VTV1, song, những hình ảnh chưa biết ấy, cứ ám ảnh chúng tôi trong từng giấc ngủ.
Tập 1 (Bí mật về cuộc chiến) bắt đầu khi Mỹ đem quân ồ ạt vào Việt Nam sau Hiệp định Genève. Trong phim, khi xem những quả bom tấn do Mỹ sản xuất và lớp bụi phốt-pho trắng xóa đổ ập xuống đất nước này, tôi tin rằng khó ai kiềm chế được những cảm giác ngộp thở và căng thẳng, nhất là những quầng lửa màu da cam đổ chụp xuống làng quê. Đối đầu với những thứ vũ khí tối tân ấy là bộ đội Việt Nam, theo mô tả của một sĩ quan Mỹ khi huấn luyện cho tân binh sang chiến trường Việt Nam tham chiến (trích trong phim) : “Tất cả đều trẻ, rất trẻ. Họ nổi tiếng vì đôi dép cao su - đôi dép được làm bằng lốp xe, quai dép làm bằng săm cao su. Quân phục của anh ta là bộ bà ba đen mà người nông dân Việt Nam nào cũng mặc, làm không thể phân biệt được người nào với người nào”. Và bộ phim cũng hé lộ sự thật về việc quân đội Mỹ gọi bộ đội Việt Nam theo cách miệt thị “Việt Cộng”.
Nếu không được giới thiệu từ đầu là phim tài liệu, khó ai có thể hình dung đó là sự thật. Cảnh ruồng bố, bắn giết dã man, cảnh những cuộc hành quân lớn “tìm diệt”. An tượng nhất, là hình ảnh tên lính chế độ cũ cầm dao găm kê vào cổ một em bé chừng 5-6 tuổi, xung quanh là những em bé khác mặt tái mét, run sợ, mất hồn. Tôi đã xem nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh, trong đó, có cảnh tra tấn cán bộ cách mạng hay người dân của quân lính chế độ cũ, song, chưa có hình ảnh nào dã man đến vậy. Và tiếp nối, là cảnh lính Mỹ bật hộp quẹt Zip-pô đốt nhà, tra tấn những người già và em bé. Theo những thước phim, bối cảnh cuộc chiến lần lượt được giới thiệu với người xem: Năm 1963, John Kennedy đã đưa 16.000 lính Mỹ và cố vấn quân sự vào Việt Nam, trong khi đó phong trào cộng sản tiếp tục lớn mạnh, máy bay trực thăng và vũ khí hiện đại khác đã tỏ ra không mấy hiệu quả trước một dân tộc ngoan cường. Vùng không an toàn do Mỹ kiểm soát ngày càng được mở rộng. Chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng mất lòng công chúng. Khi MacNamara thay Kennedy, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn đối với quân đội Mỹ. Những hành động leo thang quân sự của Mỹ không phát huy được hiệu quả, kể cả việc Mỹ đã trút hàng triệu tấn bom ra miền Bắc. Bộ phim đã mang đến cho người xem sự thật của cuộc chiến mà trong thời điểm ấy, những kẻ cầm đầu quân đội Mỹ đã cố gắng che giấu dư luận nước Mỹ và cả thế giới. Tập một của bộ phim dừng lại trước năm 1968.
Cũng về đề tài chiến tranh ở Việt Nam, bộ phim Sinh ngày 4-7 được dựa trên những hồi ức của một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến hai lần tại Việt Nam, Ron Kovic. Đạo diễn Oliver Stone đã phơi bày sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Nam trong bộ phim Sinh ngày 4-7, thông qua những hình ảnh về cuộc sống huỷ hoại của những cựu chiến binh trở về Mỹ sau khi tham chiến tại Việt Nam. Bộ phim cũng gây được những phản ứng mạnh mẽ của công luận đối với chiến tranh Việt Nam, nhưng toàn bộ phim được thực hiện theo ý đồ của đạo diễn, hình ảnh được dàn dựng có ý đồ hơn, hình ảnh đã được dàn dựng bằng kỹ xảo điện ảnh, do đó, độ chân thực của bộ phim không thể so sánh được với Những hình ảnh chưa biết đến về chiến tranh Việt Nam. Những hình ảnh chân thực về một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất thế kỷ 20; Sự rệu rã của quân đội Mỹ trong một cuộc chiến không lối thoát; Không nhân vật cụ thể; Không dàn dựng; Không kỹ xảo điện ảnh, bộ phim là sự chắp nối "thô sơ" những hình ảnh, sự kiện và "cắt dán" những tư liệu chiến tranh của chính người Mỹ. "Những hình ảnh chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam" đúng là những thước phim tư liệu quý giá.
30 năm đã đi qua, đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, từng giờ thay da đổi thịt. Bộ phim đã giúp chúng tôi biết thêm sự thật về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh đã qua, sự thật đến khó tin được. Bộ phim, chắc chắn, sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay hơn hiểu nỗi đau Tổ quốc, nỗi đau dân tộc mình.