Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.198.183
 
VÕ PHI HÙNG VÀ 10.000 QUÀ TẶNG BẠN ĐỌC
Viễn Giao

Đã từng  là cậu bé bụi đời làm đủ nghề ngòai lề đường, dưới đáy xã hội nhưng đó cũng là một thanh niên được thi sĩ Bùi Giang đưa tới nhà Quế Sơn giới thiệu để nhà sách này in cho anh tập truyện ngắn đầu tay. Một cậu bé không biết cha là ai rồi một ngày mẹ gửi vào cô nhị viên và đi như biến khỏi cõi dương thế để, đến hôm nay  bạc tóc ông vẫn còn tìm mẹ. Một người từng nằm bò trên mặt đường, lòn tay vào miệng cống cái vỉa hè mò tìm đồng bạc cắc công giữ xe người ta thí cho để rồi, chắt bóp vốn sống từng ngày, viết ra bộ truyện 50 tập SỐNG SÓT VỈA HÈ. Ngày 11-4-2005 10.000 quyển tập 1 sách này được tặng bạn đọc, thay lời tự giới thiệu của tác giả Võ Phi Hùng.

 

    Đang thời nghe nhìn, nếu nói Võ Phi Hùng là tác giả kịch bản các phim khá là ăn khách Giã từ dĩ vãng, Cầu thang tối, Chim phóng sinh… chắc nhiều người biết tới anh hơn. Nhưng cho dù chỉ xem những phim ấy ( đã có phim được giải sang trọng Bông sen bạc chiếu trên truyền hình vào đêm giao thừa) thì cũng vẫn thấy chất vỉa hè mà tác gỉa kịch bản rất sở trường. Võ Phi Hùng nói về những nhân vật điện ảnh của mình: " Bộ phim đầu tay Giã từ dĩ vãng, tôi nói về chính cuộc đời mình và những người tôi gặp trên những vỉa hè  mưu sinh đầy thử thách, cạm bẫy và cám dỗ. Chính bằng những tập phim này tôi muốn trả nợ ân tình cho những người đã dang rộng vòng tay nhân ái trong những ngày tôi bụi đời, cầu bất cầu bơ, đầu đường xó chợ. Đó là những cô gái điếm, anh thợ hồ, bác phu xe, ông già mù bán vé dạo... họ đã giúp tôi lớn lên thành người và có được thành công ít nhiều trong sự nghiệp văn chương như hôm nay. Trong dĩ vãng ngày ấy, thời trước 1975 tôi đi bán báo dạo trên hè phố, ngồi giặt đồ trong tiệm giặt ủi, đứng  giữ xe… Có lần tôi lỡ để một bạn đánh giầy ngồi thử lên yên xe của khách. Ông chủ xe giáng cho một bạt tai. Tôi biết tội, cảm ơn và xin không nhận tiền công. Ông ta không chịu, bảo thế  là khinh thường, nếu không nhận, ông đánh nữa. Rồi ông vứt đồng bạc cắc xuống miệng cống cái, bắt tôi phải mò cho bằng được. Tôi dán người vào mặt đường nhựa, lòn tay tìm kiếm trong bùn xình tanh tưởi. Thời ấy tôi cũng đi hát rong theo một ông già hom hem bập bùng cái guitar điện. Tôi thường lắc trống điệu Bolero giúp ông kiếm chén rượu, để tôi có miếng cơm ăn theo".

   Hỏi đến phim Bông sen bạc "Chim phóng sinh" kể về anh chàng ngồi xe lăn mà dám "sống sót" bằng cách lặn xuống đáy kênh Nhiêu Lộc, vớt trùng chỉ (giun kim) bán cho người nuôi cá, Võ Phi Hùng lại bắt đầu từ cái khổ của chính giới nghệ sĩ: " Viết Gia từ dĩ vãng nhiều tập, tiền cũng nhiều, tôi ăn tiêu "dài hơi" hơi phim của mình thế là mắc nợ xưởng phim tới 11 triệu đồng. Bạn bè thương tình mới bày cho cách gỡ nợ, họ bảo có chuyện vỉa hè nào thì viết nữa. Lúc đó tôi đang viết kí sự nhiều kì về các kênh nước đen của thành phố cho báo Công An, trong ấy thì hầm bà lang nghề cùng khổ, thế là nhận viết. Nhiều năm sống nhờ  một ngôi chùa có cái hồ để người ta phóng sinh rùa và ba ba. Cùng với rùa và ba ba, cứ đến ngày rằm, mồng một, người ta thả những lồng chim lớn để lễ ta và cầu giải hạn. Lũ trẻ bụi đời chúng tôi đi bắt chim mới phóng sinh, nhốn chúng lại, bán lấy tiền sinh sống, rồi lại có người bỏ tiền ra mua để phóng sinh lần nữa. Tôi lấy kinh nghiệm sống của mình, chuyển thể truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hồ thành kịch bản phim Chim phóng sinh. Thế là trả xong nợ".

     Cuộc phỏng vấn này được thực hiện khi Võ Phi Hùng có mặt ở nhà xuất bản Kim Đồng, kí tặng trên các trang nhất 10.000 qùa tặng gửi bạn đọc của mình. Khi làm công việc văn chương này, trông ông thật vất vả. Trán nhăn, tóc xõa, cúi mình trên bàn, viết mà như gồng mình chống đỡ để vốn sống vỉa hè đừng ào xuống quá trớn, che lấp trang văn. Tôi hỏi, con đường dẫn tới văn học của Võ Phi Hùng bắt đầu từ đâu? Ông trả lời: 

     "Thì cũng từ vỉa hè. Tôi học chữ trong chùa, nhưng bài học đưa chữ nghĩa ra đời lại học từ ông thầy bốc vác. Thầy thấy tôi đọc sách thì dạy, muốn sống mà đọc và viết thì phải biết, chỗ này là đất của những người không có chữ, phải vứt hết sách vở đi. Đọc với viết ở chỗ cùng khổ này khác gì nhạo báng người ta, con muốn chết hả. Tôi không vứt sách vở nhưng phải lén lút đọc và viết. Tôi đọc Tự lực văn đòan, đọc Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, đọc bộ ba tự truyên của Mac xim Gorki… và viết những gì mình đã sống. Truyện phim Cầu thang tối  tôi viết từ thời ấy. Đăng trên tạp chí Văn, đấy là truyện đầu tiên ra mắt bạn đọc. Tôi chẳng dám tới tòa sọan nhận nhuận bút. Người ta phải mang tới tận nhà, mang tới cái gầm cầu thang ấy. Những truyện ngắn đăng báo khiến thi sĩ Bùi Giáng biết tới tôi. Ông coi tôi là học trò, cho sách có thơ ông  viết riêng đề tặng. Rồi một hôm ông bảo tôi tập hợp những truyện ngắn đã đăng báo, theo ông tới nhà xuất bản Quế Sơn ở đường Phạm Ngũ Lão, để ông tính chuyện in sách cho tôi. Chuyện ấy chưa xong thì miền Nam giải phóng, tôi thành người viết chuyên nghiệp, là thành viên sáng lập của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh"

    Đang trò chuyện thì người biên tập bộ sách SỐNG SÓT VỈA HÈ nhà thơ Cao Xuân Sơn, Trưởng phòng biên tập Trung tâm sách phía Nam nhà xuất bản Kim Đồng xuất hiện. Biết tôi có ý định giới thiệu với bạn đọc trong các trường học bộ SỐNG SÓT VỈA HÈ, ông Cao Xuân Sơn cho biết:

  "  Chúng tôi chuẩn bị từ hai  năm trước để sách kịp ra đời dịp kỉ niện 30 năm thống nhất nước nhà. Chúng tôi muốn thông qua số phận éo le, nghiệt ngã của những nhân vật Ớn, Tím, Lợt, Cu Sỏi, Tiểu San, Tí Héo, Hải Thọt, Tóc Quăn, Đẹt Ma Bùn… - những đứa trẻ bụi đời nhếch nhác và đói khát kinh niên - cùng những nỗi cơ cực, hiểm nguy, những tủi hờn, nhục nhã mà chúng phải nếm trải để kiếm được miếng cơm, manh áo sống sót qua ngày, làm sống dậy cả một thế giới hè phố với tất cả sự hoang dã, khốc liệt, tàn bào và những cạm bẫy của nó. Trong những vùng tối tăm nhất của vỉa hè Sài Gòn luôn lấp ló những bộ mặt gớm ghiếc, hắc ám của những đại ca khét tiếng giang hồ, những Ba Gà, Hai Néo, Bi Khè, Bảy Đầu Bò, Ba Lò Gốm… Nhưng trên hết, SỐNG SÓT VỈA HÈ là bài ca về lòng nhân ái, bao dung, bài ca về tình bạn, sự hy sinh và tình yêu bất diệt đối với cuộc sống - nơi luôn có những "bàn tay của người trần nhưng tấm lòng lại là của tiên của Phật…" giúp những cư dân thiếu niên trưởng thành cùng thành phố 30 mùa hoa của mình. Bằng việc chọn tác giả và nâng cao chất lượng đầu từ cả đầu vào và đấu ra của sách, chúng tôi mong muốn dùng SỐNG SÓT VỈA HÈ tìm thêm bạn đọc cho nhà xuất bản. Nhằm khuyến khích bạn đọc đến với bộ truyện mới bổ ích và hấp dẫn này, NXB Kim Đồng có 10.000 cuốn SỐNG SÓT VỈA HÈ tập 1: "Tứ hải giai huynh đệ" kèm chữ ký của tác giả Võ Phi Hùng tặng tất cả những ai mua truyện LANG BIANG tập 20 của nhà văn Nguyễn Nhật Anh (phát hành ngày 11.4.2005). Sẽ có những nhà mở của trẻ bụi đời được tác giả Võ Phi Hùng trực tiếp tặng sách này. Ngoài ra, ở cuối mỗi tập sách, còn có một "sân chơi mini" có tên là "HỘI QUÁN TRI ÂM" với 20 phần quà tặng mỗi kỳ dành cho những độc giả tri âm của SỐNG SÓT VỈA HÈ...

    Tới đây câu chuyện phải chấm dứt để nhà văn Võ Phi Hùng trả lời phỏng vấn qua điện thọai. Từ Hà Nội, Đài tiếng nói Việt Nam, hỏi chuyện tác giả, chuẩn bị cho chương trình Đài giới thiệu với bạn đọc cả nước bộ sách SỐNG SÓT VỈA HÈ.

Viễn Giao
Số lần đọc: 3109
Ngày đăng: 04.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương, hay là một cách ứng xử văn hóa - Trần Mạnh Hảo
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn - Hồ Tĩnh Tâm
Vài ý tản mạn nhân đọc thơ Vương Huy - Nguyễn Văn Hoa
Giết thơ rất dễ (!) - Trần Mạnh Hảo
Sự mặc khải của thi ca - Trần Mạnh Hảo
Sức sống văn hóa của một vùng ngôn ngữ đầy năng động - Hồ Tĩnh Tâm
Tản mạn đôi điều về văn hóa - Hồ Tĩnh Tâm
Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Hồ Tĩnh Tâm
H.CÁC MÁC - TÌNH YÊU VÀ BÃO TÁP - Hồ Tĩnh Tâm
Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng - Trần Mạnh Hảo
Cùng một tác giả