Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.137.793
 
Đọc lại: Tư duy tự do của Phan Huy Đường
Nguyễn Hồng Nhung

              

 

Đây không phải một tác phẩm làm người ta „đột nhiên” nhớ ra và „muốn”đọc lại khi có dịp, trước hết, không thể đọc nó như đọc một tác phẩm văn học, hoặc như một loại văn bản”giải trí” nào đó dùng để „tiêu khiển” thời gian. Nhưng cũng không thể chằm chặp „nghiên cứu” nó „nghiêm trang”như chuẩn bị làm luận án chẳng hạn.

 

Tại sao vậy? Bởi dấu ấn tác giả quá đặc biệt làm nên cuốn sách này  không phù hợp với mọi „mục tiêu” khác nhau của tri thức. Đọc nó như một cảm nhận trải nghiệm cá nhân có lẽ đúng hơn, dễ”ngấm” hơn để sẽ có lúc, thời gian sẽ chứng minh người viết và người đọc sở dĩ gặp nhau bởi chính quá trình trải nghiệm Người giống hệt nhau.

 

Mặc dù  Hoàn Toàn dựa vào tài sản tri thức của tiền bối để phát triển tư tưởng mình, nhưng có thể nói: đây chỉ là ý kiến của một PHD duy nhất ( trên đời) trình bày về nhân sinh quan triết học của mình, cụ thể là về một phương pháp luận tiếp cận đời sống Người của tác giả.

 

Và thêm điều này nữa khiến cuốn sách càng trở nên đặc biệt: văn phong của tác giả, mà tôi (trong cơn loay hoay) thử tìm cách đặt tên: văn phong „hàng rào dây thép gai”- chữ nghĩa móc nối chặt vào nhau với lối dùng từ, đặt câu lạ lẫm.

 

Nhưng tại sao đọc lại?

 Vì cách đây dăm năm, tôi đã từng đọc. Còn nhớ lúc đó tôi rất cố gắng đọc kỹ lưỡng (nói không ngoa) là đã thử ghi chép cẩn thận, như thuở sinh viên học bài để thi môn chính trị kinh tế học (mà sau rốt đứa nào trong lớp cũng được điểm 5 dù không ai hiểu tý gì.). Cuốn TDTD của PHD đọc lần đầu tiên cũng thế, mang lại „ảo vọng” ta đã hiểu vấn đề: về phép duy vật biện chứng chứ gì? Từ ông K. Marx chứ gì?

 

Ừ, xong sao nữa? Đọng lại chút dư chấn bởi những dòng chữ, những câu văn cuồn cuộn cảm xúc ở những trang cuối khi  tác giả liên hệ, kêu gọi, như một lời tuyên ngôn hoan hỷ…về phương pháp luận này?

 

 Không, giờ đây tôi mới hiểu: đây là lời tuyên ngôn hoan hỷ của kẻ đã tìm ra duy nhất một cách lập luận ĐÚNG để tiếp cận với cuộc đời NÀY của mình, của duy nhất một PHD.  

Vậy thì, trước hết hãy đọc lại, điểm lại, tóm tắt lại những gì PHD đã viết trong cuốn TDTD đã nhé:

 

Đọc lại TDTD của anh, điều đầu tiên ghi nhận: sự trung thực, cũng chính là dấu ấn cá nhân rõ nét ngay từ những dòng đầu tiên, không trộn lẫn với ai. Tính chất”chủ quan” này mang lại cho văn bản một giá trị „khách quan”, thế mới hay chứ! giống ấn tượng khi đọc các tác phẩm của Hamvas Béla.

Tác phẩm TDTD có 3 phần lớn:

 

I/ Phân tích ba quan hệ cơ bản của con người với thế giới

II/ Bàn tới những nền tảng ý tưởng của con người

III/ Những tư tưởng tâm đắc nhất về nhân sinh quan, thế giới quan triết học của tác giả.

 

Phần I/  BA QUAN HỆ CƠ BẢN

 

A/ Suy luận biện chứng

Anh nhấn mạnh đầu tiên và nhắc đi nhắc lại từ BIỆN CHỨNG.

1/ Anh nói về 3 chiều kích của con người: như vật-thể (theo ngôn ngữ của  Hamvas Béla: trong thế giới tự nhiên?), như sinh -thể :cái này là cái gì vậy,  có phải thế giới giác quan của con người không? (linh hồn?), như trí-thể (tinh thần?)

2/ Anh nhắc đến Ngôn Ngữ như một cản trở nhập nhằng của con người mặc dầu anh thừa nhận vai trò tạo ra người của Ngôn ngữ.

3/ Anh cho rằng thực thể người chính là một quá trình tự hiện thực xuyên qua ba hình thái vạn động (vật chất-sống-tinh thần) và quan hệ nội tại giữa chúng.

 

B/ Anh có vẻ quan tâm nhất đến các HÌNH THÁI thực hiện của mọi kiến thức.

Chẳng hạn khoa học thực hiện trong một hình thái ngôn ngữ toán. Anh quan tâm nhiều đến tính chất xã hội của sự hoạt động (ảnh hưởng Marx?)

 

Anh nói về sự thật khách quan chỉ có trong nhân giới, trong thế giới của ngôn ngữ người. Anh viết: khoa học chỉ có giá trị trong mối quan hệ giữa người và vật chất.

Anh viết về sự phân biệt duy tâm và duy vật (thế giới vật chất và thế giới tinh thần) đi từ Descartes, dẫn đến việc anh coi thế giới tinh thần là thế giới của tôn giáo, và thế giới vật chất là sự quy nạp về lượng.

 

Anh cho rằng: chỉ nên hiểu về vật chất như đối tượng của một chủ thể có khả năng hiểu biết (phát biểu bằng lời). (vấn đề ở chỗ: con người chưa biết bao nhiêu về chính thế giới vật chất của nó, nên Lời của nó cũng chưa đủ, cái gọi là khoa học vẫn cứ tiến lẹt đẹt  - Đọc đến đây NHN nghĩ như vậy.)

Anh viết: Khoa học đương đại buộc triết gia phải từ bỏ thế giới của thực thể để tìm hiểu thế giới của quan hệ. (Nghĩa là biện chứng là quan hệ, là tương quan? chỉ là như vậy thôi, chỉ trong quan hệ và tương quan?)

 

Phần nói về SỰ SỐNG của anh khá lý thú  nhất là đoạn anh coi Sự Sống là quá trình vật chất vận động đo đếm được (thế giới tự nhiên?)) và là quá trình tổng hợp không đo đếm được (thế giới tinh thần?)

 

Nhưng ngay ở QUAN HỆ trong sự sống anh cũng nhấn mạnh tính nhân bản của quan hệ người trong tương tác cùng chiều Sống với nhau của họ (ý này rất hay!)

Cái gọi là Sống của anh chính là khái niệm Đời Sống trong các văn bản của Hamvas  Béla ( theo NHN)

 

C/ Quan hệ giữa vật chất và sinh giới:

Anh nhấn mạnh: sinh vật tự vận động trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường (tính vật chất), nhưng khi thực hiện QUÁ TRÌNH này, nó tự tái tạo lại nó. Quá trình này gọi là sinh vật: TỰ HIỆN THỰC HÓA bằng 2 hình thái vận động (vật chất và sống).

Theo Engels: sinh vật vừa là chính mình vừa khác mình.

Anh viết: có hai đặc thù của hình thái vận động của sinh vật:

1/ Có ý hướng, tự chọn lọc

2/ Trở lại, trở về mình, thành cái đã là: vĩnh cửu trở về mình: tự tái tạo nó qua quan hệ với môi trường

Định nghĩa về SỰ SỐNG của anh:

Sống là liên tục lựa chọn tái sinh vào sinh giới qua sự lựa chọn những quan hệ của mình với thế giới.

 

 D/ TINH THẦN, quan hệ giữa người và văn hóa.

1/ Một thực thể nhờ tha nhân (nghĩa là con người có được nhờ tiền bối –theo NHN hiểu.) Có được mối quan hệ này nhờ NGÔN TỪ. Ngôn từ là hình thái của một quan hệ nhân tính với thế giới. Hình thái này gọi là VĂN HÓA.

2/ Ba chân trời của tự do:

a/ Hình thái tự do của con người trong quan hệ với vật chất (ý nghĩa sự phát triển của khoa học)

b/ Hình thái tự do của con người với sự sống (là nội dung sống của con người?-NHN hỏi)

c/ Hình thái tự do của con người với chính mình và với tiền bối, với người khác. Ở đây anh nhấn mạnh: con người chỉ Tự Do khi thực hiện mình trong quan hệ với tiền bối và người khác, và trong quan hệ với chính mình

3/ Cần thời gian để nên người và thành người. (Ở đây anh muốn nhấn mạnh quá trình xã hội hóa con người? -NHN.)

 

PHẦN II: NỀN TẢNG CỦA NHỮNG Ý TƯỞNG

 

  1. DESCARTES: tách tinh thần ra khỏi vật chất. Theo anh nguyên nhân dẫn đến ngõ cụt trong tư tưởng của Descardes là hạn chế của ngôn ngữ ( thời đại) ông dùng, nhất là vì thế giới quan Ky tô giáo lúc đó.
  2. KANT: Tạo khái niệm Hiện Tượng  là vật thể di động giữa Linh thức không gian và Thời gian, mà theo anh đấy chính là Ngôn Ngữ.
  3. HEGEL: đưa ra Ý niệm Tuyệt đối tự phát triển do mâu thuẫn nội tại. Theo anh đây là Biện chứng Hình thức của Hegel, khác hẳn Biện chứng của Marx(theo lời Lenin)” phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”.
  4. SARTRE: theo ông thể thống nhất giữa Thực thể và Hư vô có xuyên qua cảm nhận của người. Hai sự phủ định (không là nó và phủ định chính nó) là đặc thù của ý thức. Quan hệ giữa Thực thể và ý thực là quan hệ ngoại tại, sự tự phủ định ý thức là quan hệ nội tại. Sartre gắn con người với thế giới  và năng động hóa quan hệ con người với thế giới (Vượt).
  5. Hình thái của vật thể: anh nhấn mạnh đến nhục cảm (cảm xúc?) người trong quan hệ người với vật thể, nghĩa là quan hệ sống của người và thế giới vật thể để xác định tính lựa chọn của hành động người. Viết về hình thái của thời gian: rất lý thú khi anh cho rằng thực thể sống trở thành mình bằng cách trở thành khác mình, nghĩa là quá khứ tương lai gắn chặt với nhau qua nghiệm sinh hiện tại.

 Điều đặc biệt nữa, khi anh cho rằng: thời gian người là phi thời gian khi duy nhất chỉ con người biết liên hệ, tái sinh, nhập vào người chết qua tư duy, tác phẩm của mình, để tái tạo lại mình. ( Đây là một ý tuyệt hay đặc biệt cần dành cho (cái gọi là) các szekta-giáo phái tâm linh mà thời đại nào cũng mọc lên nhiều như nấm mùa Xuân!)

  1. Một nhân sinh quan mới: anh phân tích 11 luận đề về Feuerbach.

        Đọc lại TDTD lần này tôi đặc biệt thích chương này, trái với cảm tưởng  trước kia phần cuối cùng hay nhất, hình như đây mới là phần hay nhất của cuốn sách.

Cũng như đọc hết phần II. hiểu tại sao TDTD là một tác phẩm khó đọc: không phải vì văn phong quá đặc thù của tác giả, hay vì nội dung triết nặng nề rắc rối khó hiểu, mà chính vì cách đặt vấn đề của anh rất MỞ, động đến nhiều lĩnh vực khác cần quan tâm, suy luận.

Vậy là tôi vừa tóm tắt những ý chính, vừa viết ra những suy nghĩ (giữa chừng) của mình. Tiếp như sau:

Tác phẩm này của anh muốn nói đến điều gì cốt lõi?

 Phương pháp tư duy? –Tối ưu nhất trong thời đại này là phương pháp tư duy theo duy vật biện chứng? Chưa có phương pháp tư duy khác hữu hiệu hơn?

Tính chất của (cái gọi là) Duy Vật ở đây có phải là:

1/tính cụ thể (hoàn cảnh cụ thể, hành động cụ thể, phân tích cụ thể)

2/ cái mà phái Duy tâm (gọi là) trực giác, theo phái duy vật đó là cảm tính của người, chỉ con người mới có. (phải chăng vì chỉ con người biết mơ ước, khao khát? -NHN)

3/ phải có sự thay đổi cụ thể (giữa những con người chính là thay đổi xã hội, thay đổi quan hệ), còn gọi là: hành động cách mạng.

Tính chất của phép biện chứng ở đây là:

1/ Quy luật lượng biến thành chất

2/ Quy luật thống nhất của các mặt đối lập

3/ Quy luật phủ định của phủ định.

 

Và biện chứng pháp của Marx là: quan hệ nội tại (bên trong) của ba quy luật. Nghĩa là: biện chứng pháp của Marx phải đặt trong các quan hệ xã hội của con người với nhau mới có ý nghĩa?

A, đến đây hiểu ra rồi: toàn bộ thuyết duy vật biện chứng như anh viết đều chỉ có ý nghĩa, áp dụng được trong quan hệ xã hội người với nhau mà thôi, ngoài con người ra, không có ý nghĩa nào hết.

Và vì ở trong quan hệ người với người trong xã hội, nên nó bắt buộc phải thông qua ngôn ngữ là công cụ để hiểu nhau, để sống (như người với nhau).

 

Bởi vậy 3 quy luật trên áp dụng vào quan hệ con người sẽ thành:

1/ Q/l Lượng chất: là mối quan hệ người sống với người chết (truyền lại gia tài văn hóa các thế hệ, trước hết qua ngôn ngữ). Nghĩa là người ta muốn thành người trong xã hội người, trước hết phải học những gì của người đã chết để lại (môi trường văn hóa đầu tiên? tiếng mẹ đẻ? - NHN). Nghĩa là tự dưng không thành người mà phải Học.

 

2/ Q/L Thống nhất của các mặt đối lập: là quan hệ nội tại của các mâu thuẫn (nói như Hamvas Béla: đây là sự thống nhất của Đời sống nằm trong Sự sống)

 

3/ Q/l Phủ định: khi hiện tượng tự nhiên được con người nhận biết, tiếp nhận qua quá trình Học, sẽ trở thành một quan hệ văn hóa người, không chỉ là vật chất hoặc tự nhiên thuần túy nữa, nên nó là Phủ định. Phủ định tính chất đầu tiên của chính nó.

 

Phủ định của phủ định: Theo anh đây là khi một giá trị của (đời sống) biến thành một giá trị xã hội chung (quá trình học để thành người như một quá trình xã hội hóa-còn gọi là quá trình phủ định của phủ định? -NHN)

Hiểu rõ biện chứng pháp theo anh là hiểu rõ ba quy luật này như một quá trình thống nhất của con người với tính chất vật chất, môi trường sống và với chính bản thân nó.

Ngôn ngữ-theo anh-là công cụ chỉ con người có và duy nhất để trở thành người.Từ đây dẫn đến chương III nói về Tri thức- như một hậu quả của quá trình Dùng ngôn ngữ người.

 

Phần III: NHỮNG NỀN TẢNG KIẾN THỨC

 

Freud với Tiềm thức mở đường cho tâm lý học trong lĩnh vực nhân cách hóa con người.  Anh lưu ý đến tính lịch sử của con người: tính lịch sử cá biệt và tính lịch sử xã hội khi xét quá trình nên người của con người (biện chứng)

 

Chương hay nhất trong phần này của anh: Thị trường, phương trình hóa con người. Theo anh, bộ môn kinh tế học, nhất là kinh tế thị trường là phi nhân tính và phi xã hội nhất. Thị trường, trong quá trình phương trình hóa con người đã khiến con người đồng chất với vật thể (tiền) và là quá trình phản xã hội người.

 

Nhưng chương đúng chất PHD nhất phải là chương tiếp theo trong phần III: Chính trị, nghệ thuật làm người.

Từ những khái niệm cơ bản: Tự do, bình đẳng, đồng nhất, phân tích sâu xã hội Hy lạp, anh muốn nhấn mạnh nhân tính trong sự phát triển của xã hội người, đấy chính là sự đoàn kết mang tính người, con người văn hóa. Tự do chỉ có thể có khi con người Bình Đẳng trong nhân tính.

Chương cuối như thể chứa chất đầy „quằn quại”  đam mê sống của anh:  Văn chương, máu thịt của ngôn từ.

 

Trong chương này, anh trích dẫn và biện minh tư tưởng của Sartre khá nhiều, qua đó có thể thấy ảnh hưởng lớn lao của nhà văn hiện sinh Pháp này đến anh.

 

Anh khẳng định: nhà văn là người nhân hóa thế giới, môi trường bên ngoài của họ bằng nhân tính cá biệt của họ, và quá trình này làm thay đổi ngôn ngữ, chính là thay đổi nhân loại. Và hành động này thể hiện tự do của con người trong thế giới.

 

Có thể trích dẫn toàn bộ một đoạn ngắn dưới đây để tóm tắt chương cuối sách của anh:

Văn chương trong tư cách nghệ thuật, đòi hỏi một thế giới có thực, cảm và hiểu được trong tất cả chiều kích lịch sử của nó, đòi hỏi một thế giới đã được nhân hóa. Nó là con người được phơi bày những cục cằn của chính mình để đòi hỏi được toàn vẹn. Nó là ký ức vĩnh cửu của sự phù du. Nó tự hiện thực xuyên qua sự tái sinh bất tận của ngôn từ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong mọi ngôn từ nó là tự do. Và đoàn kết.”

 

 

Với tôi đây là một tác phẩm hết sức phong phú, gợi nhiều vấn đề MỞ mang cảm hứng để suy tư, lập luận. Tôi không coi cuốn sách này chỉ như một tác phẩm triết. Nên dành cả cho những ai không thể thờ ơ, hờ hững mà lúc nào cũng hừng hực lửa đam mê sống trong đời.

 Bởi,  tri thức trong tác phẩm này là một cảm nhận trải nghiệm đời sống không chỉ lý thú mà còn sâu sắc của tác giả. Đồng cảm, hòa nhập với tư tưởng và tình cảm của người viết bằng chính trải nghiệm cảm nhận đời sống của chính mình chắc chắn sẽ mang lại một thu hoạch tinh thần hết sức hân hoan.

Với tôi, đọc TDTD của PHD lần đầu tiên mang lại cho tôi một „hưng phấn” bất ngờ: niềm lạc quan, một thứ „xa xỉ phẩm” dường như thiếu vắng hoàn toàn đối với tôi trong thời điểm đó.

Tuy đọc lại bài mình đã từng viết chia xẻ cảm hứng với tác giả TDTD thuở ấy mà không khỏi…bùi ngùi:

 

                                      SUY NGHĨ SAU MỘT CUỐN SÁCH

                                                   (Đọc Tư duy tự do của anh P.H.Đ.)

 

 Thật đáng sửng sốt, mới chỉ ba tháng trôi qua. Ta đã mất khái niệm về bản thân, như một thực thể hiện hữu. Ba tháng, ta không tìm thấy bản thân, ta như đi trong một đám sương mù, rất hẹp, xung quanh không có ai, linh hồn mình, đang trò chuyện, với một linh hồn khác, hay đúng hơn, chỉ đôi khi....

Mối quan hệ bắt đầu từ chữ thật lạ lùng, và tất nhiên như một định mệnh : vài bức ảnh đâu đấy, chụp một chiều, nhìn ngang nhìn dọc chẳng phát hiện gì thêm, vô cảm, có thể nghe một giọng nói, lần thứ nhất mang lại nỗi mừng rỡ vì âm thanh báo hiệu sự sống, những lần sau nghe lại, âm thanh chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng như quan hệ bên ngoài của con người.

 

 Nhưng ta vẫn bị cuốn hút vào chữ, thứ nối những linh cảm con người với nhau.

 Những dòng thư trao đổi, dường như chỉ là những xúc cảm hốt hoảng, loạn xạ, phân vân hay chìm ngập trong nhiều nỗi tuyệt vọng vội vã ta. Anh uốn nắn, điều chỉnh, chỉ ra những mâu thuẫn, những vô duyên trong suy nghĩ, trong cách đánh giá của ta, đúng mực, không thừa, không thiếu.

 

 Giữa chừng, ý tưởng, cảm xúc của ta vẫn ập đến, vẫn dâng trào, muốn giãi bày, hiến dâng, thổ lộ…

Anh bảo : ta đang muốn thổ lộ cùng bản thân.

 

Còn ta, tưởng như đang bấu víu được vào một linh hồn khác, sau quá lâu rồi độc thoại, chán nản, nghi ngờ, không tin mình có sứ mệnh gì ở đời, và muốn chần chừ đi tìm một chốn trú chân : thiên nhiên, tôn giáo, hay chỉ một mình buồn bã bâng quơ ?

 

 Cuốn sách anh trao giống như giọt mưa đầu tiên rơi xuống mảnh đất hạn hán nứt nẻ, giống nhịp tim đầu tiên ta chợt nghe lại từ lồng ngực thoi thóp áp xuống đất ẩm hồi sinh, giống như mầm cây mảnh mai hé lên yếu ớt giữa khe đất của những bức tường bê tông cháy bỏng.

 Anh đã chìa tay cho ta, sửng sốt.

 Để ta sống sót, hay đúng hơn, để ta nhìn thấy lý do sống sót của mình.

 Ta đọc đi đọc lại sách của anh, bài vở, tác phẩm, nghe anh nói trong không gian, để hiểu rõ hơn những điều hình như đáng phải hiểu từ thời niên thiếu,

 để ba tháng nay ngơ ngác : mình là ai, muốn gì, đi đâu, làm được gì, sẽ ra sao,

 để giá gọi được tên những khái niệm vô danh cứ lớn mãi trong tâm hồn, vô thức.

 Hình như :

 ta chỉ gọi tên, mượn khái niệm anh trao : đấy là nỗi đau được viết, nỗi đau được yêu, được làm người …

 Một cái gì bừng tỉnh trong ta, khi đọc sách của anh xong, thấy sự lạc quan trở lại, thấy mình dấn thân ngần ây năm vào những sự kiện đời không uổng phí, khi nhân cách mình không những giữ nguyên xứng đáng, mà ngày mỗi đòi vươn lên những chuẩn mực cao hơn. Đấy là tình người anh kêu gọi từ mỗi trái tim, để đêm đêm ta buốt giá vì thấy xung quanh toàn những nỗi ích kỷ, lòng đố kỵ, tính nhỏ nhen và thói bạc bẽo trả lời ta.

 Anh biết sự lạc quan cải tạo thế giới của anh đã làm Ai nuốt nước mắt vào trong để tin tưởng ? Tư tưởng của anh khiến ta tuyệt đối tin yêu, ít nhất như ta tin vào cuộc đời chừng ấy năm đã trải của mình, như cái Đẹp trong hữu hạn, như khái niệm Yêu trong dáng vô hình của Chữ.

 Có vẻ như yêu tư tưởng anh, yêu sách anh là yêu một lý tưởng ? Vì đời chỉ mải miết tìm, đâu đã gặp bao nhiêu ân tình, nỗi âu yếm, lòng vị tha và nỗi dâng hiến ?

Nhưng có thể không yêu một lý tưởng được chăng, khi ta tình nguyện đi tìm tự do tư duy toàn diện mà văn chương đòi hỏi.

Bởi vậy : tình yêu với tư tưởng anh, với lý tưởng của anh phải đồng nghĩa với định mệnh Yêu- Chết ? với tình yêu sách, yêu chữ, yêu hoa, yêu nhạc, yêu nhảy múa, yêu rơi nước mắt một mình ?

 Ta hiểu đúng chăng ? khi thấy mình chững lại, bớt bâng khuâng, buồn tha thiết hơn và…lại cô độc như xưa…

 Dường như những âm thanh dịu dàng từ gió, từ hoa, từ nắng ấm mùa xuân đang thủ thỉ : hãy đau tiếp đi em ơi ! Cho dù vẫy gọi nhau làm người là chặng đường dài đầy ngộ nhận, lầm lẫn, khổ đau, nhưng hình như cùng đến với hy vọng tương lai khó có con đường khác ?

 Ta ngửng đầu ngắm một trời đầy hoa orgona tím biếc, mơ màng gặp một ánh mắt xanh….

( Nguyễn Hồng Nhung. 2008.04)

 

Tại sao đọc lại bài viết về cuốn TDTD của anh lại… bùi ngùi?

 Bởi tâm trạng Người thông qua trao đổi ngôn ngữ Người mới mãnh liệt làm sao, tuy dấu ấn văn bản của nó thật hạn chế.

Bùi ngùi bởi nhận ra, đối với con người xúc cảm-tình cảm thật quan trọng nhưng dừng lại ở đó chỉ đủ để an ủi, chỉ nhận thức trí tuệ mới giúp con người hành động để sống tiếp.

Bùi ngùi khi đọc lại, bởi chỉ mình mới nhìn rõ nhất những gì đã trải trên con đường đi của chính mình khi bắt đầu đọc, viết và dịch một cách miệt mài.

Trong quá trình HÀNH ĐỘNG –SỐNG bằng ngôn ngữ, dường như tôi từ từ hiểu những trải nghiệm PHD  viết trong cuốn sách của anh, từ những trải nghiệm tư tưởng-tinh thần của chính mình.

 

Tôi bắt đầu thấu hiểu sự PHÙ PHÉP, PHÉP MÀU của ngôn từ mà con người sử dụng, thứ ngôn ngữ (chưa cần phù phép) đã như một con dao rất sắc hai mặt- có thể cứu người và giết người- như nhau cùng lúc.

Lúc nào xảy ra chuyện này?

Khi nhận thức của con người mù mờ trong những mập mờ định nghĩa của những khái niệm của đời sống người.

Hay, như tác giả TDTD viết: khi mối quan hệ giữa „con người vật thể”- „con người sống”-„con người tư duy” không thống nhất, nói cách khác: mâu thuẫn lẫn nhau. Và dường như ba chiều kích này của con người chẳng bao giờ hết đụng độ, hết mâu thuẫn. Phải chăng đấy mới là đời sống Người?

Nhận thức này từng xảy ra với tôi, nên tôi đã viết:

…..

Ôi đã bao nhiêu lần rồi, giá như mọi việc chỉ dừng lại ở CHỮ- nó đã không cần TỪ BỎ- đúng thế, từ bỏ  CON NGƯỜI để…đi tiếp.

 Trong văn bản, trên câu chữ, linh hồn hiện diện như một phép màu. Linh hồn đã phù phép đời sống: nhưng chỉ trên CHỮ mà thôi.

Mỗi con người có một MÔI TRƯỜNG SỐNG và một THẾ GIỚI BÊN TRONG.

Gặp linh hồn trong MÔI TRƯỜNG SỐNG, các hạn chế, các ràng buộc, các mức độ vật chất sẽ phá tan phép màu, vặt trụi cánh  thiên thần, chặt đứt phương tiện bay của ý tưởng…Ôi chao! phũ phàng!

Linh hồn từ THẾ GIỚI BÊN TRONG của nó bước ra môi trường sống, trước tiên hoa mắt chóng mặt lảo đảo sốc bởi hiện thực trần trụi, không cách nào HIỆN THỰC HÓA nổi,  định thần, tĩnh tâm lại, nó sẽ buồn đau rớt xuống đáy, để định thần lại, sẽ…cương quyết ra đi. Từ Bỏ.

…….

Trong lúc vẫn tiếp tục dịch Hamvas Béla, tình cờ nó làm quen và tiếp nhận thêm một thế giới khác ( được mệnh danh là duy tâm-thần học?)qua hoạt động của một nhóm nhỏ, khá lạ lẫm so với cách nghĩ (đã thành nếp) của nó khi đang sống trong cái ý thức hệ của thời đại này, vẫn là một thời đại duy vật, dù nhận thức ra hay không.

 Đây là một điều hết sức lý thú của cái thời đại nó đang sống, dù con người trong thời đại này muốn nghĩ họ đang theo cái gì, các „thành quả”mang lại từ khoa học, triết học, nghệ thuật, văn hóa, vẫn cứ „đẻ” ra hậu quả của nó:  những con người hôm nay thực chất  vẫn là những con người duy vật, và không thể khác (hahahahahaha).

Tóm lại: cứ như một quá trình (phát triển) vừa …vô tận, vừa…có giới hạn của Sự sống, NÓ…từ từ hiểu ra PHÉP MÀU của ngôn ngữ người sử dụng, như một công cụ hành động.

Nhưng đồng thời, nó cũng biết: chẳng mấy ai hiểu ra cái gì cả, vì: chỉ hiểu sau khi đã Trải! (lại duy vật nhé, có chạy đi đằng giời!-hè,hè,hè…)

Đọc- viết- suy tưởng- hình dung, nhưng đến khi tiếp xúc cụ thể mới nhận ra:  Lời và Hành động của cái thế giới( duy tâm-thần học) ấy không đi đôi với nhau, đúng hơn: đấy là lời của… ảo vọng người. Từ điều này, nó vỡ lẽ ra một „chân lý” muôn thuở: tôn giáo quả thật vẫn chỉ là khát vọng của nhân loại.

Tại sao tự dưng vỡ lẽ ra thế?

Vì ngấm những điều dịch từ Hamvas Béla lâu rồi: hiện thực là thứ phải được hiện thực hóa, còn không, chỉ là ý tưởng suông . Và: chừng nào Lời và Hành động còn tách ra làm hai, chừng đó tất cả  vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, khi Lời và Hành Động là một, bắt buộc dẫn đến sự thay đổi tận gốc rễ, không thể khác.

Sau khi vỡ lẽ, chợt Tỉnh: Ơ! té ra Hamvas Béla có cái nhìn (không duy vật) thì cũng biện chứng, giống như tác giả của TDTD? hahahahahaha…

Chợt THẤU HIỂU những gì nó đã dịch! hà,hà,hà…Cực kỳ!

Điều hay ho nhất: chợt nhìn thấy rất rõ sự mù mịt của bản thân nó từ trước tới nay, điển hình của một kẻ sống trong thời đại(có thể) hiểu hoàn toàn về duy vật biện chứng, duy tâm chủ nghĩa, thần học, tôn giáo…nhưng lại  không hiểu gì cả bởi  đã tự đánh mất mình trong mớ kiến thức hỗn loạn của nhân loại, chỉ vì chưa: ĐỘC LẬP suy nghĩ.

Cần phải đọc TƯ DUY TỰ DO lại lần nữa!- ý nghĩ này nhen nhóm.

Tuy nhiên: nếu thiếu cái đống” tri thức hỗn loạn” có lẽ Nó cũng chẳng hiểu cái gì ra cái gì, nó đã nghiến ngấu tất cả mớ đấy trong những cơn ưu phiền, tuyệt vọng, buồn bã, bấu víu, đi tìm lối thoát cho những  vô nghĩa…

Tóm lại: ai cũng sẽ hiểu ra thôi-khi cơn NHẬP ĐỊNH đến-hè,hè,hè…

…..

Sự nhập nhằng (tất yếu) của ngôn từ -như sự xen kẽ muôn vàn yếu tố khác biệt trộn lẫn nhau của đời sống người sẽ làm yếu bóng vía cái Trí của ta, khi ta cố gắng đào sâu suy nghĩ, hướng tư duy đến những điều cao cả hơn trong cuộc sống để hành động  như một giải thoát?

Làm thế nào để HIỂU đúng đây? vì mù mờ nhận thức sẽ chập chờn hành động.

Và thế nào là TỰ DO? Tư duy đúng đã đủ cho tự do của con người hay chưa?

 

Đọc lại TDTD của PHD trong lúc đang miệt mài đọc và dịch Hamvas Béla quả là một điều lý thú. Tha hồ có cái để suy ngẫm.

Tôi cố gắng đọc kỹ Hamvas Béla, cố gắng hiểu sâu, hiểu hết những khái niệm cơ bản như Truyền Thống, Nhập Định trong tác phẩm của ông để hiểu tại sao người ta vẫn cứ tranh cãi nhau không ngừng về tư tưởng của ông, về những tác phẩm vô cùng kỳ lạ bởi các chất liệu (được gọi là) duy tâm lẫn duy vật xen kẽ nhau một cách huyền bí  như cuộc đời nhà „Thần học” đặc biệt, độc nhất vô nhị  xứ Hungary.

 

Hamvas Béla từng viết: Đời sống không có mục đích; nhưng đời sống có ý nghĩa. Con người cần tạo dựng tác phẩm từ bản thân mình, để trở thành vĩnh cửu. Quá Trình Thành Người chính là quá trình xây dựng nên những tác phẩm cuộc đời.

Hamvas Béla đã tự chứng minh được điều đó.

 Phan Huy Đường cũng nhắc đi nhắc lại một tư tưởng cốt lõi trong cuốn sách của anh: con người phải Học Làm Người mới nên Người.

Trong ý nghĩa ấy TƯ DUY TỰ DO đã góp phần làm nên tác phẩm cuộc đời xứng đáng cho Phan Huy Đường.

        ( Kỷ niệm Ngày Sinh.- 2013.09.28)

                                                             

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3034
Ngày đăng: 01.10.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi. - Quỳnh Thi
Dưới bóng cây mùa hạ - Vinh Anh
Mùa hoa ô môi, rung động thuở đầu đời - Nguyễn An Bình
Chuyện thị phi - Võ Công Liêm
Đảo ngọc Phú Quốc Thiên đường nắng gió - Minh Nguyễn
Đêm hè Thủ Đô - Nguyễn Hồng Nhung
Kỳ thi cuộc đời - Nguyễn Nguyên Phượng
Hạ ký - Nguyễn Hồng Nhung
Hamvas Béla (trích: Hyperio Hungary) - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Hòa của VCV - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)