Sự hiện hữu chính mình
Một khi thi nhân cảm thấy sự giao động tinh thần, nhưng không ý thức được nguyên nhân. Cho dù phải lao tâm khổ tứ, họ vẫn luôn tìm hiểu để nhìn thấy được sự phức tạp lung linh từ tâm hồn. Chesterton nói: “không thể dùng tam đoạn luận để rút tỉa lấy linh hồn sự vật, cũng như không thể dùng câu liêm để kéo con quỷ Léviathan trong Thánh Kinh”. Như vậy, thần linh có còn tồn tại không màu sắc trừu tượng, mà được thể hiện trong sự viên mãn vô biên của từng cá thể con người? “ Người ta muốn biến mình vào trong cái viên mãn vô biên để thấy vô cùng thể hiện bởi hữu hạn. Dionysos tượng trưng cho sự thể hiện ấy. Con người cũng tan mình vào trong sinh khí mênh mông: Anh sống không phải tự anh sinh sống/ Đó là đời sống đến thăm anh trong chốc lát! ”. Cát Hoàng đã thả mình theo bản năng và đang nếm vị thú đau thương… để rồi tìm thấy sự hiện hữu chính mình.
Khi thể xác linh hồn lưu vết răng ngộ nhận
Anh đóng đinh lên thập giá đời mình
Nếu đam mê là có tội
Anh xin thôi làm kiếp con người
Ý niệm rõ ràng về sự bi thảm, con người đang phân vân về ý thức bi quan. Làm sao để nhận thức được tiếng vọng từ cõi nào… tạo ra dải tần âm điệu bi thảm miên man, giữa lúc văn chương lãng mạn dường như đã bị lu mờ. Có thể con người đang mê sảng? Nhưng với tâm hồn thi nhân, từ chương tình yêu hóa thành lời nói rất thật từ trái tim.
Nếu trái tim chỉ biết hối lỗi
Thì đời đã đóng khung định nghĩa tình yêu
Không thể khái niệm văn chương đang ẩn tàng trong quan niệm định mệnh. Thi-văn nhân đã và đang suy gẫm tính duy lý để trấn an lòng tin vào đời sống. Họ nhìn chiêm nghiệm một bức tranh xã hội luôn mâu thuẫn giữa chân lý và nghịch lý, họ đang tìm lối vượt thoát ra khỏi sự đau đớn mãnh liệt thoát thai từ ảo tưởng, mà cứ ngỡ đó là chuyện thường tình.
Thứ trái đắng càng nếm càng khát
Thứ lửa xanh anh tự lao vào
Thứ chân lý tưởng chừng nghịch lý
Tự tổn thương nhau để chẳng quên nhau
Cái chết đã thắng. Con người mãi nghĩ như thế sẽ đau khổ, vò xé hay hợm hĩnh? “người ta trở lại ngưỡng vọng tìm đến ngọn nguồn của đời sống, đến uyên nguyên của đời sống – Giorgio Aurispa”. Đối với văn nghệ sĩ, họ đang cách điệu để diễn tả cái trống rỗng khốn cùng. Tuy nhiên nó hàm chứa “duy thực nghiệm” vô hình sự quán tưởng tử, sinh.
Khi thể xác linh hồn anh nhẩm dấu răng ngộ nhận
Thượng đế sắp thôi trách nhiệm về anh
Thì máu sắp khô tinh sắp cạn
Anh tự soi gương cười cợt đời mình
Một thứ văn chương cảm năng được hình thành từ nỗi khát khao và niềm hy vọng. Cát Hoàng thi sĩ đã khám phá ra tín điều luân lý lẫn tín điều tri thức. Thi sĩ hân hoan với sự khám phá… mạc khải bản ngã chính mình. Thế nào là ý niệm tự nhiên về cách sống mãnh liệt và thành tâm. Thượng đế chỉ là một sản phẩm không thể cứu rỗi những gì một khi vũ trụ hỗn loạn (?)
Còn chút đam mê dốc vào canh bạc cuối
Tựa nắng qua đầu tựa mây qua cầu tựa bướm quơ râu
Thánh Valentine mà sống lại
Chắc cũng như anh thương tích sần sùi
Tây Ninh mùa mưa 2013
Vết răng ngộ nhận - thơ Cát Hoàng
Trích: Mưa mây 2009 Nxb Văn nghệ Tp HCM