HAMVAS BÉLA :
( Kỷ niệm ngày Cách mạng 1956 của nhân dân Hungary chống lại chế độ đương thời theo chủ nghĩa độc tài Stalin và sự chiếm đóng của quân đội Xô Viết. Đây là một trong những sự kiện chấn động nhất của nhân loại thế kỷ XX, bắt đầu từ ngày 23.10.1956 kéo dài đến ngày 11.11.1956 tại Budapest-Hungary- Người dịch )
…Hãy đừng quên, trước cả chúng ta, những gì những người khác đã viết, đã vẽ, đã khắc vào đá, đã suy ngẫm tận cùng, thậm chí họ đã chiến đấu, hoặc đã thất bại…
….rằng: điều gì đã xảy ra ngày hôm nay, chúng ta đều biết.
Toàn bộ văn chương, toàn bộ báo chí, âm nhạc, hội họa, nghệ thuật, khoa học, chính trị đã phản bội lại năm một nghìn chín trăm năm mươi sáu.
Phản bội bằng điều gì? Rằng, vẫn cần phải sống. Không ai dám chết, giống như những công nhân, học sinh và trẻ em dưới những chiếc xe tăng Xô Viết.
Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, thày thuốc, kỹ sư, bộ trưởng, quân dân, nông dân, công nhân. Chưa bao giờ dân chúng lại bị bỏ rơi đến thế. Không có bất kỳ loại của cải, công danh, quyền lực nào có thể xứng với thứ giờ đây phải trả giá. Không có sự sâu sắc và cao cả nào của đời sống không sụp đổ tan tành dưới sự phản bội này.
Rồi một năm nữa qua đi, mọi người sẽ sống như thể chưa bao giờ từng xảy ra chuyện gì. Như thể sự hèn hạ này, sự hư hỏng thảm hại, tha hóa, bẩn thỉu và đê tiện này trong dân chúng chỉ có một lần, duy nhất một lần, và sự thật không thể một mình ngời sáng, và tất cả mọi người không thể nhất trí thốt ra lời một lần, những ai sống ở đây, trái với quyền lực ngàn lần.
Kẻ nào đã phản bội, giờ không còn là hèn hạ, không còn là đê tiện, không còn là hư hỏng, không còn là thảm hại nữa. Họ lại tiếp tục sống, tiếp tục ca hát, tiếp tục vẽ, tiếp tục diễn thuyết và tiếp tục dạy dỗ.
Quả thật không có gì xảy ra?
Tôi đã suy nghĩ nhiều năm, nếu một lúc nào đó lịch sử đạt tới sự thật, người ta sẽ nói gì về khoảng thời gian tiếp theo năm một nghìn chín trăm năm mươi sáu, về những con người, những kẻ sáng tác nhạc, tạo dựng các bức tranh, diễn trên các sân khấu, những kẻ ăn ngon uống say, thay vì phải nghiến răng lại.
Không viết đáng giá hơn viết.
Thay vì, cần phải bỏ đi mà phát cỏ và chặt cây, thì thi hành và tiền bạc đáng giá hơn đối với họ.
Ban đầu tôi cứ tưởng những cái tên ngày hôm nay còn lưu lại để một nghìn năm sau người ta vẫn nhổ nước bọt lên. Nhưng tôi quá biết những người Hung. Ngay lập tức họ tìm cách bào chữa, và vừa thì thào rằng họ phải chịu đựng biết bao nhiêu họ vừa nhét vào túi những tập tiền nhàu nát - những con tin ngỗng quay béo mập.
Tôi đánh cuộc rằng, như những cảm tử quân khắc tên mình vào lịch sử, những kẻ mất dạy bẩn thỉu này sẽ tâng bốc, ca ngợi lẫn nhau, và dẫn dắt nhau vào lịch sử, một cách rón rén giữa những Berzsenyi, Csokonai, Petőfi, Bartók, Csontváry, Arany và Kemény, thay vì để người ta bêu riếu như những hình nộm ghê tởm: đấy, những kẻ mà chiếc cà vạt lụa quý hơn năm một nghìn chín trăm năm mươi sáu.
Như thể đấy gọi là cuộc sống, thứ mà những kẻ này sống, như thể đấy là thi phẩm, âm nhạc, tác phẩm sân khấu, những thứ họ tạo ra, như thể có thể sống giữa những điều kiện như vậy cho dù trong nhà máy hay trong văn phòng.
Tất nhiên vẫn cần phải sống. Vô cùng khó khăn. Và nếu vô cùng khó khăn, tất vô cùng khó khăn. Chui lủi và im lặng, nhận việc ăn lương theo ngày, nghiến chặt hàm răng và không nổi loạn, đúng hơn nổi loạn nhưng không tự cho phép, sống trong cơn đau thắt đáng nguyền rủa và căng thẳng, nhưng không tự cho phép. Đâu rồi những cái tên ngoài nhà tù mà không dính bùn bẩn?
„Không còn bất cứ cái gì thiêng liêng mà dân chúng này chưa nhục mạ, chưa đánh chìm nó xuống giữa những hèn hạ, và cái vẫn tồn tại trong sạch thiên thần giữa đám tàn bạo, sẽ bị những kẻ man rợ nghịch ngợm săn đuổi như một món hàng, và chúng không thể làm khác- Nơi con người bị lăng nhục, ở đó không thể sống khác, ngoài sống vì quyền lợi riêng, tìm kiếm lợi nhuận riêng, nơi không bao giờ còn trái tim, kể cả khi người ta hành lễ, người ta yêu hay cầu nguyện - (Hölderlin)
Rồi người ta sẽ biện minh cho chúng. Người ta tẩy rửa chúng, đưa chúng vào từ điển bách khoa toàn thư, vào lịch sử văn học và lịch sử văn hóa, như những kẻ đã thực hành những giá trị mỹ học cao siêu.
Đây sẽ là loại lịch sử gì?
( Trích tiểu luận triết học: Patmosz)
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung