Có một bài thơ của thi sĩ Đinh Hùng nhắc đến Schubert, nhạc sĩ lừng danh người Áo (1797-1828). Bài thơ Đinh Hùng nói về dạ-hội trá-hình, nơi các người tuổi trẻ tụ họp để vui chơi ca hát, ăn mặc sặc sỡ, mang mặt nạ trá hình để tạo sự ngạc nhiên cho nhau. Một kiểu gặp gỡ vừa thơ mộng vừa tình tứ vừa hài hước; một dịp để trai gái tạo cơ duyên và giải trí, thường tổ chức vào những ngày cuối tuần. Vậy tên nhạc sĩ Schubert được nhắc đến trong thơ nói về dạ hội thì nhạc Schubert ắt phải là nhạc dành cho cuộc vui và lãng mạn thơ mộng. Bài thơ với những câu đẹp như sau:
Đèn quanh thủy-tạ, hội đêm hè
Em đến phương nào? Đây ngựa xe
Đây nước hoa chìm, giăng ẩn hiện
Thơ phòng khánh-tiết, nhạc Schubert.
Mời các cô em trang điểm vào
Má hồng gợn chút mới thanh tao
Thuyền thơ anh đợi nghiêng tình tứ
Nghìn chiếc hôn bay, thoảng phấn đào.
Khiêu vũ đêm nay, mộng trá hình
Trong vườn Quên Lãng, áo ai xanh?....
(Trích trong bài: Dạ Hội)
Chỉ mấy câu thơ ấy thôi, ta cũng đã thấy bày ra một cuộc vui đầy màu sắc thời trang, với trá hình mang mặt nạ những con thú, với hương phấn, ngựa xe, đèn hoa, trăng nước, ăn uống và khiêu vũ suốt đêm… Nhạc Schubert trình tấu ở nơi đây chắc là thích hợp? Coi lại vài chi tiết về tiểu sử sự nghiệp của nhạc sĩ Schubert thì ta được biết cuộc đời ông nhiều bất hạnh (thuộc gia đình không mấy khá giả, đường tình không hạnh phúc, vướng bệnh ngặt nghèo, rất tài ba mà không gặp vận, mất sớm lúc mới 31 tuổi, tác phẩm chỉ được đón nhận tốt vào những năm gần cuối đời và chỉ lừng lẫy từ hơn 65 năm sau cái chết của ông). Nhưng về chất nhạc, ta cũng được biết nhạc sĩ này là một trong những nhà soạn nhạc tiền phong của dòng nhạc lãng mạn thơ mộng của nước Áo ở vào thế kỷ 18, thường phổ nhạc các bài thơ tình. Ví dụ như nhận định sau đây của nhà soạn nhạc Ernst Krenek (viết năm 1947): “Schubert was a lucky inventor of pleasing tunes… lacking the dramatic power…” . Hoặc như nhận định của nhà soạn nhạc Robert Schumann (viết năm 1835): “Schubert’s practice here was a forerunner of the common Romantic technique of relaxing…” (trong “Wikipedia, the free encyclopedia”). Vì tính chất vui tươi của dạ hội, vậy tên nhạc sĩ Schubert được nói đến trong bài thơ này của Đinh Hùng không trái khoáy mà rất thích hợp.
[Nhạc sĩ ngưới Áo Franz Schubert (1797-1828)]
Như thế, nhạc Schubert là nhạc thơ mộng, lãng mạn, tươi vui hơn bi thương. Vậy tại sao bản nhạc Dạ Khúc lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy (tức “Serenade of Franz Schubert”) nghe thật là thê thiết, với những lời như: “ Chiều buồn nhẹ xuống đời/ Người tình tìm đến người/ Thấy run run trong chiều phai/ Vẻ sầu của đóa cười/ Tình bền của lứa đôi/ Thoáng hương trong chiều rơi… Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu/ Cho tình cứ úa phai mau/ Cho người cứ mãi phụ nhau…Cuộc tình vĩnh viễn xa vời/ Chỉ còn thương nhớ mà thôi/ Bóng tối buồn, không lời.”. Những người biết rõ lời nhạc của Schubert qua nguyên tác bằng tiếng Đức, đã nhận định lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy như sau: “Lời dịch của ông tuy hy sinh sự chính xác của ngôn từ, nhưng giàu tính thẩm mỹ của cảm nhận âm nhạc” (trong “Wikipedia, the free enclyclopedia”). Tính thẩm mỹ của cảm nhận âm nhạc, nhận định như vậy theo thiển nghĩ có vẻ mơ hồ, không thấy nêu rõ vì sao tiếng nhạc thơ mộng vui tươi chuyển thành tiếng nhạc chẳng những buồn (vì lãng mạn thơ mộng cũng đôi khi buồn man mác) mà còn thê thảm, nghe rất đau thương. Theo thiển nghĩ, sở dĩ bản nhạc “Serenade” của Franz Schubert trở thành bi đát với lời Việt của Phạm Duy là do nhạc sĩ Phạm Duy xúc động vì một cuốn phim hư cấu khá thê thảm cuộc đời của nhạc sĩ Schubert. Nhà làm phim thêm thắt nhiều chi tiết bi thương, hòa nhịp với từng bản nhạc của Schubert, mà có khi cuộc đời thật và bản nhạc không thực sự có liên hệ. Đó là cuốn phim Pháp, tựa đề “Khúc Nhạc Dang Dở” (Symphonie inachevée, phim sản xuất năm 1933, có trình chiếu ở Sài Gòn khoảng giữa thập niên 1950). Khúc nhạc dang dở cũng là nhan đề một bản nhạc của Schubert, nhưng do bản nhạc ông để lại chưa xong, nên người đời sau đặt tựa đề như vậy. Người ta cũng không rõ nguyên nhân ông bõ dở không hoàn thành bản nhạc, có thể do bệnh tật, có thể do không còn hứng làm cho xong. Nhưng tựa đề ấy được nhà làm phim đồng-hóa với mối tình dang dở, mối tình không toại-nguyện ấy trở thành nguyên nhân của bản nhạc nửa chừng. Mà thật ra cuộc tình không xong với cô học trò âm nhạc, một công nương quý tộc, không mấy sâu đậm đối với nhạc sĩ Schubert. Cũng có một bản nhạc của ông cho mối tình chỉ hơi chút buồn này, nhưng không phải bản nhạc lừng danh “La Symphonie inachevée - The unfinished Symphony ”, mà là bản “Fantasie in F minor”: “It has been said that he held a hopeless passion for his pupil, the Countess Karoline Eszterhazy, but the only work he delicated to her was his Fantasie in F minor for piano duet” (trong “Wikipedia, the free encyclopedia”).
(Tài tử Hans Jaray, vai nhạc-sĩ Schubert trong cuốn phim Pháp: “Symphonie Inachevée”-1933)
Nhạc sĩ Phạm Duy xúc động vì trong phim có những đoạn thấy thương cảm nhạc sĩ Schubert, như có lần ông được mời vào cung điện hòa tấu cho buổi khiêu vũ ở lâu đài quý tộc. Nghèo đến nổi không sắm nổi bộ đồ đại lễ dành cho nhạc-trưởng dàn nhạc giao-hưởng, ông phải đến tiệm cầm đồ để mướn. Nhạc sĩ không hay biết, và không ai nhắc khéo giùm, cái miếng thẻ thuộc tiệm cầm đồ vẫn còn dính trên bộ đại lễ suốt buổi trình diễn trước mắt các quan khách, công nương, công chúa. Hoặc ở đoạn cha của công nương Karoline Eszterhazy, vì không muốn nhạc sĩ có mặt tại lâu đài lúc tổ chức một sự việc trọng đại, đã giao cho Schubert công tác phải đi xa vài hôm, rồi tiến hành hôn lễ cho công nương với một công tử. Nhạc sĩ hay tin trở về, chỉ còn biết thẫn thờ nơi băng đá trống trước lâu đài, em gái công nương đến an-ủi đôi lời chia buồn (có lẽ vì vậy mà nhạc sĩ Phạm Duy mới viết thành những lời trong bản Dạ Khúc “Serenade”: Cho người cứ mãi phụ nhau). Cũng theo trong phim: Với mối thất tình này, nhạc sĩ Schubert đi tìm sự cứu rỗi giúp giải thoát linh hồn nơi các thánh đường, và sau đó sáng tác nên bản nhạc bất hủ “Ave Maria”. Nhưng thực sự, quy chiếu với các giai đoạn sáng tác của Schubert, bản Ave Maria do nhạc sĩ phổ từ bài thơ nhan đề “The Lady of The Lake” của Sir Walter Scott, vì vậy chắc không phải do đi tìm sự cứu rỗi sau mối thất tình. Những giai đoạn “cuộc đời/sáng tác nhạc” của Schubert theo trong phim, ta thấy tương tự với những giai đoạn “cuộc đời/sáng tác thơ” của Hàn Mặc Tử: cũng bệnh tật, nghèo, thất tình, đi tìm giải thoát linh hồn nơi tôn giáo, yểu mệnh chết sớm. Chắc do xúc cảm khi coi phim, liên tưởng đến Hàn Mặc Tử, mà nhạc sĩ Phạm Duy mới đặt lời Việt bi thiết cho bản “Serenade” của Franz Schubert. Thực sự nhạc của Schubert rất mỹ miều, thơ mộng, vì vậy ông đã được gán cho những danh hiệu như “nhạc sĩ thi sĩ hơn hết” (the most poetic musician), hoặc danh hiệu “bậc thầy vô-địch của lời tình ca đẹp” (the unrivaled master of lyrical beauty). Vậy thì có thể nói Schubert không phải nhạc sĩ của tình ca bi thiết. Từ ngữ “serenade” được nhạc sĩ Phạm Duy có khi chuyển thành nhan-đề là Dạ Khúc (đối với bản Serenade của Schubert), có khi với nhan-đề “Chiều Tà” (đối với bản serenade của Enrico Tocelli). Ý nghĩa nào cũng được vì Serenade là thể loại ca khúc lãng mạn (không nhất thiết quy định ý nghĩa về thời gian), thường được các chàng trai khi chiều tối đứng dưới cửa lầu, hát để tỏ tình với người đẹp. Đó là một tập tục đã có từ thời trung cổ ở Âu Châu.
Có một phiên-bản Việt ngữ khác cho bản nhạc Serenade của Schubert với nhan đề “Giấc Mơ Chiều” của nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân (Có lẽ chính hai ông bà Phạm Ngọc Lân trình bày bài hát này trong Youtube Music. Xin tìm đến nơi tiêu-đề “Sérénade de Schubert – Giấc Mơ Chiều”). Lời Việt của phiên bản này thơ mộng, không lắm đau thương. Nhưng nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân cũng phát biểu như sau khi có khán thính giả hỏi về lời ca qua Internet: “Lời Việt trong bài này hoàn toàn theo ý riêng của người viết lời, không phải dịch theo bản của của Đức hay của Pháp” (ghi chép lại trong “Youtube-Music”, ngày 23 tháng 6 năm 2011). “Theo ý riêng”, nhưng có lẽ phiên bản này khớp với chất nhạc dành cho tình ca đẹp của Schubert. Xin trích ra đây để song hành với phiên bản nhiều xúc động bi thương cũng viết theo ý riêng (cảm nhận thẩm mỹ âm nhạc) của nhạc sĩ Phạm Duy. Và đây là lời Việt của nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân: “Chiều dần nhẹ buông/ Giăng mờ sương dần xuống/ Vẳng xa… chuông ngân ru hồn ta/ Bầy chim mỏi cánh/ Bay tìm về tổ ấm/ Nhắc ai… cô đơn trong chiều phai/ Chạnh lòng nhớ bóng ai xa vời/ Người yêu từ muôn kiếp khôn nguôi/ Mong người còn nhớ thương ai/ Ngày mai sẽ nắng lên rạng ngời/ Để tâm hồn như áng mây trôi/ Trôi về nơi ấy người ơi/ Rồi một ngày nào đến sẽ sum vầy/ Rồi tan hết ưu phiền/ Sống bên nhau đôi tâm hồn chung vui buồn/ Lòng hết vướng sầu/ Tình thôi úa màu/ Mơ ngày vui đến bên nhau/ Mơ thành câu hát ngàn sau/ Mơ… mơ trong chiều… mơ… chiều”.
Bản Serenade mà Schubert phổ nhạc từ thơ của Ludwig Rellstab, nguyên tác bằng Đức ngữ. Bản tiếng Đức rất dễ truy tìm, nhưng bản bằng tiếng Pháp viết cho đàn piano hình như cũng theo “ý riêng” của người soạn dành cho đàn dương-cầm. E rằng trích ra đây bài thơ của Ludwig Rellstab bằng tiếng Đức thì độc giả Việt (cũng như người viết bài này) không bao nhiêu người đọc được để biết tường tận ý nghĩa bản nhạc phổ thơ “Serenade” của Franz Schubert, mà bản tiếng Việt đúng với bản tiếng Đức thì không có. Vì vậy, xin trích ra đây bản Anh ngữ chứa đựng những lời tình-ca đẹp mà một khán-thính-giả (không thấy nêu tên) trên Youtube-Music đã công bố khi có một người tên Donald ngày 6 tháng 8 năm 2008 thỉnh cầu tìm giùm bản dịch đúng với nguyên tác tiếng Đức “Stanchen” (tức Serenade”). Và sau đây là phiên bản Anh ngữ ấy (chắc có thể để hát): “My songs quietly implore you/ Through the night/ Down to the silent wood/ My love, come to me/ The tree tops whisper/ In the light of the moon/ Don’t be afraid, my love/ No-one will observe us/ Can you hear the nightingales?/ Oh! They implore you/ Their sweet laments/ Pleads with you on my behalf/ They understand the yearning I feel/ They know love’s torture/ With their silvery notes/ They touch every soft heart/ Let them touch yours, too/ Sweet love: hear my plea/ Trembling, I await you/ Come, bring me bliss”.
City of Walnut, California, tháng 6 năm 2013