…..
„Ngôn ngữ chạm vào thế giới bên trong của con người”- ta đã viết, và những người bạn thừa nhận.
Bởi vậy có những lúc đọc nhau thở dài, có những lúc vui nhẹ lâng lâng, có những lúc thấu hiểu tại sao chỉ biết im lặng, không phải vì ngôn từ bất lực, mà chỉ vì nó như sự sống, luôn luôn MỞ, tỏa ra tận cùng mọi ngả đường đời, và vì thế nếu nó dễ dàng mang đến tình yêu, tình thương bao nhiêu, cũng dễ dàng mang đến sự hiểu lầm, hiểu sai, khiến người dè dặt người, xa lánh người nhanh bấy nhiêu…
Thế giới bên trong của con người là đáy sâu hồ nước của đời sống, không kém phần bí hiểm và vô hạn như đáy đại dương của sự sống, và ngôn ngữ người là cây gậy dài vô tận khuấy động đến tận đáy sâu đó. Bằng cảm xúc người. Duy nhất chỉ cảm xúc người gây hiệu quả.
Bạn nghĩ rằng nhân gian là huyễn, là ảo, cần từ bỏ nhân gian mà đi, nghĩa là từ bỏ, chống trả cảm xúc. Để mặt hồ im lặng phẳng lờ như chưa hề có cơn gió nào thoảng qua, để nước lặng thinh biến thành mặt gương soi rõ những gì có dưới đáy hồ nước đó, để lồ lộ hiện hình thế giới bên trong của con người.
Để làm gì? Để thấy rõ điều gì bạn biết không? Khát vọng người! đúng thế-giống như cảm xúc người, khát vọng người là ngọn lửa vô hình mãnh liệt nhất, giúp bạn thấu hiểu đời sống này, sự sống này.
Có lẽ chúng ta chỉ khác nhau khi chọn cách thức hành động. Vậy thôi.
Hiện thực hóa cái đời sống hiển hiển của kiếp người này duy nhất chỉ có thể bằng hành động, cũng chính là đi theo cảm xúc và khát vọng người đấy bạn ơi!- của tất cả ai ai đều giống nhau- gọi tên là gì cũng được, dùng khái niệm, phạm trù nào cũng được: thần hóa, thiêng hóa bản thân.
Tôi biết hành động để làm gì? -để vượt lên cao hơn hết thảy những gì muốn kìm hãm chúng ta lại, không cho chúng ta trở thành một CON NGƯỜI chân chính.
Đúng vậy. Cái vị thần linh còn ghen tị với con người trong các truyền thuyết đấy bạn! Các vị thần linh chưa TU đủ để thành NGƯỜI chân chính thì đúng hơn. Tại sao?
Vì họ đâu thấu hiểu những khổ não ở thế giới bên trong của con người, những khổ não chỉ con người lĩnh đủ trong một kiếp sống, nhưng bắt buộc phải có, phải trải qua, để SÁNG TẠO, bạn ạ, sáng tạo lại chính mình, để trở thành hình tượng thần linh đã thiêng hóa.
Đấy là chất THẦN của con người mà bạn hay nói đến, là quá trình NHẬP ĐỊNH mà tôi đã dịch nhiều lần từ các văn bản của Hamvas Béla, đấy là con người mà Nietzsche gọi là Siêu Nhân…tất cả, vẫn phải trong hình hài con người mà tỏa rạng. Đấy là khát vọng người ẩn náu trong mọi đức tin tôn giáo.
Và bạn hỡi, đấy là ngọn lửa vô hình của cảm xúc khiến con người đến được với nhau, bằng ngôn ngữ người viết cho nhau, đọc nhau, lặng im hay cất tiếng đồng cảm lẫn nhau cũng thế.
Vậy thôi. Tôi không thể viết được những dòng này cho bạn, nếu tôi đã chặt đứt cảm xúc người.
Thực ra tất cả chúng ta vẫn đang cùng nhau TU LUYỆN để nên Người mang tính chất Thần của chính nó, trong cái giới hạn kiếp sống này đấy bạn ơi! Chúng ta đâu làm gì khác?
…….
Tháng Mười –Oktober đến đột ngột như muốn tranh giành ảnh hưởng của tháng Chín- Szeptember với con người thì phải?
Chỉ vài ngày trước tiết trời ấm áp, gió hiu thổi, hoa nở lặng lẽ, chim bay vút trên bầu trời cao vợi, xanh biếc. Tháng Chín vẫn làm người ta nuôi mộng sống, khi se se đêm về với một mảnh khăn choàng nhẹ trên vai, vẫn có thể lững thững dạo chơi trên cầu, ngắm Đanuyp đèn sa lấp lánh mặt nước, thì thào gió thủ thỉ bên tai…
Tháng Chín-Szeptember cứ như có sẵn trong không gian những liều thuốc vô hình, ngoảnh sang bên phải,hít mạnh, người phấn chấn, vui vẻ, muốn ngồi xuống làm ngay những việc đang nung nấu trong lòng, ngoảnh sang bên trái, hít mạnh, người buồn nản, ủ rũ, chẳng muốn làm gì cả, đầu óc cứng đơ, tâm hồn kiệt quệ. Một lơ lửng vô hình như mộng tưởng: đang mê gì đây? ai đây? nơi xa xăm nào đây?…
Bình minh tháng Chín - mặt trời không gọi gió về đùn đẩy để những rặng dương lắc lư vặn mình như hồi mùa hè, mà mặt trời đến một cách bình thản, lặng lẽ tỏa sáng. Nắng ban mai tháng Chín trong vắt, nữ thần Rạng Đông giang rộng đôi cánh tay ôm choàng lấy những vòm cây, soi rõ từng ngọn cỏ ướt đẫm dưới những gốc cây, thứ ánh sáng trong suốt dịu dàng, lành lạnh, tựa nỗi ngạc nhiên mơ hồ hơn là một tiếng xuýt xoa tự nhủ: Êm đềm ơi! ngoảnh đầu sang bên trái hay bên phải đây? lấy năng lượng nào để hôm nay biến thành ai, trong một ngày sống tiếp?
Tháng Chín- Szeptember - trạng thái mơ mộng êm đềm của kẻ ưa tự sự, hay lẩn thẩn tự hỏi mình những câu hỏi bâng quơ không đợi giải đáp. Để tháng Mười lôi từ đâu về những đổi thay đột ngột, khiến kẻ mơ màng không chỉ tỉnh hẳn giấc, mà còn buộc phải nhìn rõ vị trí thật của mình.
Bởi một ngày tháng Mười như diễn tiến của một đời người ngắn ngủi.
Những bình minh (chợt ngỡ ngàng) lạnh cóng, buốt giá khiến chân tay lạnh ngắt, người co dúm lại, cảm giác bàng hoàng: chẳng nhẽ…tất cả đã kết thúc? –những gì làm ta hài lòng và dễ chịu đến thế?
Đóa hồng bên hàng rào vẫn run run vẻ yêu kiều mong manh, bụi quả dại đỏ ửng vẫn quấn quýt bò lên mái ngói đã thấp thoáng những chiếc lá vàng từ đâu bay tới, và rồi, gió lùa về những lát cắt tê tê…
Tuổi Thu đến thật rồi ư? những ngày vui tuổi Trẻ đã trôi qua thật rồi ư? Nhanh thế ư? -Trong một sáng tháng Mười đẫm sương mù và những âm thanh đầu tiên vang lên là tiếng rơi lộp bộp của những quả dẻ dại xuống bãi cỏ trong vườn.
Có lẽ tuổi tàn, tuổi Thu muốn nhắc nhở con người: mày đang đi đoạn cuối của con đường cuộc đời đấy - bằng cách gửi tháng Mười tới.
Kẻ mơ mộng nhất cũng phải sững sờ trước sự thật trần trụi này. Bắt đầu bằng những sáng tinh sương lạnh cóng, tiêu diệt toàn bộ sự hài lòng, cảm giác dễ chịu, thỏa mãn tung tăng trong quần áo đẹp và sự khỏe khoắn hiên ngang của cơ thể phong phanh…(hihihihi)
Nhưng đừng vội buồn: trưa tháng Mười tràn ngập nắng! Nắng trưa Oktober nóng rực, như thể Mặt Trời bị bắt cóc, nhốt vào màn sương mù dày đặc ban mai giờ đây mới trốn thoát, vội vã chứng minh sự hiện diện của mình cho những kẻ đang chực âu sầu lo lắng.
Không gì tuyệt diệu hơn được ngồi thiền, hoặc luyện công trong thứ năng lượng hoàn hảo nhất này của vũ trụ. Để thấy điêu tàn của xác thân tan biến trong hơi thở mình hòa với hơi nóng của Lửa Thiêng, chỉ còn lại duy nhất ý thức: ta là năng lượng vũ trụ đây, là Mặt Trời đây- hóa thân thành Người một khoảnh khắc.
Ý nghĩa đời sống người kịp vút bay trong không gian trong tích tắc hòa hợp ngắn ngủi đó?
Không biết!
Nhưng nắng tháng Mười đủ hơ ấm con người, an ủi, vỗ về, khuyến khích họ làm tiếp những việc giang dở trong ngày, kịp trước khi nắng tắt, lại bao phủ quanh ta lại một sự lạnh lẽo, âm u, trơ trọi của những tối tháng Mười đến sớm. Gần như không cần có buổi chiều, nắng tắt là hết một ngày.
Đời ai Bi Quan rồi cũng thế!- hỡi những ai ai, hãy tự thắp lửa cho mình, đừng tự buông thả, sẽ còn những ngày Đông kề giá với sự biến mất của hết thảy đang đến gần, đừng vội buông tay chèo lái!
Cả Ta nữa, Mình ơi!!!!!!!!!!!!…hahahaha…
….
Đời sống trôi theo dòng thời gian- Sự sống nằm trong độ sâu thời gian.
Đời sống là nước lượn sóng và là con sông vội vã; sự sống là biển cả bằng phẳng mặt gương và bất động.
Lịch sử con người trông như dòng sông, như thể nảy sinh từ đâu đó và cố gắng đi về đâu đó-nhưng sự sống con người là biển - từ vĩnh hằng từng đã có, đang có và sẽ có.
Cái đang xảy ra chỉ là mặt biển, ở đó nổi sóng, xô đẩy, lướt đi. Nhưng bản chất lại là độ sâu đáy biển, soi thẳm, trong suốt, bình thản, trong sạch. Như thể là núi và thung lũng của những con sóng, là đường xoáy của điện trường, tất cả, những gì xảy ra; nhưng tất cả bặt im và phẳng lặng.
Mi hãy chìm xuống nước – kinh Veda nói – và mi sẽ nhìn thấy Maja siêu việt. Mi sẽ thấy sự chuyển động và sự thay đổi, sóng và sự bạo động, dòng xoáy và biển bọt chỉ ở trên bề mặt.
Chỉ ở trên bề mặt có ảo ảnh, maja, sự phù phép. Chỉ ở trên bề mặt có thời gian.
Bên trong, dưới đáy đại dương không có sóng, không dòng xoáy, không có sự phù phép, không có thời gian, chỉ có sự sống vĩnh hằng và bất tử.
( Hamvas Béla- Scientia sacra tập II)
…
Tối nay đi dạy tiếng cho bọn trẻ con về, có cả một chặng đường dài ngồi trên xe bus ngẫm nghĩ. Rồi đi bộ qua khu vườn rợp cây xanh, cảnh vật đột nhiên sáng trắng, chợt hiểu, đấy là tác dụng của ánh trăng. Trăng hình chữ D, sắc lạnh. Nhìn đất trời mênh mang hiện ra dưới màu trắng lạnh lẽo này, cảm thấy ghét mặt trăng quá. Mình ghét nó từ lâu rồi, ít nhất vài ba năm nay, hình như tình yêu với mặt trời càng lớn lên bao nhiêu, mình càng ghét mặt trăng bấy nhiêu. Ghét thứ ánh sáng không ấm áp này.
Về nhà đọc lại một văn bản „tâm linh”. Nhớ hôm đọc lần đầu tiên, thấy buồn đột nhiên xâm chiếm trái tim. Vì sao không rõ, nhưng có lẽ vì thấy đúng, người viết đã đúng? Giờ đây đọc lại, vẫn không rõ cái gì đúng trong đó, nhưng mình nhìn thấy nó rồi. Một mặt đá mài phẳng lỳ hiện dưới dòng nước xiết.
Nhìn thấy rồi, một cái gì đó nhất định không đổi. Một cái gì nằm chính trong ta, ngày tháng cứ lắc lư ngật ngưỡng đi qua, cái gì đó vẫn lặng yên bên trong, như thể từ một góc, một xó nào đó một cái nhìn câm lặng phán đoán hướng tới nhận thức, rằng tại sao mình vẫn nhìn thấy điều đó đúng. Một góc TÔI đã trải qua những kiếp đời nào đó luyện tu?
Ta không thấy đời –hay nhân gian như người khác hay gọi- là ảo, là huyễn nữa. Nó là thực đấy, chỉ có điều một cái thực”không dùng vào việc gì”, không có giá trị gì hết, ngớ ngẩn và loanh quanh luẩn quẩn, một vòng sinh sôi của những thứ hết sức nhàm chán và vô nghĩa, tầm thường. Hay vì thế nên người ta gọi chúng là ảo, là huyễn?
Tối nay, nhận dạy thay một lớp học sinh nhỏ xíu, lũ trẻ con mới đi mẫu giáo, chưa đến trường, nhưng bố mẹ chúng muốn chúng tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ càng sớm càng tốt nên”tống” chúng đến các lớp học cộng đồng. Cô giáo dạy lớp này thường cho chúng múa hát, tô màu, bày ra các trò chơi.
Nhưng hôm nay mình dạy chúng đọc và viết chữ cái. Sau khi đã lần lượt hỏi tên, xuất xứ gia đình, tên cha mẹ chúng, bàng hoàng nhận ra, đây là con cái của những người quen xưa kia, đã lâu lắm không gặp họ. Những đứa trẻ lai. Có gì lạ đâu trong một cái chợ giời quốc tế đủ mọi loại người tứ phương phiêu bạt tụ họp?
Bàng hoàng vì nhớ lại hình ảnh bố, hoặc mẹ chúng xưa kia, mà mình đã từng quen biết, rồi so sánh với sự vô tư hoàn toàn của lũ trẻ, cái cách thức ngoẹo đầu, mặt cúi sát cuốn vở, ấn bút vụng về để tô từng nét chữ của chúng…toàn bộ những câu chuyện ĐỜI chợt bày ra trước mắt, những chặng đời…ngớ ngẩn, vô nghĩa của những đời sống loanh quanh… Không phải những câu chuyện vặt trên sách nữa, mà là đời thật, quá thật vì mình biết quá rõ các nhân vật trong đó.
Không huyễn tý nào, nhân gian này, không ảo tý nào, nó lồ lộ trần trụi, chỉ…chán ngắt. Một màu đơn điệu lặp lại quanh quẩn. Phút này nhớ đến các ý tưởng mà những người đi theo một khuynh hướng tâm linh nào đó thường hay nói: từ bỏ thế gian, cao tầng hơn thế gian, ra khỏi cõi người….
Đột nhiên nhìn thấy nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng mình. Dùng từ „buồn” không đúng lắm. Mình không buồn, mà lạnh toát, như ánh trăng này, nhưng không phải để lo sợ, mà để nhìn rõ hơn mặt đá mài phẳng lỳ dưới dòng nước chảy xiết kia.
Ta chưa hề bỏ đi.
….
Nếu tối hôm qua, sau khi đi qua màn trăng bạc đáng ghét về nhà, viết những dòng”tiêu cực” buồn bã, thì phút này đây, lúc chiều tà ngày hôm sau, trong nắng chan hòa ấm áp hiếm hoi của một chiều Thu tháng Mười- sau khi đã luyện công trước đó vài giờ, và vừa ngủ thiếp đi dăm phút trong nắng ấm- dư âm của Mặt trời, của cái nóng khí dương, của năng lượng, của sức sống chỉ mặt trời đem lại khiến ta không thể không…gõ phím, muốn lưu lại cảm giác này….
Đúng thế, một hân hoan bình yên, lao xao như tiếng của đất trời, cây, nắng gió, tiếng động nọ, kia, người thoáng qua, xe thoảng qua - lao xao bởi không hề bất động như tối hay đêm - buổi ban ngày bao giờ cũng có cái lao xao lư lắc nào đó, như trên cao những ngọn thông lắc lư với gió….
Không, không phải âm thanh làm linh hồn xao xuyến, mà là hơi thở ấm áp của mặt trời, từ đỉnh đầu xuống đến tận đốt sống cụt, lộn vòng trở lại, vòng năng lượng ấm áp gọi sinh khí, xúc cảm, tinh thần, cốt cách quay về với thân thể, đuổi tan những lạnh giá, buồn tê cùng bâng quơ khập khiễng chán nản…
Đấy, năng lượng của Mặt Trời, thứ duy nhất ta yêu giờ đây, thứ duy nhất ta cần giờ đây, mặt trời – trước khi lặn – cố gắng duy trì lâu lâu chút chút cho ta cảm giác ấm áp trực tiếp này, lời nhắn nhủ với tất cả ai đang sống cạnh ta: đây mới là cảm giác trực tiếp duy nhất NHN cần bây giờ, những ngày sống hôm nay, ấm áp, trọn vẹn bình yên, không thừa không thiếu, không cần thốt lời, chẳng nỗi khát khao…
Ta đang chính là đời sống.
…..
Từ lúc nào con người cần đến cái thế giới huyền ảo, thế giới bí ẩn, huyễn hoặc, từ khi nào nó nằm trong sự mê man bản thân nó tạo ra, hay của kẻ khác mà nó chỉ đi theo?
Phần lớn mọi người đi theo kẻ khác- trong cơn sợ hãi một cái gì đó.
Còn tự mình tạo ra cho mình- mà không hề biết- đấy là sự khiếm khuyết cái gì đó trong hiện tại, một nguyên nhân mơ hồ lồng vào vô số những điều còn mơ hồ hơn, không hiểu là lòng khao khát hay chỉ là nỗi thất vọng hoặc sự buồn bã đã bị đánh mất tên?
Cần tỉnh táo với tất cả, bởi trạng thái mơ hồ có xu hướng choáng toàn bộ ngày sống. Bởi sống là tìm cách giải mã đời sống, trong những loanh quanh ngày thường.
…..
Thời tiết giữa Thu này rất nhiều lần làm ta suy tư trầm ngâm. Thiên nhiên đổi thay theo giờ: vừa thấy lá vàng găm từng chiếc lơ thơ trên đám cỏ buổi sáng, chiều về tất cả đã là một lớp xốp mềm vàng óng..
Chiều hôm sau đã thấy chúng xếp tầng tầng lớp lớp, thành một chiếc chăn bằng lá, cỏ dày dặn, vàng, xanh vui mắt, đến nỗi nhớ lại thảm cỏ biếc mượt mà mùa hè, thấy sao mà đơn điệu thế?
Thế mà hôm sau nữa đi qua khu vườn, màu vàng ươm đã biến mất, thay vào đó là máu đỏ úa, thứ màu của tan rã, hư hoại và…tiêu vong.
Khu vườn đột nhiên trông tan hoang, lá rắc từng vốc mỗi khi gió thoảng qua, dưới gốc cây là thảm lá nửa vàng mủn, nửa khô xạm mỗi lúc một dày, ngẩng nhìn trời, mây đen từng đám, từng đám bay về…
Không hề buồn, chỉ trầm ngâm, nhìn thấy rất rõ từng ý nghĩ trong đầu. Đã đến một thời điểm trong đời, mọi sự việc không quyện vào nhau, nhòe đi, trộn lẫn nữa, mà riêng biệt, tách rời, như từng loại đồ đạc xếp gọn vào từng ngăn kéo riêng ?
Nhưng lạ thay: trọn vẹn trong ta sự tách rời này, không tan tác mỗi cái một nơi, khiến ta cứ chấp chới, lộn nhào, hoang mang, quay quắt trong đớn đau, hụt hẫng thuở nao…
BÌNH YÊN?
( Budapest. 2013. október 18.)