Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.003 tác phẩm
2.765 tác giả
246
124.707.876
 
Sách xanh (trích trường ca -1)
Đỗ Quyên

 

Nhân giỗ 49 ngày nhà văn Đà Linh (26/8 – 16/10 Quý Tỵ)

 

 

TẶNG  ĐÀ LINH – NGUYỄN ĐỨC HÙNG (1958-2013)

 

 

 

…Từ đất

mỗi cuốn sách

mọc lên…

(Đ.Q.)

 

 

 

+ + +

 

 

LỜI MỞ và MỤC LỤC

 

 

Tối ngày 7 tháng 11 năm 2013, bất ngờ và sau nhiều tháng, điện thư cùng Đặng Thân về chuyện thơ ca, cuối thư buồn tình tôi nhắc đến người bạn chung là Đà Linh (ĐL) sau ác bệnh ung thư vừa bỏ bạn bè bỏ sách bút mà đi. Đột ngột, trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam và trong hoạt động sáng tạo của bản thân. Đặng Thân cũng như dốc bầu sầu; cho biết bạn bè ở Hà Nội đang tập hợp mọi người khắp các châu lục để làm một cuốn sách về người mới khuất và bảo tôi “viết một bài về ĐL đi!” Tôi nhận lời liền. Mừng lắm. Hỏi hạn gửi bài, kèm một câu hơi kém tự tin rằng, không thạo viết loại bài này “nhưng với chàng thì phải ráng”. Lo âu thật sự. Từ khi ĐL đi mất, tôi chưa có được chữ nghĩa gì về anh. Một tham luận về thơ viết ròng ròng hai, ba tháng cùng cái bệnh kinh niên của mình - cũng là các tháng cuối cùng anh phải nằm viện trị liệu - đã dành viếng tặng bạn hiền. Nhưng, đó chỉ là… tiểu luận. Tiểu luận có được thuộc vào thể loại văn chương hay không, người ta vẫn chưa chịu xác quyết; cả trăm năm rồi!? Mà chúng tôi không thể chờ được. Thư đi. Đêm nằm, lo. Nhủ, nếu bài viết chẳng được như ý sẽ có bài thơ dài thay thế. Cấu trúc bài thơ bắt đầu nhấp nhô. Nhấp nhô. Sáng dậy, thư về cho hay còn cả năm, sáu tháng nữa. Thế là trường ca này thành hình…

 

ĐL bình thường như bao dân Việt khác. Và con người anh, văn chương anh ôm ấp rất nhiều khác thường. Có đôi cái theo riêng tôi phải nói là “phi thường”, trên mặt bằng biên tập và xuất bản Việt Nam đương đại. Sự phi-thường ấy không tự thân: phi-thường chỉ để cứu giải những bình-thường. Vậy, sáng tác Sách xanh với nguyên mẫu Đà Linh cũng hãy là trường ca bình thường ôm ấp khác thường. Khác thường dễ thấy nhất, đó là cấu trúc hình thức.

Dưới đây là Mục lục của trường ca Sách xanh. Ai từng đọc ĐL sẽ nhận ra nhan đề các chương mục, xen kẽ nhau, đều là tên các truyện ngắn của anh và tên các cuốn sách mà anh biên tập, dịch thuật. Với những chương mục loại đầu, tôi cố gắng làm-thơ-từ-truyện; còn với loại sau, cố gắng ngẫu hứng.

Mời Quý bạn đọc…

 

(Vancouver, 8/11/2013 - Đ.Q.)

 

 

I. Trò chơi tiếp tục[1]

II. Miền hoang tưởng[2]

III. Mẹ và con

IV. Thơ Trần Dần

V. Nàng Kim Chi sáu ngón

VI. Ba người khác

VII. Tương lai văn học

VIII. Thơ đến từ đâu

IX. Ngôi nhà sáng tạo

X. Bóng đè

XI. Giấc mơ của dòng sông

XII. Thiên thần sám hối

XIII. Truyện của người

XIV. Hạt cơ bản

XV. Cõi người rung chuông tận thế

XVI. Ngồi, Bàn về triết sống

XVII. Chinatown, Paris 11-8: Từ Đông sang Tây

XVIII. Tình ơi là tình

 

 

I. TRÒ CHƠI TIẾP TỤC

 

 

Sau khi trồng trên đời

các cuốn sách

                       xanh

bạn đã nằm xuống

 

Ý tôi còn muốn nói

Đẹp xiết bao những nấm mồ người-làm-sách

 

*

 

Từ đất

          sách mọc lên

Mãi như thế

 

Tiếp tục các trò chơi

        chúng ta vẫn có thể

hữu ích

 hay vô tăm tích

theo mỗi cây chữ         

 

Các cuộc chơi viễn liên

đã khác không gian khác thời gian, nay thêm chiều kích khác thứ ba -

                                                                                          gọi nôm hồn vía

Cứ dùng lối nói dân gian thay vì diễn ngôn khoa học

mọi người sẽ hiểu vì sao

 

Trên đó các bạn dễ dàng với chữ hơn

phải thế không

                        nếu không, vì sao đi vội?

mà thôi tôi sẽ không cố hỏi

(như đang cố sống cố viết, cố ngủ cố thở, cố ăn cố yêu)

 

Sinh ra từ đất

khó ở chỗ

                 chữ phải thăng hoa

Những chữ hạnh phúc

lên cao vọi

hoặc ấp ủ lòng người hạ giới

rồi tự hóa thành vật dụng thông thường

hay tan vào không trung làm nhân cho vì sao tương lai

                                                 

Nếu để chúng

                       trần trụi

nham nhở mặt đất

lũ chúng ta trọng tội

những chữ bất hạnh

                   

*

                    

Các nhân vật của bạn

‘tôi vào Đà Nẵng học’[3], ‘Mạnh và Đình đi bộ đội’, ‘Tùng và Bách vào Đại học

                                                                              Bách khoa’…

có thể mang thân phận cũ có thể đổi thay tùy nghi

điểm nhìn mới từ trên cao đó

Với tôi

không nệ áo khoác thầy tu khi đích là lời kinh

các nhân vật sẽ không địa chỉ tùy thân

thậm chí còn đánh tráo cho nhau chức năng nghệ thuật

Có quan trọng lắm đâu

                                     chọn lựa thi pháp

Thi pháp là gì nếu không chuyện cái cốc cái ly

 

Bạn có đôi bàn tay mượt và

hơi run run nâng ly bia nhấp miệng

lần đầu tiên chúng mình chạm mặt tôi phát hiện (dù đọc biên tập từng biết tay nhau!)

quán đêm Hàng Than

           gió sông Hồng phả lên lạnh

Sáng sớm hôm sau gặp lại đôi bàn tay ấy, khác

rắn rỏi, nhà bạn, cùng nhau tỉnh giấc, sang bên kia đường viếng nhạc mẫu Dương quân

Vòng hoa kẻ sĩ sao mà nặng

 

Các nhân vật của bạn

đứa một đầu cực sành điệu làm giàu bất lương

đứa một đầu cực ngơ ngơ nghèo khó hóa điên

mấy đứa ở giữa xúm xít san bằng xí xóa

Chắc tôi không trong số đó

nên đã làm người dẫn truyện hôm nay

 

Biết bạn có cặp da đen

nặng những bản thảo xanh

còn thấy bảo đi đâu cũng kè kè cắp giữ

tôi nhìn hoài không thấy

Trong nhà ngoài phố những điệu cười hiền những điệu cười hiền

 

Các nhân vật của bạn

‘năm thành viên hợp thành một băng, gắn bó suốt những năm phổ thông’

Tôi mỉm cười, buột miệng cha nội lãng mạn

những tưởng

thời bình

               hậu hiện đại

hết mô típ “tứ tử trình làng”[4], “năm anh em trên một chiếc xe tăng”[5]

nhân vật văn học thứ dữ, cũng là thứ thiệt, độc lập tung hoành

Thế mà truyện bạn đẩy độc giả vào trận chiến đô la nhà đất

bàn tay người lớn làm đồ giả trong trái tim thật học trò

Về cấu trúc ý đồ, xin khẳng định:

      Được!

 

 

II. MIẾN HOANG TƯỞNG

 

 

Anh được tới với em trong một chương

                                                                 bản trường ca khóc bạn

Chúng ta có các trang dài

                                         những chữ những chữ đầy

 

Để cười tháng ngày xa biệt

và để khóc những nỗi buồn gánh chịu

                                                              lẻ loi

Bạn anh - sự chết đến và đi, như một lần lật khuôn sách ngỏ

 

Chuyện cũ

      em biết ít nhiều

Có lão nhà văn suốt đời cặm cụi

xây tòa nhà bằng trang báo trang văn

gió vào cửa này lão dựng cửa kia

cứ thế, đúng là gió lùa nhà chữ

Em sẽ cười vuốt tóc anh, nhại, miền hoang tưởng của các ngài là những trang mơ

Em có nhớ nhân vật vừa nuôi lợn vừa làm thơ

thơ chảy xanh khúc sông phân đục

lợn nuôi người

thơ hại người thơ

người không bỏ thơ

người bỏ lợn

 

Viết đến đây, ngưng, ra tìm khoảng sân con con miền hoang tưởng của mình

có khóm hồng chờ trong lạnh cuối thu

Vầng trăng, anh không thể hy vọng, biết bao kẻ khác mỏi mòn trông, từ những toán bác sĩ trong đêm chữa trị nạn nhân bão Haiyan cho tới con mèo hoang nhớ chủ

 

Làm thơ, chỉ cần hưởng hương đêm

lấy hồn em và xin vía

           các thi nhân của những đóa hồng

Heine, Nguyễn Đức Sơn

    hai ta chung đọc có lần

Đừng tiếc khi bạn anh không viết về hoa

bận lắm với những ‘mẹ con’, ‘dòng sông’, ‘ngôi nhà’ và ‘bàn tay sáu ngón’

đấy miền hoang tưởng của chàng

trên kia sẽ còn bận mãi

 

Thơ viết giữa hai bước chân một của ánh điện một của ánh đêm

giữa hai bàn tay một về người âm một về người dương

vượt biên từ miền hoang tưởng này sang miền hoang tưởng nọ không thị thực

bởi anh là thi sĩ đời em

 

Giữa khe hở sự sống cái chết, tìm lại nhau

chương mục của bản trường ca dành cho chúng ta nhích dần tới dòng kết

Đừng lo

khoảng trống thi ca là của ái tình

Không bài ca nào đặc những nhạc, lời

trừ các tử ca triệt tiêu thi tính

 

Tiến về Hà Nội theo phiên bản đời thường trẻ trung[6]

anh nghe trọn khi viết chương đầu

        (trùng dịp 90 năm ngày sinh nhạc sĩ)

Chương này tất nhiên hòa trong Bésame Mucho[7] em thích

Mẹ và con - chương tiếp, dự tính Thương về miền Trung[8] (của chàng!)

Khó nhất, anh lo, đương nhiên chương chót

Điệu van xơ Wiener Bonbons[9] lôi cuốn hay thê thiết Bèo dạt mây trôi[10]?


Quá giang trường ca viếng bạn

đường lối trữ tình không thể riêng tư

thi tứ đến sau vần điệu

và dằn vặt đâu còn hiển lộ như xưa

 

Chỉ thoáng nghĩ về em

là bao bầu bạn giang hồ văn chương chạy lại

mọi đồ vật, sự việc hết muốn thành thơ

chẳng được như Đỗ Phủ, Tchekhov mong đợi

 

Viết xong chương này

thân xác chưa trọn ngàn con ong kéo đến

trái tim thiếu đầy ngàn con bướm đậu lên

anh mất phần thi sĩ, một đêm nay

  

Chóp nhà cao ngày nao trong bài thơ tiễn biệt

kia, vẫn ngã tư trung tâm của những mùa thu ướt

ngó xuống bản thảo cười nhạo

em có thấy

                   em có thấy không

 

Thu phong

từ thơ Tản Đà lá hàng xóm vẫn rơi ngang Hà Thành thế kỷ trước đến hôm nay Vancouver

Em,

anh từng viết, mùa thu đến trên những bàn chân lá

nay tiếp, qua những mắt lá

                                            mùa thu ra đi

 

Em,

chúng mình còn đây sao như

một người - hoặc anh hoặc em - hết sống trước một người

 

Có những khi

                       anh đã thơ như kẻ không được thơ, đã thở như người không được thở

nghĩ về em đang nhớ anh mà không thể nghĩ về anh

Rồi vị trí hai chúng mình lại đổi

Trái đất tròn lắm lúc cũng vuông vuông

 

Trái đất tròn lắm lúc vuông vuông

để cho những nhà văn nhà thơ khốn khó

miền hoang tưởng dài mãi sâu thêm

 

Trái đất tròn lắm lúc vuông vuông

để cho những kẻ thương yêu nhau khốn khổ

miền hoang tưởng không rộng cao hơn

 

Trái đất tròn lắm lúc đã vuông vuông.

 

 

 […...]

 

 

LỜI KẾT và TRI ÂN

 

 

Theo cách tôi hiểu và thấy… Như thế, có một nhà văn mang tên Đà Linh đã góp mặt chỉ được hơn nửa trăm năm rồi vội tới nơi cuối đường đời - địa chỉ chung cho mọi người. Chắc sẽ có nhiều hiện thực và mỹ cảm về nhân vật trong Sách xanh không là thực tế, văn nghiệp và con người ĐL ở nhiều độc giả. Phần vì tác giả tài thấp. Phần khác, thuộc về tác phẩm nghệ thuật; khi mà nó luôn luôn toan tính và nhăm nhăm thực thi sự không mô tả quá khứ cũng như đương thời. Để tạo ra cái khác, nối tiếp cái đã và đang là.

 

Trở lại chuyện kể ở lời mở… Tôi từng ghi vào lịch “30 tháng 9: xong tham luận; điện thoại ĐL”. Thế nhưng, đúng hẹn, buổi sáng sớm đó mở ra trước tôi bức di ảnh của nhà văn trên trannhuong.com, rồi liên tiếp các trang mạng khác... Lỗi tại tôi mọi đàng. Tin tưởng thơ ngây, một người đã như thế không thể sẽ phải như thế.

 

Cảm xúc và tư liệu cho sáng tác này cũng đến từ nhiều bài vở về nhân vật chính. Đó là điếu văn của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh[11]; là loạt ảnh của Nguyễn Đình Toán[12]; là thơ Nguyễn Đức Tùng[13], Trần Phương Kỳ[14], Nguyễn Trọng Tạo[15]; là những bài viết của Trần Tuấn[16], Thanh Thảo[17], Lê Anh Hoài[18], Trần Kỳ Trung[19], Hồ Anh Thái[20], Văn Công Hùng[21], Phạm Thị Phong Lan[22], Ngô Thị Kim Cúc[23], Thu Hà[24]; là tin tức trên diendan.org[25], vanvn.net, v.v…

Cám ơn song thân cùng gia đình nhà văn: hai bác đã cho chúng con; chị Hường, các cháu Đà Linh và Linh Lê đã cho chúng tôi một người bạn tử tế. Cám ơn các nhà xuất bản, những nơi nhà văn từng lập nghiệp đã cho độc giả một người làm sách tử tế. Cám ơn xứ sở Quảng Nam - Đà Nẵng đã cho thủ đô Hà Nội và đất nước một “trai Hà Thành” đúng nghĩa và một công dân xứng đáng.

 

Có những điều, những lời nói, câu chữ trong đời thường mà nghệ thuật thơ không thể lãnh trọn. Tôi đã để dành chúng vào lời mở; và nay tới lời kết của bản trường ca tặng bạn xa rời.

 

Vancouver 18/11/2013 [Trích đoạn cho Giỗ 49 ngày ĐL]

 

 

Chú thích

 



[1] Tên một truyện ngắn của ĐL; vanchuongviet.org 27/5/2008.

[2] Tên một tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Nxb Đà Nẵng 1990.

[3] Trong phần thơ của trường ca, các câu, chữ giữa ngoặc đơn ‘ ‘ là trích từ những tác phẩm đã dẫn của ĐL.

[4] Tên một truyện ngắn của Hồ Anh Thái.

[5] Tên một bài thơ của Hữu Thỉnh.

[6] Bài hát của Văn Cao do Tạ Quang Thắng, Bảo Trâm và Sinh viên Tuổi 20 trình diễn.

[7] Một tình ca Mexico của Consuelo Velázquez.

[8] Một ca khúc của Duy Khánh.

[9] Một bản nhạc Áo của Johann Strauss II.

[10] Một khúc dân ca quan họ Bắc Ninh.

[11] Hữu Thỉnh; Định mệnh nào đã xui anh viết, vanvn.net 18/10/2013.

[12] ĐL - Ảnh Nguyễn Đình Toán, nguyentrongtao.info 2/10/2013. 

[13] Nguyễn Đức Tùng; Những ngọn nến, diendan.org 9/10/2013.

[14] Trần Phương Kỳ; Cây cầu, damau.org 10/10/2013.

[15] Nguyễn Trọng Tạo; Cái đẹp sáu ngón, và Lại thêm một nhà văn bị ung thư; nhathonguyentrongtao.wordpress.com 27/2/2009 và 11/9/2013.

[16] Trần Tuấn; ĐL - trò chơi tiếp tục, vnweblogs.com 28/11/2008; và Tiễn người trong cõi chữ, tienphong.vn 1/10/2013.

[17] Thanh Thảo; Nhà văn ĐL: Một số phận bị đứt gãy, thanhnien.com.vn 1/10/2013.

[18] ĐL/ Lê Anh Hoài; Sách dịch và bản quyền tác giả, nguyentrongtao.info 1/12/2011.

[19] Trần Kỳ Trung; Một vài kỷ niệm với nhà văn ĐL, trankytrung.com 14/7/2013.

[20] Hồ Anh Thái; Nhà văn ĐL: Mê mải viết sách và làm sách, thethaovanhoa.vn 10/9/2013.

[21] Văn Công Hùng; Đang ở Đà Nẵng – nhớ ĐL, vanconghung.com 13/9/2013.

[22] Phạm Thị Phong Lan; Người đi gửi lại những đam mê, vanvn.net 2/10/2013.

[23] Ngô Thị Kim Cúc; Thương tiếc Nguyễn Đức Hùng, diendan.org 10/2013.

[24] Thu Hà; Thêm một người tốt nữa ra đi, dulich.tuoitre.vn 1/10/2013.

[25] Diễn Đàn; Nhà văn ĐL (1958-2013), diendan.org 1/10/2013.

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 2706
Ngày đăng: 20.11.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giá mà con gọi Cô bằng Mẹ - Châu Thị Cẩm Liên
Một chút Xuân - Châu Thị Cẩm Liên
Cảm tác trước Lăng Trương Định - Châu Thị Cẩm Liên
Freeway 57 - Trần Vấn Lệ
Đêm - Đoàn Vũ
Trương Chi - Nguyễn Khôi
Buồn lục địa (ngày . tháng . năm) - Võ Công Liêm
Mùa Đông Mùa Đông Ơi - Trần Vấn Lệ
Sonett 72, 73 ( Trích trong tập: Năm thứ 26) - Nguyễn Hồng Nhung
Tự màu trăng - Hoàng Xuân Sơn
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)