(Tặng : Nhà thơ Bùi Văn Kha )
-------
*NGÀY TRƯỚC : Ai mà chả thuộc bài thơ THƯƠNG VỢ (Nịnh vợ) của cụ Tú Xương (1879-1907) đọc lên mà cười ra nước mắt :
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng;
Lặn lội thân Cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi Đò đông.
Một duyên, hai nợ âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa chẳng quản công;
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
BÌNH : Bài thơ tuyệt tác, đủ cả tình-cảnh-sự về vợ chồng thời Pháp mới vào cai trị nước ta ...chỉ riêng chữ "với" ở câu 2 là đủ tuyệt vời, nói lên sự chua chát khi lấy phải anh Đồ Nho hết thời (ăn bám vợ- vô tích sự) Cái HAY tột đỉnh của bài thơ là Tác giả không "sĩ". mà lại dám tự trào lộng cái vô tích sự của chính mình.
Còn cụ Tam nguyên Yên Đổ thì lại KHÓC VỢ bằng mấy câu "tuyên dương" sự đảm đang của Người phụ nữ Việt Nam hay lam hay làm nuôi chồng "nấu sử sôi kinh" làm nên sự nghiệp để đời :
-Nhà chỉn cũng nghèo thay ! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que,xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
-Bà đi đâu vội mấy ! Để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.
*
* NGÀY NAY : hiện đang diễn ra nhiều cảnh - tình- sự rất thời sự
- CẢNH 1 : Khá phổ biến, đáng tuyên dương , xin đọc bài thơ MƯA ĐÊM của Ngân Vịnh :
Nửa khuya nhà dột mưa đêm
Một bên con dại, một bên mẹ già
Anh thì ở mãi Trường Sa
Còn ai đây nữa để mà cậy mong
Cửa phên dàn dạt gió dong
Tiếng mưa rối lá vườn trong ngõ ngoài
Đêm như đè xuống đôi vai
Níu tranh luồn cỏ dặm dài mình em
Mẹ già con dại ngủ yên
Vẫn nghe canh cánh nỗi niềm chân mây
Anh đi biền biệt tháng ngày
Nẻo trời thương nhớ, hao gầy mảnh trăng
Mắt soi vào cõi mưa dăng
Dẫu không muốn cũng biết rằng lẻ loi
Nỗi buồn chẳng dám cất lời
Chỉ e người ở phương trời phong ba
Ngày bên con dại mẹ già
Thương yêu lợp ấm mái nhà tranh tre
Nửa khuya thức với miền quê
Gió đưa những hạt mưa về những đâu ?
BÌNH : Chồng là chiến sĩ hải quân đang đi đồn trú bảo vệ quần đảo Trường Sa, vợ ở nhà lao động nuôi mẹ già, con dại , chống chọi với bão lũ Miền Trung, không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ thương chồng nơi đảo xa...ngôn ngữ thơ trực cảm, lờ thơ da diết thân thương, đáng yêu biết chừng nào ? !
- CẢNH 2 : cũng không hiếm ở cái thời mở toang cửa hội nhập vào "cơ chế thị trường", đô thị hóa đến chóng mặt, gái quê ra Phố Thị theo đòi lối ăn chơi đàng điếm ,sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức : gái tơ sẵn sàng lấy "Sếp" đại gia--ông lão hơn Nàng vài ba chục tuổi (làm vợ kế, vợ lẽ để tha hồ ăn chơi xả láng )đang diễn ra khá nhức nhối- S.O.S với toàn xã hội... Nhà thơ Bằng Việt đã khái quát khá sắc nét bằng bài thơ :
VỢ THỜI @ CÒNG
-------
Cơm ai, người nấy ăn
Việc ai, người nấy làm
Bạn ai, người nấy tiếp.
*
Sách báo không hề đọc
Chỉ phấn sáp, thời trang,
Hai bữa chê cơm nhà
Ngồi quán cho sành điệu.
*
Thích ngồi lê, mách lẻo
Chính trị, xin miễn bàn
Chỉ dông dài miên man
Chuyện chê chồng, bỏ vợ
Chuyện chơi bời, trốn nợ,
chuyện bán đất ,đổi nhà,
Chơi chứng khoán ranh ma
Liệu có thu bạc tỷ ?
Tháng tháng đi Thẩm Mỹ
Tuần tuần đi gội đầu
Mặt với da chăm chút
Bõ đời mình trẻ lâu.
*
Ngồi nhà thấy chán mắt
Mười hai tiếng đứng đường
Chơi cho đời chán mặt
Biết đủ đời cho luôn.
*
Chỗ nào Trứng cá Nga
Hàng nào Lẩu nấm Nhật
Các anh rủ thì đi
Còn gì mà sợ mất !
*
Đêm vè nằm mệt lả
Mắng con rồi nạt chồng
Lăn đùng ra kéo gỗ
Ngáy to như đàn ông...
*
Chồng để làm gì nhỉ
Để làm bung xung chơi !
Thời buổi này ngắn lắm
Ưu tư mà hết hơi !
Thờ A Còng xả láng
Đâu phải thời cơm toi !
( Ngày 23-11-2013 do BVK chép gửi cho NK)
BÌNH : thôi rồi, hết ý, tuyệt cú mèo "vợ chồng thời @" - mặt trái của Cơ chế thị trường là vậy, con người đang bị tha hóa, "măc kê nô" ngay với bản thân chính hắn, đáng sợ
thay ! Vấn đề là ở chỗ cả Hệ thống chính trị phải ra tay thì mới dần dần tháo gỡ được, thượng bất chính hạ tắc loạn, các bậc bề trên (huynh trưởng) nếu không gương mẫu nêu gương thì hệ lụy 'Vợ chồng thời @" còn dài dài đau lâu lắm đấy ? !
Góc thành nam Hà Nội 23-11-2013