Rong chơi là tên gọi cuộc Triển lãm mỹ thuật vừa diễn ra tại La tour Eiffel (studioVũ Trọng Thuấn), 277 Trần Hưng Đạo, TP Đà Nẵng vào chiều 21/12/2013 và kéo dài đến ngày 1/1/2014. Rong chơi với sự góp mặt của 9 họa sĩ: Vĩnh Phối, Trương Bé (Huế), Dương Sen, Nguyễn Tấn Cương, Hồ Hữu Thủ (TP Hồ Chí Minh), Vũ Trọng Thuấn, Vũ Dương, Hoàng Đặng, Nguyễn thị Dư Dư (Đà Nẵng), bao gồm trên 60 tác phẩm, phần lớn là sơn mài và sơn dầu, bao gồm nhiều đề tài và phong cách phong phú.
. Điều ghi nhận đầu tiên ở triển lãm “Rong chơi”, đó là phần lớn các tác giả đều sáng tác thể hiện theo phong cách trừu tượng hoặc bán trừu tượng. Mặc dù trong nhiều thập niên qua, đã có rất nhiều cuộc triển lãm quy mô, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của trừu tượng Việt Nam. Thế nhưng, với công chúng, vẫn có không ít những vấn đề cần bàn cãi, nhất là trong hoàn cảnh còn nhùng nhằng giữa bảo thủ và tiên phong, giữa bao cấp và độc lập, giữa thị trường hóa, toàn cầu hóa, chuyên nghiệp hóa và phong trào, địa phương, nghiệp dư và tuyên truyền theo kiểu cũ đến tận hôm nay.
Họa sĩ Vĩnh Phối, người từng có thời gian dài học mỹ thuật ở Italia, hẳn rằng, các trào lưu nghệ thuật châu Âu đã có ảnh hưởng ít nhiều đến những sáng tác của ông. Ông nói: “Một nhà phê bình từng nhận xét tác phẩm sáng tác trong thời kỳ đầu của tôi phảng phất dấu vết Alberto Giacometti, Jean Arp, Joan Miró, Henry Moore, Umberto Boccioni… Tuy nhiên, về sau, tôi vẽ theo khuynh hướng hiện thực, có lúc vẽ trừu tượng; rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa; gần đây là bán trừu tượng, biểu hiện. Nhưng, dù vẽ theo khuynh hướng nào, bút pháp nào, quan niệm nghệ thuật của tôi cũng luôn hướng đến con người, hướng đến cuộc sống”.
Họa sĩ Trương Bé được xem là một trong những họa sĩ đầu tiên ở Huế tiên phong vẽ tranh sơn mài theo trường phái trừu tượng, đồng thời, ông cũng là một trong những người đã kiên trì đi sâu nghiên cứu và khám phá sự biểu cảm của chất liệu sơn mài trong nhiều năm. Tác phẩm của ông chủ yếu là khổ lớn, tông màu nóng gây cảm giác choáng ngợp cho người xem. Nhìn tranh của ông, dù là tác phẩm hiện thực hay trừu tượng trên chất liệu sơn mài đều làm lay động người thưởng lãm bởi sự cuốn hút thẩm mỹ thị giác không cưỡng nổi và chiều sâu tâm thức đậm nét nhân văn mà ông gửi gắm.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Cương với các tác phẩm thể hiện nhiều phong cách khác nhau, từ hiện thực cho đến trừu tượng, rồi kết hợp. Ngôn ngữ, sắc màu trong tranh ông tự tin, đầy biểu cảm thể hiện một nội tâm trăn trở. Tuy nhiên, khi nhắc về tranh trừu tượng, ông cho rằng, các họa sĩ đương đại Việt Nam không phải dễ đi đến thành công với khuynh hướng này. Theo ông: “Nhiều họa sĩ có biểu hiện đốt giai đoạn hoặc nói cụ thể là chưa đi bước một đã đến bước hai, bước ba. Có nhiều họa sĩ quá trình lao động sáng tạo không nhiều, tức là nền tảng căn bản chưa thật vững chắc, chưa đủ nội lực đã nóng lòng đi tìm phong cách mới qua những thể hiện mà họ cho rằng có tính sáng tạo, đột phá... bằng phong cách trừu tượng. Đó là sai lầm phổ biến hiện nay”.
Hồ Hữu Thủ vốn là họa sĩ rất nổi tiếng về tranh sơn mài từ trước 1975, nhưng tại triển lãm “Rong chơi” ông cũng giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm sơn dầu đa dạng phong cách. Trong đó, ông cho rằng, những tác phẩm đẹp của ông thường là tranh trừu tượng, dù tranh trừu tượng thì quả là "xương xẩu" với người thưởng ngoạn. Theo ông: "Cái thực trong sáng tạo không có nghĩa là cái chúng ta đã biết, mà là cái chúng ta lấy ra trong tâm thức của chính mình ...Hội họa trừu tượng là một hiện thực đích thực đã có sẵn trong tâm thức mọi người, khi tất cả vọng động của họa sĩ và người thưởng ngoạn chấm dứt."
Họa sĩ Dương Sen được giới mỹ thuật đánh giá là họa sĩ chuyên về về tranh sơn mài. Tranh của ông có đường nét mộc mạc, chân phương, gần gũi, nhưng sống động, tinh tế và ngập tràn chất thơ, đặc biệt đề tài thiếu nữ và tĩnh vật hoa. Với Dương Sen, nghề họa sĩ là nghề khắc nghiệt, mình phải thức khuya dậy sớm, ăn không ngon ngủ không yên như người nông dân gieo trồng vậy, mình gieo hạt nào sẽ thu được quả đó, nếu muốn có kết quả tốt phải biết chăm chút cho cây nở hoa….
Dư Dư là họa sĩ nữ duy nhất tại triển lãm. Lần này, Dư Dư cũng đến với công chúng với các tranh sơn dầu khuôn khổ lớn; đề tài khái quát cô đọng thuộc xu hướng nghệ thuật hiện thực tâm trạng thuộc kênh tạo hình chủ nghĩa hiện đại. Vẫn gam màu nâu thẫm ẩn sau những chấm phá đầy xung động, một phong cách không lẫn vào ai khác, và dường như điều đó đã định hình, định vị một phong cách nghệ thuật cho Dư Dư.
Hoàng Đặng môt lần nữa khẳng định trong tranh anh luôn đậm nét những dấu ấn đời sống nông thôn và những nghi thức lễ hội thôn làng. Nơi đó, thể hiện sự tạo báo không suy tính, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự hài hòa trong cá tính riêng biệt từng nhịp điệu riêng biệt của tổng thể bức tranh.
Tranh của Vũ Dương thể hiện sự trầm tĩnh, chắt lọc bởi đường nét, sắc màu trong trẻo, mềm mại như những lời thơ đánh động tiềm thức người thưởng ngoạn. Dường như trí tưởng tượng không cho phép con người nghệ sĩ sáng tạo những ước lệ và sao chép cũ mòn, nên Vũ Dương vẫn không ngừng hướng đến một không gian và thời gian nhiều chiều. Đó là chiều sâu về tư tưởng và chiều sâu về nhân sinh…
Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn - Việt kiều tại Pháp trở lại quê nhà lần đầu vào năm 1999, đến năm 2003, có cuộc triển lãm “Những tác phẩm mới 2003” tại Nhà triển lãm TPHCM, sau đó, ông chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân và thành lập phòng tranh La tour Eiffel vừa tròn đúng một năm (từ 22/12/2012). Tác phẩm của ông tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ không chỉ vì kích cở của các bức tranh khổ lớn, mà người xem cảm nhận chia sẻ cùng ông những kỷ niệm, ký ức, nỗi ám ảnh của một người nhiều năm tháng tha hương. Theo nhà phê bình mỹ thuật Đặng Trường Lưu: “Xem tranh Vũ Trọng Thuấn, có cảm giác như ông đang mê mải cuộc chơi trốn tìm trong thế giới nội tâm của mình. Nhiều khi cuộc chơi tưởng như vô vọng, ấy là lúc sự tìm kiếm và sự trốn bỡn cợt đổi chỗ cho nhau hoặc cùng nhau lẫn vào hư ảo. Cũng có khi ông nắm được nó, lại buông ra để rồi phấp phỏng với một cuộc chơi dằng dặc mới. Thì ra, cái phóng khoáng giữa những trốn tìm về bản ngã”.
Ảnh: 1/ 9 tác giả tham gia cuộc triển lãm Rong chơi
2/ Ngựa, tranh sơn mài của Dương Sen
3/ Tranh sơn mài của Trương Bé
4/ Tranh sơn dầu của Vũ Dương
5 Tranh sơn dầu của Nguyễn Tấn Cương