Ngọc Châu giới thiệu tập
(Dịch giả Phạm Đình Nhân là Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu LS&VHVN, hiện ở 110 Ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Năm nay bác đã trên 80 tuổi, thuộc vào lớp người "xưa nay hiếm". Hiếm vì là nhà thơ cao tuổi đã đành, nhưng hiếm nhất chính là vi bác thông hiểu Hán tự. Lớp người như bác đúng là càng ngày càng ít đi đối với đất nước chúng ta hiện nay. Vậy nên khi nhận được tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" của bác gửi tặng tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải giới thiệu càng rộng rãi càng tốt tới mọi người yêu thơ - nhất là với những người yêu thích thơ luật Đường (TLĐ), hiện đang sinh hoạt ở rất nhiều Câu lạc bộ TLĐ trên toàn quốc. Cũng là góp phần nhỏ vào việc lưu giữ cho thế hệ sau một tài liệu tham khảo cho kho tàng thơ Đường thu thập được từ trước đến nay.
Tập thơ gồm 108 bài thơ chọn dịch, chia làm hai phần.
Phần thứ nhất gồm 50 bài thơ Đường của 30 nhà thơ Trung quốc xếp theo vần A-B-C, phần thứ hai gồm 58 bài thơ chữ Hán của 36 nhà thơ Việt Nam xếp theo thời gian.
Tuy Ngọc Châu có được học 6 năm Trung văn ở trường phổ thông nhưng từ ngày ấy đến nay ít dùng, tri thức về Hán học rất hạn chế nên chỉ mong muốn được giới thiệu tới nhiều độc giả mà không dám luận bình gì về các bản dịch. Phần này xin giành cho người đọc có những phẩm bình sau khi đọc tác phẩm thơ của dịch giả Phạm Đình Nhân (mail của bác Nhân: (phdinhnhan@gmail.com ), điện thoai: 04.37221708 – 0987552467
Do dung lượng tập thơ khá dài nên mỗi lần chỉ giới thiệu từ 1 đến 2 tác giả, Ngọc Châu cũng mạn phép làm theo người xưa là góp thêm một số bản dịch của mình chỉ để cho sự cảm nhận bài thơ nguyên tác được phong phú hơn mà thôi.)
(Tiếp phần 5)
18. MẠNH HẠO NHIÊN
(689 – 740)
Mạnh Hạo Nhiên, tên huý là Hạo, tự Hạo Nhiên, quê ở Tương Dương, sống ẩn cư ở núi Lộc Môn thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông làm quan, từng giữ chức Tân khách Mạc phủ. Sống có khí tiết song lại thích an nhàn nên từ quan về ở ẩn. Ông mất năm 740 để lại tác phẩm Mạnh Hạo Nhiên thi văn tập gồm 4 cuốn.
34. XUÂN HIỂU
Nguyên tác : 春 晓
春 眠 不 覺 晓
处 处 聞 啼 鳥
夜 来 風 雨 聲
花 落 知 多 少
Phiên âm : Xuân hiểu
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu!
Dịch thơ :
Buổi sáng mùa xuân
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006
Tỉnh giấc xuân trời sáng,
Tiếng chim hót nơi nơi,
Suốt đêm mưa gió thét,
Hoa rụng biết bao rồi!
Sáng xuân
Ngọc Châu
Dịch 2013
Sáng xuân bừng tỉnh giấc nồng
Chim vui ca hát rộn trong vườn nhà
Đêm qua mưa gió đến là
Lá cành rơi rụng, xác hoa đầy vườn!
19. TÀO ĐƯỜNG
Tào Đường, nhà thơ đời Vãn Đường, không rõ năm sinh và năm mất. Ông tên chữ là Nghiêu Tân, hiệu là Tố Quá đạo sĩ, người Quế Châu.
35. LƯU NGUYỄN DU THIÊN THAI
Nguyên tác : 劉 阮 遊 天 台
樹 入 天 台 石 路 新
雲 和 草 静 囧 無 塵
煙 霞 不 醒 生 前 事
水 木 空 疑 夢 後 身
往 往 雞 鳴 巖 下 月
時 時 犬 吠 洞 中 春
不 知 此 地 歸 何 處
須 就 桃 原 問 主 人
Phiên âm : Lưu Nguyễn[1] du Thiên Thai,
Thụ nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
Vân hoà thảo tĩnh, quýnh vô trần.
Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
Thuỷ mộc không nghi mộng hậu thân.
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt
Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
Bất tri thử địa quy hà xứ,
Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.
Dịch thơ :
Lưu Nguyễn chơi Thiên Thai
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Vào động Thiên Thai vách đá ngăn,
Cỏ cây mây lá, sạch phong trần.
Khói sương chẳng ngộ sinh tiền kiếp,
Rừng suối không còn mộng hậu thân.
Gà gáy âm vang trăng dưới núi,
Chó kêu văng vẳng động mùa xuân.
Nơi đây không biết là đâu nhỉ,
Vào tận Đào Nguyên hỏi chủ nhân.
Lưu Nguyễn dạo Thiên Thai
Ngọc Châu
Dịch 2013
Thiên Thai vách động đá ngăn
Cỏ che, mây chắn, bụi trần sạch băng
Tiền kiếp gió sương cản giăng
Suối rừng rửa sạch phù vân mai ngày
Gáy vang gà gọi trăng đầy
Chó kêu đâu đó vui vầy động xuân
Đây là đâu, khách tần ngần
Đào Nguyên tìm hỏi chủ nhân cho tường.
20. THÔI ĐỒ
36. XUÂN TỊCH LỮ THỨ
Nguyên tác : 春 夕 旅 次
水 流 花 謝 兩 無 情
送 盡 東 風 過 楚 城
蝴 蝶 夢 中 家 萬 里
杜 鵑 枝 上 月 三 歌
故 園 書 動 經 年 絕
花 髮 春 崔 兩 鬢 生
自 是 不 歸 歸 便 得
五 湖 煙 景 有 誰 爭
Phiên âm : Xuân tịch lữ thứ
Thuỷ lưu, hoa tạ, lưỡng vô tình,
Tống tận đông phong quá Sở thành.
Hồ điệp mộng trung gia vạn lý,
Đỗ quyên chi thượng nguyệt tam ca.
Cố viên thư động kinh niên tuyệt,
Hoa phát xuân thôi lưỡng mấn sinh.
Tự thị bất quy, quy tiện đắc,
Ngũ hồ[2] yên cảnh hữu thuỳ tranh?
Dịch thơ :
Đêm xuân xa nhà
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Hoa trôi nước chảy khéo vô tình,
Nhờ gió đông đưa tận Sở thành.
Giấc điệp mơ nhà xa vạn nẻo,
Đầu cành quyên hót nguyệt ba canh.
Thư nhà đã vắng tròn năm lẻ,
Hoa đón xuân cùng tóc bạc nhanh.
Không về, về cũng do mình quyết,
Mây khói Ngũ Hồ đẹp tựa tranh.
Đêm xuân lữ khách
Ngọc Châu
Dịch 2013
Vô tình - nước chảy, hoa trôi
Gió đông đưa đẩy tận nơi Sở thành
Đầu cành quyên hót ba canh
Xa nhà vạn nẻo mơ quanh đêm dài
Tròn năm vắng thư nhà rồi
Đón xuân tóc bạc da mồi bên hoa
Về hay không cũng do ta
Ngũ Hồ mây khói đúng là cảnh tranh.
21. THÔI HIỆU
( ? – 754)
Thôi Hiệu, nhà thơ đời Đường, người Biện Châu nay là huyện Khai Phong tỉnh Hà Nam. Đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 13, đời Đường Huyền Tông (năm 725). Làm quan đến chức Tư huấn Viên ngoại lang.
37. HOÀNG HẠC LÂU
Nguyên tác : 黄 鶴 楼
昔 人 已 乘 黄 鶴 去
此 地 空 餘 黄 鶴 楼
黄 鶴 一 去 不 復 返
白 雲 千 载 空 悠 悠
睛 川 厯 厯 漢 陽 樹
芳 草 萋 萋 鵡 洲 鸚
日 暮 關 鄉 何 處 是
烟 波 江 上 使 人 愁
Phiên âm : Hoàng Hạc lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch thơ :
Lầu Hoàng Hạc (1)
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
1. Ai cưỡi hạc bay lâu quá rồi
Để lầu Hoàng Hạc mãi đơn côi
Hạc vàng bay mãi không quay lại
Mây trắng lượn hoài mãi chẳng thôi
Anh Vũ bờ non xanh cỏ biếc
Hán Dương sông lặng bóng cây ngồi
Hoàng hôn gợi nhớ quê đâu nhỉ?
Sương khói trên sông buồn chẳng nguôi
Phạm Đình Nhân
Dịch 2005
2. Hạc vàng ai cưỡi đi rồi,
Còn đây Hoàng Hạc lẻ loi một lầu.
Hạc vàng bay mất từ lâu,
Nghìn năm mây trắng trên đầu còn bay.
Hán Dương cổ thụ còn đây,
Vũ Châu(2) thơm ngát tràn đầy cỏ non.
Chiều hôm quê cũ đâu còn,
Trên sông khói sóng nỉ non giấc sầu.
Hoàng Hạc lâu
Ngọc Châu
Dịch 2013
Ai cưỡi hạc bay đi mất rồi
Chỉ còn Hoàng Hạc lầu đơn côi
Rời xa, mãi mãi chim vàng vắng
Quanh quẩn, muôn đời mây trắng trôi
Anh Vũ bờ xanh màu cỏ mọc
Hán Dương sông mát bóng cây ngồi
Hoàng hôn gợi nhớ quê đâu tá
Khói quyện sóng buồn chẳng thể nguôi.
38. TRƯỜNG CAN HÀNH
Nguyên tác : 長 干 行 (其一)
君 家 何 處 住
妾 住 在 橫 塘
停 船 暫 借 問
或 恐 是 同 鄕
長 干 行 (其二)
家 臨 九 江 水
来 去 九 江 側
同 是 長 干 人
生 小 不 相 識
Phiên âm : Trường Can hành (Kỳ 1)
Quân gia hà xứ trú,
Thiếp trú tại Hoành Đường.
Đình thuyền tạm tá vấn,
Hoặc khủng thị đồng hương.
Trường Can hành (Kỳ 2)
Gia lâm cửu giang thuỷ,
Lai khứ cửu giang trắc,
Đồng thị Trường Can nhân,
Sinh tiểu bất tương thức.
Dịch thơ :
Trường Can[3] hành khúc (kỳ 1)
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006
Nhà chàng ở nơi đâu?
Hoành Đường[4] nhà thiếp đấy.
Dừng thuyền ta thăm hỏi,
Hẳn ta đồng hương đây?
Trường Can hành khúc (kỳ 2)
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006
Nhà anh bên Cứu Long giang
Cứu Long nơi ấy anh thường lại qua
Trường Can quê của chúng ta
Vì em còn nhỏ sao mà biết anh.
Khúc hát đường Trường Can (1)
Ngọc Châu
Dịch 2013
Xin hỏi, nhà chàng nơi đâu
Còn thiếp ở Hoành Đường đấy
Dừng thuyền ta hỏi thăm nhau
Dễ là đồng hương, chắc vậy.
Khúc hát đường Trường Can (2)
Nhà anh miền đất chín sông
Cửu giang vẫn thường qua lại
Trường Can hẳn là quê chung
Hậu sinh nàng chưa biết tới.
22. THÔI HỘ
Thôi Hộ quê ở Bác Lãng, nay là Hà Bắc. Đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 12 (796), làm quan đến chức Tiết độ sứ.
39. ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG
Nguyên tác : 題 都 城 南 莊
昔 年 今 日 此 門 中
人 靣 桃 花 相 映 紅
人 靣 不 知 何 處 去
桃 花 依 舊 笑 東 风
Phiên âm : Đề Đô thành nam trang[5]
Tích niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch thơ :
Viết ở trại phía nam Đô thành
Phạm Đình Nhân
Dịch 2004
1. Chốn đây, ngày ấy, năm nào,
Người xinh sánh với hoa đào hồng tươi.
Má đào nay ở đâu rồi,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông?
Dịch 2012
2. Năm trước ngày nay tại chốn này
Hoa đào, má phấn đỏ hây hây
Má hồng nay đã đi đâu nhỉ?
Để lại hoa đào với gió mây
3. Ngày này năm trước ở nơi đây
Má phấn hoa đào đẹp ngất ngây
Nay đến má hồng không thấy nữa
Đào hoa năm trước vẫn còn đây
Thơ viết ở nam trại Đô Thành
Ngọc Châu
Dịch 2013
Năm xưa ngày ấy ở chốn này
Hoa đào bên má thắm ngất ngây
Má thắm giờ đây đâu rồi nhỉ
Để một đào hoa hóng gió tây
23. TRẦN ĐÀO
Trần Đào tự là Tung Bá. Quê ở Hà Dương tỉnh Giang Tây. Nhiều lần thi không đỗ, ông về ở ẩn, tự xưng là: “Tam giáo bố y” (áo vải của ba giáo). Bài thơ Lũng Tây hành được xem như bài thơ hay nhất trong dòng thơ biên tái của Trần Đào.
40. LŨNG TÂY HÀNH
Nguyên tác : 儱 西 行
誓 掃 匈 奴 不 顧 身
五 千 貂 錦 塟 胡 塵
可 憐 無 定 河 骨 邊
猶 是 春 閨 夢 裏 人
Phiên âm : Lũng Tây[6] hành
Thệ tảo Hung nô bất cố thân,
Ngũ thiên điêu cẩm[7] táng hồ trần.
Khả liên Vô Định[8] hà biên cốt,
Do thị xuân khuê mộng lý nhân.
Dịch thơ : Hành khúc Lũng Tây
Thề diệt Hung Nô không tiếc thân,
Năm nghìn tướng sĩ đã lìa thân,
Bên dòng Vô Định đầy xương cốt,
Thương kẻ khuê phòng mộng gối xuân.
Dịch 2007
Hành khúc Lũng Tây
Ngọc Châu
Dịch 2013
Xả thân thề diệt Hung Nô
Năm nghìn tráng sĩ chung mồ nơi đây
Dòng Vô Định xương chất đầy
Thương bao khuê phụ đêm ngày chờ mong
(tiếp phần 6)
[1] Lưu Nguyễn : Lưu Thần và Nguyễn Triệu. Theo truyền thuyết vào khoảng năm Vĩnh Bình đời nhà Hán (58-75), nhân tết Đoan Ngọ, Lưu Nguyễn lên núi hái thuốc lạc vào động Thiên Thai, được gặp tiên nữ.
[2] Ngũ hồ : Đời Xuân Thu, Phạm Lãi sau khi giứp Việt vương Câu Tiễn thành công lấy được nước Ngô rồi, liền lui về dạo chơi Ngũ hồ
(1) Lầu Hoàng Hạc nằm trên ghềnh đá Hoàng Hộc, huyện Vũ Xương, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
(2) Vũ Châu tức Anh Vũ châu, vùng bãi vẹt trong sông Trường Giang, tây nam huyện Vũ Xương
[3] Trường Can là miền đất phía nam thành phố Nam Kinh ngày nay.Trường Can hành là tên một khúc Nhạc phủ.
[4] Hoành Đường : tên con đê đắp từ thời Tam Quốc ở phía nam Nam Kinh.
[5] Câu chuyện về bài thơ : Thôi Hộ, chàng thư sinh thi trượt, trên đường về thất thểu trong rừng. Khát nước, chàng liền vào ngôi nhà tranh oó vườn đào phía nam thành xin nước uống Một cô gái lấy nước cho Thôi Hộ. Uống nước xong, chàng lững thững ra về. Năm sau, nhớ chuyện cũ, chàng lại tìm đến ngôi nhà đó thì cửa đóng then cài. Chàng thất vọng đề bài thơ trên. Ít lâu sau, một cụ gìa tìm đến Thôi Hộ nói rằng con gái của cụ sắp chết. Thôi Hộ liền đi cùng với cụ gìa. Khi gặp, cô gái đang nằm trên giường bệnh, Thôi Hộ liền nói : ”Anh đã đến với em đây!”. Cô gái mở mắt nhìn và nghe thấy tiếng Thôi Hộ, liền tỉnh dậy và khỏi bệnh. Gia đình cho là có duyên số nên cho hai người lấy nhau.
[6] Lũng Tây : miền đất phía tây Lũng Sơn thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay.
[7] Điêu cẩm : Mũ da điêu, áo cẩm bảo dùng cho các tướng sĩ.
[8] Vô Định : Con sông chảy qua tỉnh Thiểm Tây vào sông Hoàng Hà.