Lấy tên một bản nhạc của nhạc sĩ tài hoa Từ Công Phụng để đề dẫn bài viết này là tôi muốn bạn đọc cùng tôi chậm bước vào chốn thiên thai của mùa xuân trời đất, lứa đôi và kỷ niệm. Bởi rằng mùa xuân bao giờ cũng khai hoa để dòng người tấp nập quay về cố hương, về với điền dã, về với bóng dáng mẹ hiền quanh quất nẻo mộ bia. Nghĩa là về với “cái đẹp cứu rỗi thế giới”.
“ Rồi mai có một lần tôi đưa em/ đưa em về miền nắng ấm/ những con chim thôi ngủ/ sau mùa đông lạnh căm/ hát lên gọi mùa xuân rạng rỡ/ đem mặt trời tô mắt dại tuổi thơ” . Tôi mê thích giai điệu bản nhạc, chậm, du dương và một chút buồn buồn. Lời thật hay, nhưng tôi không thích “ rồi mai”. Ôi, mai kia mốt nọ chỉ là lời hứa “ Cuội”, biết đâu là sự thật để đợi chờ. Mà mùa xuân thì ngắn ngủi lắm. Niềm vui bao giờ cũng gang tất so đo, rồi vù qua như bóng câu. Đời người còn ngắn nữa là...
Nhưng tôi say mê đỉnh bình yên lắm lắm. Dường như ai cũng cố công đi tìm đỉnh bình yên cho mình. Tưởng chừng có khi nó rất gần gũi, bên tay, vói ra là nắm bắt được. Nhưng than ôi, có khi lại xa vời quá thể. Có khi có đó mà như không. Có khi tìm mà không gặp. Có khi đeo bên mình. Có khi treo trên cửa.
Tôi chợt nhớ những câu thơ rào rạt tài hoa của nhà thơ Nguyễn Chiến. Anh là một thầy giáo dạy văn “ gương mẫu, đạo mạo” ở Thị trấn Vĩnh Điện, bất chợt tìm gặp cái đỉnh yên bình mộng mơ hi hữu: “ “ xuân ơi, hãy nhịp bàn chân/ hồn anh đã thành chiếc máy bay tìm lòng em đáp xuống/chở theo rượu lửa/ chở theo loài hoa không tên trong vườn hoang ngày đầu tiên Adam và Eva/ sững sờ nhìn nhau mắc cỡ/cò lửa đốt hết cái lạnh tàn đông chở theo mùa vàng/ chở theo câu đồng dao gọi trẻ con đi học”
( Mùa xuân rất gần- Trong tập thơ Hạt sương khi nắng lên)
Bởi tôi thường nghĩ rằng, đỉnh bình yên ấy đôi khi mang dáng dấp, mang hơi thở, mang ánh mắt, mang một lọn tóc của một cô gái, của một người đàn bà.
“ ngồi thò một chân ra ngoài trời mưa, tôi có nghe lầm không! Trời ơi, ngay cả tôi cũng quên mất tiêu cái trò điên điên tàng tàng của hai chị em tôi ngày đó. Thò một chân ra ngoài. Bên cây cầu. Cạnh dòng sông. Và dưới một cơn mưa dầm nữa. Sướng vô hậu! Tôi vào chị lần này vì không thể không vào, không thể bỏ chị. Tôi vào chị là để tìm tôi. Mà cũng là để tìm ra chị nữa.” ( Truyện ngắn Chị của Trương Vũ Thiên An- Trong tập Gác chân lên cô đơn).
Nói thật một trăm phần trăm, những chàng trai mê gái bao giờ cũng dại dột, nhưng bù lại có đỉnh bình yên để đi về. “ Xin đỉnh yên bình/ một mùa xuân ôm kín khung trời/ của tuổi thơ thôi rã thôi rời/ xin đừng làm bão tố đôi mươi/ để vòng tay khắc khoải buông xuôi/ từng niềm vui bay theo biển gió”.
Mà có đi, có về, có thờ thẫn, điên dại, mới có thơ thẩn, văn chương, có mấy chàng nói dốc, tán dóc: “ Nắng buồn buồn heo may triền sông/ có ánh mắt đọng chiều thăm thẳm/ lối cỏ xao lời thầm/cả cánh chuồn kim đạp nước/ có gã ôm đàn ngồi hát tình ca mây nguồn biệt xứ/ có thuở nào về bên kia cây cầu” ( Không đề- Đỗ Thượng Thế- Trong tập thơ Như cỏ dại như lá úa như cây xanh). Chàng Thế của đât Điện Bàn, giờ cư ngụ Đà Nẵng cũng mường tượng ra một đỉnh bình yên, để tâm hồn nhị nguyên bớt xao động. Chàng mang nỗi khát khao động cỡn ngôn ngữ mà thành thi sĩ.
“ Hãy ôm trọn ôm trọn tuổi xuân” Và ôm trọn cả người đàn bà thơ dại. Và ôm trọn những bông hoa mùa xuân phơi phới. “ Người có đôi mắt to hai mươi năm vẫn cứ mắt to suốt suốt chiêm bao/ người hay về đứng trong sân nhà bên chái bếp hay ngồi nhen lửa mắt mở to nhìn ra/ buổi tinh mơ xuống dốc lên cầu không ai nỡ giận khi mắt to va quệt mắt to/ giật mình xin lỗi/ anh đã đi miền ngược nhiều phen đứng ở cổng trời hỏi trời vì sao sinh em có hai mắt to đen đẹp và buồn/ đừng quá tự tin mắt to lúc nào nhan sắc cũng dặn dò em cớ chi em giận hờn nhan săc” ( Gửi người mắt to đen đẹp và buồn- Phùng Tấn Đông- Trong tập thơ Như cỏ dại như lá úa như cây xanh). Lại một chàng trai mê gái xứ Quảng. Chàng đã tìm ra đỉnh bình yên mê gái để hồ hởi với mùa xuân. Và trên đỉnh bình yên ấy chàng mơ mộng lai rai, tưởng tượng ra những bóng hồng khuấy động tâm can bởi đôi mắt to đen đẹp và buồn. Bạn nghĩ sao? Đẹp và buồn mới ra thơ, mới ra mùa xuân bạn ạ.
“ Có một lần vui thôi em/ đừng cho chết hương tình ngọt ngào/ đỉnh bình yên trên cao/ xin em giữ kín cho lâu dài/ một mùa xuân đã thắm trong tôi”. Bao giờ cũng vậy, đến mùa xuân người ta lại tìm về, sum họp gia đình, sum họp bạn bè, sum họp giấc mộng. Bởi ly tán, chia lìa là trường kỳ của mỉa mai đau xót. Ly tán ở bên kia của đỉnh núi tĩnh lặng, bình an. Nhưng nó lại thật thà chìa ra gương mặt xương xẩu, đen đủi là có thật. Nên các nhạc sĩ, thi sĩ xua đuổi nó như đuổi tà. Và kéo đỉnh bình yên về địa giới mơ màng mộng ảo. Đỉnh bình yên cao và xanh và đẹp, tựa như đôi mắt to đen đẹp và buồn. Và mùa xuân bao giờ cũng tưởng nhớ, kỷ niệm, thi ca để con người có cớ mà hy vọng , dẫu rằng cũng chỉ là một lời hứa: “ Rồi mai có một lần tôi đưa em/ về trên đỉnh yên bình, hiền hòa/ đỉnh bình yên trên cao/ hôn lên làn tóc xõa/ theo mây trôi bềnh bồng”.