TẢN MẠN ĐẦU XUÂN:
(Từ bài gởi của anh Lê Hữu Hiệp…)
MỘT.
Năm tàn cho ngày mới đến. Ánh xuân tràn mê. Người và muôn hoa mỡn mộng đương thì… Quy luật đời quay vòng quay ai cản ngăn.Tình xuân vẫn ngất ngất dâng trước những đôi bướm trắng vờn hoa. Xuân rộn bay theo … Một buổi mai tinh khôi bất chợt, nhà thơ Trần Nhân Tông (1258-1308) dậy hồn thơ cùng sớm xuân với bài thơ “Xuân hiểu”(Buổi sớm mùa xuân):
Thủy khởi khởi song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi.
(Ngủ dậy tung song cửa
Nào hay xuân đã sang
Một đôi bướm bướm trắng
Gặp hoa, cánh vội vàng)
Đời người trăm năm. Bao lời chúc nồng nàn đều nhận cả. An Khang. Phương Phúc. Lộc về. Thi phú thăng hoa. Thêm năm, thêm tuổi …Bến ngũ niên, lục tuần có hẹn chờ đâu… Vậy mà dẫu có chậm bước, lãng chân rồi ai cũng đến. Bởi quy luật tự nhiên là Thiên địa bất nhân, không thiên vị một ai. Bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) cách đây 10 thế kỉ trước trong phút lâm chung trực diện với cái chết đọc trước chúng tăng, đệ tử đã liễu thành về lẽ tử sinh, câu hỏi đau đáu của mỗi phận người ở chốn tục phàm. Bài “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh dạy đệ tử) ở góc độ văn chương đã trở thành một tuyệt phẩm thi ca bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt: việc đi mãi
Trên đầu: già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai)
“Đêm qua sân trước một nhành mai”! Vâng, nhành mai tâm hồn – tươi thắm lạc quan tràn xuân – nhành mai bất diệt! Như một nhà sư từng nói: “Đối mặt trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó ". Bạn cũ gặp lại những ngày cuối năm, không bạc trắng đầu cũng tóc pha sương mà “muối nhiều hơn tiêu”. “Bạc tóc nhìn nhau tóc bạc thương”, hãy “vui lòng chấp nhận nó”. Một bạn ở xa gởi cho mấy bài thuốc để di dưỡng tinh thần, sức khỏe theo điệu tình tri kỉ “tình thương mến thương”.
HAI.
Những bài thuốc như rượu xuân bạn mời thưởng thức, làm theo. Xem qua các bài: “Tình trạng sút giảm trí nhớ” (BS Lương Lễ Hoàng) hay “Bí quyết sống lâu trăm tuổi không lẫn” của Tùng Đan trên Dân trí…đều thuộc lĩnh vực Y học, sức khỏe mở mạng quá dễ tìm. Tuy nhiên chúng vẫn còn trong chiều hướng luôn phải nghiên cứu bổ sung. Người thực hành cũng cần cân phân khi thực hiện…Tôi lại tâm đắc với với bài viết mà nhan đề giản đơn “Sống thêm 50 năm nhờ tập… thở”.
Đọc kỹ nhiều lần, tôi cho đây là một bài “Tân kệ” lý thú, giàu triết lí về sống – thở mà bấy lâu nay mà các huynh “lão”/ sắp lên lão lấy làm “kinh nhật tụng”. BS Nguyễn Khắc Viện ( 1913 – 1997) chính là tác giả sáng tạo bài Đông Tây tân dược kéo dài tuổi thọ này.
Năm 1942, BS Viện bị lao phổi nặng, điều trị ở Bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Sáu năm ( 1943 đến 1948), ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Những bác sĩ Pháp cho ông biết chỉ có thể sống được hai năm nữa! Thế mà ông sáng tạo và nghiệm dụng kéo dài cuộc sống đến 85 tuôi, kéo dài sự sống đến 50 năm! Nửa thế kỉ đời người nhờ vào phương pháp thở. BS Viện cũng là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Từng là cố vấn của bộ môn tâm lý - xã hội học, tại Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM, (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).
Bài tân kệ - phương pháp thở đó nôm na như một bài vè 12 câu:
Hót bụng thở ra,
Phình bụng thở vào.
Hai vai bất động,
Chân tay thả lỏng.
Êm chậm sâu đều,
Tập trung theo dõi,
Luồng ra luồng vào,
Bình thường qua mũi,
Khi gấp qua mồm.
Đứng ngồi hay nằm,
Ở đâu cũng được,
Lúc nào cũng được!
Thắng bản thân mình là cuộc chiến đấu gian nan nhất! BS Viện trong những ngày nằm trên giường bệnh chờ chết đã tìm ra sự sống bằng cách biết thở. Giới Y học tìm hiểu, điểm mới của phương pháp thở này là sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh... của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc Tây Y. Chính BS - nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc đã áp dụng chữa bệnh cho mình nhận xét: "Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Rồi một lần tôi bị tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu!" *
BA.
Nhà thơ Xuân Diệu từng viết về yếu tố sống của khí trời, hơi thở trong bài “Nhị hồ”: “Khí trời quanh tôi làm bằng tơ/ Khí trời quanh tôi làm bằng thơ…”. Còn thở tất còn sống! (không kể các bậc thượng thừa tập khí công, thiền, yoga). Còn thêm tuổi thọ để mà yêu đời và làm được một chút gì đó cho Đời, cho Người thì hãy tập - biết thở bằng bụng * như BS Viện. “Cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe) sao mà không yêu đắm mê mệt, say nồng nàn. Ngày xuân bừng tràn sức sống, nhựa tơ nõn tình…đâu đâu cũng đáng yêu. Yêu cả lời trêu đùa của người trẻ khi biết nhiều lão tác gia cầm bút làm thơ, dựng văn. Mực các bác còn không mà ham thích Người đẹp văn chương? Đúng là tuổi trẻ! Người già cũng chẳng ngại bông phèng theo:
Sáu mươi sao gọi là già
Tình yêu thi phú vẫn là thanh niên!
Già thì già tóc già râu
Trái tim bổi hổi…Còn lâu mới già!
Cũng với “trái tim bổi hổi” mà nhà thơ Lò Ngân Sủn (1945- 2013) đã gởi đến đời bài thơ “Người đẹp”(Tạp chí VH các DTTSVN tháng 11/ 2011) làm nhiều nhà thơ trẻ đương đại ngẩn ngơ trước “một cuộc vui đùa lộng lẫy” (Đỗ Trọng Khơi)..
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói - Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - Gặp người đẹp lại không muốn chết nữa
Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người!
Nhưng nếu đem so với mối tình tri âm của cụ Nguyễn Trãi với nàng Thị Lộ đang độ “ trăng tròn lẻ” vẫn còn kém xa! Cả Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ, người đời sau vẫn nhắc giai thoại câu trả lời lộng trào phong tình lai láng trong đêm động phòng với hầu thiếp mới vừa tròn hai mươi xuân, “ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (năm mươi năm trước hai mươi ba tuổi)
Hãy tập thở, biết thở bằng bụng theo bài vè 12 câu của BS Viện (tập luyện ít nhất sáu tháng mới có hiệu quả) để tuổi thọ thêm dài, thêm lâu. Để sống tận cùng với Đời với ý nghĩa đích thật nhất “Sống đến tận cùng đâu phải chuyện chơi” (Boris Pasternak). Đúng vậy, sẽ không là chuyện chơi khi ta sống, biết thở cùng với nhành mai tâm hồn – tươi thắm lạc quan tràn xuân của Mãn Giác Thiền Sư:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai)
Lập xuân - 2014
* Bài tham khảo: Sống thêm 50 năm nhờ tập... thở - BS Đỗ Hồng Ngọc, báo SGTT
Phương pháp thở bằng bụng:
“…Sự hô hấp xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn píttông (piston) chính là cơ hoành - một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bể lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Vậy mà cơ hoành có thể nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí. Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất. Cho nên trong bài vè tập thở ta thấy nói “thót bụng”, “phình bụng” – mà không hề nói đến ngực chút nào là vậy! Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết. Nó thở bằng bụng chớ không phải thở bằng ngực. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống, đều đều, nhẹ nhàng mà thôi.
Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for reversing heart disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga... để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra... căn bản cũng không ngoài cách... thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá... mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.”