Điểm phim
1.
Tính từ lúc phim ‘Forrest Gump’ được vinh danh trong giải Oscar năm 1994, đến nay đã tròn 10 năm, nhưng khi xem kênh HBO phát lại đêm chủ nhật 9/2/2014, nhiều khán giả – dù đã xem đi xem lại nhiều lần cuốn phim ngoại hạng này – đã y như lần xem đầu tiên, vẫn ngỡ ngàng, xúc động trước số phận nghiệt ngã của anh chàng Forrest, nhân vật chính.
Theo dõi bộ phim, người xem trải qua thật nhiều tâm trạng, từ bất ngờ, xúc động, cảm thông cho đến hi vọng rồi lại thất vọng cho nhân vật chính. Có thể xem cuộc đời của Forrest Gump (Tom Hanks đóng) là những mảnh ghép ấn tượng của cuộc sống nhiều người Mỹ trong thập niên 60- 70 thế kỷ trước. Từ một nước Mỹ đầy phân liệt thời đó, âm hưởng của một thế hệ lạc loài và phản kháng (The Lost Generation), cộng thêm ảnh hưởng gần/xa của các tư tưởng hiện sinh, hư vô từ Henry Miller, Ernest Heminway, J.P.Sartre, Albert Camus…, đã thường vương vất trong hành vi và suy nghĩ của nhiều nhân vật trong phim, như Dan (Gary Sinise) - anh thương binh hay nổi điên, Jenny (Robin Wright Penn)- cô gái ‘khi nắng khi mưa’, dân hippy lang thang, đám biểu tình phản chiến ở quãng trường Thời Đại…
Tuy nhiên, bên cạnh bộ mặt hiện sinh ám tối, vô vọng, tức ‘mặt trái’ tiêu cực như thế, ‘mặt phải’ tích cực, tươi sáng của phim ‘Forrest Gump’ mới chính là sức hấp dẫn độc đáo của bộ phim. Khối năng lượng phong phú này rải dài theo câu chuyện nhân vật chính tự kể về cuộc đời mình, qua đó số phận nghiệt ngã cho thấy Forrest Gump – con người bẩm sinh đã khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần, lại hiển nhiên biểu thị một nhân cách lớn, còn làm nên những kỳ tích hơn người…
2.
Cậu bé Forrest từ nhỏ đã “có vấn đề”: chỉ số IQ thấp, đôi chân khập khiễng, lại bị chứng bị thiểu năng nên trí tuệ phát triển không bình thường. Forrest luôn bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc, bắt nạt. Người bạn duy nhất của cậu là cô bé hàng xóm Jenny, chính Jenny đã mơ hồ phát hiện ra những khả năng đặc biệt của bạn. Như khi thấy Forrest bị bọn xấu đuổi đánh, Jenny khuyến khích bạn hãy bỏ chạy thì đột nhiên từ chỗ bước đi còn không vững, Forrest đã vụt chạy. Chầm chậm rồi nhanh hẳn lên, cậu chạy nhanh đến mức bứt tung cả cặp nẹp sắt hộ trợ đôi chân.
Khi Forrest tốt nghiệp đại học thì được tin Jenny bị đuổi khỏi trường và bỏ đi bụi đời, Forrest bèn nhập ngũ và tham chiến ở Việt Nam, dưới quyền trung úy Dan và kết thân với Bubba, một anh lính da đen. Đến đây, trường đoạn Forrest cứu đồng đội trên chiến trường ác liệt quả là một bài hùng ca đầy bi tráng về tình đồng đội nói riêng và tình người nói chung. Trong một lần tuần tra, trung đội của Forrest bị phục kích và bị tiêu diệt gần hết nhưng Forrest đã chạy thoát như Jenny đã từng dặn anh khi gặp nguy biến. Vậy mà, bất chấp mạng sống của mình, anh chạy vô, chạy ra chỗ đơn vị bị phục kích và cứu được nhiều người, trong đó có cả trung úy Dan và Bubba, nhưng Bubba do bị thương quá nặng nên đã chết trên tay Forrest. Forrest bị thương ở mông, trung úy Dan bị mất cả hai chân nên được đưa về hậu phương chữa trị, tại đây Forrest tập chơi bóng bàn và tỏ ra rất có năng khiếu.
Nhờ kỳ tích cứu nhiều đồng đội, Forrest được tổng thống Richard Nixon (ghép phim tài liệu) tặng huân chương danh dự. Một cảnh thật khôi hài là khi được ngài tổng thống hỏi bị thương chỗ nào thì anh lính lập tức tuột quần, chìa mông ra như báo cáo rất “người thực việc thực”.
Trong một lần tham dự và phát biểu ở một cuộc biểu tình phản chiến tại Washington D.C., Forrest gặp lại Jenny. Một lần nữa anh lại bảo vệ Jenny khỏi một tên bạn trai bạo lực, nhưng rồi Jenny cũng lại ra đi theo con đường riêng của cô.
Giải ngũ, Forrest lại lập kỳ tích chơi bóng bàn ‘siêu’ xuất sắc với cả hai tay. Hơn thế, sau này Forrest còn được đại diện nước Mỹ sang thi đấu bóng bàn tại Trung Quốc.
Ở New York, Forrest gặp lại Dan, gã thương binh què quặt và cuồng ngạo. Kế đó, Forrest bỏ trọn số tiền 24,000 USD từ việc đóng phim quảng cáo vợt bóng bàn và trợ cấp giải ngũ ra mua một chiếc thuyền lưới tôm, vốn để thực hiện lời hứa với Bubba, vì hồi còn sống, anh lính này và Forrest đã thỏa thuận sẽ hùn sắm một thuyền loại này. Forrest đặt tên thuyền là ‘Jenny’, tự làm thuyền trưởng và Dan làm thuyền phó. Sau những chuyến lưới chỉ được vài con tôm và đồ ve chai, thất bát đến muốn cạn vốn liếng, tình cờ vùng biển mà thuyền ‘Jenny’ hoạt động bị cơn bão Carmen tàn phá khủng khiếp. Báo chí đưa tin nóng là trong cơn bão, tàu bè có mặt trong tâm bão đều bị chìm, duy nhất chỉ còn chiếc ‘Jenny’.
Thuyền của Forrest sống sót trong bão tố đã là một kỳ tích, còn trớ trêu hơn là trong lúc bão dữ, gã thuyền trưởng Dan điên cuồng đã thách thức số phận “Mày có giỏi thì đến hạ tao đi!” nhưng khi vào được đến bờ, chiếc thuyền tơi tả lại mang theo mẻ tôm trúng đậm, chứa chật hết các khoang. Lần hồi họ đã bắt được rất nhiều tôm và trở nên vô cùng giàu có. Hãng tôm Bubba-Gump đã được thành lập, gồm đến 12 chiếc tàu đánh tôm.
Forrest nhận được tin mẹ anh ốm nặng nên trở về quê nhà Greenbow gặp mẹ lần cuối. Sau lễ tang, anh quyết định ở lại Alabama và giao lại công ty cho Dan quản lý. Lợi nhuận của công ty được đầu tư vào công ty Apple, chia một phần cho gia đình Bubba và làm từ thiện. Forrest tự kể: “Tôi đang là tỷ tỷ phú chứ, nhưng giờ đây tôi chỉ thích công việc cắt cỏ miễn phí cho mọi người”. Forrest còn cấp tiền cất một nhà thờ, đồng thời tài trợ cho một bệnh viện nghề cá.
Một buổi sáng, lúc Forrest đang vận hành xe cắt cỏ trước nhà, Jenny đột nhiên xuất hiện ở cổng, tiều tụy, mong manh như một hồn ma quay về từ quá khứ…
3.
Trong phim, tình yêu, cách thương yêu của Forrest luôn đứng hàng đầu, tuyệt diệu nhất trong số những kỳ tích này, khác của anh. Đó là kỳ tích của một trái tim rộng mở vô-điều-kiện.
Jenny, cô gái duy nhất trên đời để mắt đến và yêu thương chàng Forrest ngây ngô, hiền lành – tất nhiên là nhát gái vì mặc cảm khuyết tật - lại là một cô nàng quậy hết biết! Cô nàng xinh đẹp nhưng sống vô cùng phóng túng, có lẽ có yêu Forrest chút đỉnh nhưng đã bỏ nhà đi bụi đời, hút cần sa, cặp với một gã hippy và đi lang thang khắp nước Mỹ. Có lần Forrest và Jenny tình cờ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh rất “trời thần”: cô nàng kiếm sống bằng cách khỏa thân 100%, ngồi ôm đàn hát trong một quán bar. Một anh lính say rượu, chịu không nỗi bèn nhào lên sân khấu giở trò sàm sỡ thì Forrest vừa tìm đến quán mà giải cứu cho cô nàng. Forrest đã ngỏ lời yêu Jenny nhưng cô nói anh không biết gì về tình yêu, rồi lại bỏ đi. Vậy mà Forrest vẫn cúc cung một lòng yêu thương và chờ đợi ả ‘chim giang hồ’ ấy.
Như đã nói, Jenny trở về khi cô đã trải qua quá nhiều đắng cay của cuộc sống phiêu bạt. Đối với Forrest, đó là khoảng thời gian thật hạnh phúc. Anh đã cầu hôn Jenny với câu nói bất hủ: “Anh không thông minh nhưng anh biết tình yêu là gì”. Jenny không nhận lời nhưng cô thú nhận có yêu anh, và họ đã có một đêm tuyệt vời tại nhà Forrest. Sáng hôm sau, Jenny ra đi mà không để lại một lời nhắn nào.
Vắng Jenny, Forrest cảm thấy cô đơn. Anh chỉ muốn đóng cửa nhà rồi chạy đi, lúc đầu trong thị trấn, sau đó xa hơn nữa và ngày càng xa, rốt cuộc là xuyên nước Mỹ. Từ ngày hè nắng đổ lửa cho đến đêm đông tuyết giá, tóc tai râu ria dài thậm thượt như người tiền sử, anh lầm lũi chạy trên những xa lộ, băng qua những cánh đồng lúa mạch, thảo nguyên, bờ sông, bãi biển… và “cả những bãi phân chó” – Forrest tự kể. Anh cứ chạy mãi, trở thành một hiện tượng, thậm chí là thần tượng cho nhiều người. Ti-vi thu hình, báo chí phỏng vấn, ảnh của Forrest một lần nữa lại nhảy lên trang bìa của Times, Newsweek… Tưởng anh “chạy vì hòa bình” nên một số người xuống đường, cùng chạy với anh.
Đúng ra, như lời Forrest tự kể, anh đã “Chạy không vì lý do gì!”. Nhìn gần thì người xem có thể giả định đây là một phản ứng kiểu tâm thần nơi một con người đã đau khổ và tuyệt vọng cực cùng, vì tình chẳng hạn. Nhưng nhìn sâu hơn, khía cạnh “không vì lý do gì” cho thấy đây chính là chủ ý toát ra từ kịch bản phim, nhằm giới thiệu một hành vi dưng không, phi lý, kiểu triết hiện sinh cùng hư vô chủ nghĩa (như đã phân tích ở phần đầu). Tuy nhiên, không cho phép mình quá ‘lậm’ những tư tưởng bi quan nói trên, các nhà làm phim ‘Forrest Gump’ đã kịp cho Forrest ngưng chạy, đứng khựng giữa một quãng đường. Im lặng một lát, anh nói với đám đông làm ‘đuôi’ sau lưng mình, là “Tôi mệt quá! Tôi về nhà đây!”. Forrest tự kể là anh đã chạy vòng quanh nước Mỹ hết 3 năm 2 tháng 14 ngày 16 giờ.
Bất ngờ Forrest nhận được thư của Jenny hẹn gặp anh tại Savannah, Georgia. Trong đồng phục y tá, cô nàng hiện ra như một con người mới, nhưng điều còn đáng kinh ngạc hơn cho Forrest là một chú nhóc trong nhà. “Con anh đó! Em đặt tên con cũng là Forrest”. Một bé trai đẹp đẽ, khỏe mạnh, đáng nói nhất là không bị một chút khuyết tật nào về thể chất hay trí tuệ, tức không hề giống như cha mình.
Ở phần cuối phim, cứ làm như đã tưởng thưởng xong xuôi, thỏa đáng cho tình yêu chân thực, cao cả của Forrest bằng đứa con lành lặn, số phận lại tiếp tục dày xéo cuộc đời anh. Cùng nhau trở về sống ở quê nhà Greenbow, Jenny tiết lộ cho Forrest biết là mình đã mắc một căn bệnh lạ (sau này được hiểu là HIV). Hai người lập tức tổ chức đám cưới. Những ngày hạnh phúc không kéo dài, Jenny qua đời vì bệnh và được an táng bên cạnh mộ mẹ chồng. Nhưng lúc này, nhờ có con mà sự đau khổ của Forrest có phần nguôi ngoai...
4.
Bộ phim dài 2 giờ 12 phút tuyệt hay của năm 1994 đã kết thúc bằng hình ảnh thật tươi sáng, trong lành: Forrest Gump đưa con trai lên xe bus đi học, giống như mẹ anh đã làm ngày xưa.
Nhìn chung, sau rất nhiều cảnh khổ ải, bệnh tật, chết chóc, chia lìa, thiên tai…, đoạn kết có hậu này của phim ‘Forrest Gump’ là phần thưởng xứng hợp với tính cách đặc biệt của nhân vật chính. Dù từ bẩm sinh đã là một con người có khiếm khuyết về thể chất cũng như trí tuệ, luôn bị mọi người xung quanh coi là bất bình thường, nhưng dù có bị số phận kém may mắn ấy nhào nặn đến đâu chăng nữa, tâm hồn của chàng Forrest vẫn một mực rộng mở trong tình yêu với Jenny cũng như trong tình đồng đội, tình bạn, tình hàng xóm… Khi Forrest quên mình, lao vào nguy hiểm và khó khăn chỉ vì người khác thì những hành động cũng bất bình thường ấy đã là những kỳ tích hiếm ai dám làm và làm được. Trong đó, tình yêu chân thành, thủy chung của Forrest dành cho Jenny quả là ‘thế gian có một’ – một kỳ tích tuyệt diệu, thách đố cả số phận khắc nghiệt của cuộc đời anh.
(Tháng giêng Giáp Ngọ)