Đọc "Gửi Ức Trai" của nhà văn Lưu Trọng Lư
Người sợ đưa nhanh nhát chổi
Làm bóng hoa tan
Nhưng khi xô một tảng núi bạo tàn
Ức Trai! Người không biết sợ
Thà chịu một vừng trăng đổ vỡ
Để đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh.
Ai yêu như Người, cái lẽ hiếu sinh
Một giọt nắng thanh bình
Trên đầu ngọn lúa?
Ai yêu như Người, từng tia máu đỏ
Trong da tóc trẻ đẹp con người?
Người thơ của đội quân đất nước
Đã làm bơ phờ xơ xác
Những mũ mãng thiên triều!
Làm một nước nghĩa nhân nhỏ bé
Bên một nước lớn vô độ, tham tàn
Phải chịu điều cay đắng nghìn năm
Để đổi lấy hàng trăm trận thắng
Và Ức Trai với mái tóc thời gian còn thơm trắng mãi
Vẫn nắm chặt trong tay ấn tín Liễu Thăng
Dặn cháu con:
Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương
Nhưng Nhân nghĩa ngọn cờ, đừng để lọt vào những bàn tay dính máu
Ôi! Ngọt ngào ngọn gió
Gần 600 năm rồi mà như mới hôm qua
Ức Trai về, lững thững dưới rừng hoa
Như xem lại, một chiều trận mạc…
(Trong tập Bài ca tự tình -
NXB Hội Nhà văn, tháng 6-2011)
Nhà văn Lưu Trọng lư làm bài thơ này sau khi đã sống nhiều ngày cùng các chiến sĩ trận điạ "chốt" biên giới phía Bắc tại Lạng Sơn, Cao Bằng, "Khi trái tim ta đang vỡ làm đôi" khiến cho "Tiếng nói của cả đời ta ùn lại" như ông từng bộc lộ ở bài thơ "Em có nghe" viết cũng trong thời gian đó. Trước máu xương của quân dân ta đổ xuống chống trả sự "ma giáo côn đồ" của bọn bành trướng để bảo vệ từng tấc đất cha ông, nhà văn đã nhớ đến người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi; và bài thơ "Gửi Ức Trai" đã như một nén hương kính cẩn giữa đất trời Tổ quốc thiêng liêng dâng lên hương hồn biết bao anh hùng nghĩa sĩ Việt Nam xưa nay mà Nguyễn Trãi là tấm gương chói lọi nhất...
Bài thơ mở đầu bằng một ý thơ rất đẹp lấy trong Quốc âm thi tập: "Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét sân ngày lệ (sợ) bóng hoa tan", liền sau đó là một hình ảnh tương phản giàu thẩm mỹ và nặng trĩu hiện thực để khái quát lên toàn bộ tâm hồn cao khiết lẫn khí phách phi thường của Nguyễn Trãi trong suốt cuộc đời cụ:
Người sợ đưa nhanh nhát chổi
Làm bóng hoa tan
Nhưng khi xô một tảng núi bạo tàn
Ức Trai! Người không biết sợ
Sức mạnh tinh thần của Nguyễn Trãi được bắt nguồn từ triết lý hành động của một dân tộc từng chịu quá nhiều đau khổ, khi "mỗi người Việt mình nước mắt đủ chảy thành sông", và nhà văn đã diễn đạt điều này tựa lời thề của người nghĩa quân trước giờ vung gươm ra trận diệt ngoại xâm, tựa đôi câu đối trang trọng thấm đẫm xúc cảm treo nơi bàn thờ Tổ tiên anh linh:
Thà chịu một vừng trăng đổ vỡ
Để đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh.
Từ điểm xuất phát này, nhà văn bắt đầu miêu tả thế giới tinh thần cao quý của Ức Trai, mà cội nguồn là tình yêu Dân, thương Dân:
Ai yêu như Người, cái lẽ hiếu sinh
Một giọt nắng thanh bình
Trên đầu ngọn lúa?
Ai yêu như Người, từng tia máu đỏ
Trong da tóc trẻ đẹp con người?
Cho dù phải chịu cảnh "Danh hư họa thực", nhưng nhờ có tình thương lớn lao đó, nhờ có "lòng trung lẫn hiếu/ mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (QÂTT) mà Nguyễn Trãi đã trở thành "Nhà chiến lược thiên tài/ Người mưu sĩ tuyệt vời" đưa dân tộc vượt qua bao hiểm nguy và đè bẹp giấc mộng của bọn bá quyền:
Người thơ của đội quân đất nước
Đã làm bơ phờ xơ xác
Những mũ mãng thiên triều!
Nguyễn Trãi còn "dành cả hơi nồng cho hậu thế", và nhà văn như nghe thấy nỗi lo âu trăn trở thể hiện tầm nhìn vượt nhiều thế kỷ của cụ đến với hôm nay:
Làm một nước nghĩa nhân nhỏ bé
Bên một nước lớn vô độ, tham tàn
Phải chịu điều cay đắng nghìn năm
Để đổi lấy hàng trăm trận thắng
Nhưng từ hơn ba mươi năm trước, giữa những ngày tháng Tổ quốc bị sỉ nhục đó, nhà văn đã thốt lên hộ biết bao người Việt Nam yêu nước-"Những ngọn đèn không ngủ" trong hiện tại cái điều phẫn uất này, qua cách nói dân dã: "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng!" Vì thế, Đạo nghĩa làm người lớn nhất giờ đây là "Biết cầm chắc những gì Tổ quốc trao đưa" :
Và Ức Trai với mái tóc thời gian còn thơm trắng mãi
Vẫn nắm chặt trong tay ấn tín Liễu Thăng
Dặn cháu con:
Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương
Nhưng Nhân nghĩa ngọn cờ, đừng để lọt vào những bàn tay dính máu !
Gần mười năm sau cái ngày "Người lính thơ đi nhặt những mũ mãng thiên triều", nhà văn Lưu Trọng Lư vẫn chưa hết nỗi đau và sự trăn trở về hành động xấc xược của bọn "ma giáo côn đồ" bành trướng; cùng với nỗi lo lắng khôn nguôi về sự sa sút của đạo lý, của tinh thần dân tộc chân chính, ông viết "Thư đêm giao thừa"( năm 1988):
Mênh mông trường dạ” nhang đèn xưa cũng thổn thức đầy vơi
Cả lịch sử anh hùng cũng về đây trong chiến hào sinh tử
Của dân tộc, một câu thơ, một đạo lý
Cũng về đây, sống chết với hôm nay
...Việt Nam không chỉ chết sống một lần
Việt Nam muôn đời tự làm nên vận mạng
Hãy cuốn phăng đi trăm loài xác bẩn!
Nhà văn như đang nói trực tiếp với Nhân dân mà ông yêu thương quý trọng trọn đời và những người có trách nhiệm đối với vận mệnh Nhân dân giữa những ngày nóng bỏng này:
Hỡi quyền uy rộng lớn! Thái thượng Nhân dân
Ta chỉ xin quỳ trước một chữ Nhân
Cuộc Giao ban Đất Trời
Người không được phép thêm một lần lỡ hẹn!
Và Nguyễn Trãi lại về với chúng ta hôm nay, theo xúc cảm của một nhà văn sẵn sàng "Ôm cả tình thương mà chết", không chỉ để tiếp tục "Tìm mai theo đạp bóng trăng" (QÂTT) mà còn để xem xét cháu con "Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương" ra sao trước sự tồn vong của Đất Nước:
Ôi! Ngọt ngào ngọn gió
Gần 600 năm rồi mà như mới hôm qua
Ức Trai về, lững thững dưới rừng hoa
Như xem lại, một chiều trận mạc…
Một dũng sĩ trong hình dáng của một tiên ông "lững thững dưới rừng hoa" thăm lại "vạn cổ thử giang san"- nơi mà chỗ nào cũng có dấu vết "Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng" (thơ dịch Ức Trai Thi tập). Một tiên ông hiền dịu có tâm hồn "ngọt ngào như ngọn gió" mà lại quắc thước, cứng cỏi, chứ không hề ủy mị yếu hèn trước cả một hàng tướng giặc qua sự miêu tả gần đây của một nhà văn có tên tuổi...
Nhà văn Lưu Trọng Lư đã cảm nhận một cách sâu sắc và đồng cảm cao độ cái sức mạnh tinh thần lớn lao của Nguyễn Trãi qua văn chương chiến đấu và văn chương thế sự của cụ mà nhà thơ Pháp Paul Éluard từng gọi là: "những vũ khí của đau thương"... Đó cũng là nguyên nhân quan trọng để "Gửi Ức Trai" trở thành một trong những tác phẩm văn học hiện đại hay nhất viết về người anh hùng vĩ đại dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, và luôn luôn mang tính thời sự nóng hổi... Vâng, Nguyễn Trãi đang "lững thững" trở về để cổ vũ con cháu biết yêu thương, quý trọng nhau hơn khi cùng cầm "ngọn cờ Nhân nghĩa ", không để chúng lọt vào "những bàn tay dính máu" và dơ bẩn - có như vậy mới bảo vệ được trọn vẹn non sông gấm vóc yêu quý...
( Đã in Tạp chí Nhà văn, số 3-2013)