Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.269
123.156.489
 
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
Trần Dũng

VÀ LỄ HỘI MIỄU Ở TRÀ VINH

 

1. Nguồn gốc tín ngưỡng thờ mẫu của cư dân Trà Vinh:

 

Như tất cả các dân tộc vùng Đông Nam Á, nói rộng ra là các dân tộc thuộc hệ văn minh nông nghiệp lúa nước, người Việt cổ ở lưu vực sông Hồng vốn quan niệm rằng đất, nước, lúa có cốt lõi uyên nguyên, mang yếu tố âm (Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa). Điều này thể hiện khát vọng sâu sa của người nông dân về đất đai mùa màng sinh sôi nảy nở một cách mạnh mẽ, đảm bảo cho cuộc sống phát triển lâu dài. Mẹ Âu Cơ, bà Chúa Liễu, bà Chúa kho… là những ví dụ.

 

Trong quá trình di dân mở cõi phương Nam, đa phần người Việt đều dừng chân trên dãi đất miền Trung. Ở đó, họ dung nạp vào hành trang văn hóa của mình những vị nữ thần có nguồn gốc Chăm như Pô Riak, Thiên Y A Na… Vào đến ĐBSCL, các thế hệ lưu dân người Việt lại tiếp nhận những nét trùng hợp về tín ngưỡng thờ mẫu của người Hoa (bà Thiên Hậu), của người Khmer (bà Đất, bà Lúa, bà Om…). Môi trường cảnh quan mới, điều kiện giao tiếp mới đã làm cho tín ngưỡng thờ mẫu vốn hằn sâu trong tiềm thức người nông dân Trà Vinh có điều kiện phát triển theo chiều hướng mới mẻ so với cội nguồn của nó. Ở đây, người ta không thờ bà Chúa kho, bà Chúa Liễu, mẫu Thượng ngàn… mà lại thờ bà Chúa xứ, bà Thiên Hậu. Theo Paulus Huỳnh Tịnh Của, hệ thống mẫu được thờ ở miền Nam bao gồm bảy bà và ba cậu. Ở Trà Vinh, phổ biến nhất là bà Chúa xứ và bà Thiên Hậu. Theo khảo sát của chúng tôi, tính đến thời điểm năm 1973, cả tỉnh có 143 vị trí miễu hoặc từng có miễu thơ bà Chúa xứ. Con số này đối với bà Thiên Hậu là 47. Trong khi đó chỉ có chưa tới 10 vị trí miễu hoặc từng có miễu thơ bà Chúa Động, bà Cố hỷ… chủ yếu là các xã ven biển.

 

2. Thần phả, hành trạng bà Chúa xứ và bà Thiên Hậu:

 

- Bà Chúa xứ: Thuở xưa ở vùng đất Chămpa, nay thuộc tỉnh Khánh Hòa xuất hiện một nàng tiên bị đày trong lốt con nuôi của hai vợ chồng lão nông dân nghèo khổ. Một ngày nọ, tiên nhập xác vào khúc gỗ trầm hương, ngược dòng hải lưu trôi về phương Bắc. Tiên kết hôn cùng vị hoàng tử, sinh được hai người con là cậu Tài, cậu Quí (đọc theo âm Quảng Đông là cậu Đại, cậu Tiểu). Sau đó, vì nhớ nhà, tiên lại nhập vào khúc gỗ trầm tìm về Khánh Hòa. Lúc ấy hai vợ chồng lão nông dân đã mất. Tiên ở lại giúp nông dân khẩn hoang lập ấp, trừ khữ thú dữ, cứu nạn người đi biển rồi cưỡi chim về tiên cảnh. Người Chăm lập tháp thờ (tháp Bà – Nha Trang) với danh xưng Pô Inô Nôgar. Đến triều các vua Nguyễn sắc phong bà là Thượng đẳng thần với mỹ tự Thiên Y Ana Diễn ngọc Thánh phi (dân miền Trung, miền Đông Nam bộ gọi bà là bà Chúa Ngọc còn ở đồng bằng sống Cửu Long phổ biến với danh xưng bà Chúa xứ). Lễ vía bà Chúa xứ vào ngày 23/ 24/4 âm lịch hàng năm.

 

- Bà Thiên Hậu: Ngày xưa, ở vùng Phước Kiến (Trung Quốc) có cô gái họ Lâm, tên Ngạc Nương học được phép tiên. Một hôm, cha và hai anh cô đi thuyền trên biển không may bị đắm. Ngồi ở nhà, Lâm nương xuất hồn ra biển cứu cha và anh nhưng mới cứu được một người anh thì Lâm nương bị người nhà đánh thức. Từ đó, Lâm nương được xem là vị thần phú trợ người đi biển. Bà được nhà Mãn Thanh phong là Thiên Hậu Thánh mẫu. Bà Thiên Hậu theo chân người Hoa di dân vào ĐBSCL từ vài trăm năm nay. Lễ vía bà Thiên Hậu vào dịp 23, 24/3 âm lịch hàng năm.

 

Điều đáng chú ý là cả hai bà Thiên hậu, Chúa xứ đều liên quan và có phép mầu trên sông biển. Đây là lý do giải thích tại sao cư dân Trà Vinh vốn dày đặc sông rạch lại tiếp giáp biển, tập trung thờ hai mẫu này.

 

3. Miễu và lễ hội miễu:

 

Miễu là cách gọi thông dụng của miếu, được dịch ra từ chữ CUNG trong Hán tự (Thiên Hậu cung, Chúa xứ cung). Truy nguyên, miếu là cơ sở tín ngưỡng duy nhất thờ mẫu và mẫu chỉ được thờ ở miễu. Tuy nhiên, dần dần xuất hiện hiện tượng hỗn dung tín ngưỡng. Nhiều đại biểu của Phật giáo (Phật Thích ca, Quán thế âm…), Khổng giáo (Khổng tử, Mạnh tử…), Đạo giáo (Lão tử, các vị tiên…) kể cả thần thánh của các tín ngưỡng cổ sơ khác (Ông Bổn của người Hoa, Neakta của người Khmer, Ông Nam Hải tức cá voi của người Việt…) cũng được đưa vào phối tự trong miễu. Do đối tượng được đưa vào phối tự có tính chất khác nhau mà lễ hội miễu cũng có nhiều nét khác nhau và khác xa với nguồn gốc ban đầu, từ vật phẩm dâng cúng đến định kỳ lễ hội.

 

 

 

Do đa phần cư dân Trà Vinh (kể cả ba dân tộc) vẫn sinh sống bằng nghề làm ruộng, ít nhiều gắn bó với tín ngưỡng phồn thực, cộng với yếu tố sông nước, ven biển nên lễ hội miễu (lễ hội Vía bà) luôn chiếm một vị trí trang trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Đây là dịp để họ thể hiện khát vọng về đất đai, mùa màng tươi tốt, nảy nở sinh sôi đồng thời là dịp vui chơi, giải trí trước khi bước vào mùa vụ mới (lễ Vía bà thường vào thời điểm bắt đầu mùa mưa, mùa gieo trồng trong nông nghiệp). Lễ hội miễu còn là dịp để cố kết những mối quan hệ cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng thôn xóm.

 

Lễ hội miễu ở Trà Vinh khá đa dạng do tính chất hỗn dung tín ngưỡng nhưng tựu trung bao gồm những lễ thức chính sau đây:

 

- Lễ Mộc dục: tức lễ Tắm bà. Lễ này là lễ thức chính thức đầu tiên của lễ hội miễu, được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày hôm trước (23/3 nếu là bà Thiên Hậu và 23/4 nếu là bà Chúa xứ). Sau một năm, tượng bà bị bụi ám, nhện giăng nên cần lau rửa sạch sẽ, thay bộ đồ cũ bằng bộ đồ mới, trước khi vào lễ Vía bà. Đầu tiên, vị Chánh bái cùng hai vị bô lão mang bộ đồ mới đặt trước điện thờ rồi niệm hương, dâng trà rượu để thánh mẫu về chứng giám. Sau đó, tất cả lui ra. Tấm rèm nhung màu đỏ, có thêu rồng phụng đươc kéo ngang che khuất điện thờ và tượng thờ bà. Bên trong rèm, một nhóm 5 – 7 phụ nữ đứng tuổi, đức hạnh được chọn trước cùng tín chủ bộ y phục dâng cúng, tuần tự tiến hành cởi mão, khăn đội, rồi đến đai áo, áo ngoài, áo trong để lộ ra pho tượng thánh mẫu. Các bà dùng khăn trắng sạch nhúng vào chậu nước có ướp hương hoa rồi vắt khô để lau chùi tượng. Sau đó, các bà lại theo tuần tự mà mặc áo trong, áo ngoài, đai, khăn, mão cho thánh mẫu. Trước đây, nước tắm bà được chia nhau đem uống như một hình thức hưởng lộc thánh. Ngày nay, vệ sinh hơn, người ta chỉ dùng để rửa mặt hoặc rưới lên những bông hoa rồi chia nhau mang về nhà. Bộ y phục cũ thay ra, người ta đem hóa lửa trước khi đổ tro xuống đoạn sông thanh sạch nhất.

 

Sau lễ Mộc dục, thiện nam tín nữ lần lượt dâng hương hoa, làm lễ chiêm bái thánh mẫu.

 

- Lễ Túc yết: Được tiến hành đúng 24 giờ sau lễ Mộc dục, tức 0 giờ ngày hôm sau. Túc yết có nghĩa là chờ đến giờ ra mắt thánh mẫu. Nghi thức này còn có hàm ý tập trung những người có trách nhiệm thực hiện các nghi lễ tại miễu giữ mình thanh sạch, không gần gũi phụ nữ, không rưaợu chè say sưa. Vào lúc này, vị Chánh bái dẫn đầu Ban quản trị và các bậc bô lão y phục chỉnh tề, hai hàng tựu vị trước điện thờ. Phẩm vật dâng cúng bao gồm một mâm trái cây, một mâm trầu cau. Sau lễ Túc yết, các vị lui ra, chuẩn bị cho lễ Chánh tế.

 

 

 

- Lễ Chánh tế: Là nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội miễu, được tiến hành vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau (23/3 nếu là bà Thiên Hậu, 24/4 nếu là bà Chúa xứ). Vị Chánh bái lại dẫn đầu Ban quản trị cùng các bậc bô lão hai hàng tựu vị trước điện thờ. Ngay chính giữa, trước điện thờ, đặt vật phẩm tế chính là một con heo nguyên con (heo trắng – toàn sinh, toàn sắc – nếu là bà Chúa xứ; heo quay nếu là bà Thiên Hậu). Ngoài ra còn có một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối.

 

Trình tự tiến hành lễ Chánh tế tương đối bài bản, qui củ và khá thống nhất trong các lễ hội miễu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Theo sự hướng dẫn của vị Chánh bái, bốn học trò lễ hoặc bốn đào thài lần lượt dâng hương, dâng hoa, chúc tửu, tiến trà lên thánh mẫu trên nền nhạc Nam. Sau đó, vị Chánh bái đọc bài văn tế ca ngợi hành trạng, công đức của thánh mẫu cũng như lòng biết ơn của dân làng trước sự phù hộ, độ trì của thánh mẫu. Sau khi đọc xong, bài văn tế được hóa lửa dâng lên thánh mẫu, bởi vì lửa là phương tiện liên lạc duy nhất giữa thế giới hiện thực và thế giới thần linh.

 

- Bóng rỗi, địa nàng: Nói đến lễ hội miễu thì không thể không đề cập đến hát múa bóng rỗi, địa nàng. Đây là nghi thức cúng tế đặc trưng của lễ hội miễu vừa là màn biểu diễn phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trẩy hội, diễn ra trong suốt thời gian giữa lễ Túc yết và lễ Chánh tế.  Bóng rỗi có lẽ là nghi thức điển hình nhất chứng tỏ nguồn gốc Chămpa của bà Chúa xứ (sau này, bóng rỗi cũng có mặt trong lễ Vía bà Thiên Hậu). Bởi lẽ, theo tín ngưỡng Chăm: “Bà bóng Pajao có nhiệm vụ nhảy múa, dâng lễ vật mời thần linh, nhập đồng tiên tri mọi việc vì hàng năm bà bóng vẫn có dịp giao cảm với thần linh trong một giấc ngủ triền miên” (Nguyễn Văn Luận. Người Chăm Hồi giáo miền Tây Nam phần. Sài Gòn 1974, tr 50). Chính với tư cách có khả năng “hầu chuyện” với thần linh nên bà bóng (hoặc địa nàng) được dân làng ủy nhiệm việc dâng vật phẩm dâng cúng lên thánh mẫu trong lời nhạc, điệu múa đặc trưng của thế giới bóng rỗi. Những bài hát bóng rỗi, chặp địa nàng trong lễ Vía bà thường có nội dung cầu thánh mẫu ban cho phúc, lộc, khang, ninh, quốc thái dân an, phong điều vũ thuận…

 

Bên cạnh các nghi thức, lễ hội miễu còn có các hoạt động đãi đằng ăn uống, vui chơi. Một đặc trưng khác biệt giữa lễ hội đình và lễ hội miễu là nếu trong lễ hội đình, việc đãi đằng có phân biệt chặt chẽ trật tự ngôi thứ trong làng theo kiểu “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp” thì việc ăn uống trong lễ hội miễu tất cả đều bình đẳng, đều là con cháu của thánh mẫu. Vậy nên, xưa có câu ca dao:

 

 

             “Phụng hoàng đua thì se sẻ cũng đua

              Anh dạo chơi trước miễu sau chùa

              Gặp người quân tử, quê mùa thiếu chi”.

 

 Chính nhờ sự bình đẳng, không phân biệt ngôi thứ mà tính cố kết giữa cá nhân với cộng đồng làng xóm trong lễ hội miễu mạnh hơn nhiều so với lễ hội đình.

 

 Tín ngưỡng thờ mẫu và lễ hội miễu là một hoạt động văn hóa dân gian cả nước nơi nào cũng có. Riêng ở Trà Vinh, do những điều kiện mới về cảnh quan thiên nhiên, về giao tiếp xã hội mà hoạt động tín ngưỡng, lễ hội dân gian làng xã này có những nét đặc trưng riêng biệt mà nghiên cứu về nó sẽ giúp chúng ta có thêm phương tiện để hiểu thêm đặc thù của văn hóa Trà Vinh trong tổng thể văn hóa Việt Nam.

 

 

 

Trần Dũng
Số lần đọc: 6815
Ngày đăng: 10.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gieo vần cho thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian - Nguyễn Xuân Kính
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Nguyễn Việt Hùng
Văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi - Nguyễn Thị Phương Châm