Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.235
123.153.892
 
Như một tráng ca
Phan Bá Ất

 

 

Trong những ngày tháng 6–2011, dư luận trong nước và quốc tế rất phẫn nộ khi hải phận của chúng ta bị xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn và nghiêm trọng. Tôi bỗng nhớ tới năm 1978 khi biên giới của chúng ta đang có hoạ xâm lăng. Hồi đó tôi đang điều dưỡng tại K65 Sơn Tây. Tình cờ tôi có được tờ báo Biên Giới, nhờ đó tôi bắt gặp  bài thơ “Từ mảnh đất này cha viết cho con” của Nguyễn Xuân Hải. Có lẽ tác giả là một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương của Tổ Quốc, nơi chiến sự đang diễn ra nóng bỏng. Bài thơ như một tráng ca, thổi vào bạn đọc một cảm xúc đặc biệt dạt dào tình yêu và lòng tự hàoTổ Quốc. Hơn 30 năm trôi qua, bài thơ vẫn sống trong tôi một cách kỳ diệu, để đến hôm nay, hiện trạng của đất nước khiến tôi không thể không đọc và ghi lại một vài cảm xúc của mình trước bài thơ đó

 

TỪ MẢNH ĐẤT NÀY CHA VIẾT CHO CON

 

Nguyễn xuân Hải

 

Từ mảnh đất này cha viết cho con.

Cha viết khi trăng mới lên đầu non,

cha viết khi triệu vì sao mới mọc

và đồng đội vừa thay cha phiên gác đêm dài!

 

Cha vẫn hình dung

chiếc nôi con sống là hướng của chòm sao mai.

Mẹ sẽ chỉ cho con nơi cha sống là phía của chòm gấu nhỏ.

Biên cương xa xôi,

chỗ đứng của cha  bốn mùa mây gió.

Biên cương yêu thương,

chỗ đứng của cha bốn ngàn năm đẹp trang sử vàng.

 

 

Biên cương, nơi hoà âm của hùng khí tiếng trống đồng,

nơi đường bay đang căng của những mũi tên Âu Lạc,

Nơi vang dậy tiếng quân reo sát thát,

Nơi Lý Thường Kiệt vung cao gươm vạch “Nam quốc sơn hà..”.

 

Con còn thơ ngây nên chưa hiểu hết đâu

Mỗi ý lời ru có nhịp cầu chung thuỷ.

Xứ Lạng…Đồng Đăng…Kỳ Lừa…Pha Luỹ…

Cha nghĩ hoài theo mỗi ý bài ca.

 

Dẫu muốn cầm bầu rượu nắm nem

nhưng không thể quên lời người xưa dặn.

Giếng ông tiên không thể là nước mắt

mà là gương cho giặc khiếp muôn đời.

 

Khi con ngủ ngoan trong tay mẹ đưa nôi

Khi con ngủ ngoan trong khung trời yên ả

là lúc nơi đây, đồng đội cha quân thù vừa chém ngã,

bài hát ru phải đổi cả bằng máu hồng.

 

 

Là lúc nơi đây lại nhọn hoắt mũi chông

Kèn xung trận tiếng trống đồng lại nổi.

Súng cảnh giác, đạn lại lên nòng băng mới,

cho yên mùa xuân rộn rã nước non.

 

Từ mảnh đất này cha viết cho con

Trăng đầu núi uốn hình cung sáng rực,

Triệu vì sao như tên thần thao thức.

Tổ Quốc muôn đời rạo rực trái tim cha!

 

                                                             N X H

 

Nói về lòng yêu nước, dễ bị người ta cho là “đại ngôn”, “sáo ngữ”. Viết thơ, điều đó càng dễ bị hiểu lầm hơn. Cần một thực tiễn, một cách biểu hiện, không cần một thuyết lý cao đạo, rao giảng. Nguyễn Xuân Hải dường như không bị sự hiểu lầm này. Tác giả là một chiến sỹ đang đối mặt với cái chết ngay nơi địa đầu của Tổ Quốc. (tôi đoán vậy và có lẽ điều đó là chính xác). Tác giả nhớ thương da diết con mình. Anh đã viết cho con, dẫu là con chưa biết đọc, bằng tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ nhung khôn xiết, bằng tất cả cảm xúc và tri thức phong phú của mình về quê hương, về tổ quốc, về nghĩa vụ làm cha và nghĩa vụ làm dân. Người có học, không thể không thấy một tất yếu cảm xúc của tác giả chân thành, mạnh mẽ không hề có sự lên gân. Người đọc hình như bị anh thuyết phục, cảm hoá bởi tính chân thành và chất tráng ca của bài thơ.

   Khi Nguyễn Xuân Hải viết, tình cảm của người cha và chất nghệ sỹ đã khiến anh hình dung “Chiếc nôi con sống là hướng của chòm sao mai/ Mẹ sẽ chỉ cho con, nơi cha sống là phía của chòm gấu nhỏ”. Con là tương lai, hy vọng của anh và anh ý thức được anh đang sống ở đâu và làm gì. Hình như người cha biết con sẽ hỏi và rất muốn biết về cha nó sống như thế nào. Anh muốn kể với con nơi anh sống với tất cả cảm xúc và truyền sự cảm thông và niềm tự hào cho đứa con bé bỏng rồi đây sẽ khôn lớn của anh. Hãy nghe anh kể về nơi anh sống: đó là “Biên cương xa xôi”, là “Bốn mùa mây gió”, là địa đầu gian khó, đầy nghiệt ngã của thiên nhiên, của chiến sự, nhiệm vụ nặng nề, nhưng anh vẫn thấy “Biên cương yêu thương…” gắn bó! Nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc mà ở đó là “ …Nơi hoà âm hùng khí tiếng trống đồng/ nơi đường bay đang căng của những mũi tên Âu Lạc? Nơi vang dậy tiếng quân reo sát thát/ Nơi Lý Thường Kiệt vung cao gươm vạch “Nam quốc sơn hà…” ” Thật là hào sảng, thật là tráng ca, những trang sử hào hùng của dân tộc như những điển hình, chấm phá theo dòng chảy lịch sử giữ nước của ông cha ta. Đáng tự hào thay nơi anh đứng và mảnh đất anh đang gìn giữ nó. Hình như tác giả không chỉ viết cho con mà anh còn viết cho chính mình như đó là nhận thức, như tri thức hoà quyện với cảm xúc và ý thức của riêng anh. Có thể anh hiểu rằng giờ đây con anh chưa hiểu nổi, nhưng mẹ nó sẽ nuôi dưỡng nó trưởng thành và con anh sẽ thuộc về ngày mai đầy tốt đẹp, tươi sáng :

“Con còn thơ ngây nên chưa hiểu hết đâu/Trong mỗi lời ru có nhịp cầu chung thuỷ” Và do đó những địa danh: “Xứ Lạng… Đồng Đăng…Kỳ Lừa… Pha Luỹ” vang lên trong những câu ca dao khiến anh phải “Cha nghĩ hoài theo mỗi ý bài ca”.

Ở biên giới phía bắc, những địa danh như thế, làm sao tác giả không rung động với cảnh đẹp non sông gấm vóc, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/ bõ công bác mẹ sinh thành ra em/ Tay cầm bầu rượu nắm nem/Mải vui quên hết lời em dặn dò”. Mà đâu phải những bài ca và địa danh chỉ đơn thuần gợi nhớ những cảnh đẹp và tình yêu như thế.  Thiêng liêng hơn, mỗi địa danh Lạng Sơn, Đồng Đăng, Pha Luỹ kia đã là nơi ghi bao chiến tích của ông cha đánh tan ngoại xâm phương bắc. Đất nước có một lịch sử và một nền văn hoá như thế, làm sao không thể không tự hào và hy sinh cho nó:

Dẫu muốn cầm bầu rựơu nắm nem/ nhưng không thể quên lời người xưa dặn/ giếng ông tiên không thể là nước mắt/ mà là gương cho giắc khiếp muôn đời!”

Người xưa dặn – lời ông cha, lời non sông, đất nước, bài học kinh nghiệm muôn đời về đánh giặc giữ nước! Tác giả viết cho con, nhưng cũng như muốn nói với chính mình và cả những người thân lời thề nguyện thiêng liêng đó. Chính vì vậy, anh nói với con thực trạng khốc liệt trước cái chết nơi anh sống, anh sẵn sàng đón nhận nó. Anh như muốn giãi bày, sự vắng mặt của người cha như anh cần được con thấu hiểu và thông cảm. Nghĩa vụ làm cha, anh cảm thấy chưa tròn bởi anh đang cần thực hiện một nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả khác:

“Khi con ngủ ngoan trong tay mẹ đưa nôi/ khi con ngủ ngoan trong khung trời yên ả/ là lúc nơi đây đồng đội cha quân thù vừa chém ngã/ lời hát ru phải đổi cả bằng máu hồng”.

 Máu của những chiến sỹ, máu của những người con ưu tú của quê hương đã đổ xuống, cái giá đắt phải đổi để giữ được những giấc ngủ yên lành trong nôi bên lời ru của mẹ, cho những đứa con thơ như con thân yêu của anh. Đồng đội của anh bị chém ngã, giấc ngủ của con anh đang bị phá vỡ, đất nước thân yêu của anh đang bị đe doạ. Tổ quốc kêu gọi anh. Tình yêu và lòng căm thù biến thành sức mạnh của dân tộc và :

“Là lúc nơi đây lại nhọn hoắt mũi chông/ kèn xung trận tiếng trống đồng lại nổi/ súng cảnh giác đạn lại lên nòng băng mới/ cho yên mùa xuân rộn rã nước non”.

Trong cuộc chiến đấu đánh giặc cứu nước của dân tộc ta hôm nay, có sức mạnh của quá khứ và hiện tại, có truyền thống hào hùng của nghìn năm lịch sử, của một đất nước có nền văn hiến lâu đời.

Khi được đồng đội thay phiên gác, Nguyễn Xuân Hải về nơi nghỉ của mình. Đêm trăng sao, sau nhiệm vụ căng thẳng, phút giây trong tĩnh lặng riêng tư, anh nhớ tới vợ con, và anh viết, viết như thoả nỗi nhớ, viết như giải toả, viết như nhật ký kiểm tra và tâm sự với chính mình. Khổ đầu bài thơ là không gian và thời gian anh viết cho con “Từ mảnh đất này cha viết cho con/ Cha viết khi trăng mới lên đầu non/ cha viết khi triệu vì sao mới mọc/ và đồng đội vừa thay cha phiên gác đêm dài”. Khi tác giả viết xong cho con, khổ thơ cuối cùng hiện lên không gian, thời gian với sức liên tưởng đầy chất thơ và khí phách của người chiến sỹ:

“Từ mảnh đất này cha viết cho con/ trăng đầu núi uốn hình cung sáng rực/ triệu vì sao như tên thần thao thức/ Tổ Quốc muôn đời rạo rực trái tim cha”

Mảnh đất ấy, trăng đầu núi ấy, triệu vì sao ấy… Vẫn những hình ảnh được lặp lại, nhưng giờ đây dưới con mắt và cảm xúc của tác giả “Trăng đầu núi uốn hình cung sáng rực” “Triệu vì sao như tên thần thao thức”. Hình như Nguyễn Xuân Hải trong nguồn cảm xúc dạt dào, anh có cảm giác rằng thiên nhiên, vũ trụ cũng như linh khí đất trời đều hoà nhập với sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng này. Nguyễn Xuân Hải tự hào với truyền thống giữ nước và nền văn hiến sáng ngời của dân tộc, anh đã liên tưởng tới Mạc Đĩnh Chi, vị trạng nguyên Việt Nam tài năng đã có vế đối bất hủ, làm vẻ vang nước Việt trước sự ngạo mạn của vua Nguyên. Truyện kể ai cũng biết, Mạc Đĩnh Chi đi sứ. Vua Nguyên muốn thử tài sứ Việt, bèn ra câu đối: “Nhật hoả vân yên bạch đản thiêu tàn ngọc thỏ” (Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng). Vua Nguyên ngụ ý coi thường nước Việt chỉ là một nước man di, nhược tiểu trước Trung Quốc. Lòng tự tôn dân tộc và trí tuệ tuyệt vời của Mạc Đĩnh Chi khiến ông đã đối ngay: “Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn chiều tối bắn rụng mặt trời).Mạc Đĩnh Chi muốn ngụ ý cảnh cáo sự ngạo mạn của vua Nguyên. Việt nam tuy là nước nhỏ nhưng có thể đánh bại nước lớn như Trung Quốc, và thực tế lịch sử đã nhiều lần chứng tỏ điều đó). Câu đối thật khí phách, và đó là khí phách dân tộc Việt, đó cũng là nguồn cảm hứng để thi tứ thăng hoa trong Nguyễn xuân Hải. Và cũng tất nhiên, một Tổ Quốc của anh như thế, Nguyễn Xuân Hải đã không thể không thổ lộ với con thân yêu“Tổ Quốc muôn đời rạo rực trái tim cha”

   Chắc chắn Nguyễn Xuân Hải là một người cha giàu tình thương yêu và trách nhiệm, một người chiến sỹ kiên cường và dũng cảm, một người con ưu tú của quê hương đất nước. Chắc chắn Nguyễn Xuân Hải là một thanh niên trẻ, có học và trí tuệ. Thơ của Nguyễn Xuân Hải như một tráng ca mà chân thành, không lên gân, không cường điệu. Thơ Nguyễn Xuân Hải khéo vận dụng ca dao dân ca, điển tích và những kiến văn sâu rộng vừa điển hình vừa dễ hiểu. Tôi không được đọc và biết nhiều về tác giả bài thơ này, nhưng bài thơ đã khiến tôi cảm tình và yêu quý anh. Đất nước có những chiến sỹ như Nguyễn Xuân Hải, có những bài thơ như “Từ mảnh đất này cha viết cho con” thì hải phận, không phận và đất liền- giang sơn của chúng ta kẻ thù nào có thể khuất phục được. Cảm ơn Nguyễn Xuân Hải!

 

                                                                                                                     

 

 

 

Phan Bá Ất
Số lần đọc: 1884
Ngày đăng: 20.02.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Trãi lại trở về cổ vũ con cháu của Người - Nguyễn Anh Tuấn
Hiểu Tổ Quốc đến xót xa... - Nguyễn Anh Tuấn
Trần Đới rong chơi một đời thơ - Tâm Nhiên
Chử Văn Long với tình thơ đậm tính nhân tình thế thái - Phạm Ngọc Thái
Đọc “Nhị khúc” mà nhớ Sài Gòn - Nguyễn Nguyên Phượng
Những bài thơ của tác giả trẻ Hạnh Vân viết về Bác Hồ - Nguyễn Nguyên Phượng
Bến Xuân bình bài thơ "Sóng thần" của Ngọc Châu - Ngọc Châu
Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận và bài thơ Lời Thề Lá Sen - Nguyễn Khôi
Lời bình của Bến Xuân về bài thơ: Phơi trăng của Ngọc Châu - Ngọc Châu
Nghĩ gì qua đề thi tốt nghiệp THPT Môn Văn 2013 - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)