Tôi quen Vũ Xuân Hồng chưa lâu. Cái làm tôi trân trọng Vũ Xuân Hồng trước tiên vì anh là một bác sĩ không những hết lòng với người bệnh mà còn say sưa với thơ ca. Thời buổi này, một bác sĩ có tiếng như anh lẽ ra phải tranh thủ để làm ngoài giờ kiếm tiền, đằng này anh lại tận dụng từng phút nghỉ ngơi cho thơ. Thơ anh bình dị, dễ đi vào lòng người nhưng cũng nhiều trăn trở, lắm suy tư. Đọc thơ anh, tôi như gặp lại “con người nhà quê” của chính mình.
Giữa thời buổi giá trị vật chất lên ngôi, Xuân Hồng lựa chọn cho mình một cách sống, một cách yêu giản dị: “Người yêu hoa huệ hoa hồng/ Còn tôi yêu ngọn cải ngồng vườn ai/ Người yêu khóm trúc, nhành mai/ Còn tôi yêu bụi tre gai nó cào”. Đó cũng là một cách làm thơ nữa. Xuân Hồng không lên gân đao to búa lớn khi làm thơ. Anh trở về làng quê lục lọi trong hoài niệm của mình những cây đa, bến nước, sân đình, cánh đồng làng, con cò, cào cào châu chấu v.v. để đưa vào thơ. Không gian hoài niệm trong thơ Vũ Xuân Hồng vì thế rất đẹp cái đẹp yên bình, thơ mộng. Thơ anh đã chạm được đến nỗi lòng chân quê của những người đã trót hôm qua áo khăn lên tỉnh.
Tuy nhiên, đấy chỉ là hoài niệm thôi, còn hôm nay bỏ phố về làng, người lữ khách tha hương bắt gặp cảnh tượng xót xa ngay từ những bước chân đầu tiên: “Cây đa nép bóng phố làng/ Thời đô thị hóa bẽ bàng chẳng xanh”. Làng hóa phố âu cũng là quy luật tất yếu của nhịp sống đô thị hóa nhưng câu thơ bình dị kia vẫn có cái gì đó cứ day dứt mãi. Day dứt cũng bởi vì: “Làn sóng công nghiệp tràn qua/ Cuốn phăng cây gạo cây đa đầu làng” (Phố làng). Cây đa bến nước là biểu tượng của làng quê xưa, tách ra khỏi không gian ấy đặt vào đời sống phố thị cây đa trở thành hình ảnh rất lạc lõng. Vũ Xuân Hồng xót xa trước cảnh không gian xưa đã bị vỡ vụn trong bức tranh làng hóa phố: “Lấp hồ rồi đến lấp ao/ Lấn sông lấn biển lấn vào đất thiêng/ San mặt bằng, bán kiếm tiền/ Chẳng kiêng long mạch, chẳng kiềng thổ công” (Mặt bằng). Không gian ấy đang bị chen lấn từng ngày. Đình làng giờ thành nơi nhảy híp- hốp; biến thành chợ hôm; ruộng đồng thành sân gôn, thành nhà máy; thôn nữ thì phấn son váy ngắn, đèn mờ; cuốc cày hoen rỉ; trâu buộc sân đình; trẻ trâu lang thang đường phố v.v.
Từ chen lấn đến gặm nhấm rồi đến biến thái: “Chim nhìn lá/ Lá nhìn chim/ Lạ quá?/ Toàn là “hàng” nhái” (Biến thái). Trong cái phố làng hiện đại người nông dân thời @ không còn mộc mạc thuần phác như xưa mà cũng “biến thái”. Trong thơ anh, cào cào mặc áo xanh đâu phải để làm duyên mà chỉ là ngụy trang để tồn tại: “Cào cào trợn mắt cười phì/ Không xanh giờ đã chắc gì còn em” (Châu chấu cào cào). Đến thằng Bờm xưa giờ cũng biến thái: “Bờm ta lên tỉnh kiếm tiền/ Mua xi măng đổ khắp miền làng quê/ Bờm ta chặt bán lũy tre/ Để mua quạt điện cho hè đỡ oi/ Bờm ta lấp hết sông ngòi/ Sắm tủ cá cảnh về chơi trong nhà/ Bờm ta bán đất ông cha…” Trong cơn lốc đô thị hóa, Sơn Tinh cũng không còn là vị thần đáng kính nữa: “Tìm Sơn Tinh núi Tản Viên/ Thấy đang đốt rẫy tận miền non cao” (Sơn Tinh- Thủy Tinh). Làng bị phố lấn át, dần mất đi. Mất làng cũng là mất miền hoài niệm, mất không gian yên bình, mất môi sinh, mà cụ thể nhất vẫn là hình ảnh chiếc ao làng: “Về làng lòng thấy xót xa/ Ao trong veo bị người ta lấp rồi/ Chỉ còn ao đục mà thôi/ Ngầu như bể phốt tanh hôi rợn người/ Bờ ao cóc cụ đang ngồi/ Tha hồ ngáp đớp muỗi ruồi bay qua” (Ao làng). Không thể tìm lại được không gian xưa cũ nên giun dế cũng chỉ biết ca những lời bi thương: “Đành nằm dưới đất mà rên/ Trái bê tông lạnh xóa tên chúng mình” (Giun đất). Và anh thấy, trên những khối bê tông ấy: “Những nhà hàng đặc sản mọc lên như nấm/ Người ta đang ăn mất tương lai của chính mình” (Nhà hàng đặc sản). Vẽ ra thực trạng này, nhà thơ mong thức tỉnh lương tâm con người: “Chớ nên bức tử dòng sông/ Đầu nguồn đập chặn nước không lối về” (Dòng sông). Từ đấy, anh khao khát một viễn cảnh: “Bao giờ cho đến ngày xưa? Ngọn gió mát rượi, hạt mưa ngọt lành/ Xóm làng rợp bóng tre xanh…” (Nhớ ngày xưa).
Viết về đề tài làng quê, nhà thơ đã vận dụng có hiệu quả lối diễn đạt dân gian, dễ thấy nhất là kiểu ngụ ngôn: “Nghiến răng ếch nhủ với người/ Rằng: Vài hôm nữa là trời mưa to/ Ếch ương, chão chuộc khằn khò/ Lúc mưa em chẳng gào to là gì!/ Bác chỉ được cái tinh vi/ Anh em cùng họ khác gì mà vênh!” (Nhắc nhau). Lối diễn đạt theo kiểu dân gian nhưng không mộc mạc chân chất mà tinh tế: “Liếc nhau qua nước giếng làng/ Cái đêm trăng sáng ngập tràn miền quê/ Em thì tà áo vân vê/ Tôi thì lóng ngóng vụng về… gãi tai/ Bí chưa tìm thấy “mở bài”/ Chợt con muỗi “hóa” đốt hai đứa mình” (Hò hẹn). Nếu không có cái nhìn tinh tế sẽ khó mà nhận ra con muỗi bay qua, lại còn bịa ra cái chuyện con muỗi góa chồng. Thế là có chuyện. Thế là có mở bài. Một cái khéo nữa của anh đã lựa chọn hàng loạt biểu tượng dân gian như trầu cau, cây đa bến nước, con đò, bến sông và cấp cho nó những nội hàm ý nghĩa mới. Cây đa thành hình tượng bền vững bị lu mờ; con đò bến sông thành những vết cắt chia lìa không thể nào nối lại được; ao làng không còn là chỗ rửa chân tay hay rửa lông mày của thôn nữ mà đã thành vương quốc của muỗi bọ, côn trùng v.v. Đề tài này lại được anh viết bằng thể thơ lục bát quen thuộc. Nhưng thơ lục bát của Vũ Xuân Hồng không bằng phẳng kiểu truyền thống mà gập ghềnh như một sự giật mình thảng thốt trước sự tàn phá môi sinh: “Cuốc kêu vỡ vạt trời chiều/ Cây đa bật rễ cánh diều tả tơi” (Vô tình).
Đề tài làng quê quả là không mới, nếu viết không khéo sẽ chỉ là trở về làng quê theo lối mòn vệt cỏ ven đê mà nhiều người đã đi. Phải có bản lĩnh mới thoát ra được khỏi điều này. Vũ Xuân Hồng đã làm được. Anh viết về làng quê trong nhịp sống đô thị hóa nhưng cũng chính từ đấy nói được nhiều điều: bảo vệ môi sinh; sự vô tâm của con người; lối sống đua đòi nửa quê nửa tỉnh v.v. Ở làng mọi thứ đều đổi thay, duy chỉ có riêng anh là không thay đổi: “Suốt đời ta vẫn là ta/ Chỉ mong làm giọt phù sa mát lành” (Khát vọng). Có thể tạm gọi đó là tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ của anh, giọt phù sa mát lành mong bồi đắp cho bờ bãi quê hương. Giọt phù sa ấy có nhiều dạng thức. Phù sa cũng chính là bùn thơm trên áo mẹ, là hồn quê hương đất: “Bùn vương thơm áo mẹ cha/ Hồn quê hương đất gọi ta trở về” (Đất quê). Trở về với phù sa với hồn quê là cuộc hành trình trở về nguồn cội bền vững nhất. Đọc những câu thơ ấy, tôi hiểu vì sao, vượt qua tất cả những bon chen danh lợi, anh vẫn là anh.