Thật bất ngờ điện thoại tôi hiện lên số gọi 0937100138, xưng tên là Chu Trầm Nguyên Minh. Thật sự tôi nghe đến bút danh này từ lâu qua những bài thơ tình trước năm 1975 trên Văn, Khởi Hành, Văn học, Bách Khoa và Ý thức…nhưng chưa bao giờ gặp nhau. Tôi càng nhớ hơn, khi cùng nhóm Quê Hương ở Bình Thuận năm 1970, tập họp những cây bút đồng hương, trong đó có nhắc đến anh, người Hàm Liêm, vùng ngoại ô Phan Thiết. Bức thư CTNM gửi về cho tạp chí Quê Hương, số đầu tiên viết về thành phố Phan Thiết được biên tập chuyển thành bài, với tựa “Về một dòng sông, bóng núi”, có nội dung: “KBC 4311, ngày 2 tháng 5 năm 1969- Thùy (tức Sương Biên thùy). Về ngoài này định viết thư cho mày ngay, nhưng tao bận. Bận thật tình, đừng bảo tao láo. Hôm nay ngồi ở chỗ làm việc, tao viết cho mày những dòng này….Nói về Tà Dôn, mày hãy thương bóng hình ngọn núi đó vì, tuổi thiếu thời tao đã ôm chân và nhìn nó bao năm. Con người mới đáng giận, nhưng núi là hình bóng đáng thương. Hãy thương bóng núi giùm tao…”. Lúc này CTNM đang sống ở Nha Trang, đường quốc lộ về Phan Thiết thường bị đấp mô nên việc thông thương không dễ dàng gì.
Theo CTNM, anh biết số máy tôi qua Đỗ Nghê- Bs.Đỗ Hồng Ngọc, cho biết tập san Quán Văn số 17 (tháng 10.2013) sắp tới đây có chủ đề “Bên dòng Mường Mán- Phan Thiết”, mời gọi và đặc biệt cho những người viết trước 1975. Số này, chủ biên Nguyên Minh giao cho anh tập họp, phụ trách bài vở. Giọng anh chậm rãi, nhẹ nhàng mang lại cảm giác rất gần gũi và cùng một lẽ, anh lại cũng bằng tuổi với tôi (1943). Chẳng may tôi vừa được phát hiện kịp thời bệnh hẹp mạch vành 80%, phải vào cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy để đặt stent. Khi về nhà, thời hạn gởi bài đã muộn nhưng có gửi một truyện ngắn của Lương Minh Vũ, người quê Phú Long (Hàm Thuận) nhưng nay sống ở La Gi. Mail của anh, bài “rất tới” nhưng trễ, sẽ để lại số sau. Hôm phát hành Quán Văn số 17 tại Phan Thiết, được biết không có anh ra. Tháng 12.2013 tôi có ở Đà Lạt, đến quán café Jet của cô Dung được biết nay mai phát hành Quán Văn số 18 tại đây. Nhưng sau này hỏi lại Nguyễn Dương Quang, không có anh lên. Tôi linh cảm chắc sức khỏe anh có vấn đề bởi qua thăm hỏi nhau, anh nói anh đang mang nhiều bệnh về tim mạch, tiểu đường nhưng nặng nề nhất là chứng u gan. Sức khỏe bấp bênh nhưng chuyện văn chương vẫn một đời đeo đẳng.
Qua bạn văn, Chu Trầm Nguyên Minh có một thời sôi nổi cùng nhóm Ý Thức ở Phan Rang và có bài đăng trên nhiều tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn. Và nhiều người nhớ đến anh nhiều nhất qua bài “Lời tình buồn” do Vũ Thành An phổ nhạc trở thành một tình khúc quá hay. Từ sau 1975, CTNM ngừng bút, xa lìa hẳn với văn chương. Tập san Quán Văn nơi gặp lại những bạn viết thuở nào đã hâm nóng niềm đam mê với anh. Thật hết lòng với bạn và cùng là nghề dạy học, Nguyên Minh bỏ công lục tìm các bài thơ của CTNM trên các báo, tạp chí cũ để in thành tập thơ “Cuộc tình người”. Trong di cảo CTNM viết về mình, chỉ cho công bố sau ngày mất (19.2.2014), anh viết “tôi yêu ai cũng có kỷ niệm, nước mắt….cũng sâu nặng, say mê, hết lòng….”, thật sự là tính cách của anh. Mấy dòng này để thay nén nhang tiễn biệt anh, Chu Trầm Nguyên Minh!