Sau những ngày Xuân, Triển lãm mỹ thuật Giáp Ngọ 2014 vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa di sản TP Đà Nẵng (78 Lê Duẫn) do Hội mỹ thuật TP Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của 18 tác giả trẻ đã chính thức bế mạc. Song đến nay, những dấu ấn của nó để lại thật đáng khích lệ. Bởi sau một thời gian khá dài, lần đầu tiên mỹ thuật Đà Nẵng đang định hình một thế hệ mới, bao gồm những họa sĩ trẻ đang thể hiện sự trải nghiệm, tìm tòi và khám phá hướng đi sáng tạo cho riêng mình…
Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội mỹ thuật Đà Nẵng, bên cạnh những tác giả như: Nguyễn văn Cường, Trần Hữu Cân, Phan Thanh Hải, Đinh tấn Chinh, Trần huy Tuân, Nguyễn xuân Thủy, Đinh thị Mỹ Hương.., có lẽ Ngô thanh Hùng và Huỳnh thị Thắng là 2 họa sĩ đã tạo nên sự chú ý khá ấn tượng, bởi phong cách phóng khoáng, đa dạng về bút pháp, mới lạ về chất liệu của họ...
Với Huỳnh thị Thắng, tác giả này thường thể hiện chất liệu in meeca, một chất liệu mới, kết hợp màu sắc, bố cục, đường nét đã góp phần tạo nên sự thành công cho nhiều tác phẩm. Trong 2 năm liên tiếp Thắng được Hội mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tham dự giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNTVN và năm 2013 được Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng trao giải B trong đợt triển lãm Khu vực Nam Miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng...
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng hiện là giảng dạy tại Đại học kiến trúc Đà Nẵng. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, anh miệt mài dành khá nhiều thời gian cho công việc sáng tác và được nhiều anh em mến mộ tặng cho biệt danh ''Hùng Trâu'', do tác giả có nhiều tác phẩm vẽ thành công về trâu. Trâu của Ngô Thanh Hùng phóng khoáng, màu sắc sinh động, những tác phẩm này từng được tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước như: Triển lãm tiểu vùng sông MêKông ở Thái Lan năm 2012, 2013 và triển lãm Khu vựcNam miền Trung và Tây nguyên. Họa sĩ Ngô Thanh Hùng cũng là một trong những họa sĩ trẻ Đà Nẵng được Hội MTVN giới thiệu tham dự giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNTVN.
Trong đợt triển lãm lần này, ngoài các họa sĩ là hội viên Hội mỹ thuật Đà Nẵng, có nhiều tác giả là cộng tác viên tham gia nhiều tác phẩm thu hút sự yêu chuộng của công chúng. Trong số đó, những gương mặt nỗi bật có thể nhắc đến Trần Thế Vĩnh,Trần Chí Thành. Đây cũng là 2 tác giả trẻ Đà Nẵng gây được tiếng vang tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế vài năm qua.
Chẳng hạn, Trân Thế Vĩnh với những sáng tác về cuộc sống đời thường, bằng cảm xúc thăng trầm đã hình thành nên nhiều tác phẩm...Anh đã có 3 cuộc triển lãm cá nhân và nhiều cuộc triển lãm nhóm. Trong đó, có 1 giải thưởng đặc biệt “Chân dung tự họa” 2013 tại TP Hồ Chí Minh.
Còn Trần Chí Thành là một tác giả trẻ năng nổ, hầu như anh làm tất cả mọi việc để được vẽ. Tranh của Trần Chí Thành vươn xa bay bỗng, không những ở trong nước mà đến tận Bồ Đào Nha, Bắc Kinh… Vào trung tuần tháng 1 vừa qua, Trần Chí Thành cũng đã cùng với 2 họa sĩ Bồ Đào Nha và 1 họa sĩ Thái Lan tham gia cuộc triển lãm tại Lisbon (Bồ Đào Nha) .
Đáng chú ý, trong số những tác phẩm Ngựa ấn tượng nhất tại cuộc triển lãm là của tác giả Nguyễn Tấn Hiền, một họa sĩ khuyết tật. Hiền đã trải qua một tai nạn cách đây 10 năm, bị gãy cột sống cổ và bị liệt toàn thân, từ đó phải ngồi bất động trên chiếc xe lăn. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, Hiền dồn cả ý chí vào việc học vẽ. Qua sự tư vấn và giúp đỡ của Bệnh viện phục hồi chức năng TP.Đà Nẵng, Hiền đã buộc cây bút chì vào đầu ngón trỏ của tay phải và bắt đầu luyện vẽ. Sau gần 8 năm lao động miệt mài, nỗ lực của anh Hiền đã được đền đáp xứng đáng khi tranh của anh được giới chuyên môn đánh giá cao và được mời tham dự một số triển lãm trong và ngoài nước. Từ đây, anh có thêm bạn bè trong lĩnh vực hội họa, có thêm cơ hội giao lưu và học hỏi. Nói về bộ tranh Ngựa tại triển lãm, Hiền cho biết: “ Đôi khi không điều khiển được bàn tay, tôi đẩy bay cọ về phía trước như một cách để tiếp sức cho chiến mã của mình thỏa sức tung vó… Nét cọ đi theo cảm xúc là chính, không hề bị gò bó dù tôi phải ngồi một chỗ và chỉ chuyển động được một ngón tay. Để một bức tranh hoàn thành, bút vẽ của tôi đã văng đi không biết bao nhiêu lần và phải khó nhọc lắm tôi mới có thể nhặt lại được”.
Nhìn chung, Triển lãm mỹ thuật Giáp Ngọ 2014 vừa qua đa phần các tác phẩm đều tập trung về ngựa – một chủ đề quen thuộc, nhưng không hề dễ dàng. Do đó, chất lượng tác phẩm của các tác giả không đồng đều và khó có điều kiện khẳng định vượt trội rõ rệt. Tuy nhiên, qua dịp này, lần đầu tiên các tác giả trẻ đã có dịp ra mắt với công chúng, khởi đầu cho một mùa xuân mới, khẳng định một luồng sinh khí mới trong đời sống văn học nghệ thuật lâu nay vốn đang trầm lắng tại Đà Nẵng.
Ảnh: 1/ Họa sĩ Huỳnh thị Thắng
2/ Họa sĩ Thy Hoa
3/ Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền
4/ Phòng triển lãm tranh họa sĩ trẻ Đà Nẵng Xuân Giáp Ngọ