Sự phân biệt giữa hình thức và nội dung, giữa phong cách và ý nghĩa, vốn có truyền thống lâu đời, chi phối hầu hết cách cảm nhận và phê bình trong thơ và văn học. Đối với nhiều người, nội dung chính là tư tưởng, thông tin, dự báo, thông điệp, còn hình thức là phương tiện dùng để truyền đi và trình bày nội dung ấy.
Thật ra phương cách mà chúng ta chọn cho việc biểu đạt ảnh hưởng đến nội dung. Tân hình thức là một cố gắng mang cho hình thức những năng lượng mới.
Hình thức là nội dung: thành công và thất bại của Tân hình thức (THT) trước sau nằm ở điểm ấy.
Đó là cuộc vận động khá ngoạn mục, kỳ thú, có thể nói là ít thấy trong vòng mấy chục năm qua, và rõ ràng là từ ngoại biên, nếu xét từ điểm nhìn của thơ tự do và chủ nghĩa phê bình mới.
Là ngoại biên, xét về hai tính chất quan trọng của nó: chủ hình thức và phi chính trị.
Phi chính trị tất nhiên là một lợi thế và cũng là cái bẫy của thơ THT. Cái bẫy của khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật” kiểu mới, làm cho THT trở thành một phòng thí nghiệm thơ ca thuần túy.
Tôi lấy làm ngạc nhiên là cho đến nay ở Hoa Kỳ, nơi khai sinh phong trào THT với các nhà thơ tài năng hàng đầu như Julia Alvarez, Dana Gioia, Frederick Turner, Elizabeth Alexander, Marilyn Hacker, Molly Peacock, Frederick Feirstein, Mary Jo Salter, THT vẫn chưa có nhiều độc giả. Gần đây tôi cũng không đọc được nhiều bài nghiên cứu thể loại hay phê bình thơ cụ thể trên báo chí Anh ngữ. Sau tập Những Thiên Thần Nổi Loạn, Rebel Angels, gồm 25 nhà thơ, 75 bài, năm 1996, biên soạn bởi Mark Jarman và David Mason- mà lời mở đầu của họ vừa được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả cẩn trọng Nguyễn Tiến Văn- sau mười bảy năm, hình như vẫn là một trong vài thi tuyển tiếng Anh hiếm hoi.
Nếu chưa tính hai tập song ngữ Việt Anh Thơ Không Vần và Thơ Kể do nhà thơ Khế Iêm thực hiện một cách lộng lẫy.
Lẽ ra Tân hình thức phải gây được nhiều tiếng vang nhiều hơn thế nữa.
Sinh ra một thể loại văn chương mới là bước ngoặt lớn trong đời sống nhân loại, đâu phải chuyện đùa chơi, phải không?
Tôi cũng ngạc nhiên là nó lại được đón nhận bởi khá nhiều nhà thơ trong nước một cách vui vẻ, rực rỡ, đầy thiện chí, đầy sáng tạo khi được giới thiệu bởi nhà thơ Khế Iêm và nhiều người khác những năm gần đây, như chúng ta có thể tìm thấy những thí dụ trên tạp chí Sông Hương và những diễn đàn trong nước khác.
Nhưng tôi không bị bất ngờ lắm khi thấy các bài thơ THT tiếng Việt, trước đây ở hải ngoại xung quanh tạp chí Thơ của nhà thơ Khế Iêm và Đỗ Kh. hoặc hiện nay trong nước trên tạp chí Sông Hương với Hồ Đăng Thanh Ngọc, một người cũng làm thơ THT, trong khi thu lượm được nhiệt tình của các nhà thơ, sự ủng hộ của một số nhà nghiên cứu như Văn Giá, Inra Sara, Nguyễn Tiến Văn, Đỗ Quyên... người đọc nhìn chung vẫn còn dè dặt, xa vắng, và có những nhà thơ hay nhà phê bình chỉ trích THT, đôi khi một cách rất châm biếm (*).
Nói cách khác, có vẻ như đến nay, THT chưa được thành công đúng như mong muốn, về cả hai phương diện nghệ thuật và dư luận.
Nhân nói về dư luận, tôi cũng muốn nêu nhận xét riêng: cho đến nay người đọc thơ tiếng Việt vẫn còn nặng về khuynh hướng chủ tâm (intentionalism).
Thơ ca là sự kết hợp giữa nhạc điệu và ý nghĩa. Nhạc điệu của thơ THT dựa một phần vào kỹ thuật vần điệu của thơ có vần cổ điển. Vần điệu là sự mong đợi, là các khuôn mẫu ở đó âm thanh được kiến tạo, nối kết. Vần có thể là vần cuối, vần lưng, vần chặt chẽ, lỏng lẻo, trực tiếp, gián cách. Trong một bài thơ chúng có thể xuất hiện ở nhiều điểm và có khi xuất hiện bất ngờ. Bất ngờ và kín đáo.
Thông thường các nhà thơ mới viết sử dụng vần cuối và “chặt chẽ”. Khi một số người dễ dãi muốn chuyển một câu văn xuôi thành văn vần họ cũng lập tức nghĩ đến vần cuối. Như thế việc sử dụng vần cuối và "vần chặt chẽ" hay xuất hiện trong các trường hợp sau đây:
- Các bài thơ cổ điển
- Các bài thơ cho thiếu nhi
- Các bài thơ hài hước
- Sự vụng về
Ngạc nhiên là, Tân hình thức đã đảo lộn quan niệm ấy, và đưa vần vào thơ như một cuộc cách mạng hình thức, khơi dậy sự tươi trẻ cho các thể thơ có vần, mang lại cho chúng ý nghĩa hiện đại, mới, đôi lúc giễu cợt, có khi phá phách, nhưng nhiều sức sống.
Cần ghi nhận rằng, khác với điều tôi vừa trình bày, nhiều nhà thơ, nhà phê bình, và chính nhà thơ Khế Iêm vẫn coi nhẹ vần hoặc bỏ hẳn vần. Không những vậy họ còn gọi THT là thơ không vần. Như thế, theo quan điểm này, không vần là tính chất chính yếu của THT.
Tôi nghĩ khác. Tôi tin rằng vần là điểm cốt tủy của THT.
Nhân đây, thử mạn phép nêu ra một số yếu tố làm nên sự thành công một bài thơ THT, dĩ nhiên là theo quan niệm chủ quan của người viết. Các yếu tố này thường có thể tìm thấy rải rác hơn là tập trung tất cả ở một bài thơ.
-
Giàu tính âm nhạc, có nhịp điệu riêng, mặc dù ngôn ngữ gần với văn xuôi. Dễ đọc, nhưng không dễ ngâm.
-
Kỹ thuật lập lại.
-
Kỹ thuật vắt dòng, bẻ gãy câu. Sự vắt dòng phải được sử dụng như một nhu cầu nội tại của câu thơ, không phải của câu văn phạm, và không phải như một thứ trang điểm, tùy tiện.
-
Có thể có vần hoặc không vần. Nhưng nên có vần, nhất là vần cuối.
-
Câu chuyện và nghệ thuật kể chuyện.
-
Có thể có tính kịch, về nội dung. Hoặc dòng chảy của thơ mãnh liệt, xét về ngôn ngữ.
-
Có tính đời thường.
-
Có tính hài hước, hoặc tính đồng dao.
-
Nhưng vẫn mang tinh thần hiện đại, hậu hiện đại, đương thời.
-
Khai thác được những đặc điểm thú vị của ngôn ngữ Việt mà các ngôn ngữ khác như tiếng Anh có thể không có, đặc biệt đối với sự vắt dòng.
Như thế trong mười tính chất mà tôi thử đề nghị, không có yếu tố nội dung và đề tài: bạn viết về chuyện gì cũng được, đứng ở lập trường nào cũng xong, bảo thủ hay dân chủ, những thứ ấy có thể quyết định giá trị của tác phẩm, tất nhiên, như đã nói, nhưng không quyết định việc chúng có thuộc về dòng thơ THT hay không.
Nhiều người sẽ còn nhắc đến các thành tựu đã có của THT, trong đó các giải thưởng do nhà thơ Khế Iêm chủ trương. Riêng tôi chú ý đến nhóm các bài thơ THT gần đây trên Tạp chí Sông Hương, tháng 8 năm 2013, và thử phân tích một bài trên căn bản mười yếu tố trên đây, như một ví dụ nóng. Các nhà thơ trên trang này gồm có: Nguyễn Hoạt - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Thiền Đăng - Nguyễn Hoài Phương - Nguyễn Tất Độ - Trần Vũ Liên Tâm - Đoàn Minh Hải - Lý Đợi - Hà Duy Phương - Huy Hùng - Lê Hưng Tiến - Đài Sử. Nguyễn Tất Độ được giải thưởng THT của nhà thơ Khế Iêm trước đây. Để công bằng, tôi chọn bài thơ đầu tiên.
TÌNH BUỒN
Ngày qua ngày đêm lại
qua đêm đồng hồ vô
tư luôn điểm tiếng nhưng
em không vô tư đỏ
mắt chờ anh và anh
không tới và thư không
tới và tình yêu không
tới. Đồng hồ chết -
hết pin - và ngày lặng
im và đêm lặng im
và tình lặng im chỉ
có đôi mắt buồn nhỏ
lệ.
Nguyễn Hoạt
Nhịp điệu rộn ràng, tươi trẻ, các chữ xô vào nhau, kéo người đọc đi. Như hầu hết những bài thơ THT tiếng Việt và một số ít bài thơ tiếng Anh trong tập Rebel Angels, bài thơ này không có vần. Bài thơ kể một câu chuyện, nhưng với một cốt truyện đơn giản, xuôi dòng thời gian, đơn điệu, không đảo lộn trật tự, không có tính kịch.
Yếu tố nổi bật nhất trong các bài thơ THT tiếng Việt trong mười năm qua vẫn là yếu tố vắt dòng. Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hoạt cũng vậy. Khi đọc câu thứ hai: qua đêm đồng hồ vô, tôi “mừng hết lớn”. Vì chữ vô trong tiếng Việt thường mang nghĩa của động từ chỉ sự đi vào (đi ra). Tôi dừng lại. Có một cái gì khác nữa, chờ đợi.
Đồng hồ bao giờ cũng gợi lên hình ảnh của các kim đồng hồ, tức sự chuyển động. Qua đêm cũng là chuyển động. Vì vậy qua đêm đồng hồ vô là một câu thơ tuyệt hay. Nó hứa hẹn một câu tiếp theo thú vị và sửng sốt. Nhưng câu thơ tiếp theo: tư luôn điểm tiếng nhưng, không thỏa mãn hết nhu cầu đó của tôi. Cả câu sau chưa phát triển xa hơn nữa cơ hội mà chữ vô đã đặt ra, mặc dù vô tư là chấp nhận được.
Gần như một trò chơi tinh nghịch.
Sự bẻ gãy hai chữ vô tư không có nguyên nhân nội tại. Mặc dù nó vẫn tạo ra sự hiếu kỳ tức thời.
Khác với câu gập đôi sau đây:
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
(T.T.KH.)
Vượt qua kỹ thuật vắt dòng cổ điển, tạo ra một cái gì mới, là công việc quan trọng nhưng khó khăn đối với các nhà thơ hiện nay. Muốn thế các nhà thơ THT chỉ có hai chọn lựa:
-
Vắt dòng như Thơ Mới, hy vọng bằng họ hoặc hay hơn họ (lạy Trời!), và tập trung làm mới ở nơi khác.
-
Chọn cách vắt dòng riêng của THT.
Thế nào là cách riêng?
Xin mời bạn đọc lại:
Và một ngày kia tôi phải yêu
Có gì khác với:
Qua đêm đồng hồ vô?
Khác nhiều lắm.
Câu thứ hai ngược ngạo hơn hay nghịch ngợm hơn, “ngang phè”.
Đọc kỹ, ta thấy câu thứ nhất có nghĩa, còn câu thứ hai vô nghĩa, tức không trọn vẹn về nghĩa.
Như thế mặc dù cả hai câu đều chưa phải là câu văn phạm hoàn tất, câu thứ nhất vẫn có nghĩa hoàn tất hơn.
Nếu đọc thêm lần nữa, bạn phát hiện ra rằng chữ cuối của câu thứ nhất rơi vào sự ngắt nhịp tự nhiên, như xong một nhịp thở, còn câu thứ hai thì không: nó thực sự dang dở. Đó là sự dang dở có chủ ý, có xung lực (m.v).
Và đó là đặc điểm của THT. Chúng ta có thể tìm được những ví dụ bất tận về điều này ở những bài khác, các tác giả khác.
mắt chờ anh và anh
không tới và thư không
tới và tình yêu không
Cần chú ý rằng việc dùng liên từ và trong thơ, một khi thành thói quen (xấu), mau chóng trở thành sự dễ dãi, mặc dù việc lập lại hai chữ không vẫn là đặc trưng của THT.
Nhưng kết thúc:
có đôi mắt buồn nhỏ
lệ.
lại ghi một điểm son, dấu ấn riêng biệt của tác giả: thơ THT vốn là xu hướng bình dân hóa, dân gian hóa, và cổ điển hóa trong không gian văn hóa đương đại, vì vậy ngầm chứa trong nó tính phá phách và tính hài hước.
Tức là sự thông minh thi tính mà những người đọc thơ chưa có kinh nghiệm, những nhà phê bình non nớt, rất dễ bỏ qua.
Trở lại với vần. Trong tuyển tập Rebel Angels, với tổng số 75 bài, tôi đếm được 40 bài (hơn một nửa) là thơ có vần, mà vần cuối chặt chẽ hẳn hoi. Ví dụ nhà thơ mở đầu Elizabeth Alexander, người đọc thơ trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Barak Obama, có ba bài được chọn, thì hai bài là có vần, như:
Empty out your pockets nighttime, Daddy
Keys and pennies, pocket watch, a favored
Photograph of Ma, and orange-flavored
Sucker-candies, in the dresser caddy
hoặc Frederick Turner, một nhà thơ quen thuộc với Việt Nam, có ba bài thì cũng có hai bài là thơ có vần:
Above the baby powder clouds
The sky is china blue.
Soon, young and chattering, the crowds
Of stars come pushing through.
Hay bài thơ nổi tiếng nhiều người biết Cơn bão mùa hè của Dana Gioia:
We stood on the rented patio
While the party went on inside.
You knew the groom from college.
I was a friend of the bride.
Đó là thể ballad mà các tác giả của Thơ Mới như Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương của chúng ta đã vay mượn để sáng tạo nên thể thơ bảy chữ, tám chữ làm chấn động nền thơ Việt cách đây gần thế kỷ.
Kết hợp yếu tố thứ nhất (1) và thứ tư (4) trong mười yếu tố tôi đã nêu, có thể tin rằng đặc điểm quan trọng bậc nhất của THT là nhạc điệu. Nhạc điệu mới.
Nếu không tìm được nhạc điệu mới, THT chỉ còn là sự hoài niệm cũ kỹ đối với các thể thơ cổ điển.
Phong trào Tân Hình Thức (THT) ra đời trong bối cảnh phát triển của chủ nghĩa hiện đại và thơ tự do, khi thơ có vần gần như hoàn toàn bị bỏ rơi. Thơ và văn xuôi xích lại gần nhau đến mức không còn phân biệt được nữa. Khác với Thơ Mới trước đây, trong thơ THT, tính du dương tạo bởi phép hiệp vần không làm tăng chất cảm động (sentimentality), trái lại, nó mang đến sự hài hước thâm hậu dịu dàng. Thơ THT không phải là thơ trữ tình.
Nếu thơ trữ tình là thơ của cái “tôi” thì trong thơ THT cái “tôi” ấy trở nên mờ nhạt hơn và lẫn vào vai trò của người kể chuyện. Nhưng câu chuyện được kể lại thông thường là của chính người kể, người phát ngôn. Kỹ thuật vắt dòng tạo ra sự chuyển động dồn dập, sự xuống dòng tạo ra tính ngưng động, hồi hộp, chờ đợi (suspension), sự lập lại làm cho sự chuyển động ấy trở nên máy móc có chủ ý: cả ba đều làm cho vai trò của người đọc trở nên quan trọng hơn trong thơ THT. Tất cả những yếu tố ấy làm cho cái tôi trở thành cái tôi số nhiều.
Lục bát dễ làm, khó hay. Thơ Tân hình thức vừa khó làm vừa khó hay. Nhưng đó cũng là điểm quyến rũ đối với nhiều nhà thơ.
Tương lai của thơ THT ra sao? Như một phong trào, có lẽ nó sẽ có những chu kỳ, sinh ra, lớn lên, lụi tàn, rồi sinh ra trở lại. Nhưng như một phương pháp sáng tác, nó sẽ tồn tại lâu và đóng góp mãi cho thơ ca Việt Nam. Thêm nữa, có thể hy vọng rằng sự phát triển của THT từ Hoa kỳ sang Việt nam không chỉ là sự nối dài về địa lý, mà còn là bước đi xa hơn về nghệ thuật, và vì vậy những đóng góp trở lại đối với phong trào này sẽ được trông đợi.
(*) Có thể chọn một ví dụ như sau đây: Thơ tân hình thức: phản kháng, tìm tòi và... quá khích!