Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.117
123.145.628
 
Trích dẫn văn của Sartre (tuần tự theo lời giới thiệu của Phùng Thăng trong bản dịch cuốn "Buồn nôn")
Trần Văn Nam

 

 

Bản dịch tác phẩm “Buồn Nôn” của Jean Paul Sartre được nhà xuất bản An Tiêm tại Sài Gòn ấn hành năm 1967, đúng vào thời kỳ chiến tranh ác liệt tại Miền Nam. Dân chúng Miền Nam đang ở vào tình trạng mong chiến tranh chấm dứt, riêng thanh niên thì ưu tư vấn đề nhập ngũ vô kỳ hạn. Tin tức các mặt trận đổ về dồn dập, tin hòa đàm đang tiến hành tại Paris: tất cả đã làm lu mờ ảnh hưởng của Triết Lý Hiện Sinh mà cao điểm chỉ ở vào những năm đầu của thập niên 1960. Đáng lẽ chiến tranh không lối thoát còn đó thì triết lý chán chường cuộc đời phải tăng theo, tại sao Triết Lý Hiện Sinh lại từ từ hết ảnh hưởng? Bởi vì con người phải lo âu những điều cụ thể như sinh kế, vật giá leo thang, nhập ngũ, thân nhân tử trận, trông ngóng hòa đàm… cho nên những thắc mắc siêu hình như “hiện-hữu phi-lý” hay “tồn-tại bất-đắc-dĩ”… không phải là những điều trước mắt phải đối mặt.Triết Lý Hiện Sinh, đã có những công kích vì lý do chính trị như văn hóa đồi trụy của đế quốc; hay được phản hồi trái ngược bởi tư tưởng vô thần chất chứa nơi triết lý của Sartre; hay những mô tả hiện sinh về thân xác bị các nhà đạo đức phê phán; và riêng các nhà thơ thường đào sâu để thấu hiểu những mơ hồ ngôn ngữ chất chứa trong triết lý của Heidegger… Hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt như vậy, nên có người thì thờ ơ sự xuất hiện của bản chuyển ngữ cuốn “Buồn Nôn” (La Nausée, xb. 1938) của dịch giả Phùng Thăng ; một đôi người nơi đô thị chưa trực diện hằng ngày với chiến tranh thì vẫn tiếp tục còn bị lai vãng những thắc mắc siêu hình. Con số những người được huy động vào chiến cuộc, kể cả gia đình liên hệ, nhiều hơn số người còn ở trong môi trường thắc mắc triết lý. Cho nên có thể nói cuốn “Buồn Nôn” đã xuất hiện không hợp thời hợp cảnh lắm. Vì vậy cuốn sách chưa được khách quan đánh giá ở khía cạnh bút pháp mô tả trực giác về hiện sinh của Sartre; không được làm sáng tỏ công lao của dịch giả Phùng Thăng muốn phổ biến một tác phẩm độc đáo của văn học Pháp. Thời kỳ bị nhìn ngắm khắc khe vì lý do chính trị, lý do tôn giáo, lý do đạo đức…  đã trôi qua; bây giờ tác phẩm “Buồn Nôn” của dịch giả Phùng Thăng đã được tái bản ở trong nước Việt Nam năm 2008 do nhà xuất bản “Văn Hóa Sài Gòn”, với các lời đánh giá đáng lưu ý của báo SGTT ở trong nước như sau: “Đây là một trong những cuốn sách khó đọc, nhưng được xem là giá trị nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn sách có sự ảnh hưởng nhất định đến văn học đô thị Sài Gòn trước 1975 và cả một số nhà văn trẻ đương đại dù bối cảnh đã khác”. Và bây giờ ta nên tuần tự trích dẫn văn của Sartre qua lời giới thiệu xuyên suốt của dịch giả Phùng Thăng. Ta nói lời giới thiệu xuyên suốt, có phải là quá đề cao? Có phải do thiên lệch vì ta bị xúc cảm bởi cái chết thảm khốc của dịch giả Phùng Thăng? (Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng vượt biên năm 1975, bị quân của Pol Pot bắt ở quần đảo Nam Du, bị đưa về Kampuchia lao dịch; rồi quân Pol Pot thảm sát cả hai mẹ con - dựa vào tin tức của Nguyễn Đạt, trong bài “Ký Sự Về Miền Tây”, nguồn internet do nhà văn Trần Hoài Thư ghi lại). Không phải như thế, mà do những chủ đề triết lý hiện sinh và bút pháp thể hiện Hiện Tượng Học của Sartre được ghi khá đầy đủ trong “Lời Giới Thiệu” của Phùng Thăng, trang bị trước những chỉ-dấu cho ta khi đi vào bản dịch. Ta cũng cần nên biết dịch giả Phùng Thăng chỉ mới hơn 20 tuổi khi dịch cuốn sách này. Biết như vậy để ta lưu ý khả năng của dịch giả, ngoài sự hiểu biết ngoại ngữ Pháp, còn với sự hiểu biết triết học của Phùng Thăng, qua những chỉ-dấu kiến thức trong “Lời Giới Thiệu” đã kể trên. So với những lời giới thiệu hoặc tóm tắt tác phẩm mà người viết bài này đã đọc qua, thì lời giới thiệu của Phùng Tăng là xuyên suốt về nghệ thuật và triết lý của Sartre. Kiểm lại, như nơi cuốn “Những Tác Phẩm Lớn Trong Văn Chương Thế Giới” của Vũ Dzũng (do nhà xb. Khai Hóa in năm 1973, nhà xb. Văn Học trong nước tái bản năm 1998), tác giả biên soạn tuy tóm tắt khá chi tiết cuốn “Buồn Nôn”, nhưng không làm lộ rõ triết lý hiện sinh trong cái nhìn sự vật. Soạn giả chỉ nói nhân vật cảm giác buồn nôn do thấy sự vật hay cuộc đời phi lý. Ta nghĩ “cảm giác” chưa phải là “ý-thức hiện sinh” được đào xới bằng nhìn ngắm trực quan theo Hiện Tượng Học của Husserl mà Sartre muốn áp dụng. Soạn giả Vũ Dzũng cũng nói việc nhân vật có sự lưa chọn sau cùng là viết cho xong một cuốn sách trong cuộc đời mọi sự đều đáng chán trong thành phố Le Havre, thành phố biển triết gia Sartre từng là thầy giáo Trung học (Sartre đặt tên khác trong sách là thành phố Bouville), nhưng không đá động đến một trong những chủ đề của triết lý hiện sinh: Hiện hữu Phi lý nhưng con người có Trách Nhiệm Tự Do Lựa Chọn một cách Dấn Thân. Trong cuốn sách đồ sộ khác, cuốn “108 Nhà Văn Thế Kỷ 20-21” của soạn giả Đoàn Tử Huyến do Nhà Xuất Bản Lao Động ấn hành tại Hà nội năm 2011, soạn giả có nói chủ đề triết lý ấy, chủ đề “Hiện Hữu Phi Lý Nhưng Ta Có Tự Do Lựa Chọn Trách Nhiệm” (soạn giả này đặt tựa đề rất hay cho triết lý của Sartre: “Người Bị Kết ÁnTự Do”). Tuy nhiên, soạn giả nói rằng sự Tư Do Lựa Chọn của nhân vật là đi vào con đường nghệ thuật (tức viết một tác phẩm văn chương). Theo ta nghĩ việc viết sách của nhân vật không phải là lựa chọn đi về hướng nghệ thuật mà chỉ là để giải thoát ám ảnh buồn nôn, để không “kinh tởm cuộc đời mình” (nhân vật thực sự không làm việc gì kinh tởm, kinh tởm ở đây chỉ là trực giác hiện hữu phi lý). Soạn giả cũng nói “cảm giác buồn nôn”, sau đó nói đến “nhận thức buồn nôn”, nhưng chưa đề cập đến sự đào sâu “ý thức Hiện Tượng Luận buồn nôn” thành cả một thiên Triết Lý Hiện Sinh của Sartre. Trên Internet, thêm một bài khá dài của tác giả Kim Trần, bài “Chủ Nghĩa Hiện Sinh”, trong ấy ta kiểm điểm nhận ra gần đầy đủ những chủ đề tác phẩm “Buồn Nôn” chứa đựng: “Ý Thức Hiện Sinh Phi lý”; “Ám Ảnh Về Hư Vô”, “Không Tán Đồng Triết Lý Duy Lý Muốn Duy Trì Những Giá Trị Cựu Truyền”, “Kỹ Thuật Mô Tả Hiện Tượng Luận”, “Tự Do Lựa Chọn Một Cách Dấn Thân” (Độc giả có thể tìm đọc trong “Hội Quán Mọt Sách” của Blog điện tử  “forum.motsach.info”). Bài vừa nêu trên như vậy tương đương với những lời giới thiệu của dịch giả Phùng Thăng. “Lời Giới Thiệu” của Phùng Thăng chưa quá một trang mà cũng đầy đủ các chủ đề của Triết Lý Hiện Sinh như trên. Hầu như bài giới thiệu nào cũng nói tác phẩm “Buồn Nôn” khó đọc. Theo thiển nghĩ thì nó không khó đọc, nhưng khó muốn đọc hết một lần nếu ta định biết cốt truyện. Nhiều đoạn mô tả cận gần đến chân lông sợi tóc về thân xác, cặn kẽ như trên mặt hành tinh nguyệt cầu, khiến ta không có ấn tượng đẹp (người nữ sà xuống quá gần để khêu gợi khiến người nam buồn nôn); hoặc mô tả cử chỉ đồng tính luyến ái (bàn tay của hai người nam quyện lấy nhau); hoặc nhiều đoạn dài dòng về lịch sử một nơi chốn; hoặc lai vãng khắp nơi những “buồn nôn-phi lý” được lặp đi lặp lại như điệp khúc… Trong khi đó, có những đoạn mô tả độc đáo về hiện hữu (không phải chỉ như từ ngữ trừu tượng) mà là trực quan chỉ triết gia Sartre mới tiếp cận được như vậy, và với những ý tưởng về hiện sinh lạ lùng. Những đoạn hay ấy nằm rải rác trong “Buồn Nôn”, đôi người chỉ đọc được một ít câu chuyển ngữ trong sách báo Việt ngữ trước khi có dịch phẩm “Buồn Nôn” của Phùng Thăng; chẳng hạn vài câu ở trong cuốn “Đi Tìm Một Căn Bản Tưởng” của Nghiêm Xuân Hồng (xuất bản năm 1957); kể cả một số câu diễn ý mà không dịch nguyên văn qua các bài báo viết về Triết Lý Hiện Sinh liên hệ đến tác phẩm tiểu thuyết của Sartre. Cuốn “Buồn Nôn” là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong văn học Pháp. Nếu độc đáo ở tư tưởng mà thôi thì ta chỉ cần đọc những bài bàn luận về nó thì cũng tạm biết, nhưng điều ta cần học hỏi và cảm nhận là ở bút pháp Hiện Sinh, mô tả Hiện Tượng Luận. Qua cuốn sách chuyển ngữ của Phùng Thăng, ai không rành về Pháp ngữ, có thể cảm nhận được văn chương của Sartre. Vậy, ta hãy bắt đầu đọc những trích dẫn văn của Sartre, tuần tự theo “Lời Giới Thiệu” của dịch giả, gồm có: Phương Pháp Mô Tả Hiện Tượng Học; Giá Trị Về Phương Diện Thẩm Mỹ; Chất Men Gợi Dậy Cơn Buồn Nôn Qua Cảm Nhận Dư Thừa Và Phi Lý; Khai Từ Thơ Mộng Cho Thiên Triết Luận Hữu Thể Và Vô Thể; Hiện Hữu Phi Lý Nhưng Ta Có Tự Do Lựa Chọn Trách Nhiệm. (Như vậy, tất cả những từ ngữ lấy làm tiêu-đề dưới đây đều được gợi ý do Phùng Thăng). Nói tuần tự cho có sự sắp đặt, thật ra thì những ý tưởng hiện sinh như Hiện Hữu, Buồn Nôn, Dư Thừa, Phi Lý, Hư Vô… trộn lẫn vào nhau, cùng hiện diện đôi khi chỉ ở trong một câu. Sắp đặt theo tuần tự chỉ là theo những điều nào đề cập trước, đề cập sau, trong lời giới thiệu của dịch giả Phùng Thăng. Vậy, bây giờ ta đi vào phần trích dẫn văn của Jean Paul Sartre qua văn dịch Việt ngữ của Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng:

 

1/ Hiện Sinh Qua Mô Tả Hiện Tượng Luận (Sartre viết văn áp dụng Triết Lý Trực Quan Cụ thể của Husserl): … hiện tại đã là cái đang hiện hữu, và tất cả những gì không hiện tại thì cũng không hiện hữu. Quá khứ không hiện hữu. Hoàn toàn không… Giờ đây, tôi đã biết rõ; toàn thể những sự vật chỉ là những lộ diện của chúng - và đằng sau chúng, tuyệt chẳng có gì (Chú thích của người viết bài: Theo Husserl, Ý Thức là Ý thức về một điều gì, vậy chỉ có Hiện tại là cụ thể xác thực, còn Tương lai hay Quá khứ đều hư vô đối với Ý thức hay Ý-Hướng-Tính). Mới lúc nãy đây, tôi ngồi trong một công viên. Rễ một cây bám sâu vào đất, ngay dưới chiếc băng tôi đang ngồi. Tôi không còn nhớ đấy là một chiếc rễ cây nữa. Những chữ đã tan biến và cùng với chúng là ý nghĩa của các vật thể… đối diện với cái khối đen đũi, sần sùi, hoàn toàn thô lậu và gây cho tôi một nỗi sợ hãi kia. Và rồi, trí óc tôi bừng ngộ. Điều liễu ngộ đó cắt đứt hơi thở tôi. Những ngày trước đây, chẳng bao giờ tôi cảm nghiệm được từ ngữ “hiện hữu” mang ý nghĩa gì… thường thường hiện hữu ẩn mặt đi. Hiện hữu đấy, chung quanh chúng ta, ngay trong chúng ta, nó là chúng ta… đột nhiên nó đó, nó rõ ràng như ban ngày; được vén màn che… tính chất khác biệt của những sự vật, tính chất cá thể của chúng chỉ là một ngoại cảnh, một lớp sơn phủ ngoài. Lớp sơn này đã chảy tan ra, chỉ còn lại những khối dị hình và mềm nhũn, vô trật tự - trần truồng, một vẻ trần truồng kinh khiếp và thô tục. (Dịch giả Phùng Thăng dùng từ ngữ liễu-ngộ trong triết học Phật Giáo, chắc tương đồng với từ ngữ trực-quan cụ-thể). Vào mùa hạ hay đầu mùa thu, người ta tìm thấy trong những khu vườn những mẩu giấy báo mà mặt trời đã nung chin, cứng khô và dễ vỡ như những chiếc lá rụng vàng… Vào mùa đông, những tờ giấy khác bị nện đập, nghiền nát, vấy bẩn. Chúng quay trở lại mặt đất… Chúng vặn mình, dứt ra khỏi bùn lầy, nhưng là để đến nằm dài vĩnh viễn ở chỗ xa hơn một chút (Ở đây, triết gia Sartre mô tả sự vật do quan sát tỉ mỉ và khá lạ, nhưng dường như không có vẻ gì thuộc về triết lý hiện sinh - TVN).

 

2/ Giá Trị Về Phương Diện Thẩm Mỹ (Đây cũng không thuộc về chủ đề Triết lý Hiện sinh, trích dẫn vì dịch giả Phùng Thăng có đề cập đến nét đẹp trong văn chương của Sartre. Hai ví dụ sau đây về nét thẩm mỹ ấy: một đoạn tả hoạt cảnh ngắn mà tính ra đến năm màu sắc, và một đoạn tả chuyển động của dãy phố lầu đèn vàng phản ánh trên cửa kính của chuyến tàu xe lửa đang lướt qua mau)… Thứ bảy, vào khoảng bốn giờ chiều, ở đầu lề đường lót ván của con lộ nhỏ đưa đến nhà ga, một thiếu phụ nhỏ nhắn y phục xanh da trời chạy giật lùi, vừa cười vừa vẩy chiếc khăn tay. Đồng lúc, một người da đen vận áo mưa màu kem, giày vàng, đội mũ xanh lá cây, đang đổi hướng đường cho xe lửa và huýt còi. Người thiếu phụ va phải anh ta, luôn luôn là ở tư thế chạy giật lùi ấy, bên dưới một ngọn đèn treo lơ lửng trên hàng rào và sẽ được thắp lên vào chiều tối. Vậy là cùng lúc, đã có cái hàng rào nồng nặc mùi gỗ ẩm, chiếc đèn lồng nọ, người thiếu phụ nhỏ nhắn tóc vàng kia ở trong vòng tay của người da đen, dưới một bầu trời lửa… Tòa nhà vàng di chuyển, bằng một bước nhảy, nó phớt chạm vào những khung cửa kính, nó quá gần đến độ người ta chỉ còn thấy được một phần, rồi tối sầm lại. Những khung cửa kính rung chuyển. Tòa nhà dựng cao lên, choáng ngợp, cao quá mức đến độ không thể nhìn thấy, với hàng trăm cửa sổ mở ra những khoảng trống đen ngòm, nó lướt dài theo toa… Và đột nhiên, tòa nhà không còn nữa, nó đã lưu lại đằng sau, một làn ánh sáng chói chang màu xám tràn ngập toa tàu… đấy là bầu trời xuyên những khung cửa kính.

 

3/ Chất Men Gợi Dậy Cơn Buồn Nôn, Ấy Là Dư Thừa và Phi Lý Vào cùng giờ này, sau bữa ăn thịnh soạn và dài dặc ngày chủ nhật, họ đang đứng dậy khỏi bàn, và đối với họ, một cái gì đó đã chết đi. Ngày chúa nhật đã làm mòn tuổi thanh xuân nhẹ nhàng của họ… (Một đoạn khác) Vào lúc trời quang, những thanh âm đột nhập bằng đầu mút này của thành phố và thoát ra bằng đầu mút kia, sau khi đã xuyên qua tất cả những bức tường… Tôi sợ hãi những thành phố. Nhưng chẳng nên bước ra khỏi chúng. Nếu phiêu lưu quá xa sẽ gặp địa hạt của Thảo Mộc. Thảo Mộc đã bò lan suốt nhiều cây số về hướng thành thị. Nó đang chờ đợi khi thành phố chết, Thảo mộc sẽ mọc đầy… (Một đoạn khác)Tôi hiểu rồi: thành phố đã bỏ rơi tôi trước. Tôi chưa ra khỏi Bouville nhưng tôi đã không còn đó nũa. Bouville im tiếng… Tôi nhấm nháp tình trạng bị quên lãng hoàn toàn mà tôi đang rơi vào. Tôi đang ở giữa hai thành phố, một chưa biết đến tôi và một không còn biết đến tôi nữa… (Một đoạn khác)… họ chưa cảm nghiệm được tính chất dư thừa, nghĩa là vô định hình và mơ hồ, buồn bã… Hiện hữu không phải là một cái để ta suy tưởng từ đàng xa: nó phải đột ngột tràn ngập, xâm chiếm lấy anh… (Một đoạn khác)… ý thức về sự kiện mình đang hiện thể một cách dư thừa. Ý thức hòa tan, phân tán, ý thức tìm cách tự đánh mất mình giữa bức tường nâu, dọc theo dãy đèn lồng hay trong làn khói chiều đang nhẹ tỏa dưới kia… (Một đoạn khác) Tôi rụt bàn tay lại, đút vào trong túi quần. Nhưng lập tức, xuyên qua lần vải, tôi cảm nghiệm được hơi ấm của bắp đùi. Ngay tức khắc, tôi rút tay ra khỏi túi; tôi để tay mình treo dựa trên lưng ghế. Bây giờ đây, tôi cảm thấy sức nặng của bàn tay ở đầu cánh tay. Bàn tay hơi co lại, mềm èo, nhão nhuột, bàn tay đang hiện hữu. Tôi chẳng nằn nì thay đổi nữa, bất cứ nơi nào tôi đặt bàn tay xuống, bàn tay vẫn tiếp tục hiện hữu và tôi sẽ tiếp tục cảm nghiệm rằng nó đang hiện hữu; tôi không thể nào thủ tiêu bàn tay đi được, cũng như chẳng thể thủ tiêu được phần còn lại của thân thể… (Một đoạn khác) Tôi đọc thấy trong đôi mắt ông một lời phán đoán yên lặng và ghê gớm khôn nguôi. Lúc bấy giờ tôi bừng hiểu ra tất cả những gì đang chia cách chúng tôi: những gì mà tôi suy nghĩ về ông lại chẳng đạt tới được ông… Nhưng lời phán đoán của ông xuyên thủng tôi như một lưỡi gươm và đặt thành vấn đề ngay cả cái quyền được hiện hữu của tôi (Sau tác phẩm “Buồn Nôn”, Sartre có một câu thường được nhắc nhở: Địa Ngục Chính Là Những Kẻ Khác - TVN)

 

4/ Khai Từ Thơ Mộng Cho Thiên Triết Luận Hữu Thể Và Vô Thể Kế đó, tại Sài Gòn, khi tôi quyết định trở về Pháp, tất cả những gì còn lưu giữ trong tôi - những khuôn mặt xa lạ, những công trường, những bến tàu dọc theo sông dài - tất cả đều bị tan biến vào hư vô… Vào chiều tối, chuyến tàu điện ngang qua khách sạn Printania không mang theo nơi mặt kính toa tàu phản ảnh của tấm bảng hiệu bằng đèn ống; nó chỉ bừng sáng lên trong một khoảnh khắc rồi chạy xa dần với những khung cửa tối đen… (Một đoạn khác) Tôi nhìn thấy tương lai. Nó đấy, nó được bài trí ra trên đường, hơi xanh xao hơn hiện tại chút đỉnh… Người đàn bà xa dần trong bước chân khập khiễng, bà ta ngừng lại, vén lọn tóc màu xám vừa xổ tung ra khỏi chiếc khăn choàng. Bà bước đi, bà ở kia, bây giờ bà đang ở đây… Tôi không còn phân biệt được hiện tại với quá khứ nữa… người đàn bà tiến bước trên con đường hoang bóng người: bà di động đôi giày đàn ông to lớn của mình. Đấy, đấy là thời gian, thời gian trơ trụi, nó đến chậm rãi với cuộc nhân sinh, nó làm người ta chờ đợi và khi nó đến, người ta đâm ra phiền tởm vì nhận ra rằng nó đã hiện hữu ở đấy lâu rồi. Người đàn bà tiến đến gần góc đường, bây giờ chỉ còn lại như một đống nhỏ vải đen… Bà ta sắp sửa rẽ ở góc đường, bà ta rẽ vào trong - trong một thời gian miên viễn (Triết gia Sartre trực cảm nỗi buồn nhân sinh: rồi ai cũng sẽ chạm trán với thời gian tàn tạ; qua hình ảnh bà già tóc trắng áo đen, mang đôi giày to lớn dị hợm; mất vào nơi không còn gì nữa - TVN)

 

5/ Hiện Hữu Phi lý Nhưng Ta Bị Ràng Buộc Có Tự Do Lựa Chọn Một Cách Ở Đời - Tôi biết rất rõ rằng tôi chẳng hề muốn làm bất luận điều gì: làm một điều gì, tức là tạo ra hiện hữu… Sự thật là tôi không thể buông viết được: tôi tin rằng tôi sắp chạm trán với cơn Buồn Nôn và tôi có cảm tưởng làm chậm nó lại được bằng cách viết lan man. Vì vậy tôi viết bất cứ chuyện gì thoáng qua đầu tôi (Đây là chỉ dấu cho ta biết đừng đi tìm cốt truyện trong cuốn Buồn Nôn, và ta có thể đọc bất cứ đoạn nào cũng được. Ở đâu trong suốt cuốn sách, ta sẽ bắt gặp đó đây những Hiện Hữu, những Phi Lý, những thẩm thấu Dư Thừa của Hiện Sinh. Như vậy, theo thiển nghĩ: cuốn sách không phải khó đọc - TVN). (Đoạn khác, tiếp tục nói về sự Lựa Chọn Dấn Thân). Cuộc đời có một ý nghĩa nếu ta muốn ban cho nó một ý nghĩa. Trước hết, phải hành động, lao mình vào một công việc. Sau đó, nếu phản tỉnh lại thì sự việc đã nhất định rồi, người ta đã bị đưa vào cuộc. (Một đoạn khác) Một cuốn sách. Dĩ nhiên, thoạt tiên đó chỉ là một công việc đầy buồn chán và làm ta mệt mỏi, nó không ngăn cản tôi tiếp tục hiện hữu và cảm nghiệm rằng mình đang hiện hữu… xuyên qua nó, có lẽ tôi có thể nhớ lại mà không kinh tởm cuộc đời mình… Con lộ nhỏ dẫn đến nhà ga mới bốc lên nồng nặc mùi gỗ ẩm: ngày mai mưa sẽ rơi trên thành phố Bouville (Cuốn “Buồn Nôn” chấm dứt ở câu cuối cùng này).

 

 

City of Walnut, California, tháng 1 năm 2014

(Trích Tạp chí “Thư Quán Bản Thảo”, số 59, tháng 3/2014, số đặt biệt “Tưởng Niệm Phùng Thăng”. Bản gửi từ tác giả)

 

Thơ Trần Văn Nam

KHÁN GIẢ NHƯ LÀ ĐẠI-DƯƠNG

Khán giả đâu thể hóa thành thi sĩ

Với thơ nhiệm mầu đưa nhạc lên cao

Thơ lên bầu trời gom góp muôn sao

Choàng kim cương trên làn da đêm trắng.

 

Khán giả đâu thể hóa thành ánh sáng

Làm chuyển đổi màu từng bước ai qua

Tạo nên cầu vồng giăng mắc trời xa

Gồm thâu hào quang về cho dạ hội.

 

Khán giả đâu thể họp đoàn hát đuổi

Cho lời tiếp lời, mây nối tiếp mây

Như gió động rừng cây chuyển qua cây

Như nhịp triều lên dập dồn bãi cát.

 

Khán giả đâu thể đảm-đương giàn nhạc

Cùng nhau giao hòa cộng hưởng âm thanh

Sân khấu đêm nay có cuộc tương tranh

 Hẹn vinh quang, hay sẽ là thất bại.

 

Khán giả thật ra là hồn đại hải

Trong tiếng vỗ tay dào dạt hội trường

Nghệ-nhân xin chờ phán quyết trùng dương

Nhân thế vốn tìm những gì miên viễn.

(Tháng 4/1989 và tháng 3/2014)

 

 

ĐỀN VÁCH KHÔNG

Lá già buông thõng tóc râu

Những cây rẻ quạt đỉnh đầu nhô xanh

Tàn khô rũ, bẹ xếp thành

Hình thù cổ quái tay khoanh đứng tròn

Rách tua hứng dọi hoàng hôn

Cây trong phố thị nghe mòn hoang vu

Rừng xưa cách trở xa mù

Uy nghi thảo mộc lù lù cõi quên

Đành thôi, kiếp sống trăng thềm

Đó đây đứng trụ xây đền vách không.

(Tháng 1/ 2000)

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 4722
Ngày đăng: 24.03.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự dung hợp thể loại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái nhìn từ những vỉa tầng văn hóa - Trần Thị Ty
Như một tráng ca - Phan Bá Ất
Nguyễn Trãi lại trở về cổ vũ con cháu của Người - Nguyễn Anh Tuấn
Hiểu Tổ Quốc đến xót xa... - Nguyễn Anh Tuấn
Trần Đới rong chơi một đời thơ - Tâm Nhiên
Chử Văn Long với tình thơ đậm tính nhân tình thế thái - Phạm Ngọc Thái
Đọc “Nhị khúc” mà nhớ Sài Gòn - Nguyễn Nguyên Phượng
Những bài thơ của tác giả trẻ Hạnh Vân viết về Bác Hồ - Nguyễn Nguyên Phượng
Bến Xuân bình bài thơ "Sóng thần" của Ngọc Châu - Ngọc Châu
Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận và bài thơ Lời Thề Lá Sen - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)