Điều quan trọng với từng cá thể, không chỉ ở con người thuộc vào hàng đẳng cấp cao nhất trong “thập loại chúng sinh” nói chung. Có đúng sự sống là trên tất cả? Một khi đã trưởng thành về mặt lý trí và tâm thức, con người thiết lập ra một tương quan vững chãi và sáng tạo. Con người đang hành động là để nhân danh cái tôi trong mọi nỗ lực ý thức. Động cơ thúc đẩy tình cảm của con người đích thực là những động cơ nào? Khó mà trả lời thuyết phục. Có thể (ta) đã và đang nhìn thấy được những lực hấp dẫn và xô đẩy, những yêu thương, hờn giận, những lên cơn, đờ đẫn… là trầm hệ trong sự khám phá muôn thuở trên bề mặt quả cầu đất này.
Võ Văn Luyến – người câu bóng mình đã tìm thấy cái cô đơn diễm phúc đang nhìn sự an bài có trật tự, thi nhân cảm thấy cuộc đời này là một thảm kịch chứ không phải là một thế giới xô bồ hỗn loạn. Ngôn từ thi ca vốn rất giàu nhân tính, đó là một nét chung mà người viết ra những câu thơ luôn rung cảm theo nhịp đập của trái tim: “người đàn ông giết mình bằng thời gian/ bằng những hạt hồng cầu mê ngủ/ bằng những con chữ U chạy nhanh như gió/ úp ngược chiều trái tim.” (Người câu bóng mình – trang 5).
Có cần diễn tả nhu cầu cảm thông và bất khả cảm thông? Mặc nhiên bút pháp thật thân tình của tiến trình sáng tạo luôn phơi bày màu sắc quê hương toàn diện và hiện thực bất biến, những hình ảnh đã hòa hợp vào tâm hồn thi nhân. Một khuynh hướng tự do khai triển không vượt quá giới hạn văn chương thẩm mỹ, và ngược lại không bị giam cầm trong những phổ quyết nhất định của kiếp con người: “Mấy mùa sim hẹn tôi về/ Nắng day dưa nhớ, mưa mê mải tìm …” “Mấy mùa trăng lạc ca dao/ Cỏ hoa chúm chím môi đào dạ thưa…” hay là một phản tỉnh vỗ về?: “Nẻo vui phố cưới cơn mê/ Chiều xa ngồi vớt câu thề trôi sông…”(Khúc trầm-Gửi miền sương ngọt – trang 11&12).
Có một thứ ánh sáng tinh tuyền xuyên thủng vòm trời tiên thiên của linh hồn thi nhân. Chính vì vậy, nó xác định và tập hợp những gì được gọi là phức số định mệnh , để rồi hòa nhập vào ý thức thượng đẳng: “Khi những sợi mưa tơ giăng trước nhà/ Những nụ xuân nói điều chi rất khẽ…” một khi sự vận dụng của trí tuệ hiện thể: “Tuổi chín mươi ngày gần tháng xa/ Đong mưa nắng ủ mầm hạt nhớ/ Đêm ngắn hơn chiêm bao/ Tự tình mẹ với ngọn đèn trăn trở”… (Mẹ ơi xuân đến rồi kìa – trang 13&14).
Thi nhân không thể trầm mình vào lòng một vũ trụ với trí tưởng tượng khôi hài. Vì sao? Bởi lẽ sự sáng tạo sẽ hình thành một kích độ khởi diễn cường điệu trong từ chương thi ca giả tạo. Làm thế nào để tìm cách diễn tả được bối cảnh thiên nhiên thực tại? Không cần phải toan tính sắp xếp… thiên nhiên luôn tồn tại và thật gần với con người. Chỉ có những tinh thần phá chấp mới thể hiện rõ cái thiên chức khảo sát và tạo ra thứ ngôn ngữ rực rỡ sắc màu: “Những con chim mang mùa đông đi biệt/ Hàng cây tự tình tay gối gió đêm/ Mắt lá thẳm câu thơ chừng canh tết/ Tuổi khói sương cúi vai mẹ rưng thềm”…(Xuân thức – trang 18&19).
Con người dùng ngôn từ hoặc hình ảnh… để khám phá ra một thế giới siêu việt. Đó chính là mối tương quan mật thiết của nhiều văn-nghệ sĩ, mọi sự cố gắng để được hòa mình với trật tự thiên nhiên bất di bất dịch, có thể hy sinh cả một đời người và nghĩ cái chết là để trở về đại ngã. Sự cấu tạo ngôn từ đều phải được thanh lọc, một khi tâm hồn hết vẩn đục ánh lên sáng ngời: “Dòng sông tự mình rõ nắng mưa ấm lạnh, mặc rối nhiễu giông gió mây vần, mặc sáng tối vây quanh, mặc suối khe dự cuộc chia phần…Dòng sông ơn biển thẳm non cao, ơn chí bền tình sâu đất lặng, ơn tuổi thơ thuyền giấy, ơn con chuồn chuồn tin cậy, ơn tóc xỏa mái nhì mái đẩy, ơn đôi bờ bồi lở sinh thành” (Tâm thức xuân – trang 22).
Nghệ thuật đã được khẳng định, là cảm giác của trường tượng trưng nhưng đem kết tinh lại theo một tinh thần nghiêm khắc, có thể sẽ đạt đến mức lấy sự trầm tư mà thấu triệt nội tâm và ngoại giới: “Khe Sanh giọt sương không tan/ Long lanh dưới tán lá rợp/ Tôi có bốn mươi tám giờ tơ nõn diệp lục/ Nhói giấc mơ trốn tìm” Sao lại chỉ bốn mươi tám giờ. VVL có đúng là một thi nhân cô đơn hay đã tràn đầy hạnh phúc? Một lối viết trải nguồn tâm sự: …“Khe Sanh đập nhịp chập chùng/ Câu thơ ướm tà áo mỏng/ Ngựa hí nhà ai khớp móng/ Kiệu vàng rước một đơn côi” (Khe Sanh mắt chớp – trang 26).
“Ta ngồi đó chờ đợi, không chờ đợi gì cả, chờ đợi vô thể, chờ đợi không chờ đợi – Nietzsche và tiếng nói heo hút của Heidegger …” (Im lặng Hố Thẳm – Phạm Công Thiện dịch). Thi ca xuất phát từ xúc cảm chủ quan trong sự sáng tạo tâm tư, thi nhân luôn vượt lên trên đời sống thực dụng. Tất cả những hiện thể chỉ là cái cớ để thử thách khả năng chính (ta) khi chạm vào ngôn ngữ: “Những núi đồi cỏ xanh ngậm sương/ Có gì đăm chiêu trong mắt ngựa chiến/ Kinh thành sau lưng lửa trời binh biến/ Cháy tâm can . Rạn vỡ đêm dày”…(Sự minh triết trong thành Tân Sở - trang27&28).
Trong khoảng khắc đi tìm vĩnh cửu, thi nhân dừng bước chân để chiêm nghiệm sự mầu nhiệm của đất trời và vẻ vô thường của đời sống, nhưng với niềm tin cùng những rung cảm thì đời sống biến thành sự thật vĩnh tồn: “Biển gọi anh về/ Con sóng trắng miên man ngực bể…Những mắt đèn chong thức vào khuya/ Bóng đổ dài trên cát… Về đây nghe gió ngân vô hồi/ Hạt muối quên có mình làm chứng/ Con tàu quên đếm tuổi đi ngày tháng… (Biển xưng tụng – trang 32&33).
(Khi tiếp xúc có thì cảm thụ có, khi tiếp xúc không thì cảm thụ không”. Đó là nói về tiến trình của sự thay đổi phù hợp với các tác dụng tức thời. Câu hỏi: “ai tiếp xúc, ai cảm thụ” nếu đặt ra sẽ không hợp lý vì cho dù sự suy tưởng theo cách quy giản đến vô tận thì cái “ai” làm chủ thể này vẫn không thể xác định được… lời giảng do Gotama Siddhatha). Một sự tái tạo tư tưởng mãnh liệt, những gì thấp hèn “rất ký sinh” nó được chuyển thể thành thứ chất liệu từ chương tinh túy: “Những con rận lạc nhau trong rừng tóc hoa râm/ Trăm năm ngàn năm trước vẫn còn ngơ ngác…Những con rận yêu nhau có theo mùa không nhỉ/ Có hờn ghen khi tranh chấp bạn tình?…Tôi rỗng không chốn hoang đường nắng đổ/ Ngọn gió nào cũng thổi phía xa xôi. (Gió thổi phía hoang đường – trang 36&37).
Quá khứ sẽ tái hiện lại khi (ta) hoài niệm hay trong giấc mơ… chính là sự mạc khải làm cho văn-nghệ sĩ hiểu rằng đời sống có cái gì rất đáng sống, cho dù tiềm thế đang ngủ vùi dưới lớp bụi thời gian, nhưng nó sẽ được thể hiện trong tâm trí của con người: “Bọc trong hạt cát trắng tinh/ Từ tâm soi tỏ dáng hình quê hương/ Nắng mưa dầu dãi vô thường/ Cao sâu chín chữ tạ ơn sinh thành” (Tạ ơn sinh thành – trang 42).
Võ Văn Luyến cấu tạo nét chân thực ở bên trên thực tại đời sống, thi nhân đã làm nổi bật yếu tính đời sống. Không thể tìm thấy nỗi bất bình với mọi người và bất bình với cái tôi. Niềm tự hào chính mình trong sự yên lặng và trong sự cô đơn của bóng đêm: “Khi không tự hành hạ mình mất ngủ/ Khi không lũ chó sủa đêm chọc tức…Khi không thấy triết lý kỳ nhông đổi màu đáng sợ/ Khi không kẻ quỵt nợ tình chui vào mặt nạ…Khi không muốn làm ăn mày sang trọng/ Khi không viết những câu thơ vô hồn. (Lan man đêm mất ngủ - trang 66).
Có biết bao người chống lại hoặc tìm phương cách thoát ly ra ngoài hiện tại. Có phải đó là thái độ trú ẩn vào tháp ngà? Chỉ là sắc thái mong manh của tâm tình! Văn-nghệ sĩ là những con người thật sư tự do, họ cố đi sâu vào ẩn mật tiềm tàng: “Ửng trên ngọn nắng không mùa/ Bỗng dưng cơn gió năm xưa xanh màu/ Từ hồn mục rã thương đau/ Ta như mới thấy cây sầu trổ bông. (Hóa hiện – trang 82). Thì hãy cứ giam mình vào mê lộ cô đơn lúc bấy giờ (ta) đã hoàn tất những gì thuộc về ước vọng: “Trời thả một chiếc lá vàng/ Thế là mặt đất nguyện làm mùa thu/ Em đi từ buổi sương mù/ Chiêm bao tôi gặp lời ru vọng buồn.” (Vọng – trang 83).
Chân Thành cảm ơn thi nhân Võ Văn Luyến. Từ xứ sở Quảng Trị thuộc dải đất miền Trung xa xôi, anh đã gửi tặng cho tôi tập thơ: Người câu bóng mình Nxb Hội nhà văn – 2011 (gồm 67 bài thơ). Những câu thơ tiêu biểu tôi trích ra là để cảm nhận nghệ thuật thơ của anh. Với những ý tưởng thoát ra từ tâm thức của tôi, tất nhiên sẽ rất dài dòng, khiến cho người đọc có thể mỏi mắt và buồn ngủ nên tôi chỉ viết ngắn gọn qua bài viết này. Trân trọng.
Thành phố Tây Ninh - cuối mùa xuân 2014