Vào dịp Hội Kiều học VN gặp gỡ hội viên cuối năm (2013), lần đầu tiên tôi mới được gặp nhà thơ Mai Hồng Niên. Biết tôi đang thực hiện loạt phim tài liệu "Truyện Kiều - Xưa và Nay", và cũng từng đọc thơ ông, lão thi sĩ trân trọng tặng tôi cuốn "Quê mình xứ Nghệ" mới tái bản (Nxb Hội nhà văn, 2014). Tôi liền giở hú họa ra đọc một trang, thì gặp ngay hai câu:
Đi dọc phố Nguyễn Du một chiều Hà Nội
Lại bâng khuâng thức giữa câu Kiều
Tôi lại giở thêm một trang khác, thì đọc được:
Anh cậy nhờ thơ để nói điều nhân thế
Và tựa vào em qua chớp bể mưa nguồn
Tựa vào bạn bè sống ít thiệt-hơn
Giữa thời thế chông chênh bão gió
...Đồng vọng với trang Kiều
Cụ Nguyễn gửi vào thơ
Giữa lúc đang "máu mê" tìm kiếm tất cả những gì liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều để đưa vào phim, tôi đã đọc ngốn ngấu cả tập thơ này. Và tôi chợt nhận ra một điều: Mai Hồng Niên có khả năng khiến những địa danh và những tên tuổi xứ Nghệ trở nên gần gũi, thương mến với tất cả mọi người. Đặc biệt là, thi hào họ Nguyễn Tiên Điền và Truyện Kiều- vốn đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt, đã trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất, một thi liệu quan trọng bậc nhất của toàn bộ tập thơ "Quê mình xứ Nghệ". Ông thú nhận: "Đi khắp bốn phương, hồn quê là điểm tựa/...Đất quê còn mãi những trang Kiều" (Ngày ấy và bây giờ). Phải chăng, ông cả đời đã "Thấm đẫm lời hát ru của bà, của mẹ/ Bao nỗi thăng trầm qua mưa nguồn chớp bể (Tư chất ông Đồ...) nên mới ngày càng thấm thía "Nỗi niềm xưa với trang Kiều hôm nay" (Không chỉ lời ru). Và hình như ở bất cứ đâu, trong bất cứ cảnh ngộ nào, nhà thơ cũng "vẫn gặp Kiều/ Đọc trang thơ/ Phận mình! (Lại về với biển).
Không phải chỉ một buổi, nhà thơ đã ngắm nhìn quê hương trong tâm trạng: "Từ trên cát trắng đồi hoang/ Đất quê trộn nắng mưa chan bốn mùa/...Và trong cửa biển chiều hôm/ Câu thơ Cụ Nguyễn, nỗi buồn xa xa" (Mười năm). Buồn vui với nhân tình thế thái, nhà thơ nhiều đa đoan này không chỉ một lần thảng thốt: "Giữa hư thực cứ mải mê thương Kiều" (Về với nghi Xuân) - "Phận bạc đời Kiều "Trăm năm" còn đó/ Vầng trăng nghiêng ngả những con thuyền/ Hư thực không phân chia phải trái/ Đời người chỉ một bóng sao rơi" (Vẫn là từ biển và sông). Ngẫm về cuộc đời lênh đênh chìm nổi của thi hào họ Nguyễn Tiên Điền, ông rút ra triết lý sống thanh thản cho bản thân: "Đã qua thời "dạ, thưa" dấu bao điều lầm lỗi/ Để nhân dân chìm nổi giữa đói nghèo.../ Về làm dân ngả bóng cây ngô đồng/ Thập loại chúng sinh cụ Tiên Điền phiêu dạt.../ Mọi thắng thua đã trôi về biển rộng/ Lặng lẽ với con đò chở câu ví sang ngang (Quan và Dân ).
Cái sự kiện nhập tỉnh vội vã - sản phẩm duy ý chí một thời được nhà thơ cảm nhận bằng thân phận nàng Kiều: "Có quê hương, bỏ quê hương/ Mười lăm năm, cảnh đoạn trường là đây/ Khi đi trống giục cờ bay/ Ngày về phố vắng đường lầy cỏ hoang...Tự gây nên thác nên ghềnh cho nhau... Ngẫm câu Kiều giữa quê hương/ Bao người nhập hội bỏ phường lại đi/ Tưởng là chắp vá thành quê/ Ngờ đâu nửa mảnh trăng thề chia nhau/ Chỉ là cành mướp hoa cau/ Nguyễn Du ơi!/ Vẫn nỗi đau nhân tình" (Về qua Vinh)...
Khi "Con tàu Nguyễn Du lần đầu về quê nội", giữa những cánh bèo xô dạt trên vùng đất bạc màu trải qua bao chìm nổi, khóe mắt của nhà thơ chợt rớm lệ nhận ra "Thiên nhiên nép mình giữa bao điều lầm lỡ" (Tàu Nguyễn Du về bến Giang Đình). Dường như nguồn cảm hứng thi ca của Nguyễn Du trước cuộc đời sóng gió dâu bể đã cho MHN thêm sức mạnh để bộc bạch nỗi phẫn uất, sự bùi ngùi đau xót của ông đối với thời cuộc. Đó là "Những đám cưới ồn ào như chữa cháy", "Thằng bán tơ vẫn lên xe xuống tàu" (Vinh- ngày trở lại). Đó là cảnh "Người tất tưởi quẩn quanh đầu cổng chợ/ Người cúi mặt vái trời ngả nón xin ăn..." (Thành phố và em). Đó là những sự thật đau xót hiển hiện giữa đời thường mà MHN buộc ném ra những câu thơ thế sự sắc nhọn, rát bỏng, dù bản chất thơ ông dường chỉ ưa sự ngọt ngào: "Trăm năm trong cõi người ta/ Bất tài thất học mới là điều nguy/...Từ thằng xúc cát nhập phường quan tham/ Bán đất, bán biển, bán làng/ Dồn dân vô rú khai hoang kiếm lời "(Minh nhớp xưa và....)-"Học hành tính giá thấp cao/ Có tiền mang đến cửa nào cũng xong/ Nên chi rắn đẻ ra rồng/ Từ thằng lại hóa nên ông có quyền/ Trong tay sẵn có đồng tiền/ Thời nay, thưa cụ Tiên Điền chính danh" ( Con có cha và không cha)- "Lại gặp cụ ND- đi qua chợ Tiên Điền/ Nhiều thứ muốn mua nhưng đời cho toàn bạc giả/ Ba trăm lạng thời nay đắt quá" (Tình tang thế thái nhân tình)- "Thay đen đổi trắng đồng tiền/ Trăm năm thưa cụ Tiên Điền còn đây!" (Thời nay- Thị Hến)-"Nhớ thời bị gậy người ơi/ Dân quê giờ vẫn áo tơi lấm bùn (Nhớ thời bị gậy người ơi)-"Đám sai nha" lại tìm về nơi đây/...Con thưa với cụ bây giờ/ Hai trăm năm vẫn bơ vơ thân Kiều/... Đem tiền mua bán chữ yêu thôi mà" (Con thưa với Cụ Nguyễn Du)...
Nhiều người tìm thấy mình trong tâm trạng thi sĩ: "Chữ Tài mai mốt còn xanh/ Chữ Tâm/ Thưa Cụ/ Biết thành chữ chi" (Thăm Cụ chiều nay). Lắm lúc ông bi quan: "Tôi về ôm chiếc đò thơ của mình/ Chuyện đời nhân thế buồn tênh Biển và bờ giữa mông mênh/ Dấu xưa gửi chút lênh đênh bọt bèo/ Cánh buồm thơ vẫn buông neo/ Bên dòng lục bát/ Những chiều Nghi Xuân" (Không đề II)... MHN trong nhiều bài thơ đã giúp người đọc hình dung về chính bản thân ông cùng các đồng nghiệp thi sĩ: "Nghiệp văn chương đi mãi vẫn cứ nghèo" (Nhà thơ quê hương)-"Đau đớn thay gặp cảnh nghèo/ Bỏ quê tìm chốn bọt bèo tha phương" (Thăm Cụ chiều nay)-"Thương quê lấm láp hao gầy/ Lại thương mình giữa vơi đầy nhân gian (Mẹ và quê) v.v. Và ông đã nguyện đứng vào hàng ngũ của những con người "Mang Tâm - Tài với nước non" (Quê mình xứ Nghệ)- "Hết thời binh đao lấy trang văn làm bến đỗ/ Năm tháng bể dâu sấp ngửa với trang Kiều (Người cuối cùng còn lại của lòng dân) -"nhà thơ lang thang tìm chân lý/ Nhận biết thực hư gian trá của con người"- "Lấy khí tiết người xưa làm gương mặt hôm nay" (Thành phố và em).
Nhờ có "Vầng trăng cụ Nguyễn/ Nhập vào hồn quê" (Anh ở miền quê ấy), ông đã hiểu sứ mệnh vinh quang và cay đắng của người thi sĩ muôn thuở qua cuộc đời Nguyễn Du: "Trang thơ viết và tháng ngày người sống/ Cũng chênh vênh qua bao nỗi đoạn trường/ Mong chẳng được-dẫu một ngày tái hợp/ Để riêng mình nhận lấy cả tai ương" (Không đề I). Nhà thơ rung cảm sâu sắc trước cái Đạo Nhân Nghĩa của Dân tộc mà Nguyễn Du đã lấy làm cốt lõi cho chữ "Tâm", và dường ông đã thắp hương nguyền lấy chữ "Tâm" này làm cội nguồn Thơ của mình: "Thân gầy sấp ngửa đời văn/ Nỗi buồn nhân thế đến ngần ấy thôi /...Mặc đời ai nhớ ai quên/ Viết nghìn trang sách lâu bền nghĩa nhân" (Gửi bác Thái Kim Đỉnh)- "Truyện Kiều còn mãi trăm năm/ Kém tài sao sánh chữ "Tâm" hỡi người/ Chỉ là hạt cát nhỏ nhoi/ Mênh mông giữa bãi sa bồi đã quen/ Thăng trầm, vinh nhục sang hèn/ Lẽ đời là thế mới nên phận người" (Phải trở lại với mình). Ông tự nhủ mình: "Chữ Tâm/ Chẳng đến bất ngờ với ai (Chữ "Tâm" với bạn)-"Chữ Tâm chữ Tài Nguyễn Du còn để ngỏ/ Chí "làm trai" Nguyễn Công Trứ còn đây" (Lời mẹ tiếng quê)...
Hầu như trang thơ nào trong "Quê mình xứ Nghệ" cũng đều vang vọng âm hưởng của thơ Kiều, của đoạn trường nàng Kiều & Nguyễn Du, của nỗi đau nhân thế & thời cuộc mà thi hào họ Nguyễn Tiên Điền mang theo suốt mấy trăm năm nay... Tôi xin kết lại bài viết nhỏ này bằng vài câu chắc là tâm huyết nhất của MHN khi "bâng khuâng thức giữa câu Kiều"- như một lời nhắn nhủ với mọi người, nếu quả như "Thơ cần có ích" (Chế Lan Viên):
Giọng đò đưa, tiếng Nghệ mẹ sinh thành
Trang Kiều Nguyễn Du - chữ Tâm làm bến đợi
Còn chữ Tài cả một đời rong ruổi
Là Tình yêu- ngọn lửa trái tim mình
... Ngược Bắc xuôi Nam nhân nghĩa cứ vẹn toàn
(Người của đương thời)
Hà Nội, cuối năm 2013