Diễn văn Nobel 1982 của Gabriel Garcia Marquez
Bùi Hoằng Vị dịch từ bản tiếng Anh (Nguồn: http://www.nobel.se/literature/laureates/1982/marquez-lecture)
Antonio Pigafetta, một nhà thám hiểm hàng hải người Florence đi cùng Magellan trong chuyến hải hành đầu tiên vòng thế giới, khi ngang qua những miền đất Nam Mỹ của chúng tôi, đã viết một bài tường thuật mô tả chính xác đến nghiêm nhặt, song câu chuyện của ông lại hệt một cuộc mạo hiểm vào thế giới huyễn tưởng. Trong đó ông kể rằng đã thấy những con lợn thiến có rốn ở hông, những con chim không móng vuốt mà con mái đẻ trứng trên lưng con trống, và cả những con thú giống bồ nông, lưỡi không có, mỏ lại giống thìa. Ông kể đã thấy một con vật quái thai có đầu và tai la, mình lạc đà, chân hươu, tiếng hí như ngựa. Ông kể chuyện người thổ dân đầu tiên ông gặp ở Patagonia đã chạm trán với một cái gương soi ra sao; kết cục là hắn, cái gã khổng lồ tràn trề xúc động kia, đã kinh hoàng đến mất trí bởi chính hình ảnh của mình trong gương.
Cuốn sách mỏng và mê hồn này, mà ngay thuở ấy đã chứa sẵn mầm mống cho những tiểu thuyết hôm nay của chúng tôi, hoàn toàn không phải là bản tường trình đáng kinh ngạc nhất về hiện thực của chúng tôi vào thời kỳ ấy. Những biên niên sử vùng Indies còn để lại cho ta vô vàn những thí dụ khác. Eldorado, vùng đất huyễn tưởng mà chúng tôi đã háo hức đi tìm, chẳng hạn, có mặt trên vô số các bản đồ trong hàng bao năm, cũng đã phải di dời tọa độ và thay hình đổi dạng cho khớp với tưởng tượng của các chuyên gia địa đồ. Trong chuyến săn tìm suối nguồn trẻ mãi không già, nhà thám hiểm châu Mỹ người Tây Ban Nha Alvar Nunez Cabeza de Vaca thần thoại đã khảo sát miền Bắc Mêhicô trong tám năm ròng, cùng một đoàn thám hiểm bị lường gạt mà các thành viên đã xâu xé lẫn nhau đến đỗi cuối cùng chỉ còn lại năm trong số cả bọn sáu trăm người là quay được trở về. Một trong những bí ẩn khôn dò của thời ấy là chuyện mười một nghìn con la, mỗi con chất non nửa tạ vàng, một ngày nọ đã rời Cuzco lên đường trả món tiền chuộc Atahualpa để rồi không bao giờ đến được nơi phải đến. Kết quả là, vào thời thuộc địa, gà mái được bán ở Cartagena de Indias là những con được nuôi trên đất bồi phù sa, mề chứa đầy những hạt vàng li ti. Cơn khát vàng của một trong những vị khai sáng vùng đất ấy đã đeo bám chúng tôi cho đến tận gần đây. Mãi đến cuối thế kỷ trước, một phái đoàn Ðức được bổ nhiệm sang đây nghiên cứu xây dựng một đường sắt xuyên đại dương đi ngang qua eo đất Panama đã kết luận rằng cái dự án kia chỉ khả thi với một điều kiện, là những đường ray không được làm bằng sắt, là thứ hiếm hoi trong vùng, mà phải làm bằng vàng.
Nền độc lập của chúng tôi khỏi ách thống trị Tây Ban Nha cũng chẳng cứu được chúng tôi khỏi điên rồ. Tướng Antonio Lopez de Santana, người từng ba lần là nhà độc tài cai trị Mêhicô, đã tổ chức một đám ma linh đình cho cái cẳng chân phải mà ngài đã hi sinh trong cái gọi là chiến cuộc Pastry. Tướng Gabriel Garcia Moreno cai trị Ecuador mười sáu năm như một vị vua chuyên chế; kết quả là thi thể của ngài được người ta đặt ngồi trên ghế tổng thống, cho diện quân phục chỉnh tề với đầy đủ huân huy chương bảo trợ. Tướng Maximiliano Hernández Martinez, vị bạo chúa sính thông thiên học của El Salvador, kẻ đã cho giết ba mươi nghìn tá điền trong một cuộc tàn sát man rợ, đã sáng chế ra một con lắc nhằm phát hiện thuốc độc trong thức ăn dành cho mình, cũng như đã cho phủ giấy điều lên hết thẩy các đèn đường nhằm trừ khử nạn dịch sốt tinh hồng nhiệt. Bức tượng của Tướng Francisco Moraz'n dựng ở quảng trường chính Tegucigalpa thật ra lại là của Thống chế Ney, sắm được từ một kho chứa tượng điêu khắc đã qua sử dụng ở Paris.
Mười một năm trước, nhà thơ Chilê Pablo Neruda, một trong những nhà thơ xuất sắc của thời đại chúng ta, đã từng vén mở sự thật cho quí vị cử tọa đây, qua bài diễn từ của ông. Kể từ bấy, những người Âu châu có thiện ý - và đôi khi cả những kẻ ác ý nữa - đã được đánh động mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi những tin tức kinh hoàng của châu Mỹ La Tinh, cái vương quốc bao la toàn những đàn ông bị ma ám cùng những phụ nữ lẫy lừng mà thói bướng bỉnh ngoan cố vô hạn đã trở thành huyền thoại ấy. Chúng tôi chưa được nghỉ ngơi lấy một chốc lát nào. Một vị tổng thống đầu óc sáng tạo táo bạo, cố thủ trong cái dinh thự đang cháy rực của ngài, đã chết trong lúc một thân một mình chiến đấu chống lại cả một đạo quân; và hai tai nạn máy bay đáng ngờ kia, vẫn chưa ai giải thích được, đã khiến một vị tổng thống dũng cảm khác, cùng một chiến sĩ phe dân chủ, người đã từng phục hồi phẩm giá cho dân tộc mình, phải đoản mệnh. Ðã có năm trận chiến và mười bẩy cuộc đảo chánh quân sự; cũng đã nẩy nòi ra được một tên độc tài quỉ quyệt nhân danh Chúa thực thi chính sách diệt chủng đầu tiên ở châu Mỹ La Tinh đối với các nhóm sắc tộc. Cùng lúc, hai mươi triệu trẻ con châu Mỹ La Tinh đã chết trước khi đầy tuổi - nhiều hơn số trẻ chào đời ở châu Âu tính từ 1970. Con số những người mất tích do đàn áp đã đạt gần một trăm hai mươi nghìn; cơ sự này có lẽ rồi sẽ chẳng ai kê khai nổi toàn bộ cư dân của Uppsala. Vô số phụ nữ bị bắt bớ trong lúc bụng mang dạ chửa đã cho con mình chào đời trong các nhà tù ở Achentina, dù vậy chẳng ai biết được gì về chỗ ở lẫn lai lịch của con cái họ, những đứa đã được lén lút nhận làm con nuôi hoặc gửi vào cô nhi viện theo lệnh các nhà cầm quyền quân sự. Chính vì toan tính cải cách mà gần hai trăm nghìn người đã chết trên toàn châu lục, cũng như hơn một trăm nghìn người đã mất mạng trong ba quốc gia nhỏ bé và xấu số ở Trung Mỹ: Nicaragua, El Salvador và Guatemala. Nếu điều này đã xảy ra ở nước Mỹ, con số tương ứng sẽ là một triệu sáu trăm ngàn cái chết bạo liệt trong vòng bốn năm.
Một triệu người đã trốn khỏi Chilê, một quốc gia có truyền thống hiếu khách - nghĩa là, mười phần trăm dân số. Uraguay, một xứ sở tí hon chừng hai triệu rưởi dân, vốn tự xem mình là đất nước văn minh nhất châu lục, cũng đã có cứ năm công dân thì hết một bị lưu đầy. Kể từ 1979, cuộc nội chiến ở El Salvador đã sản sinh ra gần như cứ mỗi hai mươi phút một người tị nạn. Nếu một xứ sở nào chứa toàn những kẻ bị phát vãng hoặc bị buộc phải di cư từ châu Mỹ La Tinh, xứ sở ấy sẽ có một dân số đông hơn của Na Uy.
Tôi dám cho rằng chính cái hiện thực ngoại cỡ này của châu Mỹ La Tinh, chứ không phải sự biểu đạt văn chương của nó, mới đáng để Viện Hàn Lâm Văn Học Thụy Ðiển lưu tâm. Một hiện thực không phải trên giấy, mà sống động trong chúng tôi, và quyết định từng khoảnh khắc một của vô vàn cái chết mỗi ngày của chúng tôi; chính nó đã nuôi dưỡng cái ngọn nguồn sáng tạo không bao giờ no thoả, đầy sầu não cùng vẻ đẹp, mà từ đó cái gã người Colombia lang thang và hoài cổ trước mắt quí vị đây chỉ là một kẻ vô tích sự nữa mà số phận đã chọn lấy. Là thi nhân hay hành khất, nhạc công hay tiên tri, chiến binh hay kẻ vô lại, - toàn thể tạo vật của cái hiện thực ngoài vòng cương tỏa ấy, - chúng tôi chẳng phải cầu viện gì nhiều đến óc tưởng tượng; trái lại, vấn đề then chốt của chúng tôi chính là thiếu phương tiện qui ước để diễn đạt cái hiện thực ấy sao cho người ta tin được. Ðiều này, thưa quí vị, chính là điểm khó khăn nhất trong nỗi cô đơn của chúng tôi.
Và nếu như tất cả những nỗi khó nhọc này, mà bản chất của chúng chúng ta đều chia sẻ, có ngăn trở chúng tôi, thì hoàn toàn dễ hiểu rằng những tài năng sáng suốt ở phần bên này của thế giới, những kẻ chưa hết ngây ngất suy tưởng về những nền văn hóa của riêng mình, lẽ ra phải nhận thấy họ không có phương tiện thích đáng nào để diễn giải chúng tôi cả. Lẽ tự nhiên, họ cứ khăng khăng đo chúng tôi bằng những thước đo dành riêng cho họ, mà quên rằng những tác hại của cuộc sống đối với mỗi người mỗi khác, và cuộc truy tìm lai lịch của chúng tôi cũng gian khổ và đẫm máu y như của họ vậy. Sự diễn dịch cái hiện thực mà chúng tôi sống bằng những mô hình không phải của chúng tôi chỉ khiến chúng tôi trở nên xa lạ hơn, kém tự do tự tại hơn, và cô đơn hơn bao giờ hết.
Châu Âu khả kính của chúng ta có lẽ sẽ nhậy bén tinh tế hơn nếu như họ chịu khó nhìn hình ảnh của chúng tôi qua quá khứ của chính họ. Phải như họ nhớ lại rằng Luân Ðôn đã mất ba trăm năm mới dựng lên được bức tường thành đầu tiên của mình, và thêm ba trăm năm nữa mới có được một giám mục; rằng La Mã đã lao động khổ sai trong một tình trạng bấp bênh ảm đạm suốt hai mươi thế kỷ, mãi cho đến khi một vị vua kia neo được nó vào lịch sử; và rằng cái dân tộc Thụy sĩ đầy an bình hôm nay, những người đang cung cấp cho chúng ta đủ thứ phó mát đằm thắm cùng những đồng hồ đeo tay chính xác đến độ vô cảm, xưa đã từng là lính viễn chinh đánh thuê, làm vấy máu châu Âu vào mãi cuối thế kỷ XVI. Ngay cả ở giai đoạn hoàng kim của thời kỳ Phục Hưng, mười hai nghìn quân lê dương đã ăn lương của các tập đoàn đế quốc để cướp bóc, tàn phá La Mã, cũng như đâm chết tám nghìn cư dân của nó.
Tôi không có ý làm hiện thân cho những ảo tưởng của Tonio Kröger, mà những ước mơ kết hợp một phương Bắc đạo hạnh với một phương Nam đam mê đã được Thomas Mann tán dương cũng ở diễn đàn này năm mươi ba năm trước. Nhưng tôi thật sự tin rằng những người Âu châu sáng suốt, những người, cũng trên diễn đàn này, tranh đấu cho một quê hương công chính và nhân đạo hơn, sẽ có thể giúp chúng tôi hữu hiệu hơn rất nhiều, nếu họ chịu khó xem lại cách nhìn của mình đối với chúng tôi. Lòng khăng khít với những ước mơ của chúng tôi sẽ không giúp chúng tôi cảm thấy bớt cô đơn, bao lâu nó không được vận dụng thành hành vi cụ thể, hỗ trợ hợp pháp cho hết thẩy những dân tộc nào đang nuôi ảo tưởng sẽ có được một cuộc sống riêng do thế giới phân phát cho.
Châu Mỹ La Tinh không muốn và cũng không có lý do gì để làm một con rối không có nổi ý chí riêng, cũng không hề mơ tưởng rằng cuộc truy tìm nền độc lập cũng như tính độc đáo của mình lại trở thành một tham vọng kiểu Tây phương. Tuy nhiên, những tiến bộ về hàng không hàng hải vốn giúp thu hẹp khoảng cách giữa châu Mỹ và châu Âu dường như, trái lại, đã tô đậm thêm sự xa cách của chúng tôi về phương diện văn hóa. Tại sao sự độc đáo vốn được phú một cách dễ dàng cho chúng tôi trong văn học, lại khước từ chúng tôi một cách đầy ngờ vực trong những nỗ lực nhọc nhằn nhằm cải tạo xã hội mình đến thế? Tại sao lại cho rằng cái công lí xã hội mà những người châu Âu tiến bộ đã cố công tìm cho đất nước họ lại không thể cũng là mục tiêu của châu Mỹ La Tinh, với những phương pháp khác, trong những điều kiện khác? Không, chính bạo lực cũng như nỗi đau không đo đếm xuể trong lịch sử chúng tôi là hậu quả của bất công cùng những cay đắng câm lặng đã bao đời, chứ chẳng phải do một âm mưu nào được hoạch định từ hàng vạn dặm ngoài xứ sở của chúng tôi cả. Song nhiều nhà lãnh đạo và (nhà) tư tưởng châu Âu đã tưởng thế, với sự ngây thơ ấu trĩ của những bậc cao niên, những người đã quên mất tuổi xuân thừa mứa và hiệu quả của mình, làm như không thể có được một chọn lựa nào khác hơn là phải sống dưới quyền sinh sát của hai bá chủ thế giới vậy. Ðiều này, thưa quí vị, lại chính là tầm vóc nỗi cô đơn của chúng tôi.
Mặc dù thế, chúng tôi đáp lại sự áp bức, cướp bóc, và sự bỏ mặc, bằng chính cuộc sống của mình. Chẳng phải lụt lội hay dịch bệnh, nạn đói hay thảm họa nào, thậm chí cũng không phải chiến tranh triền miên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác đã làm giảm được ưu thế kiên trì của sự sống đối với cái chết. Một ưu thế không ngừng tăng lên và tích cực hơn: mỗi năm, sinh suất vượt hơn bẩy mươi tư triệu người so với tử suất, con số đủ để làm tăng dân số New York mỗi năm gấp bẩy lần. Phần lớn các sinh suất này là ở các nuớc nghèo tài nguyên thiên nhiên nhất, cố nhiên là bao gồm cả châu Mỹ La Tinh. Ngược lại, những nước phồn vinh nhất đã thành công trong việc tích lũy năng lực hủy diệt đủ để làm xoá sổ một trăm lần hơn, không chỉ hết thẩy những ai đã từng hiện hữu trên đời, mà toàn bộ mọi sinh vật đã từng tồn tại trên hành tinh đầy bất hạnh này.
Vào một ngày như hôm nay, nhà văn bậc thầy William Faulkner của tôi đã phát biểu: "Tôi từ chối chấp nhận sự tàn lụi của con người". Tôi sẽ hóa ra bất xứng với chỗ đứng này, nơi đã từng được dành cho ông, nếu như tôi lại không hoàn toàn ý thức được rằng cái bi kịch lớn lao mà ông đã từ chối thừa nhận cách đây ba mươi hai năm ấy, giờ đây, lần đầu tiên kể từ khởi nguyên của lịch sử loài người, chẳng là gì khác hơn một điều khả hữu giản đơn đối với khoa học. Ðối mặt với thực tế đáng sợ này, mà hẳn dường như đã từng chỉ là một điều không tưởng trong suốt lịch sử loài người, chúng ta, những kẻ sáng tạo nên những câu chuyện kể, những kẻ sẵn sàng tin vào mọi sự, cảm thấy có quyền tin rằng vẫn còn kịp để tham gia sáng tạo nên điều không tưởng trái ngược lại. Một điều không tưởng mới mẻ và trọn vẹn về cuộc sống, ở đó không còn ai được phép quyết định thay cho kẻ khác cái cách họ phải chết, ở đó tình yêu sẽ nên hiện thực và hạnh phúc trở thành khả hữu, và ở đó những chủng tộc bị kết án một trăm năm cô đơn sẽ lại có được, cuối cùng và mãi mãi, một cơ may thứ hai trên mặt đất này.
Chú thích: Người dịch đã thực hiện bản dịch này theo đề nghị của nhà văn Phạm Thị Hoài để sử dụng cho trang mạng talawas.org 22.12.2003 (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1305&rb=0307). Bản dịch cũng hiện diện trong tuyển tập “Các nhà văn giải Nobel” do Nxb Giáo Dục xuất bản 2006.