Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.075
123.198.262
 
Quan hệ văn học và tôn giáo nhìn từ khuynh hướng phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo ở miền Nam trước 1975
Trần Hoài Anh

  

        1. Không phải ngẫu nhiên, trong Đại lễ Phật đản 2516, tổ chức tại Viện Đại học Vạn Hạnh, một cái nôi truyền bá tư tưởng Phật giáo tại miền Nam trước 1975, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã khẳng định chủ đề của việc cử hành lễ Phật đản năm 1972 là: “Đạo Phật với Văn học và Nghệ thuật”. Bởi theo ông: “Văn học và Nghệ thuật là đời sống hướng thượng và đời sống căn bản. Một đằng với khả năng trừu tượng, thế giới của Văn học là những chân lý cao cả bao gồm mọi giải thích đa dạng; đấy là thế giới lý tưởng trong đời sống hướng thượng của đạo Phật. Và đằng khác, với tính cách cụ thể, thế giới của Nghệ thuật là tất cả khát vọng trần gian trong đời sống căn bản.” (1) Còn Võ Long Tê trong cuốn Lịch sử Văn học công giáo đã cho rằng:"Kể từ bốn trăm năm nay, Đạo Công giáo đã du nhập xã hội Việt Nam, đem lại những ảnh hưởng sâu xa trong đời sống dân tộc chẳng khác gì tác động của Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo." (2) Và Nguyễn Văn Trung lại đặt vấn đề "Tại sao chưa có một nền văn nghệ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam" (3)

 

Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam mối quan hệ văn học và tôn giáo là thực thể hiện hữu trong đời sống văn học, là qui luật vận động trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc, không chỉ trong sáng tác mà cả trong phê bình văn học. Và ở lĩnh vực nào mối quan hệ này cũng được thể hiện sinh động, đa dạng và phong phú.

 

Trong giai đoạn 1954-1975, miền Nam không chỉ là một xã hội đa văn hóa mà còn là một xã hội đa tôn giáo. Sự khủng hoảng niềm tin, lý tưởng, sự hoài nghi cuộc sống, khiến con người tìm đến tôn giáo như một điểm tựa tinh thần, để làm dịu nỗi đau mà họ phải gánh chịu trong chiến tranh. Tôn giáo, vì thế, cũng là một lực lượng chi phối đời sống xã hội trong đó có văn học. Vì vậy, nhiều phe nhóm chính trị dựa vào tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để tạo thanh thế. Sự chi phối của tôn giáo đối với văn học không chỉ ở mặt tư tưởng mà còn ở mặt tổ chức đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ lý luận phê bình. Võ Phiến, khi bàn đến mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học ở miền Nam giai đọan 1954-1975 đã viết: “Hãy khoan nói tới những con số tân tín đồ của các tôn giáo lớn vào các thập niên 50, 60, đến các tỷ số gia tăng cao khác thường của tín đồ cũng như của các giáo đường, chùa chiền trong khoảng thời gian này, hãy khoan nói đến những biểu dương lực lượng tôn giáo cực kỳ lớn lao trong các cuộc tranh đấu chống chính quyền, các cuộc đấu tranh giữa tôn giáo với tôn giáo trong thời gian này... Chỉ để ý một chút đến cái bóng dáng của tôn giáo trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lúc bấy giờ đã thấy nó đặc biệt đến chừng nào rồi. Hồi tiền chiến chỉ có một Hàn Mặc Tử cầu nguyện chúa mà đã làm náo động cả làng thơ: ai cũng chú ý đến hiện tượng tôn giáo này. Sau 1954 ở miền Nam không phải chỉ có một con chiên hay những con chiên mà có nhiều kẻ chăn chiên xông pha tích cực trong làng văn, làng báo, đồng thời ở phía Phật giáo cũng có bao nhiêu là tu sĩ, cao tăng múa bút trổ tài nào những Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, những Thạch Trung Giả, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sỹ... ấy là chưa kể những nhà văn nhà thơ những học giả không phải là tu sĩ viết về Phật giáo như: Trần Ngọc Ninh, Nghiêm Xuân Hồng, Quách Thoại, Lê Văn Siêu... Bên cạnh Thiên chúa giáo các linh mục Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Kim Định... đều là những cây bút dồi dào, có ảnh hưởng rộng. Các đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo đều có những viện đại học riêng (Thiên chúa giáo và Phật giáo đã có trước những viện qui mô lớn). Nguyễn Văn Hầu viết về triết lý đạo Hòa Hảo, Hồ Hữu Tường viết về đạo Bửu Sơn, Kỳ Hương... Chuyện nghe có vẻ khác thường nhưng không vô lý chính vì thiếu niềm tin, vì khủng hoảng tin tưởng cho nên người ta mới cần khẩn cấp tìm đến các tôn giáo, mới hấp tấp tra hỏi các triết thuyết. » (4)

 

Quả thật, những gì Võ Phiến đã nói ở trên cho thấy tôn giáo đã trở thành một trong những nhân tố không chỉ tác động đến đời sống vật chất và tinh thần của xã hội trong đó có đời sống văn hóa tâm linh mà còn tác động đến đời sống văn học, quan hệ chặt chẽ với văn học, trong đó có lý luận phê bình mà biểu hiện rõ nhất là sự hình thành các khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo ở đô thị miền Nam 1954-1975, theo chúng tôi có thể chia làm các khuynh hướng cơ bản sau:

 

2. Khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo

 

        Cùng với Nho giáo và Lão giáo, tư tưởng Phật giáo là một trong ba hệ tư tưởng ảnh hưởng sâu sắc trong văn học dân tộc. Song, là một tôn giáo được phổ biến sâu rộng, tư tưởng Phật giáo là hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, và là tôn giáo có sức sống mạnh mẽ trong tâm linh người Việt. Vì vậy, Phật giáo cũng là tôn giáo có mối quan hệ khắng khít với văn hóa dân tộc mà bộ phận tiêu biểu nhất đó là văn học. Và mối quan hệ này cũng được thể hiện sinh động trong đời sống văn học.

 

        Ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, Phật giáo có những bước thăng trầm. Thời kỳ Ngô Đình Diệm cầm quyền Phật giáo luôn bị đàn áp. Cho nên, Phật giáo lúc này không chỉ hoạt động tôn giáo mà còn tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội, trong đó có văn học. Tạp chí Tư Tưởng, cơ quan ngôn luận của Viện Đại học Vạn Hạnh, một cơ sở đào tạo đại học do Phật giáo quản lý, là nơi tập hợp những người viết văn, những nhà phê bình theo tư tưởng Phật giáo như: Thích Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Nguyễn Đăng Thục, Lê Mạnh Thát, Chơn Hạnh, Thạch Trung Giả…Chính vì vậy, có nhiều tác phẩm phê bình văn học, lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ qui chiếu để đánh giá các hiện tượng văn học như: Chân dung Nguyễn Du (Nhiều tác giả, Nam Sơn xb,1960); Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều của Thích Thiên Ân (Đông Phương xb, 1966); Văn học sử Phật giáo của Cao Hữu Đính, (Minh Đức xb, Sài Gòn, 1971); Thế giới thi ca Nguyễn Du của Nguyễn Đăng Thục (Kinh thi xb, 1971); Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 2, (Quốc học Tùng thư Xb, S. 1962), Việt Nam văn học giảng bình của Phạm văn Diêu, (Hoành Sơn Xb, 1970); Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932 – 1962) của Minh Huy (Khai Trí xb, S,1962); "Ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca Việt Nam" (Phạm Xuân Sanh, Đại học số 9/1959); "Bóng trăng thiền với Nguyễn Du" (Nguyễn Đăng Thục, Tư Tưởng số 8 ra ngày 1/12/1970); "Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo" của Chơn Hạnh (Tư Tưởng số 8 ra ngày 1/12/1970); "Đạo Phật với Văn học và Nghệ thuật" của Thích Minh Châu (Tư Tưởng số 3, 5/1972); "Tinh thần Phật giáo trong văn học Việt Nam" (Thạch Trung Giả, Tư Tưởng số 3, 5/1973); "Sự thích ứng giữa tư tưởng Phật giáo với tinh thần dân tộc qua một số tư liệu văn học" của Khiếu Đức Long (Tư Tưởng số 2 ra ngày 6/7/1974) ….

 

          Tư tưởng Phật giáo được vận dụng vào phê bình văn học là quan niệm triết học của Phật giáo như: nhân quả, luân hồi, tứ diệu đế, từ bi, duyên nghiệp… Và như vậy, tinh thần triết lý Phật giáo đã trở thành một hệ qui chiếu, một chuẩn thẩm mỹ để đánh giá các hiện tượng văn học. Vì vậy, ở các tác phẩm phê bình, ta thấy xuất hiện lớp từ Phật học như: từ bi, hỷ xả, nhân quả, nghiệp chướng, duyên phận, luân hồi…. Chẳng hạn ở bài viết Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo (Tư Tưởng số 8 ra ngày 1/12/1970), khi lý giải về nỗi đau khổ trong suốt mười lăm năm lưu lạc của Kiều, Chơn Hạnh không cho rằng nguyên nhân đau khổ của Kiều là do xã hội mà do “sự nghiệt ngã tất yếu của Khổ đế, dưới hình thức số và mệnh” (5) Ở đây, nhà phê bình đã nhìn cuộc đời Kiều qua lăng kính của triết lý Phật giáo. Trên quan niệm về nhân duyên, nghiệp báo của nhà Phật, Chơn Hạnh đã cho rằng định mệnh của đời Kiều cũng xuất phát từ nghiệp chướng nên tư tưởng của Nguyễn Du trong truyện Kiều là tư tưởng của Phật giáo. Có thể nói, việc vận dụng triết lý Phật giáo như một hệ qui chiếu để phê bình giá trị nội dung và nghệ thuật truyện Kiều và thế giới thơ Nguyễn Du là vấn đề phổ biến trong phê bình văn học ở miền Nam. Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, lý giải về kiếp sống bị đọa đày vùi dập của Kiều, Phạm Thế Ngũ đã viện dẫn tư tưởng duyên nghiệp của Phật giáo cho rằng: "Kiều phải đày đọa vào kiếp đoạn trường không phải chỉ vì tài mệnh tương đố mà cũng bởi cái nghiệp của nàng đã hình thành từ kiếp trước. Có nhân quả, có duyên nghiệp tức là có khả năng biến cải, có tự do cho con người. Do đó mà có sự cân phúc cân tội để đi đến sự cứu vớt ở sông Tiền Đường." (6) Thanh Lãng cũng giải thích những đau khổ của Kiều trên cơ sở của thuyết nhân quả nghiệp báo khi cho rằng: “Kiều là một tiểu thư tài sắc tuyệt vời mà cuộc đời đã trải qua bao lưu lạc, duyên phận hẩm hiu. Tại sao không làm gì nên tội mà Kiều phải đoạn trường như vậy? Để giải quyết tác giả mượn thuyết luân hồinghiệp báo của đạo Phật, uyên nguyên của mọi đau khổ trên đời chính là sự chuyển biến bất diệt nơi vạn vật cứ sinh ra để rồi chết, chết để rồi lại tái sinh không ngừng. Cái kiếp sinh sinh tử tử ấy, không phải vô cớ, cuộc sống hiện tại đối với kiếp trước là kết quả và đối với kiếp sau, nguyên nhân.

 

Bởi có nghiệp báo nên có luân hồi và ngược lại, luân hồi đòi nghiệp báo. Đau khổ đoạn trường chỉ là kết quả tất yếu do đó đi ra. Thúy Kiều long đong đoạn trường là để trả nợ và rửa tội kiếp trước.” (7) Còn Thạch Trung Giả cho rằng, tư tưởng Phật giáo thể hiện trong truyện Kiều ở chỗ “Nguyễn Du không những cho các nhà tu như Giác Duyên, Tam Hợp, Đạo Cô, đóng vai trò đáng kể trong truyện mà còn giải thích nguyên nhân sự trầm luân và giải thoát của đời Kiều với quan niệm Phật giáo.” (8) Không những vận dụng tư tưởng Phật giáo trong phê bình truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà phê bình còn vân dụng triết lý Phật giáo để làm cơ sở tư tưởng lý giải nhiều hiện tượng văn học khác. Chẳng hạn, khi phê bình tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê cho rằng tư tưởng Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành động của các nhân vật. “Trong Thầy Thông Ngôn, sau khi bị vợ làm nhục, vỡ mộng giàu sang, thầy Thông Phong đêm nằm nghe tiếng chuông chùa mà não nề, thế sự, nhận thấy đời là vô thường, vinh hoa phú quý tan như bọt nước, rã như chòm mây.” (9)  Còn Nguyễn Đình Tuyến, khi phê bình thơ Vũ Hoàng Chương cho rằng, thơ Vũ Hoàng Chương hấp thụ nhiều tinh hoa của văn hóa Đông, Tây nhưng nền văn hóa Đông phương với tất cả vẻ đẹp huyền bí và thâm sâu đã lấn át văn hóa phương Tây. Trong thơ Vũ Hoàng Chương “Thuyết luân hồi của Phật giáo đã ám ảnh nhà thơ một cách sâu sắc. Và có lần người ta đã đua nhau nhìn nhận tác giả Lửa từ bi là nhà thơ Phật giáo, điều ấy căn cứ vào giấc mộng luân hồi tràn ngập trong thơ Vũ Hoàng Chương:

Ngơ ngác luân hồi mấy thuở /Mộng ra bay hề cánh ta trôi

Bể Nam mù tịt không mà có / Hay có mà không dị điểu di” (10) 

Và cũng trong dòng suy cảm ấy, Minh Huy ở tác phẩm Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam 1932 – 1962 cho rằng trong các loại thơ ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng của thơ ca phương Tây, vẫn còn màu sắc của tư tưởng Phật giáo như một mạch ngầm trong thi pháp. Vì vậy, ông cho rằng: “Thơ tượng trưng của Nguyễn Huyền Không là thi ca tình yêu đượm vẻ thiêng liêng, siêu hình của Phật giáo. Lòng dượi sụp quỳ van lạy phật / Xin về nẻo trước bước điêu linh  / Tơ duyên còn rối lòng tơ tóc / Kiếp trước chưa thâu trọn lưới tình” (11)

Kiếp trước, kiếp sau phải chăng đó là ý niệm triết học từ kiếp luân hồi trong tư tưởng của nhà Phật đã biến thành tâm thức hiện sinh không chỉ trong đời sống mà còn cả trong thơ ca.

 

Phạm Văn Diêu cũng lý giải mối quan hệ giữa văn chương và tôn giáo trong thơ Chu Mạnh Trinh qua ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo thật tinh tế và độc đáo khi ông xác quyết: “Trước bức tranh rộng lớn xinh đẹp của Nam Thiên đệ nhất động ... nhà thơ của chúng ta như hòa đồng với cỏ cây, mây nước, thông cảm với Trời Phật, chim cúng trái, cá nghe kinh, hồn tan trong suối nhạc thông sênh... Người du khách tục lụy bỗng dưng lại giật mình vì bấy lâu mãi chần chừ trong giấc mộng lớn. Và tâm hồn như thoáng rộng thanh cao thêm trước cảnh vật, họ Chu buông thơ thả tâm tình, tư tưởng lâng lâng theo “thang mây”, “bóng nguyệt”: cái mỹ cảm thiên nhiên đã pha lẫn màu tôn giáo vậy”. (12)

 

Và cũng theo Phạm Văn Diêu tư tưởng trong thơ của Chu Mạnh Trinh không chỉ có sự tích hợp giữa tư tưởng Nho giáo và Lão giáo mà còn là sự gặp gỡ hài hòa giữa tư tưởng Phật giáo và Lão giáo trước sự cảm nhận và suy ngẫm của Chu về vẻ đẹp của Hương Sơn. “Rõ ràng đâu đấy đều như có cả một không khí êm ả tươi đẹp đã bao trùm các bài thơ Hương Sơn: ở đây ta thấy hòa đồng hai dòng tư tưởng Phật – Lão, biên giới thực mông lung. Màu sắc yếm thế và vắng im của Thích – Ca mâu – ni đã được màu sắc xuất thế nồng thắm của Lão Trang xoa dịu sửa đổi cho khuông diện càng phong phú tươi xinh: Khách trần lạc lối cõi tiên / Họa sau này có nhân duyên chăng là!” (13)

       Thật vậy, ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong văn học dân tộc trong đó có lý luận phê bình là một vấn đề đã được minh định. Phạm Xuân Sanh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa tư tưởng Phật giáo với thi ca Việt Nam từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, từ văn chương trung đại đến văn chương hiện đại, và cho rằng: “Bàn đến đạo Phật và thơ ca Việt Nam thật chúng ta khó lòng nói hết mối tình huynh đệ đầy nghệ thuật đã đượm nồng từ mấy nghìn năm và đã nẩy nở dồi dào theo chiều tiến triển oai hùng của lịch sử dân tộc” (14)   

Như vậy, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo là một trong những khuynh hướng phê bình có ảnh hưởng sâu rộng trong sáng tác cũng như lý luận phê bình văn học ở miền Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho diện mạo lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975. Đồng thời, cũng cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa văn học và tôn giáo như là một vấn đề mang tính qui luật trong văn học dân tộc. Và điều này chúng ta không chỉ thấy trong khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo mà còn thấy trong khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo.

 

      3. Khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo.

 

So với các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo vào nước ta có muộn hơn nhưng không vì thế mà ảnh hưởng của nó bị hạn chế. Ngược lại nó có tầm ảnh hưởng khá lớn, và có những thời điểm lấn át các tôn giáo khác. Xã hội miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhờ sự tiếp sức của chính quyền, Thiên Chúa giáo phát triển khá nhanh, có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị xã hội trong đó có văn học. Chính vì vậy trong Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, một tác phẩm duy nhất trong văn học đô thị miền Nam viết về lịch sử văn học Công giáo còn lại cho đến nay, Võ Long Tê đã xác quyết: “Riêng trong phạm vi văn học, đạo Công giáo đã đem lại những nguồn cảm hứng mới. Những công trình sáng tác biên khảo công giáo đã làm cho văn học Công giáo phát sinh và trưởng thành theo một đường hướng riêng biệt nhưng không phải là không có mối liên hệ hỗ tương với các thành phần khác của nền văn học Việt Nam” (15)  Và cách đây hơn sáu mươi năm, kể từ khi Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan ra đời, trong phần viết về thi sĩ Hàn Mặc Tử, ông đã khẳng định "Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn mặc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới" (16)  Điều dự cảm và tiên đoán của Vũ Ngọc Phan đã trở thành hiện thực trong văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975. Đây cũng chính là tiền đề hình thành khuynh hướng phê bình văn học  ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo ở miền Nam trước 1975.

 

Khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiên chúa giáo lấy triết lý Kitô giáo làm cơ sở mỹ học và làm hệ quy chiếu phê bình các hiện tượng văn học. Chính vì vậy, ở những bài phê bình này, ta thấy rõ dấu ấn tư tưởng của Kitô giáo được các nhà phê bình lấy làm căn cứ để giải mã một số hiện tượng văn học, mà tiêu biểu là thơ Hàn Mặc Tử. Theo Võ Long Tê, trong Lịch sử văn học Công giáo, có một số bài phê bình về thơ Hàn Mặc Tử dưới ánh sáng tư tưởng Thiên Chúa giáo như “Hàn Mặc Tử, thi sĩ của đạo quân thánh giá” (Tạp chí xã hội, xuân Giáp thân, S,1954); "Sự hiện diện của Hàn Mặc Tử" của Võ Long Tê (1956), "Sứ mạng của Hàn Mặc Tử" của Lê Hữu Mục (1956); "Sự đau khổ của Hàn Mặc Tử" của Trần Điền (1956)… Ngoài ra, từ điểm nhìn phúc âm của người Kitô giáo, trong bài viết về Hàn Mặc Tử ở Vũ trụ thơ, Đặng Tiến đã phân tích sự hòa hợp giữa đạo và thơ, xem đây như một cơ sở lý giải hành trình sáng tạo thơ Hàn Mặc Tử. Theo Đặng Tiến, ở Hàn Mặc Tử “Thơ là Đạo và Đạo là Thơ”. Và “Thơ đưa về Đạo là nẻo đường đưa đến Con Đường. Thơ là giải thoát tạm thời của Đau Thương, trong khi chờ đợi Đạo là cứu rỗi miên Viễn" (17). Vì vậy, "Nếu Gái Quê là thế giới đợi chờ Điềm Lạ, đợi chờ Chúa Ra đời, thì Đau Thương là một tâm hồn mong mỏi Ngày Chúa trở lại (Mt 24-42). Hàn Mặc Tử chấp nhận bệnh tật không phải là vì "do Đức Chúa trời ban xuống” như Trần Thanh Mại đã nói, nhưng trước hết vì nó là hậu quả tất nhiên của nguyên tội và thứ đến vì nó là phương tiện thân xác mà Chúa đã dùng để cứu thế.” (18)   Cũng như Đặng Tiến, Lê Huy Oanh đã dựa trên cơ sở tư tưởng Thiên Chúa giáo để lý giải hành trình sáng tạo thi ca của Hàn thi sĩ và cho rằng đức tin vào Chúa trời là lẽ sống của Hàn Mặc Tử, là nguồn cảm hứng để ông sáng tạo thơ ca. Bởi “là một tín đồ ngoan đạo, ông đã tìm được nhiều sự an ủi từ tấm gương chịu đựng đau khổ của Chúa Jêsu và của thánh nữ đồng trinh Maria; càng đau khổ bao nhiêu ông càng trông cậy vào sự an ủi của Chúa và Đức Mẹ (…) Cho nên, trong thơ ông, nhất là trong tập thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy có rất nhiều ảnh hưởng và màu sắc Thiên Chúa giáo” (19)  

 

Rõ ràng, Hàn Mặc Tử trong đời là một tín đồ ngoan đạo, chắc hẳn, những lời Chúa dạy đã trở thành dấu ấn trong tâm thức nhà thơ, biến thành những dự phóng trong ông và thăng hoa thành những đam mê sáng tạo. Vì vậy, khi phê bình thơ Hàn Mặc Tử, các tác giả trong Quốc văn diễn giảng cũng cho rằng, những rung động thẩm mỹ trong thơ Hàn Mặc Tử đều bắt nguồn từ “tình thương bao la của thượng đế trong hành động nhập thể cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Đó là một biến cố trọng đại và thiêng liêng, báo hiệu một tin mừng từ bao năm đợi chờ, mong mỏi, làm xao xuyến cả vũ trụ. Hành động nhập thế này tinh túy như ý thơ, là bản thể của thơ, làm thơ thành tiếng nói mầu nhiệm kết hợp con người với thượng đế” (20)  

 

Và cũng trong dòng tâm tưởng này khi viết về Hàn Mặc Tử, Minh Huy trong tác phẩm Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932-1962) cho rằng: “Trong ‘Ave Maria’, Hàn Mặc Tử cho thơ là nhiệm mầu, thơ là linh giác, “kiếm thần” và “thấu thị”, một sáng tạo “huyền bí”, không cần thời gian và không gian, thi sĩ nói đến phép lạ, sứ thần thiên chúa ...

   Tôi no rồi ơn vũ lộ hòa chan / Tâu lạy bà, lạy bà nhiều phép lạ” (21)

Điều đáng ghi nhận ở đây, Minh Huy đã chỉ ra một vấn đề có tính qui luật trong thơ Hàn Mặc Tử cũng như thơ ca hiện đại Việt Nam đó là sự gặp gỡ, sự tích hợp giữa tư tưởng triết mỹ phương Tây và phương Đông mà ở Hàn thi sĩ là sự gặp nhau giữa tư tưởng Thiên Chúa giáo và Phật giáo trong thơ. Bởi theo Minh Huy “Hàn Mặc Tử không hề đi quá xa để trở thành “quá” Tây. Thơ Hàn Mặc Tử, bắt nguồn từ trong Thiên Chúa giáo, vẫn giữ được cái bản chất Đông phương và nhờ đó đến được đỉnh của thơ tượng trưng với màu sắc thật dân tộc.” (22) Và sự quyện hòa giữa hư và thực, có và không... phải chăng là hiện thân của tư tưởng sắc không vốn thấm nhuần trong triết lý Phật giáo được Hàn Mặc Tử hiện thực hóa trong thơ !?

 

Còn Thế Phong trong Lược sử Văn nghệ Việt Nam (Nhà văn tiền chiến 1930-1945) cũng cảm nhận thơ Hàn Mặc Tử từ góc nhìn của Kitô giáo khi cho rằng: “lòng tín ngưỡng ở đạo giáo tôn nghiêm thiêng liêng đã làm cho Hàn Mặc Tử nhiều nghệ cảm mới mẻ đặc biệt. Hàn Mặc Tử lần đầu tiên ca ngợi Thiên Chúa giáo bằng những lời thơ thật chân thành: Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh / Run run như thần tử thấy long nhan / Run như run hơi thở chạm tơ vàng / Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến” (23) 

 

        Như vậy, khi tìm hiểu thơ Hàn Mặc Tử các nhà phê bình đều dựa trên  tư tưởng của Thiên Chúa giáo để phê bình thơ ông. Có thể những kiến giải về thơ Hàn Mặc Tử nếu chỉ dựa trên tư tưởng Thiên Chúa giáo có khi chưa thật khách quan và đậm màu sắc duy tâm. Và nếu chỉ căn cứ duy nhất từ điểm nhìn này để lý giải hành trình sáng tạo thơ Hàn Mặc Tử thì cũng không tránh khỏi cực đoan, áp đặt. Nhưng dẫu sao, việc dựa trên cơ sở tư tưởng Thiên Chúa giáo để lý giải thơ Hàn Mặc Tử, hồn thơ của một con chiên ngoan đạo như Hàn chắc cũng có phần hợp lý. Điều quan trọng hơn, từ đây đã hình thành khuynh hướng phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam và cũng cho thấy mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo gắn bó với nhau như thế nào trong tiến trình vận động của văn học!?.

 

         Thế nên, ngoài việc cảm nhận thơ Hàn Mặc Tử từ điểm nhìn của tư tưởng Kitô giáo, chúng ta còn thấy rất nhiều những bài viết về các hiện tượng văn học khác thuộc khuynh hướng phê bình này. Chẳng hạn khi phê bình bài thơ Đêm giáng thế của Tạ Ký, các nhà nghiên cứu cho rằng ở bài thơ này "nhà thơ được “thánh hóa” để trở nên chiên lành xin chúa đem tình thương yêu cứu nhân loại khỏi cảnh đau buồn khói lửa." (24) Còn ở bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của Kiên Giang là nỗi “trông chờ ở đấng tối cao cứu rỗi linh hồn” (25)  trước sự tuyệt vọng vì tình yêu đã mất. Còn trong khảo luận Những nhà thơ hôm nay, Nguyễn Đình Tuyến khi phê bình thơ Hữu Phương cũng cho rằng: “Trong vườn thơ hôm nay, Hữu Phương có một sắc thái riêng biệt. Đó chính là cảm xúc chân thật của một niềm tin Thiên Chúa giữa trùng dương biển cả” (26). Hay khi phê bình thơ Khải Triều, Nguyễn Đình Tuyến cũng nhận ra cảm hứng về Chúa trong thơ Khải Triều là một khát vọng của sáng tạo “Khi những bài thơ thành hình, nỗi buồn đó biến thành đá, để xây nhà thương cho nhân loại. Trên cao nhà thương đó sẽ có hình ảnh đấng cứu thế bị đóng đinh trên thánh giá và văng vẳng âm thanh tiếng hát của người nữ tu.” (27) 

       Còn đây là thế giới nghệ thuật trong truyện của Nhật Tiến qua cảm nhận của các nhà nghiên cứu trong Quốc văn diễn giảng: “Thế giới của Nhật Tiến là thế giới trầm lặng cô tịch của những kẻ bất hạnh, những trẻ mồ côi trong cô nhi viện của các Bà Phước, và đó là khung cảnh cho phần lớn các tiểu thuyết của ông, tiểu biểu là Những Người Áo Trắng” (28) Một tác phẩm khác của Nhật Tiến cũng mang đậm dấu ấn tư tưởng của Chúa KiTô đó là Tay ngọc. Tác phẩm thể hiện sự tin tưởng mãnh liệt nơi Thiên Chúa và ý nghĩa sứ mạng cứu chuộc của Người. Vì vậy khi phê bình tác phẩm Tay ngọc của Nhật Tiến, Tạ Tỵ cho rằng: “nội dung Tay Ngọc không mang một ẩn dụ nào về tư tưởng, chỉ là những ý nghĩ hồn nhiên, hiền hòa như một dòng suối trong suốt chảy từ trên cao của ý thức. Tay Ngọc gồm 18 bài bút ký, mỗi bài gói ghém một vấn đề của tuổi nhỏ đã sống gần gũi Chúa trong khuôn khổ giáo dục của các mẹ bề trên” (29)  

 Như vậy, cùng với khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo là một thực tế không thể phủ nhận đã góp phần hoàn thiện diện mạo khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo ở miền Nam cũng như minh chứng cho mối quan hệ mật thiết giữa văn học và tôn giáo trong đời sống văn học ở đô thị miền Nam trước 1975.

 

         4. Không phải ngẫu nhiên trong diện mạo lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 lại có mặt của khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng của các tôn giáo!? Sự hiện diện của khuynh hướng phê bình này phải chăng là hiện thực hóa mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo vốn đã có nguồn gốc lâu đời trong văn học dân tộc. Tuy nhiên khi vận dụng khuynh hướng này vào việc thẩm bình các giá trị văn học, chúng ta cũng cần thấy được những mặt tích cực và hạn chế của nó.

 

 Khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng của các tôn giáo đã giúp người phê bình một cơ sở triết học và mỹ học để lý giải những hiện tượng văn học vốn được sáng tác dưới ánh sáng tư tưởng của các tôn giáo mà nếu quy chiếu từ hệ tư tưởng khác, chắc chắn sẽ không làm rõ được nội dung tư tưởng tác phẩm. Không những thế, sự hiện tồn của khuynh hướng phê bình này đã tạo nên sự đa dạng cũng như làm rõ hơn sự phân hóa, vốn là nguyên nhân tạo nên đặc điểm đa phức trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Từ đó giúp người đọc có thêm một hệ hình để tiếp nhận tác phẩm văn học. Như thế phê bình văn học mới có thể tiệm cận với chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống.

 

Mặt hạn chế dễ nhận thấy của khuynh hướng phê bình này, do nhiều lúc quá đề cao tư tưởng triết học duy tâm thần bí của tôn giáo, nhà phê bình có thể dẫn đến tư tưởng cực đoan, khi siêu hình hóa các hiện tượng văn học, không thấy được mối quan hệ gắn kết giữa văn học và đời sống vốn là một yếu tính trong phương thức phản ánh của văn học. Bởi lẽ, văn học dù được qui chiếu từ điểm nhìn triết mỹ nào, nhà phê bình cũng phải thấy được căn tính giá trị của các sáng tác văn học đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời.

 

Việc khám phá các hiện tượng văn học từ nhiều điểm nhìn của những quan điểm triết mỹ khác nhau đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho đời sống lý luận phê bình. Đồng thời cũng tạo nên nhiều con đường khám phá các hiện tượng văn học, tránh được bệnh công thức, giản đơn, đồng phục trong phê bình văn học. Và như vậy, mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo từ điểm nhìn của khuynh hướng lý luận phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo thực chất cũng là biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa văn học và văn hóa nói chung cũng như văn học và văn hóa tâm linh nói riêng, một lĩnh vực đang được quan tâm rất nhiều trong xã hội hiện đại, không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hôi.

 

Bài viết này, vì thế, cũng chỉ mong góp phần nhỏ bé trong việc thức nhận cho chúng ta về một cách tiếp cận mới, một cách nhìn mới với một hệ hình mới trong hành trình tìm hiểu quá trình vận động của văn học. Đó là hành trình đi tìm mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, như một biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa văn học và văn hóa nói chung và văn học với văn hóa tâm linh nói riêng mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

 

       Chú thích:

 

(1) Thích Minh Châu, “Đạo Phật với Văn học và Nghệ thuật”, Tư tưởng số 3 tháng 5/1972, tr.7

(2) (15) Võ Long Tê,  Lịch sử Văn học Công giáo, Nxb. Tư duy, S. 1965, tr.35, tr.35

(3) Nguyễn Văn Trung, Nhận Định IV, Nam Sơn Xb., S. 1966, tr. 170

(4) Võ Phiến, Hai mươi năm Văn học miền Nam 1954-1975, Nxb Văn Nghệ, 1987, CA, USA, tr.120.

(5) Chơn Hạnh, “Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo”, Tư tưởng số 8 ra ngày 1/12/1970, tr. 87.

(6) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 2, Quốc học Tùng thư  Xb., S. 1962, tr. 365

(7) Thanh Lãng, Bảng Lược đồ văn học Việt Nam, quyển thượng, Nxb Trình bày, S. 1967, tr. 687.

(8) Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Lá bối Xb., S. 1973, tr. 372.

(9) Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng  Xb., S. 1974,

trang 257.

(10) (26), (27) Nguyễn Đình Tuyến, Nhà văn hôm nay (t1), Nhà văn Việt Nam Xb., S. 1969, tr. 218; tr. 135; tr. 141.

(11) (21) (22) Minh Huy, Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam 1932 – 1962, Khai Trí xb, S. 1962, tr.137; tr.123, 125

(12) (13) Phạm văn Diêu, Việt Nam văn học giảng bình, Nxb. Hoành Sơn, S. 1970, tr.318; tr.319

 (14) Phạm Xuân Sanh, “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”, Đại học số 9/1959, tr. 47

 (16) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Thăng Long xb., S.1960, tr.769

(17) (18)  Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Giao điểm Xb., S. 1972, tr.101, tr.101.

(19)  Lê Huy Oanh, Văn ra ngày 15/09/1974, tr.56

(20) (24) (25) (28)  Nhiều tác giả, Quốc văn diễn giảng, Thiện Mỹ Xb., S, 1974, tr.199; tr.197; 196; tr.203

 (23) Thế Phong, Lược sử Văn nghệ Việt Nam, (Nhà văn tiền chiến 1930-1945), Vàng Son xb, S.1974, tr.234-235

(29) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá bối Xb. S,1972, tr. 408

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 4890
Ngày đăng: 05.06.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hy Lạp - Võ Công Liêm
Cảm thứ Tha-Ngã Luận [KÌ 11] - Phạm Tấn Xuân Cao
Trích dẫn văn của Camus trong bản dịch "Kẻ xa lạ" (Dựa Vào Những Lời Giới Thiệu Giúp Thấy Rõ Triết Lý Hiện Sinh Thời Đào Sâu Tính Phi Lý) - Trần Văn Nam
Dục tính trong truyện của D.H.Lawrence(1) - Võ Công Liêm
Về bản chất - Nguyễn Hồng Nhung
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 10] - Phạm Tấn Xuân Cao
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 9] - Phạm Tấn Xuân Cao
Giải phẫu sự u sầu - Nguyễn Hồng Nhung
Thấy bệnh và thấy tánh - Hồ Dụy
Khi " Lòng Nhân Ái " bị tê cóng, bại liệt! - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)