“Văn học, lịch sử của tương lai.”
*
Dịch ra tiếng Vượt, moving trong tiếng Calada là dọn nhà, chuyển chỗ ở... Dân chúng Calada cho từ này tung tăng trên làn môi ánh mắt, chứ không lưu trữ đáy dạ dày như ở châu Âu - quê hương tiên tổ của họ trước khi di dạt đến đây như những công dân văn minh Nam bán cầu đầu tiên. Cả một câu chuyện dài mà bí mật của nó đang chôn vùi trong các núi băng rừng tuyết… Thỏa chí tang bồng, họ thường chuyển đổi nơi ở hơn cả thay đồ lót. Đất rộng, người thưa, khí hậu giá lạnh, lười ngại sinh con, ham viết truyện cực ngắn. Thế nên moving được xem như một phong cách sống - phong cách Calada.
Thi sĩ Đậu Phủ vốn là người nước Nam. Theo cách nói bình dân hoặc lối viết văn hoa. Chứ trong giấy tờ, trên bản đồ thì thi sĩ thuộc về dân tộc Vượt, đất nước của thi sĩ có tên Vượt Nam. Nhờ thời toàn cầu hóa, trái đất hết là tam giác kim tự tháp với người da nâu, thôi là hình vuông bánh chưng với dân da vàng. Với tất cả, là con quay. Quay quay thế nào đó khiến Phủ moving từ thương cảng Sày Gòn sang định cư tại Hongcouver, một thành phố duyên hải của nước Calada. Gọi là định cư cho đúng thủ tục hành chính, còn theo tập tục nước Nam, loại người như Phủ là tạm cư đất khách. Điều tạm đau đớn hơn cả, đó là Đậu Phủ không còn được làm thơ viết trường ca nữa! Riêng tại quốc gia này, công dân có tới 34 thứ quyền - kỷ lục trong thế giới đương đại - nhưng lại thiếu hai thứ: thi ca quyền và chiến tranh quyền.
*
Người đang chát trên mạng cùng Đậu Phủ là Nhà văn.
“Có chi mới?” - “Châu chấu đã bu đầy một phần ba đảo Cát Hồng! Nhiều gấp bốn, năm lần hôm qua, thi sĩ ơi!” - “Biết rồi, từ các hãng tin NNC, PA, PAD, TOT... Tá lả! Chỉ chưa thấy gì về Cát Dài.” - “Tôi sắp phải ăn sáng…” - “Ăn lẹ? Sẽ chờ...”
Kể từ ngày 2 tháng Năm, đã một tháng rồi. Nhiều lần chịu không nổi, họ điện thoại hàng tiếng, hàng tiếng... Cảnh sát biển, kiểm ngư hao tổn tính mạng, sức lực, tinh thần. Họ, năm bảy cái cạc viễn liên bõ gì. Hai người cảm và hiểu nhau. Mỗi khi cái nốt ruồi rung rung nơi cằm Phủ, y như là có điện thư của bạn gửi từ quê nhà. Còn lúc chiếc răng hàm trên bên trái của Nhà văn ê ê đau trở lại, ấy khi chuông điện thoại đổ dồn.
“Biên tập tiếp giùm đoạn vừa thảy vô hộp thư? Bổ sung hồ sơ gửi Liên minh hòa bình toàn cầu. Không phải bài đăng báo đâu! Cảm ơn.” - “OK. Đang đọc… Đang đọc…”
“… Xứ sở lúa nước, dân Vượt đa phần theo đạo Bút, thờ thơ ca và côn trùng. Mỗi khi nạn châu chấu từ Trung Huê tràn sang, chúng tôi chỉ còn biết ca câu ‘Tránh châu chấu chẳng xấu mặt nào’ và gọi gió bão đến xua đuổi. Năm thế kỷ trước, châu chấu nhằm dịch tả mà kéo sang. Lo cứu người, không còn ai kêu gió cầu bão được. Cực chẳng đã, phải dùng người còn chút sức khỏe diệt châu chấu. Âu cũng độc nhất một lần cả đạo cả nước chịu tiếng phạm giới. Tâm linh tê liệt, mùa màng kiệt quệ mất mấy đời... Nói cho ngay, tự thời xa xưa chiến trường còn thuần trên đất liền, hai quốc gia đã có ngót trăm cuộc chiến lớn nhỏ người đối người mà người Vượt thường là kẻ rút gươm ra sau và tra gươm vào vỏ trước. Cũng đã có năm, sáu lần chúng tôi chẳng còn gươm cùng vỏ. Đất mất là mất hết. Chỉ còn những đêm trường nô lệ ngàn năm… Dịp đại lục ấy đạt dân số hai tỷ trùng với một cuộc xâm phạm biên giới thảm khốc, một đại tướng soái Trung Huê nói với thuộc cấp: ‘Hai tỷ người chúng ta chỉ cần đồng loạt nhảy lên một cú, cả trái đất này sập; hai tỷ người chúng ta chỉ cần đồng thanh hắt xì hơi, cả rẻo đất Nam kia văng ra biển.’ Châu chấu là quân tiên phong khi người đang bày binh bố trận. Duy nhất có được non nửa thế kỷ, châu chấu là bạn là tình là hoa là gạo... Thế rồi châu chấu vui chẳng tày gang. Suốt thập niên qua, vượt eo biển Đông, hàng năm châu chấu lại xâm ra lấn vào khắp hai đảo cửa ngõ của nước Vượt Nam là Cát Dài và Cát Hồng án ngữ biển Chiến Tranh Dương. Đảo Cát Cụt thì đã bị chiếm đoạt từ mười năm trước đó. Với kiểu hải chiến châu chấu lắt léo khó lường hơn rất nhiều châu chấu cạn, đạo Bút của chúng tôi đang phải cải biến gấp để sinh tồn trong thời hậu hiện đại. Họa mất đất mất nước đã đến tầm tay rồi! Từ xưa dân tộc Hãn của Trung Huê đã có thói quen lạ trong giấc mơ: ngủ dậy có người ngỡ mình hóa thành bướm, số này thường thích thơ phú và kinh doanh; có kẻ tỉnh dậy thấy biến thành châu chấu, đa số họ ham truyện chưởng và gây sự loạn xị ngậu với bất kể ai xung quanh, vô tình hay hữu ý…”
*
Từ khi moving khỏi trời Nam đất Vượt, các ý nghĩ trong mơ của Đậu Phủ trở nên siêu đẳng. Dạo còn ở trong nước, người ấy dành trọn các giấc mơ cho thơ và trường ca; thì cũng như chán vạn người thơ khác mà thôi.
Có lần đang điện thoại chúc tân niên Nhà văn bỗng hỏi:
“Tôi chưa hiểu rõ việc thi sĩ từng mơ thành Trạng sang Trung Huê để cứu nước Vượt khỏi nạn châu chấu nước?”
Phủ bèn bảo Nhà văn chuyển qua dùng điện thư. Người viết bây giờ được thế là trúng số, vừa “tám chuyện” vừa có bài báo ngay tức thì hoặc làm nguồn bài vở về sau.
“Trạng thời nay chỉ là thuyết khách với tư cách cá nhân. Nếu như Trung Huê hứa, bằng văn bản quốc tế, rằng tối thiểu 500 năm không động chạm địa phận và hải phận Vượt Nam thì Phủ này sẽ cống hiến mật kế bảo đảm nội tình đại lục trở lại yên hòa, cũng 500 năm tối thiểu.”
Nhà văn nhổm lên, chẳng còn ngồi rung chân được nữa. Và vẫn không bỏ được tật lép bép những câu đệm hư vô.
“To chuyện? To chuyện rồi!”
Ngón út ve ve nốt ruồi cưng, “Trạng thời nay” dè dặt gõ máy; thật ra là đổ chữ nghĩa từ trong lòng ra bàn phím.
“Ai cũng biết Tận Thủy Hoàng là vị vua đầu tiên sau vài ngàn năm nội chiến đã thống nhất đế chế Trung Huê. Vậy mà tưởng như không ai biết một điều rằng, bộ óc của đệ nhất hoàng đế hiện vẫn còn được bảo lưu rất kỳ bí! Phủ mơ thấy mình tìm được nơi cất giữ bảo vật. Vấn đề ở chỗ bộ óc Thủy Hoàng Đế bị dính một chú châu chấu! Nó chạy nhung nhăng trong đó khiến hồn phách ngài bất an. Tự ngàn xưa qua ngàn sau… Não của kẻ bạo chúa thuộc hàng phi phàm, có đặc chất nuôi côn trùng bất tử. Địa điểm bảo lưu ‘trái tim châu chấu’ không tại nơi lăng tẩm hoành tráng với đội quân đất nung huyền thoại mà lại ở một địa điểm quần chúng. Phải dùng kinh Di cửu quái để giải mã bức mật đồ. Éo le thay, trong vụ này kinh Di chỉ thiêng khi được chính người Vượt nào đó sử dụng. Chưa hết… Phủ mơ truy cập địa chỉ bức mật đồ đang tản mát trong nhân gian. Phần giữa bức mật đồ do một người Đài Phượng giữ truyền đời; cũng như thế phần trái và phần phải bức mật đồ trong tay một người Cựu Cương và một người Đông Tạng. Từ đó, Phủ vững tin Trung Huê sẽ thương thảo được mâu thuẫn trăm năm về cương vực với những sắc tộc ở các khu tự trị Đài Phượng, Đông Tạng và Cựu Cương để mọi bên cùng hưởng lợi. Bí quyết an hòa cho quốc gia Trung tâm là vậy!”
Nhà văn cảm thấy nghèn nghẹn, vội cẩn thận chuyển điện thư vào tệp bài mới mở. Truyện ngắn mà độc giả đang đọc được ra đời từ lúc đó…
“Tiếc, chỉ là đang mơ! Cứ dịp rằm các tháng Giêng, Tư, Bảy, Tám, Mười và Chạp thì Phủ lại mơ... Mười năm có lẻ. E sẽ không nên chuyện. Viển vông! Trí óc Phủ càng lúc đã lú lại thêm loạn (Chưa biết chừng đang có vài cô châu chấu trong đó?!) Không làm sao thấu suốt kinh Di. Đọc quẻ Đòi lộn qua quẻ Độn. Vậy, Phủ cứ kể hết ra cho Nhà văn tùy nghi. Cầu trời đất tổ tông tìm ra vị độc giả cao cường nào có chí có trí để mơ tiếp. Cho nước non Vượt gặp vận may, mà Trung nguyên cùng các xứ ngoại vi có cơ hội yên bình. Nhà văn nhớ ghi cho tỏ: Phi Kinh Di Bất Truy Tận Thủy.”
*
Không còn thời gian tự oán trách mình bỏ cuộc kinh Di, Phủ vào ngay phương án moving toàn bộ đất nước Vượt Nam sang xứ Calada. Ước mơ của ban ngày. Trước Phủ, cũng có một số tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cá nhân ở trong và ngoài Vượt Nam bàn thảo rồi xúc tiến thăm dò. Không hiểu sao chỉ khi tay Phủ xô đẩy vào, mọi sự trơn tru hơn. Cả một câu chuyện dài mà bí mật của nó đang chôn vùi trong hình chữ S vòng vo bên biển Đông cuộn sóng. Không ít điều còn vùi chôn ở các cường quốc liên đới.
Góp phần nối kết hai nhà nước trở lại đại sự và nhất là tìm chuyên viên lập loại thuật toán moving chưa từng có, với Phủ thật ra không khó hơn thảo một bản trường ca năm vạn chữ. Thế rồi kết cục vẫn không thành! Nhưng lần này lỗi không ở thi sĩ Đậu Phủ.
Dưới đây là một ít thông tin được Nhà văn soạn lại từ các hồ sơ và dư luận công chúng Vượt Nam và quốc tế, nhất là các tài liệu, tranh luận trong Quốc hội Vượt Nam:
Tít hút miệt dưới, Calada là quốc gia hiện đại hình thành đầu tiên, là chủ nhân ông đương nhiên và vĩnh viễn của nửa địa cầu phía Nam. Vì khiêm nhường, nhà nước này không khuyến khích việc gọi tên dân dã của châu lục là châu Calada; chuẩn phải là châu Cực Nam. Chính sách “Moving tứ hải giai huynh đệ” đã nhanh chóng biến nơi băng giá thành chốn tình nồng với nền kinh tế, văn hóa, công nghệ, an sinh xã hội vọt lên hàng đầu thế giới. Khiến từ miệt trên Bắc bán cầu các cường quốc có bề dày dân chủ phải vị nể, các nhược quốc thiếu dân chủ luôn ngưỡng mộ.
Châu Cực Nam đã có cả tá quốc gia, tiểu bang, lãnh thổ tự trị. Tất cả đều được thành lập bằng các dân tộc, sắc dân, cộng đồng đến từ mọi châu lục khác. Mỗi hồ sơ moving, mỗi lý do. Lý do “bị xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải; đe dọa an ninh” cũng không ít. Là quốc gia chính chủ, Calada giành độc quyền quyết định thu nhận thành viên mới thông qua Hội đồng các quốc gia, khu tự trị toàn Cực Nam. Và điều gì là huyền bí ở sự quản trị của nhà nước Calada trên mọi lĩnh vực, trong đó số một là vấn đề an ninh, phi quân sự của toàn cõi Nam bán cầu? Đó chính là nguồn tư vấn từ Tổng bang tộc chủ – một cơ chế bất khả tư nghị, gồm các bậc trưởng thượng của những thổ dân có mặt hàng thiên niên kỷ tại lục địa heo hút này như những con người hiện đại đầu tiên. May! Tâm, tầm, tài vẹn toàn của chính chủ khiến mọi sự trong “xóm nhà lá” đều suôn sẻ; đâu có tùm lum tanh bành như bốn châu lục kia. Vả, xứ sở gì mà lạnh lẽo thấy ông bà ông vải; chẳng ai còn muốn sinh sự cho phí công… moving.
Tổ quốc moving? Hồ sơ Vượt Nam được xem như trường hợp quốc gia khởi đầu có thể moving toàn bộ - con người và thể chế, nhà cửa và sông núi, phong tục và phong thủy, linh hồn và mồ mả, vân vân và vân vân… Cả hình chữ S khổng lồ cùng các đảo sẽ tới đây. Thống nhất đất nước, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thông cảm với một dân tộc mang trên mình 5500 năm cám cảnh ngoại xâm, Calada sẽ cho nước Vượt Nam mới an tọa tại tiểu bang Orange, nơi hoàn toàn bỏ không với những bình nguyên cam vô chủ. Các quốc gia, khu vực láng giềng đều là của các bác bản địa suốt ngày đêm hát múa, vẽ tranh tạc tượng rồi uống bia Sék, hút thuốc cuốn sau khi đã kiếm được chút lương thực đủ cho một tuần.
Cũng có vài tiền lệ rút lại hồ sơ. Đáng nể và đáng kể là dân tộc Do Cắt. Từng bị đế quốc Đứt triệt hạ già nửa số dân, tính bản thiện họ chỉ ham thích bán buôn và làm toán. Thế nhưng từ buôn bán dẫn đến chiến tranh, từ làm toán chuyển sang làm thơ gần nhau vô cùng. Không kiềm chế, đếm tiền sẽ thành bóp cò. Không tự chủ, hai cộng hai sẽ bằng năm trong nghệ thuật lãng mạn. So đi tính lại, cộng đồng Do Cắt đành xin lỗi các vị hảo tâm miệt dưới khi quyết định hủy hồ sơ. Việc đền bù lệ phí thì không là gì so với tài lực của họ, quan trọng là chịu mất hẳn quyền moving theo luật hiện hành. Bài học: thà không lãnh thổ, không tổ quốc, cư ngụ tản mát trên hàng trăm quốc gia để sống mái với loài người Bắc bán cầu trong mọi lĩnh vực; chứ không chịu tụt xuống miệt dưới an phận mất bản sắc người Do Cắt!
Tại sao luật lệ châu Cực Nam, khắt khe nhất là nước Calada, lại khiếm khuyết thi ca quyền và chiến tranh quyền? Là vùng đất hứa, họ lập luận thế này... Nhân chi sơ con người ta - đại biểu là ở Bắc bán cầu - thường yêu thơ ca và mê súng gươm. Tức là yêu hoa và mê máu. Thi hào SE, người được tôn là tiếng nói của đại dân tộc Nsa ngự trị đỉnh cực Bắc từng tuyên ngôn: “Nếu không là thi nhân/ Ta sẽ thành tướng cướp”. Nam bán cầu muốn xóa bỏ các tệ nạn của Bắc bán cầu. Để tiến hóa theo kiểu khác, phải dùng thật nhiều nhân quyền khác bù đắp cho thi ca quyền và chiến tranh quyền. Thôi đành, luật vô thập toàn.
Sách tiểu học miệt dưới có các truyện cổ tích tân thời như: “Ngày xửa ngày xưa, có tác giả nọ mới chỉ gieo một vần thơ là con mắt trái rụng xuống, vón lại làm dấu chấm hết. Ông còn cố viết xuống hàng theo nhịp điệu, tức thì mắt phải cũng rụng và thành vòng tròn đen loang khắp trang thơ”. Và như, “Ngày nọ, chàng Don vừa cầm lên khẩu súng; tay cầm súng bị nhão ra. Don kịp chuyển qua tay kia và bóp cò bắn đối phương; tất nhiên tay kia bèn chảy thành bột.” Bù lại, khí hậu hàn đới ở đây lại có những tuần nóng cháy đột ngột, rất tiện cho viết và nghe truyện cực ngắn. Năm kia, lần đầu tiên giải thưởng Loben về tay một công dân Calada, Alice Lee - bậc thầy của phong cách truyện cực ngắn.
“Độc đáo nhất trong hồ sơ đến Calada của nước Vượt Nam là chương trình phần mềm chưa từng có.” - Mời độc giả xem tiếp đôi dòng trích từ trả lời phỏng vấn của tỷ phú Kevin Gates; người Calada gốc Cờ Hoa; cựu sĩ quan phản chiến trong chiến tranh Cờ Hoa-Vượt Nam; đương kim Giám đốc MicroNonHard (MNH). -
“Vâng, như nhà báo hỏi. Và như trăm câu hỏi chúng tôi từng nhận được. Thuật toán moving tổng thể một quốc gia luôn là đỉnh cao MNH phải tới. Bởi đó cũng là mong muốn hiển nhiên trong chính sách của Calada. Nhưng - dùng hình ảnh của người Vượt - đó là bài toán con trâu và cái cày. Khoa học công nghệ có cái đỏng đảnh của nó, không phải lúc nào cũng xăng xái chạy trước nhu cầu sống còn của con người. Dù chưa thực hành thành công, vì Hồ sơ Vượt Nam đang chờ xác quyết lần chót từ phía Vượt Nam. Song tôi có thể tiết lộ: trong biết bao nhiêu là năm, MNH đã hao tốn tới một phần ba vốn liếng cho các nghiên cứu phát minh Thuật toán moving quốc gia; và chỉ khi “con trâu Vượt Nam” chính thức vào cuộc thì “cái cày MNH” mới hoàn thiện công trình này về lý thuyết. Tôi muốn khẳng định với các công dân và đất nước mà mình chịu ơn rằng, từ hồn vía tổ tiên Vượt tới các món ăn quốc hồn quốc túy Vượt đều có thể giữ nguyên ý nghĩa (dù tính chất sẽ bị “lạnh” đi!) khi moving tới địa chỉ tái sinh là Calada. Điều đã khiến chúng tôi tin tưởng không hẳn vì ưu thế tuyệt đối của sản phẩm mang tên MNH - Công ty điện toán lớn thứ hai trên thế giới, mà còn bởi tính thích nghi của bản sắc Vượt. Xưa kia, ‘Tứ giáo’ phức hợp và đa điệu đến thế mà vẫn được ‘đồng nguyên’ ngon lành trong văn hóa Vượt cơ mà?”
“Tôi có những duyên nợ nào với con người và đất nước Vượt ư? Tôi từng được quân đội Vượt Nam cứu sống khỏi trại đào binh Cờ Hoa. Tôi có cậu con trai Aeren 13 tuổi từng tự nhận mang ba dòng máu Cờ Hoa, Calada và Vượt Nam, trong khi mẹ cháu là người thuần chủng Calada, còn cha cháu – thề có Chúa! – chưa hề “động chạm” người phụ nữ Vượt. Và, tôi là bạn của thi sĩ Đậu Phủ.”
Cuối cùng là lược trích nghị quyết - biên bản số 2855HD/918-QH8 của Quốc hội Vượt Nam, Ban đặc nhiệm Chương trình moving đến Calada:
“Tiếc cho một dự án sinh tử của dân tộc đã không thể tiếp tục thực thi; ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực không nhiều diễn biến phức tạp; ngay cả không xảy ra xung đột biên giới phía Bắc tại các thành phố Quảng Nynh, Lào Kai, Lạng Gyang và xâm lấn, chiếm đoạt hải phận Biển Đông (tức Giao Chỉ Dương) tại ba đảo tam giác dầu Cát Hồng, Cát Dài, Cát Cụt.”
“Hội nghị Dziên Hồng vi mô đã phủ quyết quốc sách ‘Tránh voi chẳng xấu mặt nào’; song cũng không có quyết định gì bảo đảm cân đối giữa Hữu nghị bất khả từ nan và Chủ quyền bất khả xâm phạm, trong Nạn châu chấu giữa hai nước Vượt Nam và Trung Huê. Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung định hướng chỉ đạo tăng tính ổn định, bảo đảm sự đồng điệu sao cho duyên dáng mà vững chãi của thế chân vạc an ninh, kinh tế và xã hội; nhằm tiến tới Hội nghị Dziên Hồng vĩ mô; ngoài ra, không loại trừ Hồ sơ moving được tái xét với hiến luật mới của nước Calada và châu Cực Nam trong 150 năm tới.”
“Kết luận về lý do ngừng Chương trình moving: i. Luật cấm làm thơ sẽ có thể dẫn đến sự giảm năm mươi phần trăm dân số Vượt; và hầu hết các gia đình có nguy cơ chia lìa. (Thành viên kém làm thơ trong gia đình sẽ đi theo Chương trình; các thành viên giỏi thơ sẽ phải tự tìm quốc gia khác xin cư trú theo những chương trình văn học); ii. Luật cấm chiến tranh - dù là chiến tranh tự vệ - chắc chắn sẽ làm mất gần như trăm phần trăm tinh thần dân tộc Vượt. (Với não trạng bị đe dọa đô hộ và xâm lược, người Vượt mình rất khó làm quen với niềm tin ‘Tổ quốc không thể bị lâm nguy’ của xã hội Nam bán cầu. Nên, nhiều câu hỏi không viển vông đã nảy ra: Nước bạn Calada liệu có bảo đảm châu chấu sẽ không thể vượt biển Chiến Tranh Dương tràn xuống miệt dưới? Dân Vượt chúng ta biết còn moving tới đâu nữa, nếu như một bộ phận nào đó của Trung Huê trong một ngày xấu trời nào đó sẽ moving sang Calada và - lịch sử lặp lại! – là láng giềng của nước Vượt Nam mới?, v.v…; iii. Lý do quyết định là vấn đề quốc sỉ: Vượt Nam sẽ tạo tiền lệ xấu nếu tiên phong trong chương trình ‘Tổ quốc moving’ vì lý do ngoại xâm. (Đã đành cũng sẽ nêu tấm gương tốt khi dẫn đầu quy trình moving cả một đất nước trong thời đại toàn cầu hóa; đặc biệt mở bước ngoặt cho tiến trình hòa bình hóa toàn cầu mà nhà nước Calada và châu Cực Nam đeo đuổi một cách hào hứng và cô đơn.)
**
… Truyện về thi sĩ Đậu Phủ với việc moving bất thành của nước Vượt Nam chỉ có vậy.
Ngay sau khi biết truyện vừa được gửi đi bốn biển năm châu, nửa đêm theo giờ Hongcouver, Phủ điện thoại cho tôi. Thế mới hay chuyện “răng biết hát” là có thật: từ chiếc răng hàm trên bên trái của tôi bỗng phát ra ca khúc Hồn Thi Tử Sĩ mà tôi kịp nhờ cặp đôi nhạc sĩ Lưu Hữu Fước - Phạm Tuiên sáng tác phòng khi phải tiễn biệt bạn hiền. Đêm qua bản thảo truyện được sửa sang lần chót trong những âm điệu bi hùng... Căng thẳng chờ Phủ nói kế hoạch về nước để tự thiêu, tôi nghe rõ cả cái chữ mà cô ca sĩ hát ngọng... “Nửa đã cháy và xương đã đỏ, soi sáng tỏ biên cương”… Thế nhưng, đến tai tôi lại là thông tin tốt đẹp và hoàn toàn mới lạ: một vị quan chức hồi âm cho biết sau thời gian xem xét cẩn trọng kiến nghị của Phủ, Quốc hội Vượt Nam đã quyết định trong vòng tháng tới thế nào cũng phải có kỳ họp mở rộng bất thường; đang còn lựa chọn tên chính thức cho hội nghị…
Mấy lần tôi toan ngắt lời Phủ mà không được. Phủ từ tốn bảo không nên coi ý nghĩa của sự kiện như Hội nghị Dziên Hồng, rồi nhấn mạnh:
“Chỉ thuần túy về hình thức bảo vệ, kỹ thuật phòng thủ. Hội nghị sẽ thông qua để giao cho Chính phủ thực hiện ngay việc dùng cột đồng Mã Vyện làm mẫu thay thế tất cả cột biên giới hiện hành khắp lãnh thổ Vượt Nam; còn trên lãnh hải, cũng dùng phao đồng thay cho phao đang có tại các tọa độ cần thiết. Phản-cột-đồng-Mã-Vyện mà lị!” - Tới lúc này Phủ mới cười. Phủ cười… Cười trong vài chục giây thôi mà được chuẩn bị chục năm trời. Không còn là điệu cười bằng hữu từng thân thuộc với tôi từ thời trung học. Phủ cười một điệu cười giang sơn, từ đây...
“A …a… Hồi hộp… Hồi hộp…” - Tôi kêu thật nhanh, cũng là xả cơn đau răng vừa dứt.
“Sẽ bàn thảo nhiều việc, như: Bổ đầu hơn trăm triệu dân Vượt, bất kể ai ở độ tuổi lao động đều có quyền lợi và nghĩa vụ đóng góp một cột hay phao bằng đồng, trên đó có ảnh, tên tuổi, quê quán của mình; Với Vượt kiều, như Phủ chẳng hạn, nếu không đồng quốc tịch Vượt Nam thì được quyền lợi, miễn nghĩa vụ; Anh hùng, liệt sĩ trong các trận chiến bảo vệ biên cương, hải đảo của suốt 5500 năm dựng nước và giữ nước sẽ được ghi danh tại những trụ cột, phao trọng yếu mà trụ cột, phao đó do nhà nước đảm nhiệm hoặc được coi như phần vinh dự dành cho cá nhân, hội đoàn nào xứng đáng.”
“Hồi hộp… Hồi hộp…” - Tôi còn biết kêu gì hơn.
“Sẽ còn bàn thảo nhiều việc lắm, như: với ai không làm được điều đó thì sao? Theo ý Phủ, trước hết, tự họ hạ mình xuống hàng công dân hạng bét rồi. Muối bỏ bể. Khỏi cần dư luận, quy chế. Mà thôi, Nhà văn ơi, truyện ngắn đâu phải làm nơi tỏ tường cái trọng đại của tổ quốc. Mỗi truyện ngắn, một điều thường của cá nhân. Dừng tại đây! Stop here! À, đó là câu tiếng Ăng Lè từng được giữ nguyên văn trong một truyện dịch từ tiếng Phú Lang Sà. Lời một quý bà da trắng lệnh cho thằng nhỏ da đen bản xứ kéo xe. Phủ đọc khi cũng là một đứa bé, bằng tuổi nó.”
“Hồi hộp… Hồi hộp…”
Tôi còn biết làm gì hơn là buông thả tiếng kêu vào những cơn sóng gió đang vờn ngoài khơi, để nhao lên mạng tìm xem truyện của mình được tung hoa hay bị ném đá ra sao. Bên kia biển Chiến Tranh Dương, nhân vật chính của truyện cũng đang vậy. Dừng tại đây.
Vancouver, Canada - hoàn thành ngày 2/6/2014