MÀU TÍM HOA MUA là tác phẩm văn học thứ 5 của nhà văn Nguyên Minh, một cây bút kỳ cựu trong làng văn, làng báo từ trước 1975 đến nay. Nhà văn Nguyên Minh quê quán Huế, sinh năm 1941 tại Phan Rang Ninh Thuận, ông bắt đầu viết văn từ năm 17 tuổi. Tác phẩm truyện dài viết dành cho thiếu niên ĐÁM TANG ĐA ĐA do nhà xuất bản Ý Thức – Sài Gòn ấn hành năm 1971 được xem là một dấu ấn đẹp cho bước đầu khởi nghiệp văn chương của Nguyên Minh. Từ chủ trương thực hiện tạp chí Ý Thức in ronéo, typo rồi Giám đốc NXB Ý Thức (1970-1975) và nay ở độ tuổi U80 sau trên 20 năm gác bút ông lại tiếp tục sáng tác, lại liên kết với nhà xuất bản Thanh Niên cho rắt bạn đọcyêu văn chương Tập san văn học nghệ thuật Quán Văn, tập hợp đông đảo giới văn nghệ sĩ tên tuổi trong nước và hải ngoại. Trong bối cảnh văn học nghệ thuật hiện nay, sự xuất hiện của Quán Văn là một “trì chí” lớn của nhà văn Nguyên Minh và cộng sự.
Qua MÀU TÍM HOA MUA người đọc thấy các chi tiết nêu trên là có thật. Tròn một đời văn Nguyên Minh đã trải lòng cống hiến niềm đam mê sáng tạo của mình trong từng con chữ, trên từng trang viết.
Với giọng văn đằm thắm, nhu hòa giàu hình ảnh, hình ảnh của cảm xúc, rung động, Nguyên Minh đã thu hút người đọc đến với tình người nhân ái trong cộng đồng xã hội, đến cùng mối tình đầu của ông đẹp và thơ với người thiếu nữ tên T. để từ ấy bạn đọc cảm nhận rằng tình yêu lứa đôi là muôn nơi, muôn thuở, nhờ có tình yêu người ta sống có ý nghĩa hơn, sống đẹp hơn.
Với những hồi ức được chăm chút, nâng niu, trang trọng chúng ta hình dung được một không khí sôi nổi, hào hứng, đầy tình, trọn nghĩa của giới cầm bút cùng thời Nguyên Minh trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, xã hội phân hóa. Vượt lên những khó khăn, gian khổ oái ăm, trớ trêu, vượt lên những dị biệt đa chiều, những người văn nghệ sĩ chân chính đã luôn tìm đến nhau dưới mái nhà văn nghệ, cùng quan tâm đến thân phận con người với khát nguyện nhân văn mong được đổi đời bao vận số.
Đọc MÀU TÍM HOA MUA để thấy một Nguyên Minh luôn dành cái khối tình yêu tuyệt đối, trân quý cho văn chương nghệ thuật. Những tháng ngày này, văn chương nghệ thuật lại đang càng cuốn hút, thôi thúc Nguyên Minh: “… Qua thời gian, qua cuộc đời đổi thay, có người đã đánh mất niềm đam mê văn chương chỉ một thời. Bây giờ, chúng tôi tuổi đã cao, sức đã yếu, tranh thủ đi nước rút”.
Tranh thủ đi nước rút!
Dạ đúng lắm! Thưa nhà văn Nguyên Minh!