Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.912 tác phẩm
2.762 tác giả
367
123.679.830
 
Một người Sài Gòn
Hoàng Đình Quang

Hội Nhà văn thành phố tổ chức một trại viết về đề tài "xoá đói giảm nghèo", tôi cũng được mời tham gia. Xem qua danh sách các cá nhân điển hình trong phong trào này, tôi thấy có một bà ở quận Nhất, chủ một quán phở. Bà chủ quán này được Quỹ đầu tư cho một số vốn không nhỏ. Tôi hỏi chị Ba Sương phó ban, rằng sao quỹ "xóa đói giảm nghèo" lại đầu tư cho chủ quán phở? Đã chủ quán thì làm sao mà đói, mà nghèo được? Chị Ba bảo tôi cứ xuống đó sẽ thấy.

 

Tôi đến quán phở "Lan" là buổi chiều, quán nghỉ bán, nhưng cửa vẫn mở. Hỏi bà chủ quán, một ông già độ ngoài sáu mươi nói giọng Bắc, gọi với vào trong: Cô Năm ơi, có người kiếm! Lát sau, bà Năm chủ quán từ nhà trong đi ra, mời tôi ngồi, kêu một cô bé lấy nước uống. Tôi trình bày ý định của mình. Nghe xong, bà cười:

 

-Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Tôi đâu có làm cái gì mà điển hình điển bóng! Tối ngày chỉ biết có buôn bán. Viết tầm bậy tầm bạ lên báo, người ta cười chết! 

 

-Sao lại tầm bậy, tầm bạ? Đúng người thật việc thật chứ?

 

Bà Năm đính chính:

 

-Tôi nói tôi tầm bậy tầm bạ, đâu có nói nhà báo! Nhiều người giàu có giỏi giang gấp mấy chục lần tôi kia! Thôi, ông tới chỗ đó mà hỏi...

 

-Tôi viết về "xóa đói giảm nghèo" chứ đâu có viết người giàu. Có đúng là Quỹ cho chị vay năm triệu không?

 

-À... Có! Ừa mà cũng nhờ có năm triệu đó mà tôi mở mang ra được.

 

-Trước đây chị cũng thuộc diện xóa...

 

-Không! Trước đây lâu lắm rồi, thì gia đình tôi đúng là quá đói, nhưng lại chưa có Quỹ "xóa đói - giảm nghèo". Bây giờ thì khá rồi, nhưng tôi vẫn được đầu tư...

 

Qua lời bà Năm tôi mới hiểu lời chị Ba phó ban nói hôm ở trên văn phòng. Thì ra Quỹ "xóa đói - giảm nghèo" đầu tư cho những hộ khá, có nghề, có cơ sở làm ăn, rồi nhận lao động từ những hộ trong diện phải xoá. Hèn nào, người ta nói Quỹ "xóa đói - giảm nghèo" đầu tư cho người giàu! Tôi hỏi tiếp:

 

-Trước giờ chị có làm nghề buôn bán không?

 

-Thưa có! Hồi mới giải phóng tôi bán trái cây trên Sài Gòn, Chợ Cũ. Sau đi kinh tế mới...

 

Vậy ra chị là người Sài Gòn lâu đời, hay nói như ngoài Hà Nội là "Sài Gòn Gốc". Bởi chỉ có người ở Sài Gòn lâu đời thì mới gọi khu chợ Bến Thành - Lê Lợi - Hàm Nghi - Nguyễn Huệ là Sài Gòn, hay Chợ Cũ có khi nhà họ cũng chỉ quanh trong quận nhất, quận ba thôi. Còn những người đến sau này, hay khách ở các tỉnh khác đến thì gọi là trung tâm thành phố, hay quận Một!

 

-Hồi trước tôi cũng có quen một người bán trái cây ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm, không biết bây giờ ở đâu...

 

Bà Năm nhìn tôi chằm chặp, bất ngờ vỗ hai tay vào nhau rồi chỉ vào mặt tôi:

 

-Đúng rồi! Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Hèn nào mới dòm tôi thấy quen quen! Tóc bạc nhiều, già đi chút ít, nhưng tôi vẫn nhìn ra...

 

Nghe bà Năm làm một tràng Trời đất, thiên địa, quỷ thần, tôi cũng nhận ra chị:

 

-Có phải chị Năm hồi đó không?

           

***

 

Khoảng giữa năm 1976, tức là sau giải phóng độ một năm, lúc ấy tôi vừa từ quân đội chuyển ngành ra còn rất lơ mơ về đường xá, phố phường cũng như mọi sự sinh sống của người Sài Gòn. Khu tập thể tôi ở gần Chơ Cũ, nên tôi  hay ra cái chợ nhỏ họp buổi chiều góc đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm mua rau muống. Lần ấy tôi đi công tác về cũng đã khuya khuya, bụng đói mà tiền thì quá ít, không đủ ăn mì, nên đành lướt qua. Đến đầu đường, thấy một người đàn bà đang ngồi xếp lại những quả cam, bên cạnh một vài thứ trái cây lặt vặt, tôi đứng lại nhìn. Chị ta ngước lên nhìn tôi chào đon đả:

 

-Mua cam đi anh đội! Cam ngọt lắm...

 

-Chị bán bao nhiêu một chục?

 

Thấy chị bán hàng có giọng mời chào rất ngọt, và lại có nét duyên của người đàn bà tuổi chưa quá ba mươi, tôi đánh bạo hỏi giá. Chị ta còn giới thiệu một chặp rồi mới nói. Vì quá nhiều lần đổi tiền nên bây giờ tôi không nhớ là bao nhiêu, nhưng số tiền vượt quá số có trong túi, tôi không dám trả giá đành tảng lờ bỏ đi. Thế là chị bán cam giật giọng gọi lại, bắt phải trả giá. Tôi đành nói thật là không đủ tiền. Chị ta không tin và mắng tôi một trận té tát. Tôi lẳng lặng bỏ đi, nhưng còn nghe đủ lời cằn nhằn của chị. Và, thật bất ngờ, và cũng thật thấy thích thú khi tôi nghe chị mắng:

 

-Ông đừng ỷ có công giải phóng thành phố. Bộ ông tưởng chỉ mình ông là người chiến đấu giải phóng miền Nam này sao?

 

Vì câu mắng đó của chị bán trái cây mà tôi cố nhớ cái chỗ ngồi và khuôn mặt người đàn bà Chơ Cũ đó. Hồi mới giải phóng, chuyện "bảy thằng Việt Cộng đu cành đu đủ" được giải toả, thì lại có mhiều chuyện tức cười, thật cũng có, mà bịa cũng có, chẳng hạn như chuyện hai anh giải phóng vào ăn hủ tiếu rồi gọi hai chai "tàu vị yểu có đá" v.v..., nhưng tôi chưa hề nghe ai mắng như chị bán cam. Hay có thể mình công thần chăng? Tuần sau, khi vừa lĩnh lương, trong túi có tiền, tôi quyết định ra chỗ chị bán cam. Lần nay, tôi không chào chị và ngồi xuống lựa cam, xong hỏi giá. Thấy tôi mua mà không mà cả, chị nhìn tôi:

 

-Anh mua về ăn hay thăm bệnh mà không trả giá?

 

Tôi đáp lại một cách lạnh nhạt:

 

-Trả để chị mắng cho một trận à?

 

-Ý! Ai dám mắng anh hồi nào?

 

-Thì mới tối hôm trước, tôi không có tiền mua cam của chị, chị chả mắng tôi là "ỷ có công giải phóng miền Nam". Chị còn nhớ không?

 

Thế là chị cười ngặt nghẽo:

 

-Trời đất, thiên địa, quỷ thần ơi! Đàn ông con trai gì mà nhớ dai dữ vậy hổng biết nữa? Lỡ hỏi giá thì cứ trả đại đi, không có tiền ai bắt phải mua mà sợ...

 

Tôi từng nghe anh em bạn bè nói, ở chợ Bến Thành hỏi giá mà không mua là bị chửi liền. Tôi nói lại điều này, chị giải thích:

 

-Ôi, mấy bả ngoài đó họ buôn bán lớn, vốn nhiều, toàn khách vãng lai, nói thách trời thần, không như ở đây đâu!

 

Tôi buông cái rổ đựng mấy quả cam, hỏi:

 

-Vậy bây giờ tôi không mua của chị, chị có chửi tôi không?

           

-Ai dám chửi!

            Tôi nói "cám ơn" rồi giả bộ đứng dậy, bước đi. Chị bán cam mở tròn mắt nhìn tôi, mãi mới lắp bắp:

 

-Ủa! Không mua thiệt hả?...

 

Tôi quay lại, phì cười:

 

-Giỡn chơi vậy thôi. Bán cho tôi một chục, mười hai hay mười bốn?

 

Chị lựa từng trái và xếp vào cái túi dán bằng giấy xi măng mười bốn quả cam:

 

-Cũng biết chục mười hai, mười bốn hả? Việt Cộng vô đây lâu chưa? Bán người ta mười hai, thấy anh tôi bán mười bốn. Huề vốn cũng bán...

 

-Vậy mai tôi lại ra mua nữa!

 

-Không à! Mai bán mười hai. Hỏi thiệt nghen, có tiền không mà đòi mai mua nữa?

 

Tôi đành cười trừ, còn nói thêm:

 

-Tôi cũng nói thiệt, tại thấy hôm trước chị chửi tôi quá xá trời đất, nên hôm nay mới lãnh lương ra mua cam, chứ tôi đâu có ăn hay làm quà cho ai đâu. Bây giờ tôi làm quà cho con chị một nửa, tôi ăn một nửa. Mà không được bán đâu nhé, làm quà là làm quà đấy. Con chị trai hay gái...

 

-Ý! Đâu có được. Anh mua thì phải ăn, tôi đâu có quen biết gì anh mà dám lấy quà của anh!

 

-Tôi cũng đâu có làm quà cho chị, tôi cho con chị kia mà!

 

-Tôi đâu đã có gia đình...

 

-Vậy hả? Thế thì tặng má...!

 

Tôi thì cứ để lại, còn chị thì nhất quyết cố nhét trả. Cuối cùng tôi bỏ đi, để lại bảy quả cam. Phải lâu sau tôi mới ghé qua, thấy tôi chị bán cam ngạc nhiên:

 

-Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Đi đâu mất mặt vậy?

 

Tôi nghe giọng nói, với cách nói trống không của chị, thấy lộ vẻ mừng rỡ. Lần này tôi không mua gì, chỉ đứng nói dăm câu bâng quơ rồi đi. Chị ấn vào tay tôi nhưng tôi không nhận, còn bảo: ăn cam ngán đến mang tai rồi. Chị đưa cho tôi một quả dưa hấu không to lắm, nhưng nặng và đen thẫm.

 

Tôi không biết tên biết thứ của chị, mà chị cũng chẳng biết tên tôi. Thỉnh thoảng tôi có ghé qua Chợ Cũ mua ít rau cỏ, mỗi lần thấy tôi chị đều cho tôi một trái cây gì đó, có khi chỉ là một quả ổi xanh. Thế rồi cơ quan tôi giải thể, tôi chuyển chỗ ở về  quận Năm, không hay ra Chợ Cũ nữa, cho đến tận bây giờ.

 

***

Bây giờ thì tôi biết chị thứ Năm, tên Duyên, Phù Trần Duyên, còn chị cũng biết tên tôi qua thẻ nhà báo. Chị Năm kêu cà phê đá và thuốc lá cho tôi, rồi chăm chú nhìn tôi quấy cà phê, giọng rổn rảng:

 

-Dữ ha! Vậy từ hồi đó anh đi đâu mất tăm? Vợ con sao rồi?

 

-Con tôi đang học đại học năm thứ hai, còn chị? Mà chị cũng đâu còn bán trái cây ở Chợ Cũ nữa? Có lần tôi ghé kiếm chị đâu có thấy!

 

Chị cười:

 

-Đi kinh tế mới! Ờ, hồi đó tôi hăng hái lắm nghe! Tôi vận động ba má với anh Ba lên Bù Đốp. Anh Ba tôi có việc làm nhà nước không đi, vậy là tôi đi trước kéo cả ông bà già. Lên đó được mấy năm, cực quá, chịu hết nổi, tôi kêu cả nhà bỏ về. Ba má tôi chưa chịu, tôi giông về trước... May mà còn nhà cửa giao cho anh Ba tôi, chớ không thì...

 

-Vậy là chị "đi trước, về trước"! Rồi về sao không ra bán trái cây nữa?

 

-Không bán, mà bán cho hợp tác xã tiêu thu phường. Tới chừng hợp tác xã tiêu thụ giải tán tôi ra thuê nhà bán quán hủ tiếu!

 

-Vậy nhà này chị thuê?

 

-Trước thuê, bây giờ mua luôn rồi!

 

Ghê thật! Tôi nghĩ bụng. Đúng là đàn bà dễ có mấy ai, tay bằng miệng, miệng bằng tay! Thấy mấy cô, mấy cậu thỉnh thoảng lại chạy ra nói nhỏ như là xin chỉ thị bà chủ, tôi hỏi:

 

-Mấy đứa này là con hay cháu chị?

 

-Đâu có! Chúng là con cái mấy gia đình trong tổ "giảm nghèo" tụi tôi. Thấy chúng bây lớn mà không làm gì, chỉ lông nhông, tôi kêu ba má chúng giao cho tôi quản lý. Ay cũng nhờ có vốn của quỹ "xóa đói - giảm nghèo" mà tôi cho làm ngay bánh phở trong nhà, khỏi lấy của lái, khỏi sợ có phoóc... phoóc gì ông Sửu?

 

-Phoócmanđêhyt, cô Năm! Ông Sửu là ông lão nói giọng Bắc, tiếp tôi lúc mới vào, nãy giờ vẫn ngồi chăm chú sửa cái đèn măng-xông, nghe chị Năm hỏi, bình thản trả lời.

 

-Ông Sửu sửa xong cái đèn rồi chạy qua bên cửa hàng mua thêm ít dầu hôi. À quên nữa, thằng Tấn đi lấy cối xay trên Thủ Dầu Một về chưa hả ông?

 

-Về rồi cô Năm. Được để tôi đi mua dầu ngay đây!

 

Ông già vừa đi khỏi, chị Năm nói với tôi:

 

-Ông Sửu người ngoài Bắc bán nhà bán đất vô đây ở với con. Được ít lâu cha con chửi lộn nhau, chịu hết nổi, lang thang vờ vật ngoài đường kiếm ăn. Thấy vậy, tôi kêu về trông coi tụi trẻ giúp giùm tôi. Ngày ăn, đêm tôi lo chỗ ngủ lại coi quán, tôi trả cho ba trăm uống cà phê. Vậy mà cô con gái ổng còn đến nói xiên nói xéo tôi là tư sản bóc lột. Tôi sùng máu bố lên chửi cho một trận: có cha không nuôi đuổi ra đường, người ta cho ăn, cho ngủ, cho tiền xài, còn nói nọ nói kia! Đồ mất nết, con hư hỏng! Ông Sửu chạy ra xin tôi không tôi cho mấy mách nữa! Tôi nghiệp ông già, cũng là cán bộ nghỉ hưu. Được cái chăm chỉ, mực thước. Mới lấy xe chạy đi mua dầu hôi, đèn cầy...

 

Tôi thấy vậy, hỏi:

 

-Ở đây hay cúp điện lắm hả?

 

-Đâu có! Đề phòng sự cố Y2K, sợ cúp điện, nên tôi phải bảo tụi nó mua hai cái cối xay bột bằng tay, chuẩn bị dầu đèn, trữ nước...

 

Thấy tôi phá ra cười, chị cũng cười theo:

 

-Thì mình cứ đề phòng vậy, thấy ngoài chợ người ta ì xèo. Mì gói khuân cả thùng, cũng lo. Nhỡ đâu có Y2K thiệt thì cũng còn có cái ăn, cái uống...

 

Tôi nhìn chị mà vẫn chưa thấy hết muốn cười:

 

-Theo chị thì Y2K là gì?

 

-Tôi không biết rõ, nhưng thôi thấy: tỉ như mình đang quen xài tuần lễ có thứ hai, thứ ba... đến thứ bảy, chủ nhật. Nay tự nhiên thay chủ nhật bằng... thứ Tám. Vậy là mình lúng túng không hiểu ngày nào đi làm, ngày nào nghỉ, có khi nghỉ luôn. Đó, cái máy vi tính nó cũng không biết năm 2000 là năm nào? Nó nghĩ ngợi không ra rồi ngưng luôn, hoặc chạy lung tung! Vậy có đúng không, nhà báo?

 

Quả thật, tôi cũng đã phải mấy lần giải thích cho những người xung quanh về sự cố có thể có của máy tính sang năm 2000, nhưng không tìm ra cách nào sát thực và dễ hiểu như cách nói của chị Năm. Tôi bảo là tôi phục chị quá, chị cười, hai mắt tít lại:

 

-Kiểu giải thích nhà quê thôi anh ơi!

 

-Chị mà nhà quê? Sài Gòn gốc...

 

Chị lại cười, nhưng lần này rõ vẻ nghiêm túc:

 

-Đúng là ông cố, ông sơ nhà tôi sống ở trên này từ lâu. Theo ba tôi nói thì chỗ cái nhà lầu mấy chục tầng kia, hồi đó còn là ruộng lúa... Rồi qua trào Pháp, trào Diệm rồi đến Mỹ - Thiệu, bao nhiêu biến đổi, gia đình tôi cũng loanh quanh ở đây. Nhưng lớn lên tôi thấy mình chẳng có vẻ gì là dân thành thị cả. Mấy ông quan chức thì không nói làm gì, chớ tụi tôi dân nào cũng cực, cũng phải lao động. Làm gì có gốc với ngọn mà phân với bì? Cứ làm ra bộ ta đây cho chúng ghét...

 

Thấy câu chuyện có vẻ kém vui, tôi lái sang:

 

-Chị mấy đứa rồi?

 

-Hai! Thằng lớn đi nghĩa vụ về giờ làm công ty bảo vệ Long Hải. Còn con nhỏ đang học năm thứ ba đại học kinh tế...

 

-Vậy là chị có con trước tôi. Thế mà hồi đó dám nói là chưa có gia đình!

 

-Hồi nào?

 

-Chị không nhớ là tôi gửi nửa chục cam về cho con chị?

 

-À... Nhớ! Chị Năm lại ôm mặt cười, chảy cả nước mắt. Đúng là lúc đó tôi chưa có gia đình. Tôi gặp ông xã hồi ở kinh tế mới. Anh là thương binh, chuyển ngành ra ban quản lý kinh tế mới thành phố. Lấy nhau xong sanh thằng lớn, ngán quá, tôi giông về để ảnh một mình. Mấy năm sau xin nghỉ mất sức mới về với mẹ con tôi... Này nói gì nói, cái gì mới cũng ngon: nhà mới, áo mới, vợ mới, chồng mới... Nhưng mà cái kinh tế mới, ngán thiệt... Lại cười.

 

-Giờ ảnh làm gì?

 

-Làm gì! Ủy ban mặt trận phường, tối ngày đi lo giải quyết tranh chấp, hòa giải cho người ta không! Này, nói nghe, anh ngồi chơi chút, ông xã tôi về tôi làm cái gì cho hai người nhậu! Ông xã tôi tuy không khoái nhậu nhưng ham có bạn lắm...

 

Tôi phải từ chối mãi, hẹn bữa sau, chuẩn bị tinh thần, ngồi chơi lâu. Với lại tôi còn muốn gặp chị nữa để viết kia mà. Chào chị, tôi dẫn xe ra, đã ngồi lên yên, chuẩn bị đạp máy, chị Năm còn chạy với ra, nhét bao thuốc 555 còn đầy vào túi áo tôi:

 

-Cầm lấy mà hút!

 

Tôi không nhận, bảo để mà bán, chị không nghe. Chị ư hừ, như muốn nói gì đó, tôi hiểu ra, nhìn vào mắt chị, chờ đợi. Chị nói như để mình chị nghe:

 

-Hồi đó tự nhiên đi đâu mất mặt. Nếu còn được gặp anh, chắc tôi không dại dột kéo cả nhà đi kinh tế mới...

 

Tôi đoán ý chị, không biết có đúng không, nhưng cũng nói đại:

 

-Tôi cũng vậy! Nếu không chuyển đi, chắc giờ này nói tới tiếng "cam", đã phát ngán...

 

-Đồ quỷ! Chị Năm phát vào lưng tôi. Đi đi!...

 

Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng Giêng năm 2000

 

Hoàng Đình Quang
Số lần đọc: 3000
Ngày đăng: 15.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thương con - Phương Nam
Chói chang - Hào Vũ
Lan Huệ sầu ai - Hoàng Đình Quang
Ông lão vườn chim - Anh Đức
Xôn xao đồng nước - Anh Đức
Người gác đèn biển - Anh Đức
Bài ca cuộc sống - Phạm Lưu Vũ
Chuyến xe về làng - Anh Đức
Cứu thuyền - Anh Đức
Nước mắt đàn ông - Nguyễn Thị Thu Huệ