(Đọc tập thơ “Một chiều gọi tên nhau” của Nguyễn Nguy Anh, NXB Trẻ , Hội VHNT Bình Dương năm 2013)
Tôi nhận được tập thơ mới in năm 2013 của Nguyễn Nguy Anh gởi tặng vào những ngày cuối năm. Tập thơ khá đầy đặn với hơn 100 bài và 20 ca khúc. Thực ra tôi đã biết đến Nguyễn Nguy Anh vào những năm 90 khi còn cộng tác với Tập san Áo Trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền chủ biên. Trong nhiều năm gần đây, thơ của anh đăng nhiều, dày khắp trên các tuần báo, diễn đàn văn học trong Nam ngoài Bắc. Tìm hiểu thêm, Nguyễn Nguy Anh còn có bút danh Anh Nhi, Nguyễn Thy Ca Dao và từng có thơ đăng trên các báo, Tạp chí miền Nam trước 1975 như Tạp chí Phổ Thhông, Tạp chí Thứ Tư, Tạp chí Văn Học, Độc Lập…Đến nay, tác phẩm được xuất bản cũng khá dày: “Một thoáng hương xưa” – 1996, “Hương thầm mùa xuân” – 2004, “Hương thời gian” – 2007 và mới nhất là “ Một chiều gọi tên nhau – 2013” cùng với 3 CD, 1 DVD ca nhạc. Anh đạt được nhiều giải thưởng về thơ, nhạc : giải thưởng thơ Huỳnh Văn Nghệ (1995 – 2010), giải thưởng thơ phổ nhạc của Đài PTTH Bình Dương (1998, 2010).
Nguyễn Nguy Anh sinh năm 1957, nhà thơ nhị Bình này là hội viên Hội VHNT Bình Dương quê ở Tuy Phước – Bình Định, hiện sinh sống làm việc ở TP Thủ Dầu Một – Bình Dương. Quê nhà và mái trường, bục giảng là những chủ đề anh viết nhiều trong những tập thơ đầu với tâm tình sâu nặng. Bạn đọc yêu thơ nhất là lớp trẻ cũng rất sẵn dành tình cảm cho một tâm hồn giàu xúc cảm này. Nhiều bạn văn qua nhiều trang dòng đã chia sẻ nồng nàn cảm thức về thời gian, về mùa xuân trong thơ anh. Những đề tài ấy xét cho cùng chẳng mới cũng không lạ với những người làm thơ nhất là với anh đã từng trãi 15 năm dạy học ở quê nhà Bình Định. Nhưng đáng lưu tâm chính là dấu riêng, nét riêng mà Nguyễn Nguy Anh thổi hồn vào thơ của mình. Bạn thơ Thành Chương khi đọc tập “Hương thời gian” đã gọi đó là mối tình, mối duyên đầu của Nguy Anh. “Với Nguyễn Nguy Anh, những vần thơ tình như luôn quấn quýt, vương vấn trong suy tư dù năm tháng mỗi lúc trôi qua. Những vần thơ ấy làm cho người thơ như trẻ lại, và những ký ức xa xăm lại dội về những cảm xúc mới mẻ”(Người thơ duyên nặng tình đầu). Trước mùa xuân tình thơ Nguy Anh “vừa vui tươi, trẻ trung tinh nghịch, vừa đằm thắm trữ tình, vừa ưu tư, nuối tiếc…” khi vọng hướng về người mẹ nhọc nhằn, vất vả chốn quê xa, cô gái quê của ngày xuân xưa. Tấm tình đó cũng tràn thiết tha với xuân đất mới Bình Dương. (Nguyễn Nguy Anh với cảm xúc Xuân – Mai Lam) vv…
Còn tôi, với tâp thơ mới nhất “Một chiều gọi tên nhau” như bị cuốn theo giọng cảm xúc đậm đà, phóng khoáng của người thơ Nguy Anh chết mệt vì thơ! Thi tứ bất chợt có thể xem là điểm mạnh của hồn thơ Nguy Anh. Anh chỉ như bất chợt xúc cảm về tiếng chim vườn cũ, cái tàu cau, một góc giếng làng, ánh sao Bắc Đẩu quê xa, tiếng “nẫu” quê, chiếc lá vàng… mà quê nhà thân thương, đắng lòng hiện lên đằm thắm, mênh mang:
- Cánh Tiên mùa cũ rêu phong
Thương con sáo đã sổ lồng bay xa…
Ta về ngắm cảnh trăng tà
Khơi dòng ký ức xót xa ngậm ngùi…( Quê nhà nỗi nhớ)
- Ai còn nhớ
Cái tàu cau cho ông lồng nhãn
Cái tàu cau làm máng nước ngày đông
Cái tàu cau dỡ cơm cho cha mỗi ngày…
…Ôi chao, nhớ sao là nhớ
Ai còn chờ tàu cau rơi…!!! (Cái tàu cau)
- Cúi xin cảm tạ ơn đời
Tiếng quê tôi có mấy lời tri âm. (Nghe tiếng quê nhà)
Mái trường, áo trắng, phượng hồng…những dấu ấn lung linh mãi tươi rói trong hồn người thơ. Từ Bình Định nay phiêu bạt xa trường xưa, xa ngừoi thương, anh ví mình là “Ta con tuấn mã giang hồ lạc/ Đã mấy ngàn năm kiếp phiêu bồng”. Cũng bằng cảm xúc như bất chợt đó anh gởi đến bạn đọc nhất là bạn đọc trẻ nhiều bài thơ trong trẻo, mơ màng ăm ắp tình, xót xa hoài niệm : Mây trắng còn bay, Chỉ còn nỗi nhớ, Nhớ mùa thi xưa, Thương lắm ngày còn thơ…
Chạnh lòng đôi mắt xa xăm
Trường xưa ai có về thăm một lần?!...
Chiều nào một nửa nắng nghiêng
Áo em dính mực ưu phiền mai sau…(Chút tình sương khói)
Với Tình yêu anh lại không hề bất chợt. Ở thi tứ này, tác giả đã viết những câu thơ nồng đượm về thời ấu thơ (Thương lắm ngày còn thơ), nỗi vất vả, cay đắng phận người (Ơi! tiếng rao đêm, Em đứng bên đời), nồng nàn xanh biếc về ngừoi em gần mà xa (Em người con gái tuyệt vời, Thanh Tuyền mây trắng còn bay, Chỉ còn nỗi nhớ, Chiều qua phố nhớ em…)
- Em đi câu lục chông chênh
Để cho câu bát một bên buồn lòng…(Em người con gái tuyệt vời)
- Giọng nhà quê lanh lảnh
Đêm đêm em rao hàng…
… Lời rao theo em đong đầy năm tháng
Bốn mùa mưa, nắng nhọc nhằn rơi…(Ơi! tiếng rao đêm)
Người em gái – quê mới Bình Dương, Dầu Tiếng tươi trẻ, thắm tình : Chưa đi xa đã nhớ/ Người con gái Bình Dương…Em có còn đa đoan/Bay bay tà áo lụa/ Thoảng chút hương trong gió/ Để nhớ mãi ngàn năm.(Nhớ người Bình Dương), Làm sao quên ngày tháng vỡ hoang Làm sao quên tên đất tên làng/ Làm sao quên người em gái nhỏ/ Của cao su Dầu Tiếng mến thương…(Xuân về trên quê hương Dầu Tiếng).
Tình thơ chảy tràn theo thi tứ nên ngôn ngữ thơ của Nguy Anh chưa được chắt chọn cũng là điều dễ hiểu. Một dạo tình em như giấc mơ/ Như con bướm mộng trên đồi quê…Có một lần tôi đi tìm chính tôi/ Dấu lệ ăn năn bôn ba xứ người/ Tiếng chuông nhịp vang kinh cầu mơ ước/ Úp mặt giữa đời tìm một nửa nhân gian…Ngày xuân và nỗi nhớ/ Quê ơi! mái nhà xưa/ Tuổi thơ ơi! một thoáng/ Sâu lắng thuở hồn nhiên…Và tôi cho đó là ngôn ngữ cảm xúc, dễ gần, dễ chạm vào nỗi niềm, tâm tư bạn đọc. Một điều nữa, tác giả Nguy Anh còn sử dụng biện pháp phép lặp cấu tứ vài khổ thơ/ toàn bài thơ để nỗi lòng, tâm tư bềnh bồng, miên man… tính đếm cả thảy mười bốn bài thơ.
Em đứng bên đời chờ ai!đợi ai! (Em đứng bên đời)
Mây trắng còn bay vũ khúc mùa xuân (Mây trắng còn bay)
Thành phố của em đẹp nhất quê mình (Đà Lạt thành phố của em)
Hãy là cánh chim câu (Như cánh chim bên đời) vv…
Nhà thơ chắc tay khi viết những bài lục bát vần điệu ngọt ngào như ca dao ( Quê nhà nỗi nhớ, Chút tình sương khói, Em người con gái tuyệt vời…) hoặc theo thể thất ngôn truyền thống nghiêm ngặt luật vần (Nói với con chim nhỏ, Còn lại sau lưng…). Đáng chú ý là thơ bốn câu, chiếm tỉ lệ hơn một phần ba tập thơ (40/101 bài) ngẫu hứng, lắng đọng nhiều ngẫm ngợi. “Ta còn chi hơi thở/ Xin ngửa mặt gọi người/ Ngàn năm ơi! Hoa nở/ Tỏa hương mộng ơn đời” (Đêm bệnh nghe mình sắp chết), “Sáng ra đường gặp sư ông/ Hỏi thăm đường đến cửa không nơi nào?/ Nhìn lên trời – đám mây cao/ Nhân gian có hỏi lối vào của không.” (Cửa không). Tuy nhiên khi xúc cảm một phía nghiêng lòng tất phải lệch một bên nên nhiều bài thơ Nguy Anh chẳng dụng công (?!) hiệp vần dù viết theo các thể thơ bảy chữ, tám chữ, năm chữ kể cả thể lục bát truyền thống!
- Ông đồ phố xuân ngồi họa thư pháp
Ở trước cổng trường Nguyễn Du
Có cô gái lặng thầm mài mực
Có chàng trai phóng bút hào hoa…(Ông đồ phố xuân)
- Em còn hí hửng làm gì
Nỗi đau vá víu một đời dày thêm
Cúi hôn tượng đá chợt thèm
Gió lùa ga vắng ai tìm bóng tôi. (Hóa đá bên đời)
- Cành đào hôm qua bạn tặng
Căn phòng rực rỡ sắc xuân
Có em nói, cười rôm rả
Bừng lên hơi ấm quê nhà. (Xuân về gác trọ)
Và xúc cảm nghiêng lòng lại chính là điểm trội vượt của người thơ nhị Bình: thơ chứa ẩn hồn nhạc. Ghi nhận về tác phẩm tiêu biểu trong môt chặng dài cầm bút cũng đã nói lên điều đó, bên cạnh những tập thơ đã in, Nguy Anh trình làng 4 CD ca nhạc phổ từ thơ của anh! Riêng trong tập thơ này có đến 7 thi phẩm được phổ nhạc: Ơi! tiếng rao đêm, Một chiều gọi tên nhau, Em đứng bên đời, Nhớ người Bình Dương, Xa rồi ước mơ… Một bạn viết yêu thơ của anh đã có nhận xét đúng, “hồn thơ và hồn nhạc gặp nhau…”
Em đứng bên đời chờ ai! đợi ai!
Ta nghe xót xa bao tháng năm dài…
…Em đứng bên đời vấp một nụ hôn
Nghe bao tiếng ca thương nhớ quê nhà…(Em đứng bên đời, nhạc Nguyễn Quang Tâm)
Chưa đi xa đã nhớ/ Người con gái Bình Dương/ Giấc mơ trong trang vở/ Biết em còn nhớ không? Kỷ niệm tràn mặt sông/ Mỗi trưa hè tắm mát…(Nhớ người Bình Dương, nhạc Mai Quảng)
Nhà thơ Chế Lan Viên, một tài năng thi ca của “Bàn thành tứ hữu” ở Bình Định (1936 – 1945), một phong cách thơ trí tuệ, triết lí của nền thơ hiện đại Việt Nam đã từng luận về thơ rất thú vị: “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”. Hiện thực tươi xanh, tình yêu – hi vọng…/ xám ngắt với bao phận người, chuyện đời lắm ưu tư, trăn trở…Trí tưởng, xúc cảm cùng tài năng, tấm lòng của người thơ mở ngõ để góp thơ cho đời. Cuộc sống không thôi mời gọi thi nhân. “Bài thơ làm một nửa” chính là xúc cảm hồn thơ! Chiều qua phố nhớ em…/ Nhớ em chiều qua phố…(Chiều qua phố nhớ em). Một chút nắng dịu dàng hôn lên má em/ Một chút gió dịu dàng hôn lên tóc em…Em yêu ơi! Làm sao ta biết được/ Em yêu ơi! Làm sao ta biết được…(Một chiều gọi tên nhau)
Một chiều nào về qua phố cũ. Một chiều đẫm kí ức – em hiện về cho nỗi nhớ cứ dâng lên, tràn vào từng câu chữ. “Một nửa” – phẩm chất thi sĩ, chất ngất tình với thơ của Nguy Anh dẫu còn dễ dãi, chưa trọn vẹn ở mặt này, mặt khác đã làm nên tập thơ với 101 bài và 20 ca khúc đáng được đón nghe, đọc, đáng được yêu mến.
Với tập thơ mới nhất “Một chiều gọi tên nhau”, Nguyễn Nguy Anh - con tuấn mã giang hồ lạc đắm đuối gọi chiều bằng cả hồn thơ!
Xuân Lộc, những ngày cuối Giêng 2014
(Bài đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Bình Dương, số 5 tháng 5/2014)