Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.000
123.197.441
 
Ngày về
Phạm Thanh Chương

                  

 

Hai từ “ ngày về” nghe thân yêu, dịu dàng và êm ái gợi cho ta nơi chốn của một thời đã sống. Ở nơi đó là quê hương, thôn làng, là bờ ao giếng nước, là dòng sông kỷ niệm … của cả một quảng đời thơ ấu. Quay về thăm lại quê xưa chốn cũ là điều ai cũng mong đợi, cũng háo hức, cũng trằn trọc với tâm trạng hoài hương của kẻ rong ruổi ở những phương trời lữ thứ. Nhưng con người còn có một “ngày về”khác mà không ai mong đợi, dù là quay về lại với Quê hương thực, nơi mà từ đó ta đã ra đi. Đó là “Ngày về với cát bụi”! Từng ngày sống là từng ngày đi lần về chốn đó, dù mau hay chậm, dù muốn hay không.

 

  SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Qui luật bất biến từ ngàn xưa đó chi phối tất cả mọi người mang xác thân tứ đại trên cõi thế dù là thánh nhân hay kẻ hiền, người ác.

   Alexander đại đế (356 - 323 BC) là thiên tài quân sự Hy Lạp thời cổ đại, đã đem hùng tài thao lược chinh phục cả một nửa thế giới. Vị Hoàng đế lừng danh, bách chiến bách thắng này xem mạng người như cỏ rác, say men quyền lực, tham đắm trong phú quý những tưởng rằng mình sẽ sống mãi với thời gian. Nhưng khi đối diện với cái chết ở tuổi tráng niên, khi mà sự nghiệp huy hoàng còn đang mở ra phía trước, ông chợt tỉnh ngộ và biết rằng : Cuộc sống vốn VÔ THƯỜNG, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, không có gì tồn tại mãi.

  Tương truyền, trước khi băng hà, ông cho nhóm họp quần thần, và huấn dụ phải thực hiện cho ông ta 3 điều:

1.      Người khiêng quan tài nhà vua đến huyệt phải là những Danh y của triều đình.

2.      Rải vàng bạc, châu báu hai bên đường khi đưa quan tài đến huyệt.

3.      Để hai bàn tay của nhà vua lộ ra ngoài quan tài.

   Khi nhà vua đưa ra ba điều ấy, cả triều đình đều băn khoăn không hiểu. Một vị đại thần đánh bạo tâu:

-        Xin Bệ hạ cho biết ba điều trên có ý nghĩa như thế nào?

Nhà vua phán :

-        Thứ nhất, bắt những Danh y của triều đình khiêng ta đến huyệt để chứng tỏ rằng khi Thần Chết đã đến, thì ngay những bậc Danh y tài giỏi nhất cũng phải bó tay. Thứ hai, rải vàng bạc, châu báu hai bên đường để chứng tỏ rằng những gì mà ta đã tích lũy trong suốt một đời chinh phạt lừng lẫy rốt cuộc cũng phải trả lại cho cõi trần nầy, không mang theo được gì. Thứ ba, để hai bàn tay ta lộ ra ngoài quan tài để thiên hạ hiểu rằng ta đã đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng thì khi ta về lại với cát bụi cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

 

  Sự sống vồn dĩ hết sức mong manh, có thể sáng nay, chiều nay, ngày mai hay tuần sau ta không còn trên cuộc đời này nữa. Môt hơi thở đi ra mà không có hơi thở kế tiếp đi vào là đã xong một chu kỳ sống. Vạn vật luôn hoán đổi, xoay vần. Dù quyền lực, giàu sang, tài giỏi đến cỡ nào cũng không thoát ra ngoài qui luật THÀNH, TRỤ HOẠI, DIỆT. Từ một vị Hoàng đế đầy quyền uy cho đến một người dân đen cùng khốn, ai ai cũng đều BÌNH ĐẲNG trước cái chết. Cái chết luôn luôn làm cho con người sợ hãi, xa lánh, con người lúc nào cũng “kết án” cái chết, xem đó như một sự kết thúc “tồi tệ”. Nhưng nghĩ cho cùng “ cái chết” là một ân huệ dành cho mọi người. Chúng ta không thể sống mãi, dòng sông dù có dài bất tận rồi cũng có lúc chảy ra ngoài biển lớn. Cái gì có khởi đầu tất phải có hồi kết thúc. Giả sử nếu như không có cái chết thì cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao ! Nhờ có cái chết nên ta trân trọng, quý hóa sự sống từng ngày !

                                 “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

                                   Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

                                                 Kahlil Gibran (Nguyễn Nhật Ánh dịch).

     Trong cuộc hành trình đơn độc của ngày về, tất cả đều bỏ lại, cả tấm thân giả tạm này. Chỉ có một thứ hành trang duy nhất ta mang theo do chính ta tạo ra, gieo cấy trong kiếp sống nầy, đó là : THIỆN NGHIỆPÁC NGHIỆP.

      Cuộc sống sẽ tốt đẹp và an lạc ngay trong kiếp đời hiện tại nếu chúng ta chia sẻ với tất cả những người sống quanh ta bằng tấm lòng nhân hậu, khoan dung, từ bi, hỷ xả.   

 

          Saigon, tháng 6.2014

                                                        

                        

 

 

 

Phạm Thanh Chương
Số lần đọc: 2173
Ngày đăng: 23.06.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng sáu lên núi ngồi nhớ - Vũ Dy
Tìm xưa duyên hải - Vũ Dy
Mùa xuân mơ những dòng sông - Huỳnh Minh Tâm
Vội vàng thế sao, Chu Trầm Nguyên Minh ! - Phan Chính
Lời cảm ơn muộn màng - Ban Mai
Đầu Xuân - Biết Thở để sống Thọ - Nguyễn Nguyên Phượng
Mùa xuân trên đỉnh bình yên - Huỳnh Minh Tâm
Xuân Ngọ về, Mã Đáo Thành Công! - Nguyễn Nguyên Phượng
Chuyện về Ngựa và chuyện đời Thúy Kiều - Nguyễn Nguyên Phượng
Mạn Đàm chuyện Đổi Tết Dời Xuân - Trần Kiêm Ðoàn