Sau 5 năm ngày NSND Phùng Há ra đi (5/7/2009-5/7/2014 ), tại TP HCM nhiều nghệsĩ đã có những sinh hoạt tưởng niệm, ghi nhớ công lao to lớn của một trong những nghệ sĩ đã dành tròn cả đời mình để góp phần xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu cảilương Việt Nam, đồng thời đào tạo được hàng trăm nghệ sĩ tài danh trong ba thế hệ nghệ sĩ. Dịp này, soạn giả Kiên Giang viết trên tấm liễn mạ vàng bài thơ: “Đường nghệ thuật đi hoài không tới/ Dốc vinh quang luôn khắc chữ Tâm” để đặt tại bàn thờ của người chị tinh thần mà ông tôn kính từ thời Hội Ái hữu nghệ sĩ mới thành lập. Ông nhắc lại ký ức :“Khi còn là đào chánh cho đến lúc về chiều nương thân cửa chùa, NSND Phùng Há đã luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu trong bất cứ những công việc liên quan đến nghề hát và những hoạt động xã hội do bà khởi xướng".
NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, thường được giới yêu chuộng nghệ thuật sân khấu gọi là Cô Bảy Phùng Há, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Bà có một tuổi thơ khá cơ cực, nhưng nhờ có giọng ca thiên phú, dễ thu hút lòng người, nên được ông bầu của gánh Tái Đồng Ban phát hiện mời bà tham gia với vai trò đào để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Vai diễn đầu tiên nghệ sĩ Phùng Há thể hiện khi mới chỉ 13 tuổi là vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ Qui Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Đến năm 14 tuổi, bà bắt đầu hát vai chính với nhiều dạng vai khác nhau, từ bi, hài đến cả những vai kép võ. Vai đào chính đầu tiên mà Phùng Há thể hiện là vai Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Không lâu sau đó, Phùng Há lần lượt đóng vai chính qua nhiều vở tuồng để đời như: Tái Sanh Duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân,... Đặc biệt, trong tuồng Phụng Nghi Ðình, khi Phùng Há hát vai Lữ Bố, thì cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga hát vai Ðiêu Thuyền, một nhà thơ đã tặng cho nghệ sĩ Phùng Há mấy câu thơ :Ấy mới tài! Ấy mới duyên!/ Lẵng lơ Lã Bố Hí Ðiêu Thuyền/ Ai hay Lã Bố là cô ã/ Ðã quyết tao...Phùng...Há dám quên!
Thời kỳ đỉnh cao của sân khấu, NSND Phùng Há thường diễn chung với NSND Nguyễn Thành Châu, Tư Út, Tư Thạch, Từ Anh, Ba Du, Duy Lân, Năm Phỉ... Bà từng chia sẻ: “Vai diễn nào tôi cũng thích dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Là diễn viên phải diễn tròn vai và hết khả năng, nhiệt tình để gởi đến khán giả”.
Năm 18 tuổi, NS Phùng Há lập gánh Huỳnh Kỳ, nhưng không bao lâu rã gánh, bà tiếp tục đầu quân cho các gánh hát: Năm Tú, Trần Đắc, Phước Cương, Phi Phụng. Sau đó, NS Phùng Há tự lập các gánh hát: Phụng Hảo (1946), Tam Phụng Hảo (1948), Việt kịch - Năm Châu (1949), Phụng Hảo 5 (1950)... lưu diễn khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, thậm chí còn sang Hồng Kông, Pháp biểu diễn.
Năm 1948 - 1949, NS Phùng Há cùng soạn giả Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu lập Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế (nay là Ban Ái hữu nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TPHCM). Năm 1963, sau lần đi Pháp về, NS Phùng Há tham gia giảng dạy tại khoa diễn viên cải lương, Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ tài danh: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Thanh Hoa, NSƯT Nam Hùng...
Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, trong kịch bản Đời cô Lựu, Phùng Há lại cùng góp mặt với các nghệ sĩ: Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Nam Hùng, Hoàng Ấn, Văn Lâu, Tư Hề, Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Tố Nữ... Đoàn cải lương Sài Gòn 1 sau đó cũng được thành lập, gồm các nghệ sĩ tài danh với những kịch bản nổi tiếng một thời: Sân khấu về khuya, Phụng Nghi đình, Mạnh Lệ Quân, Bình Tây đại nguyên soái, Người ven đô, Ngao Sò ốc hến (chỉ đạo nghệ thuật Ba Vân, Phùng Há và trưởng đoàn Nguyễn Đạt). Cuối tháng 12-1976, bà và nhiều nghệ sĩ miền Nam thuộc Đoàn văn công thành phố, và Đoàn hát bội thành phố được mời ra thủ đô biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng. Cũng với lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền, nhưng lần này bà chọn Út Bạch Lan vào vai quan tư đồ và NS trẻ Tô Kim Hồng vào vai Điêu Thuyền.
Tuy nhiên, thời gian không lâu sau, do cảm thấy mình đã tuổi cao, sức yếu, Phùng Hà rời bỏ sân khấu. Bà tặng bộ giáp Lữ Bố đã gắn bó nhiều năm với vai diễn và tên tuổi của bà cho Bảo tàng TP. Bà cũng đã tặng tất cả y trang áo mão gồm 163 món mà trước ngày giải phóng bà đã mua ở Hong Kong để đoàn cải lương Sài Gòn 1 dựng hai vở: Phụng Nghi đình và Mạnh Lệ Quân. Toàn bộ trang phục, đao kiếm bà tặng cho đoàn hát Tiền Giang để xây dựng một vở tuồng sử.
Từ đó, bà dành hết tình yêu nghề cho học trò, truyền dạy cải lương ở Trường Nghệ thuật sân khấu II, bây giờ là Trường Sân khấu - điện ảnh thành phố. Năm 1979, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khai giảng khóa đầu tiên đào tạo nghệ sĩ trẻ, bà đã nhận lời giảng dạy và đã có nhiều nghệ sĩ thành danh từ lớp học này. Mặc dù có những lúc gián đoạn vì sức khỏe, nhưng tiếp tục truyền nghề cho một số lớp nghệ sĩ đến năm 1995. Về sau bà chỉ chuyên tâm vào công tác cứu trợ và đeo đuổi ước mơ xây “ký nhi viện” cho con em nghệ sĩ, sau khi đã gầy dựng được Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TPHCM và đóng góp, sáng lập nên Chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ tại Gò Vấp, TPHCM.
Về đời sống tình cảm, Cô Bảy Phùng Hà không phải là một phụ nữ may mắn, thậm chí là phải trải qua nhiều bi kịch gian truân. Bà từng gắn bó với nhạc sĩ Tư Chơi (tức là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung), Bạch công tử (Lê Công Phước, thường gọi là George Phước), kỹ sư Nguyễn Hữu Bửu, đồng thời là một đại điền chủ ở Trà Vinh ( cha ruột của tướng Nguyễn Khánh - từng là thủ tướng Việt Nam Cộng hòa)... Tuy nhiên, trong những mối tình này, Phùng Há thường tự hào và sâu nặng với Bạch Công Tử, người chồng thứ hai, vốn cùng với Hắc công tử (tức Ba Huy, còn gọi là công tử Bạc Liêu) để lại nhiều giai thoại độc đáo nay đã đi vào đời sống văn hóa dân gian miền Nam.
Trong hồi ký của Phùng Há, bà có vài đoạn kể lại, “minh oan” cho những giai thoại chơi ngông của chồng và công tử Bạc Liêu: “Không có chuyện hai công tử đốt tiền thách đố nhau – Hào phóng như công tử Bạc Liêu đi xe ngựa, vẫn chờ lấy lại tiền thối. Trước khi về sống chung với cậu Tư, tôi có nghe chuyện thêu dệt như cậu đốt tiền nấu chè, thi thố với cậu Ba Huy coi ai có đủ tiền đốt để nấu nhừ đậu xanh trong nồi trước. Hay như chuyện trong lúc xem hát, cậu Ba Huy phải ngồi chồm hổm xuống nền xi măng tối thui để mò mẫm tìm lại tờ con công (năm đồng bạc) vừa rớt và bị cậu Tư làm bẽ mặt bằng hành động móc tờ tiền “oảnh” (hai chục bạc) đốt làm đuốc soi sáng: “Nè, để moa cho toa mượn cây đuốc. Cậu chỉ cười: “Đó chỉ là những chuyện thêu dệt. Tôi đâu có phí phạm tiền của để chơi ngông, chứng tỏ mình giàu có một cách vô học như vậy”. Sống với cậu Tư nhiều năm, tôi cũng biết cậu Tư là một người từng học trường Tây, tính tình điềm đạm, chắc chắn không thể nào hiếu thắng đến độ có thể tham gia một cuộc thi thố vô bổ, không trí tuệ như vậy được. Dù là một người ăn chơi bạt mạng, nhưng cậu thấy ai nghèo khó sẵn sàng giúp đỡ không hề suy tính”. Trên sân khấu, Phùng Há và Năm Châu là một cặp đôi tài sắc ăn ý, được khán giả yêu chuộng. Nhưng suốt đời, đối với họ, vẫn là một mối tình dỡ dang. Sau ngày NS Năm Châu qua đời (1977), cô Bảy Phùng Há kể lại: "Ngày đó khi tôi lấy chồng (1929), ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh Phụng Hảo, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi, không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh... Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy, cũng bằng không thôi, số phần đã vậy rồi"./.
Ảnh: Cô Bảy Phùng Há thời tuổi trẻ trên sân khấu