Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.208
123.151.677
 
Ba tháng – Mười bốn năm và những cuộc thiên di
Trần Hoài Anh

         

 

     Không phải ngẫu nhiên, trong lời giới thiệu về hành trình sống và viết của mình trong cuốn sách Nước Mỹ có gì vui?, Nguyễn Hữu Tài đã thành thực bộc bạch một cách không ngần ngại: “Tôi bắt đầu viết vào tháng Mười và đến cuối tháng Mười Hai năm 2013 là xong bản thảo. Cuốn sách này không nằm trong dự tính, bởi tôi định viết một truyện ngắn về Sài Gòn. Nhưng có lẽ đã đến lúc tôi định viết thêm một chút gì cho nước Mỹ sau Cô đơn thẳng đứng và tìm một sự khác biệt trong văn chương của tôi. Ba tháng, không dài, nhưng để tái hiện lại vài chục chuyến đi của mười bốn năm quả là điều không dễ, nhất là tôi còn phải đi làm kiếm sống và đi đó đây thăm bạn bè. Nhưng thời gian ngắn không có nghĩa sẽ cho ra đời một cuốn sách hời hợt, qua loa, lên mạng tìm thông tin rồi... bịa, cũng không phải tỏ vẻ ta đây là tôi đã đi rất nhiều để đổi lại sự ngưỡng mộ” (tr. 17)

    Quả thật, lời tự thú của Nguyễn Hữu Tài không phải chỉ để lấy lòng độc giả hay biện minh cho lao động sáng tạo nghệ thuật của nghề văn, vốn là một nghề không bao giờ chấp nhận sự giả tạo và cẩu thả. Bởi nói như nhà văn Nam Cao: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện”. Vì vậy, có thể xem lời trần tình của Nguyễn Hữu Tài là sự tự thức của nhà văn, tuy trẻ nhưng rất có ý thức tự trọng về trách nhiệm của người cầm bút. Nhất là trong thời buổi văn chương nhốn nháo này, khi ai cũng có thể tự phong cho mình là nhà thơ, nhà văn, thì điều ấy lại càng có ý nghĩa và rất đáng trân quí.

     Như vậy, để có ba tháng viết cuốn sách này, tác giả phải mất mười bốn năm “lang bạt”, “rong chơi” tiếp bước Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường để “xê dịch”, để “trải nghiệm”, tích lũy vốn sống làm dự phóng cho những sáng tạo của mình. Và hành trình của sự nghiệm sinh này bắt đầu bằng một cuộc thiên di khi tác giả phải đớn đau rời xa Tổ quốc; Quê hương, xa những người thân yêu nhất của mình trong một cuộc chia ly đẫm đầy nước mắt “Nội tôi khóc. Ba tôi khóc. Má tôi khóc. Anh chị tôi khóc. Bà con họ hàng khóc. Cháu tôi, những cô bé lên ba chưa hiểu hết hai chữ chia ly, bật khóc. Tôi cũng khóc. Tất cả mọi người cùng khóc như đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài gốc me, gốc mít, hốt hoảng không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai. Tôi cầm tay má áp lên mặt mình. Bàn tay khô ráp, chai sạn gian truân. Muốn níu kéo phút giây này thêm chút nữa. Một chút nữa thôi. Một chút nữa thôi mà. Rồi sẽ xa vạn dặm.” Và “đó là thời khắc buồn nhất trong đời tôi mà tôi từng chứng kiến” (tr. 23, 24). Và cũng từ đây, Anh bắt đầu “những chuyến thiên di dằng dặc của đời mình” (tr. 25). Cái thời khắc bắt đầu cho một chuyến đi, một hành trình sống nhưng cũng bắt đẩu cho những hoài niệm về một quảng đời mà anh không thể nào quên trong cuộc sống của mình. Bởi nó là một phần máu thịt của tâm thức, tâm cảm của anh. Chính vì vậy, đối với Nguyễn Hữu Tài cuộc thiên di ấy không hẳn là ra đi, là tìm hiểu, là khám phá những gì khác lạ / mới lạ / xa lạ của một nước Mỹ ở tận bên kia đại dương xa xôi “nơi đã dang rộng vòng tay cưu mang chúng tôi suốt mười bốn năm viễn xứ. Dù có yêu hay ghét đất nước này đi chăng nữa, dù nước Mỹ đã lấy hết của tôi những năm tháng tuổi trẻ và bao ấm êm của cuộc sống gia đình, thì có một sự thật không thể nào chối cãi được, không có nước Mỹ, tôi chẳng là gì cả. Nước Mỹ, đã là một phần đời không thể thiếu trong tôi.” ( tr.19) mà đó còn là một cuộc trở về / tìm về / nhớ về Tổ quốc mình; Quê hương mình; Đồng bào mình; Tổ tiên mình; Cội nguồn mình. Chính vì vậy, dẫu mười mấy năm xa quê, khi ngồi trên băng ghế gỗ của Riverdale Station, “nhìn đường ray xe lửa, như một kẻ đợi tàu... Mười mấy năm nay, tiếng còi tàu vẫn chưa một lần thay đổi, nó luôn buồn, da diết, làm mềm lòng những kẻ tha hương. Sân ga bao giờ cũng dàu dàu chút gì khó tả, niềm cô đơn của kẻ lữ hành đứng đợi để tới miền đất khác, làm lại cuộc đời, hay sự hân hoan của kẻ đang háo hức về nhà, gặp lại gia đình, người thân, ăn một bữa cơm, rồi ngủ vùi chăn chiếu. Mười bốn năm làm kẻ... ngắm tàu, cũng ngần ấy năm tôi nghĩ về thân phận, cuộc đời và những mất mát mình đã gặp.” (tr.48) Chính vì nỗi nhớ quê cháy lòng đến thế mà tác giả muốn “Chạy khỏi thị trấn này, tiểu bang này, đất nước này để về lại Ninh Hòa êm ấm, làm lại đời mình. Cũng như thèm một chén chè trôi nước ngày xưa má nấu, lật đật mua bột về làm, rồi bần thần bởi mùi vị cứ sao sao, không như ngày cũ.” (tr.49)

   Đọc Nước Mỹ có gì vui? của Nguyễn Hữu Tài, cái cảm giác thiên di giữa Đi – Về ấy luôn ám ảnh anh như một tâm thức hiện sinh. Nó trở thành cảm hứng chủ đạo trong các câu chuyện kể của anh. Và như một dòng sông lặng lẽ, tâm thức thiên di giữa Đi – Về ấy có lúc êm đềm, thanh thản, có lúc dữ dội, thét gào chảy giữa đôi bờ tâm tưởng của anh. Vì vậy, khi đến Washington D.C nhìn những người mẹ, người cha, người vợ, người con đến sờ lên bức tường đá khắc tên những người lính Mỹ đã nằm xuống ở chiến trường Việt Nam để “tìm tên người thân của mình, đặt vòng hoa và lặng lẽ khóc. Gần bốn mươi năm, nước mắt chưa bao giờ ngừng rơi tại nơi này”, Nguyễn Hữu Tài lại nhớ đến nỗi đau của đồng bào mình, dân tộc mình “ở bên kia bờ đại tây dương, nước mắt vẫn rơi trước những nấm mồ của người lính hữu danh, lẫn vô danh, rải dài từ Nam chí Bắc” (tr.55).

      Không chỉ nhớ đến những mất mát đau thương của dân tộc mình, tâm thức của cuộc thiên di giữa Đi - Về ấy còn hằn sâu trong kí ức của anh về các vùng quê Việt Nam yêu dấu mà anh đã đi qua. Đó là hình ảnh một Sài Gòn hoa lệ sống dậy qua những câu hát cải lương của Nữ nghệ sĩ Phượng Liên vang lên ở một thành phố của xứ sở ngàn hồ ở Minnesota. Và “Giữa thành phố xa lạ này, nghe cô xuống xề vọng cổ, nước mắt trào ra, ươn ướt. Nhớ lại cái máy cassette cũ mèm má nghe kinh Phật và mấy tuồng cải lương mùi mẫn năm xưa. Nhớ Sài Gòn nhiều năm về trước, hai đêm liền tôi vô rạp Hưng Đạo nghe cô Phượng Liên khóc cười với cô The trong nửa đời hương phấn, lúc giả từ bà Sáu trước cổng thiền môn” (tr.125) Hay trong Khúc luân vũ của gió Corpus Christi khi đi dọc bờ biển ở Ocean Boulevarrd tác giả lại nhớ đến những chiều quê Nha Trang “Nơi mà ngày đi học, chúng tôi chưa quen biết nhưng có thể cùng đi chung một đoạn đường, ngồi trên ghế đá ở Nha Trang để ngắm mặt trởi xuống núi, để lãng đãng ước mơ về một tương lai xán lạn, vào Sài Gòn học tập, đi Âu, đi Mỹ kiếm bằng cấp, có đủ tiền ngao du cùng trời cuối đất.” (tr.135) Hay khi ghé Nashville, nghe một khúc Country trong những cơn mưa không dứt của xứ sở này “Tự nhiên tôi nghĩ về kinh thành Huế, cũng những cơn mưa lê thê, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, đôi khi cả tháng vẫn chưa chịu ngừng, làm nổi trôi bao phận đời nghèo khổ” (tr.209)

   Nhưng có lẽ cuộc thiên di giữa Đi - Về trong tác phẩm này chính là tâm thức đi / về giữa những vùng quê xa xôi của nước Mỹ, nơi tác giả đang hiện hữu từng ngày và Ninh Hòa, nơi tác giả đã từng có những năm tháng tuổi thơ đẹp như giấc mơ và bây giờ lại từng ngày đi / về trong nỗi nhớ xa mờ... Thế nên, khi đến một nơi nào của Nước Mỹ dẫu tráng lệ và uy nghi vẫn không làm tác giả quên được cái vùng quê Ninh Hòa yên bình thơ mộng của mình. Đến Stenvens Point, nơi sản xuất sữa và bơ nổi tiếng nhất nước Mỹ, nơi có “những nông trại nuôi bò hai bên đường. Chạy cả buổi mà đồng cỏ cứ mãi xanh chưa thấy hết.” (tr.105) Khi cùng đi với Châu, cô bạn gái ngày xưa ở Ninh Hòa, ngồi bên dòng Wisconsin, nỗi nhớ quê hương và những hoài niệm tuổi thơ lại ùa về sống dậy khắc khoải, mãnh liệt trong tâm hồn... “Hai đưa lấy đá chọi nước coi thử hòn nào nhảy nhiều hơn, y chang hồi con nít, tan học là ào ra bến sông Dinh chọi chim chọi cò, chọi đá, bắn nước tung tóe lên trời. Tuổi thơ êm đềm bên má giờ không còn nữa. Mười lăm năm của Châu và mười lăm năm của tôi, Mỹ đã lấy mất những thơ ngây, nông nổi và cả tình yêu lãng mạn đầu đời.” (tr.109). Và những cơn gió nóng hầm hập của Corpus, một thành phố đầy gió cũng làm anh nhớ đến những cơn gió “khô khốc, cháy thịt cháy da, như trận Nam non, Nam gù của Ninh Hòa những ngày tháng Sáu.”(tr. 132) Hay một bữa cơm mang đậm chất văn hóa ẩm thực Việt trên xứ người, khi tác giả đến downtown Seattle thăm bé Son, “Son nấu đãi chúng tôi một bữa cơm nhà, có canh cua cá da trơn, thịt gà hấp lá chanh và cá thu sốt cà kiểu Ninh Hòa... một bữa cơm nhà làm ấm lòng những kẻ xa quê” ( tr.170). Đọc những dòng tâm sự này ta mới thấu cảm cái tình quê, hồn quê thấm đẫm trong những trang văn của Nguyễn Hữu Tài như thế nào!?

   Và sự kết tinh tâm thức Đi – Về trong những cuộc thiên di của Nguyễn Hữu Tài là khi anh nhận ra có một Ninh Hòa ở miền Lake Worth. Chứng kiến những cơn mưa bất thường của xứ sở này, anh lại nhớ đến những cơn mưa ở Ninh Hòa ngày nào và những món ăn không thể thiếu ở những ngày đông của quê hương, “Trời vẫn cứ lê thê, y chang cơn mưa chín chiều dai dẳng của Ninh Hòa xứ Nẫu. Không có ếch nhái ễnh ương uỗm à uỗm ệch nhưng cóc cọt thì đầy sân... Mười mấy năm rồi mới thấy lại loài vật ghê gớm tôi sợ nhất này đây. Chắt lưỡi. Phải chi siêng một chút, có giá, có bột đúc mâm bánh xèo đúng chất Ninh Hòa là hết sẩy.” (tr.285) Hay hoài niệm của tác giả khi ngồi trước biển của vùng Ocean Boulevard chạnh nhớ về vùng biển “vô cùng quen của dải biển miền Trung quê nhà.” “Tôi nhìn Bic. Bic nhìn tôi. Không cần nói, cũng biết là đang rất nhớ nhà. Cứ như đang ngồi ở Dốc Lết, Ninh Hải, Ninh Diêm, cách Ninh Hòa mười mấy cây số...” (tr. 291)

   Và nỗi nhớ kết tinh của cuộc thiên di giữa Đi – Về trong trong tâm thức của Nguyễn Hữu Tài là tiếng vọng thao thiết đối với quê hương luôn hằn sâu trong tâm cảm của anh. Nó trở thành một mã nghệ thuật trôi trong những trang văn đầy khắc khoải và day dứt của nỗi cô đơn phận người luôn ám ảnh không chỉ anh mà ám ảnh cả những người Việt xa xứ: “Mang kiếp thiên di, sống xa nhà, nhìn người ta ấm áp, vui cười, đôi lúc cũng chạnh lòng, thèm một bữa ăn gia đình đúng nghĩa. Thấy mình như kẻ giữa dòng chới với, không biết đi về phía bến bờ nào. Bên kia là nhà, bên này là chỗ trú thân. Người ngồi đây, nằm đây, đứng đây, nhưng vía hồn đâu đó bên kia bờ đại dương xa thẳm. Đôi khi cũng trách mình, mười mấy năm trước không chịu mở lòng hòa nhập với cuộc sống và nền tảng văn hóa mới, để bây giờ, ở cái tuổi ngoài ba mươi. Đã là quá muộn.” (tr.317)

    Và phải chăng vì sự trăn trở và day dứt này mà những người Việt xa xứ luôn đau đáu một tấm lòng trở về với quê hương đất nước, trở về với cội nguồn tiên tổ. Đây là một phẩm chất, một giá trị trong nhân cách văn hóa Việt. Đó cũng là điều tôi cảm nhận và muốn chia sẻ cùng Anh, một người luôn canh cánh bên lòng hình ảnh của quê hương đất nước để viết nên những trang văn đẹp, sang trọng và đầy ám ảnh này. Cảm ơn anh, cảm ơn Nhà văn Bích Ngân đã giới thiệu cuốn sách này cho tôi để tôi đến với nó như một tri âm. Bởi cũng như Nguyễn Hữu Tài, tôi là người đang sống tha hương nên  tìm thấy nỗi lòng mình trong những trang văn đầy ắp tình quê của anh. Và tôi hoàn toàn cảm thông với tâm trạng của anh khi anh trải lòng rằng: “Đôi khi cũng muốn lên mạng, book vé cho một chuyến bay xuyên đại dương dài hơn hai mươi bốn tiếng, đưa tôi về Sài Gòn, ngồi coffee bean, uống một ly mocha ice – blended không Whipped cream, nhìn con đường có lá me rơi đầy trên tóc, ngắm dòng người chật chội, hối hả lúc tan tầm và nghe tiếng chuông nhà thờ Đức Bà bình lặng. Sẽ về Ninh Hòa ấm áp một bữa cơm nhà, có cơm với canh chua cá liệt vò lá me và món mắm ruột kho ba chỉ kèm cà dĩa ngon nhất quả đất, ngủ một giấc thật dài, không mộng mị. Sẽ mang hoa ra mộ ba má, thắp nén nhang và khóc như một đứa trẻ dại khờ, thiếu tình thương sau bao năm trời viễn xứ”. (tr.318)

     Thế mới biết quê hương trong mỗi con người thiêng liêng đến dường nào nên không thể có hai!? Và cái điều nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết luôn là một hằng số văn hóa:

         “Quê hương mỗi người chỉ một

          Như là chỉ một mẹ thôi

          Quê hương có ai không nhớ...”

 

                  Xóm Đình An Nhơn

               Gò Vấp, ngày 26/3/2014

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2639
Ngày đăng: 11.07.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thể tính hiện sinh và thời gian trong Đoạn - Trường - Tân - Thanh của Nguyễn Du - Võ Công Liêm
Mi và thượng đế - Nguyễn Hồng Nhung
Phương thức - Võ Công Liêm
Quan hệ văn học và tôn giáo nhìn từ khuynh hướng phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Hy Lạp - Võ Công Liêm
Cảm thứ Tha-Ngã Luận [KÌ 11] - Phạm Tấn Xuân Cao
Trích dẫn văn của Camus trong bản dịch "Kẻ xa lạ" (Dựa Vào Những Lời Giới Thiệu Giúp Thấy Rõ Triết Lý Hiện Sinh Thời Đào Sâu Tính Phi Lý) - Trần Văn Nam
Dục tính trong truyện của D.H.Lawrence(1) - Võ Công Liêm
Về bản chất - Nguyễn Hồng Nhung
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 10] - Phạm Tấn Xuân Cao
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)