Những khuynh hướng triết học thần học châu Á chỉ ra sự sống là gì đời sống là gì, nhưng những khuynh hướng triết học, thần học châu Âu chỉ ra mức độ cao hơn và cụ thể hơn của đời sống tinh thần dành cho con người: chuẩn mực đạo đức để sống, thông qua một mẫu mực đã chuẩn hóa của thời hiện đại: Jezus - đức tin Thiên chúa giáo.
Bởi vậy tôn giáo ở châu Á như một lối sống, và tôn giáo châu Âu như một lối tư duy. Những tư tưởng thần học trong đời sống người chỉ ra ý nghĩa tinh thần vô hình bên trong của các hình ảnh vũ trụ mà chỉ thông qua các phân tích tương đồng mới hiểu nổi.
Càng ngày càng thấy HIỆN THỰC HÀNG NGÀY của thời đại này đúng như bác Hamvas Béla đã viết trong Câu chuyện vô hình: tất cả đều lộn ngược. Ngày hôm nay muốn hiểu đúng tất cả, hãy lộn ngược sự vật lại.
…..
Khi viết xong về Hiện Sinh Giả mình đã vô cùng nhẹ nhõm, vì đã nhìn ra bản chất của hiện tượng này. „Giáo Chủ” hiểu và chia xẻ, một người hiểu đúng như mình muốn nói, rằng, điều mày nói có thật và đúng.
Lúc này hiểu tại sao có lúc GC bảo” Kể cả khi NHN không tự tin vào chính bản thân mình, vẫn thế”- Tại sao người ta lại không tự tin vào chính bản thân mình? đâu phải vì sự nhún nhường, sự khiêm tốn, nỗi lo lắng hoang mang (một chút) có trong nó, mà vì sau một sự thật bị phát hiện, thường nó không nhận được sự đồng tình.
Tại sao không nhận được sự đồng tình từ người khác? Vì con người rất SỢ bị bóc trần. Đúng thế! con người thường”Ngại” sự thật – theo kiểu tốt nhất nên tránh xa và đi vòng- bởi lửa rất nóng, chỉ táp thôi đủ cháy xém luôn, ít nhất là vài sợi tóc!
Nhưng đó lại chính là một dấu hiệu của sự thật: được thừa nhận một cách vô hình, một cách lặng lẽ, một cách tự thân, từ bên trong mỗi một con người. Bởi trong con người có lương tâm, cán cân công lý, ông thày tỉnh táo nghiêm khắc luôn nhìn xem con người đang làm những gì. Và con người sợ nhất là lương tâm!
Bởi vậy có thể hiểu được nghịch lý của đời sống, của tình yêu, của cái Đẹp, cái Bi: hai mặt của đời sống hiện hữu: cái chết và sự có. Cùng lúc phải chấp nhận cả hai nên (tốt nhất) con người im lặng. Đây là bản chất của tĩnh lặng khi thiền, khi yêu, khi…sống. Trạng thái ngày sống cụ thể của mày phụ thuộc vào việc mày nhìn sự vật ở khía cạnh nào: đẹp, bi, hùng, hay…rỗng, khi đó mày sẽ biết MỨC ĐỘ đã đạt tới của mày. Tuyệt lắm! R-Ỗ-N-G là đúng nhất. (2014. április 27.)
…..
Vậy mà con người vẫn cứ gục ngã. Bởi tình yêu, bởi xúc cảm, bởi sự nhậy cảm. Khi vẫn yêu (dù ảo tưởng, dù vớ vẩn dù…chẳng để làm gì), con người luôn luôn gục, bởi một cái gì vẫn ngầm trong đó kêu lên: Szeretlek. I love you! Je t'aime! Là cả đôi bên bờ biển mênh mang, chao ơi, mệt nhoài. Vô hình. Đấy mới là hiện thực. (2014.04.29)
….
Hôm qua dịch Scientia sacra có mấy điều khiến mình suy nghĩ mãi chưa xong: Mối quan hệ giữa Thượng đế và Jezus: như con người với Thượng Đế, con người biết đến Thượng Đế riêng, như một cái gì „không tồn tại” nhưng đồng thời biết đến Thượng Đế ngay trong bản thân nó. Điều Hamvas viết, bao giờ cũng rất giản dị, bởi nó là sự thật, nếu mi chưa hiểu hết, bởi trực giác tâm linh của mi chưa soi rọi hết, nhưng ngẫm nghĩ đi, có một phút tất cả sẽ lóe sáng. Đấy là sự sống: vĩnh cửu vô tận, nhưng đồng thời một lần và duy nhất.
Từ nhận thức về con người chẳng có diễn biến gì tiếp theo, nhưng từ nhận thức về Thượng đế tất cả sẽ tiếp theo diễn biến. (Scientia sacra III).
Tuyệt! Có lẽ sự trống rỗng mơ hồ lúc nào cũng ẩn nấp trong con người chính là sự thiếu hụt nhận thức này, nên con người mất phương hướng, không tìm thấy trung tâm của mình, cứ quay như chong chóng để tìm cách”lấp đầy” sự trống rỗng này. Và cuối cùng, lấp bằng cái Tôi chủ quan hẹp hòi và hoàn toàn bị dẫn dắt sai đường ( 2014. május 6.)
……
Chiều nay hiểu ra một điều quan trọng, suy nghĩ mãi và cuối cùng khẳng định, mày hãy nhớ lấy nhé, hỡi Nhung: cái tôi riêng của từng con người”đây, tôi đây” chính là sự đồng nhất thượng đế. Nghĩa là, thượng đế chính là cái riêng của từng người: quá trình đời sống của nó, và cùng lúc là cái chung của tất cả mọi người: cái Chết.
Thế mới tuyệt chứ! con người chỉ cần ghi nhớ điều duy nhất: sự đồng hóa duy nhất của nó với thượng đế. Và không là gì khác, ngoài là sự sống và cái chết của chính nó, đấy là Thượng đế, là vũ trụ, là con người. Nên nó chỉ có một lần duy nhất vì thế, và tự do, vì chả ai giống nó.
Vậy thì mặc xác tự do của thằng khác, Ta không cần”chãnh chọe” với mày làm gì cho mất thời gian của ta. Hahahahaha….
Và bác Hamvas nói điều này tuyệt nữa: sự đồng nhất chỉ có khi con người trong sạch, thẳng và mở. Còn tất cả mọi đức tính khác kể cả tình yêu thương cũng không cần „xía vô”, không được phép quấy rầy sự đồng nhất này.
Đây chính là chìa khóa để mở các mối quan hệ người với nhau đây: tự do bằng nhau, ai cũng là Thượng đế (riêng) của chính mình, vậy cần (chung) như thế nào với nhau cho (đỡ bực mình) với nhau đây? đây mới đúng là câu hỏi cần phải nghĩ thật kỹ.
Nhưng hiểu ra sự đồng nhất này, không cần quỵ lụy thằng khác (thượng đế riêng) khác làm gì, vì….không cần thiết. Duy nhất chỉ có một sự đồng nhất thôi mà: mày và thượng đế. Nhớ nhé. Không được để thằng khác quấy rầy sự đồng nhất duy nhất của mày với thượng đế. Hết. (2014. 05.06)
…..
Dịch tiếp Scientia sacra, ngạc nhiên sao những dòng chữ có thể thuần túy tinh thần đến thế, không liên quan gì đến bất kỳ góc cạnh nào của cái đời sống đang xảy ra bên cạnh mày?
Thảo nào đôi khi mày không tập trung tư tưởng để dịch được.
Vì một ngày của mày xuất phát từ một nhu cầu hàng ngày cụ thể, con người cụ thể, việc làm cụ thể ( làm cái này cái kia, đứng lên ngồi xuống, đi, quay về, đi...…)
Thảo nào mày không hòa liền một mạch với tư tưởng của trang sách.
Làm thế nào để hòa vào bây giờ? Có lẽ kẻ theo đạo phải đọc kinh vì thế? để dẫn dắt tập trung tư tưởng. Thảo nào! ( 2014.05.08)
……
Sửa lại „Câu chuyện vô hình và Đảo” để tái bản. Đây là cuốn tiểu luận đầu tiên và duy nhất được xuất bản khi Hamvas Béla còn sống. Bởi vì sau đó ông chỉ viết”cho cái ngăn kéo”, những kẻ ghen tức nhân danh thể chế đã”bịt miệng –trói tay” ông lại, mà không hiểu bản chất của vấn đề: đằng sau mọi hiện hữu là một vô hình bất tử.
Đọc lại thấy một câu tuyệt vời: Những gì được ghi trên những trang giấy chỉ là kỷ niệm của con người, biệt lập với vinh quang.
Thượng đế không cần đến chữ-hahahaha…(con người, sinh linh duy nhất biết đọc và viết cứ tưởng bở! hahahaha…)
Hamvas Béla luôn luôn quay lại điểm xuất phát: con người là bản sao của linh hồn Thượng đế, bản chất con người là tinh thần siêu việt, biết vượt qua giới hạn vật chất của đời sống quy định chính nó. Chỉ xuất phát như vậy mới phân tích và hiểu được đời sống người ở mọi góc độ, nhất là phân tích được sự thoái hóa, hư hoại của đời sống người hiện đại.
Đọc những phân tích của Hamvas Béla về sự khác biệt giữa ngày Lễ và ngày Thường, giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất, sẽ hiểu bác muốn gửi thông điệp gì: HÃY TỈNH TÁO. Bởi thế gian chỉ có các mức độ. Tính táo mới hiểu được Yêu Cầu vô hình của chúng.
Thực ra về Mức Độ ai cũng quá biết. Thậm chí họ tìm kiếm. Một cách tội nghiệp. Họ quy định, một người nên có bao nhiêu đất, bao nhiêu tiền. Giới hạn của cải vật chất nhỡn tiền được đẩy đến mức độ cao nhất. Bằng mọi sự khéo léo, mọi giá, một cách không mệt mỏi, như thế cán cân nằm ở của cải vật chất. Thực chất sự vật nhiều hơn thế. Ai có thể kiểm tra nổi kẻ nào dấu cái gì trong bản thân nó cái không phải của nó? Đây là vấn đề trách nhiệm của con người. Giới hạn là: cái được phép đến chừng ấy. Quá hơn ngần ấy, cấm. Sự tỉnh táo thánh thần xác định rõ mức độ vi phạm, chẳng ai không phải trả giá cho sự vi phạm này.
Khi Hamvas Béla nói đến việc CẤM bạo lực, trong mọi hình thức và khả năng, ông viết mới tuyệt làm sao:
Bạo lực luôn luôn tiêu cực. Nhưng mang ý thức và từng nấc bước ra khỏi bạo lực đến lúc xảy ra hậu quả cuối cùng nhân tố tích cực sẽ xuất hiện. Khi nhân tố tiêu cực hấp hối, tự nó sẽ bắt đầu tách ra khỏi nó và sản xuất ra nhân tố đối kháng. Sự đối kháng này liên tục lớn lên. Và khi cái tiêu cực đạt đến điểm đỉnh, trong một nháy mắt nó biến đổi và chuyển ngược trở lại. Cái tích cực nổ ra từ đó. Đây là đặc tính Phoennix của sự sống. Bạo lực cần phải bị tiêu diệt. Lửa đốt nó cháy hết. Nhưng nó sẽ sống dậy từ tro tàn.Giờ đây không phải THỰC THỂ ĐẦU TIÊN nữa, không phải sai lầm và thứ bị cấm. Mà là CÁI CUỐI CÙNG. Từ tro tàn của bạo lực thứ phục sinh: sự hiến dâng.
SỰ HIẾN DÂNG- HÌNH ẢNH JEZUS- con đường cuối cùng để con người tự chịu trách nhiệm về mọi điều mình đã gây ra và tự giải thoát mình!
Sự hiến dâng không muốn nâng con người lên khỏi sự đau khổ của đời sống mà thay thế và bước vào sự sống cao hơn đời sống người. Bởi vậy nó tích cực. Mục đích của nó không phải niềm hạnh phúc, mà là thứ cao hơn đời sống người. Khi bạo lực đòi hỏi hạnh phúc từ cái giá của sự giải phóng đau khổ, thì sự hiến dâng tạo dựng cộng đồng bằng một sự sống từ lúc đó trở đi hết đau khổ. Sự hiến dâng tạo ra con đường tự do dẫn đến sự sống, thứ không là hạnh phúc, niềm vui, tri thức mà là thứ ngay trong bản thân nó chứa đựng hạnh phúc và niềm vui.
Sướng rơn vì bác Hamvas nói đúng quá: phúc lạc cũng thuộc về sự hỗn loạn của thời đại hư hoại này, và phúc lạc chỉ là điều ngược lại của sự sống hư hỏng. Không cần xây dựng phúc lạc mà cần tống cổ sự sống hư hỏng đi. Đúng quá đi mất. Dân ta chỉ thích đi”làm việc thiện” – một nhân danh để trốn tránh hiện thực- khi đầy rẫy cái cần phải thanh toán tận gốc rễ thì không làm (2014.05.19)
……..
Đột nhiên, đèn bỗng phụt tắt, phòng tối om, và từ máy chiếu phim, từ ánh sáng chói lòa chiếu lên màn ảnh NÓ- DỊCH GIẢ nhìn thấy từng ngày sống đã trải, qua từng câu chữ đã dịch. Không phải cuốn phim về quá trình làm việc (điều ấy chả có gì đáng nói) mà về trạng thái của nó trong cái môi trường lúc ấy.
Nó nhìn thấy nỗi xúc động, sự khổ sở cùng nỗi hân hoan không chia xẻ khi làm việc một mình. Lúc đó chỉ tinh thần nó đang sống như nó hình dung, còn thể xác nó đau khổ vì chịu đựng mọi đau buồn của số phận. Nhưng càng đau khổ bên ngoài, sức chịu đựng bên trong của nó càng mãnh liệt, như một thách thức vô hình cưỡng lại thứ tê liệt nào đó cũng vô hình nốt đang muốn giành giật nó. Nó vùi đầu vào cuốn sách…
Nó”uốn nắn” câu chữ theo ý nó, thỏa thuận ngầm cùng tác giả, mối quan hệ vô hình – thực ra nó đang đi lần theo một sợi chỉ tinh thần nào đó của Thượng đế thì đúng hơn, nối tác giả và dịch giả lại với nhau, để sau khi cuốn sách đã dịch xong và in ra, người đọc bắt gặp sợi chỉ tinh thần này dù đã chia nhánh, đã kéo dài hơn, bất tận…
Kỷ niệm „dịch thuật” ùa về, chính xác hơn: xem lại bộ phim về LÚC ẤY mình sống ra sao. Từ ký ức này có thể viết lại thành một cuốn sách riêng, ly kỳ chả kém gì cuốn dịch giả đã dịch.
Chẳng hạn: khi dịch đến tiểu luận Bản giao hưởng số 7 của Bethoven, lúc ấy Nó đang ở Hà nội, chưa được nửa năm sau cái tang chồng. Giữa một nơi mấy chục năm mới quay lại sống đời sống hàng ngày, với các mối quan hệ gia đình nội ngoại, họ hàng, bạn bè, trong một tình huống đứt đoạn, mơ hàn gắn, tìm cội nguồn, cố làm quen với nỗi kinh hoàng của kẻ sống đột ngột giáp mặt trực tiếp Thần Chết, cố quên đi …
Ôi những ngày sống khủng khiếp buồn, đau, rối loạn, tức ngực, buốt tim, vỡ óc, mọi thứ đều vô hướng, mờ sương. Duy nhất có một động tác nhất định không bỏ: tranh thủ bất cứ lúc nào, ngồi vào bàn và dịch, đọc, dịch, hóa thân vào tinh thần của Hamvas, lúc đó chắc bác Hamvas ngồi vào bàn thì đúng hơn đấy là một NHN. Vì lúc đó, ngự trị trong đầu nó chỉ là tiếng Hung và tư tưởng của Hamvas!
Không còn con đường nào khác để đi ra khỏi cơn khủng hoảng: phải HÓA THÂN.
Hôm nay đọc lại cuốn sách đã dịch trong những ngày khủng hoảng đó chợt nhìn thấy Nó, trong suốt, chỉ một tinh thần tập trung cao độ để quên đi tất cả, vì nó đâu thiết tha gì đời sống lúc ấy. Nó đã đạt được điều gì đó cao hơn chính nó…
Lạ kỳ, giờ đây đọc lại bỗng hiểu tại sao âm nhạc của Bethoven, Hamvas gọi là thứ âm nhạc titan, siêu nhân (übermusik): Đấy là một dimenzió cao hơn, là một thế gian không chỉ 3 chiều kích nữa, mà có rất nhiều chiều kích, chỉ có thể hiểu được thế gian ấy, nếu mi hiểu về tâm linh cổ của nhân loại.
Ngôn ngữ người bất lực trong chiều kích thứ tư, thứ năm, thứ sáu…vvv … này nếu nó không quay về với giá trị tương đồng của thế giới tinh thần Con Người Thượng Đế. Một thứ Người tồn tại trong tất cả các dimenzió của thế gian, chứ không phải thứ người què cụt ngày nay, bị cắt đi không thương tiếc mọi dấu ấn huyền bí của nó.
Hiểu ra điều này sẽ hiểu tại sao âm nhạc hiện đại lại chán ngấy như đời sống người hiện đại! Vì nhạc, lời ca hiện tại chỉ quanh quẩn rên rỉ ca ngợi, an ủi lẫn nhau, giả vờ cảm mến yêu nhau, một thứ hiện sinh giả tuyệt vời tạo ra từ những cảm xúc nông quèn của các cá nhân dương dương tự đắc, chỉ nhìn thấy cái TÔI của mình là to nhất. (!)
Khi Hamvas Béla nói về cái RIÊNG, cái cá nhân, cái duy nhất không trộn lẫn trong mọi sự đông đảo, ông bao giờ cũng nhắc nhở ta phải nhìn thấy cái vẹn toàn: MỘT – Vũ trụ- Thượng đế- SỰ SỐNG. Càng đọc và dịch ông sẽ càng hiểu ra phương pháp tiếp cận này. Hãy đi tiếp!
Sửa lại cuốn sách đã dịch để tái bản, nhìn thấy những ngày đã qua gắn liền với từng dòng chữ trong đó, thậm chí còn sực nhớ ra hẳn một ngày trọn vẹn khi dịch đến bài ấy, trang ấy, nội dung ấy…
Có chút tư lự. Tuyệt nhiên không buồn. Giờ đây nhớ về tất cả một cách tư lự, lắng sâu xuống hơn nữa, nhưng không buồn. Có lẽ (cái gọi là) nỗi buồn trong ta đã đi hết độ sâu của nó, bắt buộc phải biến thành chất khác trong dạng khác rồi.
(Budapest. 2014. június 19.)